Nhiếp ảnh Huế
40 năm nhìn lại Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế
08:59 | 20/04/2015

HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ (1945 - 2015)

NGUYỄN KHOA QUẢ  

Tôi xin viết ra đây cảm nghĩ của mình sau 40 năm làm nghệ thuật với hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế từ năm 1975 đến nay.

40 năm nhìn lại Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế
NSNA Nguyễn Khoa Quả

1. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2000. Sau khi thống nhất đất nước, anh em nghệ sĩ hai miền Nam Bắc được Tỉnh tổ chức thành lập Hội Văn nghệ tại trường Cao đẳng nghệ thuật ở trong Thành Nội Huế, gồm các cụ: Nguyễn Khoa Lợi, Tôn Thất Dung, Trần Nguyên Cáo, Võ Việt Đức, La Cảnh Lưu, Ích Sanh, Lê Viên, ở miền Bắc vào có Nguyễn Khoa Quả, Hồng Sáu, Hồ Sỹ Sô và một số anh em nhiếp ảnh làm công tác báo chí.

Nói về nghệ thuật nhiếp ảnh trước hết là phải có tiền, sau nữa là lòng say mê nghệ thuật nhiếp ảnh  mới mua sắm được máy ảnh tốt như loại máy Rolex Flex, Simplex, Jesikon, Lumiere, đều dùng phim 6 x 9 ; phải nắm vững kỹ thuật xử lý như khẩu độ, tốc độ, thời gian, chiều chiếu sáng, điểm lấy nét chính xác rồi mới bấm máy. Ngoài ra phải biết và giỏi cách pha chế thuốc để xử lý khi chụp thiếu sáng hay già sáng và phải có người làm buồng tối giỏi.

Hiện nay có 2 người làm buồng tối giỏi là anh Mỹ Hương, anh Phồ. Khi phóng ảnh phải biết che chắn cắt cúp, đậm nhạt... đều do những bàn tay tài hoa làm được việc trên mới có tác phẩm hoàn chỉnh.

Các cụ thường họp mặt để đi sáng tác tùy theo suy nghĩ của từng cá nhân. Sau chuyến đi sáng tác về, các cụ ngồi xem rửa phim, phóng to ảnh để xem, ngồi lại đánh giá những tác phẩm đẹp và lên tiêu đề. Bác Lợi có tác phẩm nhị bình Trúc Hương Giang, Tùng Thế Miếu, Bác Võ Việt Đức có tác phẩm Giao mùa, Bác Tôn Thất Dung có Tóc thề, in đậm trong lòng người thưởng ngoạn Huế.

Với anh chị em chúng tôi rất trân trọng những tác phẩm tinh thần của các cụ - là người anh đáng quý, sống với nhau vui vẻ hòa nhã, chia sẻ và vui mừng khi đoạt giải.

Một chuyến ra khơi. Ảnh Nguyễn Xuân Hữu Tâm


Thời kỳ này, anh Hồng Sáu và Hồ Sỹ Sô là Phân hội trưởng thường tổ chức đi sáng tác ảnh thời sự nghệ thuật theo yêu cầu của tỉnh đề tài sản xuất phát triển công nghiệp, bảo vệ Tổ quốc. Sau đó kết nạp thêm một số anh chị em yêu nghệ thuật nhiếp ảnh như anh Phạm Văn Tý, Võ Đông Bảy, Phạm Bá Thịnh, Huỳnh Mẫn, Lê Đình Liên, Phan Phùng và một số anh em khác. Tổng số hội viên gần 20 người thường xuyên đi sáng tác. Sau này các cụ già lớn tuổi xin nghỉ. Sau khi chia lại tỉnh Bình Trị Thiên tôi được anh em bầu làm Phân hội trưởng 2 nhiệm kỳ. Một thời khó khăn về kinh tế, muốn đi sáng tác phải đóng góp tự túc hoàn toàn. Chuyến đi thành công nhất là chuyến đi sáng tác vườn Quốc gia Bạch Mã gồm các anh Khoa Quả, Phan Phùng, Đặng Văn Trân, Hồ Ngọc Sơn, Lê Đình Song, Đặng Việt Hùng và một số anh em khác. Đường lên Bạch Mã khúc khuỷu quanh co, đi trong đêm tối đến 10 giờ đêm mới nghỉ chân (khoảng gần 18 km), ăn vội vàng qua loa rồi anh em tự mình tìm chỗ nghỉ. Người thì bẻ lá làm giường hay trải nilon ra mà nằm xung quanh bếp lửa, ngửa mặt nhìn trăng sao, nghe thông reo gió núi sương ngàn, đưa anh em vào giấc ngủ ngon lành. Một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm - đi sáng tác một nơi xa lạ, qua đêm ngủ giữa rừng núi. Đây là việc đầu tiên tổ chức đi sáng tác chưa có kinh nghiệm, nên việc lo ăn uống cho anh em chưa được đầy đủ, một số mệt do thiếu ăn nhiều lúc đến xỉu, may không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Sau chuyến đi, một số anh em chụp được nhiều tác phẩm đẹp, anh Đặng Việt Hùng với tác phẩm Chân trời mới, Nguyễn Khoa Quả Hoa Đỗ Quyên, Đặng Văn Trân Chiều trên đỉnh Bạch Mã. Những bức ảnh sau chuyến đi được đem phóng lớn, tổ chức triển lãm tại hội trường Hội Văn hóa Nghệ thuật, được anh giám đốc Huỳnh Kéo mua để làm tư liệu.

Thời kỳ tôi làm Phân hội trưởng việc tuyển chọn ảnh đi tham dự triển lãm trong và ngoài nước, tôi thường mời các cụ có kinh nghiệm và Hội Mỹ thuật đến tham gia tuyển chọn rất khách quan, nên mỗi lần đi dự đều đạt kết quả cao. Tôi còn nhớ đó là Bóng tịch dương của anh Võ Đông Bảy, Khói lam chiều của anh Huỳnh Mẫn, Mùa hoa phượng của anh Phạm Văn Tý, Bước chạy trên đường của Phạm Bá Thịnh và một số bạn khác. Ngoài ra còn tổ chức triển lãm cho các cụ Nguyễn Khoa Lợi, Nguyễn Khoa Quả, Võ Đức Quý, Sỹ Sô và Nguyễn Khoa Quả. Đồng thời còn mở lớp nhiếp ảnh cho anh em thích nghệ thuật và hiện nay đã trưởng thành. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nhiếp ảnh tỉnh nhà là anh Đặng Văn Trân.

Thăm Huế. Ảnh Phạm Văn Tý


2. Thời kỳ giai đoạn 2001 đến nay. Anh Phạm Văn Tý điều hành Phân hội. Thời này ngành Nhiếp ảnh phát triển rất mạnh, kết nạp nhiều hội viên mới, tổ chức thêm Câu lạc bộ nữ nhiếp ảnh gồm 02 chị Tôn Nữ Thị Hà và Tôn Nữ Thị Lê. Sức trẻ vươn lên đi sáng tác nhiều, đã thu lại nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, được đánh giá là một trong ba hội mạnh nhất nước (Hà Nội - Huế - Sài Gòn). Cạnh đó còn có một Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh 23 thành viên do anh Võ Đông Bảy làm chi hội trưởng, giàu sáng tạo, đóng góp nhiều thành tích trong 40 năm qua. Giai đoạn này tác phẩm được giải cũng nhiều nhưng ít đọng lại trong giới thưởng ngoạn, cái đẹp qua mau nhanh chóng. Ngành Nhiếp ảnh phát triển về công nghệ rất nhanh, từ chụp phim nhựa sang chụp thẻ nhớ các máy Nikon, Canon, từ sửa ảnh bằng tay nay sửa ảnh có Photoshop, phóng ảnh có máy làm màu, anh em tự do thoải mái thêm, bớt, cắt, cúp..., có nhiều lúc làm cho bức ảnh sai sự thật. Đây là một sai lầm trong nghệ thuật nhiếp ảnh, làm mất tính chân thật của tác phẩm. Sự sáng tạo của anh em nghệ sĩ chưa tư duy sáng tạo, tìm cho mình một hướng đi mà chạy theo lấy những tác phẩm đã thành công, rồi chụp lại theo ý của mình như: Tung chài, Pháo hoa, Vượt sóng, Nét khắc khổ của các cụ già... nên khi nhìn vào thấy đâu đó có hình ảnh chụp chung chung nhàm chán.

40 năm qua, nhiếp ảnh của tỉnh nhà rất tiến bộ, đạt nhiều giải quốc gia và quốc tế, song để lại trong giới công chúng thưởng ngoạn không được bao nhiêu (Chỉ chơi với nhau trong nước, chưa vượt ra ngoài quốc gia). Theo tôi được biết, chấm ảnh quốc tế người ta rất khách quan, ngôn ngữ ảnh đã nói lên nội dung từng việc cụ thể, gây xao động lòng người có tính nhân văn cao, nên họ trao những giải thưởng rất xứng đáng và được in thành sách. Việc phong tước hiệu nhiếp ảnh Avapa, Evapa... cho các nghệ sĩ, tôi thấy, như ông cha ta nói: “Hữu danh mà vô thực”. Có một số anh chị em có tước hiệu sinh ra dạy đời, phán xét cái hay cái đẹp không trung thực, rỗng tuếch, không thực tế, làm cho một số anh em không khâm phục, kể cả lãnh đạo Trung ương hay địa phương họ nặng về rao giảng lý thuyết nhưng thiếu thực tế. Họ chưa tìm ra cho mình hướng đi phát triển tốt cho tương lai. Với người nghệ sĩ nhiếp ảnh sau khi có tác phẩm đẹp nên chọn cho mình một tiêu đề cho có văn học để nâng cao giá trị tác phẩm của mình.

Đời là một vườn hoa đẹp gồm con người, sông núi, cây cảnh, chim muông với người nghệ sĩ. Qua đó tìm những góc đẹp để thể hiện ý tưởng của mình.

N.K.Q  
(SH314/04-15)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng