Người Huế
Hàm Thuận Công Miên Thủ và vở tuồng “Bình Hoài”
14:58 | 07/06/2024


TRẦN VĂN DŨNG

Hàm Thuận Công Miên Thủ và vở tuồng “Bình Hoài”
Toàn cảnh phủ Hàm Thuận công

Lời dẫn

Hàm Thuận Công Miên Thủ (1819 - 1859) là nhà soạn tuồng nổi tiếng của nước ta vào giữa thế kỷ XIX. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, ông đã trở thành một trong những người góp phần đưa nghệ thuật tuồng đạt đến đỉnh cao rực rỡ dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, kể từ ngày chế độ quân chủ nhà Nguyễn cáo chung (1945), trải qua năm tháng, lớp bụi thời gian dần phủ mờ tên tuổi của ông. Thậm chí đến ngày nay, lai lịch và hành trạng của ông cũng rất ít người biết đến.

Trong bài viết này, với nguồn tư liệu khá hạn hẹp, chúng tôi xin mạn phép trình bày một số hiểu biết của mình về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác tuồng của ông hoàng Hàm Thuận công.

1. Vị hoàng tử tinh thông kinh sử

Hoàng tử Miên Thủ 綿守có tự là Thị Phủ 是甫, hiệu Thận Trai 慎齋, sinh ngày 10 tháng 2 năm Kỷ Mão (5/3/1819), là con trai thứ 9 của vua Minh Mạng, mẹ là Mỹ nhân Nguyễn Văn Thị Bân1. Hoàng tử là em ruột cùng mẹ với An Thường Công chúa Lương Đức. Lớn lên trong cung cấm, được sự răn dạy của vua Minh Mạng, lại được sự hướng dẫn, dạy dỗ chu đáo của các bậc đại nho triều đình, đạo cao đức trọng, Miên Thủ cùng với các anh chị em của ông đã nhanh chóng trở thành một lớp trí thức quý tộc tài năng, vừa thông thạo sách vở nho gia vừa am tường văn chương nghệ thuật. Sách Đại Nam liệt truyện có đoạn nhận xét về hoàng tử Miên Thủ như sau: “Lúc mới làm hoàng tử, giữ tính khiêm tốn, đến khi ra mở phủ đi học, tinh thông kinh sử”2.

Trong quá trình trị vì của mình, vua Minh Mạng đặc biệt quan tâm, chú ý đến nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Nhà vua tin rằng việc thờ cúng tổ tiên chu đáo cũng góp phần mang lại sức mạnh tinh thần cho triều đại. Vì vậy, vua Minh Mạng thường chuẩn cho Thân Đài và Bộ Lễ lựa chọn các hoàng thân, hoàng tử có đức hạnh thay vua tế ở các tôn miếu. Nếu một ai kiếm cớ thoái thác hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì quan kiểm soát về nghi lễ sẽ tham hặc tâu lên, phạt tội. Ông hoàng Miên Thủ từng vâng mệnh đi tế ở Thái Miếu nhưng quá vội vàng lỗi phép, bị vua cha phạt phải lột ngay áo mũ, mất bổng một năm và không cho phái sung đi tế. Đến tháng 7 năm đó, nhận thấy hoàng tử Miên Thủ biết tu tỉnh nên nhà vua đã gia ân trả lại mũ áo cho ông, chuẩn cho được cùng các hoàng tử theo ban chầu hầu.

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), vua cho triệu 7 hoàng tử vào chầu, trong đó có Miên Thủ, sai làm thơ ngay trước mặt để vua xem học lực. Miên Thủ và các hoàng tử Miên Tể, Miên Bật, Miên Vũ lời thơ thông ý đều được gia thưởng3. Năm sau (1840), hoàng tử Miên Thủ được triều đình tấn phong tước Hàm Thuận Quận công 咸順郡公,một tước vị để hưởng bổng lộc chứ không được tham chính. Tước hiệu này lấy theo tên phủ Hàm Thuận thuộc tỉnh Bình Thuận. Cũng trong năm đó, vua Minh Mạng cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân, hoàng tử. Đức ông Hàm Thuận được vua cha ban cho một con long mã phụ đồ bằng vàng nặng 7 lạng4. Vua Minh Mạng còn ban thuyền cho các hoàng tử đã được phong tước là Tùng Quốc công Miên Thẩm, Ninh Quốc công Miên Mật, Hòa Quốc công Miên Quân, Lạc Hóa Quận công Miên Vũ và Hàm Thuận Quận công Miên Thủ để theo hầu vua5.

Ngày 28 tháng 8 năm Kỷ Mùi (24/9/1859), do bệnh tình không thuyên giảm, Hàm Thuận Quận công qua đời, hưởng thọ 41 tuổi. Khi nghe tin, vua Tự Đức vô cùng thương xót, lệnh cấp ban tiền tuất, vải vóc, gấm lụa, sai quan đến tế và ban thụy là Đôn Cung 敦恭.Viên tẩm của ông hoàng Hàm Thuận được táng tại làng Dã Lê Thượng (nay thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy). Diện mạo của viên tẩm hiện vẫn còn lưu giữ được hình hài xưa, mang dấu ấn phong cách kiến trúc lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn.

2. Ông hoàng viết tuồng

Dưới các triều vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, triều đình không cho phép các ông hoàng, bà chúa nuôi dưỡng các con hát và tổ chức hoạt động biểu diễn tuồng trong phủ đệ. Nếu sự việc bị phát giác thì các ông hoàng, bà chúa và những người có liên quan sẽ bị nhà vua trị tội nặng. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Phủ Tôn nhơn hặc tâu đức ông Hàm Thuận nuôi chứa nhiều con hát trong phủ, đã bị vua phạt tội nặng.

Qua triều vua Tự Đức (1847 - 1883), thời thế đã đổi thay, lúc này nhà vua rất đam mê việc soạn tuồng, diễn tuồng và đã góp phần đưa nghệ thuật tuồng phát triển tột đỉnh. Nhà Duyệt Thị Đường trong Hoàng thành vẫn chưa đủ, vua Tự Đức còn cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm Đường ở Khiêm Lăng, quy tụ các đào, kép giỏi về đây để tập luyện và biểu diễn, lại cho lập cả một ban chuyên trông coi việc biên soạn, hiệu chỉnh các vở tuồng. Chính vì vậy, đức ông Hàm Thuận và nhiều ông hoàng, bà chúa khác có điều kiện thuận lợi để viết tuồng và thậm chí còn dựng rạp ngay trong phủ đệ để trình diễn tuồng cho gia đình, làng xóm xem. Ngoài ra, phủ Hàm Thuận còn có một đoàn tuồng riêng, tụ hội nhiều nghệ nhân có tiếng. Với ông hoàng Hàm Thuận soạn tuồng là cái nghiệp ông tự thân nhận lấy với tất cả niềm đam mê, yêu thích. Đây là loại hình sáng tác đòi hỏi tác giả không chỉ có tài năng mà còn phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức cho tác phẩm của mình. Sau ngày đức ông Hàm Thuận qua đời, toàn bộ sáng tác tuồng của đức ông do các vị công tử cất giữ. Những tác phẩm này không được in dưới dạng khắc gỗ mà chủ yếu là bản viết tay nên đều bị thất lạc trong những năm chiến tranh. May mắn thay, hậu thế vẫn còn hình dung được phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật sáng tác tuồng của ông hoàng Hàm Thuận qua một trích đoạn trong vở tuồng “Bình Hoài” được in trong cuốn “Sự tích và Nghệ thuật Hát Bộ” của tác giả Đoàn Nồng.

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình đã nhận định Hàm Thuận được xem như người đầu tiên soạn tuồng đồ loại giễu ở nước ta. Nếu hiểu tuồng đồ là loại tuồng sáng tác, không theo tích truyện, sử Trung Quốc, thì “Bình Hoài” rất xứng đáng được xếp vào loại tuồng đồ6.

Hiện toàn bộ vở tuồng “Bình Hoài” vẫn chưa được giới nghiên cứu sưu tập, khảo cứu một cách đầy đủ, chỉ có một lớp do Đoàn Nồng trích dẫn, nhưng vẫn có thể hiểu sơ lược đại ý vở tuồng này như sau: Công Minh là tướng triều đình đánh Phiên quốc mê Thu Nguyệt. Phương Khanh là vợ Công Minh, nghe Dụng Thành (hề đồng) báo tin, nổi cơn ghen, đem cha Thu Nguyệt qua đổi chồng về. Từ nội dung lớp trên, chúng ta có thể phán đoán “Bình Hoài” là một vở tuồng lấy bối cảnh về sự tranh chấp giữa hai nước mà lồng vào đời sống tình cảm riêng tư trong gia đình để tạo ra tiếng cười. Đó là dụng ý của tác giả, đồng thời cũng tạo cho tác phẩm nét độc đáo, riêng có, và biểu lộ tính cách Huế thật sâu sắc.

Nét đặc sắc của vở tuồng “Bình Hoài” là dùng toàn lời chữ Nôm, không xen kẽ nhiều chữ Hán như các vở tuồng đương thời, tình huống, lời đối thoại của các nhân vật trong bản tuồng rất sinh động và giàu cảm xúc. Qua “Bình Hoài” chúng ta có thể nhận biết được ngôn ngữ của giới hoàng thân quốc thích, quý tộc triều Nguyễn có những từ gợi cho người đọc hiểu được ý nghĩa của nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đây cũng là một hình thức “Ý tục lời thanh”, phản ánh một thứ ngôn ngữ của các “mệ”7 sống trong chốn phủ đệ, đậm đà bản sắc vùng đất đế đô. Điều này cho thấy, phủ đệ và những con người cư trú trong phủ đệ chính là chiếc cầu nối tạo nên chất tương tác trong văn hóa quý tộc và dân gian xứ Huế. Chính vì vậy, tuy Hàm Thuận được sinh ra và lớn lên trong thế giới cung cấm, nhưng lại rất am tường ngôn ngữ dân gian, sử dụng tục ngữ rất linh hoạt và tài tình.

Xin trích nội dung của một lớp trong vở tuồng “Bình Hoài” của đức ông Hàm Thuận Công do Đoàn Nồng sưu tầm:

“Dụng Thành: (dạ) Trước sân cúi mặt cúi đầu bên trướng dâng thơ dâng thiếp; tôi đi đà chết khiếp, bà coi ắt giận lòng, (tôi) nghĩ giấu cũng không xong, nên chi tôi tỏ thiệt.

Phương Khanh: (a Dụng Thành) Nghe phu tướng lầm tay con Thu Nguyệt, sao Dụng Thành (về đặng mà) đem bức tiên hoa? Nay chưa rõ lòng bà, khá mau bày lời tớ (cho bà nghe nao!)

Dụng Thành: (dạ, dám bẩm bà) Nhiều điều cắc cớ, lắm chuyện nổi xung; bà hãy coi thơ nợ cho cùng, rồi tớ bẩm việc kia chẳng thiếu (ạ).

Phương Khanh: (xem thơ xong): Quan tường thơ lý, thơ lý; nộ khí tâm đầu tâm đầu! Rộn lòng chữ chữ câu câu (mà) lóa mắt đen đen, trắng trắng! (này!) ai biểu tin biểu nhắn, mà có gởi có đem! (xé thơ quăng), làm cho tau lo sợ lại thêm, hay đâu nó khôn ngoan đã hãm! (ai có đời) người tào khang không yêu không dấu (mà) quân mọi lào lại ấp lại yêu (tề!) (ra làm ri) thương con “thị” rất nhiều rất nhiều; (chừ lại biểu) tha thằng Phiên cho khỏi, cho khỏi! (thể nữ) đòi Dụng Thành tao hỏi, cho biết sự chồng mê.

(ADụng Thành, chớ ông mi) ở làm chi bên nớ không về (mà) dám biểu mi qua đây nói lại (a thằng kia)?

Dụng Thành: (dám bẩm bà) Vốn tớ chẳng biết chi khôn dại, mà bà đành buông tiếng quở rầy (mà oán tôi).

Phương Khanh: Say mê thế cũng vì mày (làm sao thì mày nói đi) giấu giếm ắt là xể má (nghe) (như ông mày cùng con Thu Nguyệt bên nớ)…

Dụng Thành: (Dám bẩm bà, bà hỏi tôi phải bẩm) mày ngài kia có một, mặt ngọc thiệt không hai!

Phương Khanh (vừa nói vừa đánh Dụng Thành):

Mặt thiệt tốt hơn ai, tay vả chơi cho sướng!

Dụng Thành: Rất chướng! rất chướng! quá ngang! quá ngang! đánh chi mà đánh càn, vả sao mà vả lạ! (Phải rứa mà thôi đâu, còn biết mấy cái quý nữa!) hơi thơm như hương xạ, gối nở tợ hoa sen!

Phương Khanh: Tốt chi tốt đã điên, đã điên! thơm chi thơm phát dại phát dại! (Phương Khanh đánh Dụng Thành, Dụng Thành vừa chạy vừa giả khóc).

(ừ thôi con) bà máu nổi mắt lòa mặt chóng, con đòn đau (chừ bà) tiền thưởng bạc đền (bà nghĩ lại ông con bạc cha cha là bạc!) nỗi hàn huyên sao nỡ vội quên, tình đen bạc khá tua bày thiệt. Chớ báu bối chi con Thu Nguyệt, mà say mê những giấc Vu sơn. (Dụng Thành, con phân hết cho bà nghe thử nào!).

Dụng Thành: (Dám bẩm bà, như nàng ấy) khôn ngoan dễ ai hơn, bợm bãi không kẻ vi; (nương lại dặn ông con) dặn ông con chớ lo nhà tứ úy, vốn nường cùng địch thế tam đồng. Khi cợt trêu kia vợ nọ chồng, lúc uốn éo xây lưng, sắp cật! (con nghĩ có ai mà mê như ông con bao giờ!). “Trít trác như ruồi sa mật”. Lại chê rằng đó méo đây tròn, vậy nên phải hầu nhiều vợ ít. Thương vì gái duyên còn khít rịt, lại chê ba bụng đã chàng bàng! (tui nghĩ lại) gỗ vông khó dựng nhà rường (mà ba mươi đời) mèo cổ thời nằm mả đất (thưa bà!)

Phương Khanh (lại đánh Dụng Thành).

Khó tu lòng Phật, lòng Phật! Lại nổi kinh ma! kinh ma! Thôi đừng ông đừng bà, gớm vừa thầy vừa tớ (ra làm ri là) nó chiu chít như mèo thấy mỡ (mà) tau bôn chôn như chó chạy khào. Điên! điên! điên! đào chỗ thấp đắp chỗ cao. Tê! tê! tê! đặng buồng này khuây buồng nọ. Nó của lạ nằm hoài trong trướng chấu, tau đồ quen ngồi giữ vườn hoa. Xung! xung! xung! say máu ngà ngà. Sướng! sướng! sướng! múa mồm ngoay ngoảy! Ăn thịt thương canh ghen chẳng đã, bán mùi tạo giác xấu còn mang, (nói thiệt!) Ray quyết khiêng cha nó đem sang, đòi cho đặng chồng tau trả lại”8.

Về sau, một số con cháu hậu duệ của đức ông Hàm Thuận rất am hiểu về nghệ thuật tuồng, trong đó có cụ Tham tá Bửu Lai9 say mê hát tuồng. Ông thuộc lòng nhiều kịch bản tuồng kinh điển và còn đóng nhiều vai diễn trong các vở tuồng cổ được nhiều người khen ngợi.

3. Nơi lưu giữ nhiều cổ vật gia bảo quý hiếm

Đến tuổi trưởng thành, hoàng tử Miên Thủ được xuất cung lập phủ đệ riêng ở phường Kiêm Năng10 thuộc Kinh thành Huế, cách hồ Tịnh Tâm một đoạn không xa. Sau khi hoàng tử qua đời, phủ đệ chuyển đổi chức năng thành phủ thờ. Năm Tự Đức thứ 22 (1869), thần chủ của đức từ Mỹ nhân Nguyễn Văn Thị Bân11 được rước về thờ phụng ở phủ thờ của đức ông Hàm Thuận. Từ đó, phủ Hàm Thuận vừa thờ đức ông Hàm Thuận vừa thờ đức từ Mỹ nhân. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), phủ Hàm Thuận bị hư hỏng, xuống cấp nên đức bà An Thường Công chúa đã bỏ tiền ra trùng tu, tôn tạo khang trang.

Đến năm Thành Thái thứ 6 (1894), Phụng Quốc khanh Ưng Đề đương chức Chủ tự phủ thờ Hàm Thuận Quận công đã mua 5 sào đất vườn của Cẩm y hiệu úy Phan Văn Huy12 ở ấp Xuân An (thuộc xã Phú Xuân, huyện Hương Trà) để thực hiện ý định xây dựng lại phủ thờ Hàm Thuận Quận công. Khoảnh đất mới mua này thuộc khuôn viên đệ trạch An Thường Công chúa.

Nguyên văn tờ Đoạn mại13 ghi chép: Nguyên tôi có một khoảnh đất vườn có diện tích ước chừng hơn 5 sào, phía đông giáp với sông cả [sông Thọ Lộc], phía tây giáp với đường lớn, phía nam giáp con đường nhỏ, phía bắc giáp với nhà thờ của chúng tôi. Đông tây các phía đều giống y như trong tờ khế. Nay tôi đem bán cho Chủ tự phủ thờ Hàm Thuận Quận công là Phụng Quốc khanh Ưng Đề cùng với con trai là Bửu Đầu, thỏa thuận mua với giá tiền là 300 quan (có đóng dấu triện) đã giao nhận đủ nên tôi tự lập tờ khế này, tức thì giao thửa đất vườn này cho Chủ tự [Ưng Đề] vĩnh viễn. Nếu có xảy ra việc tranh chấp với chủ mua, hoặc có người nào tranh chấp cản trở ắt thiểm chức tôi cam chịu mọi lý lẽ. Có đính sau đây đủ bốn trương khế cũ. Nước có phép nước, cho nên lập tờ văn khế này để cho người mua chiếu dụng. Nay tờ Đoạn mại.

Ngày 28 tháng 8 năm Thành Thái thứ 6 (1894).
Phan Văn Huy, ký và đóng dấu triện.
Người viết tờ khế là Phan Văn Khanh, tự ký và đóng dấu triện.

Sau khi nhận được sự chấp thuận của Phủ Tôn Nhơn, Phụng Quốc khanh Ưng Đề đã di dời phủ Hàm Thuận đến dựng tại mảnh đất này. Từ đó, phủ đệ của hai chị em nằm bên cạnh nhau, một bên là phủ Hàm Thuận Quận công và một bên là đệ An Thường Công chúa. Trải hơn 100 năm, hai ngôi phủ đệ này đã được các hậu duệ của ông hoàng, bà chúa gìn giữ, phụng thờ và bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Vị trí phủ Hàm Thuận Công và đệ An Thường Công chúa trên Google Map


Phủ Hàm Thuận Công hiện tọa lạc tại số 79 Nguyễn Công Trứ (thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế), với diện tích 2.926,3m2 nằm bên bờ sông Thọ Lộc, phía nam Kinh thành Huế. Nguyên xưa, phủ Hàm Thuận có kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt. Về sau, phủ bị tàn phá bởi chiến tranh nên được xây dựng lại vào năm 1952 theo kiểu nhà 3 gian, với các họa tiết trang trí truyền thống. Phủ Hàm Thuận đã trải qua các đợt trùng tu vào năm 1969, 1976, 2008.

Nhìn từ ngoài vào, kiến trúc phủ Hàm Thuận gồm các hạng mục chính như cổng ngõ, bình phong, nhà chính và sân vườn. Đáng chú ý nhất là ngôi nhà chính quay mặt về hướng đông, với kiểu thức 3 gian, mái lợp ngói và nóc mái trang trí biểu tượng lưỡng long chầu nhật. Nội thất chia thành 3 gian thờ, trong đó gian giữa thờ hai thần chủ của đức ông Hàm Thuận Công và đức từ Mỹ nhân, gian tả hữu hai bên thờ di ảnh con cháu hậu duệ trong phủ đã khuất.

Chúng tôi may mắn có cơ duyên gặp được ông Vĩnh Cao14 và tiếp cận nhiều tư liệu liên quan đến phủ Hàm Thuận Công. Ông đã cho chúng tôi cơ hội được chiêm ngưỡng một số hiện vật quý giá hiện đang bảo quản tại phủ Hàm Thuận. Trong đó có 2 cuốn đồng sách ban phong cho đức ông Miên Thủ và đức từ Nguyễn Văn Thị Bân được đổi cấp năm Tự Đức thứ 13 (1860).  

Hai cuốn đồng sách tấn phong cho đức ông Miên Thủ và đức từ Nguyễn Văn Thị Bân, được đổi cấp năm Tự Đức thứ 13 (1860)


Cả 2 cuốn sách đồng đều có hình thức giống nhau, mỗi cuốn có 5 lá đồng, được làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Đây là hai bảo vật độc bản, được chế tác rất tinh xảo và đạt đến trình độ cao về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Nó không chỉ có giá trị về mặt văn hóa lịch sử mà còn chứa đựng nhiều thông tin lý thú liên quan đến đặc trưng của văn bản hành chính ban phong dưới các vua triều Nguyễn. Đồng thời, nó còn là những cổ vật gia bảo để truyền tử lưu tôn thờ tự vĩnh viễn, và sách phong này đã thực hiện đúng chức năng của mình từ hơn 150 năm qua. Đó là một điều rất đáng tự hào và trân quý.

Thay lời kết

Dẫu không còn ở vào thời kỳ hoàng kim như xưa nhưng sân khấu tuồng vẫn thỉnh thoảng được sáng đèn để phục vụ người dân và du khách đến thăm Cố đô Huế. Điều này đã phần nào làm sống lại nghệ thuật tuồng Huế và đem đến cho khán giả những màn biểu diễn ấn tượng, tràn đầy cảm xúc về một loại hình nghệ thuật truyền thống từng được xem là quốc kịch của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sau bài viết có tính chất gợi mở này, sẽ có nhiều người dành thời gian, công sức để tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về di sản nghệ thuật tuồng của ông hoàng Hàm Thuận Công để lại. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế sẽ quan tâm phục dựng và đưa vào biểu diễn trích đoạn trong vở tuồng “Bình Hoài” phục vụ công chúng trong tương lai. Đây sẽ là một hành động cụ thể, thiết thực nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao đóng góp của ông hoàng Hàm Thuận đối với sự phát triển vượt bậc của bộ môn nghệ thuật tuồng Huế trong lịch sử.

T.V.D
(TCSH423/05-2024)

------------------------
1 Đức từ Nguyễn Văn Thị Bân (1792 - 1837) có nguyên quán ở xã Viên Quang Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm 1836, bà được vua Minh Mạng phong làm Tài nhân; đến năm 1868 được vua Tự Đức truy tặng làm Mỹ Nhân.
2 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện,tập 3, Bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.118.
3 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Tlđd, tr. 570.
4 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Tlđd, tr. 695.
5 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Tlđd, tr. 671-672.
6 Tôn Thất Bình (1993), Tuồng Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 139.
7 Mệ là một từ gọi giới hoàng thân quốc thích, quý tộc Nguyễn ở Huế, vẫn tồn tại ít nhiều cho đến ngày nay.
8 Đoàn Nồng (1942), Sự tích và Nghệ thuật Hát Bộ, Mai Lĩnh xuất bản, tr. 294 - 298.
9 Cụ Bửu Lai (1903 - 1947) là con trưởng của Công tôn Ưng Đỉnh, cháu nội của Kỳ Ngoại hầu Hường Nguyện.
10 Phường Kiêm Năng sau đổi tên thành phường Trung Hậu. Nay phường Trung Hậu thuộc phường Thuận Lộc, thành phố Huế.
11 Trước đây thần chủ của đức từ Mỹ nhân được triều đình phối thờ ở Ý Thục từ.
12 Cẩm y hiệu úy Phan Văn Huy (1850 - 1902) là con trai thứ 3 của Phò mã Đô úy Phan Văn Uýnh với đức bà An Thường Công chúa Lương Đức.
13 Tờ Đoạn mại này hiện đang được lưu giữ tại phủ Hàm Thuận Công.
14 Ông Vĩnh Cao (sinh năm 1933) là con trai của Trợ Quốc lang Bửu Đầu, cháu nội của Phụng Quốc khanh Ưng Đề. Hiện ông đang chăm sóc hương khói phủ Hàm Thuận Công.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng