Người Huế
Mai Am - nhà thơ nữ tài hoa của xứ Huế nửa sau thế kỷ 19 (1826 - 1904)
16:26 | 03/02/2015

LƯƠNG AN

Vào đầu nửa sau thế kỷ 19, tại Phú Xuân (tức Huế bây giờ), giữa lúc tiếng tăm hai anh em Miên Thẩm và Miên Trinh đang lừng lẫy, một sự kiện bỗng thu hút sự chú ý của giới thơ kinh thành: sự xuất hiện gần như đồng thời của Tam Khanh(1), ba nhà thơ nữ người hoàng tộc, trong đó, Thúc Khanh được ca ngợi nhiều hơn cả.

Mai Am - nhà thơ nữ tài hoa của xứ Huế nửa sau thế kỷ 19 (1826 - 1904)
Khu lăng mộ Công chúa Mai Am (Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân)

Thúc Khanh và Nữ Chi là hai tên tự của Trinh Thận, con gái thứ 25 của Minh Mạng, em cùng mẹ của Miên Thẩm, được phong Lại Đức công chúa và thường được gọi theo tên hiệu là Mai Am.

Mai Am sinh vào tháng 8 năm Bính Tuất (tức tháng 9-1826), kém ông anh 7 tuổi. Cũng như mọi bà chúa khác lúc bấy giờ, thuở nhỏ bà được nuôi dưỡng trong gấm nhung của cung cấm và được bồi dưỡng một nền học vấn vững chắc theo tinh thần Nho giáo. Năm 1849, sau khi Miên Thẩm xây dựng xong Tiêu viên bên bờ sông Lợi Nông (tức sông An Cựu sau này) và rước mẹ ra ở, ba chị em bà cùng đi theo. Do cuộc sống ở đây không còn câu thúc như trước, sự tiếp xúc với xã hội có phần rộng rãi hơn, anh em dễ gặp nhau và do ý của bà mẹ muốn cho tâm hồn con gái thêm tinh tế, ba chị em đã theo ông anh rèn luyện về thơ phú mà họ đã say mê từ trước.

Trong bốn anh chị em, Mai Am là người được hưởng tuổi thọ dài nhất, song về hạnh phúc riêng bà lại là người ít may mắn hơn cả. Năm 1850, bà về làm dâu nhà họ Thân ở Nguyệt Biều (nay thuộc xã Thủy Biều, ngoại thành Huế), chồng là Thân Trọng Di, tự Như Phủ, con trai đầu của ông Hiệp trấn Thanh Hóa Thân Văn Duy. Ông Di tuy có đi học nhưng không đỗ đạt gì, lại là người "không ưa từ chương và thật thà như một ông lão nhà quê"(2). Có lẽ do tính tình và lối sống không phù hợp nhau này mà theo cụ Thân Trọng Hy(3), vợ chồng bà ăn ở với nhau tuy bề ngoài vẫn ấm êm nhưng bên trong thì không được "sắt cầm hòa hợp" lắm. Lấy chồng 13 năm, bà mới có một đứa con trai. Đây là niềm hy vọng lớn nhất của đời bà: con mới 3, 4 tuổi, bà đã dạy cho đọc thơ Đường. Không may, chưa đầy 5 tuổi, đứa bé ốm chết. Từ đó, hai người không còn có chung một đứa con nào nữa.

Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng trị. Nghe tin, ông Di vội mang khăn gói chạy theo, nhưng đến Hướng Hóa thì nhà vua đã lên đường ra Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tuổi cao, lại bị ốm nặng, ông mất giữa rừng, thi thể không tìm lại được. Đối với Mai Am thế là tan vỡ niềm hy vọng cuối cùng. Bà viết những câu thơ đầy nước mắt:

Thi tụng nguyên linh hoàn nại độc
Cầm đàn biệt hạc bất thành thanh
Kết ly khổ tự tư đồng huyệt
Di cốt nan quy cựu kiến oanh.

(Phụng họa gia tỷ Nguyệt Đình sơn cư nhàn vịnh kiến ký chi tác)

Tạm dịch:

Nguyên linh (4) thơ gượng ngâm câu vận
Biệt hạc (5) đàn không dậy tiếng tơ
Kết tóc khổ mong chung mộ huyệt
Xây lăng khôn nhặt nắm xương thừa.

Theo "Dương Xuân Cư Chánh tự điền bi ký" (6) của Miên Trinh viết năm 1894 thì thời gian này "tuổi bà đã cao, lại do người vốn gầy yếu nên thường hay đau ốm". Đọc "Diệu Liên tập" của bà cũng không thấy có bài thơ nào được viết ra từ sau năm 1892. Theo cụ Thân Trọng Hy, trong khoảng gần mười năm cuối đời, bà bị đau nặng, không đi lại được nữa. Cho đến tháng 11 năm Quý Mão (tháng 1-1904), bà thở hơi cuối cùng và được chôn cất tại vùng Bến Kho, thôn Nguyệt Biều, bên cạnh ngôi mộ giả của chồng mà bà đã xây cất từ trước.
 

Thơ của Mai Am và Huệ Phố - Lương An tuyển dịch - Ảnh: sachxua.net

Tuy là một bà chúa nhưng nhờ ảnh hưởng của phần tích cực trong giáo lý Khổng Mạnh, nhờ sự nuôi dạy của một bà mẹ hiền hậu, biết thương con và nhờ sự dìu dắt của một ông anh khiêm tốn, trung thực nên Mai Am không có tính xa hoa, không có thái độ kiêu kỳ, cách biệt quá với quần chúng. Miên Trinh cho biết: "Bình sinh (bà) không thích cái vinh hoa của những cuộc vung tiền hay mua đất cho xe ngựa chạy, không hoang phí vào những cuộc múa hát trong phủ đệ, bỏ bớt tiết lễ, kiềm chế ý muốn, điểm trang không xa xỉ, trang hoàng không lộng lẫy"(7). Nhưng cũng chính vì là một bà chúa nên bà ít được đi đâu xa để có thể tiếp xúc rộng rãi với bên ngoài. Sau khi về sống ở quê chồng tuổi đã gần 45, bà cũng chỉ quẩn quanh trong vườn, vui với non bộ cây cảnh. Điều này cắt nghĩa vì sao thơ Mai Am phần lớn chỉ là thơ du ngoạn, thơ xướng họa với anh chị em, hay nhiều lắm là với mấy ông quan lớn thân quen, thơ vịnh sử, vịnh tranh, vịnh cảnh vật gần gũi, không mang được hơi hưởng và tiếng động của cuộc sống chung quanh. Về mặt này, rõ ràng là thơ bà không theo kịp thơ của ông anh Miên Thẩm nữa, chứ nói gì người khác. Với một nhà thơ có tài như Mai Am, đây là điều đáng tiếc. Bởi vì nếu như tầm mắt của bà được mở rộng hơn thì chắc rằng Diệu Liên tập đã không để có một nhận định chung là một tập thơ đề tài còn bó hẹp, khiến tứ thơ chưa thật rộng thoáng.

Nhưng nhận định trên chỉ mới từ một cái nhìn tổng quát, không phải là một nhận xét cụ thể, toàn bộ. Vì thơ Mai Am trước hết là thơ một phụ nữ khuê các, hơn thế, một bà chúa, sống giữa một giai đoạn lịch sử mà xã hội đang trải qua những biến động rất lớn, đất nước đang từ tự chủ trở thành lệ thuộc, là thơ của một con người giàu tình cảm, dễ xúc động, lại gặp nhiều bất nghi trong cuộc sống riêng tư. Với thơ của một người như thế, vấn đề lớn nhất không phải là chuyện đề tài, mà là bao nhiêu điều bắt ta phải suy nghĩ, tìm hiểu, thông cảm, thậm chí cả trằn trọc và tin yêu nữa.

Phải suy nghĩ và tìm hiểu, là vì trong thơ bà có một số bài mà ngay về chủ đề cũng chưa thấy tác giả nữ nào đề cập. Đó là bài Nông phu từ (Bài từ về người làm ruộng) và chùm thơ ba bài: Tức sự, chí Quảng Nam lỗ thoái sự, họa vận (Cảm xúc trước sự việc, chỉ việc giặc rút lui ở Quảng Nam, họa vần thơ ngự chế), Đọc điếu nghĩa dân trận tử văn (Đọc bài văn tế nghĩa dân chết trận) và Thứ vận tái đáo Thuận An hữu cảm chi tác (Họa vần bài Cảm xúc khi trở lại Thuận An). Chỉ có bốn bài, song dường như đây là lần đầu tiên, một cây bút nữ đặt thơ mình trước những vấn đề cơ bản nhất của thời đại.

Nông phu từ, tuy chưa miêu tả được sâu sắc hình ảnh những người nông dân lao động nhưng vẫn là một khúc ca về tính siêng năng cần cù và một tiếng nói đồng cảm với cuộc sống vất vả của họ:

Thôn thôn bá thực bất cảm nhàn
Khủng phụ tam thì phong vũ hảo
Tương hô bỉnh lỗi hướng đông tri
Chu tao cao nậu bất tri bì
Tân miêu quát phu nhật chích bối
Dâm dâm bạch hãn như vũ thùy.

(Xóm làng trồng trỉa chẳng hề nhàn
Chỉ sợ gió mưa thời tiết lôi
Gọi nhau vác cày bước ra đồng
Cày đi bừa lại không nản lòng
Lúa cứa sầy da lưng nóng bỏng
Mồ hôi như mưa giọt nhỏ ròng).
                      (Lê Thước dịch)

Những câu thơ đầy nhân ái từ một trái tim phụ nữ quý tộc như thế, thật là đáng suy nghĩ.

Nhưng đáng suy nghĩ, đáng tìm hiểu hơn nữa là chùm thơ yêu nước, một chùm thơ đã nâng cao hẳn giá trị tư tưởng của tập thơ. Nếu trong bài thứ nhất, tác giả còn vướng tư tưởng chủ quan và phần nào đó sự ngây thơ về chính trị của vua tôi Tự Đức trước việc Pháp tạm lui quân ở Đà Nẵng năm 1860, thì niềm vui lúc một vùng đất không còn bóng giặc vẫn là một xúc cảm chân thành và đúng đắn:

Phong chương liên báo tuyệt hồ trần
Nhật chiếu hồng kỳ tử mạch xuân
Dế tức Côn di bôn sóc mạc
Phong yên điện phục tĩnh nam tân

(Chương sớ tâu ra: sạch bụi lang
Cờ hồng sáng đẹp lối Trường An
Cát dài bãi bắc Tây nhung chạy
Đất rộng bờ nam khói lửa tan)

Với bài thứ hai, qua sự đánh giá bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu:

Xích từ Cần vương năng địch khát
Thư sinh dụng võ tích phi tài
Yên mê chiến lũy Tây nhung mãn
Nguyệt lãnh sa trường bạch cốt đôi.

(Dân chúng Cần vương vì ghét địch
Nhà nho lâm trận tiếc không tài
Giặc đầy chiến lũy từng mây phủ
Xương chất sa trường bóng nguyệt soi)
                                   (Lê Thước dịch)

Mai Am đã biểu thị một niềm yêu thương và cảm phục vô hạn đối với các chiến sĩ vì nước quên mình, cả với tác giả bài văn tế bởi căm thù mà vào trận bằng ngòi bút. Điều quan trọng hơn ở đây là, khi bộc lộ những tình cảm đó bà đã đứng hẳn về phía những người chiến đấu và mặc nhiên không tán thành chủ trương hòa nghị của triều đình.

Qua bài thứ ba, viết năm 1888, lúc đất nước đã mất, tiếng nói của bà, khác hẳn bao nhiêu tiếng nói khác, chỉ còn là một nỗi đau xé gan xé ruột:

Không kinh thắng tích câu trần bích
Cự đãi ngôn sầu thủy dục sầu
Bạch vĩ hoàng mao hoang cổ lũy
Lục ba phương thảo diếu cô châu

(Khiếp nhìn cảnh ấy thêm thương cảnh
Chẳng nói lòng đây cũng chạnh lòng
Lau trắng lách vàng che lũy cổ
Cỏ thơm sóng biếc khuất thuyền bồng)
                                    (Lê Thước dịch)

Hai câu kết càng kéo dài nỗi buồn ấy ra vô tận:

Tà dương tự giải ly nhân ý
Y luyến cô phàm ảnh vị thâu

(Bóng chiều dương thấu lòng ly khách
Theo lá buồm khơi mãi vẫn hồng)

Nhà thơ Tuy Lý (tức Miên Trinh) đọc xong bài thơ thấy "lòng không ngăn được nỗi cảm nhớ, nghĩ lại buổi trước, dâu bể đổi thay, thành quách giang sơn tan nát, mắt nhìn càng không khuây nổi nước tình nhà". Ông còn cho là một bài thơ hay, không thua kém gì thơ Ban Tiệp Dư hay Tạ Đạo Uẩn(8)

Như chúng ta đã thấy, ba bài viết ở ba thời điểm khác nhau nhưng vẫn gắn chặt với nhau bằng một dòng tư tưởng nhất quán: tư tưởng yêu nước. Ở đây, chúng ta chưa đi tìm nguyên nhân vì đâu một người phụ nữ như bà lại có những suy tư cao đẹp như vậy. Chỉ biết rằng những bức tường cao của phủ đệ cùng với những cánh cửa khép kín của buồng khuê vẫn không ngăn được bà sớm biết gắn trí óc và tâm hồn mình vào hoàn cảnh của xã hội và vận mệnh của đất nước, từ đó dựng một tầm cao tư tưởng cho thơ mình.

***

Nhưng thơ Mai Am không phải nặng về xã hội, đất nước hay về nhân tình thế thái. Thơ bà chủ yếu là thơ tâm tình. Tâm tình giữa chị em, anh em, tâm tình với cảnh vật, tâm tình riêng với mình. Đọc thơ bà, dù đôi lúc phải thông cảm với tiếng nói của một người có ý thức rất rõ về địa vị của mình, nhưng hầu hết các trường hợp là thông cảm, trăn trở với những nhớ nhung vừa thiết tha vừa sâu kín, những ước vọng lúc nồng cháy lúc âm ỉ, những đau xót ngầm mà xé ruột và tin yêu một tấm lòng sâu đậm nhân tình.

Tất nhiên, thơ Mai Am không phải không chứa đựng nhiều ý nghĩ hoặc quá kiểu cách hoặc quá quen thuộc - điều rất khó tránh đối với cuộc sống cách ly, chật hẹp của một bà chúa - song nhìn chung phải nhận rằng chính con mắt nhìn rất sâu cùng với trái tim luôn luôn thao thức, trằn trọc đã không ngừng đem đến nhiều hình ảnh tinh tế, mới mẻ, những cảm xúc sâu sắc, bất ngờ. Như trong một cuộc đưa tiễn, bà viết:

Đông phong bất giải Lưu xuân trú
Cánh tác phi hoa tống khách châu

(Gió xuân chẳng biết cầm xuân lại
Còn thổi hoa bay đến tiễn người).

Cánh hoa bay mang theo một mảnh buồn của cây cỏ, đất trời, không chờ đợi, thế mà bỗng đến với lòng kẻ ở người đi và ở lại đó, vương vấn mãi.

Hoặc như lúc bà đến viếng một cảnh chùa nằm cách biệt giữa một vùng rừng núi yên tĩnh, khép cửa lại, nghe tiếng chuông đứt nối, như tan ra từng mảnh và rơi theo ngọn lá rụng bên ngoài Đương hộ chung thanh tùy diệp lạc(9) (Che cửa, tiếng chuông rơi với lá), không chỉ con mắt mà lỗ tai cũng tinh tế, tiếng chuông ngân như một làn lá rơi rất nhẹ.

Những câu thơ như trên, dù sao cũng vẫn chưa thể hiện đầy đủ tính cách Mai Am. Đi vào thơ bà là phải tìm đến chỗ nội tâm, chỗ sống riêng tư. Chỉ ở đó mới bắt gặp được những thao thức của tâm tưởng, những rạo rực của khát vọng, những day dứt của một cuộc sống mỗi lúc mỗi thấy cô đơn. Một trái tim nhỏ, như bà nói (10) mà phải chứa chất bao nhiêu lo âu khắc khoải; nỗi khổ không con, nỗi buồn anh em mất sớm, nỗi đau chồng bỏ nắm xương tàn giữa rừng và nhiều nỗi niềm u kín nữa, thật khó "kham" nổi, muốn yên cũng không thể nào yên. Bài thơ Chung thanh (Tiếng chuông) là một trong những nỗi niềm u kín đó. Trong đêm khuya, nằm nghe tiếng chuông chùa vọng đến, tuy tay lần hạt bồ đề nhưng trong lòng những chuyện tưởng đã qua lại trổi dậy:

Cách thôn ám xúc kê đề hiểu
Độ các dao tùy diệp trụy thu
Bán chẩm tương tư kinh mộng hậu
Thập niên tình sự đáo tâm đầu

(Xóm cách gọi ngầm gà gáy sáng
Gác cao bay dõi lá tàn thu
Mộng tàn, nửa gối bừng mong nhớ
Chuyện cũ mười năm dạ xốn xao)

Thì ra những tiếng chuông chùa đã từng dập tắt bao niềm tục lụy trong lòng người, giờ đây chỉ khêu gợi trong bà một nỗi nhớ nhung, chỉ gợi dậy cho bà những kỷ niệm cũ. Đủ biết nội tâm của Mai Am sóng gió đến chừng nào. Cảm xúc chân thực đến thế.

Cũng như đêm nghe những tiếng chuông ấy, buổi đứng trước dòng nước mùa xuân (Xuân thủy) từng làm rạo rực bao tâm hồn xưa nay, khi nhận ra những mối hận cũ từ bao đời trước hãy còn trôi trong nắng xế, ấy là lúc mặt nước lòng bà cũng xao gợn lên những con sóng của một nỗi buồn khó nói ra được:

Lục đại tà dương lưu cựu hận
Đông phong nam phố dạng tân sầu

(Hận cũ còn trôi trong nắng xế
Gió xuân qua bến gợn sầu dâng)

Nhưng dù bị nén chặt đến đâu, những chuyện sâu kín ấy cũng đã đến lúc không thể giữ mãi như thế được nữa:

Bản kiều dương liễu đương niên sự
Thuyết dữ giai nhân ký đắc phù?

(Hàng dương cầu ván năm nào ấy(11)
Nhắc bạn mình ghi nhớ được chăng?)

Trong những bài được các nhà thơ nổi tiếng đương thời bình phẩm và khen ngợi nhiều hơn cả, phải kể đến Thí hương (Nghiệm hương), Ngẫu ty (Tơ sen) và Ức mai (Nhớ mai). Nhưng Thí hương chỉ có phần "tuyệt diệu tài tình, ẩn vật rất khéo"(12) khi miêu tả làn hương, một cái dường như không thể miêu tả được mà thôi, còn ý tứ thì chưa thấy có gì đặc sắc rõ rệt. Với Ngẫu ty mới thực sự gặp được một khát vọng, một tâm tư. Những sợi tơ sen đã có lần khiến tâm hồn Mai Am vương vấn(13) nhưng đến đây nó mới được miêu tả trọn vẹn như những sợi dây buộc chặt trái tim:

Sinh sinh liên tự tâm đầu kết
Lũ lũ tình duyên biệt xứ trường

(Thương (sợi tơ) cứ sinh nở mãi (vì) đã kết chặt từ trong buồng tim.
Mối tình duyên kéo dài đến nơi khác cách xa, chẳng dứt).

Cuối cùng niềm khát vọng yêu đương đã được bộc lộ:

Ly tự túng năng kham tác tuyến
Thỉnh quân hoàn vị tú uyên ương

(Sợi tơ rời ví có thể kết làm sợi chỉ
Xin người hãy giúp thêu thành đôi chim uyên ương).

Cả bài thơ đúng là một sự "xa rời nhau lại càng vấn vít chặt với nhau gấp bội" như Nguyễn Hàm Ninh nhận xét. Ông còn cho đây là một tác phẩm "đáng bậc thầy" đối với mình(14).

Đến Ức mai, lời khen càng nức nở:
Địch lý quan sơn sầu cựu khúc
Thủy biên ly lạc nhận tiền kỳ
Hương nam tuyết bắc vô phương tấn
Nguyệt địa vân giai hữu mộng ty (tư)

(Trong tiếng sáo nơi xa xôi, buồn theo khúc cũ (15)
Bên hàng dậu ven bờ nước, nhận ra buổi trước (ở Cô sơn) (16)
Hương ở phương nam, (hoa trắng như) tuyết ở phương bắc, tin xuân vắng bặt(17)
Một bầu trời đất nguyệt thêm mây khiến mơ màng nhớ nhung.

Cả bốn câu quả "tài tình phong điệu, sánh ngang các nhà thơ đời Đường"(18) như phẩm bình của Trương Đăng Quế, song chủ điểm tư tưởng - nỗi nhớ - chỉ ở hai câu luận(5-6) với những hình ảnh ẩn hiện, mơ hồ mà rất thực. Hai câu này, về hình thức, vận dụng thơ cổ mà không để lại một chút dấu vết lắp ghép nào, rất tài tình.

Khác với Ức mai tha thiết nỗi nhớ, bài Tiển chúc (chong đèn) lại day dứt mãi một nỗi đau nhân thế:

Ám kỷ thâm thâm mộng vị thành
Thoa quang chúc ảnh lưỡng đồng thanh
Phân tào xạ phúc tư nhàn sự
Thu vũ tây song động biệt tình
Ngọc lệ vị thùy hàm phục thế
Phương tâm đáo để cát hoàn sinh
Cẩm bình tọa triệt tam canh lậu
Bất phụ xuân hồng phụ nguyệt minh

(Tựa ghế đến khuya, giấc mộng chưa thành
Ánh thoa ánh đèn, cả hai đều cùng trong vắt
Chia nhóm, đoán chữ, nghĩ là việc nhàn hạ(19)
(Nhớ) mưa thu bên song cửa hướng tây, chạnh nỗi xa nhau(20)
Giọt ngọc vì đâu cứ ngậm sẵn dòng đau thương sẽ lại trào tuôn?
Trái tim thơm rốt cuộc phải cắt ra để sống trở lại(21)
Sau bình phong gấm ngồi đến hết canh ba.
Chẳng phụ mùa xuân hồng, phụ vầng trăng sáng).

Chất trữ tình thật là đậm đặc. Thương người trước phải xa nhau ước mong một lúc chong đèn chung ngồi kể chuyện cũ, thực ra cũng là thương mình. Cho nên trước mắt đâu chỉ là giọt sáp chảy mà chính là những dòng nước mắt không ngừng rơi của mình. Đâu chỉ là tim đèn mà chính là trái tim mình phải cắt ra khi nó đã chết một nửa để mà sống lại. Viết như vậy, thật là hết mình. Câu thơ cứ đâm nhói trái tim người đọc, không rứt ra nổi.

Thơ Mai Am vừa gắn với thời đại, lại vừa rất phụ nữ, tâm tình, nhân hậu. Có lúc xót thương dân khổ, có lúc đau lòng vì nước mất nhà tan, nhưng cái chất thường xuyên là thương người, thương mình và khao khát thèm muốn hạnh phúc mà bà có thừa về vật chất song lại thiếu thốn về tinh thần. Cái ý thức về địa vị của bản thân trong xã hội chưa lúc nào đánh bật nổi con người thực ấy của bà trong cuộc sống tâm tường(22). Vì thế, đọc thơ Mai Am, rất khó giữ lòng thản nhiên. Làm sao không cảm phục, không yêu mến một tấm lòng phụ nữ sớm biết thương dân yêu nước? Làm sao cầm được niềm thương cảm, đối với một trái tim luôn luôn thao thức những ước vọng nồng cháy và một tâm hồn sâu lắng nhân tình?

Và tất cả những dòng thơ khi chứa chan nghĩa nước, khi kín đáo tâm tình ấy đã đến giữa lòng chúng ta bằng sự chuyển tải của một ngọn bút lông rất nhuần nhuyễn, đầy sức lực, đầy tài năng, có thể nói chắc là ngọn bút nữ sắc sảo nhất, tài hoa nhất của xứ Huế trong nửa sau thế kỷ 19.

L.A.
(SH33/10-88)


--------------------
(1) Tam Khanh: Trọng Khanh, tức, Vĩnh Trinh (1825 -1892), con gái thứ 18 của Minh Mạng, hiệu Nguyệt Đình, phong Quy Đức công chúa có tập thơ "Nguyệt Đình thi thảo" - Thúc Khanh, tức Mai Am - Quý Khanh, tức Tĩnh Hòa (1829-1882), con gái thứ 34, hiệu Huệ Phố, phong Thuận Lễ công chúa, có tập thơ "Huệ Phố thi tập"

(2) Theo Lô giang tiểu sử của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Huy Xước dịch và in bằng rô-nê-ô.

(3) Là con cháu họ Thân Trọng Nguyệt Biều, lúc nhỏ có thấy bà, mới mất gần đây ở Huế.

(4) Thơ Tích linh trong Kinh Thi:
Tích Linh tạt nguyên, huynh đệ cấp nạn (chim choi choi trên gò, anh em bị nạn), ý bà muốn nói ông anh Miên Thẩm không còn, cô em Huệ Phố cũng mất sớm.

(5) Khúc biệt hạc: khúc hát về những người đàn bà không có con. Ý bà muốn nói mình cũng như vợ Mục Tử không có con.

(6) Dương Xuân Cư Chánh tự điền bi ký, do Miên Trinh viết năm Thành Thái thứ 6 (1894) theo yêu cầu của Mai Am nói về việc bà nuôi ông Hậu, con ông Di và bà vợ lẻ, và mua ruộng ở hai thôn Dương Xuân, và Cư Chánh làm ruộng thờ cúng để lại cho ông.

(7) Theo Dương Xuân Cư Chánh tự điền bi ký - tài liệu đã dẫn.

(8) Ban Tiệp Dư đời Hán, Tạ Đạo Uẩn đời Tấn là những người con gái làm thơ hay nổi tiếng.

(9) Bài "Cửu nhật Viên Thông tự đăng cao hạn vận" (Ngày trùng cửu, lên cao viếng chùa Viên Thông, hạn vần).

(10) Phương thốn hà kham dinh bách lự, lòng sao chứa nổi trăm lo nghĩ (Bài Phụng họa gia, tỷ Nguyệt Đình, Sơn cư, nhàn vinh kiến ký chi tác, vâng lời họa vần bài "Ở núi rảnh rang vịnh gởi những điều trông thấy" của chị Nguyệt Đình)

(11) Dương liễu là chuyện chia tay, xa cách nhau. Bản kiều là chuyện nam nữ đi chơi với nhau, yêu đương, nhớ nhung nhau (theo sách Bản kiều tạp ký).

(12) Nhận xét của Miên Thẩm.

(13) Bài Thái liên khúc có câu: Thái liên liên ty oanh phục kết (Hái sen, tơ sen vấn vít rồi thắt chặt)

(14) Nguyên văn: bất đắc bất bắc diện Mặc Vân sào dã (không thể không xem Mặc Vân sào là thầy).

(15) Khúc sáo Mai hoa lạc (Hoa mai rụng) đời Hán.

(16) Theo Quần phương phổ (sách chép về các loài hoa), Hoa Quang trưởng lão vẽ bức tranh mai. Hoàng Lỗ Trực khen: nhìn bức tranh này chẳng khác nào một buổi sáng xuân lạnh, đi bên hàng dậu ven bờ nước trên núi Cô Sơn, chỉ thiếu mùi thơm mà thôi.

(17) Bài U châu tân tuế tác (Làm lúc năm mới đến ở châu U) có câu: Khứ tuế Kinh nam mai tự tuyết, kim niên Kế bắc tuyết như mai (Kinh nam năm ngoái mai như tuyết, Kế bắc năm nay tuyết tựa mai), do hoa mai nở trắng một vùng như tuyết.

(18) Bài Mai hoa của Tô Thức có câu: Nguyệt địa vân giai mạn nhất tôn (bầu trời đất nguyệt thềm mây tràn đầy chén rượu).
Về bài thơ Ức mai này, tại Huế có một số người cho là của Nguyễn Hàm Ninh tặng Mai Am và cảm kích trước cử chỉ ấy, bà đã yêu cầu Nguyễn đồng ý cho đưa vào tập thơ của mình. Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề tác giả Đời tài hoa viết về Nguyễn Hàm Ninh cũng cho là như vậy. Chúng tôi còn căn cứ thêm vào hai câu trong bài Ký Nguyễn Thuận Chi của Cao Bá Quát: "Phong lưu chỉ hữu tây viên khách, diệm tảo ưng tu đáo nguyệt biên" (phong lưu riêng khách vườn tây ấy, thơ đẹp cần trao đến ả Hằng) nên cũng lầm tưởng theo (xem bài Một mối tình trong những dòng thơ ấy - Tạp chí Sông Hương số 6 tháng 4. 1984). Sau đó, đọc kỹ những bài thơ của Trương Đăng Quế (bố vợ Miên Thẩm, rất được Mai Am kính trọng) cùng những lời nhận xét của Hà Đình Nguyễn Thuật, Nhâm Sơn Nguyễn Hàm Ninh mới thấy nói như vậy thiếu căn cứ xác đáng. Xin bạn đọc cho phép được đính chính và trả lại bài thơ cho Mai Am.

(19) Xạ phúc: Một lối chơi thơ đời xưa, có lẽ như đánh thơ ở Huế vậy.

(20) Bài Dạ vũ ký bắc (mưa đêm, gởi người phương bắc) của Lý Thương Ẩn: Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ, Ba sơn dạ vũ trướng thu trì, Hà dương cộng tiễn tây song chúc. Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì (ngày về khó hẹn cho nhau, Ba sơn mưa tối hồ thu nước đầy. Bao giờ chung bóng song tây, còn bao nhiêu chuyện núi này mưa đêm).

(21) Hai câu này từ việc chong đèn (giọt sáp chảy như giọt lệ, tim đèn phải cắt mới cháy sáng lại được) mà nói thành nỗi đau xót trong lòng tác giả.

(22) Cụ thể là cho đến lúc tuổi đã "suy lão", thơ của bà vẫn còn có những câu đầy tâm sự, như: "Điếu bãi trà dư vô cá sự, Đa tình minh nguyệt đáo trang đài" (trà nghỉ, câu thôi, ngồi rỗi rãi, Đa tình vành nguyệt tới đài trang)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng