NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Lễ Nguyên đán triều Nguyễn
Lễ mừng Nguyên đán là một điển lễ triều hội của triều Nguyễn. Ở Hoàng cung xưa, lễ này gọi là “tiết Nguyên đán”, được tổ chức tại những nơi quan trọng như ở Ngự tiền (tức là nơi vua ở và làm việc, có tính hành chính), ở Từ Cung (sau này là cung Diên Thọ, nơi ở của thân mẫu nhà vua), ở điện Khôn Đức (sau này là cung Khôn Thái, nơi ở của hoàng hậu), ở Thanh cung (nơi ở của Hoàng thái tử).
Những lễ Nguyên đán này đều có tính nghi thức, điển lệ gắn liền với việc chúc tụng của người bên dưới đối với người bề trên và ban thưởng của người bề trên đối với người bên dưới. Lễ Nguyên đán ở Ngự tiền thì các quan, các thân công, hoàng tử dâng biểu chúc mừng vua rồi được vua ban thưởng; ở Từ Cung thì vua và các quan dâng biểu chúc mừng Hoàng thái hậu rồi được Hoàng thái hậu ban thưởng; ở điện Khôn Đức, Thanh Cung… cũng tương tự, nhưng chủ thể ở đây là Hoàng hậu, Hoàng thái tử.
Trong các lễ ấy thì lễ Nguyên đán ở Ngự tiền là quan trọng nhất. Trong năm, triều đình tổ chức ba tiết lớn ở Ngự tiền đó là tiết Nguyên đán (đón năm mới), tiết Đoan dương (tức tết Đoan ngọ) và tiết Vạn thọ (mừng sinh nhật vua).
Trong các nghi lễ triều hội, một nghi thức không thể thiếu là bắn thần công chào mừng. Đối với lễ Nguyên đán, điều này càng có ý nghĩa đặc biệt vì đó là sự kiện mở đầu năm mới với những hy vọng tốt đẹp. Việc triển khai bắn thần công ở lễ Nguyên đán diễn ra tại Ngọ Môn rất rầm rộ. Theo lệ, cứ hằng năm vào ngày tiết Nguyên đán và đêm Trừ tịch đều bắn pháo ở trước sân Ngọ Môn, có năm bắn đến 500 phát1.
Sử triều Nguyễn miêu tả về công việc chuẩn bị cho việc tổ chức như sau: “Phàm hàng năm gặp lễ tiết Nguyên đán, trước 1 ngày, cơ quan hữu ty [tức bộ Lễ, Thị vệ] đặt án vàng ở phía nam bảo tọa [chỉ khu vực vua ngồi, ngai vàng] trong điện Thái Hòa, đặt án đỏ ở gian thứ 2 bên tả cột trước, đặt 1 án đỏ nữa ở chái bên tây, trải chiếu cạp ở gian chính giữa đặt chiếu lạy của thân phiên, hoàng thân công và hoàng thân ở những gian tả, hữu, đặt phẩm thứ các quan văn vũ và các tôn tước tam phẩm trở lên ở tả hữu bệ rồng, đặt phẩm thứ tứ phẩm trở xuống ở tả hữu dưới thềm rồng, đều đông, tây đối xứng với nhau. Lại riêng ở điện Cần Chánh, gian nào cũng trải chiếu sẵn sàng. Đến canh 5 ngày lễ, sau khi đánh 3 hồi trống và bắn súng, trên kỳ đài treo cờ vàng và cờ Khánh hỷ các màu lên, đặt triều nghi ở điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, đặt các xe, voi, ngựa, cờ, súng ở phía nam câu kim thủy. Bộ Lễ bưng hộp biểu mừng của bách quan đặt ở (án đỏ) gian thứ 2 bên tả, hộp biểu mừng của các địa phương đặt lên án đỏ ở chái bên tây. 1 viên truyền chỉ, 1 viên đọc biểu, 6 viên Nội các đều mặc triều phục đứng trực đợi ở chái đông, tây trên điện (1 viên truyền chỉ, 1 viên đọc biểu và 1 viên Nội các đưa dâng hộp biểu mừng của bách quan, đều đứng ở chái bên đông; 5 viên Nội các tiếp nhận hộp biểu mừng của các địa phương, đứng ở chái bên tây).
Các công và bách quan đều mặc triều phục, chiếu theo ban đứng trực. Ty Loan nghỉ dự đặt xa giá ở dưới thềm gian chính giữa điện Cần Chánh. Bọn người cầm nghi trượng, nhã nhạc đều chiểu lệ bày hàng đứng trực hầu. Đến giờ, bộ Lễ và đại thần ban vũ gửi tâu: “Trong ngoài đều đã nghiêm chỉnh, sắp đặt xong”2.
Sau khi mọi việc chuẩn bị đều đã được sắp đặt xong, bấy giờ vua trong trang phục hoàng bào, đeo đai ngọc, đội mũ cửu long, cầm hốt ngọc khuê bắt đầu ra khỏi khu vực Tử Cấm Thành. Một viên Quản vệ loan giá cầm đai vàng rồi chuyển cho đội Hộ vệ bày loan giá (kiệu vua). Đội hộ giá đưa kiệu đến trước điện Cần Chánh, thỉnh nhà vua lên kiệu và bắt đầu khởi giá từ điện Cần Chánh (lúc này tại lầu Ngũ Phụng ở Ngọ Môn, một hồi chuông trống trỗi lên). Đoàn hộ giá rước vua ra khỏi cửa Đại Cung Môn, nhà vua bước xuống kiệu, đại nhạc nổi lên, trống chuông dừng hẳn. Vua vào điện Thái Hòa, lên ngự tọa ở ngai vàng. Lư trầm hương trong điện được đốt lên, đại nhạc ngưng tiếng.
Viên tán lễ xướng: Tấu Lý bình chi chương [bài nhạc chương Lý bình này luôn gắn với nghi tiết vua ngự đến điện, lên ngai ngồi]. Các ca công hát lời Lý bình: “Minh minh Thiên tử/ Vạn dân sở vương/ Hiển hiển linh đức/ Như khuê như chương/ Tuyên chiêu nghĩa vấn/ Duy dân chiêu thương/ Thiên tích thuần hổ/ Thọ phúc vô cương” 3.
Phần tấu nhạc dứt, viên tán lễ xướng: Bày ban, tấu bài Túc bình [bài nhạc chương Túc bình này luôn gắn với nghi tiết trăm quan dàn lối, đứng xếp hàng trước sân triều]. Các ca công hát lời Túc bình: “Húc nhật thụy đán/ Loan thanh tương tương/ Triều ký thanh lữ/ Tả hữu trần hàng/ Nhạc hòa tấu tấu/ Chung cổ tương tương/ Hổ bái khể thủ/ Tể tể thương thương/ U vạn dư niên/ Tự thiên giáng khương”4. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy.
Sau khi các quan đã Bình thân, viên Tán lễ xướng: Hành khánh hạ lễ (làm lễ Khánh hạ), Bách quan giai quỳ. Tất cả các quan đều quỳ xuống. Sau lời xướng: Tiến hạ biểu, một viên quan Nội các bước đến án đỏ bưng hộp Biểu mừng đặt lên án vàng ở gian giữa điện, rồi lui xuống. Quan Tuyên độc bước đến gian giữa, hướng vào ngai vua, quỳ xuống. Một viên quan tiến đến lấy biểu ở án vàng, quỳ xuống bên cạnh quan Tuyên độc, rồi mở biểu ra. Sau lời xướng, quan Tuyên độc đọc biểu. Một bài biểu mừng Tết vua thường mở đầu như sau: “Gặp tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”5.
