Người Huế
Nhà báo cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn
14:08 | 17/06/2021

DƯƠNG PHƯỚC THU 

Tháng 5 năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định lấy tên Nhà báo - Nhà lý luận báo chí cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn để đặt tên cho Giải Báo chí của tỉnh. Mùa giải năm 2021 là năm thứ hai thực hiện quyết định này. Để bạn đọc có điều kiện hiểu sâu thêm về cuộc đời hoạt động báo chí và cách mạng của Hải Triều, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Sông Hương trân trọng giới thiệu bài viết về Nhà báo Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.

Nhà báo cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn
Trao Giải Báo chí Hải Triều lần thứ I

Hải Triều, tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1/10/1908 (theo gia phả họ Nguyễn Khoa thì ông sinh ngày 1 tháng 6 năm Bính Ngọ, nhằm ngày 21/7/1906) tại làng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên trong một gia đình trí thức. Hải Triều là hậu duệ của Tham tri Chánh đoán sự Nguyễn Khoa Chiêm, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, vốn gốc người Trạm Bạc, trấn Hải Dương. Ông nội Nguyễn Khoa Văn từng làm quan đến chức Bố chánh tỉnh Thanh Hóa, theo phong trào Cần Vương, treo ấn từ quan về nhà, có lúc bị bắt vì chống Pháp, rồi xuất gia tu Phật, lập ra chùa Ba La Mật ở làng Tây Thượng, huyện Phú Vang. Thân sinh Nguyễn Khoa Văn là một nhà nho có tinh thần yêu nước, từng được bầu vào Viện Dân biểu Trung Kỳ giai đoạn cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Viện trưởng. Đây là một liên danh tiến bộ lần đầu tiên được bầu vào Viện Dân biểu. Sau đó, vì sự o ép của thực dân Pháp, cụ Huỳnh và một số dân biểu đã từ chức. Mẹ Nguyễn Khoa Văn là bà Công Nữ Đồng Canh, hiệu Đạm Phương nữ sử, một người con của hoàng tộc nhà Nguyễn có tinh thần yêu nước, tiến bộ, là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo bênh vực cho quyền lợi phụ nữ và nhi đồng lúc bấy giờ. Nguyễn Khoa Văn còn có một người anh là Nguyễn Khoa Tú làm thầy dạy học vì có chân trong “Hội Cứu tế đỏ” bị Pháp bắt và đánh chết năm 1931 tại Sài Gòn và một người em trai là Nguyễn Khoa Châu (tức Hải Châu) hy sinh ở Hà Tĩnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hồi còn nhỏ Nguyễn Khoa Văn đã tỏ ra là một người học trò thống minh lanh lợi. Năm 1923, Nguyễn Khoa Văn vào học ở Trường Quốc Học Huế. Năm 1925 một biến cố trong lịch sử cách mạng nước ta đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời Nguyễn Khoa Văn: Cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt đưa về nước. Phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu sôi nổi khắp nước ta. Nguyễn Khoa Văn đã tham gia phong trào đó rất hăng hái bằng cách vận động học sinh Trường Quốc Học Huế đánh điện cho Toàn quyền Va-ren (Varenne) đòi thả cụ Phan Bội Châu. Thời gian này ông thường đến nhà cụ Phan, đang bị Pháp giam lỏng trên dốc Bến Ngự, để nghe cụ diễn thuyết. Tiếp đó cụ Phan Châu Trinh mất, Nguyễn Khoa Văn vận động học sinh tham gia phong trào truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927, phong trào bãi khóa sôi nổi trong các trường ở Huế. Ông là một trong những người tổ chức và lãnh đạo phong trào đó. Sau cuộc bãi khóa này Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Chí Diểu… bị đuổi khỏi trường. Cũng trong năm đó, ông được thầy giáo là cụ Võ Liêm Sơn giới thiệu vào Đảng Tân Việt và trở thành một cán bộ cấp tỉnh của đảng này. Năm 1928, ông vào Sài Gòn để hoạt động cho Tân Việt, được giao phụ trách các lớp huấn luyện mở cho anh em công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Ở đây ông có cơ hội được đọc nhiều sách của Mác, Ăng-ghen, Lênin. Ông bắt đầu dịch một phần cuốn Tư bản của Mác và viết một số bài nói về chủ nghĩa tư bản trên báo Kỳ Lân Cờ Đỏ với bút danh Xích Nam Tử (Chàng trai đỏ).

Nhà báo Hải Triều và văn nghệ sỹ Khu IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp (nhà báo Hải Triều ngồi đầu tiên, bên phải)


Năm 1929, Đảng Tân Việt bị vỡ. Một số người bị bắt, một số người chạy sang Trung Quốc, số còn lại (trong đó có Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Khoa Văn, Ngô Đức Đệ, Lê Tiềm…) họp hội nghị và quyết định cải tổ Tân Việt thành cộng sản. Cuộc hội nghị này đã cử Nguyễn Khoa Văn cùng với Trần Hữu Chương đi dự hội nghị toàn quốc của Đảng Tân Việt, họp trên một con thuyền ở bến Đò Trai, Hà Tĩnh, đã quyết định cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Vì tổ chức không chu đáo cho nên hội nghị bị lộ, Nguyễn Khoa Văn và các đại biểu đều bị bắt. Nhưng vì không đủ chứng cớ để buộc tội, bọn Pháp phải thả các đại biểu ra.

Tháng  6/1930,  Nguyễn  Khoa  Văn được gặp đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở Huế. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc lúc này là Ủy viên  Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy  Trung Kỳ. Thay mặt Đảng, đồng chí Nguyễn Phong  Sắc công nhận Nguyễn Khoa Văn là đảng viên chính  thức  của  Đảng  Cộng  sản  Việt  Nam,  đồng  thời  cử  Nguyễn Khoa Văn tham gia Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Tháng 8/1930, Nguyễn Khoa Văn lại được Đảng  điều vào Sài Gòn, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ  Lớn,  làm  việc  trong  Ban  Tuyên  huấn  Trung  ương  Đảng và thường viết bài cho báo. Nguyễn Khoa Văn  đã từng tham gia Ban Tổ chức các cuộc biểu tình ở  đường  Ha-mơ-lanh  (Hamelin)  và  đường  Véc-đoong  (Verdun)  chống  khủng  bố  trắng  và  ủng  hộ  Xô  Viết  Nghệ Tĩnh. Ngày 3/1/1931, Nguyễn Khoa Văn bị bắt  tại Sài Gòn giam ở trại Ca-ti-nan (Catinat), sau đó  chúng chuyển ông ra Huế. Ngày 3/6/1931, Nguyễn  Khoa Văn bị tòa Nam án Thừa Thiên kết án 9 năm  khổ  sai  và  8  năm  quản  thúc.  Tuy  vậy,  ông  không  phải ở hết thời hạn tù. Tháng 7/1932, anh được trả  lại tự do.

Từ  đây,  Nguyễn  Khoa  Văn  bước  vào  hoạt  động  sôi  nổi  trên  báo  chí  công  khai  trong  các  lĩnh  vực  tư  tưởng, chính trị, văn hóa - nghệ thuật một cách khéo  léo.  Hai  chữ  Hải  Triều (Sóng  biển) ông  ký  dưới  các  bài  báo  được  nhiều  người  biết  đến.  Những  bài  báo  nổi  tiếng  nhất  làm  cho  nhiều  người  chú  ý  đến  Hải  Triều  là  các  bài  tranh  luận  với  Phan  Khôi  về  vấn  đề  “Duy tâm hay duy vật”, các bài tranh luận với Thiếu  Sơn,  Hoài  Thanh…  về  vấn  đề  “Nghệ  thuật  vị  nhân  sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật”. Năm 1933, được  sự  giúp  đỡ  tài  chính  của  người  chị  ruột,  Hải  Triều  thuê được một ngôi nhà ở đường Trần Hưng Đạo gần  cầu Trường Tiền để lập một hiệu sách lấy tên Hương  Giang thư quán, làm nơi tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin thông qua sách báo tiến bộ - và đây cũng là địa  chỉ bí mật của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ.

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, dưới sự lãnh đạo  của Xứ ủy Trung Kỳ, Hải Triều hoạt động công khai  cho Đảng và đã có những thành tích về văn hóa và  lý luận. Hải Triều đã tham gia tích cực các cuộc vận  động Đại hội Đông Dương, đón tiếp Gô-đa, tổ chức  Hội báo chí Trung Kỳ v.v. Năm 1937, Hải Triều làm  chủ bút báo Nhành Lúa và tiếp tục làm cộng tác viên  của các tờ báo Tiếng Dân, Ánh Sáng, Dân, Đời Mới,  Kiến Văn, Tiếng Vang, Hồn Trẻ, Tin Tức, Tin Mới v.v, là các tờ báo cộng sản và cảm tình cộng sản hồi bấy  giờ. Cũng năm 1937, Hải Triều đã viết và xuất bản  các sách như: Trả lời cho André Gide, Văn sĩ và xã  hội. Năm 1938, Hải Triều cho ra cuốn Chủ nghĩa Mác  phổ thông…

Bọn  thống  trị  Pháp cho  rằng  những  hoạt  động  của Hải Triều là nguy hiểm đối với nền an ninh của  chúng. Vì thế chúng theo dõi những hoạt động của  Hải Triều.  

Cuối năm 1939, Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ  ra.  Giặc  Pháp  thẳng  tay  khủng  bố  các  cán  bộ  của  Đảng. Tháng 8/1940, Hải Triều bị chúng bắt, đưa đi  an trí tại huyện Phong Điền, cách Huế chừng 40km.  Hải  Triều  bị  an  trí  ở  đây  hơn  4  năm  và  đến  tháng  3/1945, sau cuộc Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, Hải  Triều mới trở về nhà.

Hải  Triều  đã  tham  gia  cuộc  khởi  nghĩa  tháng  8/1945 ở Huế. Khi bắt đầu khởi nghĩa ông đã cùng  một số đồng chí treo lá cờ đỏ sao vàng ở ngay cầu  Trường Tiền. Sau Cách mạng Tháng Tám ông ra Hà  Nội  nhận  công  tác  ở  Bộ  Thông  tin  Tuyên  truyền;  được ít lâu lại trở về Huế đảm nhận nhiệm vụ mới.

Ngày  24/2/1946,  tại  cuộc  bầu  cử  đầu  tiên  của  Hội đồng Nhân dân các cấp, nhà báo Hải Triều đắc  cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Huế - Lúc  này thành phố Huế trực thuộc Trung Bộ.

Các tác phẩm của nhà báo Hải Triều


Ngoài  vai  trò  là  một  nhà  văn,  nhà  lý  luận,  nhà  báo  cách  mạng,  Hải  Triều  còn  Phụ  trách  công  tác  Tuyên huấn của Tỉnh ủy Thừa Thiên từ 1933 - 1935,  Chủ  tịch  Liên  đoàn  Văn  hóa  Cứu  quốc  Thừa  Thiên  (11/1945  -  1946);  Giám  đốc  Sở  Thông  tin  Tuyên  truyền  Trung  Bộ  (11/1945  -  đầu  năm  1946),  sau  chuyển  ra  Nghệ  An,  ông  làm  Giám  đốc  Khu  Tuyên  truyền và Văn nghệ Liên khu 4; Ủy viên Ủy ban Liên  Việt Liên khu 4, Chi hội trưởng Chi hội Mác Liên khu  4, Tổng Thư ký Đoàn Khoa học Kỹ thuật Liên khu 4,  Thường  vụ  Chi  hội  Văn  nghệ  Liên  khu  4,  Ủy  viên  Ban Chấp hành Hội Những người làm báo Việt Nam. Ngoài các chức vụ trên, năm 1948, Hải Triều còn làm Chủ bút (như Tổng Biên tập ngày nay) tờ Thi đua Ái quốc của Liên Khu ủy khu 4, cũng là tờ báo đầu tiên của Ngành thi đua Việt Nam. Năm 1949, ông làm Chủ nhiệm tờ tạp chí lý luận Tìm hiểu, cơ quan của Chi hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV. Với những cương vị công tác trên, Hải Triều đã có những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Khi viết về các bài báo của Hải Triều, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Hồng Chương, một người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về Hải Triều - Nam Xích Tử - Nguyễn Khoa Văn đã nhận xét: “Hải Triều đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin tấn công vào tư tưởng của giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản. Hải Triều đã lợi dụng báo chí hợp pháp dưới chế độ thực dân phong kiến để tuyên truyền cho những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về triết học và về văn học nghệ thuật”1.

Đánh giá về Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, trong bài “Nhớ Hải Triều”, nhà sử học Trần Huy Liệu viết: “Hải Triều đã cống hiến nhiều cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho cách mạng Việt Nam”2.

Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét: “Đồng chí Hải Triều đã làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật”3.

Đánh giá về cuộc tranh luận “Duy vật hay duy tâm” năm 1933 - 1934 và cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” năm 1935 - 1939 mà Hải Triều tham gia và giành thắng lợi “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” viết: “Những cuộc đấu tranh nói trên chỉ thu hẹp trong phạm vi báo chí hợp pháp, nhưng đã có tiếng vang lớn trong tầng lớp học sinh, thanh niên, trí thức tiểu tư sản ở thành thị và một phần nào trong nhân dân ta.

Tất cả những hoạt động đó đã góp phần vào cuộc tổ chức lại lực lượng cách mạng, gây ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng và chuẩn bị đưa phong trào tiến lên bước mới”4

Trước ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ một thời gian ngắn, Hải Triều có chuyến công tác lên Việt Bắc, khi trở về đơn vị (lúc này đóng ở Thanh Hóa) thì ông bị ốm nặng. Sau một thời gian điều trị, do bệnh hiểm nghèo, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13 giờ ngày 6/8/1954, tại Bệnh viện Hà Lũng, tỉnh Thanh Hóa.

Trước lúc về với “thế giới người hiền”, Hải Triều đã gượng viết một bức thư cho nhà thơ Tố Hữu, một chúc thư gửi các đồng chí Văn nghệ và cho riêng mình mấy dòng tỏ lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Ông viết:

“Anh Tố Hữu thân mến!

Tôi về đến Khu 4 thì đau nặng và hôm nay viết chúc thư cho anh đây.

Công tác tuyên truyền trong thời gian này quan trọng quá. Tôi chúc anh thắng lợi. Anh nói với anh Trường Chinh tôi chúc mạnh giỏi và chúc Trung ương Đảng ta thắng lợi trong công tác cách mạng. Tôi còn một hơi thở nhẹ viết cho anh đây. Vấn đề văn nghệ và văn hóa cần tiến mạnh hơn quân thù xa.

Hồ Chủ tịch muôn năm. Trước khi chết nhớ Bác quá…”.  

Với các văn nghệ sĩ, ông viết:

“Các đồng chí văn nghệ. Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Các đồng chí cố gắng lên. Chúc tất cả mạnh giỏi và hôn tất cả”.

                                                  Ký tên
                                                  HẢI TRIỀU

Và cho riêng mình:

“Đời tôi không thắc mắc với đời
Đấu tranh kịch liệt chống đế quốc đi.
Còn đế quốc là còn chiến tranh.
Một công tác kiến thiết cũng là một phát súng vào đầu giặc Mỹ.
Hòa bình muôn năm.
                          Cách mạng thành công”…

Hải Triều là một trong những chiến sĩ tiêu biểu đầu tiên của nền văn hóa mới Việt Nam do Đảng ta xây dựng. Ông đã có những đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa mới đó. Hải Triều là một trong những người đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Mác, tuyên truyền quan điểm của Đảng ta trên báo chí hợp pháp ở nước ta dưới thời thuộc Pháp. Và là một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng bộ Thừa Thiên Huế và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1930 - là nhà văn, nhà báo, nhà lý luận tiên phong trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Hải Triều đã để lại gần 100 tác phẩm (triết học, văn học, báo chí…) đến nay đọc lại vẫn còn cảm nhận tính thời sự của nó.

Hải Triều Nguyễn Khoa Văn đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (1996). Tên thật và bút danh của ông đã được đặt tên đường ở một số thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đông Hà, Huế, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế…

Việc lấy tên Nhà báo Hải triều - Một nhà báo cách mạng xuất sắc đại diện cho các thế hệ làm báo cách mạng ở Thừa Thiên Huế đặt tên cho Giải báo chí của tỉnh cũng là nhằm tôn vinh, đề cao giá trị nhân văn, sự cống hiến của đội ngũ báo chí cách mạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, sự động viên khích lệ các thế hệ nhà báo hôm nay tiếp bước cha anh dấn thân trên con đường đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển quê hương đất nước bằng chính phẩm chất, khí tiết của người làm báo cách mạng.

CÁC NHÀ SÁCH, NHÀ XUẤT BẢN, NHÀ IN, BÁO CHÍ ĐÃ IN TÁC PHẨM CỦA HẢI TRIỀU NGUYỄN KHOA VĂN  

Các báo và tạp chí, ấn phẩm định kỳ5

Báo Kỳ Lân (9/1928 - 5/1929).
Báo Tiếng Dân (3/1928 - 4/1936).
Báo Đông Phương (7/1933 - 11/1933).
Báo Phụ Nữ Tân Văn (1934).
Báo Công Luận (1935).
Báo Đời Mới (1935).
Báo Ánh Sáng (1935).
Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1935).
Báo Tin Văn (1935).
Báo Trung Kỳ (1935).
Báo Tiến Bộ (1936).
Báo Hồ Trẻ, tập mới (1936).
Báo Mai (1936).
Báo Nhành Lúa (1937).
Báo Kinh Tế Tân Văn (1937).
Báo Sông Hương Tục Bản (1937).
Báo Dân Tiến (10/1938).
Tạp chí Tao Đàn (3/1939).
Tạp chí Tiên Phong (1945).
Tạp chí Đại Chúng (1946).
Tạp chí Ánh Sáng (5 và 11/1946).
Báo Sự Thật (5/1948).
Tạp chí Thi Đua Ái Quốc (1948).
Tạp chí Tìm Hiểu (3 và 5/1949 - 12/1950).
Báo Thép Mới (10/1949 và 7/1950)…

Các nhà sách, nhà xuất bản, nhà in

1. Tân Thanh niên tòng thơ, 1929.
2. Hương Giang thư quán, Huế, 1935, 1937.
3. Thư xã Tư tưởng mới, Huế, 1938.
4. Impr. Trung Bắc tân văn, 1938.
5. Impr. Lê Văn Tân, 1945.
6. Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, 1945.
7. Nhà xuất bản Sự thật, 1946.
8. Liên hiệp nghiệp đoàn Nam Bộ, 1947.
9. Ty Thông tin Thái Nguyên, 1948.
10. Ban ấn loát Sở Thông tin Liên khu 4, 1949.
11. Báo Dân chủ mới, 1949.
12. Nhà xuất bản Văn học, 1965, 1996.
13. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
14. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1993.
15. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.  

D.P.T  
(SHSDB41/06-2021)

-----------------------
Bài viết tham khảo nguồn từ “Hải Triều toàn tập” và các công trình sách, báo đã xuất bản ở Việt Nam liên quan đến Hải Triều.  

1. Hồng Chương, Mấy vấn đề lý luận và phê bình văn nghệ,  Nxb. Văn học, Hà Nội, 1965, tr.214.
2. Trần Huy Liệu, Nhớ Hải Triều, trích từ sách Hải Triều - nhà  lý luận tiên phong, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
3. Trường Chinh, Tuyển tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  2007, t.1, tr. 531.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 201.
5. Dẫn lại từ Hải Triều toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.19 - 23, có bổ sung.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng