Người Huế
Ưng Bình Thúc Giạ Thị với nhân vật và thi ca xứ Huế
15:12 | 27/08/2008
TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG(Trích tham luận trong Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh Ưng Bình Thúc Giạ Thị tổ chức tại Huế)
Ưng Bình Thúc Giạ Thị với nhân vật và thi ca xứ Huế


Năm 1997, đối với giòng Tuy Lý trong họ Nguyễn Phước của chúng tôi là năm có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ:
- 100 năm ngay mất của Tuy Lý Vương Miên Trinh (1897 - 1997) mà vua Tự Đức đã khen ngợi: "Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường".
- 60 năm ngày mất của Tiểu Thảo Hường Thiết (1937 - 1997) thân sinh ra Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tác giả nổi tiếng về tác phẩm "Đại Nam quốc toàn đồ" vào năm 1890.
- 120 năm sinh của Thầy tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1997) mà hôm nay quý vị đại biểu, quý nhà văn hoá, nhà nghiên cứu văn học, quý thi văn, nghệ sĩ, thân bằng quyến thuộc cùng có mặt để tưởng nhớ trong cuộc hội thảo đầy xúc động này.
Tôi xin phép được thay mặt giòng họ và gia đình tỏ lòng tri ân đối với tất cả quý vị kính mến và cac bạn rất thân thương có mặt hôm nay.
Thật là:
                        Đến bây giờ mới thấy đây
                        Mà lòng đã chắc những ngày một hai
                                                           
(Nguyễn Du - Kiều)
Nhân dịp này, cho phép tôi có vài ý kiến về những kỷ niệm của Ưng Bình Thúc Giạ Thị với nhân vật và thi ca xứ Huế"
Sinh thời Thầy tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị trong những năm ở quan trường và có dịp đi đây đi đó, thường thao thức, trăn trở và triết lý rằng:
Một vũng nước trong mười dòng nước đục
Một trăm người tục một chục người thanh
Biết đâu gan ruột gửi mình
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.
Tuy có mấy chục năm ở quan trường, nhưng thầy tôi luôn hướng về cái thú thi, tửu, cầm, ca "quên cả hình hài để sống cuộc đời Lý Đỗ".
Đến khi về hưu, (1933 - 57 tuổi), Thầy tôi mừng như cá gặp nước, như thuyền đi biển gặp lúc trời êm gió lặng:
Thuyền đến bến ba mươi năm bể hoạn
Lái còn nguyên lèo lạt hãy còn nguyên...
Và Thầy tôi có khi đã tự phác hoạ chân dung của mình bằng một câu hò và cũng có thể xem đây là một tuyên ngôn:
Vỹ Dạ thôn có lão vương tôn là Thúc Giạ
Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo hò khoan
Ham vui điệu cổ thi đàn
Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua.

Và:
Tuyết sương đã đến khi đầu bạc
Bạn tác càng nhiều kẻ mắt xanh...

