Người Huế
Các nhà văn Huế tuổi 80: Còn chan chứa nghiệp văn chương lắm!
09:04 | 27/04/2018

NGÔ MINH

Đến năm 2018 này, nhà văn Huế tuổi U80, trên 80, còn sống cả chục người. Có thể gọi đây là THẾ HỆ VÀNG của Huế, thế hệ trụ cột làm nên diện mạo văn chương Huế từ sau năm 1975.

Các nhà văn Huế tuổi 80: Còn chan chứa nghiệp văn chương lắm!

Gần nửa trong số họ đã được Giải thưởng Nhà nước. Đa phần những nhà văn này là những Tổng biên tập, những người đầu tiên tạo nên Tạp chí Sông Hương danh giá cho đến ngày nay! Mỗi nhà văn Huế tuổi 80 này có thể viết hàng pho sách dày về họ. Đến những ngày xuân này họ vẫn còn chứa chan nghiệp bút đời văn lắm.

Có 3 nhà văn Huế do tuổi già, ốm đau không viết nữa. Đó là nhà văn Hồng Nhu, 85 tuổi (1934) Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Anh là một cây truyện ngắn hàng đầu Việt Nam. Những truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày… đọc đi đọc lại vẫn thích. Mới đây, chị Trâm (vợ) cùng chồng đi uống cà phê. Giữa chừng chị Trâm bảo anh ngồi uống để chị về nhà có tí việc, sẽ trở lại ngay. Không có vợ bên, Hồng Nhu uống xong, lững thửng đi bộ về. Nhưng anh không nhớ đường, đi lạc, vợ con phải tìm mãi mới được. Lẫn thẫn rồi. Nhưng sáng nào anh cũng ra quán báo gần nhà mua tờ Bóng đá, Thể tháo Văn hóa về đọc. Anh ghiền bóng đá, không bỏ sót trận nào trực tiếp trên truyền hình… Nhà văn nằm một chỗ 20 năm nay là Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937), Giải thưởng Nhà nước về VHNT, bị tai biến năm 1998. Vợ chồng Tường - Dạ đã vào ở với con gái tại Sài Gòn từ năm 2012. Sau tập bút ký Lời tạ từ của một dòng sông (2011), anh Tường không viết nữa! Cuối tháng 8/2016 vợ chồng ra Huế định ở chơi đến hết Tết. Mới vài ba ngày đã bị tai biến lại. Hôn mê. May vào kịp Bệnh viện Đại học Huế. Một tháng sau khi đỡ bệnh, Bệnh viện đã cho xe chuyên dùng cùng bác sĩ, y tá áp tải vào Tp. HCM. Nhà thơ Trần Vàng Sao (1942) là tác giả Bài thơ của một người yêu nước mình được người đọc bình chọn là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Trần Vàng Sao không vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối tháng 10/2017, anh bị tai biến, lên viện, nặng quá, bệnh viện trả về, may vẫn tỉnh! Sau Tết Mậu Tuất anh vẫn cười với bạn bè đến thăm!

Ba “ông nhà văn già 81” (1937) sôi động nhất là Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà. Mới cuối tháng 9/2017, Bảo tàng văn hóa Huế đã giới thiệu 2 cuốn sách nóng hổi, dày dặn của Nguyễn Đắc Xuân in rất đẹp. Đó là sách Thiền Lâm - Ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất xứ Đằng Trong (Nxb. Thuận Hóa, 6/2017) và Phủ Dương Xuân thời các Chúa Nguyễn - Tiền thân cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung ở Huế (Nxb. Văn hóa Văn nghệ Tp. HCM). Những cuốn sách nghiên cứu này nằm trong lộ trình “Đi tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung” anh đã dày công nghiên cứu từ hơn 30 năm nay, và dường như anh sắp tới đích!? Nguyễn Đắc Xuân đã có gần 70 đầu sách về triều Nguyễn và Huế xưa. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay anh đã ấn hành 9 đầu sách, trong đó có 2 cuốn rất dày và rất quan trọng: 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân (Nxb. Trẻ, 2009), tự truyện ngàn trang Nguyễn Đắc Xuân - Từ Phú Xuân đến Huế (3 tập, Nxb. Trẻ). Dù mắt anh chỉ còn một phần tư thị lực, đọc sách phải có kính lúp, làm mạng phải nhờ thư ký, nhưng sức nghĩ, sức viết của cây bút già này tuổi trẻ theo không kịp! Đó là chưa kể bao nhiêu bài phản biện xã hội nóng bỏng thường xuyên trên báo, trên mạng!

Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã viết trên 30 đầu sách. Giữa tháng 9/2017, sau cơn tai biến nằm viện, đã đến nhà biếu tôi cuốn tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn (285 tr, Nxb. QĐND, 2017). Anh cho biết anh đang viết tiểu thuyết mới Mỹ nữ Mộng Huyền khoảng 500 trang, đang viết được nửa thì bị tai biến, bây giờ đang viết tiếp cho xong. Dường như nhà văn sinh năm 1937 khai thành 1939 để đi bộ đội, đã qua 8 lần mổ, hiện vẫn đeo cái “bị đại tiện nhân tạo” này bút lực vẫn rất ghê gớm!

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, sau tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường (Nxb. Phụ nữ, 2010) nổi tiếng, đã ra mắt rất nhiều cuốn sách khác như Những người mở đường ngày ấy (2016), Nhà văn và thời cuộc (2013)… Năm 2016 anh bị ngã quỵ suýt “đi họp”. May là chị Rạng (vợ) phát hiện được. Thế mà năm đó anh cho ra mắt cuốn tự sự của đời mình: Số phận không định trước dày gần 600 trang. Nghe nói sách này sắp được tái bản. Vài năm nay, Nguyễn Khắc Phê cùng anh chị em ruột của mình đã biên soạn và xuất bản những cuốn sách về ông bố Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, sách 30 năm tưởng nhớ mẹ về mẹ Đoàn Thị Viên và ông anh nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện. Đó cũng là “chuyện hậu sự” của gia đình mà anh lo toan được!

Nhà văn Bửu Ý (Nguyễn Phước Bửu Ý) dạy tiếng Pháp và dịch giả. Nhưng văn chương ông ai cũng nể. Trước 1975, Bửu Ý là cây bút uy tín được bạn đọc hâm mộ với rất nhiều các bài viết trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn Đàn, Phố Văn... Nhắc đến Bửu Ý người ta nhớ ngay đến cuốn sách nổi tiếng Nhật ký Anne Frank do ông dịch từ tiếng Pháp (Nxb. An Tiêm, 1974). Ngoài ra, Bửu Ý còn dịch nhiều tác phẩm kinh điển của nước ngoài như Truyện con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez, Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry… Cuối năm 2017 (81 tuổi), Bửu Ý ra mắt một lúc 5 tập sách do Công ty Sách Phương Nam ấn hành: Ngày tháng thênh thang, Nước chảy qua cầu, Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài, Tâm tình với Trịnh Công Sơn, Tác giả thế kỷ XX làm bất ngờ nhiều bạn đọc. Thì ra nhà văn già nói rỉ rả từng câu này bút lực còn sung lắm! Anh Bửu Ý không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, có hai tác phẩm gần đây là Vùng sâu (tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 2012) và Bản lĩnh văn hóa (Nxb. Tri thức, 2014). Là hai tác phẩm rất đáng đọc thể hiện phẩm chất của một cây bút tài năng và có bản lĩnh. Mấy năm qua Tô Nhuận Vỹ ít viết. Anh bận bịu với con cháu. Nhờ nhuận bút Dòng sông phẳng lặng (3 tập) tái bản lần thứ 6 năm 2016, anh có tiền mua vé khứ hồi sang Mỹ chăm nuôi con gái Tô Diệu Liên sinh nở tới 4 tháng ròng. Năm nay anh lại bận bịu với con gái Tô Diệu Lan sinh nở. Hàng ngày anh đi cà phê với bạn, không quên rẽ vô chợ Bến Ngự mua thực phẩm về cho vợ thổi cơm cả ngày. Ít viết nhưng việc gì của Hội Nhà văn Việt Nam anh đều được mời tham gia ý kiến, như Hội nghị văn chương mùa thu mời các nhà văn Việt ở Hải ngoại năm rồi. Anh đang ấp ủ tác phẩm cuối đời của mình… Đầu năm 2018 đang đi trên đường, anh bị một người đi xe máy cùng chiều tông mạnh, ngã dập mặt xuống đường, phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. May mà không bị chấn thương sọ não!

Nhà văn Nguyễn Văn Dũng (1941) là một võ sư Karate cao cấp huyền đai đệ thất đẳng. Ông được ghi nhận đã đào tạo được cả chục ngàn môn đồ Suzucho Karatedo tại Việt Nam. Anh đã có 8 cuốn sách dạy về võ Karate. Võ và văn. Anh viết văn muộn, nhưng đến nay đã có 5 tác phẩm: Linh Sơn mây trắng (Nxb. Thuận Hóa, 2006); Đi tìm ngọn núi thiêng (Nxb. Thuận Hóa, 2012); Lời tự tình của một dòng sông (Nxb. Thuận Hóa, 2013); Trò chuyện với môn sinh (Nxb. Thuận Hóa, tập 1/2014, tập 2/2017); Tâm thức núi (Nxb. Thuận Hóa, 2015). Anh đang chuẩn bị cho cuốn sách bút ký mới Đi qua những dòng sông. Nhà văn đã đi khắp thế giới, đã vào rừng Amazon, đi thuyền trên sông Amazon (Brazin). Văn Nguyễn Văn Dũng như con người anh, dịu hiền, chắt lọc và cuộn ngầm như sông Hương. Viết văn hay thế nhưng lúc nào anh cũng bảo: “Với văn chương mình là ngoại đạo” và không vào Hội Nhà văn!

Nguyễn Khoa Điềm (1943), Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Mấy năm qua, ngoài chuyên đọc lại tập hợp in các tuyển thơ chuyên đề của mình, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã sưu tầm, tập hợp, sửa chữa tư liệu bài vở để ra mắt 3 bộ sách về bố mình, nhà văn Hải Triều - tác phẩm (1987); Hải Triều toàn tập (2 tập) (1996) và về bà nội Tuyển tập Đạm Phương Nữ sử (Nxb. Hội Nhà văn, 2016). Những công trình đó thể hiện tấm lòng của một người con, người cháu hiếu thảo! Anh Điềm vừa trải qua một tai nạn nguy hiểm. Đầu năm 2017, anh bắc ghế đóng đinh trên tường nhà cao, bị ngã rơi xuống sàn nhà, chấn thương sọ não, phải mổ! Lúc đó, chị Lợi (vợ) và các con đều ở Hà Nội. Anh nằm Bệnh viện Quốc tế Huế cả tháng trời. Các bác sĩ Huế đã tập trung chăm sóc cho nhà thơ. Thật may là anh đã qua khỏi, đã nói chuyện và đi lại được. Anh nhiệt tình tham dự các cuộc hội thảo, tọa đàm để gặp anh em! Sau khi “hết quan hoàn dân” anh có tập thơ Cõi lặng (2007). Giờ anh vẫn làm thơ đều đặn. Vẫn “một mình một xe đạp, gió gọi anh đi…”.

Chỉ dăm ba năm nữa, thế hệ này có còn đông đủ? Ôi! 80, 85 cả rồi. Bài viết này mong như bức ảnh chung về các anh, THẾ HỆ VÀNG của Huế!

N.M  
(SHSDB28/03-2018)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng