PHẠM HOÀI NHÂN
Hầu hết các làng tại Thừa Thiên Huế đều có cô đàn còn gọi là đàn âm hồn hoặc cô mộ, thậm chí còn có cả cô đàn của từng xóm, từng phường, giáp để thờ vong linh những người xấu số, khi chết đi không có người thờ tự.
Có thể nói, bên cạnh đình, chùa làng, nhà thờ dòng họ thì cô đàn là một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân cư địa phương. Tục lệ tổ chức lễ tế cô đàn là một nét văn hóa đặc trưng của làng quê ở Thừa Thiên Huế nhằm tưởng nhớ những bậc tiền nhân khai canh lập ấp, cầu siêu cho vong linh những người đã chết.
Đôi nét về đại lễ trai đàn chẩn tế làng Xuân Tùy
Làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền xây dựng cô đàn từ xưa, theo lệ hằng năm xuân thu nhị kỳ làng tổ chức cúng tế cô đàn và định kỳ cứ 10 năm tổ chức làm đại lễ trai đàn chẩn tế tại cô đàn để “phát nguyện truy tiến tiên linh chẩn tế âm cô hồn, nguyện cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái”. Đây là dịp con dân trong và ngoài địa phương có cơ hội được trở về quê hương, cùng ôn lại truyền thống hơn 500 năm từ khi lập làng đến nay1, cùng tưởng nhớ các bậc khai khẩn, khai canh lập làng, anh linh các nghĩa sĩ, đồng bào trận vong trong chiến tranh, tử nạn do thiên tai, địch họa…
Chương trình nghi lễ của trai đàn chẩn tế của làng đến nay vẫn không có sự khác biệt, nhìn chung được tổ chức theo nghi thức của Phật giáo. Trước đó một khoảng thời gian, làng tổ chức Lễ Thượng phan sơn thủy, dựng cây phan2 ở các vị trí đầu làng để báo hiệu về đại lễ; đến những ngày lễ chính thì ngày thứ nhất tổ chức Lễ Hưng tác; Lễ Thượng đại tràng phan; Lễ Nghinh phan sơn thủy; Lễ Cung nghinh tiên linh đình làng về tại đàn tràng; Lễ Bạch Phật khai kinh thỉnh Tiêu Diện đại sĩ; Lễ thỉnh chư vị âm linh, tụng Kinh Địa Tạng; Lễ cúng đất; Lễ Tiến âm linh. Đến ngày thứ hai, tổ chức Lễ Chánh tế từ lúc 04 giờ sáng, sau đó tổ chức đón tiếp con cháu, quan khách từ các địa phương lân cận đến dâng hương; Lễ cúng ngọ, cúng Tiêu Diện đại sĩ, Cung tiến Âm linh. Đến đầu buổi chiều làm Lễ Đăng đàn chẩn tế âm linh cô hồn, cuối cùng là Lễ Thỉnh linh phân hóa3.
Điều đặc biệt, lễ tế cô đàn làng Xuân Tùy đã được giới thiệu trên báo chí cách đây 85 năm. Báo Tràng An số 415, ra ngày 28/4/1939, tác giả Văn Bình trong bài “Một sự mới thấy ở nhà quê” viết về lễ trai đàn chẩn tế năm 1938 tại làng Xuân Tùy như sau “Ở làng Xuân Tùy, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (Hué) có cuộc “làm chay đàn” pháp cúng âm hồn. Lễ khai kinh khởi hành trưa ngày rằm tháng 2 ta, buổi chiều ấy, suốt cả ngày 16, tụng kinh, phóng sanh, phóng đăng, chạy đàn, đến sáng sớm ngày 17 hoàn kinh lễ tất, 8 giờ làng mời cỗ chay xong là rồi việc. Lễ ấy trong làng bày ra từ trước đã lâu, cứ 10 năm làm một lần. Cho thuê 5 sào công điền tùy giá cao hạ mỗi năm, trích trữ 10 năm để làm lễ ấy. Lúc xưa thì cứ lấy số bạc tích trữ ấy được bao nhiêu đem tiêu về lễ ấy hết, có lần tới 400$00”.
Với người dân làng Xuân Tùy, đại lễ trai đàn chẩn tế là một sự kiện đặc biệt quan trọng, cho nên công tác tổ chức được chuẩn bị rất công phu, bài bản. Trước đó, làng phân công mỗi thành viên nam nữ, lão ấu trong làng tham gia các bộ phận với nhiệm vụ cụ thể, có người đốc thúc, giám sát như Ban Nghi lễ, Ban Quản rạp (quản lý bàn ghế, rạp che, phông màn), Ban Mãi vật (mua sắm vật chất), Ban Giang đăng (hương, đèn), Ban Theo thầy (đưa rước tăng ni làm Phật sự),… bộ phận tiếp tân, hậu cần như nấu nướng, cất giữ vật chất, vệ sinh, an ninh trật tự,… tất cả đặt dưới quyền điều hành chung của một Trưởng ban do làng bầu ra.
