Người Huế
Tiến sĩ Trần Đạo Tiềm - vị văn thần lỗi lạc
09:30 | 30/08/2018

ĐỖ MINH ĐIỀN

Sơ lược quê hương và gia thế Quảng Xuyên Trần Đạo Tiềm
Tiến sĩ Trần Đạo công, húy Tiềm 潛, hiệu là Quảng Xuyên 廣川, sinh ngày 07 tháng 10 năm 1859, nguyên quán làng Đông Lâm 東林 社, tổng Phước Yên 福煙 總, huyện Quảng Điền 廣田 縣 (nay là xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tiến sĩ Trần Đạo Tiềm - vị văn thần lỗi lạc
Phần mộ của Tiến sĩ Trần Đạo Tiềm ở làng Đông Lâm (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền)

Trong sách “Lô Giang tiểu sử”, cụ Nguyễn Văn Mại cho biết ông sinh năm Canh Thân [1860], tuy nhiên Gia phả  họ Trần ở Đông Lâm và văn bia Văn Miếu Huế đều xác nhận cụ sinh vào năm Kỷ Mùi [1859].

Trần công, là một trong những tộc họ hiện diện từ rất sớm trên dải đất Đông Lâm. Cũng như nhiều làng quê khác ở phía Nam dãy Đèo Ngang, sự hình thành làng xã ở Đông Lâm là kết quả của tiến trình di dân, tụ cư lập nghiệp, mở đất về phương Nam. Theo ghi nhận của Dương Văn An, vào những năm đầu nửa sau thế kỷ XVI, Đông Lâm là một trong 59 xã thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong1. Từ vùng đất đứng chân buổi ban đầu, họ Trần công liên tục khai phá đất đai, mở rộng cương vực và không ngừng gia tăng đinh số. Về sau Trần công biệt xuất thành hai phái, gồm Trần Đạo 陳道 (Đệ nhất phái) và Trần Công 陳公 (Đệ nhị phái).

Gia phổ họ Trần Đạo cho biết ngài khởi tổ là ông Trần quý công, nguyên là Khai canh xứ Trụ Lũy (ngày nay thuộc về làng Thanh Cần). Tổ đời thứ 6 là ông Trần Công Chiêu 陳公昭, sanh hạ 4 người con: Trần Thị Nước, Trần Chí Chánh, Trần Thị Thiềm và Trần Chí Bình. Thân sinh cụ Tiềm chính là ông Trần Chí Chánh陳志正 và bà chánh thất Hồ Thị Cửu 胡氏玖 (bà quê ở Cao Xá, Quảng Vinh, Quảng Điền). Hai ông bà sanh hạ cả thảy gồm 7 người con (5 gái, 2 trai), cụ Tiềm là con thứ 5 trong gia đình và thuộc đời thứ 8 phái Trần Đạo.

Xuất thân trong gia cảnh bần hàn, nhưng từ nhỏ cụ rất ham học, chuyên tâm theo nghiệp bút nghiên. Tác giả sách Lô Giang tiểu sử ghi chép khá kỹ về gia thế Trần Đạo Tiềm: “Ông vốn nhà nghèo, chăm học. Thân phụ lúc ấy làm thuộc nha bát phẩm. Thân mẫu là Hồ thị, ăn ở tích thiện. Tục trong làng, hễ lúc nông nhàn thì làm cá ở sông là sinh kế. Bà mẹ thì kiêng sát sanh nên không theo tục ấy, chỉ khuyên con chăm học. Ông lúc nhỏ đã thông minh, đọc sách một lần đã nhớ, làm văn thường không nghĩ lâu, hễ đặt bút xuống là văn như nước chảy2.

Lận đận trên con đường Khoa cử


Ngày xưa, khoa cử được xem là “chính đồ”, là con đường để lập danh, hiển đạt. Người ta thường nói, “thập niên đăng hỏa, nhất cử thành danh”, riêng cụ Tiềm phải 20 năm mới thực sự tựu thành, rạng rỡ tông môn. Nếu như con đường hoạn lộ của cụ khá hanh thông, thì bước đường khoa cử lại vướng phải gian truân, nhọc nhằn.

Sau một thời gian dài sớm hôm chăm lo đèn sách, “nấu sử sôi kinh”, năm lên 19 tuổi, Trần Đạo Tiềm khăn gói lều chõng tham dự kỳ thi Hương ở trường thi Thừa Thiên. Ân khoa năm Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 [1878] cụ đỗ Cử nhân3. Hai năm sau, ứng thí thi Hội, khoa Canh Thìn [1880] và đỗ Trúng cách, đến kỳ thi Đình, do viết sót chữ đầu bài, phạm lỗi trường quy nên cụ bị truất xuống Cử nhân4. Trong sách “Quốc triều Hương khoa lục”, Cao Xuân Dục cho biết “[Trần Đạo Tiềm] Thi Hội khoa Canh Thìn [1880] trúng cách, vào thi Đình bị truất xuống Cử nhân5.

Sáu năm sau, tháng 04 năm 1885, ông đậu Hội nguyên6, đến ngày 15 tháng 05 năm Ất Dậu vào thi Đình. Tuy nhiên, chưa kịp “Truyền lô” thì xảy ra chính biến Thất thủ Kinh đô (đêm 23/05/1885).

Quốc phá gia vong, bi kịch của cụ Trần Đạo Tiềm cũng chính là nỗi đau vong quốc của hàng triệu người dân Việt bấy giờ. Đọc qua những lời tự thuật của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại mới thấu hiểu hết tâm trạng của tầng lớp sĩ phu chất chứa nỗi đau mất nước, bế tắc trước thời cuộc: “Lúc đó ta vào thi Đình xong, cùng với anh Trần Đạo Tiềm, đến bộ Lễ để chờ kết quả thi, thì thấy trong thành, từ Trấn Bình đài cho đến Lục bộ, hai bên đường đều đào hào, lính các trại đều mang gươm súng sẵn sàng, trước các trại lính đều chất đầy những thùng chứa cột chuối để phòng bị. Hai bên đường từ Trấn Bình đài mà ra chất đầy những đống trái bàng và mù u. Trong thành và ngoài phố, dân gian và quan viên đều lục tục dời vợ con và của cải về quê. Trong thành có lệnh giới nghiêm, người qua đường chỉ nhìn nhau mà không dám nói chi. Anh Trần Đạo Tiềm nói với ta rằng: “Xưa ông Văn Thiên Tường bái tướng, khi thế nước đã nguy vong mà thân gánh nặng 300 năm cơ nghiệp nhà Tống. Chúng ta đăng khoa ngày nay cũng là một sự bất hạnh vậy7.

Năm Thành Thái thứ 1, Trần Đạo Tiềm trở lại Kinh đô dự thi. Khoa Kỷ Sửu [1889] năm đó cụ tiếp tục đậu Tiến sĩ, bấy giờ cụ vừa tròn 31 tuổi. Hiện nay, tấm văn bia Văn Miếu Huế vẫn còn ghi rõ danh tính, quê quán của cụ Trần Đạo Tiềm cùng các vị Tiến sĩ khác đã đỗ trong kỳ thi năm Kỷ Sửu [1889]8.

皇 朝 成 泰 元 年 己 丑 科 進 士 題 名 碑
賜 第 三 甲 同 進 士 出 身, 拾 名.
陳 道 潛 年 庚 己 未, 參 拾 壹 歲. 承 府 廣 田 縣 福 煙 總 東 林 社. 教 授 領 廣 田 縣 訓 導, 舉 人 出 身.

Hoàng triều Thành Thái nguyên niên, Kỷ Sửu khoa Tiến Sĩ đề danh bi. Tứ đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ Xuất Thân, thập danh. Trần Đạo Tiềm, niên canh Kỷ Mùi, tam thập nhất tuế. Thừa Thiên phủ, Quảng Điền huyện. Giáo thụ lãnh Quảng Điền huyện Huấn đạo, Cử nhân xuất thân”.

Bia đề danh Tiến sĩ, khoa thi năm Kỷ Sửu [1889], Thành Thái năm thứ nhất. Ban cho đỗ “Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân”, 10 người. Trần Đạo Tiềm, sinh năm Kỷ Mùi [1859], ba mươi mốt tuổi. [Trần Đạo Tiềm] người xã Đông Lâm, tổng Phước Yên, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Nguyên đỗ Cử nhân, đương chức Giáo thụ, lãnh chức Huấn đạo huyện Quảng Điền.

Hai thập niên quyết chí ghi danh bảng vàng. Không tính khoa thi Hương năm 1878, Trần Đạo Tiềm hai lần tham gia Hội thí, ba lần dự thi Đình và đều đỗ đại khoa. Có thể nói, cụ là một ví dụ điển hình của những nhà Nho lận đận khoa cử.

Gắn bó một đời với sự nghiệp giáo dục

Sau ngày vinh quy bái tổ, ông đảm nhận chức Huấn đạo, kế đó là Tri phủ Hoài Nhơn, rồi sung Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ngày 06 tháng 03 năm 1900, Trần Đạo Tiềm được quan Khâm sứ Trung Kỳ, ông Boulloche, ký quyết định bổ nhiệm nhân viên bổn xứ tại trường Quốc Học theo ngạch/ cấp bậc (Grades) Giáo sư hạng Ba [Professeur de 3e classe]9. Quốc Học là trường được thành lập theo chỉ Dụ của vua Thành Thái và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương vào năm 1896, đây là trường Trung học đầu tiên ở Huế và Trung Kỳ. Xuất thân từ tầng lớp quan lại Nho học, nhưng lại được bổ nhiệm vào giảng dạy ở một trường đào tạo theo lối “Tây học”, phần nào phản ánh được trình độ, sở học của cụ. Có thể nói, Trần Đạo Tiềm là một trong số các vị giảng sư người Việt, thuộc thế hệ đầu tiên đứng trên bục giảng trường Quốc Học Huế.

Kỳ thi Đình vào tháng 03, năm Tân Sửu, Thành Thái 13 [1901], lúc này Trần Đạo Tiềm đang giữ chức Quản giáo trường Quốc Học được sung làm Duyệt quyển. Tháng 03, năm Giáp Thìn [1904] “…thi Hội Cống sĩ, lấy Hiệp biện Đại học sĩ Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh làm Chủ khảo, Thị lang sung biện Các vụ Trần Đạo Tiềm làm Phó chủ khảo.”10. Hai năm sau, nhân dịp vua Thành Thái ngự giá Bắc tuần, chuẩn y lời dụ, lấy Tả Tham tri bộ Hộ Trần Đạo Tiềm sung làm Lưu kinh đại thần, đặc trách “luân phiên ngày đêm thân cấm binh đinh, canh tuần cẩn mật Kinh thành11. Tiếp đó, năm Đinh Mùi, tức Thành Thái 19 [1907], ông được bổ làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội.

Suốt cuộc đời thanh bạch, lấy sự khổ học để lập thân, Trần Đạo Tiềm còn được nhắc nhớ nhiều bởi cái niềm đam mê cổ thư, sách vở. Trước khi đăng khoa hay những tháng ngày dấn thân chốn quan trường, ngoài những lúc bận rộn công vụ, rảnh chút thời giờ ông lại hăng say đọc sách: “Sinh bình đọc sách, tay mắt không rời quyển. Nhớ hồi ông đi thi đậu hương tiến, bày tiệc đãi khách, ta nhơn bận việc nên đến trễ, khi đến thì thân hữu đã ra về, mà chén dĩa bàn ghế còn ngổn ngang. Người nhà lật đật thu xếp. Mình ông nằm ở chái tây xem sách. Ta liền đến tận chỗ ông nằm hỏi xem là sách gì, lấy ra xem thì là sách Thượng Thư, thiên Bàn Canh. Ông ham xem sách như thế12.

Hơn 17 năm làm quan, ông được đánh giá là uyên bác, mẫn tiệp, môn đồ cảm phục, bạn đồng liêu vô cùng kính mến. Dẫu ở cương vị nào đi chăng nữa, cụ cũng cố gắng dốc hết sức lực để mưu cầu hạnh phúc cho bá tánh lê dân. Rất nhiều thế hệ môn sinh dưới sự huấn dưỡng của cụ Tiềm về sau đều hiển đạt, trứ danh một thuở.

Sơ lược hành trạng của Trần Đạo Tiềm, có thể thấy ông trải qua nhiều chức vụ và liên tục thuyên chuyển nhiệm sở: từ Giáo thụ, Huấn đạo, Tri phủ, Tư nghiệp Quốc Tử giám, Quản giáo trường Quốc Học, Thị lang bộ Hộ đến Tham tri bộ Hộ. Nhưng có lẽ, nét nổi bật nhất là các chức vụ mà cụ đảm nhận đều gắn liền với sự nghiệp học hành, khoa cử nước nhà. Chính vì thế sử quan nhà Nguyễn tôn vinh cụ là “văn chương đức hạnh đáng bậc nho sư13.

Đông Lâm hoài ngã sư

Sau ngày vua Thành Thái bị truất phế [1907], buồn chán trước tình cảnh đất nước, ông dâng sớ tâu xin cáo lão hồi hương, nhưng không được chấp thuận. Từ đấy, cụ tìm đến men rượu, ngõ hầu để vơi đi những u uất, đắng cay của thế cuộc. Ngày 16 tháng 08, năm Đinh Mùi [1907], Quảng Xuyên Trần Đạo Tiềm mất khi còn đương chức, hưởng thọ 48 tuổi. Triều đình ân chuẩn truy thụ Thượng thư.

Phần mộ của cụ hiện nay tọa lạc tại khu vực cồn mồ có tên là Mô súng xứ Bàu Ba. Tháng 08 năm 1928, tức gần 21 năm sau ngày cụ mất, những lớp thế hệ học trò chung tay chỉnh trang lại mộ phần, góp tiền mua một ít sở đất để hương hỏa hàng năm, đồng thời dựng bia để ghi nhớ công lao huấn dưỡng của người thầy. Bia Đông Lâm hoài ngã sư được đặt trang trọng trước mộ phần của cụ Tiềm. Bia bằng đá thanh, với hai mặt chữ (hiện nay tấm bia đã bị mờ khá nhiều), tấm bia cao 86cm (riêng đế bia cao 16cm), dày 11cm, rộng 39cm, kiểu dáng bia thuộc dạng vát vai, diềm bia để trơn.

(Nguyên văn)

[前面]
皇 朝 敕 賜 三 甲 禮 部 尚 書 東 林 廣 川 陳 先 生 之 墓
保 大 三 年 戊 辰 秋 捌 月
門 生 […] 嗣 子 道 添 道 泮 等 拜 […]
[後面]
東 林 懷 我 師
尚 書 胡 文 池; 協 揆 阮 科 濱; 扶 寧 男 陳 廷 伯; 協 揆 尊 室 濟; 尚 書 阮 曰 蔥; 侍 講 學 士 鄭 對; 郎 中 阮 有 頡; 參 知 阮 廷 薦; 參 知 阮 科 淡; 鴻 臚 胡 維 藩; 翰 林 侍 講 陳 絳; 秀 才 陳 隆; 待 詔 阮 誥; 檢 籍 阮 荷; 待 詔 陳 致; 八 品 陳 慶; 學 士 黎 卿; 試 生 黃 達; 試 生 胡 行; 學 士 阮 洵; 正 總 阮 康; 試 生 阮 遜; 試 生 胡 琳.

(Tạm dịch)

[Mặt trước bia]
Mộ của Trần tiên sinh, hiệu Quảng Xuyên, người Đông Lâm, Hoàng triều sắc tứ Tam giáp Tiến sĩ, Thượng thư bộ Lễ (Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân).
Tháng 8 mùa thu năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 3 [1928].
Học trò, cùng con trai là Trần Đạo Thiêm, Trần Đạo Phán bái lập.
[Mặt sau bia]
Đông Lâm tưởng nhớ Thầy.
Thượng thư Hồ Văn Trì; Hiệp quỹ14 Nguyễn Khoa Tân, Phù Ninh Nam Trần Đình Bá; Hiệp quỹ Tôn Thất Tế; Thượng thư Nguyễn Viết Thông; Thị giảng Học sĩ Trịnh Đối; Lang trung Nguyễn Hữu Hiệt; Tham tri Nguyễn Đình Tiến; Tham tri Nguyễn Khoa Đạm; Hồng lô Hồ Duy Phiên; Hàn lâm Thị giảng Trần Giáng; Tú tài Trần Long; Đãi chiếu Nguyễn Cáo; Kiểm tịch Nguyễn Hà; Đãi chiếu Trần Trí; Bát phẩm Trần Khánh; Học sĩ Lê Khanh; Thí sinh Hoàng Đạt; Thí sinh Hồ Hành; Học sĩ Nguyễn Tuân; Chánh tổng Nguyễn Khang; Thí sinh Nguyễn Tốn; Thí sinh Hồ Lâm.

Văn bia “Đông Lâm hoài ngã sư” là nguồn tư liệu rất quý, có độ chuẩn xác cao, góp phần khẳng định vị thế và dấu ấn của Quảng Xuyên Trần Đạo Tiềm, vị văn thần lỗi lạc dưới thời Nguyễn, giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh việc cung cấp những thông tin về hành trạng của Trần Đạo Tiềm, nội dung văn bia thể hiện tấm lòng chân thành của những môn sinh đối với người thầy quá cố.

Ngày 19 tháng 07 năm 2013, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Khóa VI, Kỳ họp thứ 6 ra Nghị quyết về việc “Đặt tên đường tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, đợt 1”. Căn cứ vào Nghị quyết số: 03/NQ - HĐND, trong số 25 tên đường được ban hành đợt này, có một con đường gắn liền với tên tuổi của Quảng Xuyên Trần Đạo Tiềm15. Đây chính là sự tri ân sâu sắc của chính quyền đối với những đóng góp to lớn của Trần Đạo Tiềm, người con ưu tú quê hương Quảng Điền, người khai khoa làng Đông Lâm.

Đ.M.Đ
(TCSH354/08-2018)

---------------------
1. Dương Văn An (2001) “Ô châu cận lục”, bản dịch Trần Đại Vinh, Nxb. Thuận Hóa, tr: 59.
2. Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1947) “Lô Giang tiểu sử 蘆江小史·”, viết xong năm 1927, bản dịch  Nguyễn Hy Xước, in Ronéo, Lưu hành nội bộ, tr: 217 - 218.
3. Cao Xuân Dục (2011) “Quốc triều hương khoa lục”, bản dịch Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm,  Nxb. Lao Động, tr: 441.
4. Xin xem thêm: Cao Xuân Dục (2011) “Quốc triều hương khoa lục”, Sđd, tr: 441 . Đinh Văn Niêm  (2014) “Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam”, Nxb. Lao Động, tr: 668.
5. Cao Xuân Dục (2011) “Quốc triều hương khoa lục”, Sđd, tr: 441.  
6. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi (2006) “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 -  1919”, Nxb. Văn Học, tr: 771.
7. Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1947) “Lô Giang tiểu sử 蘆江小史”, Sđd, tr: 35.  
8. Phạm Đức Thành Dũng, Vĩnh Cao, Chủ biên (2000) “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn”,  Nxb. Thuận Hóa, tr: 344 - 347.
9. Nguyên văn Nghị định: Résidence Supérieure RÉPUBLIQUE FRANCAISE en Annam Liberté -  Égalité - Fraternité Cabinet du Résident Supérieur LE RÉSIDENT SUPÉRIEUE EN ANNAM. No 63 OFFICIER DE LA LÉGION D’HONNEUR Vu l’ arrêté du 13 Février 1899; Vu l’ arrêté no 596; du 17 Fesvrier 1900, portant organisation du personnel indigène du Quốc Học ;Vu la budget local de l’ Annam pour l’exercice 1900; Sur la propsition du Directeur du Quốc Học.

ARRÊTE :

Art.1er. - Sont nommés, pour compter du 1er Janvier 1900, dans le personnel indigène du Quốc Học à Hué:
Grades Noms Obervations
Professeur de 3e classe Nguyễn Hữu Mẫn
Trần Đạo Tiềm Professeur de 4e classe Nguyễn Tấn Cương
Professeur de 5e classe Tạ Văn Xuân
Phạm Hữu Nguyên
Professeur auxiliaire du 1er classe Hoàng Hoản
Professeur auxiliaire du 3e classe Hoàng Thông
Nguyễn Khoa Đạm
Đào Đăng Hưng
Phạm Xuân Dưỡng
Phạm Tiến Thịnh

Art.2. - L, Administrateur, Chef de Cabinet et le Directeur du Quốc Học sont chargés, chacun en ce qui le concerne du présent arrêté.
Hué, le 6 Mars 1900
Signé : Boulloche

Xin xem thêm tại: http://quangngai.net, truy cập ngày 20 tháng 07 năm 2018.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012) “Đại Nam thực lục, Chính biên đệ lục kỷ phụ biên”, bản dịch  Cao Tự Thanh, Nxb. Văn Hóa - Văn Nghệ, tr: 453.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012) “Đại Nam thực lục, Chính biên đệ lục kỷ phụ biên”, Sđd, tr: 496.  
12. Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1947) “Lô Giang tiểu sử 蘆江小史”, Sđd, tr: 218.  
13. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012) “Đại Nam thực lục, Chính biên đệ lục kỷ phụ biên”, Sđd, tr:  536.
14. Hiệp quỹ 協揆: Dưới thời nhà Thanh là từ dùng để gọi thay thế cho vị Tể tướng hay Thượng thư  có chức Hiệp biện Đại Học sĩ 協辨大學士, chỉ những mệnh quan hiệp trợ bách quỹ “協助百揆” (toan lường trăm việc), tức là chỉ vị Đại học sĩ 大学士 quản lý mọi việc thuộc về chính sự. Tác giả Lương Chương Cự 梁章鉅 đời Thanh trong sách Xưng vị lục 称谓录, phần giải thích về Nội các Đại Học sĩ 内阁大学士 có câu rằng: “Án kim dĩ Đại học sĩ Hiệp biện vi cổ chi Tham tri Chính sự. Cố hữu xưng Tham tri giả, hữu xưng Hiệp quỹ giả” 案今以大學士協辨為古之参知政事. 故有称参知者, 有称协揆者(Nghĩa là: xét, nay (đời Thanh) dùng chức Hiệp biện Đại Học sĩ chính là chức Tham tri Chính sự thời xưa. Cho nên xưng quan Tham tri, xưng quan Hiệp quỹ).
15. Đường Trần Đạo Tiềm quy hoạch với tổng chiều dài là 800m, được đổ bê tông nhựa, khởi đầu  từ trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến Trường cấp 2 -3 Quảng Điền cũ.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng