Người Huế
Di sản về dòng họ Nguyễn Cư Trinh ở Thừa Thiên Huế
08:50 | 24/03/2016


TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Di sản về dòng họ Nguyễn Cư Trinh ở Thừa Thiên Huế
Bên trong lăng mộ Nguyễn Cư Trinh

I. DÒNG HỌ NGUYỄN ĐĂNG, VÀ NGUYỄN CƯ TRINH - NGƯỜI CON CỦA ĐẤT AN HÒA

Khi nói đến dòng họ Nguyễn Đăng (gốc họ Trịnh) ở Thừa Thiên Huế thì đã có nhiều sử sách lưu truyền, trong đó đáng kể là các bộ sử mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã dày công biên soạn như: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí… hoặc của các nhà viết địa chí như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Sau này, hàng loạt sách viết về nhân vật lịch sử theo dạng từ điển như Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế), Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam (Đinh Xuân Lâm, Phan Đại Doãn), Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế (Đỗ Bang chủ biên). Dựa trên những tư liệu đó thì thông tin về dòng họ Nguyễn Đăng nói chung và Nguyễn Cư Trinh nói riêng rất phong phú.

Riêng với chúng tôi, khi tiếp cận với những người thân trong dòng họ Nguyễn Đăng hiện đang cư trú tại phường An Hòa, thành phố Huế, được các vị cung cấp thông tin phổ hệ 14 đời của dòng họ Nguyễn Đăng. Bản phổ hệ chỉ là bản chép tay bằng chữ quốc ngữ, dùng để lưu truyền trong con cháu trong những dịp lễ, tết, hiệp kị, chạp mả nhằm để giáo dục tinh thần truyền thống hiếu học, chức cao vọng trọng của một dòng họ lừng danh xứ Thuận Hóa một thời.

Chúng tôi xin chép lại nguyên văn để mọi người cùng biết và mong có những bổ khuyết phù hợp, kịp thời cho những thông tin còn thiếu sót này(1). Có những thông tin là do chúng tôi bổ sung. Riêng về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Cư Trinh thì chúng tôi dựa trên nhiều tài liệu khác để xây dựng nên tiểu sử và hành trạng, trong khi bản phổ hệ của gia đình lại ghi vắn tắt, sơ sài.

1. Trịnh Cam, thụy Trung Hiếu “người trường Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, làm Thượng thư Binh bộ triều Lê trước; gặp hồi ngụy Mạc cướp ngôi, lánh ở Thuận Hóa”(2).

2. Trịnh Vĩnh Phu, thụy Minh Doãn, chôn ở núi Trầm Hương xứ Ngũ Khê, tọa Càn hướng Tốn. Năm Gia Long thứ nhất các cháu của ông đã đặt thần chủ để thờ cho được bền lâu.

3. Trịnh Sướng, tự là Phỉ Chiêu, hiệu là Trình Thoại, tên thụy là Minh Đạo. Mộ ở núi Hương Trầm, tọa Tân hướng Ất. Có hai người con trai tên là Trịnh Bạt Tụy và Trịnh Bạt Đĩnh.

4. Trịnh Bạt Đĩnh, sau khi mất chôn ở xứ Kim Long thuộc đất của làng; có vợ tên là Nguyễn Thị Lựu, sinh được 1 người con trai tên là Trịnh Đình.

5. Trịnh Đình, tự là Phỉ Lâm, hiệu là Mậu Lương. Mộ chỗ chân huyệt tọa Càn hướng Tốn. Sinh được 4 người con trai Trịnh Oai, Trịnh Sử, Trịnh Phú, Trịnh Trong.

6. Trịnh Phú, húy là Đặng Tiên, hiệu là Phú Nhuận, thụy là Đạt Lý. Mộ ở xứ Cư Hòa (nay là Cư Chánh, làng Dương Xuân, Thủy Bằng, Hương Thủy). Vợ của ông là con gái của Đô tri Nguyễn Thế người trong làng. Mộ của 2 ông bà song hồn. Sinh được 4 trai, 2 gái gồm Đăng Trị, Đăng Diên, Đăng Đệ, Đăng Được, Thị Chư, Thị Hồng.

7. Nguyễn Đăng Đệ, húy Tiểu, tự Bang, hiệu Hòa Đức, sinh năm Kỷ Dậu, mất năm Đinh Mùi, thọ 59 tuổi, tên thụy là Cương Nghị. Mộ ở xứ Mạch Khê, tục gọi là động Hoàng Hói, sử sách gọi là làng Dương Lăng, huyện Quảng Điền. Tọa phân Kim tân Ất. Vợ là Nguyễn Thị Luận sinh năm Nhâm Tý mất năm Giáp Tuất thọ 83 tuổi, thụy là Từ Huệ phu nhân. Vợ thứ tên là Ngô Thị Liên, thọ 55 tuổi, thụy Trang Thục Nhơn, chôn ở xứ Kiều Khê, núi Ngũ Khê, làng Trúc Lâm, tọa Tý hướng Ngọ kiêm Quý Đinh. Mộ bia có khắc chữ triện “Khôn hậu tải vật, đức hiệp vô cương” để làm dấu.

Hai bà sinh hạ được 15 trai, 10 gái. Gồm: Nguyễn Đăng Nhựt, Nguyễn Đăng Sô, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Đăng Thọ, Nguyễn Đăng Đường, Nguyễn Đăng Nghi, Nguyễn Đăng Lợi, Nguyễn Đăng Minh, Nguyễn Đăng Mẫn, Nguyễn Đăng Trường, Nguyễn Đăng Cử, Nguyễn Đăng Bình, Nguyễn Đăng Xanh, Nguyễn Đăng Túy, Nguyễn Thị Diệu, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Thiềm, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Xu, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Hán, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Ái, Nguyễn Thị Dưỡng.

8. Nguyễn Cư Trinh, sinh năm Bính Tuất (1716), tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh, hiệu là Đạm Am, Đường Qua và Hạo Nhiên tức Nghi Biểu hầu, sau đổi thành Tân Minh hầu là danh tướng, danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần. Ông là người ở xã An Hòa, tổng An Hòa, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, nay thuộc phường An Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học nên ngay từ nhỏ Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng là người hay chữ trong vùng. Năm 18 tuổi, ông thi Hương trúng cách, được bổ làm Huấn đạo.

Năm Canh Thân (1740), ông thi đỗ Cống sĩ, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong. Năm 1741 được đề bạt vào Viện văn chức, làm việc bên cạnh chúa Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1744, Nguyễn Cư Trinh phụ trách việc soạn thảo văn thư, từ lệnh. Sau đó ông trải qua các chức Tuần phủ Quảng Ngãi, Ký lục dinh Bố Chính (Quảng Bình), Lại bộ kiêm Tào vận sứ.

Khi làm Tuần phủ Quảng Ngãi, ông đã có công đánh dẹp cuộc nổi loạn của bộ lạc người H’rê ở vùng Đá Vách. Dân tộc H’rê ở Đá Vách (Quảng Ngãi) đã nổi dậy chống đối rồi tiếp tục hoạt động suốt hơn nửa thế kỷ làm cho các chúa Nguyễn phải lo lắng. Khi đến Quảng Ngãi giữ chức Tuần phủ, Nguyễn Cư Trinh đã làm tập thơ Nôm tên Sãi Vãi nhằm khích lệ tinh thần của binh sĩ, cho phổ biến rộng rãi. Nhân dân địa phương cùng binh sĩ hăng hái lập đồn điền, tăng gia sản xuất và canh phòng cẩn mật ở các nơi xung yếu, thực hiện chính sách kinh tế quốc phòng toàn diện. Trước sức mạnh đó, bọn giặc cướp không làm gì được mà chỉ có cách là kéo nhau ra hàng. Ông không giam cần bọn chúng mà tha cho về, tạo công ăn việc làm để sinh sống khiến cho quan quân chúa Nguyễn rất khâm phục và vui mừng.

Từ năm Quý Dậu (1753) đến năm Ất Dậu (1765), Nguyễn Cư Trinh đóng góp nhiều công lao to lớn cho đất nước, trên phương diện trấn giữ biên cương phía Nam của Đàng Trong cho các chúa Nguyễn. Sau đó ông được chúa Nguyễn Phúc Thuần gọi về Kinh để nắm giữ chức cao ở Bộ Lại.

Trong thời gian ở miền Nam, Nguyễn Cư Trinh đã chú trọng việc yên dân, thực hiện chính sách mở mang đất đai, tổ chức cơ cấu hành chính phù hợp với tình hình mới, bài trừ tệ nạn trộm cướp, giúp đỡ và khuyến khích nhân dân mở đất, tích cực sản xuất, ổn định đời sống, giữ kỷ cương luật pháp phong kiến thời bấy giờ. Ông lại có công trong việc giao thiệp tốt, hợp tình, hợp ý với Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên, họa thơ với các danh sĩ trong nhóm Chiêu Anh Các khiến họ Mạc trọng vọng, nể phục Nguyễn Cư Trinh, càng thêm thần phục và kính trọng các chúa Nguyễn tại Phú Xuân.

Năm Đinh Hợi (1767), ông bị bệnh mà mất, hưởng dương 51 tuổi, được chúa Nguyễn Phúc Thuần truy tặng Tá lý công thần đặc tấn trị quốc kim tử, Vinh Lộc đại phu chính tự thượng khanh tham nghị, ban thụy Văn Định. Đến đời Minh Mạng truy tặng ông là Khai quốc công thần, Hiệp biện đại học sĩ, truy phong tước Tân Minh Hầu, cho tòng tự ở Thái Miếu. Ở Thái Miếu (Hoàng thành Huế), bên trái gọi là Tả tòng tự, nơi thờ các vị công thần thuộc dòng dõi Tôn thất. Bên phía phải gọi là Hữu tòng tự, nơi thờ các vị công thần xuất thân từ hàng dân dã. Ở Hữu tòng tự có bảy bài vị, bài vị của Nguyễn Cư Trinh ở vị trí thứ sáu, sắp liền kề bài vị tướng Nguyễn Hữu Dật. Như vậy, thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chỉ có Nguyễn Cư trinh là được thờ ở Thái Miếu.

Ngoài ra ở miếu Công thần tại tỉnh Vĩnh Long có thờ Khai quốc công thần, Vinh Lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, Lãnh Lại Bộ thượng thư, Thụy Văn Cách, Tân Minh hầu, Nguyễn phù quân, Trung đẳng thần Nguyễn Cư Trinh cùng nhiều vị lúc sinh tiền có nhiều công lao với sự nghiệp khai phá miền Nam như: “Thống suất Nguyễn phủ quận, thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Thống suất Nguyễn Phú Quân, thượng đẳng thần Nguyễn Cửu Vân. Phụ đô đốc tướng quân, thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên. Hữu phủ Tống phủ quận, Trung đẳng thần Tống Phước Hiệp”(3).

Vợ của Nguyễn Cư Trinh là Lê Thị Màng, con gái thứ của ông Lê Quang Đại, người làng Đồng Di, huyện Phú Vang. Sinh ngày 16/2 năm Bính Thân, mất ngày 28/10 năm Canh Thân, thọ 25 tuổi. Thụy Ôn Tinh phu nhân. Chôn ở An Nong bên hữu mộ chồng. Vợ kế là bà Lê Thị Nhàn, con gái ông Lê Doản, thụy là Ý Tinh phu nhân, chôn bên tả mộ chồng. Vợ thứ ba là Võ Thị Hảo, con gái ông Võ Đoan. Mộ chôn ở núi Ngũ Khê, làng Trúc Lâm, tọa Tý hướng Ngọ. Tất cả 3 người vợ sinh được 9 người con trai và 6 người con gái gồm: Nguyễn Đăng Tín, Nguyễn Đăng Tu, Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Đăng Tuấn, Nguyễn Đăng Xước, Nguyễn Đăng An, Nguyễn Đăng vô danh, Nguyễn Đăng vô danh, Nguyễn Đăng vô danh, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Thị Tịnh, Nguyễn Thị vô danh, Nguyễn Thị vô danh, Nguyễn Thị vô danh(4).

Tiếp theo Nguyễn Cư Trinh là (9) Nguyễn Cư Tuấn, (10) Nguyễn Cư Khải, (11) Nguyễn Cư Hòa, (12) Nguyễn Cư Huân, (13) Nguyễn Cư Đàng (Nguyễn Đăng Đàng), (14) Nguyễn Đăng Thức.

II. DI SẢN VỀ DÒNG HỌ NGUYỄN CƯ TRINH Ở THỪA THIÊN HUẾ

1. Di sản vật chất

1.
1. Nhà thờ họ Nguyễn Đăng (gốc họ Trịnh)

Nhà thờ hay còn gọi là từ đường Nguyễn Đăng (gốc họ Trịnh) tọa lạc tại số nhà 8 đường Lý Nam Đế, phường An Hòa, thành phố Huế. Ngôi từ đường Nguyễn Đăng được khởi thủy từ năm 1550 và trùng tu hoàn thiện như ngày nay vào năm 2005. Ngôi từ đường hiện nay được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc, có mái vỏ cua cao ráo, bên trên các bờ quyết được đắp nổi các hình lưỡng long chầu nguyệt, phượng. Phía trước là cổng, hàng rào, bên trong có bức bình phong, mặt trước là hình con ngựa, mặt sau trang trí chạm trổ các hoa văn công phu, có đặt một đỉnh xông trầm bằng ximăng cao to. Khuôn viên khá rộng, nhưng lại là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình là con cháu trong dòng họ. Bên trong nhà thờ có 3 bệ thờ, nơi thờ các bậc tôn thần của dòng họ, đồ khí tự sơn son thiếp vàng, có các câu đối, đao, kiếm, trống, thanh la dùng khi tế lễ.

Lịch sử từ đường họ Nguyễn Đăng được ghi lại bên trong nhà thờ như sau:

“Mùa thu Tân Sửu, Thiệu Trị nguyên niên. Từ đường tọa ở núi Trầm Hương. Mùa đông Giáp Thìn từ đường được dời về tọa ở xứ Cồn Kê - An Hòa ngày nay.

Năm Bính Ngọ cháu là Nguyễn Cư Sĩ (Đời thứ 10 phái Đạt Lý) cúng 2 câu đối:

“Xuất vu Hoan Châu, thiên vu Ô Châu, bồi thực tự tam bách niên y thủy
Tích vi Trịnh tánh, kim vi Nguyễn tánh, kế thừa kinh thập tứ thế hữu dư”.


Dịch nghĩa:

“Ra đời ở Hoan Châu, dời vào Ô Châu vun trồng đến nay đã được ba trăm năm.
Xưa là họ Trịnh, nay là họ Nguyễn nối liền được hơn mười bốn đời”.


Từ đường được trùng tu xây bằng gạch. Mùa hạ năm Giáp Tuất từ đường được lợp ngói.

Pháp đuổi, từ đường được dời qua tọa lạc ở Phú Bình (Phú Thuận). Từ đường được xây lại. Lạc thành an vị ngày 8/1 Ất Mùi.

Khi đó trưởng tộc là Nguyễn Đăng Thượng Văn (Đời thứ 13 phái Đạt Lý). Chuyên hành gồm: Nguyễn Đăng Rót (Đời thứ 14 phái Đạt Lý), Nguyễn Đăng Toàn (Đời thứ 15 phái Đôn Thành), Nguyễn Đăng Hoài (Đời thứ 17 phái Thuận Lý).

Mùa hạ năm Giáp Tý nhà thờ lợp ngói. Mùa hạ năm Mậu Dần từ đường được xây mới lại hoàn toàn và lạc thành an vị ngày 7/7 Kỷ Mão. Lúc này trưởng tộc là Nguyễn Đăng Kiếm (Đời thứ 14 phái Đạt Lý), Chỉ đạo công trình là Nguyễn Đăng Niệm (Đời thứ 16 phái Đôn Thành), Thủ quỹ Nguyễn Đăng Đấu (Đời thứ 16 phái Đôn Thành), Thư ký Nguyễn Đăng Anh (Đời thứ 14 phái Đạt Lý), Kiểm soát Nguyễn Đăng Tưởng (Đời thứ 15 phái Đạt Lý), Thủ kho Nguyễn Đăng Thuận (Đời thứ 16 phái Đôn Thành).

Nhà thờ được thượng lương, gác đôn, thượng rồng do Nguyễn Đăng Thắng (Đời thứ 15 phái Đạt Lý) phụ trách chung. Tổng công trình 80 triệu đồng. Khởi công ngày 20/5 Mậu Dần, hoàn thành ngày 15/12 Mậu Dần.

Hoàn thành phổ tộc từ đời 13 đến đời 21 mừng họ Nguyễn Đăng tròn 5 thế kỉ. Hậu duệ thế hệ sau tiếp tục ghi từ năm 2000 trở đi”(5).

1.2. Nhà thờ Nguyễn Cư Trinh

Tọa lạc tại số 5 đường Lý Nam Đế, phường An Hòa, thành phố Huế. Hiện do ông Nguyễn Đăng Thức đời thứ 14, phái Đạt Lý quản lý. Khuôn viên nhà thờ rộng 440m2. Ngôi nhà thờ trước đây được dựng theo kiểu nhà rường Huế nhưng do thời gian, thời tiết và chiến tranh nên bị hư hại nhiều. Năm 1960 được xây lại, năm 1985 bão số 8 làm sập nên phải đại trùng tu lại lần 2 đến năm 2000 trùng tu lần 3 và giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.

Nhà thờ hiện nay được xây theo dạng nhà 5x7m, hiên lợp tôn, nhà lợp ngói. Bên trong có 3 gian thờ, trong đó gian giữa thờ ngài Nguyễn Cư Trinh có 2 bài vị là của Nguyễn Cư Trinh và của bà vợ chính. Hai bài vị này là do ngài Nguyễn Cư Sĩ cháu nội của Nguyễn Cư Trinh lập ra.

Năm 1999 cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế có khảo sát để đề nghị Nhà nước công nhận nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Cư Trinh là Di tích lịch sử nhưng do nhà thờ có người ở chung trong khuôn viên nên không được xem xét.

Bên trên gian thờ ở giữa có di ảnh ngài Nguyễn Cư Trinh do con cháu nội ngoại ở tỉnh Vĩnh Long dâng cúng. Hằng năm cứ vào các ngày 25, 26 tháng 5 âm lịch thì con cháu về đây hiệp kỵ.

Cả hai ngôi nhà thờ này đều nằm trên vị trí địa lý thuận lợi đó là có đường bộ nối liền theo trục Bắc Nam và đi hướng thẳng hết đường Lý Nam Đế là lên chùa Thiên Mụ, Hương Hồ, Hương An. Có tuyến đường thủy bao quanh bởi hệ thống sông đào từ sông Hương vào sông Kẻ Vạn, đến sông An Hòa. Đây sẽ là thuận lợi nếu khách du lịch, giới nghiên cứu văn hóa lịch sử có thể tham quan di tích nhà thờ Nguyễn Cư Trinh và dòng họ Nguyễn Đăng.

1. 3. Lăng mộ Nguyễn Cư Trinh

Lăng nằm giữa vùng đồi núi với cảnh trí khá đẹp, bên dưới có một dòng khe nhỏ. Lăng xây dựng theo hướng Tây Nam, hình chữ nhật, dài 14,60m, rộng 12,8m, cao 1,65m; từ ngoài vào là cửa rộng 1,60m, hai trụ hai bên cao 2,05m, tiếp đến là phần mộ. Mộ Nguyễn Cư Trinh được chôn cùng với 2 bà vợ (mộ tam táng), mộ hình chữ nhật, chiều dài 2,90m, rộng 2,30m. Khu lăng mộ tọa lạc tại làng An Nong, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 05/1999/QĐ/BVHTT ngày 12.2.1999(6). Đã được trùng tu năm 2000.

Nói đến lăng mộ của ngài Nguyễn Cư Trinh thì theo những người trong dòng họ cho hay “Ngày trước khi cụ còn sống, cụ thường thuê voi chở đi tìm đất để chôn cất mình sau này. Và vùng đồi núi An Nong là nơi có địa cuộc tốt, ấm bền cho con cháu đỗ đạt cống hiến cho đất nước sau này”(7). Khu lăng mộ thuộc tọa Giáp hướng Canh.

Người dân vùng Lộc Sơn, Lộc Bổn gọi lăng mộ Nguyễn Cư Trinh là Lăng Đại Bộ. Lúc đầu lăng có bia rất lớn, khắc ghi hành trạng của Nguyễn Cư Trinh, sau bị mất không rõ lý do, gia đình dòng họ cất công tìm nhưng không có.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, dòng họ Nguyễn Đăng phiêu tán, không ai còn nhớ lăng mộ nên thất lạc. Năm 1998 trở về sau trong gia đình lần theo thư tịch cũ, nhân chứng, rồi tự đi tìm, về làng An Nong hỏi từng người, hỏi từng nhà. Người nhà kể lại “Ngài Nguyễn Cư Trinh rất linh hiển, xui khiến cho con cháu thấy được lăng mộ. Ngài hay hiện hồn về để gia hộ độ trì người trong nhà tai qua nạn khỏi, ăn nên làm ra. Cho nên, việc tìm ra lăng mộ của ngài một phần cũng dựa vào sự tâm linh chỉ bảo của ngài Nguyễn Cư Trinh”(8).

1.4. Trường học mang tên Nguyễn Cư Trinh

Trường THCS Nguyễn Cư Trinh hiện nay, trước có tên là Trường THCS Hương Sơ được thành lập theo quyết định số 90/QĐ-TCCB ngày 8/9/1994 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế. Năm 1996, trường chính thức mang tên Trường THCS Nguyễn Cư Trinh - người con của quê hương An Hòa.

Lúc mới thành lập, trường có 15 lớp học nhưng phải học tại 3 địa điểm khác nhau, cơ sở chính của trường chỉ có 3 phòng học được cải tạo từ trụ sở UBND xã Hương Sơ. Khuôn viên lúc đó của trường chưa đầy 1000m2, đảm nhận việc giáo dục cấp THCS cho toàn xã Hương Sơ (bao gồm cả phường Hương Sơ và phường An Hòa ngày nay) với trên 1000 học sinh.

Từ đó đến nay, có nhiều thế hệ thầy cô và học sinh đã không quản ngại khó khăn, đồng lòng, chung sức xây dựng trường ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, xứng đáng với ngôi trường mang tên danh nhân Nguyễn Cư Trinh. Hiện tại, Hội đồng sư phạm cùng học sinh của nhà trường thường xuyên thăm viếng khu lăng mộ và nhà thờ dòng họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Cư Trinh nhằm giáo dục tinh thần yêu mến danh nhân và lịch sử dân tộc.

1.5. Đường phố mang tên Nguyễn Cư Trinh

Đường Nguyễn Cư Trinh nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thành phố Huế, đoạn đầu nối với đường Ông Ích Khiêm đoạn cuối đấu nối với đường Triệu Quang Phục, chạy qua các ngã tư đường Trần Nguyên Đán, Ngô Thời Nhậm, Yết Kiêu, Thạch Hãn, đường có chiều dài 1035m, lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.

Đường này được hình thành vào thế kỷ XIX, cùng thời với việc xây dựng Đàn Xã Tắc. Từ năm 1955 trở về trước, đặt tên là đường Xã Tắc. Sau năm 1956 là đường Ngô Ký. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Cư Trinh(9).

2. Di sản tinh thần

2.
1. Sự nghiệp thơ văn của dòng họ

Trong dòng họ Nguyễn Đăng, ngoài nghiệp võ thì nghiệp văn cũng có nhiều dấu ấn đặc biệt. Nguyễn Đăng Thịnh “có thơ vịnh sử, nghiêm nghị ảm đạm”(10) với những bài như Vịnh Hán An Đế, Vịnh Tống Chân Tông, Vịnh Tống Cao Tông, Vịnh Tống Độ Tông. Còn trong Đại Nam liệt truyện tiền biên đã nói rõ các tập thơ văn của ông như “Hiệu Tốn thi tập, Chuyết Trai văn tập, Chuyết Trai vịnh sử tập”(11). Nguyễn Đăng Tiến “có trước tác Minh Khiêm thi tập lưu truyền ở đời”(12).

Nguyễn Cư Trinh, ông đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Trong đó phải kể đến Quảng Ngãi nhị thập cảnh, Sãi Vãi, Đạm Am thi tập (chưa tìm thấy), Hà Tiên thập cảnh vịnh, Hạo Nhiên đường văn tập. Văn chữ Hán gồm có Đáp Hà Tiên Mạc Tổng binh Tông Đức hầu thư, Hựu hữu đáp Hà Tiên hiệp trấn Tông Đức hầu thi dẫn, Dân gian tật khổ chi trạng sớ, Ngoại biên biện sớ, Di Hà Tiên trường tử cai đội Anh Đức hầu thương, Ký cố nhân tri phủ Tuần Lý Nguyễn tử(13). Trong đó tác phẩm Sãi Vãi “Được viết vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, để động viên cổ vũ quân sĩ nhân dịp đánh dẹp ở đất Thạch Bích nhằm mở thông đường vào Nam. Tác phẩm còn cảnh tỉnh tầng lớp nho sĩ, đề cao lí tưởng tu tề trị bình của Nho giáo, răn giới, phê phán tăng ni sa đọa và những biểu hiện của mê tín dị đoan. Sãi Vãi là sự kết hợp tài tình giữa nghiêm trang và bông lơn hài hước, giữa văn biền ngẫu bác học và văn nói lối trong tuồng đồ”(14).

2.2. Di sản tư tưởng

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã có nói rằng “Nhân tài đời nào cũng có. Đất Thuận Hóa vào thời nhuận Hồ có cha con Đặng Tất vì tài tướng văn tướng võ mà nổi danh. Ở quốc triều, vào khoảng Thuận Thiên, Hồng Đức thì có Nguyễn Tử Hoan làm quân sư, Bùi Dục Tài đỗ tiến sĩ; thời Ngụy Mạc thì có Dương Văn An đỗ cao, làm sách Ô châu cận lục; từ đầu thời trung hưng của bản triều, Đoan quốc công vào trấn, đời sau nối nhau giữ việc quân, truyền tập riêng nhau, tự đặt quan lại do đó nhân sĩ châu Ô, châu Lý không ai không theo thời thế mà lập công danh, mà những người bộ khúc họ Nguyễn mang theo, phần nhiều là người Thanh Nghệ, kiều cư ngụ quán, con cháu họ có tài nghệ kiến thức, hoặc do tập ấm mà tiến lên, hoặc do thi cử mà bổ dụng, cũng lại không ít. Tuy hơn một trăm năm tới nay, họ tên của họ chưa vang thượng quốc nhưng không thể bảo là không có nhân tài được”(15).

Nguyễn Cư Trinh được Lê Quý Đôn xếp hàng đầu tiên trong mục Nhân tài và thơ văn ở bộ Phủ biên tạp lục, ông nhận xét: “Cư Trinh thuở nhỏ giỏi văn chương, đỗ sinh đồ, bổ tri phủ… có cơ mưu trí lược, hay quyết đoán trù hoạch rất rành rọt… Gia Định, Hà Tiên lừng lẫy danh vọng”(16).

Ngoài ra ông còn là người hiểu được thế sự và nắm lấy những thời cơ một cách chắc chắn, điều đó đã giúp cho các chúa Nguyễn thu nhận được vùng đất mới một cách ôn hòa. Những kế sách đó của Nguyễn Cư Trinh được thể hiện qua một số thư điều trần gửi các chúa Nguyễn và thư đáp lại thư của cha con Mạc Thiên Tích, Mạc Thiên Tứ. Trần Trọng Kim đã cho biết: “Nặc Nguyên về làm vua Chân Lạp thường hay hà hiếp rợ Côn Man và lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình thế ấy, đến năm Quý Dậu (1753), sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm Ất Hợi (1755) Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ.

Năm sau Mạc Thiên Tứ dâng thư nói rằng Nặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội, và xin cho về nước. Chúa Nguyễn không muốn cho. Bấy giờ ông Nguyễn Cư Trinh dâng sớ bày tỏ cách khai thác nên dùng mưu kế “tàm thực” nghĩa là nên lấy dần dần như con tằm ăn lá thì mới chắc chắn được. Chúa Nguyễn nghe lời ấy bèn nhận hai phủ và cho Nặc Nguyên về Chân Lạp”
(17).

Sau ngày Nặc Nguyên mất, nội tình họ Nặc này lại tranh giành quyền lực với nhau. “Mạc Thiên Tứ dâng thư về xin lập Nặc Tôn là con của Nặc Nguyên làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn thuận cho, sai Thiên Tứ đem Nặc Tôn về nước.

Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn. Chúa bèn sai ông Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào, tức là chỗ tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ, và lại đặt ra ba đạo là Đông Khẩu đạo ở Sa Đéc, Tân Châu đạo ở Tiền Giang và Châu Đốc đạo ở Hậu Giang.

Nặc Tôn lại dâng 5 phủ là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà Tiên cai quản”
(18).

Như vậy, với tài trí hơn người và biết nhìn xa trông rộng, Nguyễn Cư Trinh đã để lại cho chúng ta ngày nay một di sản lớn về tư tưởng, đó là mở rộng bờ cõi, thu phục lòng người, sử dụng lối đánh “tâm công” vừa nhẹ nhàng mà chắc, vừa chậm rãi nhưng bền vững. Cả Mạc Thiên Tích, Mạc Thiên Tứ cũng trở thành những cộng sự đắc lực cho ông.

Những nhân vật như Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Đăng Cẩn trong dòng họ Nguyễn Đăng đều ý thức được trách nhiệm đối với dân, với nước. Mặc dù xuất phát điểm của mỗi người mỗi khác nhưng chung quy lại, họ là những người tài năng xuất chúng, văn võ song toàn và luôn đặt lợi ích của người dân, đất nước lên trên lợi ích cá nhân. Có được những phẩm chất đó là do họ có tinh thần hiếu học đáng khâm phục.

Dòng họ Nguyễn Đăng “là một dòng họ có truyền thống hiếu học, học giỏi và đỗ đạt nhiều đóng góp vào nền giáo dục và khoa cử xứ Đàng Trong và giáo dục nước nhà”(19). Ngày nay, con cháu của dòng họ mặc dù đi làm ăn xa nhưng vẫn giữ được cốt cách của người con xứ Huế, tự hào về những gì mà các bậc tiền hiền của dòng họ đã gây dựng nên.

III. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ

Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Cư Trinh, chúng tôi sau khi đi khảo sát thực địa khu lăng mộ, nhà thờ họ Nguyễn Đăng và nhà thờ Nguyễn Cư Trinh, xin đóng góp vài ý kiến như sau:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch liên kết với các tỉnh vùng Nam Bộ - nơi mà Nguyễn Cư Trinh đã từng có một thời gian dài tham gia việc mở mang bờ cõi - để xây dựng, tu bổ lại khu lăng mộ và nhà thờ sao cho khang trang, uy nghi, hoàn tráng hơn để xứng đáng với một bậc công thần.

- Các cơ quan chức năng ban ngành mà trước hết là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế có biển chỉ dẫn ngay từ ngã ba La Sơn để hướng dẫn khách thăm viếng được dễ dàng hơn.

- Cần tạo cảnh quan, môi trường xung quanh khu vực lăng mộ. Hạn chế việc người dân trồng rừng tràm hoa vàng khai thác gỗ để bảo đảm tuyến đường vào lăng mộ được sạch đẹp, thoáng đãng, dễ thấy toàn cảnh khu lăng mộ. Nên chăng khoanh vùng khu đồi có lăng mộ tọa lạc để trồng các loại cây cảnh để phù hợp với di tích cấp quốc gia.

- Cần phối hợp với người thân trong gia đình và dòng họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Cư Trinh để dựng bia để người viếng, khách tham quan hiểu rõ thêm về hành trạng của nhân vật.

- Giáo dục tinh thần hiểu biết về lịch sử và nhân vật Nguyễn Cư Trinh trong đại bộ phận nhân dân và học sinh.

Tóm lại, di sản dòng họ Nguyễn Cư trinh trải dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền. Đây sẽ là một thuận lợi lớn để có điều kiện giáo dục tư tưởng của văn hóa một dòng họ lớn có truyền thống lâu đời trên 500 năm để thế hệ học sinh và người dân địa phương thêm yêu mến danh nhân lừng lẫy của buổi đầu mở cõi về phương Nam.

T.N.K.P
(TCSH325/03-2016)


----------------
1. Ý kiến của bác Nguyễn Đăng Thức trông coi nhà thờ họ Nguyễn Cư Trinh, bác Nguyễn Đăng Cừ trông coi Từ đường họ Nguyễn Đăng. Huế, ngày 20/12/2015.
2. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Trần Đại Vinh biên dịch và bổ chính. Nxb. Đà Nẵng, 2015, trang 209.
3. Bảo tàng Vĩnh Long: Công thần miếu. Bảo tàng Vĩnh Long xuất bản, 2001, trang 9.
4. Phần này do ông Nguyễn Đăng Thức đời 14 phái Đạt Lý cung cấp.
5. Dựa theo tư liệu tại ngôi Từ đường nhà thờ họ Nguyễn Đăng. Cảm ơn bác Nguyễn Đăng Cừ và Nguyễn Đăng Thức đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận thông tin.
6. Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế: Di tích lịch sử văn hóa Thừa Thiên Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 89.
7. Ghi theo lời kể của bác Nguyễn Đăng Thức.
8. Ghi theo lời kể của vợ chồng bác Nguyễn Đăng Thức.
9. Dương Phước Thu: Huế tên đường phố xưa và nay. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 253, 254.
10. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Sđd, trang 240.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, trang 200.
12. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên. Sđd, trang 207.
13. Xin xem: Phan Hứa Thụy (sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu): Thơ văn Nguyễn Cư Trinh. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1989, trang 184.
14. Bùi Duy Tân, Nguyễn Kim Sơn, Phạm Vân Dung, Bùi Thiên Thai: Tư liệu tham khảo Tinh tuyển Thơ văn Hán nôm. Tập B: Từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, trang 266.
15. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Sđd, trang 208.
16. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Sđd, trang 209.
17. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011, trang 302.
18. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Sđd, trang 302.
19. Nguyễn Văn Đăng: Dòng họ Nguyễn Cư Trinh ở Huế. Tạp chí Huế xưa và nay, số 107 (9-10).2011, trang 40.   







 

Các bài mới
Các bài đã đăng