NGUYỄN DƯ
Mấy tuần nay ngày nào cũng nghe người lớn bàn đại sự. Cứu nền kinh tế. Tạo công ăn việc làm. Nhiều giải pháp được đưa ra. Cái nào cũng hay, cũng được kèm theo… nếu, miễn là… Nghe mãi đâm ra bực mình, khó chịu. May quá! Được Ngô Quý Sơn kéo đi xem trẻ con chơi đùa(1).
Ôi! Cái vỉa hè quen thuộc ngày xưa. Ồn ào, vui nhộn.
Có đứa giục đánh “oẳn tù tì” (one, two, three: một, hai, ba). Thế là tất cả răm rắp để tay sau lưng. Rồi cả bọn cùng hò hét như vỡ chợ:
- Oẳn tù tì. Ra cái gì? Ra cái này!
Tụi này giỏi quá! Chưa đi học trường ngoại ngữ quốc tế ngày nào mà đã biết liến thoắng tiếng Anh. Ai dạy chúng mày vậy?
- Dạ, mấy chú “Việt Nam to thế, Việt Nam mẹ sề” dạy chúng cháu đấy ạ.
(Năm 1945, đường phố Hà Nội được căng biểu ngữ Việt dân chủ Việt quốc: Dân Việt làm chủ nước Việt. Bên dưới dòng chữ Hán là dòng chữ Anh Vietnam to the Vietnamese, được dân Hà Nội “phiên âm” thành Việt Nam to thế Việt Nam mẹ sề).
Vừa dứt câu “Ra cái này” thì lập tức ngần ấy cánh tay cùng đưa ra phía trước. Kẻ “ngoại đạo” chưa thuộc phép chơi, tự hỏi đứa nào được, đứa nào thua? Dễ lắm. Nắm tay là cái búa. Xòe tay là tờ giấy. Giơ hai ngón tay là cái kéo. Tờ giấy bọc cái búa. Cái búa đập cái kéo. Cái kéo cắt tờ giấy. Cứ thế mà tính được, thua. “Ra” giống nhau là hòa.
“Oẳn tù tì” xong. Mấy đứa thua phải làm ngựa cho đứa được “vểnh râu” cưỡi. Vừa cưỡi vừa quất ngựa, ra oai ỏm tỏi:
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ đề cho ngựa ông ăn
“Nhong nhong” là từ mô phỏng tiếng nhạc ngựa khi “ngựa chạy chậm” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê).
Nhong nhong ngựa chạy lòng vòng quanh gốc cây. Nghỉ một tí. Tớ mệt rồi. Nghỉ xong lại chơi tiếp. Lúc nào có đứa bỏ cuộc thì mới ngừng chơi.
Ngô Quý Sơn dịch ngựa ông là mon cheval (ngựa của tao). Bồ đề được chú là tên một bãi đất thuộc Gia Lâm. Bãi này có một loại cỏ dài để nuôi ngựa.
Ông là từ tự xưng. Đứa bé cưỡi ngựa tự xưng là ông. Nghe cho oai.
Có vài học giả không đồng ý với Ngô Quý Sơn. Họ cho rằng câu ca ghi lại một sự kiện lịch sử. Ông cưỡi ngựa là… ông Lê Lợi! Có bó cỏ “Bồ đề” làm bằng chứng!
“Bồ Đề là tên chung để gọi phần đất phía bên kia cầu Long Biên, vì xưa kia ở đây có hai cây bồ đề to cao, nên những địa danh như bến đò, doanh trại, hành cung, thôn và xã… đều gọi là Bồ Đề, và sông Hồng đoạn qua đây cũng gọi là sông Bồ Đề”(2).
Ca dao, ngạn ngữ Hà Nội có câu:
- Đố ai tát bể cấy kê
Tát sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy chơi.
- Sông Bồ Đề nước đỏ như son
Em mà dối bạn, tội bằng hòn Thái Sơn
Lam Sơn thực lục chép:
- “Mới đầu, Trẫm đóng dinh ở thành Phù Liệt, cách giặc khá xa, sau dời đến dinh Bồ Đề xứ Bắc Giang, đối diện với giặc để chặn đường về của chúng. Ngày đêm luyện tập chư tướng, chọn lựa quân sĩ, sửa sang chiến cụ, kén chọn, nuôi sức, tập võ nghệ, rõ hiệu lệnh, sai các tướng chia nhau chẹt bít đường hẻm để cắt viện của giặc(…)”(3).
Bồ Đề là nơi Lê Lợi đóng doanh trại năm 1426.
- “Bến Bồ Đề đối diện với thành Đông Quan qua sông Nhị. Tại nơi đây, Lê Lợi sai dựng một lầu cao ngang với tháp Bảo Thiên bên thành Đông Quan để làm chòi quan sát và chỉ huy. Hằng ngày Lê Lợi lên tầng lầu cao nhất để theo dõi hoạt động của địch trong thành Đông Quan. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ giữ chức nhập nội hành khiển lại bộ thượng thư, ngồi ở tầng lầu thứ hai, để cùng bàn bạc với Lê Lợi và thảo các thư từ giao thiệp với quân Minh cũng như các mệnh lệnh gửi cho nghĩa quân. Tại đại bản doanh mới này, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ tham mưu nghĩa quân trực tiếp chỉ huy việc vây hãm thành Đông Quan và tiến hành cuộc đấu tranh chính trị với địch”(4).
Câu ca: “Nhong nhong ngựa ông đã về,/ Cắt cỏ Bồ-đề cho ngựa ông ăn”, được Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên xếp vào loại “các câu ca dao còn giữ lại được những danh từ riêng chỉ tên người, tên đất, tên triều đại, hay ít ra cũng phản ánh những đặc điểm riêng biệt có thể nhận ra ngay được của một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó (…)”.
“(Nhong nhong…) nói lên sự mong đợi, lòng hân hoan và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân đối với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, những người đã cùng toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến vĩ đại mười năm chống quân Minh hồi thế kỉ XV”(5).
Nguyễn Vinh Phúc cũng cho rằng “câu ca dao quen thuộc đã ghi lại cái không khí lâm hạ (tới mừng) hồ hởi của quần chúng (khi được tin nghĩa quân Lam Sơn về đóng tại bến Bồ Đề)”(6).
“Lòng hân hoan và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân”, “không khí hồ hởi của quần chúng”được Lê Lợi kể lại trong Lam Sơn thực lục:
“Năm Ất Tỵ (1425), Quân ta đã ba ngày liền không có ăn, thế mà tuân mệnh nghiêm túc, không ai dám phạm. Dân chúng trên đường quân đi qua, thấy phép quân thì nghiêm mà lệnh thì theo đúng, nên lấy lúa gạo trâu bò của giặc đưa hết đến doanh trại ta để dùng vào việc quân. Trẫm bèn chia đều nuôi tướng sĩ, lương thực tạm đủ”(7).
“Năm Bính Ngọ (1426), Trẫm đến Đông Đô, ba ngày đầu, nhân dân vùng kinh lộ và các huyện, châu, phủ, các tù trưởng biên trấn đều tấp nập đến cửa dinh nguyện ra sức liều chết đánh các thành của giặc...”(8).
Lê Lợi kể chuyện nhân dân người thì ủng hộ lúa gạo, trâu bò để nuôi quân, người thì hồ hởi xin đầu quân, liều chết giết giặc. Lê Lợi không kể chuyện ông “nhong nhong” tại Bồ Đề, được nhân dân lo lắng… cắt cỏ cho ngựa ông ăn.
Đọc sử ai cũng hiểu rằng Bồ Đề là “khu quân sư”. Toàn bộ “cơ quan đầu não” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nằm trong doanh trại Bồ Đề. Tình hình chiến sự rất căng thẳng. Chẳng lẽ Lê Lợi, Nguyễn Trãi lại cho phép dân chúng được lai vãng đến doanh trại giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” để cắt cỏ nuôi ngựa? Người không học Binh pháp cũng không vô tư, sơ hở đến mức như vậy.
Chưa hết. Bản thân cỏ Bồ đề cũng… có vấn đề.
Ta có rất nhiều ca dao, ngạn ngữ để khoe hàng trăm, hàng ngàn cái hay, cái đẹp, cái ngon của mọi miền đất nước. Người ta khoe đồ ăn thức uống, khoe đồ dùng, khoe tay nghề… Đặc biệt là khoe đặc sản ẩm thực địa phương. Nào là dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần. Nào cá rô Đầm Sét, tôm hùm Nha Trang, mì Quảng, bún bò Huế. Nào nhãn Hưng Yên, cam Bố Hạ, bưởi Biên Hòa, dừa Bến Tre...
Tuy vậy, trong lúc khoe khoang dân làng phải… tránh phạm thượng! Tha hồ khoe những cái hay, cái đẹp. Nhưng không được đem tên làng ra để khoe đặc sản… nuôi súc vật. Có tiền mua tiên cũng được, nhưng không ai mua được đồ ăn của súc vật có “thương hiệu” mang tên làng. Đố ai mua được bèo Hà Nội, cám Huế hay cỏ Sài Gòn, rơm rạ Hạ Long v.v.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Bác nông dân thương yêu con trâu. Bác sẵn sàng trả ơn, đãi ngộ trâu bằng một bãi “cỏ non xanh tận chân trời”! Cỏ có “ngon nhất Đông Nam Á” hay “ngon nhất thế giới”, bác cũng không dám mang tên làng ra quảng cáo.
Tên làng được mọi người tôn trọng. Không phải là chuyện… đùa. Huống hồ Bồ Đề là một địa danh lịch sử.
Có người tìm được cỏ Tháp Mười đây nè!
Bao giờ hết cỏ Tháp Mười,
Thì dân ta mới hết người đánh Tây.
Khó ăn khó nói quá. Chỉ còn… lời quê chắp nhặt dông dài. Đề nghị bà con cùng đi ngắt một ngọn cỏ Tháp Mười xem nó ra sao?
Vào thời quân xâm lược Pháp mới chiếm nước ta, đã nổi lên rất nhiều cuộc khởi nghĩa, trong đó có cuộc nổi dậy của Nguyễn Trung Trực ở Tân An thuộc miền Nam nước ta. Trước khi bị hành hình, Nguyễn Trung Trực đã nói vào mặt quân thù một câu đanh thép: “Bao giờ đất này hết cỏ thì người Nam mới hết chống Tây”. Dựa theo ý của câu này nhân dân ta đã sáng tác câu ca dao sau đây trong thời kháng chiến chống Pháp:
Bao giờ hết cỏ Tháp Mười,
Thì dân ta mới hết người đánh Tây(9).
Câu nói của Nguyễn Trung Trực có sách chép là: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người nước Nam đánh Tây”(10).
Lời nói của Nguyễn Trung Trực được cuộc cải biên thành ca dao. Cỏ nước Nam bị thu hẹp lại thành cỏ Tháp Mười. Đối chiếu câu nói với câu ca dao thì có thể khẳng định rằng: cỏ Tháp Mười là cỏ hoang mọc tại vùng Tháp Mười. Nước ta không có cỏ tên là Tháp Mười.
Cũng nên nói thêm là Nguyễn Trung Trực không hoạt động chống Pháp tại vùng Tháp Mười.
Cỏ Tháp Mười của miền Nam và cỏ Bồ Đề của miền Bắc chỉ là cỏ của nhà văn, nhà thơ thôi.
Trở lại câu ca “nhong nhong” của trẻ con. Phải hiểu như thế nào? Đề nghị (lại đề nghị) hai cách hiểu.
1. Cách hiểu thứ nhất:
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ bồ, đề cho ngựa ông ăn.
Bồ đề không phải là địa danh. Hai từ bồ, đề viết bằng chữ thường. Nên thêm “dấu phẩy” giữa hai từ để tránh nhầm lẫn.
- Bồ (chữ Hán, bộ Thảo) là cỏ bồ, lá non ăn được, lá già dùng làm chiếu, làm quạt hay làm cái bao bọc đồ, tục gọi là bồ bao (Hán Việt tự điển, Thiều Chửu). Bồ là một thứ cỏ thơm (Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh).
- Đề (bộ Thảo) là mầm cỏ tranh. Cây cỏ mới nhú mầm đều gọi là đề (Thiều Chửu).
Bồ và đề là hai loại cỏ “chất lượng cao” của trâu bò, dê ngựa.
2. Cách hiểu thứ hai:
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ bồ để cho ngựa ông ăn.
- Đề được sửa thành để. Nói cách khác, để đã bị “trẻ con” đọc trại thành đề. Câu ca chỉ có cỏ bồ. Dễ hiểu hơn cách thứ nhất.
Trò chơi của trẻ con bắt chước ông quan nhong nhong cưỡi ngựa về làng. Oai vệ. Đủng đỉnh. Quan về làng! Dân làng phải lo “vi thiềng” ông, lo “bồi dưỡng” cho ngựa của ông.
Ý nghĩa câu ca dí dỏm, hiện thực. Người lớn cũng muốn vào chơi với trẻ con.
Cái vui của trẻ con vui hơn cái vui của người lớn. Cười đùa không theo bài bản vui hơn ca hát phải theo nhịp điệu được viết sẵn. Trẻ con cõng nhau chạy lòng vòng gốc cây vui hơn người lớn chạy ra chạy vào trên sân khấu được dàn dựng công phu.
Mời các cụ đến bến Bồ Đề lịch sử xem… người lớn cưỡi ngựa:
Giặc đi thì giặc lại về
Đến cầu Bồ Đề thì giặc phải lui
(Bồ Đề là bến, tức là bến Giốc Gạch, Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức).
Xin bàn sang trò chơi… cưỡi ngựa của người lớn.
Thực dân Pháp đã nhập cảng trò đua ngựa vào nước ta! Sài Gòn được vinh dự dẫn đầu phong trào đua ngựa của cả nước.
Người ngựa sửa soạn đua |
- Đua ngựa tại Sài Gòn.
Vương Hồng Sển cho biết “(Sài Gòn) bày cuộc đua ngựa, độ đầu ngày 15/8/1864, ngựa bản xứ, người cỡi khăn áo y phục An Nam, khi thấy có lợi nhiều mới sắp đặt mở trường đua nay còn thấy”(11).
Meyer nói rõ hơn là ngày 15/8/1864, nhân dịp “lễ Vạn thọ Pháp” (fête de l’Empereur), thành phố Sài Gòn tổ chức đua ngựa và đua xe bò (charrettes à boeufs) tại Polygone de tir (bãi tập bắn)(12).
Theo Sơn Nam thì:
“Đua ngựa là môn giải trí, với sác xuất khá khoa học nhưng vẫn còn yếu tố may rủi, lần hồi trở thành trò chơi “đỏ đen”. Khi chưa chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh, người Pháp đã mở trường đua ngựa, tại vùng đất nghĩa địa, đến năm 1932 nhằm mở rộng cho hợp với tiêu chuẩn quốc tế, dời về Phú Thọ, góc đường 3 tháng 2 và Lý Thường Kiệt ngày nay”(13).
Polygone de tir (hay Polygone d’Artillerie) thuộc khu vực Đồng tập trận (còn được gọi là Mô súng hay Mả ngụy), nơi Minh Mạng cho chôn vùi xác 1137 người theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình(14). Đồng tập trận cũng là nơi Nguyễn Tri Phương đắp đồn lũy Chí Hòa chống Pháp năm 1861.
Người Pháp gọi khu vực Mả ngụy là Plaine des tombeaux.
Vùng đất nghĩa địa được Sơn Nam nói tới nằm ở đâu?
Thực dân Pháp đã cho xây cất nghĩa địa ngay từ ngày mới chiếm được Sài Gòn. Nghĩa địa chia ra hai phần riêng biệt: phần dành cho người Âu (cimetière européen) và phần dành cho người bản xứ (cimetière indigène). Về sau người Sài Gòn gọi là Đất thánh Tây, Nghĩa địa đô thành (khu vực công viên Lê Văn Tám ngày nay).
Một điều chắc chắn là người Pháp không bao giờ tổ chức đua ngựa tại… nghĩa địa. Vì vậy, Vùng đất nghĩa địa của Sơn Nam không phải là nghĩa địa tây hay nghĩa địa ta. Vùng đất nghĩa địa là vùng Mả ngụy, người Pháp gọi là Plaine des tombeaux. Dường như Sơn Nam muốn tránh tên Mả ngụy của triều đình phong kiến, nên đã dịch Plaine des tombeaux thành Vùng đất nghĩa địa. Tên không có ý khinh miệt, không phân biệt đối xử với những người đã chết, nhưng có thể bị nhầm với Nghĩa địa đô thành.
Đã có nhiều nhà báo, nhà văn, quan chức người Pháp viết bài ca ngợi hòn ngọc Viễn Đông. Trương Vĩnh Ký cũng đăng đàn diễn thuyết, giới thiệu Sài Gòn và các vùng phụ cận thời mới bị Pháp chiếm đóng.
Nhưng, các bài viết và bài nói chuyện không đả động gì đến trường đua ngựa (người Sài Gòn gọi tắt là trường đua).
- Bản đồ năm 1867 và 1893 không có trường đua.
- Bản đồ năm 1903 có Trường đua (Champ de courses) “hoành tráng” tại Polygone d’Artillerie, làng Phú Thạnh (khu vực Công trường Dân Chủ ngày nay).
- Bản đồ năm 1933 có Trường đua mới (Nouvel Hippodrome) “đúng tiêu chuẩn quốc tế” (Trường đua Phú Thọ, Câu lạc bộ Thể dục Thể thao Phú Thọ ngày nay).
- Bản đồ năm 1947 có một sân vận động (sân Hoa Lư ngày nay) trong khu đất của nhà binh (thành Gia Định cũ, giới hạn bởi đường Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay).
Đua ngựa Hà Nội |
- Đua ngựa tại Hà Nội.
Ngày 6/6/1884, triều đình Huế công nhận nền bảo hộ của Pháp tại Bắc Kì.
Cuộc đua ngựa đầu tiên tại Hà Nội được tổ chức ngày 15/7/1886. Chương trình hôm ấy có 2 cuộc đua ngựa và một cuộc đua “người ngựa” dành cho tất cả các hạng tuổi (une course pour homme-chevaux de tout âge). “Người ngựa” là người kéo xe thay ngựa. Các phu xe tay, vừa nắm càng xe vừa chạy. Người thắng giải cuộc đua người ngựa hôm ấy là Lo-Ky(15).
Cuộc đua ngựa ngày 15/7/1886 được tổ chức tại đâu? Sách báo xưa không nói rõ. Chỉ có thể dựa vào một vài tài liệu để suy đoán.
- Ngày 27/3/1887, có đua ngựa trong thành Hà Nội. Trường đua ngựa (người Hà Nội gọi là quần ngựa) nằm giữa điện Kính Thiên và Cột Cờ. Đường ngựa chạy chỉ dài 1200 mét. Khán đài nằm trên sân tầng thứ nhất của Cột Cờ, được chia thành hai khu: Khu dành cho các quan chức, các phu nhân, và khu dành cho các sĩ quan(16).
Rất có thể cuộc đua ngựa đầu tiên ngày 15/7/1886 đã được tổ chức trong thành Hà Nội. Cuộc đua đạt “kết quả mĩ mãn, vượt chỉ tiêu”, thực dân Pháp bèn cho sửa sang, làm đường ngựa chạy, làm khán đài. Sáu tháng sau, ngày 27/3/1887 quần ngựa được khánh thành.
Quần ngựa trong thành Hà Nội sinh hoạt được vài năm thì bị dẹp bỏ. Hà Nội xây quần ngựa chính thức.
- Bản đồ Hà Nội 1890 có một quần ngựa hoành tráng, đúng tiêu chuẩn được xây cất tại địa điểm Cung Văn hóa ngày nay (đường Trần Hưng Đạo, gần nhà ga xe lửa Hà Nội). Ngày 31/1/1894, nhân dịp tàu Zabiaca của Nga ghé thăm Hà Nội, một cuộc đua ngựa được tổ chức long trọng tại đây để chiêu đãi các sĩ quan Nga.
- Năm 1899, quần ngựa (Cung Văn hóa) bị phá bỏ để lấy đất xây nhà Đấu Xảo cho Hội chợ triển lãm (Exposition d’Hanoi). Nhà Đấu Xảo được khánh thành ngày 16/11/1902.
Trường đua ngựa Hà Nội |
Một quần ngựa mới được xây cất tại Liễu Giai (cung Thể Thao Quần Ngựa ngày nay). Tranh dân gian Oger (1908) có tấm Đấu mã trường, vẽ cổng “trường đua ngựa” này. Khán giả thời ấy toàn là tây đầm.
(Hải Phòng có Hội đua ngựa (Société hippique) năm 1887. Quần ngựa Hải Phòng nằm cạnh đường đi Đồ Sơn (bản đồ Hải Phòng năm 1889). Nam Định tổ chức đua ngựa ngày 18/1/1891).
Lyon, 4/2013
N.D
(SH293/07-13)
--------------
(1) Ngô Quý Sơn, Jeux d’enfants du Vietnam, Sudestasie tái bản, 1985, tr. 49.
(2) Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội, Nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1993.
(3) (7) (8) Nguyễn Diên Niên, Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục, Ty Văn Hóa Thanh Hóa, 1976, tr. 252, 248, 251.
(4) Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 386.
(5) Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 2, Đại Học và Trung Học chuyên nghiệp, 1973, tr. 309-310.
(6) Nguyễn Vinh Phúc, Lê Lợi và Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb.Thanh Hóa, 1987, tr. 255.
(9) Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, in lần thứ tám, Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 487.
(10) Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam Bộ (nửa sau thế kỷ XIX), Nxb. Văn Học, 1977, tr. 216.
(11) Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 108.
(12) Charles Meyer, La vie quotidienne des français en Indochine 1860-1910, Hachette, 1985, tr. 87.
(13) Sơn Nam, Người Sài Gòn, Nxb. Trẻ, 1992, tr. 69.
(14) (17) Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Xuân Thu tái bản, tr. 78, 278.
(15) Claude Bourrin, Le vieux Tonkin 1884-1889, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1941, tr. 114.
(16) André Masson, Hanoi pendant la période héroique 1873-1888, Geuthner, 1929, tr. 127.