Người Huế
Huyền thoại Tư Minh
10:14 | 19/12/2014

LÊ VĂN LÂN

Những thập niên cuối thế kỷ XX, có một nhân vật lúc ẩn lúc hiện như rồng trong mây, như kình ngư giữa đại dương, có mặt ở các thời điểm lịch sử, có tác động đến phong trào giải phóng dân tộc ở Thừa Thiên Huế nói chung và phong trào đô thị Huế nói riêng.

Huyền thoại Tư Minh
Ông Tư Minh hồi hoạt động hợp pháp ở Huế. Ảnh: gactholoc.net

Con người đó đã trở thành một huyền thoại: - Huyền thoại Tư Minh, để lại lòng kính trọng và ngưỡng mộ ở những người lãnh đạo kháng chiến cũng như nhiều nhân vật tiêu biểu của Huế.

Tư Minh là ai?

Tư Minh tên thật là Lê Minh, quê ở Vinh Giang, Phú  Lộc; tham gia cách mạng khá  sớm  từ năm 1936;  tham gia  Tỉnh  ủy  Thừa  Thiên  Huế  từ những  năm  1940,  là một  trong  những  yếu  nhân  tham gia Hội nghị đầm Cầu Hai  lịch sử quyết định  việc  tổng khởi nghĩa  trong Cách mạng  tháng Tám  năm 1945 ở Thừa Thiên Huế. Ngôi nhà ông ở Vinh  Giang từ năm 1942 đến năm 1945 là trụ sở của cơ  quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế, là nơi chuẩn  bị  cho  Hội  nghị  đầm  Cầu  Hai.  Trong  Cách mạng  tháng Tám ông là người trực tiếp phụ trách việc nổi  dậy ở huyện Hương Thủy.

Từ năm 1950 ông là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.  Sau  Hiệp  định  Genève  ông  ở  trong  Ban  liên  hiệp  đình chiến với chức danh đại tá Quân đội nhân dân  Việt Nam.  Trong  cuộc  kháng  chiến  chống Mỹ  cứu  nước, ông  kinh qua nhiều  vị  trí  trọng  yếu: Bí  thư  Tỉnh ủy Thừa Thiên  và Thành ủy Huế, Bí  thư  liên  tỉnh 1  (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam),  ủy viên Liên khu ủy Khu IV, ủy viên thường vụ khu  ủy Khu V, Phó Bí  thư Khu ủy Trị  - Thiên  - Huế và  chỉ huy trưởng cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Trị  -Thiên - Huế trong mùa Xuân năm 1968… Sau này  là Phó ban nông nghiệp Trung ương. Sự nghiệp lẫy  lừng của ông trong kháng chiến xứng đáng để Huế  có một con đường mang tên ông. Nhưng chỉ chừng  ấy thôi chưa đủ, chưa nói hết vai trò, tầm vóc, ảnh  hưởng của ông trong công cuộc giải phóng dân tộc,  thống nhất đất nước ở Huế.

Tư Minh - Công trình sư của “nổi dậy”

Có thể nói những người hoạt động cùng thời với  ông đến nay phần lớn đều không còn nữa, nên việc  tìm hiểu hoạt động cụ thể của ông đều rất khó khăn.  Tuy nhiên, qua những người từng tiếp xúc đều cho  rằng ông  là người am hiểu Huế, am hiểu  tầng  lớp  trên ở Huế và hiểu rất rõ muốn cách mạng đỡ xương  máu cần phải tập hợp những người tiêu biểu trong  mặt trận thứ 2 là liên minh, là phong trào đô thị.
 

Ba vị lãnh đạo chiến dịch Huế Xuân 1968: Ông Nguyễn Vạn (Chính ủy Cánh Nam), ông Tư Minh (Tư lịnh mặt trận) và ông Trần Anh Liên (Chính ủy Cánh Bắc). Ảnh: gactholoc.net

Chúng ta đều biết những năm 1950 ở Huế thành  lập  Chi  bộ  trí  thức  gồm  những  nhân  sĩ,  trí  thức,  công thương gia yêu nước ở Huế như kỹ sư Nguyễn  Hữu Đính, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, bác sĩ Thân  Trọng Phước, bác sĩ Lê Khắc Quyến, công thương gia  Nguyễn Ngọc Bang… Thời đó gọi tên “Chi bộ trí thức”  cũng  là một sự dị ứng với nhiều người, nếu không  nói là phản đối. Việc thành lập Chi bộ này ra sao, câu  hỏi này đến nay vẫn đang còn bỏ ngỏ? Nhưng một  điều chắc chắn là các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và  thành phố như Trần Hân, Hoàng Lanh, Phan Nam,  Võ Đại Triền, Hoàng Kim Loan khi đột nhập vào Nội  thành tiếp cận với các nhân sĩ trí thức ở Huế đều qua  sự giới thiệu, giúp đỡ của ông. Và chính những nhân  sĩ trí thức này ít ai ngờ trong nhà đều có hầm bí mật  và là nơi bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh  đạo của  tỉnh và  thành phố. Hỏi về Chi bộ  trí  thức,  mọi người đều chung một ý kiến: Việc này nên hỏi  đồng chí Tư Minh.

Chi bộ trí thức ra đời năm 1950, cũng chính thời  điểm này ông đảm nhận nhiệm vụ Bí  thư Tỉnh ủy  Thừa Thiên. “Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết”  nên  khi  ông  rời  Huế,  Chi  bộ  này  không  còn  được  nhắc đến. Những người thân trong gia đình các đồng  chí trong Chi bộ trí thức đến nay đều ngạc nhiên và  tự hỏi: Tại sao ở thời điểm đó lại chấp nhận một Chi  bộ như thế? Chúng ta đều biết Chi bộ trí thức ra đời  gắn liền với phong trào hòa bình và tập văn Ngày Mai. Anh Lê Quang Vịnh kể lại: “Tập văn Ngày Mai số 3 có một bài xã luận nhan đề: “Hòa bình trong tay chúng ta” kí bằng một cái tên rất lạ, giọng văn hoàn toàn không giống một ai trong ban biên tập. Mãi sau ngày đất nước đã hoàn toàn độc lập thống nhất, vấn đề bảo mật cho tác giả không còn cần thiết, tôi mới được đồng chí Tư Minh xác nhận chính đồng chí là tác giả”. Ngay bản thân ông cũng nói rõ việc này. Ông viết: “Từ đầu kháng chiến chống Pháp có một nhóm cảm tình cách mạng ở Huế như Hoàng Bá, Thân Trọng Phước, Phạm Bá Viên, Lê Khắc Quyến, Hoàng Xuân Hiển, Nguyễn Ngọc Bang..., nhóm này đã có công tác quan trọng ngoài việc vận động anh chị em trí thức, còn chuyển thuốc men, y cụ, thầy thuốc lên chiến khu; riêng bác sĩ Hoàng Bá định đưa lên khu làm Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời nhưng sau đó xét thấy một cơ sở đang giữ được bí mật nên không rút lên căn cứ”.

Từ những dữ liệu nêu trên cho thấy ông là người đứng ra tổ chức Chi bộ trí thức và chỉ đạo phong trào hòa bình ở Huế.

Am hiểu Huế, am hiểu vai trò, vị trí của tầng lớp trên ở Huế trong cách mạng miền Nam, thấy rõ tác động to lớn của phong trào đô thị; những ngày cuối đời ở trên giường bệnh, các đồng chí lãnh đạo thành phố đến thăm, ông căn dặn cặn kẽ việc này. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy Huế kể lại: Ông luôn nhắc nhở lãnh đạo thành phố phải tin vào cán bộ cốt cán, thuận lợi không nói gì, nhưng lúc khó khăn mới thấy họ vững vàng trước thử thách, chỉ có họ mới vực dậy được phong trào. Điều này cũng được thực tiễn cách mạng chứng minh: Những người trong Chi bộ trí thức và Phong trào Hòa bình ở Huế luôn vững vàng, ở thời điểm nào cũng là ngọn cờ tiên phong, tập hợp lực lượng phát triển phong trào đô thị. Họ có mặt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ phong trào hòa bình sau năm 1954 đến phong trào lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, phong trào ly khai năm 1966 đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968; họ tham gia vào Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chúng ta đều biết trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Huế là thành phố duy nhất trong các thành thị miền Nam treo cờ liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình. Và lá cờ liên minh đã hiên ngang trên đỉnh Phu Văn Lâu, trước cơ quan ủy ban nhân dân tỉnh trong 26 ngày đêm cách mạng chiếm giữ Huế. Lá cờ là biểu tượng cho sự nổi dậy ở Huế. Với tư cách là chỉ huy trưởng chiến dịch không thể không nói đến vai trò của ông trong quyết định lịch sử này. Ông viết: suốt chiến dịch Mậu Thân, treo cờ ở Kì Đài Ngọ Môn là cờ liên minh; hai băng xanh, giữa đỏ và ngôi sao vàng. Lá cờ này rộng 96 m2 do chị Lê Thị Mai là thợ may ở Huế (chị ruột anh Lê Quang Vịnh) may xong một ngày trước lúc hành quân. Điều này lý giải vì sao một cán bộ chính trị như ông lại được cử làm chỉ huy trưởng chiến dịch trong lúc ở quân khu Trị Thiên có không ít các tướng lĩnh. Và vì sao Huế được tôn vinh: Tấn công - nổi dậy- anh dũng - kiên cường.

Am hiểu Huế, hiểu rõ tầm vóc của Huế nên ông luôn coi trọng phong trào ở Huế, đặc biệt là phong trào đô thị. Thông thường làm lãnh đạo càng cao, càng cố tạo khoảng cách với bên dưới. Với ông thì khác, dù làm đến Phó Bí thư Khu ủy Trị - Thiên Huế, ông vẫn trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Huế. Không ai nói ông ôm đồm, ai cũng thấy vị trí đó chỉ có ông mới phát huy hết tác dụng. Ông truyền lửa cho lớp đàn em giúp họ hiểu hết mảnh đất, con người, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Huế trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Tư Minh - Một nhân cách lớn

“Có một người phải minh oan cho một người, có 100 người phải minh oan cho 100 người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn đen trắng”. Đây là thái độ đầy trách nhiệm, với tấm lòng đau đáu của ông với tư cách là Phó Bí thư Khu ủy Trị - Thiên Huế, Chỉ huy trưởng chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 ở Trị - Thiên Huế. Không tránh né, thẳng thắn nhận trách nhiệm, trăn trở về một chiến thắng không trọn vẹn, ông cảm thấy có lỗi. Và có lẽ ông là người duy nhất đứng ra nhận lỗi. Quả thật như ông nói trong tâm tư người dân Huế: Bà con đã thông cảm, kính trọng ông và họ không lẫn lộn trắng đen khi nghĩ về mùa Xuân Mậu Thân năm 1968.

Tin vào người dân Huế, tin vào cán bộ cốt cán và ông căn dặn thuộc cấp mình phải nhận thức đầy đủ điều đó. Ông không chỉ nói mà còn có những hành động đầy trách nhiệm. Còn nhớ năm 1978, có một vụ án gián điệp, tay sai CIA, phản bội cách mạng Nguyễn Thúc Tuân. Cùng bị bắt với Nguyễn Thúc Tuân có bác sĩ Hoàng Bá, đây là vụ án chấn động ở Huế thời đó. Nguyễn Thúc Tuân và Hoàng Bá là cán bộ cơ sở, cốt cán do ông xây dựng.

Tin vào cán bộ cốt cán mình xây dựng, ông đã viết giấy xác nhận thái độ chính trị và quá trình hoạt động cống hiến cho cách mạng của bác sĩ Hoàng Bá gửi Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Thường vụ Thành ủy Huế, đề nghị nghiên cứu giải oan cho gia đình bác sĩ Hoàng Bá và thực hiện các chính sách, quyền lợi, khôi phục danh dự cho gia đình bác sĩ Bá. Với Nguyễn Thúc Tuân, ông đã lên thăm tận trại giam. Theo đồng chí Nguyễn Thọ (Hường), nguyên Tỉnh ủy viên, Thường vụ Thành ủy Huế, Bí thư Huyện ủy Hương Trà cùng đi thăm với ông kể lại: Tại trại giam ông nói với ông Tuân: “Chuyện của anh tôi sẽ báo cáo lên Bộ Chính trị”. Vụ án Nguyễn Thúc Tuân - Hoàng Bá ra sao? Đến nay chắc mọi người đã rõ. Tuy nhiên, ở cõi vĩnh hằng lòng ông có lẽ vẫn chưa yên, bởi vì vẫn còn đó cụ già trên 100 tuổi Nguyễn Thúc Tuân, sống lây lất bằng nghề kèm dạy ngoại ngữ cho trẻ.

L.V.L  
(SDB15/12-14)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng