Theo SOM (Section d'outre mer - Archives du minisltère des colonies), trong tác phẩm của mình "Annam Tonkin 1885 - 1896" (viết tắt là A.T) xuất bản tại Pháp tháng 7/1989, giáo sư tiến sĩ sử học Charles Fourniau viết: "Ngày 18 tháng 5 (năm 1885 - 5/4/ Ất Dậu), nhân danh Viện Cơ Mật, Tôn Thất Thuyết có gửi cho Tổng sứ (Trung Bắc Kỳ ở Hà Nội, lúc ấy là Trung tướng Brière de L'Isle) một bức thư thật sự để cắt đứt: "Nếu Ngài Tổng chỉ huy nhận thấy nhiệm vụ bình định quá nặng nề, Ngài sẽ được nhẹ nhõm nếu Ngài chuyển tất cả binh đoàn và hạm đội của Ngài về Pháp", còn ông ta, Tôn Thất Thuyết, sẽ tự đảm nhiệm lập lại trật tự một cách nhanh chóng".
Chúng ta đều biết, sau khi triều đình ký hàng ước Quý Mùi (ngày 23/7, tức là hàng ước Harmand ngày 28/8/1883) và hàng ước Giáp Thân (ngày 13/5, tức là hàng ước Patenôtre ngày 6/6/1884), nhân sĩ và văn thân Bắc Kỳ nổi dậy chống lại cả triều đình chủ hào lẫn Tây xâm lược. Triều đình và Pháp xâm lược đang lo hợp tác để bình định cuộc nổi dậy của nhân sĩ văn thân Bắc Hà. Cụm từ "cắt đứt" viết trên của Ch.Fourniau là "cắt đứt" sự hợp tác để bình định Bắc Kỳ.
Theo AOM (Archives d'outre mer) trong tài liệu gửi cho đại tướng De Courcy ngày 6/6/1885 (24/4/ Ất Dậu) Đức ông Puginier có nói là Tôn thất Thuyết cũng gửi bức thư trên cho các quan đầu tỉnh Nam triều làm việc với Pháp ở Bắc Kỳ biết; và Tôn Thất Thuyết còn chỉ thị cho họ không được nhượng bộ Pháp, không được nghe theo Pháp mà thực thi các khoản đã ký kết trong hai hàng ước trên. Nếu họ không tuân lệnh, thì họ sẽ phạm tội khi quân và tội chống lại cuộc kháng Pháp của triều đình Hàm Nghi.
Theo bài "La prise de Huế par les Francais" đăng trong tạp chí B.A.V.H số 2 tháng 4 - 6 năm 1920, tác giả A.Delvaux cho biết:
Ngày 21/5/1885 (8/4/ Ất Dậu) bộ trưởng ngoại giao Pháp L.Freycinet điện lệnh cho Khâm sứ tại Huế (lúc bấy giờ là Lemaire) "phải cương quyết trừng phạt hành vi của viên thượng thư bộ binh nước Nam", "không thể để Thuyết ở chức phụ chánh lâu hơn", và phải "bãi chức của Thuyết và đày đi xa", vì Tôn Thất Thuyết đã phản ứng trì hoãn việc thi hành các hàng ước, đang tăng cường chuẩn bị chiến đấu và kích động các cuộc nổi dậy chống Pháp ở Cao Miên và ở Bắc Kỳ.
Trong tác phẩm của mình, ở trang 197, Ch.Gosselin cho biết: ngày 1/7/1885 (19/5/ Ât Dậu), trên đường vào Huế, đại tướng Roussel de Courcy viết: "trễ còn hơn không, ta sẽ bắt Tường và Thuyết, hoặc sẽ làm cho chúng hết phương phá hoại ta".
Ngày 14/4/1885, chính phủ Pháp, do thủ tướng ôn hòa Brisson cầm đầu, bổ nhiệm đại tướng Philippe Marie Henri, bá tước de Courcy, làm tổng chỉ huy trưởng quân đội viễn chính Pháp tại Bắc Kỳ để đối phó với tình hình chiến sự với Thanh triều ở các tỉnh tả ngạn sông Nhị, kiêm Tổng sứ Trung Bắc Kỳ để đối phó với tình hình nổi dậy của nhân sĩ văn thân ở Bắc Hà thay Trung tướng tổng sứ Brière de L'Isle.
Ngày 31/5/1885 (18/4/ Ât Dậu) đại tướng Bá tước De Courcy đến Bắc kỳ, liền cho chiếc tàu Pluvier vào Huế đón Khâm sứ Lemaire ra báo cáo tình hình. Báo cáo xong, Khâm sứ Lemaire xin từ chức luôn, không trở về Huế nữa, vì bất đồng với chính phủ Pháp về việc bổ nhiệm De Courcy. Tổng sứ cử De Champeaux vào Huế làm khâm sứ thay Lemaire. (Khâm sứ Lemaire là đại diện của chính phủ Pháp, còn Khâm sứ De Champeaux bây giờ là đại diện của Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm Tổng sứ Trung Bắc Kỳ Roussel de (Courcy).
Ngay khi mới đến Bắc Kỳ, De Courcy đã được Trung tướng Brière de L'Isle báo cáo bàn giao tình hình chiến sự ở Bắc Kỳ với Thanh triều và với nhân sĩ văn thân Bắc Kỳ.
Trong báo cáo đầu tiên về cho bộ trưởng bộ chiến tranh, De Courcy quyết định "tự thân chinh vào Huế cùng với một đoàn hộ tống khoảng một nghìn quân và một hạm đội nhỏ. Chỉ cần làm một cuộc giương oai bề ngoài như vậy, tôi sẽ cố gắng thanh toán tất các cuộc tranh luận ở Huế".
Bộ chiến tranh và bộ ngoại giao không đồng ý cái cung cách dùng bạo lực phi chính trị như thế đối với Nam triều của De Courcy.
Sự chuyển giao công việc từ Trung tướng Brière de L'Isle qua Đại tướng De Courcy, việc báo cáo chỉ thị bằng cap điện tín qua lại giữa Hà Nội với Paris, đã trì hoãn sự thực hiện nước cờ bạo lực võ biền của tướng quân tại ngoại De Courcy hết 1 tháng.
Ngày 2/7/1885 (20/5/ Ất Dậu) Đại tướng Tổng sứ De Courcy đổ bộ lên cửa Thuận An với hơn một nghìn quân và trọng pháo. Khâm sứ De Champeaux và quan chức đại diện Nam triều có mặt đón tiếp và tháp tùng rước Đại tướng về tòa khâm sứ ở Huế. Tại đây, Tổng sứ ra chỉ thị triệu Viện Cơ mật họp vào ngày hôm sau (3/7/1885), tại tòa khâm sứ, để bàn thủ tục lễ nghi bệ kiến trình quốc sư.
Về cuộc triệu họp này, Tiến sĩ giáo sư sử học Ch.Fourniau viết: "một kỳ vọng hai lần quá mức: Không phải Tổng sứ Pháp là có thể triệu họp Viện Cơ mật, một cơ quan điều hành thật sự cả một triều đình mà đức Vua còn đang nhỏ tuổi. Hơn nữa De Courcy lại quyết định địa điểm cuộc họp ấy tại tòa Khâm sứ Pháp bên kia sông Hương. Chưa bao giờ có một di chuyển của Viện Cơ mật ra ngoài thành nội, trái ngược với thủ tục lễ nghi đến thế. Thật là không thể tưởng tượng nổi".
Ngày 3/7/1885 (21/5/Ất Dậu) một đoàn đại biểu Viện Cơ mật do Nguyễn Văn Tường dẫn đầu, vẫn chiều ý của tân tổng sứ, qua tòa Khâm họp. Thấy không có Tôn Thất Thuyết trong đoàn, và được Nguyễn Văn Tường cho biết là Tôn Thất Thuyết không đi được vì đang bị ốm, Tổng sứ De Courcy hoãn họp cho đến khi nào có mặt Tôn Thất Thuyết. Tổng sứ còn nói trắng ra là có thể võng cáng Tôn Thất Thuyết qua nằm họp cũng không sao.
Mục tiêu bắt sống Tôn Thất Thuyết của De Courcy thật quá lộ liễu.
Triều đình và Tam Cung thì bối rối và chia rẽ. Hoàng thân quốc thích nghiêng hẳn về quan điểm của Tam Cung, muốn Tôn Thất Thuyết nhượng bộ yêu sách của De Courcy để cứu nguy Hoàng Triều.
Ngày 4/7/1885 (22/5 Ất Dậu), thứ 7 cuối tuần, nặng nề trôi .
Chiều tối cùng ngày, Đại tướng Bá tước De Courcy mở tiệc chiêu đãi ra mắt với các văn võ bá quan và kiều dân Pháp ở Huế, ngay trong khuôn viên Tòa khâm. Cuộc liên hoan tiệc tùng nhảy nhót kéo dài từ tối đến tận đêm khuya.
Hãy lui về quá khứ vài năm.
Ngay sau ngày ký hàng ước 23/7/ Quý Mùi (25/8/1883) Tôn Thất Thuyết đã nghĩ đến việc xây dựng hệ thống các sơn phòng ở các tỉnh trong khu vực cán bầu (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh), chuẩn bị cho chủ trương thiên đô rước vua ra Bắc Kỳ chống Pháp lâu dài. Nhưng còn phải chờ hoàn tất đại lễ quốc táng vua Tự Đức định vào đầu tháng 12/ Quý Mùi (1/1884).
Cuối tháng 12/ Quý Mùi (1-2/1884) bắt đầu xây dựng Sơn phòng Quảng Trị, mở rộng và di chuyển lên phía Tây phủ Cam Lộ.
Tháng 6/Giáp Thân (8/1884), Trung tướng Tổng sứ Mielot phái đại tá Guerrier đem quân vào Huế, buộc Nam triều phải để cho đại diện mẫu quốc Pháp phong vương cho vua Hàm Nghi. Rồi đến tháng 9/ Giáp Thân (10-11-1884) biết được nguyên nhân cái chết của vua Dục Đức, và thấy triều đình mộ quân tập lính và lập đồn Tân Sở ở ngoài Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, quân Pháp cho chiếm giữ đồn Mang Cá ở đông bắc thành Huế, Tôn Thất Thuyết và triều đình phải chịu nhượng bộ, vì công việc chuẩn bị chưa đâu vào đâu.
Nhưng ngay sau đó, qua tháng 10/ Giáp Thân (11-12/1884), việc gấp rút xây dựng Sơn phòng tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh ra tới bắc Nghệ An được khẩn trương đẩy mạnh.
Đến đầu tháng 4/ Ất Dậu (giữa tháng 5/1885) công việc đó cơ bản hoàn tất: một hệ thống Sơn phòng liên tục từ phía Tây phủ Cam Lộ, nối liền các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, theo tuyến đường Trường Sơn, khi ở bên Đông, khi ở bên Tây, khi ở ngay trên đỉnh.
Chính trong lúc này, Tôn Thất Thuyết đã gửi cho Trung tướng Tổng sứ Brière de L'Isle bức thư thật sự cắt đứt ngày 18/5/1885 (5/4/Ất Dậu) nói trên đầu bài viết này.
Trở lại cuộc liên hoan trong khuôn viên tòa Khâm sứ kéo dài từ tối đến tận đêm khuya ngày thứ bảy cuối tuần 4/7.1885 (22/5/ Ất dậu).
Những diễn biến xảy ra tại Huế sau cuộc liên hoan được chính De Courcy mô tả trong báo cáo đầu tiên của ông gửi về Pháp như sau: "Vào 1 giờ sáng (ngày 5/7/1885 - đầu giờ sửu ngày 23/5/Ất Dậu), một tiếng nổ của súng thần công báo hiệu, cuộc tấn công (của quân đội Nam triều) bắt đầu cùng một lúc vào tòa Khâm sứ và vào đồn Mang Cá. Những toán quân Nam triều, tay cầm bùi nhùi đỏ lửa, lăn xả vào những lính canh Pháp, tiến tới những trại lính lợp tranh mà trong đó binh lính đang ngủ, phóng hỏa. Tất cả các nơi bừng cháy, ngay trước khi lệnh đánh thức được ban ra".
Ch.Fourniau ghi lại: "trận chiến diễn ra trong rối loạn, đêm tối và lửa cháy. Binh lính Pháp chợt tỉnh giữa giấc nồng trong bộ đồ áo quần lót ngủ. Trung tá Metginger chỉ huy đợt đầu chiến đấu với quần cụt lót, không có thời giờ để mặc quân phục... Sự tồi dở của pháo binh của Tôn Thất Thuyết và sự hơn hẳn chỉ huy tác chiến của lực lượng Pháp giải thích sự đảo ngược tình thế vào sáng sớm...".
Ngày hôm sau, trong báo cáo về Pháp De Courcy ghi: "... cho đến khi những quân đi đốt nhà bị đẩy lùi ra khói đồn trại, cuộc đánh trả được tổ chức... Trọng pháo bắt đầu khai hỏa... nhiều toán quân đã tiến đến sát chân tường Cấm Thành, lúc 6 giờ, tìm cách phá cửa thành... Cuối cùng họ cũng tràn vào được trong Cẩm thành mè kẻ thù đã hoàn toàn bỏ trống. Chúng đã tháo chạy hết theo hướng Tây. Lúc nầy là 7 giờ 40".
Thế là Vua Hàm Nghi không còn ở lại trong kinh thành để Tổng sứ lưỡng kỳ bệ kiến trình quốc thư. Đặc biệt hơn, chủ trương bắt sống Tôn Thất Thuyết của đại tướng De Courcy đã hoàn toàn thất bại. Kế hoạch tập kích địch, rước vua thiên đô ra bắc để lo toan kháng chiến lâu dài của Tôn Thất Thuyết bước đầu đã thành công.
Để kết thúc sự đối đầu này, giáo sư Tiến sĩ sử học Ch.Fourniau viết: "Sự việc đã dồn đến cho Tôn Thất Thuyết chỉ còn một cách giải quyết: tấn công trước quân Pháp, lợi dụng ưu thế quân số khổng lồ sẵn có, và hiệu quả của sự tập kích bất ngờ. Cho nên chỉ ngay sau năm chục giờ De Courcy đến Huế, Tôn Thất Thuyết bất ngờ hạ lệnh tấn công".
"Với cách giải quyết này, cùng một lúc, Tôn Thất Thuyết đã bảo vệ vừa bản thân mình, vừa nền độc lập của đất nước, vừa phẩm giá của uy quyền Hoàng gia".
5/1999. T.X.T (129/11-1999)
|