Người Huế
Người Huế, anh là ai?
17:19 | 18/09/2009
BỬU ÝKhi nghe dóng lên câu hỏi: “Người Huế, anh là ai?” có lẽ cùng chẳng ai buồn giật mình hay ngạc nhiên làm gì. Bởi lẽ cái chân dung sẽ được phác hoạ ra chắc chẳng có gì độc đáo. Ai nấy đều đã biết rồi, đã gặp rồi, đã gặp khắp nơi là đằng khác. Dù sao, đây cũng thuộc loại hình ảnh cũ kỹ trong cuốn album gia đình mà anh chị em thường táy máy giở đi giở lại vậy.
Người Huế, anh là ai?
Nhà nghiên cứu Bửu Ý - Ảnh: nhipcauthegioi.hu

Người Huế, trước hết, cố nhiên mang những nét tính của cộng đồng dân tộc. Bên cạnh, còn có những sắc thái do lịch sử, địa lý, khí hậu,  phong thổ riêng của một vùng đất đắp bồi thêm.

Người dân xứ Huế, ngay từ khi mới chào đời, không thể nào dè rằng mình phải đèo bòng một di sản tinh thần khá nặng nề mà cha mẹ là  những người đầu tiên lãnh sứ mạng trao gửi với hy vọng con mình sẽ chấn hưng rạng rỡ hơn mình.

Di sản tinh thần này đặc biệt nặng nề và rõ nét đối với Huế. Nó bao gồm nhiều giá trị thiêng liêng cha truyền con nối, được giáo huấn, nhắc nhở không mệt mỏi, khi trực tiếp, khi gián tiếp, trong mọi hoạt động của đời sống, và kéo dài cho đến hết đời cha, hết đời con.

Đó là ý thức gia đình.
Đó là nền tảng đạo lý,
Đó là trọng lượng của truyền thống.

Gia đình hẳn nhiên là môi trường sinh sống ban đầu của đứa trẻ. Nhưng, ở đây, đứa trẻ cần thấm nhuần các tính cách, khía cạnh, sinh hoạt của gia đình. Nó học tập cha mẹ, anh chị, từ cách ăn nói đứng ngồi, đến lề thói trong gia đình, cho đến những thứ kiêng kỵ riêng của cha mẹ, giờ giấc của từng bữa ăn, cách sắp đặt bàn thờ, những ngày cúng kỵ, ăn ý với người này mà dị ứng với người kia trong họ hàng. Ý thức rằng cá nhân nằm lọt vào tập hợp gia đình, nên chi người con trai hay con gái sau này lấy vợ hay lấy chồng, đều có nghĩa là lấy luôn cả gia đình bên vợ hoặc bên chồng.

Di sản tinh thần truyền tử lưu tôn mà ta nói ở đây cũng còn là đời sống đạo lý chi phối mọi sinh hoạt, mọi động thái của con người.

Trước tiên phải nói rằng, không riêng gì ở Huế, ở các địa phương khác cũng vậy, con người Việt Nam hầu như không có tự do chọn lựa đức tin tôn giáo cho bản thân, mà chỉ là thừa kế từ cha mẹ. Đứa trẻ, từ khi bước đi chập chững, đã tập chắp tay, cúi đầu, và ê a một vài lời kinh theo sự dẫn dắt của mẹ. Rồi cứ thế lớn lên và đi sâu dần vào đức tin. Nhưng dù theo tôn giáo nào đi nữa, người Việt Nam đều có một mẫu số chung về tâm linh là cung cách tưởng nhớ, tôn thờ những người trong gia đình đã khuất mặt. Như vậy vị trí của người chết bao giờ cũng tồn tại và không ngừng được duy trì giữa đám người còn sống để đồng thời trở thành một bài học về đức hạnh và hiếu đạo cho mọi người trong gia đình. Dần dần thái độ sống như thế này không phải là một gánh nặng hay là những câu thúc đối với hàng con cháu mà phải trở thành thói quen, những lời nói và hành vi tự phát.

Giữa những truyền thống của dân tộc nói chung, Huế đèo thêm một số truyền thống riêng của một vùng đất lịch sử.

Từ vấn đề phong thổ, di dời rồi đặt định kinh đô, kinh qua các thế núi sông, Huế mang tính chất phần nào đó của một vùng đất được dành riêng, được định sẵn. Và người Huế ít nhiều đinh ninh như thế. Như vậy, thảng hoặc gặp bất trắc hay nghịch cảnh, họ phải sẵn sàng chịu đựng, chấp nhận. Ngược lại, nếu gặp thuận lợi, họ xem như trời đã dành phần cho mình.

Quả tình Huế mang nặng những truyền thống lich sử và văn hoá. Vùng đất này là trọng điểm của phủ chúa trong một giai đoạn lịch sử dài năm, là lợi địa của một thế kỷ rưỡi vương triều và như vậy đã xây đắp những giá trị tập truyền, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ, đời sống, nhu cầu vật chất và tinh thần, phong cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử. Các ông hoàng bà chúa, các đại gia, lớp khoa bảng, một thời được trọng vọng, nhưng đồng thời họ là những người sống xen lẫn với những lớp người khác để, một phần nào đó, được trọng vọng hơn và cùng một lúc, vô tình hay cố ý, gây một vài ảnh hưởng nào đó đến người khác, thí dụ trong phong cách sống hoặc là trong ngôn ngữ. Các vương tôn công tử, do giáo dục từ trong hoàng tộc hoặc từ trong gia đình, thể hiện một phong cách sống lắm lúc không thật sự tự nhiên mà phải luôn luôn “giữ kẽ”, nhất là khi ra mắt công chúng, phải giữ một vẻ bề ngoài phần nào xa cách, hay cao cách, tối thiểu là kín đáo, ung dung, không bộc trực, bộc phát, và ngay cả đến thời thất thế, sa cơ, vẫn “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Kinh đô Huế làm nảy sinh nơi người dân một phong cách mà người ta nương tình gọi là “đài các”, tức là một vẻ cao sang mơ hồ nào đó, nhưng cái đài các này không khu biệt trong vòng hoàng thành mà còn lan toả trong dân gian. Từ cái đài các ấy còn rẽ riêng một nét tính mà người tại chỗ gọi là tính “đài đệ”, có nghĩa là một sự “giữ kẽ”, giữ ý, và luôn cả một tính cách mà người ta gọi là “đế đô”. Khi người mẹ mắng con gái “đừng có đế đô” thì có nghĩa là đừng có đỏi hỏi, đừng với cao, đừng học làm sang. Cái tính “đài đệ” được thể hiện rộng rãi, tràn lan, chẳng hạn ở chiếc áo dài mà có lẽ Huế là nơi được mang mặc nhiều hơn cả. Cho đến những năm 70, người nữ ở Huế ra khỏi nhà là mặc áo dài, kể luôn cả chị tiểu thương ở chợ hoặc bà bán hàng rong. Thậm chí nhiều bà danh gia đi ngủ vẫn mặc luôn áo dài.

Thiếu nữ Huế thường là kín đáo, không bộc lộ tâm tình cho người khác biết, có khi là e ấp, cũng có khi là ỡm ờ. Trong hai câu thơ của Đông Hồ nhắc đến cô gái Huế: “Gió chiều vương áo nàng Tôn nữ, quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”, ta cảm thấy các món trang sức như là áo, chiếc nón, bài thơ trong nón, đều góp phần tạo nên nét duyên e ấp của “nàng Tôn nữ” và nàng Tôn nữ ở đây dùng để chỉ chung các thiếu nữ Huế. Một tác giả Pháp chấm phá dung nhan này như sau: “... Các cô gái Huế kiêu sa và dễ làm ra vẻ khinh khỉnh, họ là đám hậu sinh của các phi tần không bao giờ quên rằng một giọt máu thiên tư đang chảy chuyền trong huyết quản của mình” (Jean Hougron, Soleil au ventre, trang 67).


Trong khi sông Hồng và sông Cửu Long đi vào địa lý và hiên ngang đi vào kinh tế, thì sông Hương êm đềm đi vào thơ nhạc.

Văn hoá nghệ thuật là một cõi mênh mông, rất ít tính chất thực tế, nhưng làm đẹp cho đời. Giống như bông hoa trong đời sống. Hoa là một thứ không dùng vào việc gì cả, thế nhưng không thể quan niệm một cảnh đời mà không có hoa. Hoa vẫn cặp kè với con người từ chiếc nôi cho đến nấm mồ.

Sông Hương hiển nhiên như đoá hoa tô điểm cho thành phố. Không có con sông nào làm hao tổn giấy mực cho bằng sông Hương. Không có con sông nào làm tuôn trào suối nhạc cho bằng sông Hương. Và cũng chính nó là nguyên ủy cho sự ra đời của bao nhiêu hiệp hội ái hữu, đồng hương với nó ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Ta cũng không nên quên rằng sông Hương yểu điệu thục nữ thế kia vốn là một con sông cái về mặt địa lý. Sông cái nhưng mà lại nhỏ nhắn như sông con. Cho nên người Pháp dùng chữ “rivière” (Rivière des Parfums) để chỉ con sông này mà lẽ ra phải dùng chữ “Fleuve”, có lẽ giai do kích thước hiện thực của con sông và âm hưởng nhiều nữ tính của từ ngữ.

Như ta vừa nói, sông Hương đã khơi nguồn cho nhiều suối thơ. Nó cắm được nhiều địa điểm lưu khách, nhiều bến sông hữu tình dễ neo thuyền. Một số lớn các chúa, các vua, các vương, các hoàng thân công nữ đã chấm bút vào nghiên thơ. Các thi xã, hội thơ, thi đàn nối tiếp nhau ra đời. Về lãnh vực thơ của các tôn thất, hãy khoan nói đến chất lượng có cao như lời khen tặng của vua Tự Đức chăng, hay là, ngược lại, có thấp như lời phê nghiêm khắc của Cao Bá Quát, ta chỉ cần ghi nhận rằng thi ca trở thành một sinh hoạt tinh thần rộng khắp, cho già trẻ trai gái, cho mọi nghề, mọi nhà, như thể là một sinh hoạt bình thường hàng ngày, giống như người ta hít thở không khí vậy.

Tuy nhiên, cũng chính con sông Hương mà người ta dễ tưởng là suốt đời lặng lẽ ngoan hiền ấy hàng năm vùng dậy quẫy nước tràn bờ. Bởi Huế không những nổi tiếng nắng nóng mùa hè, nó còn nổi tiếng về lụt lội nhiều lần trong năm và những lúc ấy nước sông đục ngầu, dữ dội, có khi chảy ngược dòng. Nước sông cuồn cuộn ấy, dù là trái ngược hẳn với thường ngày, vẫn đúng là hình ảnh của sông Hương, là lòng dạ sâu thẳm của nó đã lộ diện, là bộ mặt bổ túc vào bộ mặt thường bắt gặp của nó.

Tóm lại, nắng cháy với mưa dầm bão lụt, ấy là Huế. Nước chảy lờ đờ và nước phăng phăng cuồn cuộn, ấy là sông Hương. Người thiếu nữ nghiêng nón dạ thưa nhưng yêu thương say đắm, dữ dội, ấy là con gái Huế.

Người Huế thường phản ứng chậm. Vẻ bên ngoài và hành động không hô ứng tiếp liền nhau. Hay nói cách khác, giác quan tiếp nhận cảm giác và nội tâm cử hành hai nhịp khác nhau và giữa hai nhịp đó là một khoảng dành cho nụ cười, tiếng dạ thưa, sự e dè, cân nhắc. Đó là một loại “phản ứng hẹn giờ”, nhưng một khi phản ứng phát ra, nó có tính cách dứt khoát, không vãn hồi. Đó là nét tính Huế mà người ta gọi là “thâm trầm”, “thâm thuý”.

Nếu không có lịch sử sẵn chực những bằng chứng cụ thể, hùng hồn, thì ít ai ngờ rằng cái đất Huế trầm mặc này lại có thể là sân khấu phát động, châm ngòi những biến cố lớn của đất nước từ trong lòng những học sinh sinh viên chăm học hoặc những chị tiểu thương hiền lành tần tảo.

Hoá ra đất Huế là đất nuôi trồng những thái cực, và con người xứ Huế để ra cả một đời mình để gỡ rối mớ bòng bong tâm lý, và mâu thuẫn nội tâm này.

Con người Huế làm nên Huế là những con người đi ngược lại những thuộc tính ban đầu của vùng địa lý. Nó vật lộn thường trực với những mối giằng co tâm lý.


Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Diễm xưa” có nói tới một loài chim di. Chim di này là một loài chim di trú, không định cư tại một nơi chốn, tuỳ theo mùa xoãi cánh đi tìm nơi khí hậu ôn hoà. Loài người cũng có những sắc dân sống chuyển dịch, thường trực nối gót nhau thành từng đoàn, trốn gió, trốn mưa, đem theo gia sản của mình trên lưng thú, có khi vừa đi vừa ăn uống từng bát huyết bò tươi hay bát sữa dê.

Người dân Ô Lý chất chứa trong tâm khảm mình một món nợ tinh thần đời đời với công chúa Huyền Trân ngày xưa đã vùi quên tuổi thanh xuân của mình mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đó là một sự lưu đầy biệt xứ nhưng tự nguyện và vị tha.

Nó đã ghi dấu sâu đậm vào ca nhạc của xứ sở này. Cái hơi “ai” của Ca Huế không hẳn là sầu bi nhưng đầy hoài bão, vừa tự sự mà vừa  khơi dậy mạch tình bắt nguồn từ xa xưa, hoà tan vào huyết mạch, hầu như khó lòng truy cứu, khó lòng giải minh. Nó như thể một loại tình cảm nguồn cội, lắng sâu, dằn lòng xuống kết tạo thành một trọng lượng của tâm hồn. Sợi dây tình cảm này trói buộc bước chân con người, níu kéo con người không cho nó rời xa cái phố đẻ của nó.

Người ta bảo đất Thừa Thiên này vừa là vườn ươm vừa là bệ phóng nhân tài, cũng có nghĩa nơi đây vừa là địa điểm đào tạo, rèn luyện con người vừa là môi trường thiên nhiên hun đúc bồi dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên, lập nghiệp để rồi sau đó đàn chim rời tổ bay xa. Người con của Huế cảm thấy khó lòng rời xa bàn thờ tổ tiên hoặc cõi nhà vườn của mình. Tuy nhiên vẫn có cảm nghĩ chưa bỏ nhà ra đi vẫn chưa viên thành vận số của mình. Và một khi xa xứ, bắt đầu nảy nở trong tâm thức kẻ  ly hương một loại tình cảm mới: tình cảm hoài hương. Loại tình cảm này có tính cách siêu hình, thâm sâu như tình con với mẹ, nó âm ỉ như mạch ngầm, như than hồng vùi dưới tàn tro. Xin đừng xem nó là một thứ tình cảm nhi nữ thường tình, uỷ mị. Nó vừa giúp con người không quên nguyên quán của mình, vừa thôi thúc con người sống chẳng phải cho bản thân, mà cho một vận hội chung, có tính vị tha, hướng thượng. Trong nhận thức ấy, con người lưu vong gầy dựng hội đoàn, tập thể ái hữu hướng vọng về quê hương, xem đó như những ốc đảo tình cảm giữa đời sống mênh mông. Đây là trạng thái tình cảm có thể gọi là “kết tinh” gắn kết tất cả những gì là yêu quý tốt đẹp dành cho đối tượng của tình yêu tiếp nối theo giai đoạn tình cảm kết tủa xô bờ ban đầu của tuổi thanh xuân.


Người Pháp thường tự hào về văn hoá văn minh của mình. Sự tự hào này thường là kín đáo, nhưng cũng có khi bộc lộ, đặc biệt khi họ đề cập đến tiếng Pháp, nền giáo dục của họ với những Đại học cổ kính và các văn bằng, các giải thưởng văn học nghệ thuật, các thiết chế văn hoá (các Viện Hàn lâm, Viện Bảo tàng, nhà bi kịch, kịch nghệ...), các công trình phúc lợi xã hội (công viên, giao thông...). các nghệ thuật ẩm thực,v.v...

Các quốc gia khác cố tìm ra những điểm nhược trong văn hoá văn minh ấy để cười cợt cái mà họ gọi là sự “khác người” ấy (exception franøaise) của người Pháp.

Hình như người Huế cũng đang mắc bệnh này, và có xu hướng tự cho mình là “khác người” hay “hơn người” ở mặt này mặt khác, và luôn cả trong sự tụt hậu, hay luôn cả trong sự nghèo thiếu. Cái câu mà ai nấy thường nghe là “không nơi nào có được” thường bày ra hai mặt mà, khổ nỗi, mặt tiêu cực thường lấn lướt.

Vậy cho nên, vấn đề còn lại đối với người Huế là chữa cho được bệnh này hoặc làm cho căn bệnh lạm vào bên trong không phải sợ nguy hiểm, và muốn được vậy, hơn lúc nào hết, cần có nội lực thâm hậu.

B.Y
(188/10-04)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sớm ấy, (12/03/2009)