Người Huế
Người giữ màu tím Huế ở Đồng Nai
14:41 | 10/08/2017

ĐÀO SỸ QUANG

Huế đi vào trong tôi từ cái thuở học trò thông qua những bài học lịch sử.

Người giữ màu tím Huế ở Đồng Nai
Nhà văn Bùi Kim Chi

Tôi sinh ra ở đầu trời Bắc, khi nước nhà tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Địa danh Huế ngày đó với tôi là cả một sự xa xôi mù tắp, giống như người ta phải dùng tới “đơn vị thiên văn” để đo khoảng không gian trong vũ trụ!

Nhắc đến Huế là nhớ tới vương triều Tây Sơn từng “đại phá quân Thanh”, một Cố đô thời phong kiến dưới triều Nguyễn kéo dài suốt 143 năm trời. Lớn dần theo năm tháng, qua nhiều “kênh” mà tôi quen thuộc với những cụm từ: Lễ nhạc cung đình, Múa khúc cung đình, Ca Huế... cho tới Festival Huế của đầu thế kỷ 21. Huế nổi tiếng theo dòng lịch sử - oanh liệt và hào hùng, nhưng cũng thật “đằm thắm thướt tha” - cái cụm từ luôn xuất hiện trên các trang viết, hay mỗi khi luận bàn về Huế.

Rất tiếc, tôi chỉ được lướt qua Huế khi ngồi trên chiếc xe khách Bắc - Nam tốc hành! Tôi chưa được đặt chân tới vùng đất kinh kỳ này, chưa được soi mình bên dòng sông Hương, ngước nhìn núi Ngự, ngắm cầu Trường Tiền lung linh ánh điện về đêm. Nhưng tôi như đã “thấy” Huế rồi, để bất ngờ trở thành “thi sĩ” bật lên câu thơ: “Đời còn gì khi ta chưa về thăm Huế!”

Nhà giáo - nhà văn Bùi Kim Chi sinh và và lớn lên nơi xứ Huế, hiện là hội viên Hội VHNT Đồng Nai. Chị là một người Huế “toàn tính”; sở trường trong những bài viết của chị là “tình yêu” dành cho Huế; chị là “người phát ngôn của Huế”. Bạn bè văn nghệ Đồng Nai chúng tôi vẫn thường bảo như thế.


Nhà văn Bùi Kim Chi cùng anh em văn nghệ sĩ thường nhâm nhi cà phê bên dòng Đồng Nai, ngắm lục bình trôi, đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề... Chị còn nhiều nặng nợ với Huế lắm. Kể miết, kể hoài mà vẫn không hết. Với giọng Huế nhẹ nhàng, tha thiết dễ thương, chị kể về đất Huế, qua những miêu tả tinh tế, hình tượng dễ kéo người nghe về với Huế. Tôi bảo chị khôn! Vì chỉ có người khôn mới không bạc tình bạc nghĩa với quê hương. Chị khôn, vì ít nhất cũng làm một người như tôi lớn khôn hơn trong tiềm thức để yêu Huế nhiều hơn. Yêu văn hóa ứng xử của xứ Huế nhiều hơn. “Huế thủy chung lắm, nên khi nói đến Huế là người ta nghĩ ngay tới màu tím Huế đặc trưng”. - Nhà văn Bùi Kim Chi nói vậy. Ngày xưa (nói nhỏ, cho tới tận bây giờ) tôi chỉ biết Huế qua những mảng vĩ mô. Nhưng cũng do từ “Người phát ngôn của Huế” mà tôi biết thêm về Huế từ những cảnh vật đang hiện hữu từng ngày: những hàng cây phượng vĩ, long não, thảm cỏ xanh vời vợi nơi công viên trường học; con đường “áo lụa” gắn bó với tuổi học trò... Nhà văn Bùi Kim Chi kể về những con đò ở Huế - Những con đò gắn với tuổi thơ như một mặc định trong cái “computer” của chị. Huế có rất nhiều con đò, nhưng con đò Thừa Phủ nối hai bờ sông Hương là có duyên nợ với chị sắc sâu nhất. Mỗi lần về Thành Nội, lòng chị lại xốn xang, say đắm, nôn nao, rạo rực, nước mắt hoen mi. Chị bảo đó là “nhạc lòng” của người tình được gặp lại một người tình. Chị ví những tà áo trắng tung bay mỗi khi tan trường là đàn hạc trắng. Rồi chị ngậm ngùi bên bến đò Thừa Phủ - bến cũ, đò xưa còn người xưa nơi đâu? - giống như câu ca “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ...”. Chị kể, mà đôi mắt nặng trĩu, rưng rưng. Chỉ “tại” cái bến đò ấy nó rất thơ, rất tình và lãng mạn, nó chở biết bao tâm hồn bay cao bay xa! Một người khô cằn thì chắc chắn không thể thả được hồn vào dòng sông Hương lặng lẽ, êm đềm. Và, không thể nào hiểu tận nỗi lòng sông Hương - như một đặc trưng tình yêu của Huế. Chả thế mà nhà thơ Thu Bồn chiết xuất từ tim gan ra hai câu thơ để đời: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Người Huế sâu sắc, can trường, nhưng khiêm nhường và đằm thắm tình người, thủy chung như sắc màu áo tím. Chị lại trở về bến đò Thừa Phủ. Bến đò đưa các nàng áo trắng sang sông. Đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống tạo nên một quang phổ với đủ sắc màu. Các nàng Đồng Khánh tóc mây vương gió mềm mại như trong tranh của Tề Bạch Thạch vẽ trên giấy dó thật nền nã, dịu dàng và đáng yêu! Tôi bỗng nhớ lần xem ti vi về Lễ hội Festival Huế có hình ảnh tái hiện bến đò Thừa Phủ ngày xưa rất là sinh động...

Với con người từng trải, nhiều năm giảng dạy bộ môn Văn học ở trường phổ thông và giờ cũng là một nhà văn tại mảnh đất xưa kia gọi là “Nông Nại Đại Phố”, nhà văn Bùi Kim Chi đã làm nên một “thước phim quay chậm về Huế” bằng tập tản văn: “HUẾ CỦA NGÀY XƯA” (Nxb. Thanh Niên, 2014). Những tà áo trắng thướt tha, ngược lên Nam Giao, đi về Vĩ Dạ... Áo trắng qua đò Thừa Phủ, hướng lên Kim Long vô Thành Nội... Nhiều lắm: “Những cặp tình nhân một thời ở Huế”; “Mái trường bên bờ sông Hương”; “Đồng Khánh một khoảng trời riêng”, đưa ta “Qua đò Thừa Phủ” hiện về một “Thời nhan sắc” để nhớ “Góc trời kỷ niệm”, vương vấn “Dáng xưa”, cho tới cả cái vui “Thú lụt lột” trong mùa mưa bão… Dẫu thời cuộc biết bao đổi thay thế sự, thì dòng sông Hương, tiếng chuông chùa Linh Mụ vẫn ngân vang đưa tâm hồn con người về những phút giây tĩnh tại, sau một ngày lao động mệt nhọc. Không phải ai cũng có “vốn” có tài để mà miêu tả cái đẹp tinh khiết của những tà áo dài, những vẻ đẹp đủ đầy “mô, tê, chi, rứa” của Huế. Nhưng tôi tin điều đó có ở nhà văn Bùi Kim Chi. Chị bảo tôi cố gắng để được một lần về Huế chị sẽ đóng vai hướng dẫn viên du lịch trên những con đường, ngắm mỗi góc phố, hàng cây cùng biết bao cảnh vật để mà tương tư cái hồn xưa của đất Cố đô qua bao thăng trầm dâu bể. Về Huế bên cầu Trường Tiền ngắm dòng Hương, thăm trường Quốc Học, ghé trường Đồng Khánh, thăm bến đò Thừa Phủ, về xóm Ngự Viên cũng như nhiều nơi khác. Thưởng thức ẩm thực xứ Huế và văn hóa đất Thần Kinh này.

Huế bây giờ không còn bó hẹp ở cái nôi của văn hóa miền Trung nữa. Việt Nam tự hào có Huế - nơi hấp dẫn biết bao lượt khách nước ngoài viếng thăm. Thật hết sức cảm động và tự hào khi tôi được nghe ông Mr.Raymon Cote chuyên gia người Canada thốt lên câu cảm nhận về Huế: “Hue is very wonderful!”(Huế rất tuyệt vời!).

Bằng tất cả tình yêu với Huế, nhà văn Bùi Kim Chi đã viết lên từ trái tim mình những dòng tâm sự rất đỗi thân thương. Đọc Huế của ngày xưa ta sẽ biết được bao điều, không dễ gì tìm kiếm. Huế của ngày xưa, là một thiên tình cảm của một người con gái đối với đất mẹ yêu thương. Một tình cảm trong trắng, sâu đậm và đầy tính nhân văn gói gọn trong 18 tâm sự. Nếu không có tình cảm sâu nặng, không có con mắt tinh tường và khả năng biểu đạt thì làm sao nhà văn Bùi Kim Chi có thể viết lên được một tác phẩm hay đến như thế. Nhà văn Bùi Kim Chi bật mí đang viết Bốn mùa về Huế. Chỉ nghe cái dàn bài đã thấy bao la cái tình yêu sắt son, nồng thắm của chị dành cho Huế. Trong tôi vang lên lời ca: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

Cảm ơn chị đã cho tôi một tình yêu Huế, để đánh thức tâm hồn nếu chẳng may nghĩ chuyện nhỏ nhoi!

Đ.S.Q   
(SHSDB25/06-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng