Người Huế
Quốc mẫu phước đức hiển minh
15:26 | 17/10/2011
THANH TÙNG Trong các bậc mẫu nghi thiên hạ ít ai được như Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ. Bà là người mẫu mực về đức hạnh, yêu thương dân, nuôi dạy con giỏi và biết đối nhân xử thế; khi cần biết tham gia việc triều chính đúng mức, hiệu quả.
Quốc mẫu phước đức hiển minh
Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ - Ảnh: quehuonggocong.com
[if !mso]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Người đời sau trân trọng gọi bà là Quốc mẫu. Sử nhà Nguyễn ngợi ca bà: “Hợp tất cả phúc của thiên hạ làm phúc của mình”.

Bà là Phạm Thị Hằng, trưởng nữ của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, quê ở Gò Công. Bà sống lâu, thọ 93 tuổi, làm mẫu nghi thiên hạ liên tục tám đời vua, trong đó có năm triều vua bà là Thái Hoàng Thái hậu. Cuộc đời bà vẹn toàn một tiếng thơm, rạng ngời trong sử sách. Sau khi qua đời lăng mộ bà được táng trong khuôn viên Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị), linh vị bà được thờ ở Thái Miếu trong Hoàng thành, ở điện Bửu Đức trong Xương Lăng và ở điện Lương Khiêm trong lăng Tự Đức.

Từ cung nữ đến Thái hoàng Thái hậu

Là người hiền thục, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu nghĩa, ham đọc sách, hiểu biết rộng nên mới 14 tuổi ái nữ của ngài Quốc công tiền triều được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung chăm sóc cho Hoàng tử Miên Tông, con vua Minh Mạng, cháu nội của bà. Năm 1841 Miên Tông kế vị ngai vàng, niên hiệu Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng trở thành Quý phi. Con trai của bà là Hồng Nhậm, nối ngôi năm 1848, niên hiệu Tự Đức, tại vị cho đến năm 1883. Bà có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi. Hoàng trưởng tử Miên Tông lên ngôi bà được phong Thượng nghi để coi sóc Tam cung Lục viện. Hai năm sau bà được phong Thần phi. Đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong Giai phi, rồi Nhất giai phi. Bà được phép ngồi sau màn nhung nghe vua bàn quốc sự với các đại thần, hoàng thân.

Trước khi lâm chung vua Thiệu Trị nói với các đại thần: Quí Phi là nguyên phối của Trẫm, công, dung, ngôn, hạnh rất mực đoan trang, phước đức hiển minh, sau này con cháu ắt hưởng phúc dài lâu, lại tận tụy giúp trẫm trong bảy năm cầm quyền (1841-1847). Ý trẫm muốn sắc lập Hoàng hậu cho chính vị trong cung, nhưng tiếc thay chưa kịp. Theo ý chỉ, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ, nhưng bà viện dẫn mọi lý do rất thực tế để từ chối. Khi thì “Lúa mạ các nơi chưa được mùa, dân các nơi chưa vui đủ”. Lúc thì “Biên cương chưa
yên, cơ vụ còn nhiều, còn lòng nào ta vui riêng được”. Nhân lễ ngũ tuần, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ khẩn thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà dụ rằng: Ta đã được thiên hạ phụng sự, thì nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc Hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên. Vả lại tánh ta vốn kiệm ước, chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao? Vậy thì sớ thỉnh ấy nên bãi đi, chỉ nguyện chư công và quần thần lo giúp chính trị, giáo dục thế nào cho ta được thấy thịnh trị thái bình, thì không chi vui bằng.

Cho đến lễ lục tuần bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu nhưng buộc lễ tấn phong phải thật đơn giản, ít tốn kém… Danh tiếng của bà vì thế mà được người đương thời và hậu thế mãi mãi lưu truyền. Tháng sáu năm Quí Mùi (1883), vua Tự Đức băng hà, có để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Nhưng vì thời cuộc, vì triều chính rối ren, đến năm 1885 vua Hàm Nghi mới làm lễ tấn tôn cho bà.

Người mẹ giỏi dạy con

Xuất thân danh gia vọng tộc, biết kế thừa truyền thống gia đình, truyền thống liệt nữ trong sử sách nên bà Từ Dũ có kiến thức sâu rộng, thông hiểu việc nước việc đời cũng như việc nuôi dạy con cháu trong gia đình. Bà thường hỏi vua Tự Đức từ quốc gia đại sự cho đến chuyện thường ngày trong thiên hạ và ban dạy những điều hay lẽ phải. Là người con rất hiếu thảo, biết vâng lời mẹ nên khi Đức Từ Dũ truyền dạy điều gì hay vua Tự Đức đều ghi chép cẩn thận, về sau cho khắc in gọi là Từ Huấn Lục.

Có lần nhân rảnh việc triều chính vua Tự Đức tổ chức đi săn ở vùng rừng Thuận Trực, không may trên đường về gặp mưa lũ. Sắp đến ngày kỵ (giỗ) đức Hiến Tổ (vua Thiệu Trị), bà Từ Dũ sốt ruột, sai đại thần Nguyễn Tri Phương đi đón ngự đạo hồi cung. Đi được nửa đường Nguyễn Tri Phương gặp thuyền ngự đương ngược dòng nước chảy xiết, không thể đi nhanh được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến Nghinh Lương Đình. Trời đang đổ mưa nhưng vua Tự Đức vẫn vội vàng lên kiệu đi thẳng vào cung Diên Thọ xin chịu tội với mẹ. Bà Từ Dũ không nhìn con, chẳng nói chẳng rằng, ngồi xoay mặt vào màn. Vua Tự Đức lấy một cây roi mây dâng lên để trên kỷ rồi nằm xuống xin chịu phạt đòn. Một hồi lâu bà Từ Dũ quay mặt lấy tay hất cái roi nói rằng: Thôi, tha cho! Đi chơi mà để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ. Vua Tự Đức lạy tạ mẹ, lui về. Trong đêm đó Tự Đức đã phê thưởng cho các quan quân hầu ngự.

Biết giữ gìn đạo lý và bản sắc văn hoá dân tộc

Dưới thời Tự Đức hát tuồng phát triển rực rỡ cả về số lượng lẫn chất lượng, ngành nghệ thuật này đạt đến đỉnh cao. Bản thân vua Tự Đức là một nhà sáng tác, nhà lý luận văn học và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tuồng. Ông đã cho thành lập Ban Hiệu thư, một tổ chức tập trung các học giả có biệt tài sáng tác và chỉnh lý kịch bản tuồng của triều đình, hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính nhà vua. Chủ trương, việc làm của vua Tự Đức không phải là ngẫu nhiên, tùy hứng. Bà Từ Dũ rất mê hát tuồng. Nhân ngày khánh tiết, bà cho mời đội tuồng ở Thanh Bình Thự vào diễn trong cung Diên Thọ. Hôm ấy đội tuồng diễn vở Đường Chinh Tây, lớp Phàn Lê Huê truy huynh sát phụ. Các diễn viên diễn rất hay nhưng bà Từ Dũ không vui. Bà gọi viên Đội trưởng đội Thanh Bình tới bảo: Người Tàu bày đặt câu chuyện ấy là tầm bậy, trái với đạo lý. Đã cho Phàn Lê
 Huê tài giỏi như thế thì thiếu chi cách gỡ kịch tính, xung đột, cớ chi phải để cho hắn giết cả cha lẫn anh. Như thế thì còn tình nghĩa chi nữa mà diễn cho người đời xem? Người Tàu khác, người mình khác. Người đặt truyện đã đặt tầm bậy cớ chi người soạn tuồng cũng tầm bậy theo? Phải sửa lại, đừng để nguyên xi như thế, sao cho hợp lý và thuận với người nước ta!

Đội trưởng đội tuồng Thanh Bình nhận lỗi và hứa sẽ sửa chữa lại. Vua Tự Đức biết chuyện cũng cảm thấy có lỗi của mình trong đó. Và ông đã sửa sai bằng việc cho thu về tất cả các kịch bản tuồng đang lưu hành trong dân gian và trong cung để nhuận sắc lại. Vở nào không phù hợp với đạo lý của người Việt Nam đều phải chỉnh sửa. Nhờ việc làm này mà giá trị văn học và tư tưởng của tuồng được nâng cao một bước. Bên cạnh việc chỉnh lý, các học giả của Ban Hiệu thư cũng đã tham gia sáng tác nhiều vở tuồng rất có giá trị, đặc biệt là sự sáng tạo thể loại tuồng trường thiên như các vở Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy, mỗi vở dài gần 100 hồi, mỗi hồi diễn trong một đêm. Tuồng Huế đã phát triển thành một phong cách riêng biệt, nổi trội, và trở thành khuôn mẫu cho cả nước.

Ngự sử của triều đình

Là bậc mẫu nghi thiên hạ, uy tín trong triều ngày càng lớn, nhưng bà không vụ lợi, không thiên vị con cháu trong dòng họ khi cất nhắc, đề bạt, ban thưởng, mà ngược lại, rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Có người trong thân tộc từ Gò Công ra Huế cầu xin vua Tự Đức ban cho chức tước. Bà nhắc nhở nhà vua: Người trong họ mẹ, không có công lao gì thì không được ban cho họ tước lộc. Hễ có ai làm điều gì sai trái thì cứ nghiêm trị đúng luật lệ để giữ kỷ cương phép nước, làm gương công minh cho thần dân đều biết.

Bà thường khuyên vua Tự Đức chăm chỉ đọc sách, trau dồi kinh sử và cùng con suy nghĩ, bàn luận những điều trong kinh thư, Hán sử, Việt sử để rút ra bài học trị nước, chăn dân. Bà luôn luôn quan tâm đến hiện tình đất nước và nhắc nhở con: Nhân bất học bất tri lý. Làm vua thì phải cảnh giác với bọn quan tham. Xưa nay trên quan trường một chữ tham là chưa trừ được, sinh ra mọt nước hại dân là từ đám tham quan. Quan bổ ra các tỉnh, khi trở về thì vị nào cũng giàu có. Của cải ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu mà ra?

Không chỉ có những lời dặn dò, ban dạy nhà vua trong những lúc mẹ con tâm sự hay đàm luận về sử sách. Nhiều lần, bà đã trực tiếp uốn nắn những việc làm sai trái của nhà vua. Lúc vua Tự Đức mới lên ngôi, còn trẻ tuổi, lại hay đau yếu nên việc triều chính hay bị trễ nải, nhiều cuộc thiết triều quan trọng bị bãi bỏ bất thường. Đình thần nhiều người lo lắng nhưng không ai dám lên tiếng. Chỉ có Tiến sĩ Phạm Phú Thứ dâng sớ đàn hạch nhà vua sao nhãng quốc sự. Vua Tự Đức giận dữ, cách chức Phạm Phú Thứ, cho về làm lính trạm ở Thừa Nông. Thái hậu Từ Dũ biết chuyện. Bà chờ dịp thuận tiện lựa lời hỏi vua Tự Đức: Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông ta được cái gì? Vua Tự Đức trả lời: Dạ, ông không được cái gì cả. Nhưng con thấy bề tôi mà trách vua như vậy là quá đáng. Thế khi về làm lính, ông ta có oán hận và có buồn không? Con không nghe có chuyện oán hận. Không những không buồn mà ông ta còn rất vui. Con nghe nói chiều chiều ông hay thả thuyền, ngâm thơ trên sông Thừa Nông với biệt hiệu là Nông Giang. Bà Từ Dũ gật đầu hài lòng: Thế thì người này đáng trọng lắm. Bậc trượng phu không phải vui ở chức tước, được người trên kẻ dưới trọng vọng, mà vui ở việc làm chân chính của mình. Dâng sớ trách vua là vì thương vua, yêu dân, giúp vua lại bị nạn mà không hề giận hờn, trách móc. Đó chính là người
 chính trực và trung thành. Nghe lời khuyên nhủ chân tình vua Tự Đức sụp lạy mẹ rồi liền ân xá cho Phạm Phú Thứ, mời ông trở lại kinh phục hồi chức vụ, giao công việc mới ở sở Tu thư. Nhìn nhận đánh giá về Phạm Phú Thứ của bà Từ Dũ quả không sai. Sau này ông tham gia sứ bộ sang Pháp điều đình chuộc lại đất lục tỉnh. Ông ghi chép những điều tai nghe mắt thấy về văn minh phương Tây, trên cơ sở đó đề xuất với nhà vua nhiều ý kiến về canh tân đất nước.

Quốc mẫu biết lo cuộc sống muôn dân

Vừa giúp vua về triều chính bà vừa trông coi hậu cung. Bà rất nhân từ với các phi tần, không bao giờ hiềm khích, đố kỵ, thương yêu con của các phi tần như chính con của mình. Trong triều ngoài nội ai ai cũng quý trọng đức độ, nhân cách và công lao của bà. Bà nổi tiếng là một Thái hậu thương dân. Năm 1874, khi quân Pháp xâm chiếm hoàn toàn lục tỉnh Nam Kỳ, buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký hòa ước, cắt đất sáu tỉnh làm nhượng địa, bà Từ Dũ bỏ ăn mấy ngày liền, mặt mày ủ rủ theo vận nước lúc lâm nguy, dân tình khốn khổ. Ngày trước ở Huế có lưu truyền bài vè bà Từ Dũ xin miễn thuế cho dân. Lúc ấy người Pháp cho xây lại cầu Trường Tiền bằng sắt, bắt dân phải nộp thêm thuế với lý do để lấy kinh phí làm cầu. Bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết một lá đơn gửi Toà Khâm sứ xin miễn thuế... Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhân đức của bà đã đi vào lòng người.

Từ trước năm 1975 ở Sài Gòn có một bệnh viện phụ sản được đặt tên Từ Dũ, vừa là ghi nhớ công đức của Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ vừa là nhắc nhở, giáo dục người thầy thuốc phải luôn luôn trau dồi y đức, tận tuỵ chăm sóc bệnh nhân.

Với quan niệm sông Hương là dòng sông nghệ thuật, dòng sông tâm linh và thể hiện sự tri ân những người đã tôn vẻ đẹp cho dòng sông thơm, đầu thập niên 1990, khi thực hiện đồ án quy hoạch đôi bờ sông Hương, KTS Nguyễn Trọng Huấn đề nghị dựng tượng nữ thần sông Hương ở đầu phía đông cồn Dã Viên, hướng về phía kinh thành; ở bờ bắc sông Hương thì dựng tượng hai người đẹp, hai nàng công chúa đến từ xứ Bắc là công chúa Huyền Trân và công chúa Ngọc Hân, bờ phía nam dựng tượng hai người phụ nữ tiêu biểu đến từ miền Nam là Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ và danh tướng nhà Tây Sơn Bùi Thị Xuân.

TH.T
(272/10-11)







Các bài mới
Các bài đã đăng