Ai ra xứ Huế
Cửa biển Tư Dung đang biến mất như thế nào?
08:55 | 03/10/2011
ĐỖ NAM Hàng trăm năm nay ai cũng biết đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 02 cửa thông ra biển: Thuận An và Tư Hiền.
Cửa biển Tư Dung đang biến mất như thế nào?
Cửa Tư Hiền đóng, dòng chảy từ đầm Cầu Hai qua cửa Tư Dung ra biển
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ngày xưa, cửa Tư Hiền có tên là Tư Dung và cũng không nằm ở vị trí hiện nay mà nằm dịch về phía Nam khoảng 5 cây số, ngay dưới chân núi Vinh Phong thuộc thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc. Chính cửa biển Tư Dung ấy, chứ không phải cửa Tư Hiền hiện nay, đã từng là một địa danh gắn liền với rất nhiều sự kiện lịch sử của vùng đất, được coi là một thắng cảnh nổi tiếng, xuất hiện không chỉ một lần trong thi ca. Thế mà cửa biển Tư Dung lịch sử ấy đang biến mất một cách lặng lẽ, gần như không được một ai để ý đến. Gần đây có dịp ghé qua cửa Tư Dung ngày xưa ấy, chúng tôi mới giật mình, vì không còn thấy một cửa biển rộng, sâu, tàu, thuyền ra vào tấp nập như đã từng được mô tả. Thay vào đó là một lạch triều vừa cạn, vừa hẹp không biết sẽ bị lấp hoàn toàn lúc nào. Đứng dưới chân núi Vinh Phong, nghĩ đến việc anh Đoàn Khoách nhớ cửa Tư Dung ngày xưa ấy, tưởng tượng nơi đây đang ào ạt sóng biển vỗ bờ mà viết bài “Thắng cảnh Tư Dung” rất hay trên trang www.nhohue.org[1], muốn gửi đến anh bài này để anh em cùng nhớ lại một địa danh lịch sử, một thắng cảnh hữu tình và cũng để anh và những người yêu Huế hình dung cửa biển Tư Dung ấy đang biến mất như thế nào. 

Theo sách xưa thì cửa biển Tư Dung nguyên thuộc nước Chiêm Thành, trải qua các triều đại, đã từng có nhiều tên gọi khác nhau: dân gian gọi là cửa Ông hay cửa Biện, nhà Lý gọi là cửa “Ô Long”, nhà Mạc gọi là cửa “Tư Khách”, từ thời vua Thiệu Trị (năm 1814), nhà Nguyễn gọi là cửa Tư Hiền. Nhưng cái tên được dùng lâu đời nhất, bắt đầu từ nhà Trần, đến nhà Lê, và một giai đoạn nhà Nguyễn, là cửa “Tư Dung”[2]. Dùng hai chữ “Tư Dung” để đặt tên cho cửa biển này, người Việt thời nhà Trần muốn đánh dấu cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm Thành và công chúa Việt, đồng thời cũng nhằm tưởng nhớ công ơn công chúa Huyền Trân đã hy sinh hạnh phúc cá nhân cho việc mở mang bờ cõi. Vua chúa các đời Lý, Trần như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Duệ Tông đều có đem quân qua đấy.

Ngày trước, cửa biển Tư Dung vốn sâu và rộng, các loại thuyền lớn nhỏ ra vào rất thuận tiện. Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn thì “cửa rộng 8 trượng, khi nước lên sâu 3 thước, khi nước ròng sâu 2 thước, nước cạn thuyền lớn đi không được. Xưa có đặt Thủ sở, có binh túc trực tuần phòng ngoài biển, phía tây cửa biển có hành cung Túy Vân sơn. Xưa kia, cửa nguyên ở chỗ gần núi, cách phía nam cửa bây giờ chừng 5 dặm[3]. Tương truyền, vài trăm năm trước đây, cửa cũ rất sâu rộng, ghe thuyền rất thuận tiện vào ra[4]. Có thể hình dung cửa biển Tư Dung ngày ấy qua 02 câu trong bài thơ “Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa bể Tư Dung)của vua Lê Thánh Tông (dịch nghĩa):

“Vách núi dựng đứng nhấp nhô, màu xanh ngăn ngắt,
Sóng vỗ ngất trời cuồn cuộn, sắc biếc trùng trùng”[5].

Nói đến cửa biển Tư Dung không thể không nhắc đến Đào Duy Từ, một danh nhân thời các chúa Nguyễn, người đã hết lời ca ngợi cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ của cửa biển này trong bài thơ lục bát dài tới 332 câu có tên là “Tư Dung vãn”

“Khéo ưa thay cảnh Tư Dung,
Cửa thâu bốn bể, nước thông trăm ngòi.
Trên thời tinh tú phân ngôi,
Đêm treo thỏ bạc, ngày soi ác vàng”[6].                 

Đầu năm Gia Long (năm 1811), do có lụt lớn, cửa biển Tư Dung bị lấp cạn dần, đồng thời hình thành một cửa biển mới ở vị trí của cửa biển Tư Hiền hiện nay. Đến năm 1823, cửa Tư Dung bị lấp cạn và hẹp đến mức thuyền lớn không đi qua được và người dân sống hai bên cửa có thể lội qua. Năm 1844 có lụt lớn, cửa bị lở rồi lại bồi... Chuyện lở, bồi, dịch chuyển cửa biển Tư Dung – Tư Hiền, tưởng là sau này các nhà khoa học đương đại mới quan tâm, hóa ra vua Minh Mạng trong tập thơ ký sự về cửa biển Tư Dung, có viết: “... dòng sông mở ra hay lấp lại là do tự thiên công, khó trông cậy ở sức người, huống chi nguyên ủy cửa biển này có quan hệ đến nước nhà, không phải như các cửa biển khác. Ngược dòng thời gian mà nhận xét, bản triều năm giáp ngọ (1774), vận nước gặp bước gian nan, binh Trịnh đến xâm phạm, thì vua Duệ Tông bản triều (Nguyễn Phúc Thuần) theo cảng ấy đi vào Nam. Hoàng khảo ta là Thế tổ Cao hoàng đế (Nguyễn Phúc Ánh) khi ấy mới mười ba tuổi cũng đồng thời đi hộ tùng theo chuyến ấy. Qua năm Tân Dậu (1801), đại binh khắc phục Thần kinh, cũng theo cửa này đi vào, mà lúc ấy trẫm đây mới mười một tuổi cũng đồng theo hộ giá. Vậy thì, cơ đắc thất, trước sau phảng phất giống nhau như có định số. Nay vô cớ mà cửa ấy khô cạn, có lẽ là ý trời mặc hộ cho bản triều, muốn củng cố cơ nghiệp muôn đời, mà không muốn để người ngoài dòm ngó vào, nên mới khiến cho cạn hẹp như thế...[7].

Đến năm Thiệu Trị (năm 1814), cửa Tư Dung được đổi tên thành cửa Tư Hiền. Triều Nguyễn thay tên Tư Dung thành Tư Hiền phải chăng là để chứng tỏ nơi đây không còn hiểm nguy với sóng to gió lớn, cũng như cơ nghiệp nhà Nguyễn đang được ý trời giúp cho muôn thuở bền vững.

Để khỏi nhầm lẫn, từ đây, chúng tôi gọi cửa biển ở vị trí cũ, ngay dưới chân núi Vinh Phong là cửa biển Tư Dung, còn cửa biển ở vị trí hiện nay là cửa Tư Hiền. Từ đó đến nay, hai cửa Tư Dung và Tư Hiền cứ đóng, mở, thay nhau đóng vai trò cửa biển chính ra vào đầm phá vào các năm 1811, 1823, 1844, 1853, 1859, 1879, 1990 và 1994[8]. Đã có các công trình nghiên cứu cơ chế bồi lấp cửa biển Tư Dung và cửa biển Tư Hiền và các nhà khoa học đã rút ra quy luật thống kê các thời điểm đóng mở các cửa biển. Người ta còn nhận thấy rằng chu kỳ đóng mở, thay thế vai trò lẩn nhau của các cửa biển này ngày càng ngắn lại[9]. Cũng có những thời kỳ tồn tại song song cả 02 cửa biển Tư Dung và Tư Hiền. Lúc này, người ta đã có phần lãng quên cái tên Tư Dung rất hay ho nên họ gọi là cửa biển Tư Hiền cũ và Tư Hiền mới[10]. 


Ảnh 1 là một mảnh ảnh vệ tinh Landsat chụp vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 9 năm 1999, thời điểm trước trận lụt lịch sử năm 1999, do đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế “Sử dụng tư liệu ảnh vệ tinh ALOS để giám sát tai biến môi trường tự nhiên vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế”, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển chủ trì, nghiệm thu năm 2001, cung cấp. Có thể thấy rõ trên ảnh núi Vinh Phong, cửa Tư Dung sát dưới chân núi Vinh Phong, và cửa Tư Hiền đang bị lấp hoàn toàn. Dòng chảy trao đổi nước giữa đầm Cầu Hai và biển qua cửa Tư Dung và qua một vụng nhỏ và hẹp thuộc địa phận hai xã Lộc Bình và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (xem ảnh 1). 

Đã có nhiều cố gắng của con người nhằm ổn định các cửa biển Tư Dung và Tư Hiền. Năm 1994, cửa Tư Hiền bị lấp, tàu thuyền không thể đi qua, còn cửa Tư Dung đã nhường vai trò cửa chính ra vào đầm phá cho cửa Tư Hiền, nên tàu thuyền phải đi vòng lên cửa Thuận An. Sở Thủy Lợi lúc đó đã huy động nhân lực và phương tiện nạo vét mở cửa Tư Hiền, nhưng sau một đêm, cửa gần như bị lấp cạn lại như cũ. Phương án trở lại cửa Tư Dung được xem xét. Hai công trình ngày ấy (mới 17 năm mà nghe đã quá xa xưa) đến nay vẫn còn dấu tích. Một là bờ kè bằng đá được xây dựng nhằm ổn định lạch nước chảy từ đầm Cầu Hai chảy về phía núi Vinh Phong (đường mũi tên màu vàng mảnh ở ảnh 1).

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Ảnh 2: Cửa biển Tư Hiền và cửa biển Tư Dung, ảnh SPOT 2009. TS Hồ Đình Duẩn cung cấp

Trận lụt 1999 đã thay đổi về cơ bản địa hình khu vực này. Lạch nước từ đầm Cầu Hai bị lấp kín, phần còn lại dài khoảng 05 km tạo thành một vụng nhỏ gần kín (ảnh 2). Vụng này trao đổi nước với biển qua một lạch triều nông và hẹp cách chân núi Vinh Phong khoảng 500 mét. Công trình thứ hai là mỏ hàn chống cát lấp cửa Tư Dung. Ngày nay có 01 lạch triều xuất hiện ngay vị trí mỏ hàn ngày trước và những viên đá xây mỏ hàn vẫn còn vương vãi từ chân sóng vào giữa lạch triều (ảnh 3).

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Ảnh 3: Lạch triều đóng vai trò trao đổi nước giữa vịnh Hải Bình với biển và ổn định độ mặn cho vực nước bên trong

Trong khi đó trên ảnh vệ tinh SPOT năm 2009 (ảnh 2) chúng ta có thể thấy cửa Tư Hiền rất rộng và phía cửa Tư Dung có một lạch triều hẹp và dấu tích của mỏ hàn được xây bằng đá.

Gần đây, chúng tôi về thôn Hải Bình, xã Lộc Bình khảo sát khu vực cửa Tư Dung thì thấy rằng cửa Tư Dung được ca ngợi ngày xưa, nay đã bị lấp cạn gần như hoàn toàn. Người dân địa phương đã tranh thủ trồng phi lao từ chân núi Vinh Phong đến tận lạch triều. Lạch triều đóng vai trò dòng chảy trao đổi nước với vực nước bên trong, chỗ rộng nhất khoảng 20 mét, chỗ sâu nhất khoảng 0,5 mét. Vì độ chênh triều ở khu vực bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế được xác định là nhỏ, đến mức có thể gọi là vô triều, nên lượng nước trao đổi với bên trong là không đáng kể. Vì không có dòng nước từ vụng chảy ra nên dòng cát từ ngoài biển đang tiếp tục theo dòng triều chảy vào, lấp cạn dần khu vực ngày trước là cửa Tu Dung. Có thể lạch triều có thể đã hẹp và cạn hơn so với độ sâu và bề rộng mà chúng tôi chứng kiến, vì trước đó không lâu lạch triều đã được một công ty Biển Ngọc nạo vét để đảm bảo cho nhu cầu trao đổi nước và ổn định độ mặn cho các loài thủy sản đang được nuôi trong vực nước.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Ảnh 4: Cửa Tư Dung ngày nay chỉ còn là một vạt phi lao và một dòng chảy hẹp thế này, không biết bao giờ sẽ đóng lại hoàn toàn (Ảnh Đỗ Nam)

Nhân câu chuyện về cửa biển Tư Dung, thấy cửa biển ngày xưa không còn nữa lòng những ngậm ngùi. Nhưng bù lại, nghe nói rằng người dân ở đây đang nuôi trai lấy ngọc, rằng mấy năm trước đã có mô hình thử nghiệm thành công của Sở Khoa học và Công nghệ, nay công ty Biển Ngọc tiếp tục đầu tư, hướng dẫn cho bà con nuôi, cấy, chăm sóc và sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu được, rằng chất lượng ngọc ở đây được đánh giá là tốt nhất trong cả nước nhờ các chất khoáng chứa trong nguồn nước của địa phương, rằng người dân thôn Hải Bình đang có khả năng đổi đời nhờ nghề nuôi trai ngọc… Nhưng chúng tôi cũng biết rằng còn rất nhiều khó khăn, mà khó khăn nhất là ổn định được môi trường sống cho con trai, mà môi trường sống ấy phụ thuộc cả vào thiên nhiên lẫn con người. Khắc phục khó khăn từ thiên nhiên đã khó, nhưng không khó bằng khắc phục những khó khăn do con người gây ra. Nếu chính quyền địa phương 02 xã Vinh Hiền và Lộc Bình, chính quyền huyện Phú Lộc và cả chính quyền tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ, cùng công ty Biển Ngọc biến khu vực cửa biển Tư Dung – Tư Hiền thành một làng nghề nuôi trai ngọc, thành một điểm đến du lịch thì có thể hy vọng rằng một ngày không xa viên ngọc trai Hải Bình có thể trở thành niềm tự hào của tất cả chúng ta.

Đ.N
(271/09-11)





[1]  Đoàn Khoách, Thắng cảnh Tư Dung, www.nhohue.org/thangcanhthiennhien.htm

[2]  Có nhiều tài liệu hiện nay vẫn gọi cửa Tư Dung là cửa “Lộc Thủy”. Cách gọi này là không chính xác, xuất phát từ địa danh “Lộc Thủy” trên bản đồ đặt sai vị trí. Lộc Thủy là địa danh của một xã nằm lệch về phía Nam hơn tính từ dãy núi Vinh Phong, nhưng các bản đồ cũ của Hoa Kỳ (sử dụng hệ quy chiếu UTM) đặt chữ “Lộc Thủy” ngay vị trí cửa Tư Dung. Các nhà nghiên cứu không phải là người địa phương đã không để ý nên mới có sự nhầm lẫn đáng tiếc trên. 

[3]  Tức là vị trí cửa biển Tư Hiền ngày nay

[4]  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí

[5]  Trích dẫn theo Đoàn Khoách

[6]  Trích dẫn theo Đoàn Khoách

[7]  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí

[8]  Nguyen Tien Lam, Marcel J. F. Stive, Henk Jan Verhagen, and Zheng Bing Wang,

Morphodynamics of Hue Tidal Inlets, Vietnam-Japan Estuary Workshop 2007 August 20th-24th, 2007, Ho Chi Minh City, Vietnam.

[9] Nguyễn Hữu Cử, Đặc điểm địa chất đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong Holoxen và phức hệ trùng lỗ chứa trong chúng, Luận án Phó tiến sĩ. 

[10]  Trần Thanh Tùng và Vũ Minh Cát, Nghiên cứu cơ chế gây bồi lấp cửa Tư Hiền ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Kỷ yếu đầm phá, Huế 2005.

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng