Người Huế
Ngẫm về bi kịch nhà vua
10:11 | 28/12/2021

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Một ông vua triều Nguyễn một trăm năm sau "sống lại", tự thú với các thế hệ mai hậu về cuộc đời làm người và làm vua của mình.

Ngẫm về bi kịch nhà vua
Tranh vẽ chân dung vua Tự Đức bởi L.Ruffier - Ảnh: wiki

Tự thú bằng lối nói năng, lối suy nghĩ của hậu thế cuối thiên niên kỷ thứ hai này. Người đọc sẽ thấy lạ, thấy chối. Bực dọc hay thích thú. Ông vua đó là Tự Đức, người thế kỷ XX gọi ông vua thứ tư triều Nguyễn ấy từ địa phủ lên dương gian đối thoại với hôm nay - là giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Khánh. Văn bản tự thú của nhà vua được in thành sách nhan đề Bi kịch nhà vua tại nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội năm 1990, tái bản ở Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế năm 1991.

Đây không phải là cuốn tiểu thuyết. Nó có vẻ như truyện nhưng cũng không phải là truyện. Gọi đúng ra thì đây là một sự "thác lời" để góp một tiếng nói đánh giá lại công bình và chính xác về một triều vua phức tạp nhất của của một họ trị vì để lại nhiều rắc rối bàn cãi nhất trong lịch sử nước nhà. Chọn một giọng điệu như thế có thể có nhiều chỗ khó chấp nhận, nhưng có một điều khả thủ là: thử phân định Tự Đức từ chính bản thân ông ta. Điều này là có cơ sở trên chính những tài liệu thư tịch của ông vua này và triều đại của ông ta để lại. Như bài văn bia Khiêm Lăng ký chẳng hạn. Ở một góc độ nhất định có thể coi bài ký này là một tự thú của Tự Đức ngay khi còn sống. Cuốn sách đã mở đầu chính từ ý tưởng đó như một sự tiếp nối điều mà Tự Đức đã viết từ năm 1867: "Trời đánh, người oán, lòng ta lẽ nào lại dám chẳng khiêm?". Lẽ cố nhiên tiếp nối ở thời hiện đại chúng ta. Làm lời nhà vua tự thú thì hẳn là không tránh khỏi có phần chủ quan của ông ta, mà đằng sau đó hiển nhiên là của tác giả. Nhưng một lợi thế của cách viết như vậy là nó giúp trình bày được tự nhiên và linh hoạt diễn biến của một đời người trên sự suy xét và chiêm nghiệm của thời gian. Ngôi thứ nhất có vẻ không chắc chắn đáng tin như ngôi thứ ba, nhưng nó vẫn có lôgích riêng của mình. Và như thế tôi nghĩ ở đây hoàn toàn thông cảm được với Tự Đức và Vũ Ngọc Khánh.

Trước đến nay Tự Đức là ông vua bị mang nhiều tội nhất, cả trong cung thất lẫn ở triều đường. Nào là giết anh giữ ngôi. Nào là bán nước cho giặc. Nào là chủ trương sát tả. Nào là ngăn cản cải cách duy tân. Nào là ham chuộng thơ phú bỏ quên việc nước. Quả là bi kịch nhà vua. Tất cả những cái tội này của Nguyễn triều đệ tứ kỷ đều được Vũ Ngọc Khánh nêu lại qua sự tự vấn tự trình của vua Tự Đức. Nguyên nhân có phần là do thời thế lịch sử, hoàn cảnh khách quan. Nguyên nhân chính, cố nhiên, vẫn là do bản thân vua lúc đó. Trong những nhận định đánh giá này tác giả không đi ngược lại những điều đã được chấp nhận, tuy nhiên ông đã trình bày rõ hơn nguồn gốc sự việc theo như cảm quan lịch sử của ông cho phép Tự Đức hiểu đến mức ấy. Tác giả không phải minh oan cho nhà vua mà là nhà vua mong muốn được các đời sau hiểu đúng, hiểu sâu về mình hơn qua miệng tác giả thác lời. Có lẽ vì thế nên một số giai thoại truyền khẩu xưa nay gắn cho Tự Đức nhằm bôi xấu, hạ thấp nhà vua này đã được Vũ Ngọc Khánh nêu lại với những chỉ dẫn xác đáng và những luận giải có sức thuyết phục. Người đọc không quên rằng tác giả là người nắm rất vững về đặc trưng của giai thoại và đã từng soạn các sách giai thoại có tính khoa học cao. Con người Tự Đức, như vậy, hiện ra trước con mắt phán xét của hậu thế một cách sinh động và chân thực hơn. Điều này trong một cuốn sách lịch sử không phải là không quan trọng. Tôi không đủ căn cứ tư liệu và cũng không am tường về mặt sử học, nhưng đọc Vũ Ngọc Khánh tôi thấy mình được hiểu thêm, hiểu hay về Tự Đức. Một tình cảm chủ quan, hẳn rồi. Nhưng biết đâu ở đây lại chẳng có một mối tơ dây liên tưởng lịch sử nào đó giữa quá khứ và hiện tại? Mà cũng cần phải nói ngay là về cái sự liên tưởng này thì trong cuốn sách tác giả đôi khi tỏ ra khá lộ liễu, thẳng băng, rõ ra là sự chắp thêm của người đời nay cho người đời xưa.

Ở trang 72, vua Tự Đức của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh tự bạch: "Vì tôi giữ vai trò một ông vua, lịch sử đã phán xét với tư cách một nhà chính trị, vì tôi làm nhiều thơ văn, giới nghiên cứu đã điểm đến tôi với tư cách của một nhà thơ. Thực ra, cả hai mặt ấy tôi đều bất cập, và đó lại thêm một bi hài kịch cho tôi: nhà vua hôn ám rụt rè, nhà thơ không được Nàng Thơ trân trọng. Tôi muốn xem tôi là một nhà văn hóa, thì đó lại là điều chưa ai nghĩ tới bao giờ". Đây có thể là một cách nhìn nhận mới về Tự Đức trên phương diện văn hóa. Và toàn bộ sự phân tích, chứng minh của tác giả có thể cho phép người đọc thấy được ở ông vua này quả có vai trò của một nhà văn hóa chứ không phải một nhà thơ như lâu nay vẫn ngộ nhận. Tự Đức và các quần thần đương thời chắc ít nhiều không thoát khỏi sự ngộ nhận mang tính mù quáng lịch sử này. Nhưng Tự Đức của Vũ Ngọc Khánh thì không thể ngộ nhận hơn được nữa. Thà như thế lại có vẻ đúng con người nhà vua và đúng sự thật lịch sử hơn. Tác giả gọi Khiêm Lăng là một công trình văn hóa cũng không ngoa. Ai đã đến Huế xem các lăng tẩm triều Nguyễn đều phải thừa nhận lăng Tự Đức đúng là một tổng thể hoàn chỉnh "có tham vọng hòa hợp thiên nhiên với công sức con người, có sự gắn bó giữa đạo đức và thẩm mỹ, có cả ước mơ thu gọn một thế giới hiền lành, một sự thống nhất giữa cung và lăng, cái sống và cái chết" (trang 79). Những lời bình công cho Tự Đức trong lĩnh vực sân khấu và âm nhạc cũng không phải là quá. Đặt trong tương quan việc nước và việc văn thì Tự Đức bị phê phán là đúng, mà sự phê phán này thì ngay đương thời ông ta đã phải chịu. Nhưng xét trong quá trình diễn tiến của văn hóa nghệ thuật nước nhà thì không thể bỏ qua phần góp sức của ông vua này mà lâu nay chưa được chú ý đúng mức. Cách đánh giá của Vũ Ngọc Khánh ở đây có phần thận trọng có phần chính xác, và như vậy là khoa học. Tôi đồng ý với tác giả ở ba điểm: một, Tự Đức không phải ý thức được tất cả những việc mình làm trong lĩnh vực nghệ thuật, cái đó nếu có thì là ở phần vô thức; hai, Tự Đức vẫn là ông vua triều Nguyễn "bế quan tỏa cảng" nên cái thế toan mở ra của Huế đã bị khép lại; ba, Tự Đức là nhà văn hóa nửa chừng, lỡ dở. Và cũng như tác giả, tôi cho rằng Tự Đức có quyền chờ đợi ở những nhà chuyên môn và những nghệ sĩ hiện đại về sau này sẽ vô tư và bình tĩnh để có những lời phê phán rạch ròi đúng đắn hơn. Lịch sử đang, hối thúc và đòi hỏi chúng ta việc đó. Cuốn sách của Vũ Ngọc Khánh là khúc dạo đầu, bên cạnh học giả Nhật Bản Tsưbôi, bên cạnh những sách chuyên khảo lịch sử và những tác phẩm văn học nghệ thuật đã và đang ra mắt.

Tôi đã chấm hết bài đọc sách này ở đây. Chợt có trong tay tạp chí Đoàn kết xuất bản ở Pháp, số 240 tháng 1/1990. Mở ra đọc thấy bài Champ idéologique, Vision confucéenne du monde et comportement des lettrés vietnamiens devant I’invasion française (Trường ý thức hệ, nhãn quan nho giáo và ứng xử của các nhà nho Việt Nam trước cuộc Pháp xâm) của Nguyễn Tùng. Xin trích ra đây một câu để thấy sự đồng vọng của các nhà nghiên cửu dù ở trong hay ngoài nước. Nguyễn Tùng viết: "Mặc dù người Việt Nam đã giao thiệp với phương Tây qua những đoàn truyền giáo Gia Tô, trải qua nhiều thế kỷ, các nhà nho Việt Nam hoàn toàn mù mịt về phương Tây. Ngay vào hậu bán thế kỷ XIX họ cũng như người Tàu, cứ hình dung rằng người Tây chỉ hơn về khoa học, máy móc, đại bác và tàu chiến, chứ chẳng có gì là trí tuệ mang đến (cho nhân loại). Tất cả các nho sĩ đều thấm thía cái định kiến phân biệt Hóa Di, cứ cho rằng chỉ nước nào theo văn hóa Trung Hoa mới là văn minh, còn tất cả những nước khác đều là dã man" v.v... (dịch theo nguyên văn tiếng Pháp trang 58).

Bên cạnh bài viết là tấm ảnh đề: Le roi Tự Đức (Assie), entouré de ses mandarins. Collection Girandon. Trong ảnh vua Tự Đức ngồi và ba vị triều thần đứng vây quanh. Một ý chợt nảy ra với tôi: Trực diện đối ảnh thử "phỏng vấn" nhà vua xem sao! Thế là tôi chăm chăm nhìn ảnh và lên tiếng (cố nhiên là với ngôn ngữ và khẩu khí của thời dân chủ hiện nay, mà nhà vua đáp lại cũng theo văn phong mới).

- Thưa vua, chẳng hay có cuốn Bi kịch nhà vua đã kịp chuyển xuống dưới đó và đến tay vua chưa?

- Thời đại makétting này thì cái gì dương gian có, âm phủ cũng có. Tôi đã may mắn được đọc cuốn sách anh vừa nói của giáo sư Vũ Ngọc Khánh. Nhờ anh chuyển đến ông Khánh lời tôi cảm tạ.

- Cảm tạ vì lẽ gì, thưa vua?

- Trước hết là vì cái công đã viết ra được một cuốn sách như vậy. Sau nữa là vì ông ấy đã không quản ngại cho tôi đứng lên giải bày những nỗi niềm u uất của mình ngỏ hầu phơi bày lịch sử được rõ ràng hơn. Thành thì tôi bớt được phần oan. Bại thì trách nhiệm ông ấy phải chịu. Cảm tạ là ở tấm lòng chính trực của nhà học giả đáng kính ấy.

- Vua bằng lòng với những điều giáo sư viết chứ?

- Sung sướng là điều trước nhất. Bao năm nay đứng trước lịch sử dân tộc bản thân tôi nói riêng, và nhà Nguyễn chúng tôi nói chung luôn bị đặt ở vị thế phạm nhân, không được phép giãi bày thanh minh gì cả. Cứ như vĩnh viễn đã bị đóng đinh câu rút vào cái cây lịch sử không bao giờ rung chuyển nổi. Gần đây, cùng với cuốn của ông Khánh tôi còn được đọc một vài cuốn khác viết về chúng tôi. Tuy chưa toàn diện và còn có những điểm cần bàn bạc, tranh luận lại, nhưng nói chung sử liệu xác thực, và điều quan trọng nhất là cách tiếp cận và lý giải lịch sử đã bắt đầu có đổi mới.

- Nghĩa là lịch sử đã được xem như một quá trình tự nhiên?

- Sau hơn một trăm năm khuất bóng cõi đời đến bây giờ tôi nghiệm ra thế này: mọi sự xuyên tạc, bóp méo, cắt xén dù với bất kỳ mục đích gì cũng đều là phản khoa học và trái nhân đạo. Đây là tôi nói việc khôi phục lại diện mạo lịch sử chân thực. Cuốn sách của ông Khánh là thuộc phạm trù này. Ông ấy thác lời tôi là để cho sự trình bày sinh động hơn thôi, chứ thực ra cuốn đó là một bản luận văn khoa học về vua Tự Đức - như vốn có trong thực tế và lịch sử - mà ông Khánh nhận thức được. Còn cái chuyện văn sử, sử-văn mấy năm trước xôn xao ầm ĩ trên trần thế mà nghe đâu có động đến cụ tổ Gia Long của tôi thì lại thuộc một phạm vi khác.

- Bi kịch nhà vua, đúng vậy chăng?

- Ông Khánh đã để cho tôi nói những lời ở cuốn sách thế này: "Vâng, đúng tôi là người có phẩm hạnh, có tâm huyết, có tấm lòng với nước với dân, tôi cũng biết quan tâm đến văn chương nghệ thuật. Song rõ ràng vẫn là bi kịch! Văn chương đạo đức không đủ, phải có kinh tế, có thực lực. Có tâm huyết không đủ, phải có hành động. Mà muốn hành động thì phải có trí tuệ, không phải thứ trí tuệ cũ kỹ lỗi thời mà trí tuệ ngang tầm thời đại, trí tuệ của tầm nhìn xa. Tôi đã không có đủ những điều kiện ấy, thất bại của tôi là chuyện hiển nhiên. Mà mọi trách nhiệm trước sau là tôi phải chịu, chịu cho cả những thế hệ trước tôi đã chuẩn bị sẵn cho tôi những thất bại này". Tôi chấp nhận một lời tự thú như thế, hãy rạch ròi phân minh công tội của chúng tôi, hãy từ chúng tôi mà nghĩ về hiện tại.

Tôi (người viết) mệt quá buông bút không trò chuyện tiếp được nữa nhưng mắt vẫn không rời tấm ảnh. Vua Tự Đức im lặng ngồi và ba vị triều thần Iặng câm vây quanh. Tôi lại định cầm lấy bút khi chợt vang lên trong đầu cái câu của luật gia và văn sĩ Mỹ L. Darow: "Lịch sử lặp lại, đó là một trong những khuyết điểm của nó".

Hà Nội 7-1991
P.X.N
(TCSH51/09&10-1992)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng