Bằng nhiều giải pháp, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực khi tổ chức lễ hội.
Qua đó cũng chính là đưa lễ hội trở về cội nguồn của nó, nơi có sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của đông đảo nhân dân.
Bắt đầu từ cuối tháng Chạp du khách thập phương về với đền Quả Sơn ngày một nhiều, riêng nửa đầu tháng Giêng mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến cầu an và đông lên gấp nhiều lần trong ba ngày 19, 20, 21 là ngày diễn ra lễ hội chính. Đền Quả Sơn được xếp thứ hai trong 4 ngôi đền có tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền được nhân dân xây dựng dưới chân núi Quả tại làng Miếu Đường, xã Bạch Đường, huyện Nam Đường (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Đền là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ, mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia và trở thành Tri châu Nghệ An.
Cũng có thể gọi đây là Lễ hội mừng Xuân, nhân dân trong vùng thay mặt cho nhân dân xứ Nghệ bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vị anh hùng thời dựng nước, Thành hoàng của xứ, đồng thời cũng là dịp đón Xuân bằng tinh thần thượng võ và những trò chơi dân gian truyền thống. Một trong những lý do Lễ hội đền Quả Sơn thu hút được nhiều người vì ở lễ hội này người dân được tham gia đúng như một chủ thể thực sự.
Vì vậy, không lạ khi trong những ngày lễ hội tất cả người dân ở xã Bồi Sơn, Tràng Sơn đều xem đây là một ngày hội chung của cả làng, người dân đều nghỉ đi làm để trang hoàng, đón khách và tham gia vào đoàn rước, hội đua thuyền. Người dân quanh vùng và khách thập phương đến đây không chỉ được tham gia vào lễ hội, mà còn có dịp để hiểu con người, cuộc sống của những người dân vùng bãi bồi sông Lam.
Sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân và du khách thập phương cũng đã góp phần làm nên thành công của Lễ hội đền Quả Sơn và tạo nên sức sống, sự lan tỏa của lễ hội. Thể hiện rõ ràng nhất là ở công tác tổ chức, công tác xã hội hóa lễ hội. Năm nay, trước khi tổ chức Lễ hội, UBND huyện Đô Lương đã đầu tư nhiều tỷ đồng để tu sửa đường vào đền, lát lại sân của đền Quả... Ông Trương Hồng Phúc, Bí thư huyện ủy Đô Lương cho biết: “Hàng năm ngân sách địa phương chỉ cấp để đủ chi chế độ phụ cấp cho 8 người trong ban quản lý đền, phần còn lại tu sửa, mua sắm hiện vật, tổ chức lễ hội đều được huy động từ nguồn xã hội hóa hoặc trích một phần từ tiền công đức ở đền. Riêng trong năm 2016, từ nguồn xã hội hóa, đền đã huy động được hơn 200 triệu đồng để mua sắm hiện vật.
Trước khi lễ hội diễn ra, đền đã huy động được các bản hội và các tổ chức, cá nhân được hơn 50 triệu đồng để mua vật tư chuẩn bị lễ hội. Một số doanh nghiệp nhận tài trợ cho các đội đua thuyền phục vụ lễ rước thần”.
Theo ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Nam Đàn: Việc xã hội hóa để tổ chức lễ hội không hẳn là chỉ quyên góp tiền mà huy động với nhiều hình thức khác nhau. Trong Lễ hội đền vua Mai ba năm trở lại đây sẽ không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ của các xã, thị trấn và tùy theo yêu cầu của lễ hội, huyện sẽ giao trách nhiệm cho từng địa phường.
Ví như, hội thi gói bánh chưng sẽ giao cho thị trấn đảm nhiệm, UBND xã Vân Diễn bên cạnh hỗ trợ cho ban quản lý đền thì sẽ tham gia vào lễ rước nước. Các xã khác góp sức vào việc tổ chức các chương trình văn nghệ, các giải thể thao. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hội đồng hương ở các tỉnh khác hỗ trợ cho lễ hội hoặc để tu bổ các hạng mục đã xuống cấp của đền thờ vua Mai Hắc Đế. Vở cải lương “Mai Hắc Đế” được công diễn để bà con hiểu thêm về vua Mai, về truyền thống đấu tranh của dân tộc ta, năm nay cũng được tổ chức thành công nhờ công tác xã hội hóa.
Mỗi năm Nghệ An có đến 25 lễ hội chính và xã hội hóa lễ hội là cách mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu ngân sách và tiến tới không sử dụng ngân sách trong tổ chức lễ hội. Trong đó, nhiều lễ hội hoàn toàn được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa như Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Hoàng Mười, Lễ hội đền Cờn. Việc kêu gọi xã hội hóa và để người dân được tham gia vào tổ chức các hoạt động lễ hội cũng chính là đưa lễ hội trở về giá trị ban đầu, bởi lễ hội được hình thành từ nhân dân, nên phải sống trong cộng đồng và phục vụ cho chính lợi ích của người dân.
Xã hội hóa, ngoài việc tạo được nguồn kinh phí, đây còn là cách thức để phát huy cao độ trí tuệ, sức sáng tạo và sự tham gia một cách tự nguyện của đông đảo nhân dân, qua đó góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp. Lễ rước nước ở Lễ hội đền vua Mai và việc thành công khôi phục, dàn dựng lại tục rước voi, rước ngựa đã bị mai một, quên lãng cách đây 40-50 năm ở Lễ hội đền Cờn là một minh chứng. Xã hội hóa còn là một dịp để những người con xa quê có cơ hội hướng tới quê hương, là dịp để họ bày tỏ lòng tri ân với tổ tiên dòng tộc.
Tuy nhiên, không phải lễ hội nào cũng có thể dễ dàng huy động xã hội hóa; hiện xã hội hóa mới chỉ triển khai được với những lễ hội gắn với yếu tố tâm linh. Các lễ hội khác ở miền núi vẫn đang phụ thuộc chính vào ngân sách của huyện. Trước thực tế này, phải làm sao vẫn tổ chức được lễ hội nhằm giữ được các giá trị truyền thống, nhưng vẫn phải tiết kiệm, không lãng phí, là vấn đề cần đặt ra.
Ngoài ra, không thể dựa vào xã hội hóa để tạo “cớ” tạo “môi trường” cho các hình thức cờ bạc, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác có cơ hội tồn tại. Việc huy động các nguồn lực từ nhân dân cần thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác của nhân dân. Nhân dân tham gia không chỉ bằng đóng góp tiền của, công sức, trực tiếp biểu diễn, mà có thể chỉ là sự chủ động trong vai trò khán giả thưởng thức, hưởng ứng. Lễ hội phải tạo cơ hội cho tất cả người dân thuộc mọi tầng lớp được tham gia.
Để các lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tổ chức hiệu quả hơn, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao khẳng định: “Thời gian tới, để các lễ hội được tổ chức hiệu quả hơn thì các cấp ủy, chính quyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm phục hồi, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội; đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền các cấp, các tổ chức và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phục hồi, quản lý và tổ chức lễ hội; quảng bá lễ hội, di tích trên phương tiện truyền thông, trên các băng rôn, pa nô, áp phích và tờ rơi, đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa.
Hơn bao giờ hết, lễ hội cần trở về với nhân dân, về đúng với chủ thể ban đầu. Có như vậy các lễ hội mới trường tồn, trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống có ý nghĩa và không thể thiếu trong cộng đồng, mỗi địa phương”.
Theo Bích Huệ - TTXVN