Sau khi đọc xong, trao lại cho viên quan bên cạnh dâng trở lại tại án vàng, cả hai sau đó đều lui về vị trí cũ. Viên Tán lễ xướng: Phủ phục, Hưng. Tất cả các quan lạy 1 lạy rồi đứng lên. Viên Tán lễ xướng: Tấu Khánh bình chi chương [bài nhạc chương Khánh bình này luôn gắn với nghi tiết trăm quan làm lễ Khánh hạ]. Các ca công hát lời Khánh bình: “Hoàng vương duy tích/ Thụ thiên chi hỗ/ Ưu tai du tai/ Dĩ giới my thọ/ Cẩn cán kỳ minh/ Đức âm thị mậu/ Ký an thả ninh/ Thỉ thọ nhi phú/ Khách vô bách nghi/ Kỳ diệc khẳng cố”6. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy rồi ngay ngắn như cũ.
Tiếp đó, viên bộ Lễ bước tới giữa hướng về ngai vàng, quỳ tâu: Thỉnh truyền Chỉ. Quan Truyền chỉ bước lên vái vào ngai vua, rồi lùi xuống sang một bên, quay về bách quan, đứng tuyên: Hữu chỉ (có chỉ). Quan Phụng chỉ đọc to: Lý đoan chi khánh dữ khanh đẳng đồng chi, kỳ tứ yến lãi hữu sai7 (Phúc lành đầu năm, Trẫm với các khanh cùng hưởng, sẽ ban yến phân theo thứ bậc). Viên Tán lễ xướng: Phủ phục, Hưng. Tất cả các quan lạy 1 lạy rồi đứng lên. Viên Tán lễ xướng: Hành Tạ ân lễ. Tấu Di bình chi chương [bài nhạc chương Di bình này luôn gắn với nghi tiết trăm quan làm lễ Tạ ân]. Các ca công hát lời Di bình: “Đức âm trật trật/ Xuất ngôn hữu chương/ Tu tích phúc chỉ/ Vi long vi quang/ Ký tiết dĩ đức/ Diệc khổng chi tương/ Đại tiểu khể thủ/ Chưng chưng hoàng hoàng/ Thiên tử vạn thọ/ Vạn thọ vô cương”8. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy rồi ngay ngắn như cũ.
Quan bộ Lễ ra giữa sân triều, hướng về ngai vàng, quỳ xuống tâu: Khánh hạ lễ thành (Lễ Khánh hạ đã hoàn tất), rồi lui xuống. Viên Tán lễ xướng: Tấu Hòa bình chi chương [bài nhạc chương Hòa bình này luôn gắn với nghi tiết vua hồi cung từ điện Thái Hòa]. Các ca công hát lời Hòa bình: “Kỳ nghi bất thắc/ Túc ung hòa minh/ Tỉ tập…/ Hi vụ thuần hỗ/ Thọ khảo thả ninh/ Lệnh văn bất dĩ/ Duật tuấn hữu thanh/ Thiên tử vạn niên/ Phúc lộc lai thành”9. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy và buổi lễ hoàn tất.
Trong âm thanh của nhạc chương Hòa bình, vua bắt đầu hồi cung. Đội hộ giá thỉnh vua lên kiệu, đại nhạc nổi lên, vua vào Đại Cung Môn, lên điện Cần Chánh và vào ngự tọa. Các Thân phiên, hoàng thân và quan văn (từ Ngũ phẩm trở lên), quan võ (từ Tứ phẩm trở lên) theo đội ngự giá vào đứng chầu tại sân Cần Chánh. Các viên Thái giám đưa các nhi hoàng đệ (em của vua còn nhỏ) vào điện Cần Chánh lạy vua 5 lạy; các viên bộ Lễ dẫn các thân công đến trước sân lạy vua 5 lạy. Sau đó, vua truyền chỉ ban yến và ban thưởng tiền thưởng xuân. Đến đây, tất cả các nghi tiết liên quan đến lễ Nguyên đán tổ chức tại điện Thái Hòa và điện Cần Chánh kết thúc.
Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà quy mô, nghi tiết của lễ Nguyên đán cũng có một số điều chỉnh, thay đổi để phù hợp. Những năm có nhật thực, dịch bệnh, giặc giã, tình hình đất nước không ổn định thì các nghi thức như dâng biểu mừng, ban yến tiệc... tại lễ Nguyên đán cũng có thể lược giảm. Khi Khâm Thiên Giám dự báo có nhật thực, thì một số lễ phải điều chỉnh ngày hoặc hủy bỏ. Nhiều văn bản Châu phê của hoàng đế còn lưu lại đã chứng minh cụ thể điều này, như trường hợp bản phụng thượng dụ đề ngày 15 tháng Chạp (1849) thời Tự Đức là một điển hình. Năm ấy có dịch bệnh, sáng mồng 1 lại có nhật thực, nên việc tổ chức thiết triều mừng tết Nguyên đán đều bị bãi bỏ.
Châu phê của vua Tự Đức trên bản tấu của bộ Hộ và bộ Lễ vào ngày 22 tháng chạp (1862) về nội dung Tết Nguyên đán sắp tới sẽ dừng việc ban yến và dâng biểu chúc mừng vì biên thùy chưa yên |
Lễ Nguyên đán được phục dựng dưới hình thức sân khấu hóa
Từ năm 2021, lễ thiết triều Nguyên đán do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản.
Nguyên xưa, lễ Nguyên đán vốn tổ chức thiết Ðại triều ở điện Thái Hòa; sau đó thiết Thường triều tại điện Cần Chánh. Do đây là kịch bản sẽ triển khai dưới hình thức sân khấu hóa, nên đã dùng thủ pháp đồng hiện. Có nghĩa là toàn bộ 2 nội dung của cả 2 lễ (tại điện Thái Hòa và điện Cần Chánh) đều được dàn dựng ở một địa điểm là điện Thái Hòa, vừa phù hợp với thực tế (vì không còn điện Cần Chánh); vừa phù hợp với việc phục vụ du lịch (tái hiện này không phục dựng, phục hồi lễ Nguyên đán một cách nguyên bản vì nhiều điều kiện không cho phép cũng như không phù hợp yêu cầu thực tế). Vì vậy, yếu tố dẫn chuyện có ý nghĩa vừa nối kết, vừa thuyết minh, diễn giải và dẫn dắt nội dung để định hướng cho người thưởng lãm. Dưới hình thức sân khấu hóa, nghi lễ này được tái hiện nhằm phát huy cả di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giới thiệu về những nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa.
Việc chuẩn bị cho bối cảnh của lễ được sắp đặt trước như thiết đặt tự khí, trang trí cảnh quan: thiết trí trước ngai vua trong điện Thái Hòa 1 đỉnh lư lớn, dùng để đốt trầm; đặt 2 cái án ở trước điện Thái Hòa hai bên sân đại triều, mỗi bên hai án có 2 tàn cửu long vàng làm nơi đặt biểu mừng; thiết trí ở sân Đại Triều 1 bộ Biên chung ở bên trái (từ trong nhìn ra), 1 bộ Biên khánh ở bên phải; thiết trí 2 khẩu súng lệnh (mỗi khẩu cài 9 quả pháo) ở 2 bên tả hữu sân Đại Triều; nghi trượng, cờ xí sắp đặt phù hợp; treo đèn lồng trước mái hiên điện Thái Hòa...
Cũng như cách tái hiện sân khấu hóa lễ Ban Sóc (Ban lịch năm mới), yếu tố dẫn chuyện đã tham gia vào diễn giải tại không gian lịch sử này như một “chứng nhân” để kể lại câu chuyện. Mở đầu lời dẫn chuyện (tiếng vọng âm thanh) giới thiệu về nội dung ý nghĩa của lễ Nguyên đán dưới thời Nguyễn: Nguyên đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn. Lễ tổ chức vào ngày mồng 1 Tết với những nghi tiết gắn liền điển lệ cung đình. Trước khi diễn ra, bộ Lễ chuẩn bị các nghi vệ, tự khí đặt Đại triều ở điện Thái Hòa, đặt Thường triều ở điện Cần Chánh. Tại các lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan Truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm… Đầu tiên là những nghi thức tại điện Thái Hòa. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh, ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ…
Lúc này, 2 người cầm cờ cảnh và cờ tất; 2 người cầm lồng đèn cao có 2 chữ Nguyên đán; 4 người cầm cờ tứ phương dẫn đầu; 7 nhạc công tiểu nhạc và 1 nhạc công đứng ở bộ Biên khánh; 6 nhạc công đại nhạc và 1 nhạc công đứng ở bộ Biên chung... tất cả nghiêm trang tiến ra sân Đại Triều.
Sau tiếng trống nghiêm hồi đánh lên từ phía Ngọ Môn, 4 quan văn võ (tượng trưng cho Tứ trụ); 6 hoàng thân công, hoàng tử phân ban ở gian giữa điện Thái Hòa. Tiếp tiếng nghiêm hồi đánh lên từ phía Ngọ Môn, đội cờ long tinh kỳ gồm 8 người; 10 người cầm búa; 6 người cầm nghi trượng Thiết triều nghi; 30 quan văn võ… lần lượt phân phan đứng hai bên sân Đại Triều.
Tiếp đến là nghi tiết vua bắt đầu xuất Đại Cung Môn sau lời xướng vọng từ hậu đài: Cung thỉnh Thánh thượng ngự xa giá10. Đội tiểu nhạc cử Long ngâm11, sau tiếng nhạc dứt, ở Ngọ Môn trỗi lên 2 hồi chuông trống. Đội đại nhạc cử nhạc đón vua lên điện Thái Hòa, sau tiếng nhạc dứt12, viên Thông tán xướng: Hỏa lệnh. Ngay lập tức, 2 súng lệnh do 2 lính hỏa lệnh châm ngòi hai bên sân điện Thái Hòa bắn 5 phát mỗi bên. Một viên Thái giám đốt lư trầm trong điện Thái Hòa.
Viên Thông tán xướng: Tấu tiểu nhạc Đăng đàn13… Cung cúc… bái/ hưng… Nhạc nổi, các quan bái lạy 5 lạy. Viên Thông tán xướng: Hành Khánh hạ lễ…. Bách quan giai quỳ. Các quan đều trang nghiêm quỳ xuống. Tiếp đến là nghi tiết Tiến hạ biểu và tuyên đọc. Viên Thông tán xướng: Tiến hạ biểu. Một quan Nội các tiến đến Hoàng án lấy Hạ biểu trao cho 1 quan Tuyên độc. Viên Thông tán xướng: Tuyên độc. Quan Tuyên độc quỳ xuống đọc bài Biểu14 mừng vua:
Chúng thần là quan viên bộ Lễ,
Nhân tháng Giêng mở vận;
Gặp Tân niên tiết lành,
Kính cẩn dâng biểu tiến lên.
Trộm nghĩ:
Mệnh lớn tự trời ban; nguồn thịnh muôn năm sáng mãi.
Bậc Thánh nhân truyền kế sách muôn đời;
Ngôi Hoàng đế ngày càng sáng tỏ.
Văn chương truyền mãi đến nghìn xuân;
Phong tục xiển dương muôn vạn thuở.
Hằng năm thường thấy được mùa;
Vận sông trong vẫn nêu điềm tốt.
Trời đất yên ổn, bởi Đức giao hòa;
Trăng sao sáng soi, do Nhân hợp cộng.
Hoàng đế ta thụ mệnh sách trời nhân nghĩa rõ ràng,
điển chương rực rỡ;
Đại Nam đây yên ổn dân tình vượt qua gian khó,
cương thổ vững bền.
Gặp tết Nguyên đán, Tam dương ngời sáng, vạn vật sinh sôi15.
Non sông cảnh tượng huy hoàng, tiên bàn dâng Thụy.
Chúng thần thực lòng hoan hỷ,
Kính cẩn dâng biểu chúc mừng.
Kính ngưỡng Hoàng đế: công đức sâu dày hưởng muôn phúc ấm;
Thầm mong Đại Nam: bá quan rường cột một lòng vì nước, vì dân.
Trời đã vào Xuân,
Đồng lòng chúng thần… làm… Biểu… dâng… mừng.
Viên Thông tán xướng: Phủ phục, hưng. Nhạc nổi lên, các quan lạy 5 lạy, rồi bình thân.
Tiếp đến là nghi tiết Truyền chỉ Nguyên đán. Một viên quan bộ Lễ quỳ tâu: Thỉnh truyền chỉ. Quan Truyền chỉ xướng to: Có chỉ. Tất cả các quan đều quỳ xuống. Quan Truyền chỉ đọc Chỉ16:
Trẫm từ ngày nối nghiệp,
Nhận lấy mệnh trời; noi đức Hoàng khảo
Việc cần chánh lo liệu hết lòng,
Việc trọng nông chuyên tâm hết mực.
Đã định lệ Ban Sóc; đã khuôn phép Tịch điền
Mà năm qua bão lũ liên miên
Lại còn thêm họa mầm dịch bệnh;
Đã yên ủi tỉnh thành gặp thiên tai, lũ lụt;
Đã ủy lạo mở kho lương cứu đói dân tình.
Thu tiễn, đông tàn khép lại cùng năm cũ;
Xuân sang, Tết đến mở sáng khắp đất trời.
Nay dương khí càn khôn giao hòa vạn vật;
Giờ Trẫm và các khanh cũng yên úy phần nào.
Gặp ngày xuân, cùng hưởng phúc trời cao,
Truyền ban yến phân theo thứ bậc.
Dưới trên, tả hữu đồng lòng hưởng muôn phúc ấm.
Khâm thử.
Quan Truyền chỉ xướng to: Hành Tạ ân lễ. Bá quan cùng hô: Đa tạ Hoàng ân. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.
Cảnh các nhi hoàng đệ, hoàng tử lạy mừng vua trong lễ Nguyên đán tái hiện tại điện Thái Hòa năm 2021 |
Tiếp đến là nghi tiết vua rời điện Thái Hòa xa giá đến điện Cần Chánh. Quan Truyền chỉ xướng to: Phủ phục, bái, hưng (lạy 5 lạy). Tiểu nhạc nổi lên. Quan bộ Lễ quỳ tâu: Khánh hạ lễ thành… Đại nhạc…Tác17. Đến đây, lời dẫn chuyện (tiếng vọng âm thanh) diễn giải về nội dung vừa diễn ra: Lúc này, vua đã rời khỏi điện Thái Hòa để về lại điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên đán. Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, các thân công, hoàng tử sẽ lạy mừng vua. Sau đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của nhà vua…
Sau lời dẫn chuyện, bối cảnh “mở ra” được xem là của điện Cần Chánh. Lễ Nguyên đán ở điện Cần Chánh được bắt đầu bằng nghi tiết các hoàng huynh, hoàng đệ nhỏ tuổi; các thân công, hoàng tử bái điện lạy vua. Viên Thông tán xướng: Các nhi hoàng đệ, nhi hoàng nam bái điện. 2 viên Thái giám dẫn các nhi hoàng đệ - em vua nhỏ tuổi, nhi hoàng nam - con vua còn nhỏ tuổi đến trước thềm. Viên Thông tán xướng: Phủ phục, bái, hưng, trong âm thanh tiểu nhạc tấu lên, các nhi hoàng đệ, hoàng nam bái lạy vua 5 lạy, rồi bình thân về lại vị trí cũ. Viên Thông tán xướng: Các công tử bái điện… các hoàng tử, thân công đến trước thềm. Viên Thông tán xướng: Phủ phục, bái, hưng, trong âm thanh tiểu nhạc tấu lên, các hoàng đệ, hoàng nam bái lạy vua 5 lạy, rồi bình thân về lại vị trí cũ.
Tiếp đến là nghi tiết vua truyền ban yến, thưởng tiền xuân và ban xem điệu múa Bông. Viên Thông tán xướng: Có chỉ. Tất cả các quan, hoàng tử, thân công, nghi hoàng đệ, hoàng nam… đều quỳ xuống. Quan Truyền chỉ tuyên đọc Chỉ18:
Chỉ rằng:
Hằng năm, đầu xuân ban ân; thần dân vui vẻ
Được thiên địa chở che, muôn dân thêm yên ổn.
Nhờ phúc ấm phù trì, triều chính lại an vui,
Nay ban ngân lượng thưởng xuân cho bá quan văn võ;
Lại ban kim tiền mừng Tết cho hoàng tử, thân công.
Ban tiệc yến phân theo phẩm trật, cùng hưởng xuân an lạc thái bình.
Lại thêm, các quan nhạc vừa soạn bài múa Bông rực rỡ,
Nay ban xem để mọi người cùng hân hoan đón Tết.
Ngay lúc này, quan Truyền chỉ xướng to: Hành Tạ ân lễ. Bá quan và mọi người cùng hô: Đa tạ Hoàng ân. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế và lạy tạ ân. Bấy giờ, viên Thông tán, xướng: Tả hữu vũ công… bày ban, Nhạc tác. Đội vũ công dàn ra sân triều vừa múa vừa hát trong âm thanh của đội Nhã nhạc. Sau khi điệu múa Bông kết thúc, viên Thông tán xướng: Lễ tất. Đến đây thì lễ Nguyên đán kết thúc trong âm thanh diễn giải của lời dẫn chuyện: Lễ Nguyên đán ngày xưa diễn ra với nhiều nghi tiết mang tính điển lệ. Sau các nghi thức ở điện Cần Chánh các cuộc yến tiệc vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu. Thân công, Hoàng tử cùng các quan từ tứ phẩm trở lên dự yến vào ngày mồng 1 Tết. Các quan từ ngũ phẩm trở xuống dự yến vào ngày mồng 2 Tết. Các quan Phủ doãn, quan tỉnh thì dự tiệc yến ở Tả, Hữu Đãi Lậu Viện ở hai bên, trước điện Thái Hòa vào ngày mồng 2 Tết.
Múa Bông lại lễ Nguyên đán tái hiện năm 2021 tại sân Đại Triều, điện Thái Hòa |
Bên cạnh những ngày vui chơi, yến tiệc, thăm hỏi, chúc tụng... diễn ra trong Hoàng cung là các cuộc du xuân, tế lăng miếu... của Hoàng gia được tổ chức với sự tham dự của nhiều thành phần trong hoàng gia, hoàng tộc, phi tần, cung giai... Đến ngày mồng 7 tháng Giêng (âm lịch), triều đình tổ chức lễ Hạ tiêu khai ấn khép lại một cái Tết trong Hoàng cung.
N.P.H.T
(TCSH396/02-2022)
----------------------------
1. Theo tài liệu Châu bản còn lưu giữ ghi nhận: 元旦今節並除夕夜例有奉放銃砲在午門樓庭前五百發 (Nguyên đán kim tiết tịnh Trừ tịch dạ, lệ hữu phụng phóng súng pháo tại Ngọ Môn lâu đình tiền ngũ bách phát: Tiết Nguyên đán nay, đêm Trừ tịch đều theo lệ bắn đại bác ở sân trước lầu Ngọ Môn 500 phát).
2. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Viện Sử học dịch, tập IV, tái bản, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 60.
3. Nhạc chương là lời của bài nhạc lễ. Bài Lý bình dịch như sau: Thiên tử sáng suốt/ Muôn dân trông vào/ Đức hay rõ tựa/ Ngọc khuê, ngọc chương/ Bảo rõ nghĩa lý/ Làm phép cho dân/ Trời ban phúc tốt/ Hưởng phúc vô cùng (bản dịch của Viện Sử học in trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, tái bản, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 407.
4. Bài Túc bình dịch như sau: Mặt trời ban sớm/ Xe nhạc vang vang/ Triều sớm đông đủ/ Hai bên bày hàng/ Âm nhạc hòa tấu/ Chuông trống dậy vang/ Lạy cúi sát đầu/ Phúc trời vọng ban (nhuận sắc từ bản dịch của Viện Sử học in trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, tái bản, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 407).
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 8, trang 57.
6. Bài Khánh bình dịch như sau: Hoàng vương trị vì/ Mệnh trời giúp đỡ/ Được hạ được nhàn/ Để hưởng thêm thọ/ Việc xét kỹ càng/ Đức ấm ấy tốt/ Đã ổn lại yên/ Được thọ được phú/ Muôn sự cùng thuận/ Ngôi cao vững bền. (Nhuận sắc từ bản dịch của Viện Sử học in trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, tái bản, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 407).
7. Nguyên văn chữ Hán câu Chỉ này như sau:履端之慶與卿等同之其賜晏賚有差.
8. Bài Di bình dịch như sau: Đức âm trong sáng/ Lời thành văn chương/ Nay ban ân trạch/ Tốt đẹp phong quang/ Dành được đức ấy/ Lớn lao khôn lường/ Lớn nhỏ cùng bái/ Tốt đẹp huy hoàng/ Hoàng thượng vạn thọ/ Vạn thọ vô cương. (Nhuận sắc từ bản dịch của Viện Sử học in trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, tái bản, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 407).
9. Trong bài có 2 chữ chưa rõ. Bài Hòa bình này tạm dịch như sau: Nghi lễ đúng phép/ Nghiêm hòa rõ ràng/ Phúc lành sáng tỏ/ Được vững lại yên/ Tiếng hay lẫy lừng/ Thiên tử vạn năm/ Phúc lộc thành công. (Nhuận sắc từ bản dịch của Viện Sử học in trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, tái bản, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 407).
10. Đây chỉ là nội dung, không dựng cảnh vua xuất cung, vì không chủ trương phục dựng vai vua, hơn nữa nếu có thì trong lịch sử, vua sẽ đi từ lối dành riêng ở phía sau điện Thái Hòa và ngự tọa ở ngai, khán giả cũng không thấy được cảnh này.
11. Nhạc ngừng, báo hiệu vua đã ra khỏi điện Cần Chánh.
12. Nhạc ngừng, báo hiệu vua đã ngự tọa yên vị ở ngai vàng.
13. Trong lịch sử là Tấu Lý bình chi chương, Túc Bình chi chương và do ca sinh hát.
14. Bài biểu này là do tác giả kịch bản (Nguyễn Phước Hải Trung) soạn theo hình thức văn biền ngẫu.
15. Câu này và 3 câu tiếp là bản dịch bài biểu mừng Nguyên đán in trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 8, trang 57.
16. Bài chỉ dụ này là do tác giả kịch bản soạn theo hình thức văn biền ngẫu.
17. Khi nhạc nổi lên xem như vua đang rời khỏi điện Thái Hòa, khi tiếng nhạc ngừng thì vua đã về đến điện Cần Chánh.
18. Bài chỉ dụ này là do tác giả kịch bản soạn theo hình thức văn biền ngẫu.