Lễ hội
Dấu ấn văn hóa Chămpa trong lễ hội dân gian ở Lý Sơn, Quảng Ngãi
09:37 | 14/04/2020

PHAN NỮ  

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi nằm cách đất liền 15 hải lý, về phía Đông Bắc, gồm 1 đảo lớn (Cù Lao Ré), 1 đảo bé (Cù Lao Bờ Bãi), và hòn Mù Cu, vốn là bãi đá nhô cao nằm ở phía Đông đảo lớn. Huyện Lý Sơn hiện có 3 xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình với tổng diện tích tự nhiên là 9,97 km2, dân số 18.924 người (năm 2015).

Dấu ấn văn hóa Chămpa trong lễ hội dân gian ở Lý Sơn, Quảng Ngãi
Lễ hội đua thuyền đảo Lý Sơn - Ảnh: internet

Theo các tài liệu từ các cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ học cho thấy, cách ngày nay khoảng từ 3000 - 2500 năm, vùng đất Lý Sơn là nơi cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh với các di tích Xóm Ốc, di tích Suối Chình (thôn Đông, xã An Vĩnh). Tiếp sau mạch nguồn văn hóa Sa Huỳnh là lớp văn hóa Chăm, đến nay vẫn còn nhiều dấu tích vật thể lẫn phi vật thể đã chứng minh sự tồn tại của họ trên vùng đảo này miếu Bà Lồi, giếng Chăm, dinh và Thiên YANA…

Người Việt từ đất liền (thuộc vùng cửa biển Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) di cư đến vùng đảo Lý Sơn sinh sống từ đầu thế kỷ XVII. Trong quá trình định cư sinh sống, lớp cư dân Việt, Lý Sơn đã giao thoa, tiếp biến các tín ngưỡng văn hóa người Chăm một cách sáng tạo, họ đã phủ lên những quan niệm, hình hài mới trên những dấu tích tâm linh của lớp cư dân bản địa người Chăm mà các lễ hội dân gian ở Lý Sơn hiện nay đã phản ánh khá rõ nét như Lễ hội Nghinh Ông, lễ tế bà Thiên Yana, v.v.


1. Lễ hội Nghinh Ông

Lễ Nghinh Ông là một trong những nghi thức của lễ cúng cá Ông của cư dân Lý Sơn, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông khá phổ biến với ngư dân miền Trung, trong đó đối tượng thờ cúng là cá Ông, một vị thần có quan hệ tín ngưỡng người Chăm.

Trong văn hóa Chăm, cá Voi vốn là hóa thân của thần Cha Aih-Va. Vì nôn nóng muốn trở về quê hương sau quá trình tu luyện phép thuật nên đã cãi lời thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi bơi ra biển trở về nhà. Sau đó người thầy đã trừng phạt ông. Cha- Aih-Va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (chính là thần Sóng Biển),… trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền. Theo đó, thần sóng biển sẽ rẽ sóng đến nâng đỡ thuyền ghe bị lâm nạn, đưa người lâm nạn vào bờ. Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều truyền thuyết về cá Ông trong các tài liệu cổ được nhiều tác giả sưu tầm, nghiên cứu trước đó.

Đối với ngư dân Lý Sơn, việc thờ cúng cá Ông cũng mang màu sắc riêng của mình. Cá Ông được cư dân nơi đây xưng tôn kính bằng nhiều tên gọi khác nhau như Đức Ông, “Đức Ngư”, “lệnh Ông”, “Ông Đại Tướng” hay với các danh xưng mỹ hiệu do thần thánh hóa trong các bài văn tế cúng cá Ông của các lân lăng. Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân Lý Sơn vẫn bảo lưu đầy đủ các tập tục cũng như nghi thức thờ cúng từ việc thể hiện bằng lòng tin cá Ông là vị thần phù trợ, cứu giúp người đi biển khi gặp hoạn nạn. Việc chôn cất khi gặp cá Ông chết dạt vào vùng biển của mình, xây dựng các lăng thờ cũng như tổ chức lễ cúng tế cá Ông hàng năm nhằm cầu mong mưu thuận gió hóa, trời yên biển lặng, ngư dân may mắn, làm ăn phát đạt… Khi cá Voi chết dạt vào bờ, ngư dân Lý Sơn gọi là “cá Ông đi tu”, sau đó tổ chức mai táng và cúng tế cá Ông như cúng tế người chết với các nghi thức theo “Thọ mai gia lễ”.

Hiện nay, tại Lý Sơn có 5 di tích thờ tự cá Ông, gồm một lăng ở vạn An Phú (thôn Tây, xã An Hải) và 4 lăng ở vạn Vĩnh Thạnh (thôn Đông, xã An Vĩnh). Hàng năm, ngư dân Lý Sơn tổ chức lễ cúng cá Ông 2 lần (Xuân Thu nhị kỳ, lệ Xuân thường tổ chức vào tháng Giêng, kỳ Thu thì thường tổ chức vào tháng 8 (Âm lịch)). Trình thức một lễ hội cúng cá Ông thông thường gồm các nghi lễ: lễ túc yết, lễ nghinh Ông, chánh lễ, với các lễ vật dâng cúng như trầu, rượu, nhang đèn, bánh mứt… với đầy đủ các nghi thức trọng thể. Trong đó đáng chú ý nhất là lễ Nghinh Ông, tức lễ nghi rước Ông về.

Thời điểm diễn ra lễ Nghinh Ông khoảng 3 - 4 giờ sáng của ngày chánh tế, với đầy đủ các lễ vật, đầy đủ thành phần gồm Ban Tế tự, đại diện các xóm, chính quyền, cùng các ban vạn khác. Đoàn thuyền Nghinh Ông có ba chiếc (các chiếc thuyền được chọn là những chiếc thuyền trong năm không gặp trắc trở gì), được trang trí cờ hoa lộng lẫy. Các thuyền trên sẽ là nơi bày biện các lễ vật, nơi để ban tế tự hành lễ, đội trống chiêng… Trong quá trình diễn ra nghi lễ có sự tham dự của bốn thuyền đua mang biểu tượng Long, Lân, Quy, Phụng, cùng các thuyền khác của ngư dân trong huyện. Không khí trong suốt quá trình diễn ra lễ Nghinh Ông vừa trang nghiêm vừa rộn ràng bởi tiếng trống chiêng gióng lên đều đặn.

Nhìn chung hầu hết các làng chai ven biển Quảng Ngãi đều có lăng cá Ông. Về việc xây dựng lăng Ông thì yếu tố cảnh quan, kiến trúc, cách bài trí trong các lăng cơ bản không khác biệt nhau nhiều. Về thời gian tổ chức lễ cúng tế cá Ông cũng thế (chỉ riêng các lăng Ông ở huyện Bình Sơn là các ngày lễ tế có khác nhau). Thường thì ngư dân tổ chức tế lễ long trọng vào lệ Thu, đồng thời năm đó làm ăn được mùa và dân vạn gặp nhiều may mắn trong đánh bắt hải sản. Hiện nay, Lý Sơn là một trong ít nơi trong tỉnh còn tổ chức lễ hội Nghinh Ông với đầy đủ các nghi thức tế lễ bài bản cùng các hình thức diễn xướng dân gian, các trò chơi sau lễ như Chèo bả trạo, đua thuyền, hát bội hấp dẫn, lôi cuốn người dân quanh đảo cũng như khách tham quan.

Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong quá trình Nam tiến của người Việt. Ngư dân vùng ven biển miền Trung nói chung và ngư dân huyện Lý Sơn Quảng Ngãi nói riêng tiếp thu tín ngưỡng ấy một cách sáng tạo. Cũng trên cơ sở tín ngưỡng thờ cúng cá Ông tiếp nhận từ người Chăm, nhưng ở mỗi vùng miền có sự tương đồng và khác biệt ở một số chi tiết. Điểm chung được thể hiện trên phương diện tổng quát như hình thức tế tự, ý nghĩa của tế lễ, cũng như mục đích phần hội, còn điểm khác biệt chủ yếu tập trung vào các chi tiết như cảnh quan lăng Ông, mặt bằng, cách phối thờ, các trò diễn dân gian…


2. Tín ngưỡng và lễ hội tế bà Thiên YANA

Cùng với lễ hội Nghinh Ông thì lễ tế bà Thiên YANA cũng có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ bà Thiên Y của người Chăm, được cư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi kế thừa, tiếp nhận.

Nữ thần Thiên Y Ana còn gọi là Pô Inư Nagar (tiếng Chăm gọi pô là ngài, là bà; inư là mẹ; nagar là xứ sở, đất nước hay đô thị). Bà được xem là Thần Mẹ xứ sở của người Chăm được minh chứng qua các truyền thuyết, các địa danh mang thánh tích có mặt trên khắp lãnh thổ của vương quốc Chămpa xưa đã được người Việt dung hòa với tục thờ Mẫu vốn có của mình: Sự thờ cúng Bà gắn liền với tâm thức là vị thần Mẫu có chức năng cai quản đất đai, độ trì sự bình an, ban tài lộc cho con người. Tín ngưỡng thờ Bà bước đầu đã thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức về cội nguồn, dân tộc, lòng yêu nước, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa mà Mẫu chính là biểu tượng cao nhất.(1)

Hiện nay tại đảo Lý Sơn có 4 dinh thờ tượng Thiên YANA có cốt tượng, gồm: Lân Đông Thạnh, xóm Trung Yên (thuộc xã An Hải), xóm Tây và lân Vĩnh Lộc (thuộc xã An Vĩnh), ngoài ra còn có một số miếu phối thờ bà cùng các vị thần khác. Có thể nói Lý Sơn là một trong ít địa phương trong tỉnh còn lưu giữ khá nguyên vẹn các di tích thờ Bà Thiên Y cũng như nghi thức tế tự. Hàng năm vào ngày 25/2 (Âm lịch) hầu hết các di tích thờ bà được cư dân Lý Sơn tổ chức lễ tế mà điển hình nhất là tại dinh Thiên YANA ở thôn Trung Yên, xã An Hải với lễ vật dâng cúng gồm heo, gà cùng các nghi lễ như lễ mộc dục, lễ nhập yết, lễ chánh tế. Tất cả các nghi thức tế lễ đều diễn ra khá trang trọng linh đình, bài bản, điển hình cho việc cúng tế mang tính truyền thống ở đất đảo Lý Sơn.

Vào các ngày diễn ra lễ hội, cư dân Lý Sơn hội tụ đông đủ tại nơi có miếu thờ thần để tỏ lòng thành kính thần Nam Hải đã che chở cứu giúp ngư dân khởi cơn hoạn nạn, cũng như cầu mong bà Thiên YANA giúp cho “quốc thái, dân an, phong điều vũ thuận” mùa màng bội thu, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi. Trước kia, vào dịp tổ chức lễ hội tế Cá Ông, hay lễ tế bà Thiên YANA trong làng, vạn tổ chức các hình thức vui chơi như đua thuyền, lắc thúng, hát bội,…

Lễ Nghinh Ông và lễ tế bà Thiên YANA là hai lễ hội dân gian tiêu biểu ở Lý Sơn còn bảo lưu khá nguyên vẹn giá trị truyền thống của cư dân Việt vùng ven biển Quảng Ngãi có dấu ấn văn hóa Chămpa, nó trở thành bộ phận quan trọng, chủ đạo, là một tổng thể văn hóa và là những di sản quý báu của cư dân Lý Sơn Quảng Ngãi hàng nhiều thế kỷ qua.

P.N  
(SHSDB36/03-2020)

.....................................................
(1) Theo Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam. (Hà Nội: Tôn giáo, 2020), tr.137.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đổ xăm hường (02/03/2020)