Người Huế
Có một Trịnh Công Sơn của Huế
17:46 | 16/05/2008
I. Tôi quen anh Trịnh Công Sơn từ thuở còn “quân quản” và trở nên thân thiết đến khi anh rời Huế vào sống với gia đình tại TpHồ Chí Minh.
Có một Trịnh Công Sơn của Huế

Trước 75 Trịnh Công Sơn là một trong những thần tượng về âm nhạc của tuổi trẻ đô thị miền Nam, bởi anh không chỉ biết dấn thân mà nhạc của anh còn vỗ về, an ủi đến nỗi để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình, nhiều người đã không ngần ngại viết “tôi thích nhạc họ Trịnh”. Đầu năm 71, từ Huế tôi thoát ly lên chiến khu. Trong hành trang của mình, ngoài cây ghita và các tập nhạc của Trịnh Công Sơn vừa được xuất bản, tôi còn mang theo hàng trăm bức ảnh phản ánh cao trào đấu tranh của học sinh sinh viên miền Nam năm  1971, trong đó có hình chàng nhạc sỹ họ Trịnh tham gia phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”. Cảm khái từ nhiều thông tin, sau hiệp định Pari năm 73, như để bày tỏ niềm tin của mình, anh Hoàng Phủ Ngọc đã có bài ký “Như trăm con sông đổ về biển cả” mà Giao (tức Trịnh Công Sơn) là nhân vật trung tâm. Khi tôi ra Bắc chữa bệnh và học tập, không ngờ trong số những người quen, như nhạc sỹ Mạnh Đạt chẳng hạn (nay công tác ở Đài Lâm Đồng) đã hát và thuộc lòng nhiều ca khúc của Trịnh. Vì vậy, khi được điều về công tác ở Đài phát thanh Huế giải phóng, tuy không theo dõi mảng văn nghệ nhưng hễ “có việc” là tôi tìm đến căn gác ở số 11/3 Nguyễn Trường Tộ để phỏng vấn anh Trịnh Công Sơn về những đề tài liên quan. Thuở đó, Huế nghèo và Trịnh Công Sơn chỉ ở một mình. Tôi chẳng rõ, anh Sơn thương và quý tôi khi nào, chỉ nhớ sau một cuộc phỏng vấn. Trời mưa, anh rót rượu mời tôi: “uống đi, rượu Phủ Cam đó”. Với cái tuổi 22 mới ở rừng về như tôi, chưa hề biết mùi rượu là gì nhưng vì “sĩ diện” và trước sự chân thành của anh, tôi đã mạnh dạn cầm ly. Tôi nói hết suy nghĩ của mình, thỉnh thoảng anh Sơn giải bày thêm những điều tôi muốn biết, như về bài “Gia tài của mẹ” chẳng hạn. Sơn hát, tôi vỗ tay theo. Anh can và nói: Thu nghe cho rõ lời đây “Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm chinh chiến từng ngày”... Nghe hai từ “Chinh chiến” tôi sững người và hỏi “Nhưng tại sao Khánh Ly và các ấn phẩm đều dùng từ “nội chiến” ? Sơn thở dài, anh chỉ than: Mình không kiểm soát được bởi mình có ở Sài Gòn đâu! Để nguôi ngoai, tôi hỏi về mối quan hệ giữ Khánh Ly và anh cũng như xuất xứ nhiều tình khúc khác. Với Khánh Ly, anh nói đó là người bạn tri âm và rút ra tờ báo có in hình hai người lúc Khánh Ly tại ngoại, chờ để điều tra việc gì đó. Chỉ vào bức ảnh, anh nói: đây là hình do Trung tá Tuấn, chồng cô ta chụp ở trường Quốc Học Huế. Mưa kéo dài. Sơn đưa tôi ra ban công, chỉ lên hàng long não, anh kể “Diễm Xưa. Biết đâu cội nguồn mình lấy ấn tượng từ hàng cây này. Anh khe khẻ hát “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...” “cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi...” Riêng về bài Như Cánh Vạc Bay , Sơn kể: Lúc ấy mình ở Đà Lạt, một cô từ Pari về đến Sài Gòn tìm địa chỉ. Nàng nói, nàng vừa tốt nghiệp đại học,  sắp đi lấy chồng. Về Việt cốt để gặp mình, nói lên điều mà nàng ngưỡng mộ và chỉ xin phép được hôn mình trước khi đi lấy chồng. Hôn xong, nàng bỏ chạy xuống đồi thông, mái tóc thề của nàng làm mình liên tưởng đến “cánh vạc”... Nơi em về trời vui không em/ nơi em về trời xanh không em/ Ta nghe nghìn giọt lệ/ Rớt xuống thành hồ nước long lanh. Trịnh Công Sơn là vậy. Hình như mỗi tình khúc của anh là dành cho một người tình...
II. Vậy là sau lần đó, anh Sơn xem tôi vừa là đứa em vừa là đứa bạn. Đất nước vào những năm 70 cơ cực quá. Trong gần 4 năm sống ở Huế, ngoài lương tháng 64 đồng kèm theo một chỉ vàng “của mạ cho”, anh Sơn sống tằn tiện với “rượu Phủ Cam” và cơm lúc có lúc không trong căn gác nhỏ của mình. Có lần, cụ Nguyễn Tuân gửi tạng anh chai rượu Tây anh báo cho bạn bè đến để chia sẽ. Trong thư cụ Nguyễn kiệm lời, chỉ vẻ hình một chiếc ly và trên nó là chiếc dù có mưa rơi, chiếm một góc trang giấy. Tôi hiểu cụ Nguyễn nhắn nhủ với anh điều gì đó. Anh trân trọng tất cả các tấm lòng, anh nghèo và bạn bè của anh sống ở Huế đều nghèo. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Đinh Cường, Tôn Thất Vân, Bửu Ý, Nguỵ Ngữ, Định Giang, Trần Phá Nhạc... phần lớn đều có gia đình. Thỉnh thoảng, nhờ vợ lo cho một bửa để kéo nhau tới nhậu. Nhậu chỉ là cái cớ, còn điều cốt yếu vẫn là động viên nhau vượt qua những tháng ngày gian khổ, để mà làm việc, để mà chia sẽ với quê hương mình. Tôi nhớ có lần trong chuyến đi Quảng Bình công tác, nhờ, “ăn theo” tôi được tặng chừng bón, năm chục quả trứng lộn và vài chai rượu cam Hà Nội. Nhậu xong, Ngụy Ngữ và anh Trịnh Công Sơn cùng về. Đang loay hoay dọn dẹp tôi nghe tiếng gọi thảng thốt: Thu ơi! Thu ơi! Tôi chạy ra, đã thấy Ngụy Ngữ bồng anh Sơn trên tay. Hoá ra đèn phố nhập nhoạng, phía đối diện nhà tôi là mương thoát nước vừa xây nhưng chưa có nắp. Anh Sơn rơi xuống đó! Sờ trán, có máu, chúng tôi cuống cuồng. Ngữ còn tỉnh táo: Mày tìm chiếc kính cho Sơn. Tôi định nhảy xuống mương thì anh Sơn đã can: Nó đây rồi! Chúng tôi mừng, anh tai qua nạn khỏi. Có phải vì vậy mà khi về sống với gia đình ở Tp Hồ Chí Minh, anh Sơn đã trao căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ cho Ngụy Ngữ ở nhờ ít tháng (nay là nơi ở của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) và chiếc xe đạp màu huyết dụ anh tặng riêng tôi. Có lần vào thành phố Hồ Chí Minh, lúc anh còn là Thư ký toà soạn tờ Sóng Nhạc anh hỏi tôi: Chiếc xe đạp còn không, cô Michicô muốn có nó. Tôi ngơ ngác, cố nhớ lại nhưng không thể nhớ chiếc xe đạp anh Sơn cho hiện ở đâu nên đành đánh trống lãng.
“Ngữ ơi, cái đêm mưa gió ấy mày còn nhớ đã nói gì với tao và anh Sơn. Và Nhạc ơi, lần mày cưới Vinh mày có còn nhớ bản nhạc mà anh Sơn viết riêng để dành cho vợ chồng mày nhân ngày cưới” Những ngày ấy đã xa và Sơn ơi, xin anh hãy tha lỗi cho em!
Huế, ngày tiễn anh 4/4/2001

HỮU THU
(nguồn: TCSH số 147 - 05 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng