Mới đầu chỉ là chụp “chơi” cho đám cưới, đám giỗ quanh vùng quê anh. Cứ vậy, hơn 5 năm làm phó nháy dịch vụ, anh tích luỹ không ít “mánh” nghệ thuật. Chơi với những tay nghề đi trước như Võ Đông Bảy, Phạm Văn Tý (cùng là những đồng nghiệp sư phạm), anh say dần. Lạng lẽ “chơi cho vui”, anh tìm đọc sách vở để biết cách nhận ra cái lõi của vẻ đẹp cuộc sống. Năm 1984, thử tay nghề nghệ thuật bằng cuộc thi do Hội Phu nữ TP.HCM tổ chức, anh được giải “dự bị khuyến khích”. Liền những năm sau đó, đều đạn tham gia các cuộc thi thường thường bậc trung của Tỉnh, Khu vực, Quận 5 TP.HCM… vẫn chỉ ở mức chọn treo, nhưng cũng đủ điểm kết nạp vào Hội viên Phân hội Nhiếp ảnh BTT (cũ). Vẫn chỉ để “chơi cho vui”, nhưng máu nghệ thuật đã lấn át “niêu cơm dịch vụ”. Những cuốn phim tiếp tục bị “đốt” sau các cuộc “chơi”!. Thu nhập của dịch vụ cứ bị teo. Nửa kia cuộc đời của anh ca thán. Thiếu đi chỗ dựa ở “hậu phương lớn”, nghị lực lắm anh mới cân bằng được trách nhiệm gia đình và lòng say mê. Anh bảo, cuộc đời khắc nghiệt vậy thì người vợ nào cũng phải vậy thôi. “Cú treo” đáng nhớ của anh là năm 1992, với “Lời vĩnh biệt” được chọn triển lãm trong cuộc thi ảnh đẹp toàn quốc. Vẫn chưa được một giải nào nhưng lại đạt được tiêu chuẩn bắt buộc phải có của một Hội viên. Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (HNSNAVN). Một dấu ấn đặc biệt, hơi hiếm so với các Hội viên HNSNAVN trước đoaw. Bạn bè phong cho anh tước hiệu vui “nghệ sĩ treo”. Hồi đó anh nghĩ, phải chăng vì nghèo không sắm nổi những ống kính, phương tiện hiện đại, không cạnh tranh được với các tay máy trong nội thành, chỉ quanh quẩn góc trời riêng vùng ngoại ô nên không ăn giải? Sau đôi ba lần dao động, anh rút ra một điều: Dù có giàu vốn sống thôn quê mà chưa nắm bắt được cái “thần” trong “tích tắc” thì vẫn chưa thể có ảnh đẹp. Nó không như hội họa, cứ việc đưa vốn sống, vốn hiểu trào ra đầu cọ. Nhiếp ảnh không có thì quá khứ. Hội họa vẽ xấu thì sửa. Nhiếp ảnh chộp xấu thì mất. Phải tức khắc nắm bắt được cái khác lạ trong ngồn ngộn cái bình thường vào ống kính. Ba năm 1995 – 97, anh gặt hái được mấy giải liền của Liên hoan ảnh nghệ thuật 6 Tỉnh Bắc miền Trung, của Liên đoàn Lao động Tỉnh có sự bảo trợ của HNSNAVN. Phấn đấu để năm 1998, anh chính thức là thành viên của HNSNAVN. Chuyện trò với nhạu tại nhà riêng bên phố cổ Bao Vinh, anh bộc bạch: Là Hội viên HNSNAVN, cần có tầm nhìn xa hơn, phải phấn đấu để có tác phẩm đạt chất lượng cao hơn; đã có vốn tập nhiễm (*) không điều kiện của đồng quê, tội gì phải nhọc công đi tìm để tạo ra sự tập nhiễm có điều kiện ở những khoảng trời khác. Không dấu ước mơ, anh quyết chí làm cho xứng với tước hiệu “Nghệ sĩ đồng quê” mà đồng nghiệp vui tặng. Anh bảo, đừng cho rằng, nông thôn là khô khan, nông dân là cục mịch. Chính họ làm nên vẻ đẹp từ đống rơm, đàn vịt, ruộng lúa, mảnh vườn. Ơ đó, cái đẹp là vô tận. Chộp được tấm hình mẹ già bên đống rơm, khói lam chiều phảng phất sau luỹ tre làng, ai giàu sang đến mấy hay ở tận đâu đâu mà nhìn vào đó, thử hỏi có nhớ quê hương da diết không? Với anh, rất thấm thía lưòi của R.TAGORE: nông dân là chúa của sự sáng tạo. Chỉ cần lướt qua Nét đầm quê, Kiếm sống, Cân sức, Một thoáng mù sương, Công việc thường ngày, Sương sớm, Phố cổ Bao Vinh… đã thấy giọt mồ hôi của tác giả, sự mặn chát và nỗi nhọc nhằn của nông dân, lớp người “hạ tầng cơ sở” vẫn bị thua thiệt lớp người “thượng tầng kiến trúc” chốn đô thành. Hình là thực, ảnh là ảo. Mà ảo là tài năng. Tác phẩm của anh, ảo hiện rõ qua thực. Nó như ánh sáng của khẩu độ 11-125 chứ không cần phải 2,8-60. Anh có thói quen là khi có được một ảnh vừa ý, đem phóng to treo trước nhà cả tháng trời, đi đâu về là nheo mắt ngắm. Đi dã ngoại, bao giờ anh cũng “thức khuya dậy sớm”, lôi đồng đội ra hiện trường để luôn đến trước thời cơ. Lại nữa, phố cổ Bao Vinh cũng em em Hội An, không chộp được cái thần trầm tích chính nơi mình qua lại ngày ngày thì kém lắm, tức lắm. Đã từng chu du qua 40 Tỉnh, Thành mà vẫn thấy không ham, vì rằng không đâu bằng nơi mình sinh ra và lớn lên. Sắm được 3 ống kính tối thiểu cho nghiệp nghệ thuật NOR MAL 50, WIDE 28, TELE 200 phải trầy trật hàng năm trời. Mà đâu đã được loại SS 80-200 ED AF như bạn bè. Anh đâu có buồn. Vấn đề là biết khai thác tối đa phương tiện hiện có kết hợp với tài năng và lòng say nghiệp. Nghệ sĩ lão thành Võ An Ninh vẫn một máy ảnh cho tận cuối đời đấy sao! Với tác phẩm “Nét đầm quê”, Nguyễn Văn Dũng giành giải A “Anh xuất sắc 1998” (giải thưởng niên chỉ giành cho Hội viên HNSNAVN), là giải cao nhất cho đến nay mà nghệ sĩ nhiếp ảnh TT-Huế đạt được. Cũng tác phẩm đó đoạt huy chương đồng hạng cuộc thi Quốc tế ASAHI SHIMBUN 1998 tại Nhật Bản. Năm 99, rồi 2000, anh đạt Huy chương đồng (HCĐ) tại Triển lãm ảnh ở Quận 5 TP.HCM, Huy chương bạc và HCDD tại triển lãm ảnh 6 tỉnh bắc miền Trung, Huy chương đồng hạng Quốc tế tại Nhật Bản. Với các tác phẩm quanh đề tài phố Bao Vinh và vùng quê hương Vinh (Hương Trà, TT-Huế) của anh. Anh đã có 35 tác phẩm góp mặt cùng các nghệ sĩ Việt Nam tham dự triển làm Quốc tế ở Pháp, Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Ma Cao, Ao… Và năm 2001 này, Nguyễn Văn Dũng bội thu: HCB Liên hoan 6 tỉnh bắc miền Trung, chọn treo của Phụ nữ TP.HCM, giải khuyến khích Quốc gia “Những khoảnh khắc đẹp” lần thứ 21 (thông lệ 2 năm một lần), giải C “Tuyển chọn ảnh và công trình xuất sắc Quốc gia” (không có giải A – chỉ giành riêng cho gần 300 Hội viên HNSNAVN). Chỉ sau chưa đầy 3 năm vào Hội NSNAVN, anh đã “lận lưng” 35 điểm Quốc tế, trong lúc tiêu chuẩn Quốc tế là 10 điểm cho tước hiệu A.FIAP và 50 điểm cho tước hiệu E.FIAP nhưng phải sau 5 năm và 3 năm Hội viên TW.Anh cùng với Lê Quang Hoàng và Đoàn Dân lần đầu tiên được HNSNAVN chọn mặt gửi vàng, tài trợ 10 triệu đồng/người cho một chủ đề sáng tác. Gần gũi với 15 Hội viên HNSNAVN của TT-Huế, tôi phát hiện ra nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Dũng có nhiều cái nhất: Nhiều ảnh được giải trong nước và Quốc tế nhất, giải thưởng cao nhất, có duyên với giải thường niên của Hội NSNAVN nhất (chọn treo 1992, giải A 1998, giải C và KK 2001), một ảnh được liền 2 giải Quốc gia (tác phẩm “Một thoáng sương mù”), một cuộc thi đoạt liền 2 giải (HCB với “Nét đầm quê” và HCDD với “Kiếm sống” trong cuộc thi của Quận 5 TP.HCM – 1999). Ân sau những cái “nhất” đó là định hướng sáng tác đúng đắn của anh. Và đáng quý hơn là sự cảm phục của đồng nghiệp với cách sống vì mọi người trong anh. Tôi đùa với anh: Suốt mấy năm qua nông dân ta liên tiếp được mùa nên họ trả công anh bằng liên tiếp giải thưởng. Anh cười: Có lẽ vậy. Ta không phụ đất thì đất chẳng bao giờ phụ người S.T
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)
|