VÕ VINH QUANG
Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 (1716 - 1767) là danh nhân nổi bật đất Phú Xuân ở thế kỷ XVIII. Ông là con thứ 7 của Nguyễn Đăng Đệ (1669 - 1727) với bà vợ thứ Ngô Thị Liên (1692 - 1726)1.
Vốn xuất thân là Văn thần, song thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp của Nguyễn Cư Trinh chính từ con đường Võ nghiệp. Ông có công lao rất lớn trong việc dẹp yên giặc Thạch Bích (mọi Đá Vách) ở Quảng Ngãi năm Canh Thân (1750), và nhất là giúp ổn định tình hình, phát triển đời sống của nhân dân cũng như định lại ranh giới, mở mang thêm một vùng đất cực Nam của biên cương tổ quốc (hơn 10 năm cai quản vùng biên viễn, từ Quý Dậu (1753) đến Ất Dậu (1765)).
Với sự nghiệp rỡ ràng, uy danh vượt bật, tên tuổi của ông được sử sách ghi nhận, là bậc “khai quốc công thần” hiển hách công lao. Nhất là cho đến nay, Nguyễn Cư Trinh vẫn được nhân dân nhiều nơi, nhất là ở Nam bộ (như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…) sùng kính, phụng thờ.
Có khá nhiều công trình sử học, văn hóa, văn học… đã viết về Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh, vinh danh công lao tài nghệ cũng như sự nghiệp văn chương của ông. Dẫu vậy, vấn đề về các tên gọi (húy, tự, hiệu…) nền tảng quan trọng của Nguyễn Cư Trinh hầu như vẫn chưa được thống nhất.
Tại Phủ biên tạp lục, quyển 5 撫邊雜錄 (第五卷), khi nói về Nhân tài và văn thơ ở Đàng Trong, Lê Quý Đôn viết: Nguyễn Cư Trinh hiệu Đạm Am, Hương Trà An Hòa nhân 阮居貞號澹庵香茶安和人2 nghĩa là: Nguyễn Cư Trinh hiệu Đạm Am, người làng An Hòa, huyện Hương Trà.
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5 大南列傳前編, 第五卷 thì ghi chép rằng: Nguyễn Cư Trinh, tự Nghi, hiệu Đạm Am, Đăng Đệ chi quý tử dã. 阮居貞字儀號澹庵登第季子也3 nghĩa là: Nguyen Cư Trinh, tên tự là Nghi, hiệu Đạm Am, là con út Đăng Đệ.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 3 大南一統志第三卷, phần Thừa Thiên phủ, mục Nhân vật thì viết: Nguyễn Cư Trinh tự Nghi, hiệu Đạm Am, Nguyễn Đăng Đệ quý tử dã. 阮居貞字儀號澹庵阮登第季子也4 nghĩa là: Nguyễn Cư Trinh tên tự Nghi, hiệu Đạm Am, con út của Nguyễn Đăng Đệ vậy.
Trong khoảng từ thế kỷ XX đến nay, ở các công trình nghiên cứu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Cư Trinh, các nhà nghiên cứu đa phần trích dẫn về tên húy, tự, hiệu vị Tân Minh hầu trên theo thông tin được Đại Nam liệt truyện cung cấp (chẳng hạn như ở phần “Thân thế và sự nghiệp” trong Nguyễn Cư Trinh với tư tưởng Trung đạo5; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam6).
Bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến khác hơn về tên húy, tự, hiệu của ông (không theo thông tin từ Đại Nam liệt truyện). Điển hình như ở Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, tác giả trình bày rằng: “Nguyễn Cư Trinh thuộc nhánh Đạt Lý, họ Nguyễn Đăng ở làng An Hòa xã Hương Sơn ngoại thành Huế. Theo gia phả họ Nguyễn Đăng thì Nguyễn Cư Trinh tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh và Nghi Biểu, hiệu là Đạm Am và Hạo Nhiên, tước Nghi Biểu hầu, sau đổi là Tân Minh hầu” 7…
Sự chưa thống nhất giữa các công bố về húy, tự, hiệu của Nguyễn Cư Trinh khiến cho việc tìm hiểu chuẩn xác trên mọi bình diện về ông sẽ khó lòng được đáp ứng.
Hơn nữa, trong quan niệm truyền thống của ông cha ta, việc đặt tên cho con cháu như húy, tự, hiệu… luôn bao hàm những ý nghĩa sâu xa. Đó là sự mong muốn, hy vọng cháu con trong tương lai sẽ tài đức vẹn toàn, công nghiệp rỡ ràng và đem tài “kinh bang tế thế” ra để giúp nước phò dân, hoặc góp phần vun bồi truyền thống gia phong đầy trân quý của dòng tộc… Các tên gọi (như tên húy, tên tự, tên hiệu) trong suy nghiệm của người xưa rõ ràng ứng với nhân cách, bao quát cả cuộc đời, chất chứa hoài bão của tiền nhân cũng như của ngay chính người được đặt tên ấy. Thế nên, chúng tôi thiết nghĩ việc “giải mã” những tên gọi vốn có của các bậc danh hiền, mà tiêu biểu ở đây là vị danh nhân Nguyễn Cư Trinh là điều rất cần thiết nhằm góp phần tìm hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn về ông.
Do đó, tại bài viết này, chúng tôi xin góp thêm phần kiến giải của mình về các tên gọi như húy, tự, hiệu… của Nguyễn Cư Trinh trên cơ sở những thông tin từ gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa và các nguồn tư liệu liên quan.
Gia phả tộc Nguyễn Đăng - An Hòa, trang 22, mục Nguyễn Cư Trinh (Tư liệu do ông Nguyễn Đăng Anh, tộc trưởng tộc Nguyễn Đăng - An Hòa cung cấp)* |
Theo Gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa, thông tin về húy, tự, hiệu của Nguyễn Cư Trinh được trình bày như sau: Nguyễn Cư húy Trinh: bổn húy Đăng Nghi, tự Đạm Am, hiệu Hạo Nhiên. Đường quan hiệu Nghi Biểu 阮居諱貞: 本諱登儀,字澹庵,号浩然。 堂官号儀表8 nghĩa là: Nguyễn Cư tên húy Trinh, vốn húy Đăng Nghi, tên tự Đạm Am, hiệu Hạo Nhiên. Khi ở chốn quan trường thì có hiệu (chính xác phải là tước) Nghi Biểu [hầu]. Vậy, trước các thông tin kha khác biệt giữa Phủ biên tạp lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí với Gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa… như thế, liệu nguồn thông tin nào khả dĩ đáng tin cậy nhất? Trong quan niệm của chúng tôi, phần ghi chép ở Gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa có tính xác thực cao hơn. Bởi lẽ con cháu ghi chép và lưu truyền về tiểu sử, sự nghiệp của ông cha thì rất hiếm khi bị nhầm lẫn.
Theo đó, vị Nghi Biểu hầu này có tên húy Trinh 貞 (Cư Trinh 居貞). Ông vốn tên húy Nghi 儀 (Đăng Nghi 登儀)9, tự Đạm Am 澹庵, hiệu Hạo Nhiên 浩然 Nói về truyền thống đặt tên của người Việt, tên húy - tên tự - tên hiệu luôn có mối quan hệ qua lại, bổ sung ý nghĩa, tương hỗ lẫn nhau.
Tên húy là “tên chính thức trong giấy tờ hành chính để học hành, thi cử, làm quan… Lúc con trai đủ 20 tuổi Âm lịch sẽ làm lễ gia quán (加冠) - đội mũ, biểu thị sự trưởng thành và từ đây bắt đầu kiêng húy. Kiêng húy là phong tục cấm gọi tên húy của người đã “đội mũ”…”10.
Tên tự là tên gọi của người con trai trưởng thành sau khi làm lễ “gia quán”, được cha mẹ hoặc trực tiếp, hoặc nhờ người hay chữ chọn lựa chữ nghĩa phù hợp nhất để đặt cho con mình. “Đặt tên tự vô cùng quan trọng, làm sao bao hàm nghĩa, hoặc mở rộng nghĩa của tên húy, đặc biệt có định hướng tương lai. Cách đặt tên tự, người ta thường dùng danh ngôn, thành ngữ, điển cố, những dòng thơ đẹp… để chọn lấy hai chữ ghép thành tên tự mà vừa thay những câu kia, vừa chứa đựng nghĩa tên húy”11.
Và, tên hiệu là tên gọi do chính người trưởng thành đó tìm chọn tên gọi chuẩn xác nhất cho mình, sau khi đã có tên tự, “Đặt tên hiệu tương tự như đặt tên tự: bao hàm, hoặc mở rộng nghĩa tên húy”12.
Vậy tên húy, tên tự và tên hiệu của vị danh nhân đất An Hòa này có mối quan hệ thế nào với nhau? Chúng tôi xin góp một số ý kiến nhỏ dưới đây:
Như đã nói, ông tên húy Trinh 貞. Về ý nghĩa, Trinh 貞 có nghĩa là khí tiết trong sạch, liêm khiết, ngay thẳng, khảng khái, chính nghĩa.
Lời Thoán từ ở quẻ Thủy địa sư 地水師 của Kinh Dịch rằng: 師: 貞,丈人, 吉.無咎 (Sư, trinh, trượng nhân, cát. Vô cữu). Phần Thoan truyện minh giải nghĩa Thoán từ là: Sư, chúng dã. Trinh, chính dã. Năng dĩ chúng chính, khả dĩ vương hĩ. Cương trung nhi ứng, hành hiểm nhi thuận, dĩ thử độc thiên hạ nhi dân tòng chi. Cát. Hựu hà cữu hĩ 師眾也,貞正也。能以眾正,可以王矣。剛中而 應,行險而順,以此毒天下而民從之。吉。又何咎矣 (Dịch: Sư (Quân đội) là sự tập hợp của nhiều người đông đúc. Trinh là tính ngay thẳng, chính nghĩa. Lấy tính chính đáng hợp lòng người để hưng binh thì mới xứng tầm là bậc quân vương tài đức. Giữ đức ngay chính trực thì muôn chúng ứng theo, đi vào chỗ hiểm nguy mà thuận theo đúng chính đạo thì lòng dân của cả thiên hạ cũng theo phò tá mình, điều đó chỉ đem lại sự tốt lành, chừ đâu thể có lỗi lầm được.)
Từ ý nghĩa của chữ Trinh 貞 suy ra Cư Trinh 居貞 bao hàm nghĩa “cư xử, xử lý mọi điều hợp theo chính đạo”. Hào lục ngũ 六五 trong quẻ Di 頤卦 của Kinh Dịch viết rằng: Tượng viết: cư trinh chi cát, thuận dĩ tòng thượng dã 象 曰: 居貞之吉,順以從上也 (nghĩa là: Lời tượng nói rằng cư xử chuẩn mực, hợp với chính đạo thì rất tốt đẹp, thuận theo bậc hiền lương chính trực để di dưỡng (dưỡng nuôi) đạo lý vậy).
Cũng trong trường nghĩa của Trinh 貞 (và Cư Trinh 居貞), chúng tôi cho rằng hàm ý chữ được chọn dùng làm tên húy của vị Tân Minh hầu, người tộc Nguyễn Đăng này ứng với quẻ Truân 屯卦 (hay còn gọi là quẻ Thủy lôi truân 水雷屯卦) của Kinh Dịch. Cụ thể, hào Sơ cửu 初九 của quẻ Truân này nói rằng: Sơ cửu: bàn hoàn, lợi cư trinh, lợi kiến hầu 初九: 磐桓,利居貞,利 建侯 (nghĩa là: Hào chín đầu: quanh co, lợi về sự cư xử ngay thẳng bền bỉ, lợi về việc tạo dựng tước hầu.) Tác giả Ngô Tất Tố giải nghĩa hào Sơ cửu ở quẻ Truân này căn cứ theo truyện của Trình Di như sau: “Truyện của Trình Di: Hào đầu là hào dương, ở dưới, tức là kẻ có tài cương minh, gặp đời truân nan mà ở ngôi dưới. Chưa thể đi ngay cho qua cảnh truân, nên phải quanh co. Đương buổi đầu hồi truân, nếu không quanh co mà vội tiến lên, thì phạm vào nạn, cho nên ta phải có một cách chính đính mà giữ cho bền chí. Nếu không giữ được chính đính vững bền, thì sẽ trái nghĩa, qua sao được cảnh truân. Ở đời truân, đương bị gian nan ở dưới, nên có kẻ giúp, đó là cái đạo ở cảnh truân và qua cảnh truân, cho nên mới dùng nghĩa “dựng tước hầu” tức là tìm người giúp đỡ vậy”13
Như thế, xét về tổng quát, quẻ Truân mang hàm ý rằng: muốn đạt được thành tựu lớn về mọi mặt thì cần tu dưỡng đức hạnh, tài năng hướng theo sự ngay thẳng chính trực và mọi việc đều cư xử ứng theo chính đạo (cư trinh 居貞), không được vội vàng gấp gáp, mà phải điềm tĩnh để chờ cơ hội vươn lên. Khi hành động, cần được người tốt giúp đỡ (lợi kiến hầu), như thế sẽ đạt thành hiệu quả.
Từ ý trên, chúng ta thấy tên tự Đạm Am 澹庵 ([bậc] giữ mình điềm tĩnh ở ngôi nhà tranh) nằm cùng trường nghĩa với tên húy Trinh 貞 (Cư Trinh 居 貞: cư xử đúng theo chính đạo), nhằm bổ sung, tương hỗ qua lại về ý nghĩa cho nhau (tuân theo chính đạo và giữ điềm tĩnh, không nóng vội) như nội hàm quẻ Truân đã thể hiện.
Về tên hiệu Hạo Nhiên 浩然: Từ này có các ý nghĩa như sau: (1) nghĩa ban đầu là nguồn nước mênh mông rộng lớn (hạo 浩 là mênh mông, to lớn, lênh láng; nhiên 然 là như thế), từ đó phái sinh ý nghĩa chỉ về những gì to lớn vĩ đại mênh mông (2) tả dáng vẻ cương trực ngay thẳng, quang minh chính đại, hào sảng phi thường (ví dụ như: hạo nhiên chính khí 浩然正氣: khí chất ngay thẳng rõ ràng, quang minh chính đại. Sách Mạnh tử 孟子, thiên Công Tôn Sửu chương cú thượng 公孫丑章句上 ghi chép về câu chuyện đối đáp giữa Công Tôn Sửu và Mạnh tử có đoạn: 敢問夫子惡乎長.曰:我知言,我善養吾浩然之氣 (cảm vấn Phu tử ô hô trường? viết: ngã tri ngôn, ngã thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí) nghĩa là: Công Tôn Sửu hỏi: “dám hỏi thầy về sự chẳng động tâm của thầy? Thầy có sở trường gì? Mạnh tử trả lời: Ta hiểu rõ ý ngươi, ta khéo bồi dưỡng cái khí hạo nhiên của mình (tức chí khí quang minh hùng hậu của bậc chính đạo, đức hạnh).
Vậy, chữ hạo nhiên 浩然 bao hàm ý nghĩa phái sinh (nghĩa thứ 2) là khí chất quang minh chính trực ngay thẳng rõ ràng. Nghĩa này khá tương đồng với hàm nghĩa của tên húy Trinh 貞 (Cư Trinh 居貞), tức đều thể hiện sự thẳng thắng, cương cường quang minh chính khí (trinh, chính dã 貞正也).
Từ các chứng minh trên, chúng tôi đi đến kết luận rằng vị “khai quốc công thần” người tộc Nguyễn Đăng của vùng đất An Hòa này có tên húy Trinh 貞 (Cư Trinh 居貞), tự là Đạm Am 澹庵 và hiệu Hạo Nhiên 浩然. Đồng thời, mối quan hệ giữa tên húy - tự - hiệu của ông là quan hệ bổ sung, tương hỗ về ý nghĩa với nhau. Điều đó cũng góp phần chứng tỏ những ghi chép trong Gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa là chính xác.
Hi vọng rằng phần công bố trên đây của chúng tôi sẽ góp phần đính chính lại những nhầm lẫn của các công trình trước đây như Phủ biên tạp lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Nguyễn Cư Trinh với tư tưởng trung đạo, Việt sử xứ Đàng Trong, Văn học Nam Hà (Văn học Đường Trong thời phân tranh), Thơ văn Nguyễn Cư Trinh… khi giới thiệu về các tên gọi (húy, tự, hiệu) của Tân Minh hầu14 Nguyễn Cư Trinh.
V.V.Q
(TCSH343/09-2017)
---------------------
1. Theo Gia phả Nguyễn Đăng-An Hòa (Bảo Đại thứ 12 [1937], do ông trưởng tộc Nguyễn Đăng Anh cung cấp) thì Ngô Thị Liên 吳氏蓮 là bà vợ thứ của ông Nguyễn Đăng Đệ. Bà là người Lang Kiều, Tống Sơn (Thanh Hóa), con gái út của ông Ngô Thuần làm Cai đội Quảng Nam. Ngô Thị Liên sinh vào tháng Giêng năm Nhâm Thân (1692). Bà là người công dung ngôn hạnh vẹn toàn, sinh được 5 người con trai, 10 người con gái. Bà mất vào ngày 28 tháng 5 năm Bính Ngọ (1726) lúc 35 tuổi, thụy Trang Nhàn thục nhân. Mộ bà sau này được con cháu thiên táng (di dời để chôn) ở trên mỏm núi xứ Kiều Khê, vùng Trúc Lâm Ngũ Khê (gần cạnh con đường lên chùa Huyền Không Sơn Thượng, cách chùa khoảng 1 km). Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là con trai thứ 7 của ông Nguyễn Đăng Đệ, nhưng là con trai thứ 3 của ông với bà Ngô Thị Liên. Trước đó, bà nguyên phối (vợ cả) Nguyễn Thị Luân của ông Nguyễn Đăng Đệ đã sinh được 4 người con trai là Đăng Nhật, Đăng Sồ, Đăng Đạo, Đăng Sề.
2. Nguồn: Phủ biên tạp lục, quyển 5 (chữ Hán), Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.1606, trang 02.
3. Nguồn: Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5 (chữ Hán), Thư viện Gallica - Pháp, trang 15.
4. Nguyễn Đăng Thục, “Nguyễn Cư Trinh với tư tưởng trung đạo”, Việt Nam Khảo cổ tập san số 5, Quốc Vụ khanh Đặc trách văn hóa - Viện Khảo cổ xuất bản, Sài Gòn 1968, tr.39
5. Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh Cb, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo Dục, 2005, tr. 539
6. Phan Hứa Thụy, Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1989, tr.11
7. Nguồn tư liệu dùng để trích dẫn ở đây lấy từ Gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa do Trưởng tộc Nguyễn Đăng Anh lưu trữ, tờ 11a.
8. Nguồn tưliệu dùng để trích dẫn ở đây lấy từ Gia phả Nguyễn Đăng - An Hòa do Trưởng tộc Nguyễn Đăng Anh lưu trữ, tờ 11a.
9. Từ khi ông Nguyễn Đăng Đệ (1669 - 1727) nhờ có công lao đóng góp nhiều mặt cho triều đình Đàng Trong, được chúa Nguyễn đặc ban quốc tính (đổi từ họ Trịnh sang họ Nguyễn của nhà Chúa) thì con cháu tộc này luôn dùng họ Nguyễn 阮và tên đệm là Đăng 登 để tiếp nối dòng chảy gia tộc truyền thống của gia tộc mình cho đến nay. Vậy nên, có thể không cần dùng chữ tên đệm Đăng 登 kèm theo tên húy Nghi 儀.
10. PGS.TS Nguyễn Đăng Na, “Tên húy, tên tự, tên hiệu của cụ Nguyễn Đình Chiểu” trích trong Nguyễn Đăng Na di cảo và hoài niệm, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015, tr.277.
11, 12. PGS.TS Nguyễn Đăng Na, “Tên húy, tên tự…” , Sđd, tr.278
13. Ngô Tất Tố, Kinh Dịch trọn bộ (tái bản), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.130-131.
14. Tân Minh hầulà tước thứ hai (trước đó, lúc sinh tiền ông được ban tước là Nghi Biểu hầu) của Nguyễn Cư Trinh được vua Minh Mạng truy phong vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Cùng với tước này, nhà vua còn ân ban tên thụy của ông là Văn Khác 文恪 (một số công trình viết tên thụy Văn Cách là không đúng), nâng lên hàng Khai quốc công thần và cho tòng tự ở Thái miếu.
* Nhân đây, chúng tôi xin kính cám ơn sự giúp đỡ nhiều mặt của tộc Nguyễn Đăng - An Hòa nói chung, và nhất là tấm thịnh tình, nhiệt huyết của Tộc trưởng Nguyễn Đăng Anh cùng một số anh em, con cháu trong tộc.