Người Huế
Lê Trường Danh -vị quan thanh liêm trải bốn triều vua Nguyễn
10:35 | 05/04/2024


DƯƠNG PHƯỚC THU

Lê Trường Danh -vị quan thanh liêm trải bốn triều vua Nguyễn
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tuy Viễn hầu Lê Trường Danh trước có tên Lê Trường Mính (Mính nghĩa là lá chè non), sinh ngày 18 tháng 10 năm Quý Sửu (dương lịch nhằm ngày 21/11/1793) tại làng Phú Ốc, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa - nay thuộc phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; thân phụ của ông là ngài Phú Phong bá Lê Trung Kỳ, thân mẫu là Chánh Tam phẩm thụy Trinh Thục Nguyễn Thị Khang, một gia đình có truyền thống hiếu hạnh với dòng tộc và làng xóm.

Phú Ốc là một ngôi làng cổ của xứ Thuận Hóa, lập từ cuối Hậu Lê trấn trị mảnh đất này, đến khi tiến sĩ Dương Văn An nhà Mạc nhuận sắc Ô Châu Cận Lục thành sách vào năm 1555 thì làng này có tên Khúc Ốc, sau đổi làm Phú Ốc (với mong ước có nhiều nhà giàu ở ngôi làng này). Đến đời Lê Trường Danh thì họ Lê đã lập nghiệp ở đây đã gần ba trăm năm rồi.

Trong suốt những năm quan trường, từ lúc được cử làm việc ở Ty Lệnh sử đến khi ngồi ghế Tuần phủ Trị - Bình (đứng đầu hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình) trải qua bốn triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Lê Trường Danh từng ngược xuôi từ Nam ra Bắc, lên miền núi xuống đồng bằng, đã có hơn chục lần thay đổi nơi làm việc và cũng có mấy lần thăng, giáng, rồi lại thăng chức. Đến giữa mùa hạ năm 1849, sau 33 năm lăn lộn việc nước, Lê Trường Danh ốm nặng, bệnh khó qua, liền dâng sớ xin trí sĩ, một thời gian ngắn rồi mất tại quê nhà.

Ông là người có tiếng đức hạnh, bản tính ngay thẳng lấy sự trung thực hành sự; khi lên công đường hay lúc thõng đai nhàn tản điền viên đều giữ lòng thanh bạch; nhận việc quan ở địa phương nào ông đều chủ tâm lấy nghiệp nông tang, thuế má công bình làm điều cốt yếu trong vỗ yên trăm họ. Ông có 4 người con gái nổi tiếng nếp nhà “công dung ngôn hạnh” được gả vào cho vương phủ (3 người gả cho Nguyễn Phúc Hồng Y, tức Thụy Thái Vương và 1 người gả cho Nguyễn Phúc Hồng Hưu, tức Gia Hưng Vương) kết mối thông gia với nhà vua Thiệu Trị, nhưng ông không cậy thế ỷ thần, một tấm lòng trung trinh với đất nước. Ông mất đã lâu mà tiếng thơm vẫn còn truyền vọng khắp vùng.

nh trạng của Tuần phủ Lê Trường Danh

Nhớ ngày 13 tháng Giêng năm Gia Long thứ 14 (1815), tên tuổi của Lê Trường Mính bắt đầu xuất hiện ở chốn triều đình Huế (hai năm sau đổi thành Lê Trường Danh); ông được vua Gia Long sai hợp cùng các viên quan đến làm việc ở Ty Lệnh sử, với nhiệm vụ: “Phải y cứ vào sổ sách kê khai các loại thuế tiền lương, sản vật của quan Công đường dinh Trực lệ Quảng Đức, từ các năm Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu, Giáp Tuất. Như đã thu được bao nhiêu, phát ra bao nhiêu, đã nộp vào kho bao nhiêu, còn thiếu ở dân bao nhiêu. Cùng với khoản xử án của các năm trước, trong đó có các hạng tiền bạc, lúa gạo, điền thổ, khí giới, thập vật đã thu nộp vào quan khố bao nhiêu thì phải nên tra ra rõ ràng, đơn từ sổ sách phải đối chiếu xác thực”.

Đến như các hạng tiền bạc và sản vật phải so kiểm, cân đo cho rõ ràng chi tiết, rồi chép cả lại mà tấu lên. Như năm Ất Hợi này phải tra ra số tồn còn bao nhiêu để rõ thực số. Lại như các năm Quý Dậu, Giáp Tuất, dinh ấy cùng với các tổng, huyện trưng thu thuế, phân số đủ thiếu thế nào phải tuân theo quy chế mà kính chép thành một tập riêng, việc phải rõ ràng chính xác. Hạn đến cuối hạ tuần tháng này phải xong, đệ nộp lên Bộ Hộ, Đường quan duyệt chuyển tấu lên”.

Việc kiểm tra này rất ư quan trọng, nên chú tâm kiểm đúng. Nếu tư tình lơ là, cùng cậy việc sinh tệ nhũng nhiễu thì phạm phép nước”1.

Tờ sai ngày 13 tháng Giêng năm Gia Long thứ 14 (1815) Cấp cho Lê Trường Mính (Lê Trường Danh)


Chỉ mấy tháng sau công việc hoàn thành, Lê Trường Mính và các thuộc viên được Cộng đồng chi ấn tấu lên nhà vua ban lời khen tặng.

Tháng 6 năm Gia Long thứ 17 (1818), Cộng đồng chi ấn có Tờ sai Đô Danh ở Ty Lệnh sử thuộc Bộ Hộ là Lê Trường Danh: “Nay hợp cùng Đô Hài trong ty là Phan Đình Hài; với Đô Ngoan ở Ty Lệnh sử thuộc Bộ Binh là Lê Văn Ngoan, và Đô Giáp tức Lê Văn Giáp đến dinh Trực lệ Quảng Nam theo quan Khâm mạng để phụng hành việc cai lại trong Tuyển trường. Phải căn cứ số Tuyển mà tra xét cho đích xác, tuân theo điều lệ mà biên chép, câu chữ trong sổ cùng với số Thị hạ cốt phải rõ ràng chính xác”. “Nếu chức phận không tròn, phép nước ngay đó”.

Trong thời gian ông cùng các thuộc viên kiểm tra việc tuyển người ở dinh Quảng Nam, được tiếng là khách quan, công tâm.

Tháng hai Nhâm Ngọ, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Lê Trường Danh đương tại chức Thư lại Ty Thanh lại thuộc Bộ Hộ, được nhà vua tin dùng, cùng các đồng quan nhận Tờ sai vào Bình Định. “Căncứ vào sổ sách của Trấn quan kê khai các khoản thuế như: tiền bạc, lúa gạo, sản vật trong ba năm Kỷ Mão, Canh Thìn, Tân Tỵ là bao nhiêu. Trong đó đã thu, tiêu cùng việc vận dụng điều phối kính nộp là bao nhiêu, còn tồn kho là bao nhiêu, còn thiếu ở dân bao nhiêu, cùng với các khoản xử lý các án kiện tụng, có sung nộp vào quan khố các hạng tiền bạc, lúa gạo, điền thổ, khí giới, vật kiện như thế nào phải xét kỹ lưỡng”.

“Lại từ tháng Giêng năm Nhâm Ngọ này cho đến bây giờ, tra rõ khoản thu, sẵn tiện tra ra hiện còn bao nhiêu lúa gạo, muối trắng, kiểm đúng số thực trữ rồi giao Trấn quan lập đơn ký nhận như số. Còn các hạng tiền bạc và sản vật, mỗi hạng nên kiểm tra, cân đo để làm rõ số đủ, thiếu ra sao. Đến như các tổng, huyện ở trấn có phân số thiếu thì phải tuân theo thể lệ mà chép riêng. Hạn kiểm soát và trở về đối với việc trưng thu thuế cùng án kiện ở trấn này trong ba tháng phải xong, rồi biên chép thành sách mà dâng lên Kinh, do Bộ Hộ kiểm duyệt rồi tâu lên”.

“Việc kiểm soát tiền, lương có quan hệ đến thuế khóa của đất nước, phải nên chú tâm kiểm xét, việc phải tường tận rõ ràng. Nếu thư tình bao che, đảo lộn trắng đen, cậy việc gom vén thì phạm phép nước”.

Nhờ tận tụy khó nhọc trong công việc kiểm tra thuế khóa và tuyển đinh. Mùa đông năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Thư lại Lê Trường Danh được phong hàm Cửu phẩm, tước Danh Thành nam. Hai năm sau (1825), ông được tặng hàm Chánh Bát phẩm, tước Danh Thành tử. Cuối năm ấy, ông lại nhận lệnh đến phủ Hoài Đức, Bắc Thành để kiểm tra lương sản và phẩm vật.

Mùa hạ, tháng sáu Đinh Hợi, năm Minh Mạng thứ 8 (1827) Lê Trường Danh được bổ chức Ti Chủ sự Bộ Hộ; đến tháng 12 năm Kỷ Sửu ông được phong Viên Ngoại lang, tước Danh Thành bá.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), thự Lang trung Lê Trường Danh phạm một lỗi nhẹ trong công việc, theo lời tấu của đình thần ông bị nhà vua giáng nhất cấp lưu nhậm Bộ Hộ, lấy công việc sửa sai.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), thự Lang trung Lê Trường Danh được thăng chức Lang trung Bộ Hộ làm việc ở triều.

Mùa xuân Nhâm Thìn, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), thự Lang trung Lê Trường Danh nhận lệnh vua mang 300 quan tiền, 300 phương gạo trắng và trâu, rượu đến thăm hỏi, an ủi, thiết đãi chiếc quân thuyền đi tuần biển, một thuyền công sai ví như thuyền buôn của tỉnh Quảng Đông nhà Thanh gặp nạn, bị gió bão đánh trôi dạt vào vũng Sơn Trà tỉnh Quảng Nam; đồng thời sai thợ sửa chữa những chỗ thuyền của họ bị hư hỏng… Xong việc ông trở về kinh, được thuyên chuyển sang làm Lang trung Bộ Công, sung chức Đốc công Võ khố. Tháng 8 năm ấy, dưới sự chỉ huy của Đốc công Lê Trường Danh, các hạng vật phẩm được chế tạo rất nhiều nhưng hay quá hạn, chậm xong, việc tâu lên, bị vua Minh Mạng quở trách, xử nhẹ, phạt lương 3 tháng để răn đe phần hành công việc.

Tháng 11 năm Minh Mạng thứ 14, Đốc công Võ khố Lê Trường Danh tâu lên vua: “Công sở Võ khố từ trước đến nay, các nha phần nhiều có tư sức lĩnh các vật hạng, đem thợ đến tại chỗ để chế tác, sửa chữa; khi việc xong, mới xét sổ, làm đơn khai vật thực lĩnh. Vả lại, việc có lớn, nhỏ, nặng, nhẹ khác nhau, khó dùng lệ định được công việc của thợ, hoặc trong đó có sự bẻo xén, người coi việc không biết chút gì. Như thế thì không phải là coi trọng của kho. Xin từ nay, phàm các sở khác lĩnh vật hạng gì để làm thì người trông coi ấy cân lại thực số; khi công việc xong xuôi, phải ký tên, áp triện ở đơn lĩnh để lưu làm bản hồ sơ. Nếu sau có xảy ra các tệ phù phí, giả mạo gì, cứ người coi làm và bọn thợ làm phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Vua Minh Mạng cho là phải, sai đặt làm lệ.

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 15 (1834), thăng Lang trung Đốc công Võ khố Lê Trường Danh làm thự Bố chánh Thái Nguyên. Đến tháng 6, vua lệnh cho Lê Trường Danh cùng các tướng đem quân đánh bọn giặc (phỉ) ở Thái Nguyên xâm chiếm đồn Bắc Kạn; xong làm sớ tâu lên. Vua lại giao cho ông định liệu một số lượng binh biền đủ lực giúp sức vào việc phòng thủ, đánh lấy đồn, rồi thẳng tiến đến Cảm Hóa… Tháng 8 năm ấy, thự Bố chánh Lê Trường Danh lại tâu trình việc dân trong hạt phần nhiều xiêu dạt, tan tác, số thiếu thuế và trốn lính, nhiều lần đòi thúc, vẫn không được và xin đợi đến khi xong việc đánh dẹp sẽ tiếp tục làm. “Nay toán giặc ở vùng Xuân Dương, Bắc Kạn đều đã tan vỡ, rút lui. Duy có dân Bạch Thông, Cảm Hóa phần nhiều ngờ sợ, hãy còn trốn tránh, tản mác chưa dám trở về. Vậy xin thân đi vỗ về, an ủi, chỉ bảo, ngõ hầu mới sớm yên được. Còn quân lương, nhiều lần đã tải đến chợ Mới, Bắc Kạn, cũng đã được nhiều, có thể đủ chi cấp cho hơn 2.000 quân đã phái đến trước; đợi đại quân tiến đến sẽ tải thêm sau”.

Tháng Giêng Minh Mạng thứ 16 (1835), thự Bố chánh Thái Nguyên Lê Trường Danh dâng sớ tâu bày, trù tính việc xin đặt phủ lỵ Thông Hóa ở đồn Chợ Rã cho thống lý công việc cả châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa, rồi theo lệ các tỉnh đặt một viên Quản phủ, chọn trong Quản cơ, Quản vệ thuộc tỉnh, lấy người làm nổi công việc, cho lĩnh chức ấy. Thổ dân hai châu huyện đều thuộc quyền trông coi. Nhưng xét ra nguyên ngạch thổ binh chỉ có 182 người, 4 suất đội, nay xin mộ thêm thổ dõng cho đủ số 300 người. Còn như tri phủ là văn chức, xin hạ sắc chọn người sung bổ. Về các lại dịch ở phủ, nên đặt 1 lại mục, 5 thông lại, tạm phái ty thuộc của tỉnh đến làm, chờ sau sẽ chiêu mộ. Huyện Cảm Hóa thuộc phủ hạt vẫn đặt thổ tri huyện và 1 thổ lại mục, châu Bạch Thông chỉ đặt 1 thổ lại mục.

Tháng 6 nhuận, thự Bố chánh Lê Trường Danh được bổ làm Bố chánh Thái Nguyên. Nhân việc này ông lại có sớ tâu bày về triều sự cần thiết phải đặt thêm phủ Tòng Hóa thuộc Thái Nguyên: “Tỉnh hạt nguyên có 2 phủ Thông Hóa và Phú Bình; phủ Thông Hóa thống trị 2 huyện, châu, mà phủ Phú Bình thống trị đến 9 huyện, châu. Vậy xin trích 4 huyện Định Châu, Văn Lãng, Phú Lương và Đại Từ, đặt làm phủ Tòng Hóa. Còn 5 huyện Tư Nông, Bình Toàn, Võ Nhai, Phổ Yên, Động Hỷ vẫn để làm phủ Phú Bình. Vả, huyện Cảm Hóa thuộc phủ Thông Hóa, huyện Định Châu thuộc phủ Tòng Hóa, huyện Tư Nông thuộc phủ Phú Bình đều là những chỗ xung yếu, dân số cũng nhiều. Vậy xin lấy 3 viên tri huyện, tri châu kiêm thự việc 3 phủ. Lại nghĩ định các việc làm lỵ sở, bổ dụng lại viên và thuộc lệ các phủ, huyện ấy (Phủ lỵ Thông Hóa nguyên ở đồn Chợ Rã, châu Bạch Thông, nay dời đến đóng ở làng Tham Linh huyện Cảm Hóa; phủ lỵ Tòng Hóa đặt ở làng Trung Khảm thuộc Định Châu; phủ lỵ Phú Bình đặt ở làng Triều Dương, huyện Tư Nông; châu Bạch Thông đặt ở làng Dương Quang; huyện lỵ Văn Lãng đặt ở làng Thượng Lãm; huyện lỵ Phú Lương đặt ở làng Quan Triều; huyện lỵ Đại Từ đặt ở làng Hùng Sơn; huyện lỵ Bình Toàn đặt ở làng Linh Quang; huyện lỵ Võ Nhai đặt ở làng Lâu Thượng; huyện lỵ Phổ Yên đặt ở làng Đắc Hiền; huyện lỵ Động Hỷ đặt ở làng Huống Thượng; đều theo địa thế sửa sang xây dựng, cốt cho thích hợp với sự cư trú. Duy phủ Thông Hóa giáp giới Cao Bằng và Tuyên Quang, là nơi địa đầu xung yếu, phủ thành bốn mặt đều dài 30 trượng, cao 6 thước, trên mặt rộng 3 thước, chân rộng 5 thước. Phàm công đường và nhà ngục ở lỵ sở đều thuê dân làm. Mỗi phủ đặt 2 lại mục, 6 thông lại; huyện châu đều 1 lại mục, 4 thông lại; còn người thuộc lệ và tiền công nhu đều cùng một lệ như các phủ, huyện, thuộc Cao Bằng”. Vua y lời tâu.

Đến tháng 8, Lê Trường Danh lại có sớ tâu trình về tính chất quan trọng của hai ải Na Miêu và Lương Thượng: “Hai cửa ải Na Miêu và Lương Thượng thuộc tỉnh hạt, từ sau khi thổ phỉ lan tràn, khách buôn ít đến. Tiền thuế nửa năm thu không được mấy! Có 2 phố Na Cù và Yến Lạc, đường đi nhiều ngả, người nhà Thanh và người Thổ trước phần nhiều đi lại buôn bán. Vậy xin dời ải Na Miêu đến trang Cẩm Giang, gần phố Na Cù, đặt tên là ải Cẩm Giang; dời ải Lương Thượng đến xã Lương Hạ, rồi cho phái viên ngồi thu thuế để sung vào thuế khóa”. Vua y cho.

Tháng 11 năm Ất Mùi (1835), tuân lệnh triều đình, Bố chánh Lê Trường Danh tham gia duyệt đinh, tuyển lính và tuyển duyệt ở các hạt Gia Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình (lúc này Hà Tĩnh, xây thành chưa xong, phụ tuyển vào trường Nghệ An. Lệ cũ: cử quan khâm sai đi các trường tuyển, duyệt, dùng 1 quan văn và 1 quan võ đều từ tam phẩm trở lên; nay vì việc đánh dẹp ở Nam, Bắc Kỳ mới xong, nên đặc cách rút bớt quân về). Cùng tháng ấy, Lê Trường Danh cùng bách quan được cử tham gia duyệt tuyển binh đinh ở các tỉnh Nam Định, Hải Dương và Hưng Yên, đến khi sổ tổng kê dâng lên, sổ đinh tỉnh Nam Định xem ra được hơn 7 phần, quan tuyển duyệt và quan tỉnh, đều được thưởng kỷ lục 1 thứ.

Tháng 12 năm Minh Mạng thứ 20 (1839), để chuẩn bị cho ngày khánh tiết vào tháng 2 năm sau, Bố chánh Thái Nguyên Lê Trường Danh được triệu về Kinh tham gia Ban chúc thọ.

Ngày 15 tháng 12 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), Bộ Lại khâm phụng lục Chỉ truyền thị: “Chức Bố chánh sứ Hải Dương hiện khuyết trống, vậy lấy Bố chánh Thái Nguyên là Lê Trường Danh điều bổ sang… Phàm tất cả các việc thuộc mình quản hạt phải tuân theo điển lệ mà làm”.

Khâm lục Chỉ truyền ngày 15 tháng 12 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) cho Bố chánh Thái Nguyên là Lê Trường Danh điều bổ sang làm Bố chánh sứ Hải Dương


Đến tháng 4 năm 1842, Bố chánh Lê Trường Danh được cử làm Hộ lý ấn quan phòng Tuần phủ Lạng - Bình; tháng Giêng năm 1843, ông được thăng làm thự Tuần phủ Lạng - Bình (Lạng Sơn và Cao Bình, tức Cao Bằng). Đến tháng 3 năm 1844, từ phủ Lạng - Bình, Lê Trường Danh được bổ nhậm chức thự Tuần phủ Trị - Bình (Quảng Trị và Quảng Bình). Ngồi ghế quan ở Trị - Bình mới 6 tháng, ông đã có sớ tâu về triều tình hình vùng núi Hướng Hóa bị hư hại do thiên tai gây ra: “Huyện Hướng Hóa và thổ dân các châu, nhà và sàn bị đổ mất nhiều; lúa thóc tổn hại, tình hình cùng quẫn!”. Ngay sau đó, vua liền sai phát muối, gạo, tải đến cấp cho dân. Hai tháng sau, ông lại tâu tiếp: “Chín châu Cam Lộ trước cùng người Man Lào đi lại trao đổi buôn bán, từ khi có lệnh cấm người Lào không được vào trong cõi, chúng mới đưa người Xiêm đến lấn cướp. Thổ dân vì thế, lưu tán dần đi. Vậy xin bỏ lệnh cấm tha thuế cho 3 năm khiến người Lào được thông thương, thì dân ta tự khắc quay về yên nghiệp”. Lời tâu ấy được giao xuống cho Bộ Hộ bàn. Bộ cho rằng 9 châu, nguyên lệ, 3 năm một lần cống. Trước đó, vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đổi lễ cống ra nộp thuế, thuế nộp bằng bạc. Năm thứ 19, đổi bạc ra nộp tiền. Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Man Lào thường lấn cướp, dân trong châu phải lưu tán, kỵ ngụ ở huyện Hướng Hóa. Đến năm thứ 2, châu Tầm Bồn dắt dân trốn đi. Nay thuế lệ các châu phần nhiều trốn thiếu! Đối với những người hiện ở nhà, xin miễn cho 1 năm; những người lưu tán, xin miễn cho 3 năm. Khi thấy người Lào và người Thổ dân đi lại, lại dịch và binh biền không được ngăn giữ bắt bớ, cho việc thông thương được như cũ.

Tháng 10 năm 1845, có lệnh vua triệu thự Tuần phủ Trị - Bình Lê Trường Danh về Kinh, theo ban thư chúc mừng, vì sắp làm lễ lớn tấn tôn. Tháng Giêng năm Bính Ngọ (1846), có lệnh bổ cho thự Tuần phủ Lê Trường Danh làm Tuần phủ Trị - Bình. Đến tháng 2, ông lại được triệu về Kinh chuẩn bị làm lễ khánh tiết. Tháng 5 nhuận, ông cùng các đại thần và hoàng tử hộ giá nhà vua cày ruộng tịch điền ở Huế. Cũng trong tháng 5 nhuận này, ông được nhà vua giao quyền giữ ấn quan phòng Tổng đốc Hải Dương - Quảng Yên. Tháng Giêng năm 1847, ông được lệnh trở lại nhậm chức Tuần phủ Trị - Bình. Với chức trách Tuần phủ hai tỉnh kề cận vốn Trực lệ triều đình, lại có mối thông gia với vua Thiệu Trị, đến tháng 9, có lệnh triệu ông về Kinh làm lễ tiến hương (tức lễ phúng).

Mùa thu, Mậu Thân, năm Tự Đức thứ nhất (1848), Tuần phủ Lê Trường Danh được khâm điểm cùng các quan đại thần về Kinh chờ các đại lễ ở Giao Cung và Lễ Tiểu Tường ở điện Long An.

Tháng Giêng, năm Tự Đức thứ 2 (1849), vua sai Tuần phủ Lê Trường Danh làm Đổng lý sứ quán ở Quảng Trị, Quảng Bình để chuẩn bị đến kỳ làm lễ bang giao với Trung Hoa (vì trước đây đã có lời khẩn sứ nước Thanh đến Kinh đô Huế, làm lễ bang giao, đã được tin báo, vua Thanh nghe theo).

Mùa hạ, tháng 5, Tuần phủ Lê Trường Danh ốm nặng, cáo bệnh, xin bàn giao việc quan cho thự Tả Tham tri Binh bộ Trần Quang Chung lĩnh chức Tuần phủ Trị - Bình thay ông, sau đó thì mất, nhằm ngày 20 tháng 5 Kỷ Dậu (1849), hưởng dương 57 tuổi. Được tin ông mất, vua Tự Đức tỏ lòng thương tiếc một vị quan thanh liêm, liền cử đại thần đến viếng.

Sinh thời Lê Trường Danh lấy 4 người vợ:

Chánh thất: Đoan nhân Lê hầu thụy Huy Trinh Phạm Thị Bích.
Thứ thất: Nguyễn Thị Đoan;
Trắc thất: Nguyễn Thị Vững;
Hầu thiếp: Nguyễn Thị Thuận.

Ông và các bà sinh hạ được 15 người con, gồm có 5 con trai và 10 con gái. Người con trai trưởng là Lê Trường Ân nối tự.

Lê Trường Danh có 4 người con gái “nức tiếng kinh thành về công dung ngôn hạnh” kết duyên với 2 hoàng tử, trong đó có 3 người là Lê Thị Ứng (ngũ nương), Lê Thị Tâm (bát nương), Lê Thị Từ (cửu nương) của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y (1833 - 1877); ngài Hồng Y là con thứ 4 của vua Thiệu Trị, thân phụ của vua Dục Đức. Và một người là Lê Thị Nguyện (thất nương), của Gia Hưng Vương Nguyễn Phúc Hồng Hưu (1835 - 1885), ngài là con thứ 8 của vua Thiệu Trị.

Nhờ có nhiều công lao với đất nước của người cha đã sinh thành ra những người con hiếu nghĩa vẹn toàn, đến triều vua Thành Thái năm thứ 13, triều đình bàn xét công trạng truy tặng tước phong thụy hiệu cho tổ tiên bốn đời của Thoại Thái vương phi (Lê Thị Ứng) có thứ bậc khác nhau (Cha nguyên là Tuần phủ Trị - Bình Lê Trường Danh truy tặng Tư Thiện đại phu hàm Thượng thư Tuy Viễn hầu thụy Đôn Mục, chính thất Phạm Thị Bích là Đoan nhân thụy Huy Trinh. Ông (nội) là Phụng nghị đại phu Lê Trường Kỳ truy tặng Gia Nghị đại phu Hàn Lâm viện Chưởng viện học sĩ Phú Phong bá thụy Đôn Trang, chính thất Nguyễn Thị Khanh (bà nội) là Lệnh nhân thụy Trinh Thục. Ông tằng tổ (ông cố) là Lê Trường Tô truy tặng Trung Thuận đại phu Hàn Lâm viện Thị độc học sĩ Phúc Tích tử thụy Thần Nhã, chính thất Nguyễn Thị Chu là Cung Nhân thụy Trinh Nhàn. Ông Cao tổ (ông Cao) là Lê Trường Yêu truy tặng Phụng Nghị đại phu Hàn Lâm viện Thị độc Chính Lộc nam thụy Đoan Trực, chính thất Lê Thị Tây là Nghi Nhân thụy Nhu Thục)2.

Khi còn làm việc quan, Lê Trường Danh đã nổi tiếng thanh liêm, có cuộc sống thanh bạch; ông không những từ chối việc ban cấp tự điền, ban cấp ruộng đất của triều đình đối với bản thân mà còn là người có công lớn với dân làng Phú Ốc (trích từ lương bổng hàng năm) để phụng cúng vật phẩm, các loại khí tự đồ thờ cũng như xây dựng đình chùa, miếu mạo… bằng các thứ vật liệu cần thiết mua được rồi chuyển bằng đường thủy từ Bắc vào. Để ghi nhớ và tri ân công đức của Tuần phủ Lê Trường Danh đối với làng Phú Ốc, khi ông mất, mộ phần của ông được dân làng đồng thuận để an táng giữa can điền xứ đồng Thu (địa phận phường Tứ Thượng xưa) thuộc làng Phú Ốc. Theo các vị tộc trưởng của làng thì Tuần phủ Lê Trường Danh là người duy nhất từ xưa đến nay được dân Phú Ốc chấp thuận an táng giữa cánh đồng làng. Không chỉ thế, mà bài vị hương linh ông còn được dân làng tôn thờ ở cả hai nơi là đình và chùa làng Phú Ốc. Trước năm 1945, lúc còn vương triều nhà Nguyễn, hàng năm định tiền lễ phẩm cho từ đường bốn đời của Thoại Thái vương phi (chiết cấp thành tiền 40 đồng), lại cấp mộ phu, sái phu tế tự (đến 18 người)3 của phủ Thừa Thiên có nhiệm vụ chăm nom và chuyên lo việc hương khói đối với tư dinh nơi thờ phụng Tuần phủ, Thượng thư hàm Lê Trường Danh.

Theo lệ làng Phú Ốc, trước năm 1975, dân làng còn trích ruộng đất cho người cấy cày để lo hương khói hàng năm vào ngày 19 tháng 5 âm lịch - ngày giỗ của ông. Hội đồng tộc trưởng làng Phú Ốc đều đến dự lễ dâng nén hương thơm tưởng nhớ một con người đức độ, một nhân vật lịch sử có nhiều công lao với làng quê với đất nước - ngài Lê Trường Danh.

Tuy Viễn hầu Lê Trường Danh rất xứng đáng có một đường phố mang tên ông ở thị xã Hương Trà.

Huế, mùa thu 2023
D.P.T
(TCSH421/03-2024)


----------------------
1 Xem thêm Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, 2021, tr.195.
- Các trích dẫn về Tờ sai, Bằng cấp, Khâm lục ở bài này tham khảo tài liệu của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2012, tr, 402.
3 Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Sđd, 2012, tr, 484.

 

 

Các bài đã đăng