Người Huế
Thích Nữ Diệu Không - Một kỳ nữ của Việt Nam trong thế kỷ XX
15:16 | 18/12/2020


VŨ TRUNG KIÊN

Thích Nữ Diệu Không - Một kỳ nữ của Việt Nam trong thế kỷ XX
Chân dung sư bà Diệu Không - Ảnh: internet
Sư bà Diệu Không lúc còn trẻ - quận chúa Hồ Thị Hạnh - Ảnh: phatgiao.org.vn

1. Từ quận chúa lá ngọc cành vàng đến thiền môn

Sư Bà Diệu Không, thế danh Hồ Thị Hạnh, sinh năm 1905 trong một gia đình danh gia vọng tộc có cha là Đông các Đại học sĩ, Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung và cụ bà Châu Thị Ngọc Lương. Cụ Hồ Đắc Trung là Thượng thư Bộ Học, Bộ Lễ suốt các triều Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, sau sung Cơ mật đại thần. Thân phụ Sư Bà là nhạc phụ vua Khải Định, xét về thế thứ gia phong, cụ Hồ Đắc Trung là “ông ngoại” vua Bảo Đại.

Sư Bà Diệu Không là con gái út, khi bà lớn lên, các anh chị em Sư Bà đã là những người thành danh, giữ những trọng trách lớn: Anh cả Hồ Đắc Khải (Tổng đốc Bình Phú tức Bình Định và Phú Yên, Thượng thư Bộ Công thời Bảo Đại, con rể Tổng đốc Thanh Hóa Tôn Thất Niên, anh rể Giáo sư Tôn Thất Tùng); Hồ Đắc Điềm (con rể Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Sau này cụ Hồ Đắc Điềm là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội); bác sĩ Hồ Đắc Di (bác sĩ người Việt nổi tiếng, nhạc phụ nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan); quận chúa Hồ Thị Huyên, sau này là Sư bà Diệu Huệ, phu nhân hoàng thân Ưng Úy (Tổng đốc Thanh Hóa, Thượng thư Bộ Lễ, thành viên Tôn Nhơn phủ, chú họ vua Khải Định); Hồ Thị Phương (con dâu Phó bảng Lê Trinh, Thượng thư Bộ Lễ triều Thành Thái và Duy Tân), Ân phi Hồ Thị Chỉ (vợ vua Khải Định) v.v.

Rất khó để lý giải về một quận chúa “lá ngọc, cành vàng” ở trong phú quý mà không vướng vinh hoa, lại sẵn sàng từ bỏ để nguyện “lăn lóc cõi ta bà”. Điều đó có thể khó lý giải với mọi người nhưng có lẽ đối với bà không khó, đó chính là “gạy mái thuyền từ phải quyết sang”. Tác giả Nguyễn Khắc Phê trong một bài viết về bà có đoạn: “Phải, thật đáng để suy ngẫm khi một tiểu thư sinh ra trong nhung lụa, xuất thân từ dòng dõi “thế gia vọng tộc”, lại khước từ cuộc sống êm ấm giàu sang, dấn thân vào những hoạt động xã hội, ủng hộ những người cách mạng, rồi chọn con đường xuất gia tu hành1”. Có lẽ những ấn tượng đầu tiên để bà có cái nhìn và quyết chí ủng hộ những người cách mạng là khi còn nhỏ, bà đã chứng kiến nỗi trăn trở, đau khổ của phụ thân khi phải loay hoay như thế nào để tìm cách giảm nhẹ tội cho các nhà cách mạng Thái Phiên, Trần Cao Vân v.v. Sư Bà cũng là người lúc thiếu thời gần gũi, thân thiết với vua Duy Tân, chắc chắn Sư Bà cũng từng chứng kiến kết cục đau khổ của nhà vua (anh rể hụt) khi khởi nghĩa thất bại… Vậy nên, khi bà Đạm Phương (thân mẫu nhà cách mạng Hải Triều) thành lập “Hội nữ công”, quận chúa Hồ Thị Hạnh đã xông xáo ra Bắc vào Nam gây quỹ từ thiện để hội hoạt động và ủng hộ những người cách mạng.

Năm 1930, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, nhiều chí sĩ yêu nước bị tử hình, chặt đầu, phơi thây… Trước cảnh tang thương ấy, quận chúa Hồ Thị Hạnh, với danh nghĩa là người của Hội cứu tế Lạc Thiện (một tổ chức do bà thành lập dưới sự ủng hộ ngầm của thân phụ, quy tụ rất nhiều người quyền cao chức trọng tham gia) đã ra Nghệ An tìm cách giúp đỡ các gia đình, chôn cất những người bị tử hình, giúp đỡ các trẻ mồ côi. Khi trở về, cảm xúc dâng trào, bà đã làm bài thơ “Thấy cảnh tang thương”:

Thấy cảnh này ai chẳng đoạn trường
Đau lòng khó tỏ mối tình thương
Lam giang sóng cuộn trăm dòng lệ
Hồng lĩnh tro vùi những nắm xương
Khắc khoải luống thương người chí sỹ
Ngậm ngùi thêm tủi khách tha phương
Ấy ai tri kỷ cùng non nước!
Gỡ bớt cho nhau mối đoạn trường.

Khi ngoài 20 tuổi, song thân mong muốn bà yên bề gia thất. Trong Hồi ký Đường thiền sen nở, Sư Bà cho biết năm ấy, bà cùng thân phụ mình đi Cao miên (nay là Campuchia) dự lễ Trà Tỳ của vua Camphuchia vừa mất. Ở Campuchia, có một ông hoàng cảm mến bà và muốn được kết bạn trăm năm. Khi về nhà, thân phụ bà cho biết ông hoàng ấy muốn qua Việt Nam gặp bà. Bà đã thưa với thân phụ: “Thầy nên từ chối ngay đi, gia đình đã làm khổ chị con, thôi đừng làm khổ con nữa (khi ấy chị ruột bà đang là Ân phi của vua Khải Định - NV). Vả lại nếu con đi xa, Thầy và Mẹ con sẽ sống với ai? Còn chị con nữa đang bất mãn, lấy ai để tâm sự? Cụ tôi thở dài, im lặng, không nói gì nữa2”. Do sự thúc bách của gia đình và để làm tròn chữ hiếu với song thân, năm 1928, quận chúa Hồ Thị Hạnh thông báo với gia đình sẽ lấy chồng. Người mà bà thông báo sẽ lấy làm chồng là một Tham tá, cụ Cao Xuân Xang, con trai Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục. Nguyên ông Cao Xuân Xang, vợ mất, để lại 5 người con thơ, người con lớn nhất mới lên 10, nhỏ nhất mới 3 tuổi, bản thân ông bị ho lao ở giai đoạn cuối cùng, ho lao khi ấy là “tử thần đã gọi tên”. Sở dĩ bà phát nguyện kết duyên cùng cụ Cao Xuân Xang là để nuôi đàn con 5 người của ông vừa mất mẹ. Đám cưới ấy đã trở “một đám tang”. Trong Hồi ký Đường thiền sen nở, Sư Bà cho biết: “Ngày chú rể lên lạy hai cụ, cả nhà hai họ đều khóc. Khi các con ra lạy ông bà ngoại và cha mẹ họ hàng đều khóc như là đám ma3”.

Sau này ở Pháp, khi nghe tin Sư Bà mất, Giáo sư Cao Huy Thuần hồi tưởng: “Tôi đã thấy một Bồ tát như vậy rành rành trước mắt: Bồ tát Quảng Đức. Và tôi thấy cuộc đời rất đẹp khi tôi nghĩ rằng tôi đang có nhiều Bồ tát chung quanh tôi mà tôi không hay. Bởi vậy, khi nghe Sư Bà mất, tôi muốn có mẹ tôi bên cạnh để hỏi mẹ tôi: Chẳng lẽ có một gia đình đã được một Bồ tát ghé mắt, mượn thân xác một người mẹ để vuông tròn năm con?4”.

Sư Bà đã làm bài thơ “Đám cưới” để nhớ về kỷ niệm này:

Đám cưới hay là một đám tang?
Cả nhà, lớn, nhỏ, thảy đều than
Chồng chung, bệnh hoạn tình phai lạt
Vợ kế, kề vai gánh đoạn tràng
Kẻ nói là ngu, người nói dại
Người cho là dở, kẻ cho gan!
Biết chăng chỉ có người trong cuộc
Gạy mái thuyền từ phải quyết sang.

Chỉ mười một tháng sau ngày cưới thì ông qua đời. Bà đã lo chu toàn cho ông, từ đây duyên trần nhẹ gánh, bà vừa nuôi đàn con côi, vừa làm Phật sự để rồi sau đó, sắp xếp gửi gắm các con để hoàn toàn lo cho Phật sự.

Năm 1932 (27 tuổi) Sư được Hòa thượng Giác Tiên trụ trì Tổ đình Trúc Lâm truyền thập giới làm Sa di ni với pháp tự Diệu Không, nhưng vẫn đễ tóc để làm Phật sự. 12 năm sau, mùa thu năm Giáp Thân (1944), Sư được thọ tam đàn cụ túc tại đại giới đàn Thuyền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên làm đàn đầu.

2. Sư Bà Diệu Không với những đóng góp lớn lao cho Phật giáo Việt Nam

Trong cuộc đời 93 năm tuổi đời với 53 năm hoằng dương Chánh pháp, cứu độ chúng sinh (không kể những năm trước đó), Sư Bà Diệu Không đã có những đóng góp lớn lao. Kỷ yếu tang lễ Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không cho biết: Sau khi thọ giới Sa di ni, Sư bán tư trang và vay mượn thêm để xây cất Ni viện đầu tiên cho nữ giới có chỗ tu học, đó là Ni viện Diệu Đức. Sư còn góp phần sáng lập và trùng tu nhiều chùa Ni và tịnh viện khác tại Thừa Thiên Huế như Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa; Bảo Thắng - Hội An, Bảo Quang - Đà Nẵng, Tịnh Nghiệm - Quảng Ngãi, Ni viện Diệu Quang - Nha Trang. Tại miền Nam, Sư là người góp công thành lập Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc, Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp tại Hố Nai, Long Thành. Sư còn góp công rất nhiều trong việc xây dựng viện đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại Học Vạn Hạnh, cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Nhất Hạnh và cư sĩ Ngô Trọng Anh… là những vị khai sáng đầu tiên. Ngoài ra, cơ sở Kiều Đàm tại đường Công Lý (ngày nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cũng do Sư cổ động xây cất. Ngoài các cơ sở văn hóa và chùa, Sư còn góp công đắc lực khai sáng cô nhi viện Tây Lộc Huế và các cô, ký nhi viện trên khắp thành thị thôn quê miền Trung từ 1964 trở đi. Năm 1952, Sư góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa để in kinh sách Phật giáo và nguyệt san Liên Hoa, do Hòa thượng Đôn Hậu làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Tâm làm Chủ bút, Sư làm Quản lý và Biên tập viên, là tờ báo Phật giáo tồn tại lâu nhất tại miền Trung. Ngoài công tác hội trì chánh pháp và làm từ thiện xã hội, Sư còn dịch thuật trước tác và cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa… Các bộ kinh luận quan trọng do Sư dịch gồm có Thành duy thức luận, Du già Sư địa luận, Lăng già Tâm ấn, Di lặc hạ sinh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải (của Long Thụ Bồ Tát), Hiện thật luận (của Thái Hư đại sư) v.v.

Ngoài ra, Sư còn sáng tác rất nhiều tập thơ văn khuyến tu và giáo dục phụ nữ, như câu chuyện đạo lý, v.v. Mặc dù Phật sự đa đoan, Sư luôn luôn học hỏi, tham cứu kinh sách Đại Tiểu thừa, và thường nhập thất tham thiền tại chùa Khải Ân, núi Châu Ê. Tuy mang thân nữ, Sư gần như không có thói nhi nữ thường tình mà Phật thường thống trách. Nguyện của Sư là đời đời mang thân nữ để độ cho nữ giới và không cầu sinh Tịnh độ: “Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp, con xin lăn lóc cõi Ta Bà”5 v.v.

Trong pháp nạn Phật giáo năm 1963, Sư Bà đã thể hiện dũng của người tu, thể hiện cao nhất tinh thần vô úy của Phật giáo: đấu tranh chống lại cường quyền và bạo ngược. Sư Bà đã chính thức gửi đơn đề đạt nguyện vọng tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và lên đường vào Nam cùng chị ruột mình là bà Ưng Úy (Sư bà Diệu Huệ), cha của nhà bác học Bửu Hội (thành viên đoàn đàm phán của Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946). Tuy nhiên, sau đó Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã gọi bà vào dạy rằng: “Bà không được chết, đã có ngài Quảng Đức đảm nhiệm6”.

