Ai ra xứ Huế
Huyền sử Cống Chém
15:28 | 19/05/2011
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC(Kỷ niệm 95 năm ngày mất Thái Phiên - Trần Cao Vân: 17.5.1916 - 17.5.2011)                Bút ký
Huyền sử Cống Chém
Chí sĩ Trần Cao Vân - Ảnh: stu.edu.vn
Những năm thơ bé, thỉnh thoảng tôi theo mạ cuốc bộ từ Huế về quê nội Hương Cần (Hương Trà), đi qua vùng Cống Chém ở An Hòa um tùm cỏ dại, hoang liêu lau lách. Bao giờ đi qua đó, mạ tôi cũng bảo: -“Chỗ ni linh thiêng lắm, đi qua đây đừng nói chuyện, đừng ngó ngang ngó dọc, cúi mặt mà đi nghe con”. Tôi dạ mà lòng phân vân, hỏi thì mạ nói, chỗ ni xưa là pháp trường, chôn nhiều người tử tội, lắm oan hồn, người trần không được hỗn. Cống Chém trong mắt tôi ngày đó, những bãi lau cao quá đầu người, và gió bời bời thổi rạp, nghi ngút vi lô, sóng cỏ lau uốn lượn chạy dài đến tuyệt mù như thể đó là cái sân cỏ nhung khổng lồ mà trên đó, hàng vạn con ma trêu ngươi đang chơi trò đuổi bắt. Và khuất trong biển rừng cỏ lau, nhấp nhô cơ man hàng ngàn ngôi mộ, cỏ mọc xanh rờn, như những con mắt hoài nghi thẳm sâu của thân phận con người, thân phận nhân loại, thân phận vừa trêu người vừa nhọc nhằn của đứa con tạo hóa, cơ hồ là trò đùa trớ trêu định mệnh. Bằng bẵng hơn bốn mươi năm sau, tôi lại về đó, ngồi trong xóm làng An Hòa ở nhà ông Nguyễn Đăng Ngân, cũng một chiều gió bời bời như vương vấn chiều xưa ấy.

Gió lồng lộng thổi qua trước ngõ nhà khiến hàng cau trĩu rạp tàu lá xuống đến cận cái đống rơm vàng xuộm. Ông Ngân ngồi pha ấm trà thứ hai vạn rưỡi trong cuộc đời đang có tuổi dài tám mươi sáu năm, vừa nhấp trà vừa nhìn ra hàng gia tàu thằng con út tuổi U năm mươi vừa tỉa tót sáng nay, vừa ngó xa ra ngoài nữa. Tôi nhìn theo ánh mắt trải đời của người già, ánh mắt được che bởi hàng cương mi mà thời gian kịp phủ đắp lên đó mấy vỉa tầng lớp lớp sự kiện giờ đã bạc trắng rỗng dần chuyện đời.

- “Già rồi lẩn thẩn nhớ nhớ quên quên, nhưng mà có mấy chuyện không thể quên được mô cậu ơi” - ông Ngân nói, mắt nhìn ra bụi tre nằm ngoài đường Quốc lộ 1A. -“Cậu thấy bụi tre nớ không, xưa chừ không ai dám phá đó cậu, bởi sau khi xử trảm tử tội, chính quyền ngày xưa cho bêu đầu lên đọt tre để răn chúng”. À ra thế, hèn chi qua bao bể dâu biến cải, khu vực Cống Chém ngày nay khác xưa lắm rồi, bãi đất hoang với mênh mông nghĩa địa giờ đã mọc lên nhà xưởng, cây xăng, lớp lớp nhà ở và cả cái cống tròn xây bằng gạch xưa giờ cũng phủ bê tông nhựa dày cả mấy mét; vậy mà cái bụi tre bêu đầu vẫn cứ còn, như một lão đại nhân kiên gan tuế nguyệt quyết làm chứng cho một thưở bạo tàn... Đi theo Quốc lộ 1A từ Huế ra Bắc, xưa thời Pháp gọi là đường Thuộc địa số 1, qua khỏi cầu An Hòa, đổ dốc xuống khúc cua đi thêm đoạn nữa sẽ gặp một cây cầu nhỏ có biển đề “Cầu Chém”. Đây chính là Cống Chém ngày xưa, ngành giao thông đổi tên tùy tiện từ Cống Chém ra Cầu Chém (cũng như từng đổi tên cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương ra cầu Tràng Tiền, cầu Trừng Hà bắc qua phá Tam Giang ra cầu Trường Hà...) thì mặc kệ ngành giao thông, còn nhân dân thì vẫn kính cẩn gọi đúng tên của nó: Cống Chém. Chính tại nơi này, ngày xưa là pháp trường xử trảm những kẻ can án theo luật lệ hà khắc.

Một số tài liệu nói Huế xưa có bốn pháp trường: Cống Chém, An Hòa, Bãi Dâu, Giáo họ Thợ Đúc. Nhắc đến pháp trường Cống Chém có ý phân biệt với pháp trường An Hòa (Chợ An Hòa xưa và Trường tiểu học An Hòa ngày nay) quả thật là chưa chắc đúng, bởi khu vực Cống Chém và chợ An Hòa xưa nay vốn chỉ cách nhau vài trăm mét. Và có khi, việc xử tử còn tùy tiện tiến hành ngay tại khu vực đầu cầu An Hòa, như trường hợp xử Chân phước Micae Hồ Đình Huy ngày 22.5.1857, một đại quan của triều đình Tự Đức can tội truyền đạo trong cái thời bế quan tỏa cảng: “Nơi hành quyết đã định là Cống Chém nằm xa hơn nên sau khi qua cầu An Hòa, Hồ Đình Huy nói với viên sỹ quan:“Ngài đi xa làm chi cho khó nhọc, ở đây tôi có nhiều bạn bè quen biết, vị trí rất thuận tiện, hãy chém tôi ở đây”. Viên sỹ quan bằng lòng”. (Dẫn theo “Huế cổ, vết tích đạo và đời” của J.B.Roux). Vậy có thể xác định pháp trường Cống Chém chạy dọc từ đầu cầu An Hòa đến Trường tiểu học An Hòa nay, tức chợ An Hòa xưa. Bụi tre hiện còn phất phơ trong gió tuyệt mù, nằm chính giữa đoạn đường đó, vốn xưa lau lách hoang vu, gió vi vút rợn rợp người.

Chưa ai xác định pháp trường Cống Chém có từ khi nào? Có người mách trong Suvernir de Annam của Baille có một đoạn tả cảnh tử tội đưa ra pháp trường. Thế thôi. Nhưng lục tìm thì thấy trong sách của J.B.Roux nhắc đến pháp trường Cống Chém ngày 28.11.1835, triều Nguyễn tiến hành xử trảm Chân phước Anree Trông cũng vì can tội truyền đạo. Đó là cái ngày xưa nhất mà tôi còn tìm thấy được. Có lẽ Cống Chém đã hình thành từ trước đó nữa, để triều Nguyễn ra oai, thiết nghi quyền lực. Cũng tài liệu kể trên cho biết ở pháp trường Bãi Dâu vùng hạ lưu sông Hương, ngày xử trảm xưa nhất là 17.9.1798 thời Cảnh Thịnh, Tây Sơn.

Các trang viết hiện tồn ghi nhận ở Cống Chém ngày xưa, có hai hình thức xử trảm: chém đầu và xử giảo (thắt cổ bằng dây thừng). J.B.Roux có một đoạn thuật lại việc xử giảo Chân phước Giuse Lê Đăng Thị ngày 24.10.1860 như sau: “Tại nơi hành hình, cha Thanh ban phép xá giải cho ngài lần cuối. Kẻ can án quỳ gối và cầu nguyện một lúc đoạn hai người lính đặt ngài nằm sấp mặt xuống đất. Họ tròng một sợi dây vào cổ ngài rồi đứng hai bên, dùng hết sức mạnh kéo sợi dây đến độ dây phải đứt. Họ thay bằng sợi khác bền hơn và lại kéo cho đến khi vị chiến sĩ tốt lành của Đức Giêsu Kito trút hơi thở cuối cùng”. Một đoạn khác thuật chuyện xử trảm Chân phước Phanxicô Trung, cai đội, bị chém ngày 6.10.1858: “Bị dẫn đi hành hình từ sáng hôm ấy, Phanxicô Trung trải qua suốt ngày ở chợ An Hòa. Vào phút cuối, các quan đưa đơn thỉnh nguyện xin vua ân xá cho ngài. Phúc đáp của vua đến lúc 8 giờ tối. Tự Đức từ chối đơn thỉnh nguyện và ban lệnh hành quyết ngay lập tức cựu cai Trung và trừng phạt các quan đã dám can thiệp...”. Thủ cấp Cai đội Trung sau đó bị bêu ba ngày trên những cây tre nằm ngay bên Cống Chém.

Cõi nhân gian xưa quả có nhiều cách thức nhục hình tàn nhẫn mà chỉ có những đầu óc bạo tàn mê đắm việc phô diễn quyền lực mới nghĩ ra được: chém ngang lưng, đai diêm vương, tùng xẻo, đàn hương hình, dao rọc giấy, lột da, bánh xe công lý, tùng xẻo, ngũ mã phanh thây, hổ báo ăn thịt, thả tổ kiến, thả trôi sông, rỏ nước, cù cho chết, treo cổ (xiết thòng lọng, treo gãy cổ, treo dứt đầu), chôn sống, hơi ngạt, cuốc chết người, treo ngược, mổ bụng, chặt đầu, thiêu sống, bỏ đói, đóng đinh, đun sôi, ném đá, tiêm độc, xử bắn... Gần như các nền văn chương nhân loại đều có rất nhiều tác phẩm thể hiện sự tàn bạo của nhục hình. Các nhà văn tả chân kỹ lưỡng những nghệ thuật giết người kinh hoàng không chỉ nhằm tố cáo tội ác nhân loại, mà còn đặt ra vấn đề lớn hơn về tính phi lý của việc xử tử hình, chắc chắn khi viết những dòng về sự bạo tàn, các cây bút đã không ngừng run lên, uất nghẹn. Tạo hóa sinh ra con người để họ sống hài hòa với thiên nhiên, vui tình nhân ái chứ không phải để cam chịu nỗi khổ bị đồng loại đày đọa tinh thần và thể xác nhọc nhằn và đau đớn suốt mấy mươi năm. Và án tử hình, dù sao đi nữa, vẫn là bằng chứng cho một xã hội còn chưa toàn vẹn văn minh, chưa đủ niềm tin về một chữ NGƯỜI, và vì thế vẫn là một sự bất lực... Người dân Anh quốc gần đây đã sửng sốt kinh hoàng khi cuốn sách “Cây cầu tử thần của London” của Alan Brook và David Brandon hé lộ sự tàn bạo của nhà nước phong kiến ngày xưa. Người ta đã đọc nó với sự kinh hãi và run sợ, như thể nỗi kinh khiếp vẫn lẩn khuất không tan trong mù mịt sương mù. Ít nhất năm mươi ngàn phụ nữ và đàn ông đã bị hành hình tập thể một cách rùng rợn trong vòng sáu trăm năm ở địa điểm có tên gọi là Tyburn mà nay là góc phía bắc Công viên Hyde Park. Biển máu Tyburn không chỉ là nơi xử tử tập thể kinh khủng có khi con số đến hàng ngàn. Nhưng đáng sợ và man rợ nhất là các cách thức nhục hình của nó: sau khi bị treo cổ chết, tử tù còn bị hạ xuống để rạch bụng, chặt đầu, cắt thi thể. Thủ lĩnh cuộc nổi loạn của người Xcôt len còn bị cắt bộ phận sinh dục rồi thiêu cháy ngay trước mặt ông, còn đầu ông sau đó bị bêu trên cầu London. Hình thức nhục hình tàn nhẫn này đã được duy trì đến ba trăm năm mươi năm sau. Cũng ở đó, năm 1660, vua Charles II lên ngai vàng còn cho đào mồ kẻ thù và treo xác trên giá treo cổ Tyburn. Đây được xem là hành động man rợ nhất trong lịch sử nước Anh. Điều này cũng đã từng xảy ra ở Việt Nam, ngay tại Huế, việc đào mả hành hình kẻ thù đã chết, cho voi giày nữ tướng Bùi Thị Xuân, tứ mã phanh thây vua Quang Toản, tận truy tận diệt mọi dấu tích kẻ thù đã bại trận... là một vết tối của vương triều Nguyễn vốn để lại nhiều trang sử hiển hách. Sau này chính vua Gia Long cũng đã biết chỉnh sửa một số điều luật tàn khốc, như năm 1813, ban hành Hoàng Việt Luật Lệ, bãi bỏ các hình phạt lăng trì, tru di tam tộc, yêm (cắt bỏ bộ phận sinh dục). Nhà vua nói: “Chết lăng trì là một hình phạt ghê khiếp nhất trong các hình phạt, quy tắc của việc xử tội này là khoét thịt trên thân thể một tấc, róc cho đến khi hết thịt hoàn toàn. Ngày nay vĩnh viễn bỏ nhục hình ấy, vĩnh viễn bỏ”. Ở Trung Quốc, sự tàn bạo được thể hiện ghê rợn qua tiểu thuyết được viết gần đây của Mạc Ngôn: “Đàn hương hình”. Người đọc nghe trong câu hát xứ Cao Mật là âm hãi kinh hoàng của lục phủ ngũ tạng bị xuyên thủng bởi thanh gỗ hương vót nhọn. Trước đó ở trời Tây, nhà văn Nam Tư Ivo Andrich viết cuốn tiểu thuyết bất hủ “Cầu sông Drina” (giải Nobel 1961) cũng mô tả một kiểu “đàn hương hình” phương Tây: đóng cọc nhọn bịt sắt từ dưới hậu môn lên tận cổ nạn nhân khiến cho mũi nhọn nằm giữa xương sống và các bộ phận lục tạng mà nạn nhân vẫn không chết, phải chịu cảnh hấp hối đau đớn vài ngày sau mới có thể giải thoát. Ở Việt Nam, Nguyễn Tuân lưu lại cho hậu thế thiên bút ký để đời “Chém treo ngành”, lấy cảm hứng từ nhân vật Cụ Ngáo. Những ngày ấu thơ ở Huế, Nguyễn Tuân từng theo cha đi nếm hai mươi món muối kiểu cách xứ kinh kỳ, hẳn câu chuyện Cụ Ngáo không thể không đi vào tâm thức để rồi một ngày kia, trang văn Nguyễn xuất hiện một Bác Lê múa thanh quất ở vườn chuối tập luyện tuyệt kỹ chém treo ngành trước ngày xử trảm.

***

Cụ Ngáo là một nhân vật độc đáo của Cống Chém. Thế hệ sau không ai biết cụ Ngáo từ đâu sinh ra và mất khi nào, bởi cụ không gia đình, không bà con thân thuộc và cái nghề của cụ - chém đầu người khi còn trẻ và bán thịt chó lúc về già - vốn là hai cái nghề mà xứ sở có một ngàn ngôi chùa như Huế, khó có thể dung nhận. Lũ con nít thế hệ tôi khi lớn lên, người lớn vẫn còn đem cụ Ngáo ra dọa, bên cạnh ông Ba Bị và hàng trăm thứ ma mị đủ chủng loại khác. Và như thế, ít ra với riêng tôi, cụ Ngáo là một nhân vật bí hiểm, không gốc tích, không tướng mạo chân dung rõ ràng, nhưng lại là người không ai không biết. Không rõ cụ đến từ đâu, nhưng cụ Ngáo có nhà ở ngay dưới Thượng Thành, đường Tôn Nhơn xưa. Có người nói mỗi ngày, cụ rời nhà khi còn tinh mơ và trở về khi mặt trời đã tắt, không ai biết cụ đi đâu, làm gì cả ngày hôm đó, chỉ biết đều đặn ngày hai lượt, lũ chó ở đường Tôn Nhơn có hai lần sủa inh lên khi cụ đi và về bởi chúng vừa sợ hãi vừa tức tối căm thù cái mùi nguy hiểm đối với sinh tồn loài toát ra từ con người cụ. Nhưng có người tỉ mẫn hơn, theo dõi và biết được cụ cả ngày đi bắt chó chạy rong ngoài đường, chiều ghé bến Thương Bạc thưở đó cũng hoang vu lau cỏ để làm thịt. Khi tất cả sạch sẽ, cụ treo lủng lẳng con chó trắng phau sau lưng, băng qua cửa Thượng Tứ, theo đường Tôn Nhơn trở về nhà trong màn đêm nhá nhem. Ăn thịt và làm thịt chó bán nên người cụ nặng mùi, bởi thế cụ đi đến đâu, lũ chó cũng chạy theo khinh nhờn sủa vang trời. Lũ trẻ con trong Thành Nội ngày đó đặt cả vè, vừa chạy theo vừa đọc:

“Xách bót tờ phơi

Đi chơi cụ Ngáo

Ăn cháo không tiền

Cởi liền áo ra...”

Lũ con nít lại có câu đố, nhưng chắc là do người lớn bày cho:

“Cụ chi mặt mũi chưa nhìn

Mà nghe tiếng cụ giật mình thất kinh

Hồi xưa con nít bọn mình

Đem khóc dọa cụ nín ngay cấp kỳ?”

Biết là con nít ghẹo, cụ Ngáo vẫn tỉnh bơ như không nghe thấy, có lẽ cụ hối hận về cái nghề kiếm cơm mà mình trót vay. Cụ sống câm bặt và lầm lì, không rõ hành tung, gương mặt luôn tím tái lại, áo quần nhếch nhác. Cuối đời cụ trở nên điên loạn.

Vậy mà thời trai trẻ, khi cụ Ngáo còn sống bằng nghề đao phủ, triều đình và chính quyền Pháp thường thuê cụ ra pháp trường Cống Chém chém đầu tử tội, cụ cũng ăn vận oai phong ghê lắm chứ, áo quần bóng nhẩy, thắt đai đỏ ngang hông, tuốt gươm sáng loáng. Mỗi chiều trước khi được lệnh hôm sau thi hành án, cụ lại lên rừng chuối trên Thượng Thành tập chém cho ngót tay, vừa chém vừa ca hát, bao giờ cũng có câu: “Sống không thù nhau, chết không oán nhau”. Ấy là cụ luyện tuyệt kỹ “chém treo ngành” để ra ân cho tử tù. Chém treo ngành là chém sao cho đầu lìa khỏi cổ mà vẫn còn níu lại trên người bởi miếng da, như thể người ta bẻ một cành hoa, hoa rủ xuống mà vẫn còn dính cọng. Tối, cụ Ngáo lại biện một lễ cau trầu rượu xuống Miếu Âm Hồn ở ngã tư Anh Danh để xá tội. Và sáng hôm sau, cụ ra Cống Chém với cây đao triệt phận hành hình. Thường thì khi thi triển tuyệt kỷ chém treo ngành, người nhà nạn nhân phải lo lót cho đao phủ để việc vĩnh viễn ra đi còn được chút nhẹ nhàng. Cụ Ngáo cũng là người thường, không thể không theo thói thường của dân gian, nhận lấy phong bao hối lộ hầu mong được đáp ứng chút ân huệ sau cùng...

Trong mắt nhiều người ở Huế, cụ Ngáo là một nhân vật vừa đáng thương, vừa đáng sợ, vừa đáng khinh. Bình luận về việc điên loạn cuối đời của cụ Ngáo, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan kể rằng năm xưa trước 1975, ông có đọc một bút ký của Nguyễn Hoàng Đoan kể về những người làm nghề mổ xác lính Mỹ dưới hầm lạnh nơi cửa biển Đà Nẵng. Chuyện kể sau một thời gian mổ xác, tất cả những người tham gia đều lên cơn điên. Vậy nên nghề của cụ Ngáo dẫn đến việc điên loạn cuối đời là không lạ. Chợt nhận ra, cụ Ngáo đáng thương. Đáng sợ và đáng khinh phải là những kẻ gây nên các tội ác và những kẻ lạm dụng quyền lực, bày đặt nhân danh công lý để trừng phạt những oan tù, đó chính là những kẻ thật sự “ném đá dấu tay”. Người Anh có thành ngữ “Hangman’s wages” (đồng lương của người treo cổ) để nhắc đến đồng lương cao vọi của đao phủ. Còn cụ Ngáo, chắc đồng lương của cụ cũng chẳng được bao nhiêu nên phải sống ngắc ngoải lúc về già như thế. Ông Ngân An Hòa nói: “Hạng người đó quá khổ, làm ngày mô ăn ngày nớ, cực chẳng đã mới đi chém người chứ ai ưng.”

***

Cống Chém được nhiều người biết đến không chỉ vì đó là chốn pháp trường, có những tử tù, có cụ Ngáo, mà còn vì chính ở đó từng là nơi trảm quyết hai vị anh hùng dân tộc Thái Phiên và Trần Cao Vân. Trong ký ức mù sương của ông Ngân, những câu chuyện của cụ Mục Hoành - trẻ chăn trâu thời xưa ở xã Hương Sơ, tạo nên những ám ảnh không quên được. Mục Hoành lớn hơn ông Ngân cả một giáp, có kể rằng xưa trên cồn Mã Thí phía bên đường ray xe lửa ngay cạnh ga An Hòa bây giờ có cô ma ở truồng. Cô ma ở truồng đó chính là người con gái chăn trâu nghèo đến mức không có quần áo để mặc, dân làng khinh bỉ vô cùng. Một năm trời lụt lớn, đình làng bị ngập, làng phả trôi ra đồng và cô gái nhặt được, đem về hong khô, cha cô gái biết là đó là những tờ phả quý, lặng lẽ đem cất. Cô gái sau đó qua đời. Làng bên biết phả làng trôi bèn ỷ thế có người làm quan to đâm đơn giành đất. Ngày xử, làng tưởng mất đất đến nơi, may nhờ còn làng phả mà giữ được. Làng bèn trả ơn bằng cách cấp cho gia đình cô gái tám mẫu ruộng, lại sợ hãi lập miếu thờ cô. Miếu thiêng lắm, người làng dâng vật phẩm không dám đến gần miếu, chỉ đứng xa dâng vái bởi đến gần sợ lỡ thấy thần nữ đang ở truồng thì bị trách phạt, liên lụy mạng sống như chơi. Nhiều người trong những đêm trăng thấy dáng hình cô gái trong ngọc trắng ngà khoác mây làm áo, lướt trên những bông lau ở Cống Chém, chàng trai nào lỡ nhìn hơi tò mò, ngày một ngày hai sinh ra ngơ ngẩn, không biết có phải vì bởi thần nữ hành yêu?... Những chuyện như thế thì nhiều lắm.

Riêng chuyện về việc xử trảm hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân, ông Mục Hoành kể đi kể lại nhiều lần, hết sức kính trọng. Mục Hòanh nói tận mắt chứng kiến, lúc đó trời nắng to, khi hai vị anh hùng vừa bị hành quyết xong, có hai tia máu vọt lên trời đỏ thắm và lập tức có đám mây từ đâu kéo về che phủ khiến pháp trường im vắng, như thể đất trời động lòng khiến mây che chở. Chuyện của Mục Hoành vừa kể ấy, cả làng Đốc Sơ, làng An Vân, làng An Hòa cả vùng Huế ngày ấy một đồn trăm, trăm đồn nghìn, nghìn đồn vạn, ai cũng biết.

Tượng thờ nhà chí sĩ Thái Phiên - Ảnh: internet


Huế còn lưu lại nhiều dấu ấn của hai vị anh hùng dân tộc tao ngộ với nhau đến mức ngũ đồng: đồng ái quốc, đồng ý chí, đồng hương, đồng tử, đồng huyệt. Sen vẫn nở trong hồ Tịnh Tâm, nơi Thái Phiên, Trần Cao Vân hẹn gặp vua Duy Tân mưu bàn đại sự. Câu thơ hẹn gặp “Nước non gìn giữ cho ai đó/ Tổ quốc tồn vong có biết không?” của Thái Phiên mà vua Duy Tân đọc được, giật mình thu xếp cuộc gặp vẫn còn vang vọng đâu đó trên phiến đá đảo Bồng Lai. Những câu thơ mang tấc lòng đau đáu ấy, như những đóa sen kia, vẫn nở tinh khôi suốt tháng năm chốn Hậu Hồ. Theo kế hoạch, cuộc dấy nghĩa sẽ bắt đầu bằng tiếng súng hiệu từ cửa Nhà Đồ, rồi từ đồn Mang Cá, viên trung tá chỉ huy người Pháp gốc Đức Hamandas cùng ba ngàn lính Trung Kỳ nổi dậy mà nghĩa quân đã thuyết phục được, sẽ tiến vào Thành Nội. Tiếp đó lửa sẽ được đốt lên ở Thiên Mụ để báo ra Quảng Trị, Quảng Bình. Đuốc cũng sẽ được đốt ở Nam Chấn (đèo Hải Vân) để báo vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác cùng nhất tề vùng lên khởi nghĩa. Đáng tiếc là cơ mưu sớm bại lộ. Một nghĩa quân của Việt Nam Quang phục hội là Võ Huệ nhắn người em là Võ An: -“Đến ngày 3.5.1916 em về quê vì có biến”. Chỉ một câu nhắn hớ hênh ấy mà muôn dòng máu Việt anh hùng lại đổ, di hận thiên niên. Tại Huế, mật thám Pháp lấy được ấn tín vua Duy Tân bỏ lại trên bến Tòa Khâm, đầu cầu Trường Tiền, lập tức tìm vua và truy nã Thái Phiên, Trần Cao Vân. Bấy giờ hai ông đã đưa vua Duy Tân về làng Hà Trung dự tính sau đó rước thánh giá vào Quảng Nam tính chuyện lâu dài. Thế nhưng sáng 4.5, quân Pháp đã vây ráp được vua tôi ở chùa Ngũ Phong, thôn An Cựu, Tây Nam Huế. Việc bảo toàn chân mệnh thiên tử cho nhà vua yêu nước là tối quan trọng, bởi vậy hai ông gửi trọng thư cho quan Thượng thư bộ Học kiêm Cơ mật đại thần Hồ Đắc Trung, vốn là chỗ quen biết, rằng nên tìm cách luận đổ hết tội cho hai ông, lời lẽ bức thư muôn phần thống thiết: “Trung là ai? Nghĩa là ai?Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt/ Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc sơn hà còn đó, mong cho Thánh thượng sinh toàn”. Bấy giờ chính phủ bảo hộ buộc Nam triều phải đưa Hoàng đế Duy Tân ra trước Hội đồng Nhiếp chính để xử về tội “phản bội”. Hội đồng cử ông Hồ Đắc Trung làm chánh án. Thay vì tuyên án vua Duy Tân như bản án có sẵn của Pháp, Hồ Đắc Trung làm ngược lại, tuyên bố vua không có tội vì đang còn tuổi trẻ, nên bị nhóm nổi loạn xúi giục. Hành động sơ suất đó có lỗi với chính phủ bảo hộ nhưng không phạm tội với nhân dân. Quyết định của chánh án Hồ Đắc Trung đã lật ngược tình thế, đẩy chính phủ bảo hộ vào thế kẹt. Vua Duy Tân sau đó bị đày sang đảo Réunion, Châu Phi với tội danh “Vọng thính sàm ngôn khuynh nguy xã tắc”. Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu lên đoạn đầu đài đền nợ non sông. Sau này, vua Duy Tân nhắc đến sự kiện lịch sử đó: “ Nếu chúng tôi không có nghĩa cử cầm đầu cuộc vận động ấy thì dưới mắt của dân tộc tôi, tôi được coi như một kẻ hèn nhát, phản bội xứ sở, phản bội cha ông tôi”.

Thái Phiên, từ làng quê Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng, với tư tưởng “tiền chính hậu binh, khởi văn kế võ” (chuẩn bị chính trị và tài chính rồi phát động vũ trang), ông tổ chức nhiều hiệu buôn ở Tiên Phước, Hội An... vừa làm kinh tài, vừa làm liên lạc. Dân biến 1908, ngoài các chí sĩ đi đày như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân..., còn có Tiểu La, cánh tay phải của phong trào do Phan Bội Châu công khai lãnh đạo. Thái Phiên sau đó đã thay thế Tiểu La tiên sinh một cách xuất sắc trong việc lo kinh tài cho phong trào Đông Du. Ông trở thành gạch nối lịch sử giữa hai biến cố lớn: dân biến 1908 và khởi nghĩa Duy Tân 1916. Chí sỹ Trần Cao Vân, quê Điện Bàn, Quảng Nam, dấu chân vì nghĩa nước của ông trải khắp Trung Kỳ: Hội ngộ Võ Trứ ở Đá Bạc (Bình Định); khởi nghĩa Võ Trứ bất thành đi tù ở Phú Yên; nêu thuyết Trung Thiên Dịch bàn về con người mà Pháp phải run sợ bắt giam phòng xa; dân biến 1908 đi đày Côn Đảo sáu năm. Hành trạng của chí sĩ thật như thơ ông từng viết trước chùa Cổ Lâm “Chí quyết tang bồng vỗ bốn phương...”. Bão táp lịch sử đẩy Thái Phiên và Trần Cao Vân gặp nhau ngay sau khi Trần Cao Vân mãn hạn tù, để sau đó, cuộc hội kiến lịch sử với vua Duy Tân ngày 14.4.1916 diễn ra, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân bốn tuần sau đó.

Nhiều sách vở ghi lại, ngày 17.5.1916 (16.4 Bính Thìn), cách đây gần một thế kỷ, hai vị anh hùng Thái Phiên và Trần Cao Vân lên đoạn đầu đài, để lại niềm thương cảm sâu nặng cho cả dân tộc. Tương truyền, khi Thái Phiên vừa bị xử trảm xong, thân thể còn đầy máu, một thiếu phụ mặc đồ tang trắng lao ngay vào, ôm chặt lấy. Bị quân lính lôi kéo, người thiếu phụ xỏa ngay mái tóc dài của mình thấm đẫm dòng máu Thái Phiên anh hùng. Từ đó bà suốt mấy tháng liền không chịu tắm gội, máu đông từng mảng trong tóc. Bà chính là Nguyễn Thị Băng, vợ của chí sỹ Thái Phiên. Về sau bệnh nặng, bà không chịu uống thuốc chữa trị để thủ tiết theo chồng. Thi thể của Thái Phiên và Trần Cao Vân bị vùi lấp bên cồn Mả Thí. Cuối năm 1922, có một người phụ nữ khác là bà Trương Thị Dương người làng Hà Đồ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế cùng một số đồng chí, đã kín đáo tổ chức thiên di hai ông về chôn chung một nấm mộ bên chùa Từ Hiếu. Sở dĩ phải chôn chung bởi sau thời gian bảy năm, các thẻ tre định mồ đã thất lạc, không còn phân biệt đâu là mồ cụ Vân, đâu là mồ cụ Phiên. Năm 1993, khu mộ trên đồi này đã được cơ quan văn hóa chức trách chỉnh trang, có dựng thêm tấm bia lớn ghi hai dòng chữ Trần Cao Quý Công - Thái Duy Quý Công, mộ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Rất tiếc là quê quán cụ Trần Cao Vân, hồi đó người ta đã ghi sai thành làng Tư Phú, xã Đa Hoàng trong lúc đáng ra phải ghi là làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), đến nay vẫn còn như vậy, chưa sửa. Và khi xây lăng hai cụ, nghe đâu họ cũng quên không mời hai tộc Thái - Trần tham dự. Thôi các cụ ạ, hậu thế nhiều khi...

Xin trở lại với câu chuyện tên gọi cồn Mả Thí. Sở dĩ phải nhắc đến cồn Mả Thí bởi đó là địa danh chôn những người tử tội, có cả những anh hùng cách mạng mà lâu nay gần như không có sách vở nào nhắc tới. Những tử tù bị xử tử tại Cống Chém dưới triều Nguyễn hay chính quyền Pháp, đều lần lượt được người dân hai bên Cống Chém là làng Đốc Sơ, làng An Vân, làng An Hòa (thuộc xã Hương Sơ xưa, sau này trở thành phường An Hòa) chôn cất hai bên đường, tạo nên hai vạt mả gọi là cồn Mả Thí, tức nơi dành chôn cất những nấm mồ vô chủ. Về sau, cồn Mả Thí còn chôn cất các tử tù trong cuộc cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, nạn nhân chết đói năm 1945... Chốn chôn cất hàng ngàn thi hài ắt lắm oan hồn, vì vậy dân vùng Hương Sơ có câu “Nhất đĩa Trì A, nhì ma Cống Chém”. Vùng ruộng Trì A nằm trên cánh đồng cạnh đình làng An Hòa, phía sau xóm Tràu, chỉ cần thò chân xuống đỉa đã đeo kín trăm con. Ma Cống Chém cũng thế, nhiều không kể xiết, và đủ chủng loại, nhiều nhất là những con ma cụt đầu, vừa đi vừa tìm đầu hoảng hốt trong nhập nhoạng bóng đêm. Người dân quanh vùng sau đó lập miếu thờ những người tử tù bị xử quyết ngay bên đường thuộc địa phận làng An Hòa, phường An Hòa, thưở đó gọi là miếu Cống Chém.

Người Huế không quá sợ hãi những con ma cụt đầu ấy, mà có phần kính trọng, bởi phần lớn những tử tù xưa, là những người chí khí cách mạng quật cường. Dẫu cho chính quyền cũ ngăn cấm, người dân vẫn tìm cách chôn cất thi thể người bị hành quyết. Cho nên cồn Mả Thí về sau còn được gọi là khu nghĩa trũng. Đến nay, dân làng Đốc Sơ vẫn duy trì lệ chọn đúng ngày Giỗ Tổ Mồng Mười Tháng Ba làm ngày tảo mộ cồn Mả Thí. Gần đây, người dân quanh vùng đã tự phát gom góp tiền bạc trùng tu lại miếu Cống Chém, nâng cấp lên và đặt tên gọi mới là Di tích Đền An Hòa, phụng thỉnh anh hùng nghĩa sỹ. Bên trong ghi lại đôi câu đối đã có từ xưa: “An Hòa nghĩa trũng thiên thu tại/ Liệt sỹ anh hùng vạn đại tôn”. Báo chí khi viết về “di tích của lòng dân” nơi đây, có báo gọi là “ ngôi đàn - miếu nghĩa trũng”.

Ở đây, có vài việc quan trọng cần bàn. Thứ nhất, cho đến nay, khu vực Cống Chém, cồn Mả Thí - nơi chôn cất nhiều nghĩa sỹ yêu nước, trong đó có các chí sĩ, nghĩa binh tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916, các chiến sỹ cách mạng qua các thời kỳ kể từ Xô Viết Nghệ Tĩnh cho đến 1945... vẫn chưa được nhà nước lập hồ sơ công nhận di tích, dù rằng nó quá xứng đáng là một di tích cấp quốc gia. Vẫn còn đó dấu tích cồn Mả Thí, dấu tích bụi tre bêu đầu, dấu tích ngôi miếu xưa, đền thờ nay, và xa hơn chếch về vùng Từ Hiếu phía Tây Huế, còn ngôi mộ chung của Thái Phiên - Trân Cao Vân như một di tích liên quan đến Cống Chém. Thứ hai, chỉ riêng góc độ một phần hành xử pháp luật của triều Nguyễn, pháp trường Cống Chém không đáng để ngoài vòng hệ thống di tích phong kiến quá lâu như vậy. Thứ ba, tên gọi của các di tích liên quan đến Cống Chém, gọi là “miếu Cống Chém” hay “đền”, “đàn” An Hòa? Việc đó cũng cần được các nhà nghiên cứu vào cuộc. Thứ tư, nhiều người vẫn đang mong chờ một tấm bia di tích lịch sử được dựng ở nơi đây.

Từ thời điểm cuộc hành hình xưa nhất mà tôi đọc thấy - 1835, đến nay cũng gần hai trăm năm trôi qua, pháp trường Cống Chém đã tuyệt mù trong gió bụi. May mà vẫn còn đó những cây tre bêu đầu đang phất phơ trong gió, nó vẫn lặng im như hàng trăm năm trước, và nhiều khi tôi nửa đêm chợt tỉnh, lòng băn khoăn tự hỏi sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, vì lý do đô thị hóa, những cây tre bêu đầu biến mất. Lúc bấy giờ Cống Chém sẽ vĩnh viễn tuyệt mù, và những câu chuyện của ông Ngân trong buổi chiều đầy gió kia, đáng buồn thay, sẽ lại là một trong những câu chuyện vô tăm vô tích... Đó sẽ là điều có thể xảy ra ư?

Tiết sang hạ, 2011
H.Đ.T.N
(267/5-11)







Các bài mới
Các bài đã đăng