Bữa “Đãi tiệc con nít” có một không hai
Báo Tràng An còn cung cấp một thông tin rất thú vị về một bữa tiệc chiêu đãi độc đáo của làng Xuân Tùy dành cho thiếu nhi trong làng do một nhân vật là ông Hoàng Phùng - một công chức “cựu học mà tân thời” về hưu trí, hàm Quan Lộc Tự Khanh làm tiên chỉ của làng Xuân Tùy đứng ra tổ chức, lại còn có cả quan Tri huyện Quảng Điền và hương chức trong làng đến dự.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ông Hoàng Phùng (1883 - 1949), quê quán làng Xuân Tùy, trong thời Pháp thuộc làm Thương tá Ty Điền địa Quy Nhơn, năm 1936 về hưu, sinh sống tại làng Vỹ Dạ (nay thuộc thành phố Huế). Điều đặc biệt, ông chính là cha đẻ của bà Hoàng Thị Kim Cúc - người được coi là nhân vật trữ tình trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử; là thân phụ của cố Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân tại chiến trường Điện Biên Phủ, nguyên Chính trị viên Trung Đoàn 72 Bắc Kạn - Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Hoàng Xuân Tùy và Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines Hoàng Hoan Nghinh.
Sau khi về hưu, ông Hoàng Phùng với vai trò làTiên chỉ của làng4, là người lãnh đạo cao nhất trong bộ máy quan lại làng Xuân Tùy đương thời đã đứng ra “chỉnh đốn cải lương dần dần”, “Về hưu hai năm nay, ngài đã bày ra “bổn hương ngân sách” cho làng chi tiêu mọi việc có chừng và minh bạch”, “M. Hoàng Phùng lại có làm cho họ Hoàng một quyển “Tộc Phổ” bằng chữ quốc ngữ cũng hiệp (hợp - TG) thời lắm, và biểu cho trong họ từ rày việc khai Sanh, Tử, Giá Thú, nên lưu tâm làm cho rõ ràng và đúng kì hạn. Phổ ấy họ nào nhà nào cũng có, ghi bằng chữ nho, nay ngài dịch ra quốc ngữ mà sắp đặt hàng khoản theo thể thức mới của ngài bày ra dễ coi và mau hiểu”5. Không những vậy, ông còn là người có công vận động, tạo dựng một ngôi trường học để con em trong làng thuận lợi theo con đường học tập: “Ngài có xin phép cho làng lập một hương trường, quan trên đã y cho, có lẽ đến kì khai giảng tháng 9 tây năm nay (1939 - TG) trường sẽ lạc thành. Coi số trẻ em ở làng đó mà xa các trường lân cận 4, 5 cây số dở (trở - TG) lên phải lại đường nhà quê, không thể đi học được, chỉ ở nhà nghêu ngao nhảy vọt vậy, thì sự quan trên cho lập cái hương trường ấy rất là hữu ích”. Ngay trước mặt cô đàn của làng Xuân Tùy hiện nay là một bến nước với tên gọi “Bến Trường” gắn liền với một ngôi trường tồn tại cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, sau đó giải thể theo mô hình tổ chức trường lớp mới.
Đặc biệt, trong đại lễ chẩn tế cô hồn năm 1938, quan Tiên chỉ Hoàng Phùng đã tổ chức một bữa tiệc mà trong thời bấy giờ chưa hề có tiền lệ đó là “đãi tiệc con nít” toàn làng. Từ sự cải cách, tiết kiệm kinh phí, chi tiêu có chuẩn mực mà sau đại lễ trai đàn, ông đã dành số tiền 20 đồng dành đãi tiệc cho các em thiếu nhi, đồng ấu. “Về cái lễ “Đút áo” nói trên, số bạc trích trữ kì này cộng hơn 300$00 thì chỉ trích có 170$00 chi tiêu việc lễ mà thôi. Trong số 170$00 thì chi phí lễ vật, cổ bàn 150$00 còn 20$00 thì “Đãi tiệc con nít trong làng””.
Báo Tràng An miêu tả bữa tiệc ý nghĩa ấy như sau: “Ngày 17 lễ tất, làng ngồi cỗ rồi thì cỡ 10 giờ đãi “tiệc con nít”. Có hơn 350 trẻ em, trai và gái, từ 3 tới 13, 14 tuổi, tụ hội, ăn uống một cách vui vẻ chỉnh tề lắm. Duy một phần nữa con nhà nghèo quá, tuy mặt mày sạch sẽ vì đã có lệnh bắt tắm rửa mà quần áo thì rách rưới, còn một phần nữa con nhà dư giả và đủ ăn, thì áo quần lành lẽ, tươm tất, lại có áo hàng sắc nữa. Lễ làm chay có xin phép Huyện sở tại, nhơn (nhân - TG) đó quan Tiên chỉ có tin cho quan Huyện hay cái tiệc đồng ấu đó. Quan Huyện M. Nguyễn Trân, một nhà tân học khoa cử, lấy làm một việc rất mới mẻ trong xã hội ta, ngài tỏ ý muốn tới dự giám thị việc ấy, nên chi khi đãi tiệc có Quan Huyện tới (làng cách Huyện lỵ 4 cây số)6 cùng quan Tiên chỉ và viên hào chức dịch ở làng đông đủ thị giám.
Tiệc xong Quan Huyện có biểu mấy câu khen mấy việc ấy nói với mấy ông làng nên quý hóa con nít bởi vì con nít là sanh ra người ta đại để như bàn sự bày cái tiệc ấy. Xong lễ, Quan Tiên chỉ nghị luận nói rõ ràng cách người mình xưa nay khinh dễ con nít là thế nào, tất như đối với chúng trẻ thường hay nói dối, nói phỉnh, lại có câu phương ngôn “con nít ai địt thì dạ” là một điều sai lầm về đường giáo huấn. Xóm Bầu Luân, thuộc làng Xuân Tuỳ7 mà cách xa chánh xã 5 cây số, có độ 4, 5 chục con nít, làng có giao phần cho chức dịch xóm ấy đem về dọn đãi như cách đã làm có mặt họ thấy đó, xong không rõ họ làm chỉnh đốn thế nào. 12 giờ rưỡi giải tán, quan Huyện với quan Tiên chỉ về”.
Là một trí thức sống và làm việc trong thời kỳ giao thời, những tư tưởng tiến bộ của thời đại, nhất là trong thời kỳ phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân cả nước và tại Huế diễn ra sôi động như những năm 1936 -1939, ngay chính quyền Bảo Đại và thực dân Pháp cũng tiến hành cải cách hoạt động của bộ máy chính quyền làng xã truyền thống: “Hồi tháng 10 tây năm ngoái (1938), quý trú Kinh Khâm Sứ đại thần M. Graffeuil, với quan Thượng Thơ bộ Tài Chánh đại thần cụ Hồ Đắc Khải đi kinh lí các hạt trong tỉnh Thừa Thiên, có biểu về sự có Hội Đồng “cải lương hương chánh”, có cho mời các hưu quan tới dự thính các cụ lớn nói với các ngài hưu quan ở nhà thong thả nên gia tâm trước thì trình bày ý kiến sau thì cố sự thi hành thể lệ giúp việc hội đồng ấy cho có kết quả tốt” đã ít nhiều tác động đến nhận thức và hành động của Hoàng Phùng trong đó có sự quan tâm, chăm lo cho thiếu nhi trong làng xóm thậm chí là những em ở xa, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn; thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng dành cho thanh thiếu niên.
Việc làm của ông Hoàng Phùng thể hiện một quan điểm ứng xử bình đẳng, tiến bộ trong chăm lo, giáo dục thiếu nhi: “trước khi lo cho “âm hồn” nên đừng quên “dương hồn” là cần chăm sóc hơn”, không nên có tư tưởng, thái độ coi thường, miệt thị thiếu nhi bởi đó là “một điều sai lầm về đường giáo huấn”, chính điều này đã thúc đẩy ông cố gắng vận động chính quyền đương thời xây trường, mở lớp cho con em dân làng học tập, tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương.
P.H.N
(TCSH428/10-2024)
-----------------------
1 Làng Xuân Tùy thành lập từ năm 1512, niên hiệu Hồng Thuận thứ tư, đời vua Lê Tương Dực, trước năm 1864, làng có tên là Thiên Tùy.
2 Dựng một cây tre cao, phía trên treo một tấm vải trắng, ghi chữ Hán có ý nghĩa thông báo cho các vong linh biết thông tin của lễ tế, đến ngày lễ tế chính thì nghinh rước về nơi tổ chức lễ, cũng có quan niệm cho rằng dựng tấm vải trắng tượng trưng cho cầu nối để đưa vong linh người đã khuất về dự lễ.
3 Theo chương trình đại lễ trai đàn chẩn tế làng Xuân Tùy năm 2022, tổ chức vào các ngày 11 - 12/6 Nhâm Dần (09 - 10/7/2022).
4 Trước ông Hoàng Phùng, họ Hoàng làng Xuân Tùy có Hoàng Văn Thu, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan trải qua các chức Tổng đốc, Thượng thư Bộ Hộ, làm Tiên chỉ của làng.
5 Trong bài viết này, phần in nghiêng được chúng tôi trích dẫn từ bài viết “Một sự mới thấy ở nhà quê” của tác giả Văn Bình, đăng trên Báo Tràng An, số 415, ra ngày 28/4/1939.
6 Huyện đường Quảng Điền đóng tại làng Hạ Lang, địa điểm Trạm Y tế xã Quảng Phú hiện nay, cách làng Xuân Tùy khoảng 4km.
7 Nay thuộc thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người dân xóm Bầu Luân - phe Xuân Tùy từ trước đến nay vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với làng gốc.