Người Huế
Chứng bệnh hậu sản của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng
09:11 | 31/03/2009
BÙI MINH ĐỨC...Vua Minh Mạng (1791-1841) lúc sinh thời đã có đến 43 bà phi tần nhưng người vợ đầu tiên của vua là bà Hồ Thị Hoa (1791-1807). Bà nầy là một người hiếu đức hiền thục và cũng là con của một công thần nên Bà đã được Vua Gia Long và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển chọn đưa vào cung Tiềm để hầu hạ cho Hoàng tử con mình...
Chứng bệnh hậu sản của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng


I/ DẪN NHẬP:

Mỗi khi nghiên cứu về tiếng Huế, các học giả thường gặp phải nhiều trường hợp tên húy của các vua chúa trong Vương triều nhà Nguyễn đã được dân chúng Huế “nói trệch qua một bên” và “viết trật một vài nét” theo phép kỵ húy của triều đình hồi đó ban ra. Luật kỵ húy nầy thường chỉ áp dụng đối với tên của các vua chúa nhà Nguyễn mà thôi. Tuy nhiên, trong thực tế đã có một trường hợp rất đặc biệt là luật kỵ húy đã được áp dụng cho “tên húy” của một bà Hoàng Hậu triều Nguyễn, không những chỉ trong các văn bài của các sĩ tử khi đi thi mà cả trong câu chuyện hàng ngày của người dân xứ Huế. Đó là trường hợp của bà “Hồ Thị Hoa”, vợ vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng (1791-1841) lúc sinh thời đã có đến 43 bà phi tần nhưng người vợ đầu tiên của vua là bà Hồ Thị Hoa (1791-1807). Bà nầy là một người hiếu đức hiền thục và cũng là con của một công thần nên Bà đã được Vua Gia Long và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển chọn đưa vào cung Tiềm để hầu hạ cho Hoàng tử con mình. Hoàng tử nầy là vua Minh Mạng sau nầy. Bà được tiến cung năm 1806 khi vua Minh Mạng chưa được tấn phong làm Thái tử (1815-1820). Năm 1807, bà sinh được một người con trai là vua Thiệu Trị sau nầy nhưng chỉ mới 13 ngày sau khi sinh thì bà qua đời. Sau khi bà mất, đến năm 1821 lúc Minh Mạng vừa mới lên ngôi vua được một năm, bà được sách tặng chức “Chiêu Nghi”, và vào năm 1836, bà được sách tặng là “Thân Phi”. Đến năm 1841, bà được Vua Thiệu Trị, con ruột của bà, phong tặng chức “Tả Thiên Nhân Hoàng Hậu”.

Theo “Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả” (Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, Huế, 1994) đã ghi về bà thì: “Tháng năm năm Đinh Mão (1807), bà sinh Hiến Tổ Chương Hoàng Đế mới được 13 ngày thì bà mất”. Bà mất ngày 23 tháng 5 năm Đinh Mão (28.6.1807) lúc mới 17 tuổi”.

Dân chúng Huế ngay từ hồi bà mới mất đã nói trệch tên “Hoa” của bà thành tên “Huê” và dùng chữ “Huê” để nói đến “Hoa” như “Huê viên” hay “Phàn Lê Huê” chẳng hạn. Không những thế, dân chúng Huế lại còn đi xa hơn luật kỵ húy đương thời đòi hỏi, đã không những dùng chữ “Huê” nói trệch từ chữ “Hoa” ra mà còn thay thế hẳn chữ “Hoa” kỵ húy bằng một vài chữ khác là “Ba” và Bông”. Ví dụ họ nói “Ba viên” thay cho “Hoa viên”, “Bông ba hoa quả” thay cho “hoa quả” và dùng chữ “Đông Ba” để thay cho chữ “Đông Hoa”. Một điểm đặc biệt nữa là dân chúng Huế đã thay thế tên húy của bà Hậu nầy bằng những tên bằng chữ Nôm như “Ba, Bông”, mặc dầu nếu với chữ Hán, như chữ “Đông Hoa” nghe ra vẫn hay ho hơn là chữ “Đông Ba” chẳng hạn. Mãi cho đến nay (2008), người Huế vẫn còn dùng chữ “Huê”, chữ “Ba” và chữ “Bông” để thay thế chữ “Hoa” và vì thế, ở Huế vẫn còn có người quen miệng dùng chữ “Ba viên” hay “Huê viên” để chỉ “Hoa viên”.

II/ ĐẶT VẤN ĐỀ VỀ CÁI CHẾT CỦA BÀ HỒ THỊ HOA:

Hai câu hỏi đã được chúng tôi nêu ra trong trường hợp của bà Hoàng hậu Hồ Thị Hoa là:

1/ Vì sao tên bà vợ đầu tiên của vua Minh Mạng cũng đã được

dân chúng Huế áp dụng luật “kỵ húy”, thường chính thức chỉ áp dụng cho tên các vua chúa mà thôi? Và vì sao, dân chúng Huế lại còn thay thế hẳn tên húy “Hoa” bằng các tên Nôm “Ba, Bông” chứ không phải chỉ cần nói trệch tên “Hoa” ra thành tên “Huê” là đủ?

2/ Vì sao, là một bà Hoàng hậu với nhiều Ngự Y tài giỏi luôn luôn túc trực sẵn sàng trong Nội Cung mà bà Hoàng hậu nầy đã phải qua đời trong thời kỳ hậu sản, chỉ 13 ngày sau khi sinh con? Chứng bệnh hậu sản gây nên cái chết của bà Hoàng Hậu nầy là thứ bệnh gì theo lý đoán của Y khoa ngày nay?

III/ VÌ SAO NGƯỜI HUẾ ĐÃ “NÓI TRỆCH” VÀ “NÓI TRÁNH” TÊN CỦA BÀ HỒ THỊ HOA?:

Đây là câu hỏi thứ nhất mà chúng tôi đã nêu ra ở trên. Nếu chúng ta xét kỹ những sử liệu còn sót lại ngày nay, chúng ta sẽ thấy nguyên nhân mà người Huế đã không những “nói trệch” mà còn “nói tránh” tên của bà Hồ Thị Hoa vì những lý do sau đây:

1/ Bà là người hiền hậu, đức độ và hiếu để: ‘Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả” đã có ghi “Năm Bính dần, đức Thế tổ và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển chọn con gái công thần là phi cho Thánh Tổ nên bà được vào hầu nơi tiềm để. Bà tính dịu dàng thận trọng, hiều đức, một lòng hiếu kính nên Thế Tổ rất ngợi khen ban cho tên “Thật”.Tánh tình của bà là tánh tình của người đàn bà con gái Huế, rất phù hợp với bản tính của những con người xứ Huế.

2/ Bà mất sớm, ngay sau khi sinh xong: Theo “Nguyễn Phúc Tộc Thế Phổ”, bà qua đời khi đang còn rất trẻ, chỉ mới 17 tuổi đời mà thôi: “Tháng năm năm Đinh Mão (1807), bà sinh Hiến Tổ Chương Hoàng Đế mới được 13 ngày thì bà mất”. Tuổi còn quá trẻ mà đã qua đời và nhất là qua đời sau khi vừa sinh con xong, với tình cảnh “con vuông nhưng mẹ không tròn”, bà đã để lại một đứa con thơ đang còn măng sữa một mình trên dương thế trần đời, thử hỏi ai mà không mủi lòng? Dân Huế đã cảm thương cho con người xấu số đó và vì thế đã dành nhiều thiện cảm cho bà Hồ Thị Hoa.

3/ Vua Minh Mạng là một người chồng lãng mạn và tình nghĩa: Năm bà mất (1807), Vua Minh Mạng vào hồi đó vẫn đang còn trong cảnh hàn vi, chưa được tấn phong “Hoàng Thái tử” và chỉ được phong “Thái tử” vào năm 1815 tức 8 năm sau khi bà qua đời. Trước khi liệm, vua Minh Mạng đã đặt một thỏi vàng vào trong tay bà và ngậm ngùi giải thích với người chết: “Khi khanh còn sống, khanh thường lo sợ khi chết không có một mảnh vàng trong tay để đi đường làm lộ phí, thì đây ta cho khanh để khanh được an lòng”. Cách xử sự của nhà vua là một cách xử sự tuy lãng mạn nhưng rất hợp tình và hợp lý, hợp với lòng người dân trong xứ Huế. Điều này đã chứng minh nhà vua là một con người tình cảm, chứng minh được tình thương đậm đà và sự chung thủy của nhà vua đối với với người vợ đầu tiên nhưng xấu số của mình. Những điều nầy đã đánh trúng yếu điểm tâm lý của những con người lãng mạn xứ Huế và dân chúng Huế đã dành cho bà Hồ Thị Hoa nhiều tình cảm tốt đẹp là cũng vì vậy.

Ba lý do trên đây đủ để giải thích tình cảm sâu sắc mà dân chúng Huế đã dành cho bà Hồ Thị Hoa và cho cả vua Minh Mạng. Cũng vì tình cảm sâu đậm đó mà người Huế đã đi một bước xa hơn trên con đường tình nghĩa bằng cách không những đã cố ý “nói trệch” tên bà mà còn cố ý “nói tránh” tên bà để tỏ lòng thương quý ngưỡng mộ của mình đối với bà. Dân chúng Huế đã tự động tôn kính bà chứ không phải vì đã có lệnh vua ban ra. Tình cảm đó do tự nhiên mà có chứ không bao giờ do ép buộc mà được.

Ngoài ra, để gỉải thích vì sao người dân Huế đã dùng các tên Nôm “Ba”, “Bông”và “Huê” để thay tên “Hoa” của bà, ta phải cần hiểu tiếng Nôm ngày xưa là tiếng nói của dân gian. Dân chúng Huế với đa số là thành phần dân gian mộc mạc ít học chữ Hán nên vì thế họ đã phải lấy những từ ngữ dân giã để dùng làm tên mới cho bà, những tên quen thuộc hơn và dễ phát âm đối với họ hơn. Vì thế, ta chẳng nên lấy làm lạ về những “tên Nôm” của họ dành riêng để nói về bà thay vì nhắc đến tên “Thật” hay tên “Hoa” của bà.

IV/ CHỨNG BỆNH HẬU SẢN CỦA BÀ HỒ THỊ HOA THEO Y KHOA NGÀY NAY:

Ngày xưa, khi nói đến bệnh “Hậu sản”, dân ta thường nói đến “Máu Hậu sản” do bệnh tâm lý uất ức trong thời kỳ hậu sản, gây nên chứng “động kinh” chết người đi đôi với chứng “tê liệt toàn thân” (paralysis) hay “bán thân bất toại” (hemiparesis), với miệng méo xẹo (facial nerve paresis) và nói không ra tiếng (aphasia) v.v... “Chứng động kinh” do tâm lý uất ức mà gây nên nầy, ngày nay y khoa gọi là “stroke” do huyết áp cao làm vỡ mạch máu trong não và máu tụ lại đè lên trên não bộ sinh ra các triệu chứng về thần kinh học. Vào những thời kỳ xa xưa đó, đàn bà sinh đẻ thường dễ mắc phải huyết áp cao do tập tục ăn mặn sau khi sinh. Bà sản phụ nào trước ngày đi sinh cũng “thủ sẵn” một chai muối tiêu để dùng và sau khi sinh thường ăn đồ ăn rất mặn. Điều này đã làm cho huyết áp dễ gia tăng quá mức và chỉ chờ có cơ hội là tai nạn bộc phát. Tuy nhiên theo y khoa ngày nay, “bệnh hậu sản không chỉ gồm có bấy nhiêu mà thôi. Ngày nay, “bệnh hậu sản” được chia ra làm nhiều thứ. Tuy nhiên “Chứng kinh giật khi có thai” (Eclampsia) với huyết áp gia tăng do thai nghén gây nên trước và sau khi sanh đã không được các bác sĩ y khoa ngày nay cho là một chứng bệnh hậu sản. Mỗi khi nói đến các “chứng bệnh hậu sản” (post-partum) của các sản phụ Việt Nam, các bác sĩ sản khoa Việt Nam đã dựa theo kinh nghiệm nhà nghề đưa ra những nguyên nhân mà G.S Y Khoa Trần Ngọc Ninh đã ghi lại sau đây:

1/ Xuất huyết sau khi sinh (Post-partum hemorrhage): Xuất huyết sau khi sinh thường do nhau còn sót trong tử cung hoặc do tử cung không co lại.

2/ Sốt hậu sản (Puerperal fever) vì nhiễm trùng tử cung (Puerperal infection) do sự thiếu vệ sinh trong khi sinh hoặc vì sự làm độc do sự xâm nhập của các thứ vi trùng vào trong cơ thể sản phụ.

3/ Bệnh uốn ván do sự co cứng cơ (Tetanus puerperal) vì cắt cuống rốn bằng các vật liệu không được khử trùng như với mảnh sành chẳng hạn.

4/ Bệnh lao (Tuberculosis), thường trở nên rất nặng sau khi sinh đẻ do thiếu dinh dưỡng vì đã theo “thực đơn kiêng cữ” theo cổ truyền như chỉ ăn nước mắm chưng chẳng hạn.

5/ Đau tim (Myocarditis, Cardiac Beri-beri)

6/ Bệnh phù thũng do thiếu Vitamine B1 (Beri-Beri).

Trong các nguyên nhân kể trên, nguyên nhân thường xảy ra nhất là nguyên nhân “Sốt hậu sản do nhiễm trùng tử cung” (Puerperal Infection). Nguyên nhân nầy là nguyên nhân số một, không những cho các sản phụ hồi xưa mà còn cho các sản phụ ngày nay ở những xứ nghèo khó như ở các xứ Phi Châu chẳng hạn. Theo thống kê của Cơ quan Y tế Quốc tế (WHO = World Health Organization) thì thống kê năm 1985 cho thấy trên thế giới đã có 500.000 trường hợp sản phụ thiệt mạng khi sinh đẻ. 20 năm sau, vào năm 2005, mặc dù với tiến bộ của y khoa, con số sản phụ chết vì chứng bệnh nhiễm trùng khi sinh đẻ trên thế giới cũng vẫn còn ở mức 536.000 người (theo tạp chí Times, vol. 172, số 13, năm 2008).

Trở lại trường hợp của bệnh nhân Hồ Thị Hoa, vợ của vua Minh Mạng đã qua đời cách đây hơn 200 năm (1807) và qua đời chỉ 13 ngày sau khi sinh con xong, chúng ta hãy thử dùng suy luận để tìm kiếm nguyên nhân tử vong của bà ta.

Theo danh sách những nguyên nhân trên, ta thấy bệnh nhân Hồ Thị Hoa khó có thể bị bệnh phù thũng “Beri-beri” do thiếu chất Vitamine B1 trong khẩu phần. Vợ của Hoàng tử khó lòng mà ăn uống thiếu thốn như những người dân bình thường khác. Về khả năng bị bệnh “Đau tim” hay “Nhồi máu cơ tim” (Myocarditis) của bệnh nhân Hồ Thị Hoa, chúng tôi cũng không nghĩ đến vì bệnh nhân của chúng ta là một người đàn bà còn trẻ, chỉ mới 17 tuổi, sức khoẻ đang còn trong thời kỳ rất sung mãn. Bệnh nhân Hồ Thị Hoa cũng không thể mắc phải bệnh lao vì ở trong Nội Cung, bệnh nhân ăn uống được đầy đủ và cũng không phải làm việc cực nhọc hay lam lũ gì như những người dân thường để phải mắc bệnh lao kinh niên.

Bệnh nhân Hồ Thị Hoa cũng không thể đã từ vong hậu sản do xuất huyết tử cung trong lúc sanh. Thông thường, sản phụ bị xuất huyết tử cung khi có mảnh nhau còn sót lại bên trong tử cung hoặc khi nhau đã rời ra mà tử cung vẫn không co lại (Atonie utérine). Một bà mụ rành nghề không thể nào quên kiểm soát “nhau” khi “nhau” tróc ra ngoài và vô ý để sót “nhau” lại trong tử cung. Nhưng nếu gặp trường hợp “nhau” ra rồi mà cơ tử cung vẫn không co lại thì máu sẽ vẫn chảy ra và không cách gì ngăn chận lại được nếu không dùng “thuốc co tử cung” như “Oxytocin” để chích ngay vào cơ tử cung như y khoa ngày nay vẫn làm. Nếu gặp cảnh xuất huyết hậu sản không ngừng như vậy, người sản phụ sẽ phải tử vong liền ngay hoặc cùng lắm là một hai ngày sau khi sanh nếu bị máu cứ chảy rỉ rả, chứ không phải đợi đến 13 ngày mới qua đời như bệnh nhân Hồ Thị Hoa của chúng ta. Vậy, giả thuyết “xuất huyết” tử cung trong trường hợp bệnh nhân Hồ Thị Hoa không đứng vững. Một trường hợp chảy máu tử cung nữa, hiếm hơn nhiều và nguy hiểm hơn nhiều nhưng cũng xin nhắc ra đây để ghi nhớ mà thôi là trường hợp “Vỡ tử cung” khi sanh (Uterine Rupture), thường do bà mụ đè mạnh trên bụng sản phụ cho hài nhi mau ra hoặc cho “nhau thai” mau lóc ra. Trong trường hợp vỡ tử cung nầy, máu sẽ ào ào chảy ra trong bụng và kết quả của “băng huyết dữ dội” nầy (cataclysmic hemorrhage) sẽ thấy ngay liền: mạch đập nhanh, huyết áp hạ rất nhanh, bệnh nhân sẽ lâm vào trường hợp trụy tim mạch rất mau chóng. Các trường hợp “tử cung không co thắt lại” hoặc “vỡ tử cung” rất dễ đưa đến tử vong và bác sĩ phải cấp tốc làm phẫu thuật cắt bỏ tức thời tử cung, kẹp các mạch máu đang chảy và chuyền thêm máu mới hy vọng cứu sống bệnh nhân được.

Ngoài ra, trong trường hợp của bà Hồ Thị Hoa, chắc chắn bà cũng không thể bị “bệnh uốn ván” với sự cứng cơ chết người vì vi trùng “Tetanus” do dụng cụ cắt cuống rốn thiếu vệ sinh của bà mụ. Bằng chứng đã không có bệnh uốn ván là vì hài nhi sinh ra, vua Thiệu trị sau này, cũng không bao giờ bị bệnh Tetanus.

Và như vậy chỉ còn một nguyên nhân tử vong cho bệnh nhân Hồ Thị Hoa mà thôi là “Chứng nhiễm trùng hậu sản” (Puerperal Infection). Thông thường thì chứng bệnh nầy xảy ra là do sự thiếu sạch sẽ bàn tay của bà mụ khi đỡ đẻ hoặc do sự nhơ nhớp của những dụng cụ không hợp vệ sinh dùng để cắt rốn. Tuy nhiên bên ta cũng như bên Tàu, tập tục truyền thống mỗi khi trong nhà có người sắp sinh nở, gia đình nào cũng thường tự động nấu một nồi nước sôi thật lớn để dành sẵn cho các bà mụ rửa tay, để tắm rửa cho hài nhi và cũng để lau chùi cho sản phụ. Trong Nội Cung của Vua thì lại càng phải làm kỹ càng hơn là với nhà thường dân rất nhiều. Chuyện bắt buộc dùng nước nóng để rửa sạch sẽ bàn tay bà mụ và lau chùi sạch sẽ cho thai nhi và sản phụ chắc chắn cũng có thể đã làm giảm thiểu rất nhiều khả năng gây ra chứng bệnh nhiễm trùng, như bác sĩ Issac Semmelweis ở Vienna bên nước Áo (Austria) đã quan sát được và chứng minh được vào năm 1847. Trong một bệnh viện sản khoa ở Vienna nơi ông làm việc, ông để ý là với số 3000 sản phụ sinh tại bệnh viện đó, mỗi năm hơn 600 người đã chết vì bệnh sốt hậu sản mà người đương thời gọi là “Sốt khi sinh” (Childbed Fever), một tỷ lệ lên đến 20%! Ông cũng để ý là các sản phụ do bà mụ đỡ đẻ thường ít bị “Sốt khi sinh” hơn là các sản phụ do bác sĩ đỡ đẻ. Ông cũng lại nhận thấy có một điều khác biệt nữa là các bà mụ thường rửa tay trước khi đỡ đẻ và các bác sĩ thì ít khi rửa tay nên vì thế đã làm lây bệnh từ sản phụ nầy qua sản phụ nọ. Ông nhận xét sự khác biệt về tử vong do rửa tay hay không rửa tay đó có khi đã lên đến 12%. Từ đó, ông đòi hỏi các bác sĩ phải rửa tay trước khi sờ đến bệnh nhân và tỷ lệ tử vong đã giảm xuống, chỉ còn 1% (theo Sherwin Nuland: “The Doctors’s Plague: Germs, Childbed Fever and the strange story of Issac Semmelweis”, New York: Norton, 2003). Trước đó vào năm 1843, trong báo y khoa “New England Journal of Medicine”, bác sĩ Olivier Wendall tại Hoa Kỳ cũng đã khuyến cáo các bà mụ phải rửa tay trước khi đỡ đẻ để đề phòng bệnh ”Sốt khi sinh” (Puerperal Fever) cho các sản phụ. Sau Semmelweis 20 năm, Pasteur đã tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng là do “Vi trùng” và Lister mới giải thích rõ ràng hơn lý do “vì sao phải rửa tay” và đề nghị phương pháp khử trùng mỗi khi làm phẫu thuật. Khuyến cáo của ông từ ngày ấy đã được nhiều bác sĩ nghe theo và y khoa ngày nay còn bắt buộc các bác sĩ phải rửa tay với các chất sát trùng dùng dung dịch cồn (Alcohol), dưới dạng “alcohol gel” để sát trùng.

Tuy nhiên, mặc dầu bà mụ đỡ đẻ đã rửa tay sạch sẽ bằng nước nóng như ta đã suy luận ở trên, nhưng bệnh nhân Hồ Thị Hoa vợ của vua Minh Mạng cũng đã chết vì bệnh Nhiễm trùng hậu sản. Tại sao?

V/ CHỨNG BỆNH NHIỄM TRÙNG HẬU SẢN THEO Y KHOA NGÀY NAY:

Mãi 20 năm sau khuyến cáo của Semmelweis, vào năm 1847, nhà Vi trùng học Pasteur mới chứng minh được là tất cả những bệnh nhiễm trùng kể cả “nhiễm trùng hậu sản” đều do vi trùng gây nên. Điểm khởi đầu của mọi sự nhiễm trùng là ”cửa vào”, chỗ vi trùng xâm nhập vào trong cơ thể. Y khoa ngày nay cũng đã chứng minh được là “Nhiễm trùng hậu sản” thường bắt đầu từ những vết thương ở vùng hạ bộ: ở đáy chậu (Perineum) và nhất là ở vùng âm hộ hay âm đạo, thường là hai bên mép cửa mình và nhất là từ chỗ “Thai nhau” bám vào thành bên trong của tử cung. Nhiễm trùng len lỏi vào phía trong và tiến lên phía trên, gây nên chứng “viêm màng trong tử cung” (Endometritis), đi lần đến viêm vùng cận tử cung (Parametritis), có thể gây nên cả “viêm tĩnh mạch huyết khối” của vùng chậu hông (Pelvic thrombophlebitis) rồi đưa đến “viêm màng bụng” (Peritonitis). Các thứ vi trùng trong chứng bệnh “nhiễm trùng hậu sản” này thường là “Streptococci, Clostridium perfringens, Bacteroides fragilis, và Escherichia Coli”. Trong y khoa ngày nay, các bác sĩ đều biết những thứ vi trùng nầy thường đã có sẵn trong âm đạo và thường “làm độc” trong các trường hợp như khi màng nước bể quá sớm, khi sanh lâu quá 24 giờ, khi âm đạo không được sạch sẽ lúc sanh, khi vừa gần gũi chồng xong, khi còn dính nhau, khi bị xuất huyết hoặc khi thiếu máu hay khi ăn uống thiếu thốn.

Triệu chứng của chứng bệnh “Nhiễm trùng hậu sản” nầy là “Cơn Sốt” (Fever), có khi lên đến 105 độ F hay 40.6 độ C trong vòng 24 giờ sau khi sanh, bệnh nhân cảm thấy lạnh người (chills), đau đầu, bồn chồn (restlessness) v.v... Bệnh nhân cảm thấy đau và sưng ở vùng hạ bộ, đi tiểu khó, có chảy mủ. Nếu bị Viêm Màng tử cung sẽ chảy nước hôi (foul-smelling lochia), đau và sưng vùng tử cung, đau lưng, co thắt tử cung dữ dội. Nếu có Viêm vùng cận tử cung (Parametritis), bệnh nhân càng ngày càng cảm thấy đau ở vùng âm hộ và ở vùng bụng. Nhiễm trùng có thể giới hạn hoặc có thể làm mủ và đi theo máu và các bạch huyết quản để làm độc toàn cơ thể, gây nên chứng “Viêm tĩnh mạch huyết khối vùng chậu hông” (Pelvis Thrombophlebitis) sinh ra nóng lạnh bất thường, đau vùng bụng dưới hoặc đau bên hông và có thể rờ nắn được một khối u tại vùng đau đó. Tiến lên nữa là “Viêm màng bụng” (Peritonitis), một trường hợp chết người ngay với y khoa ngày nay. Bệnh nhân bị nhiệt độ cao, tim đập rất nhanh (trên 140), mạch yếu, ói mửa, đau bụng đều đều, đôi khi đau chịu không nổi.

Các bác sĩ ngày nay thường định bệnh được ngay khi thấy sản phụ nào bị lên cơn sốt cao trong vòng 48 giờ sau khi sanh và thường với các triệu chứng đã kể ở trên.

VI/ CĂN BỆNH “NHIỄM TRÙNG HẬU SẢN” Ở BỆNH NHÂN HỒ THỊ HOA:

Như ta đã trình bày qua suy luận ở trên, bệnh nhân Hồ Thị Hoa đã mắc phải chứng bệnh “Nhiễm trùng hậu sản” (Puerperal Infection). Bà đã bị bệnh này mặc dầu bà mụ đỡ đẻ đã phải rửa tay sạch sẽ. Vậy vì sao bà Hồ Thị Hoa lại có thể bị bệnh Nhiễm trùng hậu sản trầm trọng đến nỗi phải qua đời?

Dựa theo các khuyến cáo về phương pháp phòng ngừa bệnh “Nhiễm trùng hậu sản” của y khoa ngày nay và dùng phương pháp suy luận để diễn dịch thêm, chúng ta sẽ có thể tìm ra được nguyên nhân của chứng nhiễm trùng hậu sản của bà Hồ Thị Hoa.

Chúng ta giả thiết rằng khi bắt đầu có triệu chứng gần sinh, bà đã được các bà mụ và các ngự y trong Nội Cung túc trực sẵn để săn sóc bà ngay chứ không có sự chậm trễ nào. Về vệ sinh tại hạ bàn, chắc chắn bà cũng đã được các bà mụ làm sạch sẽ cho rồi. Không thể nào có vấn đề “thiếu vệ sinh tại chỗ”. Vì bệnh nhân là bà hoàng nên chắc chắn các bà mụ cũng đã phải rửa sạch sẽ bàn tay trước khi khám thai. Và cũng vì bệnh nhân là bà Hoàng nên chắc chắn các bà mụ cũng không dám “khám thai” quá nhiều lần để sinh ra nhiễm trùng như các khuyến cáo ngày nay đã nhấn mạnh. Cũng vì bệnh nhân là bà Hoàng nên cũng chẳng mấy ai được vào phòng sanh và như thế bệnh nhân khó có thể lây bệnh từ người khác.

Ngày nay, chúng ta đều biết là mọi sự xâm nhập của vi trùng vào cơ thể đều phải qua “Cửa Vào”, theo tiếng Anh là “Entry Portal” và theo tiếng Pháp là “Porte d’entrée”. Khi sanh, chỗ “thai nhau” bám vào thành tử cung sau khi nhau đã lóc ra là chỗ có vết thương lớn nhất và dễ bị nhiễm trùng nhất trong người sản phụ sau khi sanh. Trong khi sanh, nếu bà mụ đã phải dùng tay để bóc tách “thai nhau” ra khỏi thành tử cung hoặc dùng tay lôi kéo “thai nhau” ra ngoài hoặc dùng tay rà soát các mảnh “thai nhau” có thể còn sót lại bên trong thành tử cung, thì tử cung rất dễ bị nhiễm trùng và tình trạng “nhiễm trùng hậu sản” sẽ diễn ra ngay.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa để có thể gây ra nhiễm trùng hậu sản, đó là trong khi sanh, sản phụ đã bị tổn thương (local wound) ở vùng âm đạo hay âm hộ hay ở vùng đáy chậu (Perinium) và do đó, vi trùng lọt được vào trong cơ thể. Trong lúc sanh con, bệnh nhân rất dễ bị tổn thương ở vùng hạ bàn. Nếu đầu của thai nhi quá lớn, hai mép cửa mình sẽ bị căng rộng ra (excessive stretching), trở thành mỏng và rất dễ bị rách toạc. Sự kiện rách toạc mép của cửa mình này, y khoa ngày nay gọi là “Spontaneous Episiotomy” mà thật ra bản chất là một đường rách, khác với “đường cắt cố ý” (Intentional Episiotomy) của các bác sĩ. “Đường cắt cố ý” thường do các bác sĩ sản khoa tự tay cắt mỗi khi thấy đầu thai nhi không ra ngoài được. Họ thường dùng kéo để cắt rộng âm hộ thẳng xuống phía dưới “cửa mình”, hướng về phía hậu môn (midline incision) hoặc cắt ngang xéo 45 độ một bên mép cửa mình (mediolateral incision) để làm rộng đường ra của thai nhi, cho đầu thai nhi dễ trượt trót lọt ra ngoài. “Đường cắt” thẳng xuống dưới (midline incision) là đường cắt tốt nhất, dễ lành liền hơn và sẽ ít đau hơn là với đường cắt ngang một bên mép cửa mình (mediolateral incision). Đường thẳng xuống nầy tuy có thể làm rách rộng lan xuống Trực tràng (Rectum) nhưng thông thường, các bác sĩ rất chú ý đến vùng nầy sau khi sinh và nếu bị rách thì may lại cũng dễ dàng và cũng mau lành hơn. Vết rách toạc “tự động” của cửa mình thường khó may lại và cũng lâu lành hơn vì đường rách tự động không được sắc bén và cũng không thẳng hàng để dễ may lại hơn như với đường cắt cố ý.

 Chính chỗ có vết thương rách toạc ở âm hộ hay ở vùng đáy chậu (Perinium) là chỗ mà vi trùng có thể xâm nhập vào bên trong để làm độc. Các vi trùng nầy thường là những vi trùng lúc bình thường đã có sẵn trong âm đạo của bệnh nhân và thường là những vi trùng loại “Staphylococci”, Clostridium perfringens, Bacterroides fragilis và Escherichia Coli như ta đã nói ở trên. Chính vì những vi trùng nầy nên người sản phụ mới bị “chứng bệnh nhiễm trùng hậu sản”.

Thông thường, sau khi cửa mình đã bị rách do tự cắt mà ra (Intentional Episiotomy) hoặc do tự động mà thành (Spontaneious Episiotomy) hay do rách ở vùng đáy chậu (Perineum), các bác sĩ thường phải dùng kim chỉ để may vết thương lại ngay cho vết thương mau lành và để tránh nhiễm trùng.

Và như vậy, bàn về nguyên nhân cái chết của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng cách đây 200 năm, chúng ta có thể kết luận như sau:

“Trong khi sinh con, thành tử cung bên trong của bà đã bị làm độc hoặc vết thương ở hạ bàn của bà không được may lại như ngày nay nên vi trùng đã lọt được vào bên trong để làm độc toàn thân qua đường huyết quản và đường bạch huyết để đưa đến tử vong”.

Vào hồi đó (1807), ở xứ Việt Nam mình chưa có kháng sinh (Antibiotics) như ngày nay (2008) mà cũng chưa biết đển phẫu thuật may vết thương (Wound suturing) nên vì thế mọi sự chữa trị các bệnh nhân bị “nhiễm trùng hậu sản” như của bà Hồ Thị Hoa đều là “chữa trị cầu may” (hopeful treatment). Hồi đó, ngay cả y khoa của các nước gọi là tân tiến bên Âu Châu cũng chỉ biết cách giữ sạch các vết thương sau khi “may vết thương” (Wound suturing) mà thôi chứ lúc đó họ cũng chẳng có thuốc kháng sinh nào để điều trị cho bệnh nhân ngoài thuốc sát trùng ngoài da với dung dịch thuốc “Listerine” mà thôi. Và đến đây, trong hoàn cảnh của y khoa ngày xưa, tất cả sự thắng bại của cuộc chiến giữa bệnh nhân và vi trùng đều tùy thuộc vào sức đề kháng trong cơ thể của bệnh nhân mà thôi.

Cơ thể của bệnh nhân Hồ Thị Hoa đã cố chống chỏi với căn bệnh nhiễm trùng hậu sản trong 13 ngày. Đến ngày thứ 13, khi vi trùng trong cơ thể của bà đã từ “cửa ngõ vết thương” ở hạ bàn xâm nhập theo đường máu và theo đường bạch huyết để làm độc toàn thân thì mệnh hệ của bà xem như đã được định đoạt. Cơ thể của bà không còn đủ sức chống chỏi nổi với mức độ trầm trọng của nhiễm trùng và bà đã phải ra đi.

B.M.Đ
(241/03-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sớm ấy, (12/03/2009)