TRƯƠNG SỸ HÙNG
Đề từ tập Bút hoa, thơ tập cổ của Phan Mạnh Danh năm 1942, do chính tác giả chuẩn bị bản thảo từ năm 1896 đến trước khi mất (1942); Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã viết:
Hiên tây lặng lẽ bóng trăng tà
Nương ngọn đèn xem quyển Bút hoa
Câu truyện tả tình hay có một
Văn thơ thích nghĩa thú bằng ba
Mấy trăm thiên đã dồn công lại
Bốn chục năm vừa ấn bản ra
Vàng ngọc của xưa son phấn mới
Giữ nền quốc túy Việt Nam ta.
Đó là tập thơ “cóp nhặt đến hơn ngàn câu thanh tao diễm lệ trong thơ cổ chữ Hán, đối chiếu với hơn ngàn câu bóng bẩy chải chuốt trong truyện Kiều của ta, ghép vần ghép điệu, lựa ý lựa lời, nôm với chữ, chữ với nôm, phảng phất xa gần, tựa hồ dịch mà không phải dịch, rất có công phu, thật cũng tài tình tình, âu cũng là để thỏa cái thị hiếu văn chương, biểu cái cốt cách phong nhã của một khách chơi thơ sành sỏi vậy - Tựa của Phạm Quỳnh”.
Cụ Phan Mạnh Danh và bìa thơ tập cổ "Bút hoa" - Ảnh: sachxua.net |
Là bạn vong niên của nhau, Phan Mạnh Danh (1866 - 1942) hơn Nguyễn Phúc Ưng Bình (1887 - 1961) 21 tuổi nhưng “yêu nhau vì tình, trọng nhau vì tài”, kính nể Phan tiên sinh đã dầy công làm tập thơ suốt 40 năm, nên mối quan hệ nhân sinh từ hai miền Nam - Bắc của hai cụ thật thấm thía thâm giao. Cũng năm 1942 ấy, Đại nội ngự tiền văn phòng tại Huế có thư số 180- rE, ngày 23 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 17 do Phạm Quỳnh viết, gửi Phan Mạnh Danh: “Tôn ông! Tôi tiếp thư tôn ông đề ngày 2 tháng 4/1942, gởi quyển Bút hoa nhờ tôi dâng hoàng đế. Khâm phụng hoàng đế ngự lãm và ban khen sách ấy sưu tập cả Hán văn và quốc văn mà làm ra, sắp đặt có điệu có vần, thật là có công, nên chuẩn thưởng huy chương tam hạng kim khánh cho tác giả, để thị ân cách”.
Bài thơ đề từ trên là kết tụ lời hay ý đẹp của Ưng Bình Thúc Giạ Thị ca ngợi bạn văn lần thứ hai, nhân sự kiện mới là Phan Mạnh Danh có riêng một quyển sách thơ cổ tập Kiều - truyện Kiều tác phẩm bất hủ của nhân loại. Trước đấy mười bốn năm - năm 1898 - khi Ưng Bình còn tuổi ấu thơ, đang lúc cao hứng với cửa Khổng sân Trình, với văn chương Pháp ngữ và quốc ngữ buổi ban đầu ở kinh đô nhà Nguyễn, Phan Mạnh Danh đã đánh tiếng trên lĩnh vực thơ ca và hội họa. Tranh thủy mạc của ông triển lãm ở hội quán Quảng Đông những năm 1883 - 1884 được nhiều người tán tụng. Thơ Hà Giang nhật trình của ông đã nổi tiếng bởi những câu tỏ tình yêu nước:
Có non nước đâu mà không chủ
Huống chi là thủy tú sơn thanh
Hễ càng u uất càng linh
Chớ rằng điếm cỏ lều danh mà nhờn!
Khiến Ưng Bình Thúc Giạ Thị mê mẩn đắm say. Là con em của dòng tộc vương gia, có lẽ Ưng Bình có đủ mọi điều kiện tiếp xúc với tác phẩm Phan Mạnh Danh sớm nhất, đòi hỏi ông là người thích đọc sách ngay từ nhỏ, yêu thích văn chương và hiếu động, sáng tạo.
Lối thơ tập cổ vịnh Kiều của Phan Mạnh Danh do tác giả tự đặt ra từ năm 1896, ban đầu chỉ theo thể thức hát thơ trong ca trù. Và chỉ bốn năm sau, ông đã làm được một tập khá dầy, hơn sáu mươi bài liên cú và hơn ba mươi bài cách cú. Bấy giờ nghề in ấn còn ấu trĩ, các danh sĩ đương thời như Chu Mạnh Trinh, Phạm Văn Thụ… đã từng sao chép nhân bản. Sau này, có dịp đọc lại thơ Phan Mạnh Danh, in lại trong sưu tập Xuân mộng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị có phẩm bình: “Trong tập thi ấy nhiều bài hay, mà lại nhiều câu hay đến cực điểm. Luận ý nghĩa như câu:
Sầu khả tửu tiêu nhưng hóa lệ
Tâm phi thạch chuyển tiễn thành khôi
Ấy là tình tứ rất thông thường, rất đúng với sự thiệt của đời người, mà thi gia xưa nay chưa từng nói đến. Luận âm hưởng tiêu tao như câu:
Giang sơn dị địa liên đồng bệnh
Phong vũ man thiên cảm chích thân
Đọc ra vô hạn cảm xúc, cảm xúc vì câu thi, mà sinh ra cảm tình với nhà đại thi sĩ”.
Như vậy xem ra hai văn sĩ cùng thời, chênh lệch nhau về tuổi đời nhưng rất cảm phục nhau tài thơ phú. Vả lại cả hai đều sinh trưởng trong bầu không khí nước mất nhà tan, bản thân mỗi người cũng như khá nhiều bậc tri thức đương thời được học hành bài bản, chữ nghĩa thánh hiền được trau dồi từ nhỏ. Thời cuộc đặt ra bài toán ứng xử cụ thể ra sao bởi địa vị từng người, khi nước mất nhà tan? Tri thức và bằng cấp sẽ làm gì đây khi cuộc sống nhân sinh đang bị chà đạp nhân phẩm. Thân tôi đòi nô lệ biết kêu ai? Vua Thành Thái còn bị kẻ ngoại xâm biến thành người điên dại nữa là...
Ưng Bình Thúc Giạ Thị không chỉ là một nhà Nho thâm sâu giáo lý phương Đông, là một nhà tri thức có vốn Pháp ngữ giỏi; ông còn là một nhà thơ danh tiếng của dân tộc, bởi cả một khối lượng thơ Hán và thơ Nôm đồ sộ, bởi cả một gia tài phú lục, ca dao mà nhiều câu, nhiều bài sáng tác của ông đã được dân gian hóa bằng câu hò điệu hát dân ca xứ Huế. Di sản thơ ca của Ưng Bình Thúc Giạ Thị cảm xúc sâu lắng, trữ tình, không sa đà kể lể và do tính khách quan của đời sống văn hóa, những tác phẩm của tác giả đã thấm đượm trong tâm thức người lao động nơi đồng quê thôn dã, thấm đượm trong giọng hò sông nước khắp dải đất miền Trung. Lại có khi để tuyên truyền cổ xúy cho việc học chữ quốc ngữ, ông sáng tác. Tương truyền, khi ở bút hoa trang Nam Định, Phan Mạnh Danh cũng hay ngâm ngợi bài ca này:
Người Nam ta có chữ, có học có hay
Vần xuôi, vần ngược khéo xây
Lại thêm năm dấu là thầy của ta
Đứng đầu chữ A, đứng sau là chữ X
Hai mươi chín chữ ràng rịt lấy nhau
Học vài ba tháng không lâu
Dễ xem, dễ học, viết nên câu cũng dễ dàng.
Vàng chất nên non, không bằng cho con biết chữ.
Tựu trung, văn thơ Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX hướng tới tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, cách tân nội dung và hình thức phản ánh hiện thực, khiến cho những thành tựu Âu - Á cũng được cuốn hút, tinh lọc và nâng cao. Hiện tượng Nguyễn Du và Truyện Kiều mở đầu thế kỷ văn chương bằng việc, lần đầu tiên tác giả gom lại thành hệ thống những nội dung cơ bản của một số truyện kể dân gian xung quanh nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải. Và Thanh Tâm Tài Nhân có thể cũng chỉ là một bút danh khác của Nguyễn Du, khi ông chưa kịp sáng tác xong Truyện Kiều. Ngay từ khi truyện Kiều ra đời và lưu hành bằng văn bản viết tay, nhiều vị vua nhà Nguyễn đã đề cập đến dưới nhiều góc độ khác nhau. Các vị quan văn, Nho sĩ bình dân thì phản đối, chê trách nội dung “dâm tục”, trái với lễ giáo thầy Khổng; thậm chí còn có người còn liều sửa câu chữ, làm mất đi những tinh túy vốn có của tác phẩm. Ưng Bình Thúc Giạ Thị không dám làm thế, ông tìm hiểu truyện Kiều, vịnh Kiều và hưởng ứng bạn thơ văn trong khắp ba miền Bắc - Trung - Nam đang thi nhau mở những “chiến dịch” ngâm Kiều, thi sáng tác về từ chủ đề truyện Kiều, chú giải, phiên truyện Kiều sang chữ quốc ngữ v.v.
Năm 1917 Phan Mạnh Danh đã chọn truyện Hoa Tiên “là truyện có nghĩa lý, đủ bi, hoan, ly, hợp, đã được diễn ca, thành một áng văn tuyệt tác, người ta thường sánh với truyện Kiều”, soạn thành kịch bản tuồng. Đánh giá về giá trị nghệ thuật của vở tuồng Hoa Tiên là “câu văn, điệu hát đều rất công phu, và tỏ rõ được cái tài hoa của một thi gia sành nghề âm nhạc”.
Tuồng Lộ Địch của Ưng Bình Thúc Giạ Thị phỏng theo kịch Le cid của Pierre Corneille, và trong lời nói đầu ông cũng chỉ rõ: “Sự tích tuồng Le Cid có đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa, nên tôi xét có nhiều điểm rất hợp với tinh thần luân lý Á Đông.” Và “kịch Pháp có thể dung hòa phần nào với tuồng ta: đó là lý do khiến tôi phỏng theo Le Cid mà diễn tuồng Lộ Địch”.
Chắc chắn hai tác phẩm tuồng cải biên Hoa Tiên của Phan Mạnh Danh và Le Cid của Ưng Bình Thúc Giạ Thị không có mối quan hệ nhỏ nào trong quá trình sáng tạo, nhưng việc lấy gương bậc tiền nhân để thực thi một ý tưởng sáng tạo thì hẳn là phải có.
Năm 1924 tại hội quán Khai trí tiến đức ở bờ hồ Gươm Hà Nội, ban văn học hội Khai trí tiến đức có tổ chức ngày giỗ của Nguyễn Du, Phạm Quỳnh đọc diễn văn có đoạn: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này.” Và “Thề rằng: - Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn…”. Báo Hữu thanh, số 21 ra ngày 1 tháng 9 năm 1924, Ngô Đức Kế có bài Luận về chính học cùng tà thuyết quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du; phản bác lại Phạm Quỳnh khá mạnh: “Thậm chí sùng bái Truyện Kiều mà nói rằng: “Truyện Kiều là quốc hoa, là quốc hồn, là quốc túy của Việt Nam” - không biết có còn quốc gì nữa không? - Xưng tụng ông Nguyễn Du mà nói rằng: “Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia Long”, thế thì từ Gia Long về trước, chưa có Truyện Kiều, thì nước ta không có quốc hoa, không có quốc túy, không có quốc hồn, thế thì cái văn trị vũ công mấy triều Đinh, Lý, Trần, Lê sáng chói rực rỡ đó, đều là ở đâu đem đến cho bọn “học thuê viết mướn” ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huân nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho giống nòi, không ai đáng kỷ niệm cả, mà chỉ ông văn sĩ “Trăm năm trong cõi” là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào?
Thậm nữa lại nói rằng: “Truyện Kiều có quan hệ văn hóa Việt Nam, Truyện Kiều quan hệ quốc vận Việt Nam, nếu không có Truyện Kiều thì tình trạng văn hóa Việt Nam chưa biết đến thế nào”, thiệt là “con oanh học nói” xằng xiên bậy bạ, rồ dại điên cuồng, tà thuyết mê dân đến thế là cực. Mà có ai cho là tà thuyết đâu, nay đã nhà treo một bức, cử yết một tờ, kèn trống rước vào, hương hoa cúng lễ rồi! Truyện Kiều là văn hóa Việt Nam, Truyện Kiều là sách học quốc văn, in vào trong óc, thấm vào trong lòng, tỉ như ngoại tà đã nhập đến ngũ tạng, quỷ tà đã ám mất linh hồn, thì dù lang y hay giỏi đến đâu, pháp sư cao tay đến đâu, cũng không cứu được nữa! (…) Ôi! Than ôi! Kim Vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam, thì xã hội Việt Nam không nói cũng biết rồi!...”
Biết rõ có sự kiện ầm ĩ như vậy, nhưng hai nhà Kiều học Phan Mạnh Danh - 58 tuổi và Ưng Bình Thúc Giạ Thị 37 tuổi đều đang sung sức, nhưng không ai lên tiếng, mặc dù chủ bút Nam phong là Phạm Quỳnh (1892 - 1945) còn kém tuổi đời, tuổi văn cả hai ông. Hai ông lẳng lặng đến nơi đây tìm hiểu, nghe nói, đọc báo cho tường tận vấn đề, rồi đến thăm viếng tượng đài vua Lê, bia kỷ niệm Nguyễn Du do cử nhân Bùi Kỷ soạn, rồi vẫn cứ ân cần theo định hướng nghiên cứu, sáng tác riêng mình. Sau đó Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã làm thơ nhật ký:
Kẻ trí người nhân chửa hỏi ai
Nguy nga đây thấy những lâu đài
Cương thường đất Việt đời đời vững
Văn hóa Thăng Long nhất ấy nơi
Có tượng vua Lê công giữ nước
Còn bia họ Nguyễn khắc thơ tài
Thương thay rường cột nơi đô thị
Trên vách đề thơ phải thật hay.
Năm 1940 Ưng Bình Thúc Giạ Thị dành thời gian ra Bắc, đến với Nguyễn Du và truyện Kiều bằng con đường sáng tác thơ và trực tiếp thăm viếng mộ tác giả ở Hà Tĩnh với bài văn điếu:
Áo xiêm triều Nguyễn lúc khai kỳ
Chạnh nỗi Lê vong đã thế thì
Sóng vỗ sông Lam mòi Ngụ Tử
Mây giăng Ngàn Hống hạc Đinh Uy
Bể dâu một cuộc đời không mấy
Hương lửa ba sinh bạn thiếu gì
Hồn cụ có thiêng e cũng biết
Văn chương quốc ngữ chuyện đời ni.
Nguyễn Du làm quan thời Gia Long vị vua mở đầu vương triều Nguyễn, những ngày vương triều Nguyễn suy vong thì vương gia lại có thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đồng cảm với tác giả truyện Kiều: “Bể dâu một cuộc đời không mấy/ Hương lửa ba sinh bạn thiếu gì?” Tâm sự với vong hồn tác giả Nguyễn Du là thế, rồi trong suốt cuộc đời của Ưng Bình Thúc Giạ Thị không biết bao nhiêu lần ông đọc lại, ngẫm nghĩ về Nguyễn Du và Truyện Kiều với những ghi nhận mỗi lần thêm mới lạ. Năm 81 tuổi Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác hai bài thơ lấy chủ đề từ truyện Kiều. Bài Đời mụ Tú Bà ông viết:
Vách mảy lầu xanh mụ Tú Bà
Đẹp duyên cùng Mã Giám Sinh ta
Khêu trăng cợt gió qua đời trẻ
Bán phấn buôn hương độ tuổi già.
Đôi chị má hồng đoanh trước cửa
Một ông mày trắng ở trên tra
Bắc Kinh nghe có tin mồi lạ
Quý khách vương tôn đã chật nhà.
Và bài Đời nàng Kiều:
Cửa Tú Bà thôi đến Bạc Hà
Cùng thần mày trắng bọn yêu ma
Khúc đàn bạc mệnh gây mưa gió
Giọt lệ hồng nhan lúc úa hoa
Duyên vướng Thúc Sinh người lãng mạn
Nghĩa ghi Kim Trọng đấng tài ba
Biết bao ân oán bầu tâm sự
Khi gặp Từ công mới tỏ ra.
Hai cuộc đời, hai số phận. Một cuộc đời Tú Bà chỉ loáng chốc, nhưng với những mánh khóe làm tiền trên thân xác người lương thiện, Ưng Bình Thúc Giạ Thị tỏ thái độ khinh miệt, gọi chúng là tà ma quỷ quái. Còn với Thúy Kiều thì ông nhẹ nhàng đưa khúc nhạc thơ, nhắc lại những chặng đường trắc trở duyên tình người thiếu nữ, mà hoàn cảnh đã đẩy nàng vào cõi trần gian mịt mù gió bụi, để rồi: “Biết bao ân oán bầu tâm sự/ Khi gặp Từ công mới tỏ ra”. Ở đây là Thúy Kiều tự thán: “- Tin tôi nên quá nghe lời/ Đem thân bách chiến làm tôi triều đình”. Phải chăng cái triều đình mà Thúy Kiều mơ hồ lầm tưởng theo lời lừa phỉnh, tráo trở ấy của Hồ Tôn Hiến, cũng là ảo ảnh của nhà Nguyễn đương đại? Ở tuổi 67 - Ất Dậu 1945, trong bài thơ Bảo Đại thoái vị Ưng Bình Thúc Giạ Thị có bộc lộ cái nhìn thức thời rằng:
Nỏ tiếc không thương cái bệ rồng
Ngự xe cờ đỏ đến Thăng Long
Trải qua non nước nhìn quanh rạng
Ngoảnh lại lâu đài bỏ trống không.
Cách nghiên cứu và sáng tác về Nguyễn Du và truyện Kiều của Phan Mạnh Danh thì khác hẳn Ưng Bình Thúc Giạ Thị về phương pháp tiếp cận. Ông đọc rất nhiều, nắm bắt khá kỹ những điển tích, tiểu xảo của các tác gia văn sử bất phân trong kho tàng thư tịch Hoa - Việt, trích văn theo nguyên tự, phiên âm, dẫn nguồn rồi đối chiếu với từng khổ bốn câu, nẩy ra từ truyện Kiều, mà tường giải. Chẳng hạn:
秋 廉 风 捲 燕 双 高 Thu liêm phong quyển yến song cao Trùng viên mộng
月 下 星 前 早 已 交 Nguyệt hạ tinh tiền tảo dĩ giao Tái sinh duyên
繡 閣 焚 香 深 漫 候 Tú các phần hương thâm mạn hậu Liêu trai
乞 靈 貆 倩 熨 纶 袍 Khất linh hoàn thiến uất linh bào Tình sử
Nghĩa là - theo Phan Mạnh Doanh - những câu văn trên được Nguyễn Du Việt hóa thành thơ lục bát trong bốn câu Kiều:
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vành giăng khuyết ba sao giữa giời
Nén hương đến trước thiên đài
Nỗi niềm khấn chửa cạn nhời vân vân.
Ở phần thứ ba cũng thế, nhưng ông chỉ “chọn lấy một bài thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tàu, đọc vần xuống bốn câu Kiều lẩy, mà những câu Kiều lẩy ấy lại dùng để phiên dịch bài thơ cổ kia. Bài thơ nào của thi sĩ nào và trích ở sách nào, đều có chữa rõ.” Trong thư gửi Phan Mạnh Danh, ngày 29 tháng 3 năm 1942 Đào Duy Anh cũng ghi nhận: “Cái cách chơi thơ ấy chỉ có thơ Tàu và thơ ta mới có cách chơi ấy được - không những là thanh nhã, mà lại rất khó khăn, có phải ai cũng chơi được đâu.” Ấy là chưa kể Phan Mạnh Danh còn viết lời tựa trong tập 21 bài thơ chữ Hán trong cuộc thi thơ đề Thanh Tâm Tài Nhân lục, có câu tuyệt tác như:
Có mộng tìm đâu cho thấy bạn
Đứt hồn thương lắm biết chăng ai?
Với những thành tựu nghệ thuật khác người như thế, dù ở xứ Huế xa đất Bắc, Ưng Bình Thúc Giạ Thị vẫn ngóng đợi tin thơ và tỏ thái độ đồng cảm với thi hữu. Là hai bậc tri thức nổi tiếng từ những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Phan Mạnh Danh ở xa nhau mà lại rất gần nhau trong tâm tưởng và hành xử lúc sinh thời. Đó là những tầm tư tưởng tiến bộ, sắc sảo trong tư duy sáng tạo nghệ thuật. Năm 1942, Phan Mạnh Danh qua đời, bấy giờ Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng đã 55 tuổi. Từ xứ Huế ông có viết bài văn điếu:
Cuộc đời đã mãn giấc Nam Kha
Để lại cho đời quyển Bút hoa
Hồn cụ Tố Như như có biết
Đá ba sinh hẹn chẳng nài xa.
Thế là cho đến phút vĩnh biệt người bạn vong niên thân quý, người đã ra đi và người còn ở lại vẫn không nguôi niềm kính trọng đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Đôi bạn tâm giao, bấy giờ người mỗi ngả; nhưng trời cho tuổi thọ đến tuổi 84, và chỉ cách thời điểm đó hai năm.
T.S.H
(SH283/09-12)