Lễ hội
Bước đầu khảo sát lễ hội dân gian xứ Huế
13:51 | 21/11/2009
TRẦN HOÀNG Cách đây gần 450 năm, khi đề cập tới phong tục và sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân vùng đất từ Đèo Ngang trở vào, tiến sĩ Dương Văn An đã viết: “Xuân sang thì mở hội đua trải, gái lịch, trai thanh. Hè đến thì bày cuộc đấu thăm, dập dìu rộn rã nơi ca, chốn múa…” (1).
Bước đầu khảo sát lễ hội dân gian xứ Huế
Lễ hội làng Chuồn - Ảnh: khamphahue.com.vn

Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm trong “Nam triều công nghiệp diễn chí” cũng đã dành nhiều dòng mô tả kỹ hoạt động hội hè, đình đám ở nhiều làng quê xứ Huế. Ông nói đến các trò vui: đánh cờ người, đá cầu (kiện), xích đu, đua ghe và nhận xét rằng “khi ấy các quan liêu, dân bách tính, trai gái, già trẻ dắt con, ôm cháu cùng tới xem chơi đông không thể đếm xiết…” (2).

Như vậy, xét trên bình diện lịch sử, lễ hội dân gian xứ Đàng Trong nói chung và xứ Huế nói riêng, đã định hình từ xa xưa và có bề dày với thời gian hàng mấy trăm năm, và ngay từ thuở xa xưa đó, sinh hoạt lễ hội đã có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hoá - tinh thần của nhân dân và được nhân dân tham gia rất hào hứng, tích cực.

Vấn đề đặt ra là phải tìm hiểu xem lễ hội dân gian ở vùng đất núi Ngự, sông Hương có những đặc điểm gì nổi bật (về loại hình, về qui mô…)? Hiện nay nó tồn tại ra sao?... Để rồi từ đó rút ra những kết luận khoa học đúng đắn, phục vụ cho việc kế thừa và phát huy một hình thức sinh hoạt văn hoá, tinh thần giàu bản sắc dân tộc và đậm đà sắc thái địa phương.  

Mấy năm vừa qua, trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu lễ hội dân gian Thừa Thiên Huế” (Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế chủ trì - Sở Khoa học và Công nghệ TT-Huế đầu tư và quản lý)(3), chúng tôi cùng với các đồng sự của mình đã tiến hành hàng chục cuộc điều tra ở các làng xã trong tỉnh, đã lập hơn 120 phiếu điều tra về lễ hội dân gian ở các địa phương. Từ những kết quả thu lượm được qua khảo sát ở thực địa, chúng tôi xin nêu một số nhận xét bước đầu về lễ hội dân gian xứ Huế.

1. Về các loại hình lễ hội

Từ xa xưa, cho đến tận hôm nay, ở nước ta, huyện tỉnh nào, dù là người Bắc hay trong Nam, hàng năm đều có các sinh hoạt lễ hội, dân gian làng xã. Song không phải lễ hội nào cũng hoàn toàn giống nhau về loại hình. Bởi lễ hội ra đời phụ thuộc vào điều kiện sinh hoạt, nhu cầu, tập quán và lịch sử của từng địa phương. Ở Thừa Thiên Huế lễ hội có thể phân thành mấy nhóm loại hình chính sau đây:

a. Lễ tế thần hoàng và các bậc khai canh khai cư  

Loại lễ hội này chiếm đến 90% các lễ hội ở làng quê. Điều này có nguyên do sâu xa của nó. Làng xã ở phía Đàng Trong phần lớn từ khi hai châu Thuận - Hóa trở thành một bộ phận của quốc gia Đại Việt. Cư dân ở các tỉnh phía Bắc (Phần lớn là Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh) vào lập nghiệp ở vùng đất mới đã tạo ra hàng trăm làng xã mới. Những người đầu tiên đi khai phá và lập nên các thôn ấp ở xứ Huế trở thành tổ tiên của các dòng họ. Những người này được con cháu, được cả làng xã tôn trọng, tôn thờ, biết ơn. Xuân thu nhị kỳ họ được dân làng tế lễ, cúng rước. “Đạo lý uống nước nhớ nguồn” là cốt lõi nhân bản của nội dung tế lễ các bậc khai canh, khai cư . Loại lễ hội này gần như làng nào cũng có và được thực hiện  đều đặn hàng năm. Đến nay loại hình lễ hội này hầu hết các làng đều duy trì và có xu hướng phát triển về quy mô.

b. Tế lễ các tổ sư ngành nghề.

Loại hình lễ hội này được thực hiện bởi các cộng đồng dân cư cùng ngành nghề. Thừa Thiên Huế có các lễ hội:

- Giỗ tổ ngành Mộc (20-12 ÂL ở Hương Vinh, Hương Trà)
- Giỗ tổ ngành Rèn (18-02 ÂL ở Hiền Lương, Phong Hiền)
- Giỗ tổ ngành Gốm (05-11 ÂL ở Phước Tích, Phong Điền)
- Giỗ tổ ngành Điêu khắc (05-01 ÂL ở Mỹ Xuyên, Phong Điền)
- Giỗ tổ ngành Nề (Địa Linh, Hương Trà)
- Giỗ tổ ngành Trồng (16-07 ÂL ở phường Phú Hiệp Huế)
- Giỗ tổ ngành Ca Nhạc (16-10 ÂL ở phường Thuận Hòa)  
- Giỗ tổ ngành Kim Hoàn (27-02 ÂL và 07-02 ÂL ở phường Phú Cát Huế)
- Lễ rước hến (nghề cào hến) (24-06 ÂL ở Vĩ Dạ Huế)

Như vậy, giỗ tổ các ngành thủ công hầu hết diễn ra ở nông thôn, còn giỗ tổ ngành ca nhạc lại được tổ chức ở phường phố, nơi sinh thành và tồn tại chủ yếu của từng loại ngành nghề.

c. Lễ hội phong tục

Loại hình lễ hội này hết sức đa dạng. Nó được thực hiện tùy theo mục đích và tập quán của từng làng. Có thể nêu ra đây một số loại lễ hội tiêu biểu:

- Lễ hội cầu mùa: Vùng biển có Hội Cầu Ngư (An Bằng, Điền Hải, Thuận An…), vùng đồng bằng và ven núi có lễ Tế Thần Nông, lễ Khai Nương, Mở rừng… (Hương Văn, Hương Trà) Loại hình lễ hội cầu mùa vốn có nguồn gốc rất cổ xưa. Nó là loại hình sinh hoạt văn hoá của cư dân nông nghiệp. Mục đích là mừng vụ mùa thắng lợi, mở đầu mùa làm ăn mới và cầu chúc cho việc sản xuất thuận lợi, đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

- Lễ hội cầu an, cầu hồn.

Lễ cầu an, cầu hồn nghiêng về mặt tâm linh Phong Thu (Phong Điền), Phò Trạch tiến hành lễ cầu an 12-06 và 12-01 ÂL, thủ lễ (Quảng Điền) tế cô đàn vào 17-06 ÂL, Vân Trình lễ cô hồn vào 30-06… Đặc biệt ở Thuận An có lễ hội tế các chiến sĩ và đồng bào bị tử vong trong ngày thất thủ kinh đô (1885).

Ngoài các lễ hội này còn có một số lễ hội phong tục khác như: Lễ Minh niêu (Trạch Thương - Phong Điền 12-12 ÂL), Cầu mưa (Thủy Châu - Hương Thủy tháng 6 ÂL), Lễ Vớt đất (An Cựu, Dạ Lê…) Tế Sơn Thần (Phong Sơn 12-06 ÂL)

d. Lễ tế các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hoá

Ở xứ Huế, suốt mấy trăm năm lịch sử, nổi lên nhiều danh nhân có công lớn đối với đất nước, với xóm làng. Hầu hết các danh nhân đều được con cháu các dòng họ lập đền thờ và tế cúng hàng năm, ví như các danh nhân: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương, Đặng Huy Trứ… Việc cúng tế các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hoá của các dòng họ chưa phát triển lớn đến quy mô làng xã như nhiều lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ (kiểu Hội Đền Hùng, Hội Dóng, Hội đền Kiếp Bạc…) Tuy vậy, có hai danh nhân văn hoá được làng xã, phường phố tế cúng đó là Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) có 10 đền thờ (Đền to nhất nằm trên đường Phan Chu Trinh, gần cầu Kho Rèn, và Đặng Tất (thờ ở làng Thế Vinh - Phú Vang).

e. Lễ hội tôn giáo(4)  

Thừa Thiên Huế, Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa là hai tôn giáo có tín đồ đông nhất. Lễ hội hàng năm của hai tôn giáo này được tổ chức theo lịch trình chung do giáo hội quy định và mang nét chung về hình thức tiến hành như lễ hội ở các làng quê khác. Ngoài ra, ở xứ Huế còn có lễ hội Tiên Thiên Thánh giáo (tổ chức ở Điện Hòn Chén). Đây là một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của hàng vạn người và có nhiều nét độc đáo, đặc sắc trong tiến trình hoạt động nghi lễ.


(Lễ hội Điện Hòn Chén - Ảnh: e-cadao.com)


2. Về thời gian và không gian lễ hội

- Về thời gian tổ chức lễ hội: các phiếu điều tra cho biết hơn 70% số làng mở lễ hội vào mùa Thu-Đông (từ tháng 6 đến tháng 12 ÂL), trong đó phần lớn nằm vào tháng 7, 8 ÂL. Phải chăng do điều kiện, thời tiết, khí hậu, do tập quán cày cấy, lưới chài và sinh hoạt… có những nét riêng mà lễ hội xứ Huế nghiêng về mùa Thu-Đông? Thời gian tiến hành một lễ hội cúng chỉ gói gọn trong phạm vi 1-3 ngày (phần lớn là 2 ngày).

- Về không gian lễ hội: Phần lễ tế được thực hiện chủ yếu tại đình, miếu, nhà thờ, chùa chiền, phần nghênh nước, vui chơi, hoạt động văn nghệ, thể thao… tổ chức ở sân đình, bãi cát, trên đầm phá, sông biển…

3. Về quy mô và cách thức tổ chức lễ hội

Nhìn chung, quy mô lễ hội ở xứ Huế không lớn, chủ yếu nằm trong phạm vi một làng. Các lễ hội sau đây thuộc vào loại lớn, có số người tham gia tới hàng ngàn: Lễ Điện Hòn Chén (tháng 3 và tháng 7 ÂL); lễ tế Cô đàn Thủ Lễ, Lễ Cầu Ngư Thuận An, Hội làng Chuồn, Hội Vật làng Sình…

Quy trình lễ hội thường gồm hai phần:

- Phần tế lễ, nghênh nước:

Phần này các lễ hội ở các làng thực hiện tương đối giống nhau và thực hiện theo tiến trình khá quy củ, bài bản và nghiêm túc (phần nào mô phỏng các nghi thức tế cúng trong lễ hội cung đình).

- Phần tiến hành các hoạt động văn nghệ - thể thao:


(Hội vật làng Sình - Ảnh: hue.vnn.vn)


Không phải lễ hội ở tất cả các làng xã đều có phần này. Tuy nhiên, ở nhiều lễ hội phần hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình lễ hội. Và có sức hấp dẫn rất lớn đối với người đến dự lễ hội, mỗi làng có một hình thức tổ chức riêng. Xin đơn cử một số hình thức hoạt động văn nghệ - thể thao gắn liền với lễ hội ở các làng xứ Huế: Đua ghe trên biển, trên đầm phá ở Hương Trà, Phú vang, đi tiên ở Phong Điền, vật ở làng Sình, trò bủa lưới bắt cá ở Thuận An, múa hát chầu văn ở Điện Hòn Chén, múa bông, hát tuồng ca Huế trong ngày giỗ tổ ngành nghề…

KẾT LUẬN CHUNG

1. Lễ hội dân gian Thừa Thiên Huế qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay vẫn được nhiều làng xã duy trì, phát huy. Điều đó chứng minh sức sống mãnh liệt, sự cần thiết của lễ hội trong đời sống văn hoá của nhân dân.

2. Lễ hội dân gian truyền thống rất phong phú, đa dạng về quy mô, về hình thức tổ chức. Nội dung lễ hội, trừ lễ hội tôn giáo và giỗ tổ ngành nghề, thường chứa đựng nhiều khía cạnh, nó có sự đan xen, lồng ghép nhiều vấn đề như tín ngưỡng, tạ ơn tổ tiên, ông bà, cầu mong sự yên ổn, làm ăn phát đạt… Do vậy, lễ hội đáp ứng được nhiều mặt trong nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân (như nhu cầu được thăng hoa về tâm linh, nhu cầu giải tỏa tinh thần, nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hoá…)

3. Thời gian, không gian và quy mô lễ hội Thừa Thiên Huế xưa nay nhìn chung không lớn. Điều này phù hợp và tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và hoàn cảnh sống của cư dân một vùng đất vốn không ít khó khăn về thiên tai, dịch họa. Đa số các lễ hội thường nghiêng về phần tế rước, cúng bái.

Như vậy, nhu cầu được giải tỏa, thăng hoa về tâm linh trong lễ hội rất được coi trọng. Không có phần này thì khó mà có lễ hội.

Từ những điều chúng tôi vừa nêu ở trên có thể suy nghĩ đến việc duy trì, phát huy mặt tích cực của lễ hội, hạn chế, đi đến tước bỏ mặt tiêu cực của nó, để đáp ứng ngày càng tốt hơn việc thỏa mãn và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

T.H.
(126/08-99)
 

 
----------------
1. Dương Văn An “Ô châu cận lục” Văn hoá Á châu NXB Sài Gòn-1961 trang 43.
2. Dẫn theo Lê Nguyễn Lưu -
Hội làng Phước Yên xưa (Báo TT Huế số 384)
3. Xem
Báo cáo kết quả sưu tầm, nghiên cứu lễ hội dân gian Thừa Thiên Huế (Tôn Thất Bình, Trần Hoàng, Triều Nguyên thực hiện - Tôn Thất Bình chủ biên, Sở Khoa học - Công nghệ TT Huế nghiệm thu 1995)
4. Lễ hội tôn giáo xét về bản chất, không thuộc về lễ hội dân gian song trong tiến hành và nội dung có nhiều yếu tố dân gian, dân tộc nên chúng tôi đưa vào đây như là một cứ liệu để làm phong phú thêm diện mạo lễ hội của một vùng quê.

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lan man Tết Huế (20/01/2009)
Bói Tết (20/11/2008)