Hình ảnh người du khách của Rosane Rose vẽ ra trong Bút ký Du Lịch của bà ta đăng ở báo Travel Time có vẻ hơi khó hiểu đối với một người thích du lịch nhưng lười phân tích như kẻ viết bài nầy. Nếu như có một người du khách đứng ở hành lang của tháp Eiffel nhìn xuống dòng sông Seine đang chảy qua thành phố Paris ở dưới kia thì trong mắt nhìn của người đó là cảnh một góc nhỏ của thủ đô Pháp và cảm nhận là thích thú hay ngán ngẩm mà thôi. Tại sao người đó lại biến thành “mắt nhìn và cảm nhận” của chính anh ta hay chị ta được kìa? Nếu đấy là hình ảnh tiêu biểu của một du khách đang thăm viếng
Paris
thì lại càng khó hiểu hơn. Nếu không có một buổi chiều lộng gió tháng Năm vừa qua, đứng trên đồi Vọng Cảnh, nhìn xuống ngã ba sông Hương ẩn hiện trong khói sóng và cảm nhận có một Huế trầm lặng đang lẩn khuất miên man sau màn sương xa tắp dưới kia...
Đồi Vọng Cảnh Huế không bao giờ là “một” đối với tôi cả. Hình ảnh và ý nghĩ về ngọn đồi quê hương ấy không ngừng thay đổi qua thời gian và hoàn cảnh tâm lý. Thuở học trò, được thầy, cô giáo dắt đi du ngoạn trên đồi Vọng Cảnh, tôi chỉ còn giữ kỷ niệm đã thuộc về ký ức qua đôi mắt tuổi thơ. Ở đó, có một cái “lô cốt” thời Pháp thuộc nằm trên đỉnh đồi cỏ tranh hoang sơ. Xa dưới kia là dòng sông Hương và cây xanh, xóm làng của Huế, chẳng có gì đặc biệt. Giấc mơ và tầm nhìn tuổi thơ là hoa bướm năng động; là những tổ chim trên cây xoài, cây ổi trái chín mọng vàng. Khi đến tuổi hẹn hò, hai đứa đạp xe đạp lén lên đồi Vọng Cảnh. Đỉnh đồi đầy trái sim, trái móc đầu sông ấy mờ nhạt và trở thành một dấu ấn viễn tưởng, hứa hẹn cho những gì chỉ “hiện thực” trong ước mơ. Tuổi sáu mươi, về lại Huế, đứng trên đồi Vọng Cảnh; cảnh và người mới thấy rõ nhau hơn. Khi sự hoài tưởng so sánh gợi lại những vùng sông núi nổi tiếng của xứ người đã đi qua, tôi mới thấy lạnh mình cảm nhận vẻ đẹp đầu nguồn của điểm ngắm thu tóm tầm nhìn bao quát về một quê hương khói sương như huyền thoại trải dài trước mắt. Ở đó có sông núi, xóm làng, ruộng vườn và con người lặng lẽ hòa quyện với thiên nhiên. Trên đỉnh đồi thông xanh còn trẻ, đứng sát mé bờ sông, để tầm nhìn xuôi dòng về Huế, tôi có cảm tưởng mình nhỏ dần như con kiến cỏ, rồi tan loãng và rơi vãi xuống ba nhánh sông dưới mé đồi đang hợp lưu trôi về biển cả. Trong mắt nhìn lúc đó, kẻ ngắm nhìn đang biến thành đối thể, phá hết rào dậu giữa Ta và Người để cảm nhận trực tiếp Người cũng là Ta. Vâng, tôi đã hiểu ý của Rosane Rose về sự trải nghiệm của tâm thức hòa quyện ngắm nhìn, về “điểm đạo” - là khi con người nhìn thiên nhiên, cảnh vật bằng đôi mắt của tâm hồn - tuyệt vời của văn hóa du lịch! Từ trên đỉnh đồi Vọng Cảnh, tôi miên man nghĩ đến một “nghệ thuật du lịch” của Việt và của Huế. Có dịp đi đường bộ từ La Mã tới Luân Đôn mới thấy được những nét đặc trưng của vành nôi văn hóa châu Âu. Đi từ Florida tới Seatle để thấy vòng đai văn hóa di dân hợp chủng Mỹ; từ Cà Mau tới Quảng Ninh để thấy nét văn hóa làng xã và thiên nhiên Việt . Những điểm nóng du lịch trong khung cảnh thiên nhiên Âu Mỹ thường có bàn tay nhào nặn và sự can thiệp của con người về điểm ngắm, góc độ và giới hạn. Thiên nhiên du lịch Việt Nam tương đối còn nhiều khung cảnh “trinh nguyên” vì kỹ thuật du lịch của Việt Nam phần lớn đang ở giai đoạn định hình trong một quá trình hình thành các tụ điểm du lịch gồm 5 bước: chọn lọc, định hình, xây dựng, quảng cáo - giới thiệu - và hoạt động. Đồi Vọng Cảnh đáng lẽ phải là một tụ điểm du lịch thu hút độc đáo nhất ở Huế do vị trí thiên nhiên, sông nước hữu tình. Vùng đỉnh đồi để ngắm cảnh nầy vẫn còn đang vắng bóng bàn tay khai phá và sự đầu tư du lịch của con người. Thế nhưng, một sự đầu tư dễ dãi ở dạng dịch vụ (service) “gần đâu xâu đó” theo kiểu mì ăn liền và quán ăn nhanh, điển hình cho thời đại máy móc thực dụng như khách sạn, hàng ăn, nhà khách... ở một vị trí kỳ tú như đồi Vọng Cảnh chắc chắn sẽ làm hỏng khung cảnh thiên nhiên có một không hai nầy của Huế. Rất may cho Huế và cho những điểm nóng lịch sử của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai là đồi Vọng Cảnh vẫn còn đang dọn mình đứng đợi những công trình nghệ thuật du lịch xứng đáng với tầm vóc mỹ thuật, truyền thống con người và lịch sử của từng miền đất nước. Từ trên đỉnh đồi Vọng Cảnh, tôi nhớ lại những quán trà, cà phê nghệ thuật nhiều nơi ở xứ người thường được đặt trong những khung cảnh thiên nhiên làm cho du khách cảm thấy thú vị đến ngẩn ngơ. Dòng tưởng tượng của tôi chưa trôi đi xa đã bắt gặp thực tế hình ảnh những chuyến thuyền du lịch đi ngược dòng Hương, hướng về đồi Vọng Cảnh. Tôi tự hỏi bâng quơ rằng, làm sao sông nước thanh tú của Huế lại phải chịu đựng cưu mang những chiếc “thuyền rồng” thiết kế theo mô thức vàng mã và cách trang trí hội hè đình đám như những cô gái quê thon thả, đẹp mặn mà mà phải mặc áo diễn tuồng trong ngày hội. Chính nghệ thuật đã nắm bắt được linh hồn của du lịch. Tôi đã từng được nghe một du khách đồng hành người Bắc Âu nói rằng, trong suốt chuyến du lịch hai tuần lễ của ông ta ở Âu Châu, có thể ông ta sẽ quên hết. Nhưng nếu ông còn nhớ được những đường gân trên tay của tượng David do thiên tài điêu khắc Michelangelo khắc họa từ thế kỷ 16 thì cũng đã thỏa mãn lắm rồi. Từ đó, tôi ước mơ một viễn ảnh nghệ thuật trên đồi Vọng Cảnh. Ước mơ rằng, ngoài nhà thờ công chúa Huyền Trân mới được xây dựng mang tính hương khói Huế xưa ở khu vực Chín Hầm sau vùng nghĩa trang thành phố Huế, sẽ có một tượng đài công chúa Huyền Trân mang tính nghệ thuật. Vóc dáng cuộc đời và lịch sử trĩu nặng tình tự núi sông của Huyền Trân xứng đáng một tượng đài có chiều cao của mỹ thuật và chiều sâu của nghệ thuật. Huế cần một điểm đứng phong quang có hồn, có phách cho một bậc anh thư - bảy trăm năm trước đã đổi mình lấy Huế - trên đỉnh đồi Vọng Cảnh. Và, Huế ơi! Thử tưởng tượng một ngày nào đó có những chiếc thuyền du lịch thiết kế riêng cho Huế - chỉ cần nhỏ nhắn, ít tốn kém như những chiếc thuyền gỗ “gondola” hình dáng thanh tú của Ý trong thành Venice mà thôi - sẽ chạy ngược dòng Hương từ cầu Trường Tiền ghé lên đồi Vọng Cảnh. Thuyền cặp bến, khách sẽ lên đồi. Nơi đó đã có sẵn một quán trà, cà phê nghệ thuật hợp bóng với tượng đài Huyền Trân. Khách nhấm trà trong sương khói và nhìn về một Huế xa xa nằm cuối dòng sông, lặng lẽ dưới chân đồi. Con người đã nói với nhau quá nhiều. Du lịch tương lai sẽ để cho thiên nhiên và tượng đài, nghệ thuật chuyển tải những thông điệp trực tiếp qua đôi mắt và cảm nhận của con người trong im lặng.
Napa
, đầu năm Tây 2008 T.K.Đ
(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)
|