Thế là sẵn có cơ hội tốt, có bạn hiền để thoả lòng ước ao với túi thơ bầu rượu. Thời kỳ đó, Thầy tôi đã cùng một nhóm thi hữu tri giao lập ra thi đàn lấy tên là Thi xã Vỹ Hương - thường tổ chức những cuộc du lãm các nơi danh lam thắng cảnh ở đất Thần Kinh, hoặc có khi lên núi xem hoa, lúc chèo thuyền thưởng nguyệt - xướng hoạ nơi Lộc Minh Đình ở khuôn viên nhà Thầy tôi tại thôn Vỹ Dạ.
Nói như giáo sư Phan Thế Roanh: "Tiên sinh đã làm cho phong trào thi ca ở Huế ngày càng thêm thịnh...". Khoảng thời gian nầy Thầy tôi thường giao du với các bậc tiền bối và những vị đồng niên kỷ như các cụ Tiểu Cao Nguyễn Mại, Phước Môn Nguyễn Hữu Bài, Mộng Phật Tôn Thất Diệm, Vân Bình Tôn Thất Lương, Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khoa Kỳ, Thượng Chi Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Hồ Đắc Hàm, Thân Trọng Ngật, Sư Viên Thành, Hỷ Thần Nguyễn Hy...... Phan Mạnh Danh (miền Bắc).
Nhỏ tuổi hơn thì có: Linh mục Nguyễn Văn Thích, Hoà thượng Thích Trí Thủ, nhà văn Trần Thanh Mại, Nguyễn Tiến Lãng, Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, Kính Chỉ Phan Văn Hy, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Lê Thanh Cảnh, Đào Đăng Vỹ, Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, Quách Tấn, Thanh Tịnh, Lê Quang Thiết, Nguyễn Khoa Toàn, Tương Phố, Chi Tiên, Cao Ngọc Anh, Đạm Phương. Các nhạc sĩ: Nguyễn Hữu Ba, Bửu Lộc, Vĩnh Trân, Vĩnh Phan, và rất nhiều ca sĩ.
Thỉnh thoảng Thầy tôi lại cho mở cuộc thi thơ có treo giải thưởng, đầy thú vị và hào hứng. Nhà thơ Hà Thượng Nhân có kể lại một giai thoại nhân lúc anh đến dự lễ huý nhật Thầy tôi tại nhà tôi ở Sài Gòn.
Năm 1939, anh vô Huế học. NhânThầy tôi tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề "Trăng Thu" nhưng cấm không được cố chữ Trăng và chữ Thu. Anh Nhân đã hăng hái tham gia. Và thật bất ngờ bài thơ của anh đã trúng giải:
Sương mỏng manh canh vắng lặng tờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ
Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ
Phơi phới mây xa thiếp hững hờ
Bến quạnh lau già người chểnh mảng
Rượu tàn canh vắng khách bơ vơ
Lầu cao ai đó nâng rèm trúc
Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ

Khi công bố kết quả, đọc đến tên anh Nhân, mọi người thấy một cậu bé mặc áo dài đi lên. Thầy tôi sửng sốt đọc hai câu thơ:
Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ
Một bài cũng đáng gọi Thi Ông...
Anh Hà Thượng Nhân kể: "Lúc bây giờ tôi còn ít tuổi nên hiếu thắng, bèn đọc tiếp ngay lời cụ Ưng Bình:
Bảy bước dám thua Tào Thực trước
Một lời xin gửi tạ Tôn Ông.
Ý tôi muốn nhắc tới Tào Thực, con Tào Tháo, bảy bước đi làm xong bài thơ. Cụ Ưng Bình vỗ vai tôi khen: "Chân thiếu niên thi sĩ, chân thiếu niên anh tuấn". Tôi khép nép nhận giải thưởng từ tay cụ Ưng Bình. Lúc đi ngang qua cụ Kính Chỉ, cụ nói: "Này cậu, một bước không chịu thua Tào Thực à? Nhưng mà cậu này: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Lời vàng ngọc ấy theo tôi suốt cuộc đời.
Năm mươi mốt năm sau, tức 1990, anh Hà Thượng Nhân có dịp đến nhà tôi, nhân dịp giỗ thầy tôi như đã nói trên kia. Anh đã xúc động, đứng trước bàn thờ đọc một bài thơ:
"Chẳng thể nào quêntình Thúc Giạ
Nhớ đêm thơ rượu chốn Hương Bình
Cụ ngồi ngoảnh mặt ôn tồn hỏi
Con đứng khoanh tay khép nép trình
Tưởng giải trăng thu còn bát ngát
Như làn ánh sáng vẫn lung linh
Hỷ Khương nhắc lại thời thơ ấu
Không lẽ nào con cứ nín thinh...".

Đối với anh em trong gia đình Tuy Lý, Thầy tôi cũng thường xướng hoạ với những người thân thương: Quật Đình Ưng Ân, Hoè Đình Ưng Oanh, Thúc Thuyên Ưng Tôn, Vân Hán Ưng Quả, Mân Hương Ưng Thiều, Vu Hương Ưng Thuyên, Di Sơn Ưng Dị, Thúc Dật Ưng An, Thúc Đoan Ưng Trung, Ưng Hoát, Ưng Thông, Như Không, Như Nguyện. Về hàng cháu Thầy tôi đặc biệt quí giáo sư Bửu Cầm.
Với anh em trong Hoàng tộc, Thầy tôi cũng thường gần gũi, gắn bó, yêu thương. Một hôm bác Ưng Trình đem xe hơi xuống nhà đón Thầy tôi lên thăm chú Ưng Dinh. Năm ấy chú Ưng Dinh ngoài 90, Thầy tôi 80 hơn, bác Ưng Trình gần 80. Theo thứ bậc bác Ưng Trình là đàn anh (Phòng Tùng Thiện), đến Thầy tôi (Phòng Tuy Lý), sau hết chú Ưng Dinh (Phòng Lạc Hoá), như vậy người em sau cùng lại là người cao niên hơn cả. Và người anh lớn lại nhỏ tuổi nhất. Có điều là 3 người có tên cùng chung một vần (Trình, Dinh, Bình). Tôi cho đây là một sự ngẫu nhiên kỳ thú nên thỉnh cầu quý cụ làm một bài thơ kỷ niệm. Cả ba vị cố lão đều vui vẻ tán thành. Lúc đó lại có chụp chung một tấm ảnh mà sau đó đề là "Tam Lão Đồng Thanh".
Thầy tôi ứng khẩu đọc bài thơ xướng:
Sẵn bánh xe hơi nhắm lộ trình
Sẵn lòng lên viếng cụ Ưng Dinh
Gặp nhau ba lão đều vui sướng
Nói chuyện phong lưu cảnh thái bình.
Bác Ưng Trình hoạ lại rất nhanh:
Làng thơ ra lão có Ưng Trình
Mươi tuổi còn thua cụ Hiệp Dinh
Tam lão đồng thanh nhìn lại ảnh
Bạn thơ thêm một cụ Ưng Bình
Tiếp theo chú Ưng Dinh đọc:
Vị thứ đàn anh có cụ Trình
Tuổi nhiều em cả nọ Ưng Dinh
Cùng chung một họ, tên ba lão:
Hai chữ Trình, Dinh với chữ Bình.

Cuối cùng, tôi xin phép được hoà vận theo, và lấy nhan đề: "Nói chuyện đặc biệt của Tam lão":
Hoạt bát ai so kịp bác Trình?
Tuổi trời ai sánh chú Ưng Dinh?
Suốt đời xướng hoạ ngâm nga mãi
Hỏi mấy ai hơn Thúc Giạ Bình?

Cả ba cụ đều vui cười, thích thú và khen tôi "giỏi". Tôi rất vui và vô cùng xúc động khi nhìn ba vị đại lão cũng chính là ba cụ Hiệp Tá Đại Học Sĩ như ba vị Tiên Ông đang du ngoạn buổi chiều xuân - kỷ niệm này thực khó phai mờ trong ký ức.
Sau khi Thầy tôi mất, cụ Tử Hương Hồ Đình Lan kể tiếp. Tôi được biết có nhiều người trong giới trẻ tham gia. Lúc nầy tôi đã ở Sài Gòn, nên chỉ nhớ có vài người như: Ngũ Xa Thơ Hoàng Văn Ngũ, U Mộng Vũ Huyền Dư...
Trong thời kỳ 1950 - 1960 các thi hữu trong Hương Bình thi xã ước hẹn cứ một tháng một kỳ vào ngày chủ nhật đầu tiên, gọi là kỳ "Hội ngâm". Mỗi tháng có một đề thi chung cho các thi hữu theo đó mà làm. Đề thi đó do Thầy tôi hoặc làng thơ lựa chọn. Chỗ "Hội ngâm" thường là chốn hưu đình của Thầy tôi (Lộc Minh Đình), hoặc mỗi tháng luân phiên tới tư thất của một thi hữu.
Có những buổi hội thơ chính tôi phải ngâm lên tất cả các bài thơ của các thi hữu để cùng thưởng thức và bình phẩm. Thầy tôi rất vui khi thấy tôi luôn luôn "hoàn thành nhiệm vụ ". Và tôi cũng được quý vị thi khách rất đổi yêu thương. Những lần như thế đỗi với tôi là những kỷ niệm vô cùng quý giá. Tôi thật vui mừng và xúc động. Đồng thời cảm thấy như mình gần gũi với cha hơn. Hồn thơ trong tôi từ đó hình như càng thêm dạt dào. Cuộc sống mang thêm nhiều ý nghĩa.
Có khi Thầy tôi và các thi hữu đặt những câu hò đối đáp trong những buổi hội ngâm để thêm phần hào hứng.
Một hôm cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy viết lên hai câu có tính cách "thời sự" lúc bấy giờ:
Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời.
Thầy tôi tiếp thêm 2 câu cho trọn câu hò:
Ai ơi! cho hỏi một lời
Vì sao non nước đổi dời ra ri?
Và Thầy tôi lại làm tiếp theo một câu trả lời:
Nọ nước nầy non hãy còn như cũ
Giang sơn hữu chủ ai nhủ em lo.
Rồi đây tái tạo cơ đồ.
Sẽ có cho chim đậu, cũng có đò cho em đi.

Giai thoại này được truyền tụng ở Huế lúc bấy giờ. Mãi đến sau này có người vẫn còn nhớ và nhắc nhở.
Trong thời gian Thầy tôi làm chủ suý Hương Bình thi xã, có một chuyện rất đặc biệt: đó là lễ sanh điếu - nguyên trong một buổi họp mặt, nhân khi đàm đạo về những bài điếu văn tuyệt tác trong thiên hạ, một bạn làng thơ chợt hỏi:
- Sau khi cụ trăm tuổi về trời, chắc là thơ ca của bằng hữu phúng điếu nhiều lắm...?
Thầy tôi cười vui trả lời:
- Các bạn già như tôi nếu được phúng điếu khi còn sống có lẽ thích thú hơn, vì được thưởng thức hết những lời hay ý đẹp, lại còn có dịp trao đổi cùng bạn bè... Sau này khi khuất rồi, liệu chừng có thưởng thức được không?
Các thi hữu ra về - chuyện chỉ có thế. Nhưng khoảng dăm hôm sau thầy tôi nhận được bao nhiêu là thơ ca mừng sanh điếu của các thi hữu trong Hương Bình. Tiếp theo của thi đàn Diêu Trì ở Sài Gòn của BS. Diên Hương Trần Ngọc Án, Phan Thiết có thi xã Liên Thành của cụ Phú Khê Đoàn Tá, các nơi khác từ Nha Trang đến Đà Nẵng, Quảng Trị tới tấp gởi về.. Có rất nhiều bài thơ của cả những người chưa hề quen biết. Và đây là một bài thơ của một thi sĩ vô danh mà Thầy tôi bảo rằng: "Có tinh thần sanh điếu cao" người rất tâm đắc:
Thọ bảy mười năm Phật ở đời
Vui khi còn sống điếu mà chơi
Con dâng lễ cúng hầu ban chuyện
Bạn viết văn ai đến chọc cười
Xót mắt bụi trần chưa nỡ nhắm
Nóng lòng vận nước để chờ coi
Hoàng gia nguyên lão còn không mấy
Dưới đất văn chương nọ thiếu người.
Nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy đã làm một bài văn tế rất đặc sắc, kể hết cả cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tính tình, tài đức của Thầy tôi nằm gọn trong bài văn tế ấy. Cụ đã dùng vần trắc rất khúc mắc, vậy mà cả bài văn dài như thế vận nào cũng thoát, êm ái, nhẹ nhàng, trôi chảy... những chữ những câu đối với nhau vô cùng xuất sắc, tài tình.
- Kẻ câu thơ, người câu đối, văn chương khác thể gấm thêu.
Kia sắc đỏ, nọ sắc xanh, phên vách nhuốm màu vóc nhiễu
- Bạn bè lui tới, nghe ngâm nga, nào có nghe than.
Con cháu vô ra, thấy vui vẻ mà không thấy mếu.
- Ba bốn tỉnh làm quan thanh bạch, vàng thoi bạc nén không dư.
Mấy mươi năm vui thú giang hồ, gió mát trăng thanh, nỏ thiếu.
- Quận triều trọng vọng, đã là ông chức tước cao cao.
Sơn thuỷ nhàn du, lại có vẻ thần tiên tiểu tiểu.
- Hay dè dặt lời ăn tiếng nói, vẫn không ngọng bởi xôi chùa.
Cứ thẳng ngay nước bước đường đi, nào có oam như tre miễu
...
Để tạ lòng các bạn làm thơ, thầy tôi làm một bài ca trù sau đây:
Xuân phong vô dạng
Mình còn đây mà liễn điếu bạn đi đây
Xanh xanh đỏ đỏ chưng đầy
Hàng Nhựt có, hàng Âu Tây cũng có
Ngâm luật, ngôn ngôn giai cẩm tú
Ca trù tự tự tẫng châu ky
Những câu ca câu đối lại siêu kỳ
Thiệt chết cũng e khi mừng sống lại!
Huống thử bạch đầu xuân tự tại
Bảy mươi lăm xuân hãy còn xuân.
Ngỏ lời tạ đấng nhân văn.
Cuộc đời thật đầy thi vị và hứng thú với nếp sống thanh nhã phong tao mà thầy tôi vẫn nói với tôi: "Con có biết không? được như ri là cũng nhờ ơn Trời Phật thương đó". Nhiều khi hồi tưởng lại tôi nhìn thấy Thầy tôi như một tiên ông, và điều này nhiều người cũng cảm nhận như thế:
Tiên ông Thúc Giạ tám mươi dư
Nằm bệnh trên giường lại nhớ thơ
Chiều ý lão thân chân nghệ sĩ
Tôn nương ngâm lại những vần xưa
(BS. Đặng Ngọc Tốt - Hải Thượng)
Thuở sinh tiền, hầu như ngày nào Thầy tôi cũng muốn nghe ngâm thơ, hò, ca, hát... nhất là những khi người cảm thấy buồn hay nhàn rỗi, thường thường Thầy tôi muốn nghe tôi ngâm những bài thơ, câu hò, câu ca mà người lấy làm đắc ý, cũng có khi ngâm cả những bài thơ xưa của các thi sĩ đời Đường như: Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn...
Mãi đến khi sắp lâm chung cũng thế. Cho nên tôi luôn luôn ở bên cạnh người, vừa ngâm đọc thơ ca, vừa xúc động nghẹn ngào trào nước mắt. Có bao giờ tôi quên được giờ phút ấy trong cuộc đời!
Và cũng nhân dịp trở lại chốn xưa: đất Thần Kinh yêu dấu - lại đang được ngồi nơi mạn thuyền trên dòng Hương Giang xanh trong muôn thuở, tôi xin phép một lần nữa được tỏ lòng thành kính mến thương đối với người Cha mà tôi vô cùng yêu quí. Và sau đây là bài thơ tôi dã viết trong một dịp lễ tưởng niệm phụ thân:
Trăng vẫn sáng, tình trăng gợn sóng
Nắng vẫn vàng, xao động nước Hương Giang
Ngự Bình mộng vẫn chứa chan.
Trăng xưa, nước cũ mơ màng bóng Ai...

Mấy chục năm qua vẫn nhớ Người
Dáng hình từ phụ chẳng hề phai
Lời xưa di huấn thời son trẻ
Con vẫn mang theo suốt cuộc đời

Dò dẫm đường trên mỗi bước đi
Khó khăn từng chặn, vượt từng khi
Tháng năm êm ấm nhờ ơn Phật
Hạnh phúc Trời ban thật diệu kỳ!

Chiều nay giữa khói trầm nghi ngút
Mấy đoá hoa thơ ngát vị đời
Theo tiếng ca ngâm hoà tiếng nhạc
Dâng niềm thương nhớ vạn trùng khơi

Sóng vàng quyện ánh sao rơi
Văn Lâu khúc hát trao lời núi sông
Dòng Hương Giang nước vẫn trong
Trong xanh như cả tấm lòng người xưa.
T.N.H.K
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng