Người Huế
Thế hệ giáo khoa thư
16:23 | 16/04/2008
Là một người Huế đang sống xa quê hương nhưng bác sĩ Bùi Minh Đức - người có chuyên môn cao về tai - mũi - họng - đã làm mọi người giật mình khi cho ra đời cuốn “Từ điển tiếng Huế” tại California – Hoa Kỳ năm 2000 và tái bản lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh với độ dày lên đến 1.000 trang.
Thế hệ giáo khoa thư
Bác sĩ Bùi Minh Đức

Không dừng lại với cuốn “Từ điển tiếng Huế”, Bùi Minh Đức như “Con chình hoa nhớ cội”, ông đã liên tục về Huế, lặng lẽ đi điền dã khắp các vùng quê, lên rừng xuống biển, sục sạo trong các thư viện, len lỏi trong các lễ hội Festival Huế để tìm kiếm, chắt lọc những tinh chất của Huế. Cuối năm 2007, Bùi Minh Đức lại đến với độc giả trong nước qua tác phẩm “Dấu ấn văn hoá Huế” do Nhà Xuất bản Văn học phát hành.
Với 24 bài viết miên man về “Bóng cũ hình xưa của những con người xứ Huế”, “Ngôn từ xứ Huế”, “Ma Huế”, “Văn hoá nhà - ao - vườn Huế”, “Ăn theo lối Huế”, v.v… là những hồi ức sống động và đậm chất Huế
Sông Hương xin giới thiệu bài “Thế hệ Giáo Khoa Thư” để chúng ta cùng suy gẫm về những bài học “Giáo Khoa Thư”, những bài giảng vỡ lòng cho lớp học sinh non trẻ một thời.

 

 


Thế mà cũng đã gần 70 năm đã trôi qua, cũng đã gần hai phần ba thế kỷ rồi. Thế hệ học sinh các trường tiểu học trước 1945 dưới thời Pháp thuộc, không lạ lùng gì với loại sách “giáo khoa thư”, một thời đã là những sách gối đầu giường của họ. Các sách giáo khoa thư gồm có hai loại: Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư. Các học trò tiểu học lớp nhỏ hồi đó đã được giảng dạy và đã học thuộc lòng tất cả các bài trong các quyển sách đó. Mỗi khi ra đường gặp đúng trường hợp thì đọc vanh vách các câu dạy đời trong các quyển đó, đọc một cách thông suốt không vấp váp và vẫn còn nhớ mãi trong trí của họ cho dến ngày hôm nay. Các sách đó đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ trên tiềm thức của nhiều thế hệ học trò, những người mà sau nầy sẽ đi tiên phong trong công việc cứu nước và dựng nước. Mặc dù được in ấn và phổ biến dưới thời Pháp thuộc nhưng ảnh hưởng “dạy làm người” của các quyển sách giáo khoa thư trên nhiều thế hệ học trò hồi đó không thể chối cãi được. Nhiều lứa tuổi học trò đã nhờ vào những bài giảng có tính cách luân lý và giáo dục trong các sách giáo khoa thư đó đã trở thành những người dân trong sáng khi ra đời. Được dạy dỗ ngay trong khi tuổi hãy còn non nên họ đã không bao giờ quên được những điều đã học. Công lao của những sách giáo khoa đó là công lao của những người biên soạn, công lao của một nhóm nhà giáo dục Việt yêu nước. Một công lao không thể không nhắc nhở đến, và đề cao.
Hệ thống giáo dục công cộng dưới thời Pháp thuộc trước 1945 bắt đầu từ khi trẻ em bước vào ngưỡng cửa của cấp Sơ Đẳng (Élémentaire), gồm có 3 năm: lớp Năm tức lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), lớp Tư tức lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) và lớp Ba tức lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire). Sau lớp Ba nếu thi đậu bằng Sơ Học Yếu Lược thì được thi “Concours lên lớp Nhì”, nếu đậu thì được học tiếp 3 năm cấp Tiểu học (Primaire Supérieur) gồm lớp Nhì Nhất Niên (Cours Moyen Première Année), lớp Nhì Nhị Niên (Cours Moyen Deuxième Année) rồi đến lớp Nhất (Cours Supérieur) và cuối năm này thì thi bằng Tiểu Học Cụ Thể (Certificat d’Études Primaire Supérieure). Sau khi thi đậu bằng Tiểu học và nếu đậu kỳ thi “Concours vào Đệ Thất” thì được vào học cấp Trung học Phổ Thông (hay Trung học Đệ Nhất Cấp) 4 năm. Cuối năm thứ tư tức cuối năm lớp Đệ Tứ, nếu đậu được kỳ thi bằng Trung Học Phổ Thông (hay còn gọi là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) và nếu đậu được cả kỳ thi “Concours vào Đệ Tam” thì được bước lên học tiếp 2 năm cấp Chuyên Khoa (Đệ Tam, Đệ Nhị) rồi thi bằng Tú Tài Một. Nếu đậu được Tú Tài Một thì mới được lên lớp Đệ Nhất, và cuối năm lớp Đệ Nhất thì được dự thi bằng Tú Tài Toàn Phần (tức Tú Tài II). Đường học vấn từ lớp Đồng Ấu cho đến khi có bằng Tú Tài kéo dài 13 năm, phức tạp lôi thôi nên đã có không ít học trò bỏ cuộc nửa chừng, ra đời làm việc để kiếm sống. Vào năm 1945 sau ngày đảo chánh Nhật, chánh phủ Trần Trọng Kim với Bộ Trưởng Giáo dục là ông Hoàng Xuân Hãn đã rút ngắn cấp Tiểu học xuống chỉ còn 5 năm, chỉ còn một lớp Nhì mà thôi. Năm 1945 đó, mà chúng ta gọi là “năm đảo chánh Nhật”, các học trò lớp Nhì Nhị Niên được phép đi thi bằng Tiểu học cùng chung với học trò lớp Nhất năm đó. Đó là kỳ thi Ân khoa của vua Bảo Đại. Và kể từ đó, đậu cho được bằng Tú Tài Toàn Phần, con em chỉ cần học trong 12 năm như ở các nước khác.
Các sách giáo khoa thư dành cho các học sinh mới vào trường Tiểu Học do “Nha Học Chánh Đông Pháp” xuất bản, dưới tên “Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư” với lời ghi chú rõ ràng “Sách này do Nha Học Chánh Đông Pháp đã giao cho Ông Trần Trọng Kim, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận soạn”. Tuy nhiên cũng có lúc thay vì hàng chữ “Do Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản”, chúng ta cũng lại thấy có vài sách giáo khoa thư, như Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng chẳng hạn, thì lại được ghi hàng chữ bằng tiếng Pháp “Rectorat De L’Université Indochine” (dịch ra theo danh từ ngày nay là “Toà Viện trưởng Đại học Đông Dương).
Bộ sách giáo khoa Thư này gồm có sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư (3 quyển) và sách Luân Lý Giáo Khoa Thư (3 quyển) dành cho 3 lớp Đồng Ấu (Cours enfantin), lớp Dự Bị (Cours préparatoire) và lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire). Các sách về Quốc Văn lớp Dự Bị và Sơ Đẳng còn có hàng chữ phía trên “Lecture”, sách của lớp Đồng Ấu có chữ “Langue Indigène”. Ở giữa trang bìa của sách lớp Đồng Ấu và lớp Dự Bị có ghi chú “Sách tập đọc và tập viết”. Trong sách Luân lý (Morale) dành cho lớp Sơ Đẳng, còn có ghi chú “Phụ thêm Chính trị, Phong tục, Đơn từ, Thư khế”.
Bản in sớm nhất của tập sách giáo khoa thư mà chúng tôi có trong tay là bản in năm 1935 với lời chú thích trên trang trong của sách Quốc Văn lớp Đồng Ấu là “In lần thứ năm” và trong sách Quốc Văn lớp Dự Bị là “In lần thứ mười”. Như vậy có thể nói các sách giáo khoa thư này đã được ra đời trước năm 1935. Trong sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Song Ngữ Việt Anh” (NXB Miền Nam), Hoàng Văn Lộc đã ghi trong phần “Lời Tựa” là “Bộ sách giáo khoa nầy đã được in vào khoảng năm 1923”, tức sớm hơn 1935 những 12 năm. Ngoài ấn bản 1935, chúng tôi còn có các ấn bản khác của hai loại sách nầy in năm 1939, 1941 và 1948. Sách in năm 1948 (quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Dự Bị) có nghĩa là sau ngày đảo chánh Nhật khi chính quyền của người Pháp không còn tồn tại nữa, các học sinh Việt Nam vẫn còn dùng các sách giáo khoa thư nầy, với hàng chữ “Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư” và “Rectorat De L’Université Indochine” cùng “Tous droits réservés”. Vậy là từ năm 1923 cho đến năm 1948, cả thảy là 25 năm dài ròng rã, các sách giáo khoa thư nầy đã được dùng để dạy dỗ các trẻ em Việt Nam khi mới bước chân đến trường.
Về nội dung các sách giáo khoa thư nầy, các tác giả đã đưa học sinh đi từ bài dễ đến bài khó, với đề bài ở phía trên, rồi đến bài giảng trước, bài tập đọc và bên cạnh bài nầy có một hình vẽ tuy mộc mạc nhưng khá rõ ràng, dính líu đến câu chuyện kể trong bài. Bên dưới có đoạn giải nghĩa vài chữ khó trong bài rồi qua “Bài tập” gồm có phần “Học tiếng” và phần “Làm văn” hoặc phần “Câu hỏi” dính líu đến bài. Ở dưới cùng lại có hàng chữ để học trò tập viết nắn nót cho đẹp. Phần giải thích là cốt lõi của các điều dạy dỗ trong bài, dành cho thầy giáo và bài tập đọc đi kèm theo thường là câu chuyện kể để chứng minh lời dạy ở trên. Nói chung là nội dung của sách giáo Khoa thư nầy đi rất sát với phương pháp sư phạm ngày nay. Điểm đặc biệt là các hình vẽ tuy mộc mạc nhưng nói lên rất nhiều về các điểm chính của câu chuyện đã nêu lên, kích thích trí tưởng tượng của các con trẻ rất nhiều. Nhiều người ngày nay tuy đầu đã bạc nhưng vẫn còn nhớ đến hình vẽ liên quan đến bài đọc, vẫn còn nhớ nguyên văn các câu trong bài đọc. Chúng tôi muốn nói đến phương pháp thính thị (audio visuel) giúp các học sinh vừa đọc bài vừa nhìn hình vẽ, gây giúp cho trí nhớ của chúng và vì thế chúng tôi mới bình luận được ngày xưa các quyển sách giáo Khoa thư nầy đã đi sát phương pháp sư phạm ngày nay là vì thế. Một điều cần ghi nhận nữa là các giáo viên hồi đó thường bắt học trò học thuộc lòng các bài tập đọc và nhờ thế, các học sinh đã “nhớ đời” các điều răn dạy trong bài. Lứa tuổi chúng tôi chẳng hạn, 70 năm sau, chúng tôi vẫn còn “nhớ như in” các điều dạy dỗ, các điều khuyên răn trong các bài đó. Riêng quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu thật tình đã dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ Việt cho đám trẻ mới đi trường, bắt đầu với “I đi học, U đánh đu, Ư cái lư, O cái mo, Ơ quả mơ v.v. với các hình ảnh và hàng chữ tập viết cho đẹp nét. Cá nhân chúng tôi hồi trước cũng đã bắt đầu vỡ lòng học chữ quốc ngữ bằng quyển Quốc Văn lớp Đồng Ấu. Những quyển sách giáo khoa thư nầy quả đã nhắc nhở chúng tôi rất nhiều về những ngày tháng non nớt của bản thân mình cách đây hai phần ba thế kỷ.
Đặc điểm của những bài học thuộc lòng trong bộ sách Luân lý Giáo Khoa Thư hay Quốc Văn Giáo Khoa Thư nầy đã dạy vỡ lòng cho đám học sinh non nớt những bài học luân lý ở đời, những bài giáo dục học làm người, làm công dân tốt. Những bài giảng dạy trong sách tuy tóm tắt nhưng vô cùng quan trọng để đám trẻ tuổi còn non biết được hiếu thảo và hiếu đễ, cách sống với bạn bè, cách xử sự ở đời, phân biệt được một cách rõ ràng điều thiện và điều ác, thế nào là đạo đức và sống sao cho phải đạo làm người. Học sinh được học cả về môn Công dân giáo dục qua các bài tập đọc. Do đó, chung đụng với người khác, học sinh sẽ không còn ích kỷ (vì ích kỷ là hại nhân. Cổ nhân dạy thế!), không tự tôn, không làm càn và nhất là tôn trọng người khác. Đã có lúc chúng tôi ao ước, ao ước cho một số người sinh sau đẻ muộn mà mình gặp trên đường đời sau nầy có cơ hội được đọc các bài giảng dạy trong các sách giáo khoa thư như chúng tôi đã được học. Nghĩ mà tiếc cho họ vì “nhân chi sơ tánh bản thiện”, nếu được dạy dỗ tốt họ đã được trở thành người tốt.
Nếu lấy mốc thời gian ra các sách giáo khoa thư nầy là vào những năm 1920 thì lứa tuổi học trò hồi đó ngày nay đều đã là những cụ già ngót ngoét 80. Thời thế đổi thay, và cũng vì thời thế đảo điên nên nhiều người trong các vị đó đã bị chướng tai gai mắt vì những cảnh đồi truỵ luân lý ở đám trẻ con, con em Việt . Ngồi với nhau, họ đều nhắc đến các sách giáo khoa thư của một thời, những sách đã dạy bản thân họ nên người. Họ tiếc cho các lứa tuổi học trò sau nầy không có cơ hội được học hay được đọc các sách giáo khoa thư đó. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều vị đó đã là nguyên động lực của sự bùng dậy của các sách giáo khoa thư nầy trong những năm gần đây. Các sách giáo khoa thư nầy đã được in tại Việt (Nhà Xuất bản Trẻ), cũng như tại các cộng đồng Việt hải ngoại, hoặc in nguyên văn hoặc in lại với tuyển chọn. Các sách nầy có tầm quan trọng đặc biệt nhất là ở Mỹ, nơi mà sự xâm nhập văn hoá ngoại lai mạnh mẽ nhất, nơi mà sự xung đột văn hoá cũ và mới đã xảy ra hàng ngày trong các gia đình Việt . Vì thế chúng ta cũng không lấy làm lạ khi đã có một nhà giáo dục Việt cất công dịch các sách giáo khoa thư nầy sang tiếng Anh để có thể dễ dàng phổ biến các ý tưởng dạy đời trong sách đó cho con em Việt trong cộng đồng. Quyển sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Song ngữ Việt Anh” do ông Hoàng Văn Lộc “Dịch và Chú giải” mà chúng tôi có trong tay đã ghi lại các bài giảng dạy trong bộ sách giáo khoa thư do ông tuyển chọn và dịch qua tiếng Anh cùng với các lời ghi chú và giải thích bằng hai thứ tiếng Anh và Việt trong chiều hướng sử dụng các bài giáo dục trong sách nầy để dạy thêm tiếng Anh cho người Việt Nam trong cộng đồng. Một đóng góp đáng kể của một nhà giáo Việt ở hải ngoại cho cộng đồng Việt .
Chúng tôi đã bước qua ngưỡng cửa tiểu học ở lớp Năm, năm 1940 tại trường Tiểu học Chaigneau Huế, nay là trường Lê Lợi, nên đã học tiếng Việt phần lớn qua sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Đồng Ấu. Vì thế, chúng tôi đã học thuộc lòng các bài: Yêu mến Cha Mẹ, Giúp đỡ Cha Mẹ, Khuyên học (Hỡi cô cậu bé con. Đang lúc tuổi còn non…), Ăn uống có lễ phép, Đứa trẻ có lễ phép, Gọi dạ bảo vâng, Người học trò tốt, Người học trò xấu, Đi phải thưa về phải trình, Thờ cúng tổ tiên, Học trò đối với Thầy, Anh em bạn học, Sớm tối thăm nom cha mẹ, Anh em như thể tay chân, Chú bác cô dì, Thức khuya dậy trưa, Mấy điều cần cho sức khoẻ, Phải sạch sẽ, Học hành phải siêng năng, Cháu phải kính mến ông bà, Thờ mẹ kính cha (Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…), Chớ nhổ bậy bạ, Cầu mưa (Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống…), Thương yêu kẻ tôi tớ, Đói cho sạch rách cho thơm, Tham thực cực thân, Con trâu với người đi cày (Trâu ơi! Ta bảo trâu nầy, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…), Toàn là những điều bổ ích lúc bước chân vào đời. Về sau, lên đến lớp Tư, lớp Ba học các bài khác trong các sách Quốc Văn và Luân Lý Giáo Khoa Thư thì các bài dạy trở nên thâm thuý và sâu sắc hơn, đi sâu vào cuộc sống ở đời hơn. Các điều học thuộc lòng nầy đã là bức tường thành hướng dẫn tâm hồn non nớt của chúng tôi “đi thẳng một đàng”, không lệch lạc, không du di, không nhân nhượng khi gặp phải điều gì trái sai với đạo đức. Riêng với tôi sau bậc Tiểu học, với các điều học hỏi được qua vai trò Thiếu sinh Hướng Đạo Huế, chúng tôi đã kiện toàn được cho mình một tư cách và phong cách sinh sống hợp với đạo nghĩa ở đời ngay từ lúc tuổi còn trẻ. Nói một cách khác, các sách giáo khoa thư đã cho trang bị riêng chúng tôi một hành trang lên đường khá đầy đủ ngay từ khi tuổi còn non trẻ.
Hơn nửa thể kỷ đã trôi qua, thế hệ chúng tôi mà tôi xin gọi là “Thế hệ Giáo khoa Thư” đã lên đường để cứu nước và dựng nước, đã xông pha vào đời với quyết tâm đem tâm trí và tài học phục vụ cho quê hương xứ sở. Nhiều người trong lứa tuổi này nay cũng đã không còn, đã nằm xuống, có thể cũng đã vì nghĩa vụ, vì những nguyên tắc vào đời đã được khắc vào trong tâm khảm trong khi học thuộc lòng các sách giáo khoa thư đó. Chúng tôi xin nghiêng mình tri ân các vị giáo sư đã soạn ra các sách giáo khoa thư trên và xin được phép nhắc lại tên của các vị đó một lần nữa: giáo sư Trần Trọng Kim, giáo sư Nguyễn Văn Ngọc, giáo sư Đặng Đình Phúc và giáo sư Đỗ Thận. Hôm nay chúng tôi viết bài nầy để đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến các vị Giáo sư đầy tư cách đó. Chúng tôi cũng xin thành kính thắp một nén hương đảnh lễ trước linh hồn các vị Giáo sư đầy khả năng sư phạm.


BÙI MINH ĐỨC
(nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)

Các bài mới