Kỷ niệm 150 năm ngày sinh vua Hàm Nghi (3/8/1871 - 3/8/2021), Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế tổ chức cuộc tọa đàm/ sinh hoạt khoa học “Hàm Nghi - nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger”.
Có nhiều thông tin mới về cuộc đời vua Hàm Nghi và mở ra hướng nghiên cứu mới về vua Hàm Nghi với tinh thần tái hiện lịch sử như nó vốn có. 5 chủ đề chính được trao đổi: Đời sống của vua Hàm Nghi trong những năm tháng lưu đày. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Đính chính những thông tin thiếu chính xác về cuộc đời vua Hàm Nghi và các thành viên trong gia đình vua Hàm Nghi. Đề xuất phát huy các giá trị di sản của vua Hàm Nghi. Thông báo thêm thông tin về việc rước hài cốt vua Hàm Nghi ở Pháp về Huế.
Sông Hương trân trọng giới thiệu ý kiến của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại cuộc tọa đàm; và bài viết “Vua Hàm Nghi với nguồn mỹ cảm về hội họa hiện thực” của nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình.
Hàm Nghi - Nhà vua yêu nước, người họa sĩ thế hệ đầu của Việt Nam
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam có hai năm Ất Dậu đáng ghi nhớ. Đó là năm Ất Dậu 1885 và năm Ất Dậu 1945 được kết nối như một vòng tròn lục thập hoa giáp (60 năm) theo định luật hưng vong của tư duy Phương Đông, trong đó năm Ất Dậu trước đánh dấu biến cố mất nước và năm Ất Dậu sau là năm người Việt Nam giành lại nước, bước vào trang sử Độc lập Tự do. Ở năm đầu của 60 năm đầy biến cố đó, vua Hàm Nghi là cái tên rực sáng, là ngọn cờ của phong trào Cần vương chống chủ nghĩa thực dân Pháp.
Lên ngôi năm 13 tuổi (năm 1884) trong tình cảnh rối ren của triều đình Huế dưới họa xâm lăng đã cận kề, năm 14 tuổi mang danh nghĩa là người đứng đầu triều đình Huế nổ súng vào lực lượng quân sự Pháp đóng tại Huế, tiếp đó ra lời kêu gọi Cần vương (Giúp vua), đưa cả triều đình ra bưng biền, nằm gai nếm mật trong suốt 3 năm ở rừng núi Hà Tĩnh, Quảng Bình, chỉ bị bắt sau khi bị thuộc hạ phản bội, nhà vua trẻ 17 tuổi đã kết thúc vương vị của mình để đi lưu đày cho đến chết giữa ngày đất nước chìm vào nô lệ. Đó là sự lựa chọn hiếm hoi can đảm của một nhà vua trước họa xâm lăng của phương Tây mà sử sách ghi nhận được.
Nhân dân Huế có niềm vui chứng kiến ngày kết thúc triều đại quân chủ cuối cùng ở Ngọ Môn 1945 sẽ không bao giờ quên những biến cố long trời lở đất khi Kinh đô thất thủ năm 1885, cả kinh thành bị đốt phá, vua Hàm Nghi - nhà vua chính danh của nước nhà phải bôn tẩu tìm cơ hội cứu nước.
Lịch sử chưa lùi xa. Cho dù có người vẫn coi nhẹ cuộc chiến đấu không cân sức của hoàng tộc nhà Nguyễn và những quần thần có mặt trong phong trào Cần vương những ngày đầu chống ách thực dân; cho dù có người coi vị vua trẻ Hàm Nghi chỉ là “con bài” trong thời kỳ đầy biến cố mà người ta tùy tiện lựa chọn, thì bằng thời gian đầy thách thức, cùng những khổ nạn mà một ông vua mất nước phải gánh chịu và vượt lên, vua Hàm Nghi ngày càng sáng tỏ trong lòng chúng ta hai điều thật căn bản:
1. Vua Hàm Nghi là vị vua yêu nước mà trong quốc nạn dân tộc đã lựa chọn được. Mặc dù nhiều lần “triều đình” do thực dân Pháp dựng lên kêu gọi ông đầu hàng, ông vẫn tuyên bố thà chết giữa núi rừng chứ không thể qui phục. Ông tôn thờ dân tộc, giữ gìn lòng ái quốc suốt những năm tháng lưu đày, không cộng tác với kẻ thù làm tổn hại đất nước. Sự kiên trung, bất khuất của ông khiến kẻ thù và những ai biết đến ông phải nể phục. Người Việt thường nói: Nhà nghèo biết con hiếu, Nước loạn biết tôi trung. Vua Hàm Nghi đáng được coi là vị vua trung hiếu với dân tộc.
2. Vua Hàm Nghi là hiện thân nhân cách cao quí của người Việt trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Bị lưu đày, bị ghẻ lạnh, thậm chí bị mua chuộc, nhà vua vẫn giữ gìn cốt cách con người Việt có văn hóa, giàu lòng tự trọng, giàu sức cảm hóa với những chung quanh, tâm hồn ông đẹp như hoa mai xứ Huế mà ông dành để đặt tên cho con gái đầu của mình (bà công chúa Như Mai). Ông sống cô đơn, nhưng đầy khát vọng. Ông dành thời gian để học hỏi, tìm kiếm và thử thách trong mỹ thuật. Chắc chắn người ta còn phải còn phải trở đi trở lại nhiều để thưởng thức, tìm hiểu trên những tranh, tượng của nhà vua nghệ sĩ này.
Một con người sống giữa các biến cố của dân tộc, của dòng họ và biến cố của bản thân nhưng vẫn nêu cao trách nhiệm và phẩm giá, lòng tự hào tự chủ đến mức càng lùi xa trong thời gian thì những gì Người làm được trong cái hữu hạn của đời người càng trở nên quí giá. Chúng ta thực sự biết ơn và ngưỡng mộ vua Hàm Nghi.
Huế, 29/7/2021
N.K.Đ
(TCSH390/08-2021)