Người Huế
Nhân lễ cải táng Cựu Hoàng Duy Tân nghĩ về ông vua yêu nước
09:18 | 02/12/2014

PHAN THUẬN AN

"Hôm nay, Ngài trở về trong lòng đất mẹ thân yêu, trở về giữa tất cả đồng bào con Hồng cháu Lạc, trở về bên núi Ngự, sông Hương...
"Chúng ta thành kính cầu cho nhà vua đời đời yên nghỉ.
"Lòng yêu nước của nhà vua còn sáng mãi với sử xanh".

Nhân lễ cải táng Cựu Hoàng Duy Tân nghĩ về ông vua yêu nước
Vua Duy Tân khi mới lên ngôi (1907) - Ảnh tư liệu của P.T.A

Lời văn nhẹ như thơ. Ý tứ thiết tha như tơ lòng đang chân thành rung cảm. Lời và ý như của một đoạn trong thiên anh hùng ca nói về một đấng anh quân.

Vâng, đó chính là phần cuối trong bài điếu văn do ông Lê Văn Hoan(1) thay mặt bà con cả nước, đọc trước linh cữu Cựu hoàng Duy Tân tại Huế sáng ngày 6-4-1987.

Tang lễ đã diễn ra theo một số nghi thức cổ truyền của dân tộc. Chính bốn người con của Cựu hoàng Duy Tân là Suzie Beauvanne, Georges Vĩnh San, Claude Vĩnh San và Rogé Vĩnh San xưa nay vốn quen với nếp sống phương tây cũng mặc đồ chế Việt Nam, cũng thắp hương, cũng vái lạy và hành lễ nghiêm túc như công chúa Lương Linh (con vua Thành Thái) và hàng ngàn thân nhân khác trong hoàng tộc đang ở tại Huế - và các nơi về dự lễ. Điện Long Ân, nơi quàn di cốt nhà vua, chỉ cách chỗ hạ huyệt chừng 100 mét, nhưng ban tổ chức tang lễ đã có sáng kiến hay, là cho đoàn xe tang đi một vòng quanh thành phố để nhà vua và nhân dân cố đô gặp nhau lần cuối cùng rồi vĩnh biệt!
 

Ba con trai của vua Duy Tân (Georges Vĩnh San, Claude Vĩnh San và Rogé Vĩnh San) trước linh cữu vua cha tại Cung Diên Thọ.


Ngồi trên đoàn xe tang để tiễn vua đến nơi an nghỉ, tôi thấy lòng mình không khỏi xúc động bồi hồi. Rồi suy nghĩ mênh mang. Sông Hương núi Ngự vẫn còn đây. Thành quách cung điện, lăng tẩm, đền đài đang còn đó. Cảnh gợi nhớ người. Một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi trên xe tang, tôi như xem lại một cuốn phim dĩ vãng.

Con người ấy đã tỏ ra thông minh và khí khái từ lúc thiếu thời. Năm 1907, ngay sau khi chứng kiến buổi lễ tấn tôn Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San do Tòa Khâm sứ bên kia Sông Hương quyết định và do Nam Triều bên này Sông Hương tổ chức ở điện Thái Hòa, một nhà báo Pháp đã viết bài tường thuật đăng trên các báo chí "mẫu quốc". Ông đã đi đến kết luận: "Một ngày ở trên ngai vàng đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của cậu bé 8 tuổi ấy" (Un jour de trône a complètement changé le visage de cet enfant de huit ans).

Vì có thái độ đối kháng với chính quyền thực dân mà vua Hàm Nghi đã phải xuất bôn để mặc cho chiếc ngai vàng bỏ trống (1885). Vì không chịu đựng nổi sự o ép của nhà nước "bảo hộ" mà vua Thành Thái đã phải giả điên để che mắt Tòa Khâm Sứ trong việc chuẩn bị tấn công. Sau khi phụ hoàng bị buộc phải lưu vong (1907), vua Duy Tân đã chứng tỏ được rằng: "Cha nào con nấy".

Lúc mới 12 tuổi, sau mấy năm học với thầy "giáo đạo" Eberhadt, vua Duy Tân đã nói được tiếng Pháp trôi chảy để đối đáp trực tiếp và ứng xử nhanh nhẹn với các viên Khâm sứ, Toàn quyền.

Toàn quyền Albert Sarraut, trong một lần vào Hoàng cung bệ kiến nhà vua để về nước nghỉ phép, có hỏi rằng:

- Nhân dịp tôi về thăm nhà, đức Kim Thượng cần dùng thứ gì, tôi sẽ xin mua để biếu Ngài.

- Trẫm cần sách để đọc. Trẫm muốn đọc về Napoléon Bonaparte, người anh hùng cách mạng.

- Đức Kim Thượng hãy đọc cho hết sách ở Huế đã, đọc chi đến sách ở bên Tây!

Tuy nhiên, sau đó, để làm đẹp lòng nhà vua, Albert Sarraut vẫn mua quà biếu cho Ngài một bộ sách viết về nhân vật lịch sử ấy.

Tư tưởng nhà vua đã chịu ảnh hưởng nhiều ở bộ sách này(2)

Một hôm, vừa nghe tin Khâm Sứ Mahé đem người lên đào mả vua Tự Đức để lấy vàng ngọc châu báu, vua Duy Tân tức tốc thân hành lên đó để ngăn chặn hành vi ngang ngược này. Nhưng, khi lên đến nơi thì đã muộn, mọi việc đã xong xuôi. Vua vô cùng căm phẫn. Khi đi ra cửa Vụ Khiêm Môn, nhà vua vô cùng căm phần. Khi đi ra cửa vụ Khiêm Môn, nhà vua gặp thầy dạy của mình là ông Cao Xuân Dục từ Đại Nội mới lên để nghe ngóng tình hình, vua Duy Tân bộc lộ nỗi đau xót tự đáy lòng:

- Thầy ơi, hồi còn cha tôi tại vị thì người ta không làm như vậy. Nay họ đặt tôi lên làm ấu chúa để đào mả, phá nhà!

- Biết vậy thì đức Kim Thượng nên gắng học.

- Thầy nói tôi nghe cũng phải. Nay cha tôi đã ở xa. Tôi nguyện gắng học và xin thầy giúp cho.

Ngay sau đó, vua viết một lá thư gửi cho Pháp đình, nói về sự kiện vừa xảy ra ấy, đề nghị triều đình Pháp khiển trách và hạch tội mấy viên quan bảo hộ bên này. Vua nhờ viên toàn quyền Đông Dương chuyển thư giúp. Nhưng, sau khi đọc lá thư, viên Toàn quyền chẳng những không gửi qua Pháp, mà còn đích thân đem vào cung Diên Thọ trong Đại Nội đưa cho bà Đích xem. Bà Đích là mẹ đích của vua Duy Tân, vợ chính thức của vua Thành Thái. Bà này không có con nhưng vẫn có nhiều quyền. Bà tên là Nguyễn Gia Thị Anh, con gái của đại thần Nguyễn Thân. Do đó, bà có thế lực lớn trong triều. Viên toàn quyền đòi Bà Đích khiển trách vua Duy Tân về việc viết bức thư ấy. Bà cho gọi vua Duy Tân từ điện Càn Thành qua cung Diên Thọ. Trước mặt đại thần Nguyễn Thân và viên Toàn Quyền Pháp, bà bắt buộc nhà vua phải xin lỗi viên Toàn quyền về hành động vừa qua. Trước áp lực, vua phải làm việc đó một cách bất đắc dĩ, trong cổ họng phải ngậm đắng nuốt cay, và trong tâm can tràn đầy một niềm uất hận.

Uất hận chẳng những đối với chính quyền thực dân mà còn đối với cả thế lực hợp tác với nó của một số nhân vật tai mắt trong nội bộ Nam Triều. Chúng ta phải thấy rõ tâm trạng ấy của vua Duy Tân để hiểu về hành động của ông hơn.

Từ đó, nhà vua càng quyết chí làm thay đổi tình hình bằng cách đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam.

Ý chí, tài năng và nghị lực của vị vua trẻ ngày càng tăng theo với tuổi đời. Năm 1916, cũng là năm vua 16 tuổi, trạng huống băng hoại của triều đình Huế, tình cảnh khổ đau của dân tộc Việt Nam, sự biến chuyển thuận lợi của tình hình thế giới, và sự kích thích cổ vũ chính đáng của hai vị sĩ phu yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân trong Việt Nam Quang Phục hội càng làm cho nhà vua đi đến quyết định dứt khoát cuối cùng.

Trong lá thư mà Trần Cao Vân nhờ người tài xế tên là Phạm Hữu Khánh trao bí mật cho vua Duy Tân, có mấy đoạn viết:

- Tha Mỹ quốc hắc nô chủng tộc, ngũ thập niên do khả tự cường; huống ngô dâng hoàng đế tử tôn, mẫm ngũ triệu khởi cam chung nhược? (Kìa nước Mỹ dòng giống rợ đen, năm mươi năm còn có thể tự cường; huống dân ta con cháu nhà vua, hai mươi lăm triệu nỡ đành hèn yếu!)

- Phụ hoàng Hoàng để hà tội kiến thiên; Dực tôn Tôn lăng hà cố kiên quật? (Đức vua cha của Ngài vì tội gì mà bị đày; lăng tẩm vua Tự Đức vì cớ gì mà bị bới?)(3).

Những lời lẽ đánh động cụ thể và chính xác ấy đã càng làm cho nhà vua xúc cảm hơn trong tình cảnh nước mất nhà tan. Nó có tác dụng thực tế như đổ dầu vào lửa.

Và ngọn lửa đã bùng lên soi sáng cả bầu trời Việt Nam vào đêm mồng 2 rạng ngày mồng 3 tháng 5 năm 1916 khi nhà vua giả dạng người thường trốn ra khỏi Hoàng Thành để kết hợp với lực lượng đã chuẩn bị ở bên ngoài. Nhưng vô cùng đáng tiếc, ngọn lửa ấy bị dập tắt ngay vì một tên phản bội!

Sau đó mấy hôm, nhà vua và phe khởi nghĩa đều bị bắt giam chờ ngày xét xử. Nam Triều nghị án, nhưng chung quyết lại là từ phía Tòa Khâm. Thượng Thư bộ Học Kiêm Cơ mật viện đại thần Hồ Đắc Trung phụ trách việc thảo án. Từ trong ngục, Trần Cao Vân bí mật viết thư riêng cho Hồ Đắc Trung khẩn khoản xin để hết tội cho mình và hãy tìm cách cứu vua. Trong thư có viết:

- Trung là ai, nghĩa là ai, cân đai võng lọng là ai, thà để cô thân tử biệt.

Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc sơn hà còn đó, mong cho thánh thượng sanh toàn.

Nhiều chiếc đầu rơi trên cống chém An Hòa. Chính quyền Pháp đưa vua Duy Tân vào giam lõng ở Vũng Tàu để chờ ngày đày biệt xứ.

Ngay hôm mới đến Vũng Tàu, vua Duy Tân đã sửa soạn khăn áo chỉnh tề để đến bái yết vua Thành Thái (cũng đang bị giam lỏng tại đây) và để tạ tội trước vua cha. Trong phút giây mừng mừng tủi tủi, vua Duy Tân sụp xuống lạy phụ hoàng, xin tha lỗi cho mình vì không làm tròn trách nhiệm đối với non sông. Vua Thành Thái liền đỡ con dậy, ôm con vào lòng và an ủi con bằng tiếng nói nghẹn ngào:

"Việc đó đáng lẽ cha phải làm tròn. Nhưng cha thực hiện chưa xong thì con phải tiếp tục. Chẳng những con không có tội gì đối với cha, mà con còn có công đối với đất nước".

Sau đó không lâu, cả hai vị "xuất đế" phải xuống tàu để bắt đầu cuộc sống vong quốc tha hương.

Vua Duy Tân đã từ giã hai mươi lăm triệu đồng bào để ra đi giữa lúc:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.

Hôm nay vua trở về cố hương giữa hơn 60 triệu trái tim ngưỡng mộ. Đồng bào Huế hôm nay đang cử hành một tang lễ lớn.

Không, họ đang đón tiếp một người thân đi xa trở về trong khúc khải hoàn ca. Bà con từ đầu phường cuối ngõ đều kéo ra đứng chật hai bên vệ đường có đoàn xe tang đi qua. Một phút bùi ngùi, một khắc hoài niệm. Đoàn xe đi chậm hẳn "trước bến Phu Văn Lâu" như để nghe câu hò mái nhì man mác năm xưa của cụ Ưng Bình Thúc Giạ. Đoàn xe ngừng hẳn trước Ngọ Môn để nhà vua nhìn lại Hoàng cung lần cuối cùng. Ra khỏi cửa Thượng Tứ là bến Thương Bạc, nơi mà đêm ấy nhà vua đã được Thái Phiên và Trần Cao Vân đón rước xuống thuyền…

Những chuỗi hình ảnh và sự kiện lịch sử tương tự như thế cứ tiếp tục tái hiện trong tôi khi đoàn xe đang đi qua cầu Trường Tiền và đến khi kết thúc lộ trình đưa đám. Tất cả đều như hiện thực. Hiện thực như một người anh hùng đang ca khúc khải hoàn trở lại thành đô.

Không, đây là một ông vua dám đem chiếc ngai vàng ra thách thức với chính quyền thực dân để đánh đổi quyền tự chủ và nền độc lập cho dân tộc. Chính nhờ sự hy sinh cao cả ấy mà hôm nay Cựu hoàng Duy Tân được trở về an giấc ngàn thu giữa lòng tổ quốc yêu dấu dưới chân núi Ngự, bên bờ sông Hương.

P.T.A.
(SH32/08-88)


-------------
(1) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên,
(2) Câu chuyện này và mấy câu chuyện tiếp theo đều viết theo lời kể của bà Nguyễn Thị Định, mẹ đẻ của vua Duy Tân. Chúng tôi đã ghi lại một số sự kiện về vua Duy Tân do bà kể cho nghe vào năm 1969 tại nhà riêng của bà trong thành Nội. Bà mất năm 1972, mộ chôn cạnh lăng vua Thành Thái và lăng vua Duy Tân hiện nay.
(3) Xem: Hành Sơn, cụ Trần Cao Vân, Minh Tân xuất bản, Paris, 1952, trang 80-81.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng