Rẽ thân rơm rạ, vờn trên mặt cỏ rồi lấy đà phóng mình vút lên… Những con diều từng phút, từng giây thay đổi, đan cải, biến ảo với muôn hình hài và sắc màu, rồi chậm rãi rót xuống mặt đất thanh âm trầm bổng. Ấy là thức quà của đồng nội, cũng là hào quang ước mơ của đời nông dân chân lấm, tay bùn.
Thú chơi gắn với nghi lễ
Trước sân đền thờ Thần linh Châu thổ, các nghệ nhân làng diều Bá Dương Nội, Đan Phượng, Hà Nội hồ hởi đón chúng tôi. Các đội thi diều và khách lần lượt thắp hương lễ thánh. Dưới con diều hình thuyền treo long trọng trên cửa chính, giữa bệ rồng, hoành phi, câu đối… ai nấy thành kính, thâm trầm. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày rằm tháng ba âm lịch hàng năm, nhân dân làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội) lại mở hội diều. Thú chơi này phổ biến ở nhiều địa phương nhưng gắn với nghi lễ thì duy nhất nơi đây mới đậm nét hội diều vùng châu thổ sông Hồng. Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Kiêm, Chủ nhiệm CLB Diều truyền thống làng Bá Dương Nội cho hay, các cụ xưa kể lại, từ thời Đinh Tiên Hoàng đã có lễ hội thả diều. Có thể trước đấy, người Việt chơi diều còn lâu hơn nữa. Tính đến nay, làng diều Bá Dương Nội đã ngót nghìn tuổi, đi sâu vào tâm thức của người dân.
Thả diều không chỉ là trò chơi dân dã, giải trí sau giờ lao động mệt nhọc, mà với dân làng, đó còn mang cả tính tín ngưỡng. Ý nghĩa sâu xa của hội diều là lễ cầu tạnh của cư dân trồng lúa nước, mong muốn sau mùa đông xuân, thời tiết không còn ẩm ướt, âm u. Diều gặp gió lên thẳng, vươn cao, sáo diều ngân nga, thánh thót tức là lễ hội thành công, báo hiệu năm ấy mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tật bệnh tiêu tan. Qua cánh diều, nông dân cũng nhận biết được thời tiết mưa nắng để dự liệu việc đồng áng… Đây là vốn tri thức được truyền qua các thế hệ.
Tinh tế, lãng mạn
“Chọn ngày đẹp mới vót dây, làm nan. Bồi giấy cũng phải mua giấy sạch, làm sáo thì càng cẩn thận, tỉ mỉ. Đó là cách ông cha tôi trân trọng con diều. Tới giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh bố với anh tôi chiều chiều ra hiên ngóng ngọn cây, nghe hướng gió thuận là đưa diều ra thả. Tiếng sáo cứ thế, vang vọng đến đêm…”, ông Nguyễn Chi Bảo, 82 tuổi, làng Bá Dương Nội nhớ lại. Theo ông Bảo, nông dân Việt Nam những tưởng đời đời chỉ biết quanh quẩn cái cày, mảnh ruộng, nhưng về thú chơi cũng rất tinh tế và lãng mạn. Bởi vậy, con diều còn được gắn thêm bộ sáo là thứ giao hòa cảm xúc với thiên nhiên.
Theo NNƯT Nguyễn Hữu Kiêm, tích xưa để lại, trước trời và đất còn giao hòa với nhau, cho đến một ngày mịt mù trời long đất lở, bầu trời cứ cao lên, các nàng tiên không còn xuống để du hội cùng người trần gian nữa. Nhân dân làm cánh diều nối trời và đất, nhưng chỉ có con diều thì đơn lẻ, nên người ta gắn ống tre, ống trúc cho phát tiếng kêu, như thể mời gọi các tâm hồn hướng về nhau cho thỏa tình thương, nỗi nhớ. “Làng Bá Dương Nội giờ hễ nghe thấy tiếng sáo là biết ngay diều của ai, bởi mỗi người có tiếng sáo khác nhau, như tiếng lòng mình vậy. Tiếng sáo vì thế, càng thêm ý nghĩa, thể hiện nghệ thuật tài ba và khéo léo của người chơi diều. Các cụ vẫn bảo, có người cả đời không có một bộ sáo hay, để nói rằng, làm diều đã khó, nhưng để làm sáo hay còn khó hơn nhiều. Tiếc rằng, đến giờ, số người làm sáo diều hay rất ít”, ông Nguyễn Hữu Kiêm nói.
Không gian thả diều thu hẹp
Hội diều mở ra, không chỉ người dân Bá Dương Nội mà các nghệ nhân ở Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… cũng chung cuộc vui. Ông Nguyễn Văn Diệp, CLB Diều Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Tham gia hội diều, những người chơi diều các nơi được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi không những được thả hồn vào con diều mà còn thấy mình góp phần duy trì, phát huy giá trị con diều truyền thống”.
Từng lắng lại trong những năm dài chiến tranh và bao cấp, khi đời sống mở mang, cùng với việc phục hồi nhiều loại hình di sản dân gian, khoảng hơn chục năm trở lại đây, các hội diều được vực dậy, tổ chức quy mô lớn. Những giá trị xưa cũ, những vốn liếng gửi gắm qua con diều, cây sáo được dịp sáng bừng nơi đồng quê. Các câu lạc bộ diều được thành lập ở nhiều địa phương. Người ta mở cuộc chơi diều để vui với nhau, với những ai về chơi hội làng. Chưa kể, con diều sáo còn bay xa hơn, vươn ra các hội diều quốc tế.
Có điều, cùng với quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế, diều sáo cũng đứng trước nguy cơ phai nhạt chất hồn nhiên vốn có. Bầu trời vẫn cao rộng, nhưng bãi trống cứ ngày càng thu hẹp, diều đang mất đi “đất diễn”. NNƯT Nguyễn Hữu Kiêm chia sẻ: “Sẽ khó khăn khi nhà máy, công trình, đường điện mọc lên ngày càng nhiều, không gian để thả diều ít đi. Nhưng dù thế nào, lễ hội diều vẫn phải duy trì, chúng tôi chỉ có cách khắc phục. Tới đây, hội diều có thể không thả ở cánh đồng nữa mà sẽ phải tìm một vùng rộng hơn, có điều kiện hơn…”.
Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội (hay Bá Giang) là lễ hội cổ truyền diễn ra hàng năm vào đúng ngày rằm tháng ba âm lịch, bao gồm phần tế tại miếu thờ Tổ diều và phần thi thả diều. Diều tham gia dự thi bắt buộc phải là kiểu diều truyền thống, có đủ 3 sáo trở lên, mỗi cánh có chiều dài tối thiểu 2,2m, rộng 0,6m, không gắn đuôi. Tuy mang danh hội làng, nhưng hội diều Bá Giang thường quy tụ rất đông nghệ nhân, người chơi diều trên khắp các địa phương, thể hiện đặc sắc nhất hội diều vùng châu thổ sông Hồng. Năm nay, lễ hội có sự tham gia của gần 100 con diều đến từ 9 CLB Diều ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… cùng nhiều cá nhân chơi diều ở các tỉnh, thành phố lân cận. |