Đích thân Sư Bà đã đi gặp ngài Thích Quảng Đức để xin được như nguyện. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã dạy rằng: “Chư tăng đã định rồi, không cãi lại được7”. Sau khi Sư Bà năn nỉ lần nữa, ngài Thích Quảng Đức đã quở và dạy rằng: “Ni phải y tăng, sao con lại cãi lời… Để thày thực hiện trước, khỏi nhục thể cho tăng già, chư tăng đã định con phải sống để phụng sự đạo. Con nên rõ năm phút tự thiêu tuy khó mà dễ, còn duy trì Phật giáo tương lai, ngàn năm mới là khó làm. Con nên ráng sống cho đạo, còn Thầy nay đã 72 tuổi rồi, hy sinh là phải hơn8”.

Khi cuộc đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên khốc liệt, Sư Bà và chị ruột (Sư bà Diệu Huệ) đã tổ chức họp báo tuyên bố sẵn sàng từ bỏ cháu ruột, con ruột là Bửu Hội khi đó là Đại sứ lưu động của chế độ Ngô Đình Diệm tại một số nước vì Bửu Hội ủng hộ Chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Trong một lần trả lời phái đoàn Liên Hợp quốc tại chùa Xá Lợi có cả thân mẫu ông Bửu Hội, khi phái đoàn hỏi có phải ông Bửu Hội nói Phật giáo bắt buộc người tự thiêu để tranh đấu, Sư Bà đã trả lời: “Chúng tôi tự nguyện có giấy hẳn hoi, chứ không ai bắt buộc!9” Khi được hỏi vì sao các bà tự nguyện tự thiêu để tranh đấu, Sư Bà trả lời: “Vì sống dưới chế độ bất công, thiên vị nên chúng tôi muốn cúng dường thân này để kêu gọi lẽ phải của loài người trở lại với lương tri, đừng dùng thế lực mạnh mà đàn áp kẻ yếu10”. Đặc biệt, các bà đã sẵn sàng từ bỏ con, cháu nếu ủng hộ Chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Khi trả lời câu hỏi nếu ông Bửu Hội đứng về phe ông Diệm, các bà nghĩ sao? Sư Bà đã nhất quyết trả lời: “Thì chúng tôi sẽ từ nó, không nhận nó là con, là cháu trong gia đình chúng tôi nữa vì gia đình chúng tôi đều là Phật tử cả11”.

3. Hương thơm còn mãi với thời gian

Giáo sư Triết học Thái Kim Lan đã hồi tưởng lại một kỷ niệm: “Một lần trong thời Pháp nạn, chúng tôi ngồi tuyệt thực giữa sân chùa trong cơn nóng rát lưng tháng 5 ở Huế. Nóng, khát làm tê dại châu thân. Lại thêm mặt trời buổi trưa chói lói đến phải nhắm nghiền mắt, hào hễn thở, gục mặt trong nón lá, cơ hồ ngất lịm. Bỗng có ai sờ lưng với cái vuốt êm mát của một bàn tay thật dịu dàng, tôi nhìn lên, thấy một cái nón rộng vành hầu như che hết cả thân mình, sau giải nón màu lam, có một nét cười mỉm, rất hiền, một tay đưa cho tôi bát nước trong. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp, sau này mới biết vị Sư ấy là Sư Bà Diệu Không. Trước đó, tôi chưa lên chùa thường xuyên nên chẳng biết rõ ai là ai. Chỉ biết từ lúc cái nhìn ngước lên, có hiện hữu “một người”, mà “một người ấy” xuất hiện vô cùng nhẹ nhàng, như một cái bóng phất phơ12”. Đó là hình ảnh của Sư Bà Diệu Không giữa những ngày khổ nạn của Phật giáo.

Giáo sư Cao Huy Thuần trong bài viết “Sư Bà” đã viết: “Mỗi lần tôi về Huế, nếu vì bận việc này việc nọ mà chưa lên chùa, mẹ tôi lại giục: “Con đã lên thăm Sư Bà chưa?” Ở Huế, không phải chỉ một mình Sư Bà là sư bà. Thế nhưng, đối với mẹ tôi, đối với tôi, đối với bao nhiêu người nữa, Sư Bà thì không có ai khác13”.

Năm 1978 sau một cơn bệnh Sư đã tắt thở, được chư Tăng vây quanh tiếp dẫn. Nhưng khi thời kinh hộ niệm chấm dứt, khi một sư cô khóc thét lên, Sư Bà giật mình tỉnh dậy vì bi nguyện độ sinh. Kể từ tiếng khóc thét lên của một sư cô, Sư Bà đã tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Phật sự ở trần gian thêm 19 năm nữa. Cũng kể từ đấy, Sư thường dạy: “Khi đã thấy cảnh Tịnh độ rồi thì tôi xem cảnh đời này toàn là giả14”. Những năm vào tuổi 80, sức khỏe Sư Bà đã giảm sút nhiều, nhưng Sư Bà vẫn cố gắng dịch xong bộ Đại trí độ luận 10 tập, mỗi tập 10 quyển.

Cách 2 tháng trước khi qua đời, Sư Bà còn phát tâm cúng dường cơ sở Hồng Đức cho Giáo hội để sử dụng trong việc đào tạo Tăng tài. Thế rồi, theo quy luật muôn đời của tự nhiên, ở tuổi 93, với 53 năm hạ lạp, trái tim từ bi của Sư Bà đã ngừng đập vào lúc 2 giờ khuya ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu tức 23 tháng 9 năm 1997. Sư Bà đã đi trọn một hành trình đến đích với những đóng góp lớn lao cho đạo, cho đời. Giáo sư Cao Huy Thuần đã viết: “Tôi đọc đâu đó trong kinh sách về Bồ tát: Bồ tát sống giữa đời, như mọi người, như người đời, chỉ khi nào đi mất, mọi người mới ngẩn ngơ, thì ra mình đã sống bên cạnh Bồ tát mà không hay (…). Cũng vậy, có lẽ khi Sư Bà rời khỏi Hồng Ân rồi, các sư cô mới bảo nhau: ơ kìa, mình vừa ở với ai như với một Bồ tát. Nay mai tôi về thăm lại Hồng Ân, con nhạn đã bay qua rồi, không còn để lại vết gì trên trời nữa, cho nên tôi biết có con nhạn vừa bay qua. Chính vì Bồ tát đã đi rồi, cho nên mới có Bồ tát15”.

Kết luận: Cả một đời Sư Bà, xuất thân quyền quý, nguyện lăn lóc ở cõi Ta Bà, “học nhiều mà không sở tri chướng, làm thơ mà không là thi sĩ, viết lách mà không là văn nhân, nghiên cứu mà không là học giả, giúp đời mà không là chuyên gia xã hội… Thuyết pháp mà không là pháp sư; tọa thiền mà không là thiền sư, xây dựng nhiều chùa mà không trụ trì một ngôi nào cả, giữ giới mà không câu nệ, độ người mà không vướng mắc đệ tử. Ở cảnh động không mất thiền, cảnh tịnh không bỏ rơi chúng sinh. Cuộc đời hành đạo của Sư thật đa dạng mà không lưu dấu vết, vì cõi lòng Sư như hư không…16”.

Cuộc đời Sư Bà đúng như pháp tự Diệu Không, một pháp tự mà Sư Bà đã tóm lược:

Muôn pháp không ngoài lý “Diệu - Không”
“Không” mà phải “Diệu” mới dung thông
Cái tâm vô trú là tâm “Diệu”
“Diệu” khắp muôn phương thấy thể đồng.

V.T.K
(SHSDB38/09-2020)

 

----------------
1. Nguyễn Khắc Phê, “Từ Quận chúa Hồ Thị Hạnh đến Sư bà Diệu Không”, in trong sách Tài danh và số phận, Nxb. Công an Nhân dân, 2012, tr. 43 – 44.
2. Lê Ngân, Hồ Đắc Hoài (biên soạn), Đường thiền sen nở, Nxb. Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 70.
3. Sđd, tr. 75
4. Cao Huy Thuần, “Sư Bà”, in trong cuốn Nắng và Hoa, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 14-15.
5. Xem: Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế, Kỷ yếu tang lễ Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 1999, https://www.tuvienquangduc.com
6. Sđd, tr. 99
7. Sđd, tr. 99
8 Sđd,, tr. 99
9. Sđd, tr. 102
10. Sđd, tr. 103
11. Sđd, tr. 103
12. Trần Nguyễn Anh “Giáo sư Triết học Thái Kim Lan: Sống cởi mở giữa vườn tượng Phật”, báo Tiền phong online ngày 08/11/2015.
13. Cao Huy Thuần, “Sư Bà”, in trong cuốn Nắng và Hoa, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 14.
14. Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế, Kỷ yếu tang lễ Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 1999.
15. Cao Huy Thuần, “Sư Bà”, in trong cuốn Nắng và Hoa, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 14.
16. Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế, Kỷ yếu tang lễ Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 1999.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng