Lễ hội
Bài chòi với Tết miền Trung
14:51 | 04/11/2008
NGUYỄN KHẮC XƯƠNGTết miền Trung xưa có thể nói không thể thiếu vắng bài chòi. Đây là một hình thức vui chơi đấu trí cũng như tổ tôm điếm, cờ người, cờ bỏi ngoài Bắc. Bài chòi là hình thức chơi bài lá phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ như Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Định, cũng còn gọi là hát bài chòi.
Bài chòi với Tết miền Trung
Hội bài chòi làng Thanh Thủy

Cái tên “chòi” xuất phát từ hình thức chơi: Những người chơi bài ngồi trong 8 hay 10 cái chòi chia thành hai hàng đối nhau, ở một đầu và giữa hai hàng chòi là chòi hiệu. Trước mỗi chòi có treo mõ, một chiếc mành trúc và một đôi câu đối. Người ở chòi hiệu rút các quân bài ở ống bài ra, cứ mỗi quân bài lại hát một câu “thai” để mọi người ở các chòi đoán xem đó là con bài gì, cũng có khi người hiệu giảng luôn kiểu như rao bài ở tổ tôm điếm. Dưới đây là một số câu “thai”:
           
            Một hai họ nói rằng không
                        Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
           
                                                (Con bài Tứ cẳng)
                       
Ta bưng một đĩa mắm lầm
                        Vừa đi vừa hát té ầm xuống sông.
                       
                                    (Con bài Ông Ầm)
           
            Ngồi kề vực thẳm anh câu
                        Xẩy chân tụt xuống vực sâu cái ầm.
                       
                                    (Con bài Ông Ầm)
                       
Lòng thương chị bán thịt heo
                        Hai vai gánh nặng còn đèo móc câu.
                                                            (Con Móc câu)
                       
Đi đâu ôm cháp đi hoài
                        Cử nhân không thấy tú tài cũng không.
                                                            (Con Học trò)
                        Tay
bưng đĩa muối bát rau
                        Anh chấm em chấm cho mau kẻo hết dần.
                                                            (Con Nhà nghèo)
                       
Ai đi ngoài ngõ ào ào
                        Nghe như ông tượng đạp vào, ông vô.
                                                            (Con Tứ tượng)
Câu hô bài có tiếng đệm và lời giải như:
                       
Hượi mà hưới hượi
                        Một hai bận nói rằng không
                        Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?
                        Hai người thì có bốn chân
                        Đó là tứ cẳng bớ nàng, bớ anh!
Sau khi người hiệu có con bài hò thơ như vậy, chòi nào có con bài ứng vào với câu hò sẽ gõ ba tiếng mõ và được trao một lá cờ nhỏ, khi trúng ba lần câu hò ở chòi hiệu sẽ được trao lá cờ lớn hơn. Có khi người chòi nào đó hò câu thai và người chòi nào ứng được thì gõ mõ và đưa bài ra. Khi hò câu thai có đàn phách hòa theo.


Người thắng bài gọi là “ù” hay “tới”, mỗi ván bài có người tới là trống kẻng khua vang rồi đốt pháo thổi kèn, người hiệu mang khay phần thưởng đến chòi người tới và cắm một lá cờ đuôi nheo bằng giấy hồng trước chòi.
Bài chòi có 36 con bài gọi là bài trường vẽ theo lối tượng hình như con Tứ cẳng vẽ bốn chân, Tứ móc vẽ 4 móc, Tứ tượng vẽ 4 voi...vv.
Hát bài chòi xưa thường tổ chức vào đình đám hội làng và dịp Tết. Bài chòi sau sẽ không bó hẹp mình trong địa phương, những người hát bài chòi đi đến những nơi đông người như phố phường, chợ, bến xe... đến các hội làng, khao vọng. Người hát có thể hát các câu lẻ gọi là “bài chòi rời” hoặc hát các tích truyện như Lục Vân Tiên, Thoại Khanh - Châu Tuấn, gọi là “bài chòi pho” hay “bài chòi vở”.
                        N.K.X

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Đổ xăm hường (02/03/2020)
Các bài đã đăng