Ai ra xứ Huế
Đồi núi đã xanh tươi
15:25 | 17/01/2012

HỮU THU & BẢO HÂN

Đường 12 được giới hạn từ ngã ba Tuần lên Bốt Đỏ. Chỉ kéo dài hơn 50 cây số nhưng đây là quãng đường không dễ vượt qua, bởi trước năm 1990, muốn lên A Lưới, từ Huế xe phải chuyển hướng ra Đông Hà, ngược đường 9, đến cầu Đakrong rẽ trái rồi men theo đường Hồ Chí Minh để vào. Thuở đó, đường xa, xe xấu nên cán bộ được phân công lên huyện vùng cao này ai cũng ái ngại và bỏ cuộc.

Đồi núi đã xanh tươi
Huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) Ảnh: internet

Năm 1990, bằng nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, đường 12 được khai thông và mang tên mới: quốc lộ 49.

Dù là quốc lộ, nhưng trên thực tế vóc dáng của con đường này còn thua xa nhiều tuyến đường do địa phương quản lý, bởi hẹp và quanh co, mùa mưa luôn phải đối mặt với vấn nạn: lở núi, lấp đường. Ông Phan Vinh, cựu Bí thư Huyện ủy A Lưới của những năm đầu 90 không ít phen phải xắn quần về Huế dự họp hoặc tổ chức gùi hàng cứu trợ cho dân khi bị tắc đường. Thấu hiểu nỗi khổ của cảnh núi cách suối ngăn nên hễ có dịp là ông tìm cách đề xuất nâng cấp tuyến đường huyết mạch này, vì đây là điều kiện cần để giúp bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi và số bà con miền xuôi đi kinh tế mới cải thiện cuộc sống và giữ yên vùng biên của Tổ quốc.

Trên đất nước ta chưa có tuyến đường nào như ở tuyến đường này mà địa danh mới nghe đã kinh hãi như Khe Điên, Suối Máu, dốc Mạ Ơi!... Đem thắc mắc này hỏi chuyện nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhân chuyến ông trở lại vùng đồi tây nam Huế thắp hương cho đồng đội mới biết, năm 1967 Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 304 của ông được điều về Quân khu Trị Thiên để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công vào Huế Xuân 68. Tại mặt trận này, Trung đoàn trưởng Khảm hy sinh. Với tư cách Chính ủy, ông sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tổ chức chiến đấu và góp phần cùng các lực lượng giữ Huế 26 ngày đêm. Các tên gọi đó là do binh sĩ của từ hai phía đặt để chỉ sự khốc liệt của cuộc chiến, ghi lại những nơi đã từng xảy ra những cuộc đụng độ lớn nhằm giành giật từng vị trí trên tuyến đường này.

Sau Xuân 68 ta rút quân ra khỏi Huế. Mặc dù bị địch “quần” cho tơi tả và bị thương vong khá lớn nhưng những người lãnh đạo thời bấy giờ đã không dám phản ánh sự thật để cuối cùng nhận lệnh tham gia tổng công kích đợt 2 (5/1968). Bối cảnh chiến trường lúc đó không thuận như lúc chuẩn bị đánh Huế đợt 1 (xuân 68) nên khi địch phản kích, ta mất vùng giáp ranh, cuối cùng phải chuyển quân lên tận đất bạn nên cán bộ thường đùa: “Thừa Thiên là thừa trời thiếu đất!”.

Từ giữa năm 1968 cho đến mãi đến năm 1971 là thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất của chiến trường Trị Thiên. Giai đoạn ấy mỗi người được phát chỉ nửa lon gạo, số lương thực còn lại phải tự túc. Lá sắn non và môn thục đã trở thành món ăn thường trực, trong khi máy bay B.52 ngày cũng như đêm không ngớt rải bom. Đúng là “ Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình.” Chính đây là giai đoạn mà ta và địch giành nhau từng cứ điểm trên tuyến đường 12.

Để bảo vệ Huế và các căn cứ quân sự, ngoài bom đạn, quân đội Mỹ đã cho rải chất độc hoá học. Trước 1968 từ Bình Điền lên Bốt Đỏ là rừng xanh, nhưng đạn bom và thuốc khai quang của Mỹ đã cơ bản biến hai bên tuyến đường này thành núi hoang và đồi trọc. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, thỉnh thoảng đạn bom phát nổ gây nên những đám cháy dữ dội không thể nào dập tắt nổi. Từ dốc Kim Quy trở vào thỉnh thoảng ta còn bắt gặp trơ trọi vài gốc cây hoặc lác đác chết đứng trên đồi cao, đủ để nhà thơ Tố Hữu vẽ nên cảnh thê thiết của “chim kêu cành cụt chang chang nắng chiều!”.

Năm 1995 Mỹ bỏ bao vây cấm vận và thiết lập quan hệ với Việt Nam. Như để bày tỏ thiện chí, Đoàn Hội cựu chiến binh Mỹ đã trao cho Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn tấm bản đồ mà quân đội Mỹ đã nhiều lần rải chất độc màu da cam, để lại di chứng nặng nề không dễ khắc phục cho Thừa Thiên Huế (tấm đồ đó hiện còn lưu giữ ở Tỉnh Hội Cựu chiến binh).

Tuyến quốc lộ 1 chạy dài từ Phong Điền đến Phú Lộc vô tình đã biến dải đất phía tây của Thừa Thiên Huế trở thành vùng tiếp giáp với đồi núi. Trong chiến tranh, điểm tiếp giáp này thường gọi là vùng giáp ranh, nó không chỉ phân định về không gian mà cả quy ước về thời gian: cán bộ, bộ đội từ rừng muốn về đồng bằng thường chọn lúc hoàng hôn để xuất quân và từ đồng bằng muốn trở lại căn cứ phải tính toán làm sao để kịp vào rừng trước khi bình minh xuất hiện. Vì phạm quy ước đó, cái chết có thể ập tới vì sự cơ động của máy bay trực thăng và đạn pháo của địch từ các căn cứ quân sự Đồng Lâm, Tứ Hạ, Ấp 5, Phú Bài, La Sơn, Phú Lộc bất cứ lúc nào cũng cấp tập nhả đạn. Với sự phô trương sức mạnh quân sự, Mỹ đã biến vùng giáp ranh thành vùng trắng với những dãy đồi hoang đầy rẫy bom mìn.

Sau 1975, thay bằng trồng cây gây rừng nhằm cải thiện môi sinh, môi trường, vùng đất này lại được tổ chức khai hoang để trồng sắn cứu đói. Cán bộ trồng, nhân dân trồng. Từ những vạt đất bao quanh Đại nội cho đến khu vực các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn chi chít sắn. Trồng ở gò đồi chưa đủ, có địa phương còn tổ chức lực lượng xung kích vào tận rừng xanh triệt hạ những gốc cây già… chỉ để trồng sắn. Sự ngây thơ đó được cho là để đối phó với bao vây cấm vận chứ chưa ai dám công khai chỉ ra đó là hậu quả của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ mà tác hại là những đứa trẻ sinh ra trên đất nước của lúa gạo lại thèm cơm, dẫn đến còi cọt suy sinh dưỡng cả một thế hệ. Hàng vạn gia đình tiếp tục ly tán,  đa số cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, tạo cớ để các thế lực thù địch bôi nhọ, xuyên tạc. Nếu không có Đại hội ĐỔI MỚI của Đảng thì không biết bao giờ thảm trạng này mới chấm dứt.

 Bình Điền là vùng kinh tế mới đầu tiên của Huế. Nó tọa lạc ven đường 12, cách thành phố chừng 15 cây số đường chim bay về phía tây và nằm ở mạn bắc của nhánh sông Hữu Trạch. Để mưu sinh, ngoài lập vườn, trồng sắn, chăn nuôi, bà con phải ngược thượng nguồn Hữu Trạch để khai thác lâm sản (chủ yếu là gỗ lậu), bộ phận còn lại gia nhập đội quân rà tìm phế liệu chiến tranh. Không ít thảm cảnh xảy ra vì tai nạn bom mìn. Hàng hóa trưng bày dọc tuyến đường này, nhất là từ khu vực Bia Hem lên Khe Điên chỉ có hai thứ: củi và các bãi phế liệu chiến tranh. Nhiều gia đình “chịu không nổi” đã trở lại Huế hoặc tìm đường vào Nam tìm kế mưu sinh.

Vùng gò đồi phía tây Thừa Thiên Huế, lúc ấy cây sắn tuy không còn độc chiếm như trước nhưng nó vẫn là nguồn lương thực, chủ yếu dành cho chăn nuôi hoặc được thu gom đem về chế biến, hình thành các làng nghề tự phát ở Truồi, Nong, Thủy Dương, Bình Điền, Tứ Hạ, Phong Điền ...

Giữa năm 1989 tỉnh Bình Trị Thiên chia ba, anh Phan Tấn Thanh trở thành Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu của Thừa Thiên Huế. Cũng cần nói ngay xuất khẩu thời ấy muốn thu ngoại tệ mạnh (USD) chủ yếu dựa vào hai nguồn: trầm và phế liệu chiến tranh. Các mặt hàng xuất cho Đông Âu (thường là hàng đổi hàng, quy bằng đồng RUP) như thêu, đồ gỗ, mây tre đan, ớt, thủy sản lần hồi phá sản. Bảng quyết toán hàng năm chỉ xuất hiện kim ngạch xuất khẩu được tính bằng USD chứ không còn RUP/USD như trước.

Khi thế độc quyền bị mất và nguồn xuất cho thị trường Đông Âu bị thu hẹp, anh Phan Tấn Thanh cố xoay xở, trong đó có việc tìm đối tác từ Thái Lan để liên doanh xây dựng nhà máy chế biến Tapioca (bây giờ gọi là chế biến tinh bột sắn). Trước khi trực tiếp kiểm tra thực địa, phía đối tác yêu cầu anh Thanh phải cung cấp cho họ hình ảnh về vùng nguyên liệu, nhờ thế chúng tôi mới có dịp trở lại Nam Đông, Bình Điền, Phong Mỹ, Xuân Lộc ghi hình. Đúng là sau cao trào “nhà nhà trồng màu”, trên thực tế sắn đã lụi tàn và nhiều nơi chỉ còn là thứ trồng để ăn chơi hoặc chỉ đủ cho chăn nuôi, không đủ tạo ra hàng hóa.

Dự án Tapioca thất bại. Nhưng trồng cây gì thay thế cây sắn vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Một lần trò chuyện với cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng, ông hoan hỷ loan báo: “Mình vừa được anh Nguyễn Chí Vu cho biết là đã tiếp xúc được với Tập đoàn KCP của Ấn Độ. Bà chủ tịch Tập đoàn hứa sẽ đến Huế”. (Ông Nguyễn Chí Vu quê ở Thừa Thiên Huế, sau Cách mạng Tháng Tám cùng hoạt động trong đội trinh sát thiếu niên Huế với ông Phan Thắng và nhà văn Phùng Quán... Sau khi rời cương vị Bộ trưởng, ông Nguyễn Chí Vu được cử làm Đại sứ tại Ấn Độ.Vì nghĩa tình, ông là người đứng ra thu xếp chuyện này). Chừng một tháng sau, đúng hẹn, bà Chủ tịch Tập đoàn KCP đến Huế. Ông Vũ Thắng tiếp bà tại khách sạn Hương Giang. Không rõ bằng cách nào, ông đã thuyết phục được bà Chủ tịch, để sau đó KCP quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đường tại xã Phong An, huyện Phong Điền.

Tưởng chương trình mía đường sẽ “đánh thức” được tiềm năng, thế mạnh vùng đồi nhưng chỉ sau vài vụ nó thất bại, mặc dù phía chủ nhà rất quan tâm mà bằng chứng là từ chương trình này rất nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nối quốc lộ, tỉnh lộ đã được mở, hàng chục lớp tập huấn đã được triển khai, giống mía K94 được đưa về, chi nhánh ngân hàng nông nghiệp các huyện mở hầu bao và quan trọng hơn, thông qua thực tế người dân đã tập làm quen với khái niệm sản xuất hàng hóa. Chỉ tiếc, do nghiên cứu chưa kỹ về địa hình và chưa lường hết diễn biến phức tạp của thời tiết nên chương trình đã thất bại, bởi mùa hè không có nước tưới, mía cháy còn mùa mưa cũng là lúc thu hoạch: chữ đường thấp, việc vận chuyển gặp khó khăn. Kết cục, Tập đoàn KCP đành di dời nhà máy vào Phú Yên. 4.000 ha mía theo đó lụi tàn.

Không thể để đất bỏ hoang, những năm sau đó Thừa Thiên Huế tiến hành trồng dứa mà mục tiêu hướng tới là đóng hộp xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ rút kinh nghiệm từ thất bại của chương trình mía đường nên việc trồng dứa không diễn ra ồ ạt và chỉ trồng thí điểm ở vài nơi như ở Nam Đông, Phú Lộc. Cuối cùng cây dứa không được nồng đón, vì không hiệu quả.

Dông dài như thế để thấy: sự đời nói thì dễ nhưng đến khi bắt tay làm mới thấy khó.

Ai đó đã từng nhận xét, Thừa Thiên Huế thứ gì cũng có. Lấy tuyến quốc lộ I làm trục phân chia: phía đông có ruộng, đồi cát ven biển và đầm phá; phía tây trùng điệp núi đồi, nơi phát xuất của nhiều dòng sông mà Hương Giang từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng của thi ca và âm nhạc. Tổng hoà cảnh quan ấy thì “vẻ đẹp Huế không nơi nào có được” là hiển nhiên, nhưng đã mấy ai tự hỏi, trong những loại tài nguyên ấy, thứ nào sẽ giúp tạo ra hàng hóa hay chỉ là mớ hàng xén, món này một ít, món kia một ít.

Sự đời, được cái này thường mất cái khác, bởi trong thuận đã có nghịch mà chi phối bao trùm là yếu tố địa hình và thời tiết. Với 2/3 diện tích tự nhiên là đồi núi, kèm theo đó là sông ngòi và đầm phá, chỉ riêng việc chống chia cắt giữa các vùng (như ở đầm phá) cũng phải mất 20 năm mới cơ bản hoàn thành. Hãy nhìn về đầm phá. Đúng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích lớn nhất vùng Đông Nam Á và là “Viên ngọc sinh học quý giá”- nơi có nguồn cá, tôm được liệt vào loại thượng hảo hạng, nhưng thử hỏi từ 22.000 ha mặt nước lợ này, mỗi năm ngư dân khai thác được bao nhiêu, năm thuận may lắm cũng không vượt qua con số 3.000 tấn, một sản lượng chỉ vừa đủ chu cấp để Huế có thêm bữa cơm ngon và đãi khách, chứ đâu có đủ mà xuất khẩu.

Còn nuôi tôm ư? Xin hãy hỏi chị Thúy Hồng, kỹ sư thủy sản. Là trợ lý đắc lực của cựu Giám đốc Sở thủy sản, AHLĐ đã quá cố Phan Thế Phương, chị Thuý Hồng đã gắn bó với sự nghiệp nuôi tôm ở ven phá Tam Giang từ thuở còn chưa chia tỉnh. Thời son trẻ chị đã cùng chồng lặn lội về tận Quảng Công, Vinh Hưng hoặc Phú Xuân để truyền nghề. Phá Tam Giang rộng dài là thế nhưng hầu như nơi nào nuôi tôm là họ có mặt, thêm vào đó các địa phương đã hỗ trợ hết mình từ đất đai đến vốn liếng giúp dân làm ăn.

Là địa phương ở khu vực Bắc miền Trung đi đầu trên lĩnh vực này, vậy mà qua hơn 20 năm, diện tích nuôi tôm ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chỉ xấp xỉ 3.000 ha, sản lượng rất thấp: năm 2011 ngót nghét chỉ thu được hơn 1 vạn tấn. Với hơn 2/3 diện tích tôm nuôi ở vùng hạ lưu, chủ yếu là theo hình thức quảng canh nên để hạn chế rủi ro, gần đây bà con đã tìm giải pháp thích nghi, đó là nuôi xen ghép tôm với các loài thủy sản khác. Trừ cá vượt (hay còn gọi là cá chẻm) chủ động được nguồn giống còn các loại khác chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên đem ươm, nuôi nên trên thực tế sản lượng không nhiều.

Có nhiều cách lý giải về việc nuôi tôm không hiệu quả, nhưng theo người viết có lẽ địa hình và thời tiết là nguyên nhân chính. Minh chứng rõ nhất là vào tối thứ 2 hàng tuần, trong mục “Bạn cần biết” trên VTV Huế, thế nào chị Thúy Hồng cũng cho đọc ra rả về độ mặn và kèm theo đó là các loại dịch bệnh để khuyến cáo bà con nuôi tôm. Không ở đâu như ở đầm phá này, chỉ trong vòng một tháng mà độ mặn liên tục thay đổi: lúc thì quá cao lúc thì quá thấp, bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào mưa - nắng và triều cường qua hai cửa biển Tư Hiền và Thuận An. Có những năm cửa Tư Hiền bị lấp, gặp một trận mưa to, 1 vạn ha mặt nước lợ của đầm Cầu Hai bị ngọt hóa. Người nuôi tôm đành bán đổ bán tháo, nếu không kịp sẽ trắng tay.

Với tính chất không ổn định đó, đủ thấy nghề nuôi tôm, nuôi cá vất vả như thế nào, đó là chưa kể nguồn nước bị ô nhiễm, mùa hè thường gây nên dịch bệnh. Nghề nuôi đã bấp bênh mà còn gây nên nạn nò sáo giăng như mắc cửi. Mấy năm gần đây nhờ kiên quyết sắp xếp lại nên nò sáo giảm đi và lượng cá tôm tự nhiên đã một nhiều hơn.

Còn vùng gò đồi? Tuy chạy dài từ Phong Điền đến tận Phú Lộc nhưng trên thực tế nó là dải đất hẹp. Đoạn từ Hương Thủy ra Phong Điền dù khá hơn nhưng xe chỉ chạy chưa đầy chục cây số là gặp núi. Không có vùng trung du làm đệm như ở Thanh-Nghệ nên nó là nguồn căn để “trời hành cơn lụt mỗi năm” mà trận lũ lịch sử năm 1999 như là hệ quả tất yếu của môi trường bị suy thoái nghiêm trọng.

Đến lúc này, câu hỏi: “Trồng cây gì” cho phù hợp đã trở thành thách thức và mối lo thật sự.

*

Festival đầu tiên Huế làm hồng tươi sắc màu văn hoá hội nhập nhưng đó đây nền kinh tế vẫn xác xơ. Giữa năm 2.000, trên chuyến xe ngược tuyến đường 49, hôm ấy có Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn. Khách mời tháp tùng là cựu Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng. Xe dừng ở đỉnh dốc Kim Quy, nơi mà những người đi khai thác mây chọn để dựng lán trại. Giữa nắng hè oi ả, cố tìm một cây xanh để trò chuyện nhưng tứ bề khô khốc. Không kìm nén được, cựu Bí thư Tỉnh ủy mở lời với Phó Thủ tướng:

- Ba nhiệm kỳ làm bí thư, dù đã cố gắng nhưng tôi thất bại. Chuyện gò đồi ở vùng đất này còn nhức nhối lắm. Anh xem có cách gì sớm giúp chúng tôi phủ xanh cho được đồi hoang.

Là cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, được Thủ tướng phân công theo dõi lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn sốt sắng:

- Hoang hóa, cỏ tranh dày đặc kiểu này chỉ có nước đốt xong rồi dùng máy bay để gieo hạt mà thôi.

Nhưng đốt thế nào, gieo giống gì, trồng cây gì thì ông không quyết được, đành quay sang hỏi Bí thư Hồ Xuân Mãn: theo anh thì nên trồng cây gì? Không đắn đo, anh Hồ Xuân Mãn trả lời:

- Dạ, cây thích hợp.

Phó Thủ tướng truy vấn:

- Cây thích hợp là cây gì?

-Thưa anh, nghĩa là thấy cây gì thích hợp thì trồng, bởi chúng tôi đã trả giá quá nhiều rồi nhưng không thành công, nào là cọ dầu, tiêu, điều, trẩu rồi mía, dứa… cây gì cũng không thích hợp và không mang lại hiệu quả.

Phó Thủ tướng ngẫm ngợi và thốt lên: - À, ra thế!

Cũng cần nói thêm, thời kỳ này tướng Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Đặc phái viên của Thủ tướng chuyên theo dõi chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ. Đến đâu ông cũng phát động trồng cây keo lai để thay thế cho cây bạch đàn nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Lý lẽ ông đưa ra đơn giản nhưng dễ thuyết phục: loại cây này dễ trồng, mau lớn và cải tạo được đất.

Ngoài chương trình của Chính phủ, trước đó, ngành lâm nghiệp địa phương đã “bật đèn xanh” cho một số đơn vị trực thuộc như Hạt kiểm lâm Phú Lộc, Lâm trường Nam Đông, Nam Hoà…liên kết với các địa phương khác tham gia trồng rừng nguyên liệu cung cấp cho đối tác của Nhật Bản, dân trồng rừng quen gọi là Vinachip. Có thể xem đây là mô hình trồng rừng kinh tế đầu tiên ở miền Trung mà Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương đi đầu. Và Hạt kiểm lâm Phú Lộc sau đó trở thành điển hình của việc tổ chức, vận động nhân dân tham gia trồng rừng.

Qua nhiều lần trò chuyện cũng như theo dõi những việc anh làm, tôi thấy Võ Văn Dự là mẫu người của hành động. Để tạo ra sản phẩm, Hạt trưởng Võ Văn Dự đã bàn với Công đoàn đứng ra vay vốn, xin nhà nước giao đất, tổ chức tập huấn nghiệp vụ rồi mới bắt tay làm và làm đúng quy trình với mong muốn là tạo nên hạt nhân - hình mẫu để lan toả trong dân. Từ những nơi này, Hạt nhận tư vấn cho người dân cách thức để xin giao đất, vay vốn, mua giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chỉ cho nơi tiêu thụ, nhờ vậy chỉ trong vòng 15 năm, Phú Lộc đã có trên 15.000 ha rừng kinh tế, một trong những nhân tố để Nhà nước tuyên dương Hạt kiểm lâm Phú Lộc là đơn vị AHLĐ trong thời kỳ đổi mới.

Sau giải phóng, Nguyễn Văn Tùy là kế toán của một tổ hợp tác thêu ren, làm chổi đót ở Lộc Bổn. Tổ hợp tác giải thể, anh bôn ba sang tận Lào kiếm ăn. Thất bại, Tùy trở về. Hoàn cảnh biến anh trở thành nông dân không có ruộng cày. Để tìm đường mưu sinh, Tùy vào vùng giáp ranh khai hoang trồng sắn. Thế rồi, một hôm, tình cờ anh gặp Võ Văn Dự. Hạt trưởng khuyên anh chuyển sang trồng rừng. Cần gì Hạt giúp.

“Nhờ sự bày vẽ của anh Dự mà gia đình tôi được như hôm nay. Ơn này lớn lắm!” - Khi đã có trong tay trên 150 ha rừng và sau lứa thu hoạch đại trà bán được trên 3 tỷ, Tùy đã bộc bạch như vậy khi đưa tôi lên thăm những đồi gió (trầm hương) mà anh đã mua giống từ Quảng Nam đem ra trồng. Tính từ khi bắt tay trồng bạch đàn cho Vinachip, đến nay Nguyễn Văn Tùy đã có thâm niên trên 15 năm theo đuổi nghiệp trồng cây gây rừng, đáng để ngành nông nghiệp trao kỷ niệm chương.

Kinh tế học và thực tiễn đã chỉ ra rằng: trước khi quyết định đầu tư, người làm kinh tế phải trả lời cho được câu hỏi: bán cho ai? Nếu giải được bài toán này thì thành công nhiều, thất bại ít.

Trở lại với phong trào trồng rừng, sau giải phóng bằng viện trợ (cấp gạo) của Tổ chức PAM và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, để có cái ăn người dân miễn cưỡng tham gia trồng rừng. Được chăng hay chớ chứ có mấy ai thiết tha, gắn bó gì đâu. Cấp ủy, chính quyền các địa phương khuyến khích, động viên nhưng không có mấy người nhận. Thực hiện chương trình trồng rừng 327 cũng vậy, động lực chẳng khá hơn. Còn những hộ tham gia trồng rừng liên kết với Vinachip, khi đưa những xe gỗ bạch đàn vào Đà Nẵng bán, thì ngoài chờ đợi còn bị ép đủ điều. Do vậy số diện tích rừng trồng thường chỉ có giá trị về mặt thống kê, còn thực chất là do không thấy được lợi ích vật chất nên đồi hoang đất trống vẫn còn nhiều mà nguyên nhân sâu xa họ không phải là những ông chủ đích thực.

Với quyết tâm của đảng bộ và sự giúp đỡ của Chính phủ, đầu những năm 2.000 cảng Chân Mây được xây dựng. Giao thông đối ngoại rộng mở tạo cơ hội cho kinh tế xã hội địa phương phát triển, trong đó có người lấy việc trồng rừng làm kế mưu sinh. Và cơ hội ấy chỉ thật sự đến khi ở phía bắc đèo Phú Gia xuất hiện nhà máy chế biến dăm gỗ đầu tiên. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn nhớ lại: cách đây gần chục năm, qua gợi ý của ông Sáu Dân (cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi và anh Nguyễn Xuân Lý (lúc đó là PCT Thường trực UBND tỉnh) vào TP.HCM tìm gặp anh Hai Nhật (Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy) để nhờ giới thiệu tiếp xúc với Tổng công ty TNXP. Anh em ở đó đưa chúng tôi về Đồng Nai, ra Nha Trang tham quan các cơ sở chế biến dăm gỗ. Khi bàn về việc đầu tư xây dựng nhà máy, họ hỏi: có cảng không? May mà cảng mình đang xây nên chúng tôi trả lời chắc nịch: có.

Lúc đầu nhà máy định đặt ở gần cảng nằm trong khu quy hoạch công nghiệp nhưng khi đưa ra bàn có ý kiến nêu: sợ gây ô nhiễm môi trường nên thay đổi. Để động viên nhà đầu tư, tôi mời bác sĩ Sinh ở Bệnh viện Trung ương Huế theo đoàn khảo sát. Đứng ở vị trí của nhà máy hiện nay, bác sĩ Sinh phụ họa, đại ý: thế đất này rất đẹp, nó như hàm rồng nên xây dựng ở đây sẽ phát tài phát lộc.

 Tuy có xa cảng một chút, nhưng quả thật ở phía bắc đèo Phú Gia là bãi đất bằng, lưng dựa vào núi, mặt tiền hướng về vùng đồng bằng Thừa Lưu, lại sát tuyến quốc lộ I nên việc lưu thông khá thuận lợi. Sau nhà máy này, thấy có thể ăn nên làm ra ở Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, một số nhà máy đã tiếp tục mọc thêm, hình thành hệ thống sơ chế cung cấp nguyên liệu giấy xuất khẩu.

Nhờ có đầu ra ổn định nên người dân đua nhau vay vốn, xin nhận đất trồng rừng mà chẳng cần hợp tác xã, hội nông dân, thanh niên, phụ nữ đứng ra vận động như trước đây. Đất tốt phần lớn đã được giao cho các đơn vị hoặc doanh nghiệp nhà nước, một số nơi ôm không xuể nên đã xuất hiện tình trạng “phát canh thu tô”, vậy bằng cách nào để giúp bà con thoát được cái ách ấy để họ thật sự sống được từ rừng và làm giàu từ rừng?

Tìm lời giải cho nỗi băn khoăn ấy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn tự nhủ: cơ chế là do con người tạo ra nên con người phải tự giải quyết. Và để tạo sự đồng thuận, ông chủ động đặt vấn đề, nêu giải pháp để bàn thảo. Cuối cùng HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đi đến biểu quyết là thu hồi gần 5 vạn ha rừng và đất rừng của vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã và của các Lâm trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ để giao cho dân. Phong trào trồng rừng, nhờ vậy phát triển rất mạnh. Đây là việc làm không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của một cán bộ lãnh đạo mà ông còn xem đây là sự kế thừa, là sự trả ơn đối với đồng bào, đồng chí và mảnh đất mà ông đã sinh ra, lớn lên, chiến đấu và trưởng thành. Dân có giàu nước mới mạnh. Quy luật muôn đời đã chỉ ra điều đó.

Trong một lần trở về quê ngoại, gặp lại người bạn cũ Lê Văn Khương, tôi hỏi vui: “Này ông phó chủ tịch, dân làng Nong mình khá lên là nhờ cái gì?”. Không ngần ngại, anh khẳng định: “Nhờ trồng keo và sang Lào làm ăn”.

Nhân kể về Nguyễn Văn Tùy, anh Khương khẳng định:

- Trên thực tế, quy mô của Tùy chỉ mới bằng diện tích rừng của ông Nguyễn Phán và anh còn cho biết thêm: ở Phú Lộc, nói về trồng rừng thì nhắc tới hai “đại ca”, đó là Nguyễn Văn Thêm và Phạm La, mỗi người hiện có trong tay trên 1.000 ha. Cả hai đều là dân làng Nong!

Nhắc đến La, tôi chợt nhớ cách đây chừng 5 năm, tự tay anh đã lái chiếc xe Jeep băng đồi đưa tôi thăm thú cơ ngơi mà anh vừa tạo dựng, chủ yếu là quanh cứ điểm quân sự cũ La Sơn. Đó là những dãy đồi hoang còn trơ sỏi đá và đầy rẫy bom mìn.

- Với những lớp đất trơ cứng như thế này nếu không có cơ giới thì không làm nổi anh ạ!

Như để chứng minh, Phạm La ra hiệu cho người điều khiển phương tiện xuống xe và nhảy tọt lên cabin cầm lái. Sau thời gian dài ngủ yên, tầng đất dày hớn hở đón nhận luồng sinh khí mới. Từ những hố được xe đào, múc này, Phạm La cho bỏ phân và sau đó trồng cây. Rừng không xanh tươi mới lạ.

Nhìn những động tác thuần thục của anh, bất chợt tôi liên tưởng về những tháng ngày đã qua. Là “lâm tặc” chính hiệu từ thời Nam Đông chủ yếu sống dựa vào việc khai thác gỗ, Phạm La là người lái xe reo (loại xe quân sự GMC được cải hoán cho phù hợp với địa hình hiểm trở) thuộc loại gan lỳ và hình ảnh còn đọng lại là khi đưa xe vào rừng. Để vượt đoạn dốc cao, chênh vênh và hiểm trở họ phải dừng xe tìm những gốc cây to móc cáp, sau đó dùng tời kéo lên. Cũng từ sợi cáp đa năng ấy, khi xe đổ dốc, để giữ thăng bằng và kìm hãm tốc độ, họ kéo theo một súc gỗ lớn. Nhờ có lực nếu này nên xe chạy theo ý muốn, dù vậy cũng đủ làm cho người giàu óc tưởng tượng phải lạnh “xương sống” nên tự nguyện xuống xe, xin đi bộ cho chắc ăn!

“Gác kiếm” từ khi có chủ trương đóng cửa rừng, Phạm La trở thành nhà xây dựng. Ở Phú Lộc hay Nam Đông phần lớn các công trình nông thôn, công ty của anh đều trúng thầu. Dù vậy như để trả ơn rừng, mấy năm gần đây Phạm La đã dốc khá nhiều vốn liếng và công sức nhằm góp sức phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nhờ cách làm này mà hàng vạn hộ nông dân nghèo trở nên khấm khá. Hàng nghìn chiếc xe tải nhẹ đã được sắm để chuyên chở gỗ. “Nghề keo” dù mới xuất hiện nhưng đã trở nên phổ biến ở nông thôn, bởi hầu như họ đã có việc làm quanh năm, theo tuần tự: trồng, chăm sóc và khai thác, bốc vác, vận chuyển. Đó là chưa kể, lực lượng ươm và bán cây giống. Những người làm công cho Nguyễn Văn Thêm mỗi tháng thu được từ 5-6 triệu đồng. Nhiều nơi chủ rừng trả công 150.000 đồng/ ngày nhưng lao động vẫn khan. Rất nhiều hộ trồng rừng đã giàu lên, bởi 1 ha keo, sau khai thác đã mang lại doanh thu 70 triệu, cao gấp đôi so với năm 2005. Đất trống đồi trọc được đẩy lùi, rừng tự nhiên được bảo vệ đã góp phần tạo nên kỳ tích: Thừa Thiên-Huế trở thành một trong những địa phương có độ rừng che phủ cao nhất nước với tỷ lệ 56,8 %, tạo tiền đề để xây dựng thành phố sinh thái trong tương lai. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, năm 2011 tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác được trên 171.000 m3 gỗ thì trong đó đã có đến 167.000m3 gỗ từ những cánh  rừng trồng. Con số đó, tự nó đã nói lên tất cả.

Từ Phong Điền đến Phú Lộc. Từ Phú Lộc lên Nam Đông. Từ tây nam Huế lên A Lưới đâu đâu đồi cũng đã xanh tươi, đặc biệt là dọc tuyến quốc lộ 49, không đợi đến ý tưởng dùng máy bay để gieo hạt mà bằng sức người cây đã mọc ngút ngàn. Điều thú vị là dưới những rừng cây khép tán, nhờ môi sinh phục hồi nên chim chóc, gà rừng, heo rừng, chồn, thỏ, nai xuất hiện ngày mỗi nhiều hơn.

Thong dong dưới tán cây rừng nhân tạo, nhất là vào mùa hè của xứ Huế, tôi mới cảm được cái giá trị mà sinh thời nhà lâm học Nguyễn Hữu Đính từng ước ao là sớm tạo dựng rừng du ngoạn cho Huế và rừng cảnh quan cho Thừa Thiên. Thưa cụ, ước ao ấy của cụ nay đã trở thành hiện thực. Hàng ngàn ha thông đã phủ xanh vùng tây nam Huế, tương tự nó cũng đã không chỉ phủ kín các con đèo dọc quốc lộ số I mà đã phủ cả đèo La Hy và nhiều con dốc khác; không những thế vùng bán sơn địa của Thừa Thiên Huế nay đến đâu cũng gặp điệp trùng màu diệp lục của rừng thông, keo lai hoặc cao su...

Vùng tây nam Thừa Thiên Huế từ hoang hoá, bây giờ đồi núi đã tươi xanh.

Một màu xanh bền vững.

Huế, cuối đông 2011
HT&BH
(SH276/2-12)







 

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Viết về Huế (13/10/2011)