Người Huế
Nhà ái quốc và nhà dân chủ luôn hướng về tương lai
15:20 | 31/07/2008
TRẦN THANH ĐẠMTrước Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân cách Việt Nam ưu tú và vĩ đại của thế kỷ XX. Bài này thử nêu lên một vài khía cạnh của nhân cách đó.
Nhà ái quốc và nhà dân chủ luôn hướng về tương lai

Trong bài Xuất dương lưu biệt, Phan Bội Châu có hai câu thơ:
 Ư bách niên trung tu hữu ngã
 Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
 
(Trong khoảng trăm năm cần có tớ
 Sau này muôn thuở há không ai)
 (Tôn Quang Phiệt dịch)
 Hai câu thơ đó đã đúc kết một phần quan niệm và thái độ sống, đồng thời thể hiện một nét rất đặc sắc của nhân cách Phan Bội Châu. Đó là: tiên sinh có một lòng tin rất lớn đối với chính mình đi đôi với một lòng tin rất lớn đối với dân tộc. Cũng có thể nói cách khác: đó là một tinh thần tự chủ rất cao đi đôi với một tinh thần dân chủ rất cao trong sự nghiệp cứu nước và dựng nước.
 
Về thân thế của mình, tiên sinh đã viết một câu rất có ý nghĩa: "Tôi sinh ra năm năm sau khi nước ta mất Kỳ. Một tiếng oa oa dường như đã cảnh cáo cho tôi biết rằng: mày sẽ là một người dân mất nước". Nhận thức rõ thân phận mất nước và nghĩa vụ cứu nước của mình, tiên sinh đã tự giác đứng ra nhận lĩnh trách nhiệm công dân của mình trước lịch sử, không thoái thác, không đợi chờ, không đun đẩy cho ai, dẫu biết rằng đó là việc vá trời lấp biển. Trong bài phú Bái thạch vi huynh (Tôn đá làm anh) có hai câu được mọi người truyền tụng: Tam sinh điền hải chi tư, vị vong tương bá; Nhất phiến bổ thiên chi lực, hựu thị phùng quân (Ba sinh lấp bể có lòng, không quên nhờ bác; Một tấm vá trời ra sức, còn dịp gặp anh). Tiên sinh đã tự nhận xét mình là người "quá tự tin, cho rằng trong thiên hạ này không có việc gì là việc không làm được ", là người "có gan mạo hiểm, dám làm, "dẫu có hàng nghìn hàng vạn kẻ thù trước mắt, cũng quyết tâm đi tới". Tiên sinh cho khó khăn là lẽ thường của cuộc đời, vượt khó là lẽ sống của con người: Ví thử đường đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai. Một quan niệm và một thái độ tự chủ và tự giác như vậy trong hoàn cảnh nước nhà gặp bước gian nan, thể hiện trong suốt một cuộc đời tận tâm tận lực phấn đấu vì lợi ích tối cao của dân tộc, chúng ta không thể gọi tên gì khác hơn là chủ nghĩa anh hùng.
 
Song chủ nghĩa anh hùng của Phan Bội Châu không hề là chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Ngay từ đầu, tiên sinh đã nhận thức và tin tưởng sâu sắc rằng: sự nghiệp cứu nước là sự nghiệp của toàn dân, chỉ cần toàn dân đồng tâm hiệp lực thì khó mấy cũng thành. "Hơn mấy nghìn thằng quỉ sứ làm cho thần giận người oán tài nào ăn ngon ngồi yên với mấy mươi triệu người Việt yêu nước trên đất này được. Nếu người Việt còn có nhân tâm thì nước Việt mất thế nào được". Trong Hải ngoại huyết thư, tiên sinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
 Mấy mươi triệu đồng bào đua sức
 Năm mươi nghìn giống khác được bao
 Cùng nhau bên ít bên nhiều
Lọ là gươm sắc súng kêu mới là...
 Ai cũng biết hợp quần là thế
 Khắp bọn này bọn ấy hợp nhau
 Gió lanh thì sấm cũng mau
 Chữ tâm một phút đâu đâu cũng đồng
 Cờ độc lập xa trông phấp phới
Kéo nhau ra đòi lại nước nhà...
 Việc dầu nặng chia mang cũng nổi
Xúm tay vào kéo lại non sông...
 
Vì nhận thức và tin tưởng như vậy nên tiên sinh đã đem hết tấm lòng nhiệt thành đối với mình biến thành tấm lòng nhiệt thành đối với người. Cũng như Hồ Chí Minh sau này, trong giai đoạn lịch sử của mình, Phan Bội Châu trước sau chủ trương đoàn kết dân tộc, tập hợp đủ mọi hạng người Việt Nam, phát huy, cổ vũ tinh thần yêu nước và chí khí anh hùng của họ, lấy đó làm sức mạnh để cứu nước. Trên phương diện này, có thể nói rằng Phan Bội Châu không những là một nhà ái quốc vĩ đại mà còn là một nhà dân chủ vĩ đại. Tiên sinh là nhà dân chủ Việt đầu tiên trong thế kỷ XX. Tinh thần dân chủ của tiên sinh gắn liền với tinh thần ái quốc, thể hiện trong quan hệ đối với mọi người, đối với công việc, về chiến lược cũng như sách lược. Con người kiên cường, bất khuất ấy cũng là con người rất khoáng đạt, bao dung. "Trong khi giao thiệp, nếu nghe được một câu nói hay, thấy được một điều gì tốt là suốt đời không quên, nhất là những lời nói thật tình, những câu phê bình gay gắt thì tôi lại càng vui lòng tiếp thu". "Khi trù tính công việc, chỉ nghĩ đến mục đích, lo sao cho có thể quyết thắng trong năm phút cuối cùng. Còn như thủ đoạn, phương châm thì dù phải thay đổi cũng không ngần ngại". Ai cũng biết rằng với tấm lòng yêu nước và ý chí cứu nước chân thành, tiên sinh đã không ngừng "đổi mới tư duy", đi từ tư tưởng quân chủ lập hiến đến với dân chủ cộng hòa và tiếp cận chủ nghĩa xã hội.
 Những điều đó đối với ngày nay vẫn còn mới mẻ và gần gũi biết bao!
 Trong tinh thần tự chủ và dân chủ đó, còn có một nét đặc biệt nổi bật nữa là thái độ của Phan tiên sinh đối với lớp người sau. Cũng vì biết rằng sự nghiệp cách mạng cứu nước là khó khăn, to lớn, lâu dài, không phải sức lực một người làm nổi, cũng không phải cố gắng nhất thời mà thành công, cho nên, trong quá trình hoạt động, tiên sinh chăm lo đào tạo lớp người sau. Bản thân tiên sinh rất có ý thức kế thừa tinh thần và sự nghiệp của thế hệ đi trước. Cho đến cuối đời, tiên sinh vẫn vô cùng biết ơn các bậc tiền bối như Nguyễn Hàm, tức Tiểu La, một yếu nhân của Nghĩa hội Quảng Nam mà tiên sinh cho là người đã "tác thành" cho mình trong bước đầu hoạt động. Ban đầu, khi xuất dương chỉ nhằm mục đích cầu viện, sắm vũ khí, song khi sang đến Nhật Bản, tiên sinh đã chuyển sang chủ trương vận động Đông Du, đào tạo nhân tài bên ngoài, phối hợp với phong trào Duy Tân, mở mang dân trí trong nước. Dù rằng phong trào bên ngoài cũng như bên trong cuối cùng đã gặp thất bại, song Phan Bội Châu không bao giờ từ bỏ chủ trương và chí hướng đó. Dù ân hận rằng mình có nhiều sơ sót, nhầm lẫn trong việc xét người, dùng người, trong đó có cả những học trò phản bội như Phan Bá Ngọc, song trái lại cũng có nhiều học trò của tiên sinh là những bậc anh hùng rất oanh liệt, xứng đáng với thầy, như Đặng Thái Thân, Hoàng Trọng Mậu, Trần Hữu Lực. .v.v... Tiếc rằng họ sớm hy sinh. Cũng với tinh thần luôn luôn hướng về tương lai đó mà trong những bước khó khăn đầu những năm 20 Phan Bội Châu đã quay nhìn về phía nhà cách mạng lớp sau nhưng đã tiến về phía trước: Nguyễn Ái Quốc. Mãi cho đến cuối đời, ước vọng thành công đối với sự nghiệp nửa chừng bỏ dở của mình, tiên sinh vẫn gửi gắm ở nhà cách mạng lớp sau đầy triển vọng đó. Từ khi bị bắt đưa về nước rồi bị giam lỏng ở Bến Ngự, không còn khả năng hoạt động được nữa thì Phan Bội Châu vẫn luôn luôn đầy lòng tin tưởng và trông cậy ở lớp người sau. Ở con người ấy, dù không tránh được những nỗi buồn sâu xa về chí hướng và thân thế của mình, song không bao giờ tắt niềm hy vọng vào tiền đồ phục hưng của dân tộc.
 Năm 1926, khi Phan Chu Trinh về nước và qua đời, Phan Bội Châu lấy việc khóc người chết để động viên người sống:
 Lấy ai đây nối gót nghìn thu,
Vậy ta phải kêu người chín suối...
Trước đã giỏi thời sau nên giỏi nữa...
Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn...
 
Một năm sau đó, trong Bài ca chúc Tết thanh niên, tiên sinh tha thiết hô hào lớp hậu sinh:
 Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
 Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần.
 Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
 Nung gan sắt quyết dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ...
 
Cũng trong năm đó, tiên sinh viết những bài ca Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, cổ vũ thanh niên nung rèn ý chí, tiếp tục đấu tranh.
 Suốt 15 năm trong vòng kiềm tỏa của địch, tiên sinh dốc cạn tâm huyết còn lại sử dụng văn chương làm phương tiện nhằm không ngừng thức tỉnh ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước của đồng bào, trong đó trung tâm chú ý lúc nào cũng là thế hệ thanh niên. Trong bài diễn thuyết tại trường nữ học Đồng Khánh Huế, tiên sinh đã cực lực cổ động ý thức về nhân quyền, dân quyền và nữ quyền trong chị em phụ nữ. Trong quan niệm của tiên sinh, nam nữ bình quyền, quyền gắn liền với nghĩa vụ. Và trước tiên vẫn là nghĩa vụ cứu nước: Lại như nhà nước khi gặp cơn sóng gió mà anh em chị em ta đều ngồi chung trong một chiếc thuyền, người bẻ lái, người cầm chèo, người kéo buồm, người quay mũi, có lẽ nào một phần con trai mà gánh hết được, thì chị em tất phải gánh lấy cho một phần, họa may chiếc thuyền bị nạn qua khỏi bể trầm luân. Tôi đây, hai mươi năm lẻ, lưu lạc chân trời, nổi chìm mặt bể, không ngờ còn có một ngày nay cùng các chị em hiệp mặt. Tôi trông đến mặt các chị em, vừa vui vừa sợ, vừa mừng vừa lo, như thấy một hột châu rất tươi sáng mà chìm ở dưới vũng cát đã lâu ngày, như thấy một cái bông lan rất thơm tho mà lấp vào giữa đống cỏ đã lâu ngày. Trau dồi cái hột châu này, phát hiện cái bông lan này, ngày ngày đêm đêm chỉ trông mong vào cái công phu học vấn của các chị em ta... Tôi mừng các chị em được như thế, mà tôi lại sợ các chị em chưa chắc được như thế, nên tôi có bấy nhiêu lời.
 
Trước lúc lâm chung, lời nhắn gửi cuối cùng của tiên sinh cũng là lời gửi đến lớp người sau:
 Nay đương lúc tử thần chờ trước cửa,
 Có vài lời ghi nhớ về sau
 Chúc phường hậu tử tiến mau!
 
Chưa đầy năm năm sau ngày tiên sinh mất, ước nguyện một đời của tiên sinh đã được "phường hậu tử” thực hiện với thành công của Cách mạng Tháng Tám. Năm sáu mươi năm sau đó nữa, hôm nay lớp con cháu của tiên sinh sẽ tiếp tục cố gắng để thực hiện ước nguyện của con người đáng kính ấy, nhà ái quốc và nhà dân chủ mà tầm măt và tấm lòng luôn luôn hướng về tương lai, vì vậy mà cũng mãi mãi thuộc về tương lai...
 29-10-1990
T.T.Đ

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng