Ca dao - Cổ tích
Rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian Việt Nam
16:25 | 28/02/2014

TRẦN ĐẠI

Đối với cư dân Việt cổ thì hầu như chưa có từ "rồng", với khái niệm là con vật linh thiêng, cao quý. Người Việt cổ có thể chỉ có khái niệm về thuồng luồng, chỉ chung những loài rắn, hay tương cận với rắn, sống ở dưới nước.

Rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian Việt Nam
Đám rước rồng - tranh Đông Hồ - Ảnh: internet

Trong thực tế đời sống, từ săn bắt hái lượm đến định cư nông nghiệp, dân Việt cổ thường gặp phải những tai nạn ở sông biển, mà họ cho là do thủy quái, một loài động vật ở nước gây ra. Chính vì thế mà họ đã vẽ mình, xăm trên thân hình những dạng hình ngoằn ngoèo (truyền thuyết kể là từ đời Hùng Vương) và mãi đến đời Trần mới bãi bỏ.

Chính cái truyền thuyết về Con Rồng Cháu Tiên là một thứ truyền thuyết Việt cổ đã bị khúc xạ bởi yếu tố văn hóa ngoại nhập, văn hóa Hán tộc.

Suốt quá trình bị đô hộ và sau đó là giao lưu văn hóa với Trung Hoa, khái niệm rồng của Trung Hoa mới du nhập Việt Nam. Từ đó, người Việt mới có khái niệm rồng như là một con vật linh thiêng, trong hệ thống tứ linh: long, lân, quy, phụng. Và từ đó, trong ngôn ngữ, từ long hay rồng mới gắn với cương vị đế vương, vua chúa, hay những thực thể cao quý. Như một loạt từ sau đây:

Long thể: thân thể vua
Long nhan: mặt vua
Long sàng: giường vua
Long ngai: ngai vua
Long cổn, long bào: áo vua
Long châu, long thuyền: thuyền vua...

Và hình ảnh tưởng tượng của rồng cũng đã chi phối cách mô tả ngoại hình các bậc vua chúa của nhà văn: râu rồng, mũi rồng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non v.v...

Đó là trong ngôn ngữ và văn chương bác học. Còn trong ngôn ngữ và văn học dân gian, từ rồng, hình tượng rồng được dùng mở rộng hơn. Và tất nhiên là không mấy hệ thống. Nên đề cập về hình tượng rồng, từ rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian là một câu chuyện tản mạn, có tính chất phiếm luận.

Có thể thấy dân gian quan niệm về rồng tản mạn như sau:

1. Cá gáy hóa rồng:

Quan niệm này cũng tiếp thu từ Trung Hoa. Ca dao ta nói:

Mồng bốn cá đi ăn thề.
Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn.

Vũ môn, tức cửa Vũ gồm có ba tầng. Ở Trung Quốc và ở Việt Nam ta đều có địa điểm này. Đó là nơi mà người xưa tưởng là cá trải qua cuộc thi khảo sát về trình độ và năng lực. Nếu vượt qua ba cấp Vũ môn thì sẽ hóa rồng(!)

Từ khái niệm cụ thể đó, thành ngữ "cá hóa rồng" thường dùng để chỉ việc thi cử thành đạt của sĩ tử ngày xưa. Dân gian đã từng nuôi ước mơ:

Biết bao giờ cá gáy hóa rồng,
Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa

Khái niệm này cũng được mở rộng, dùng để chỉ cho việc người con gái lấy được người chồng xứng đáng:

Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.

2. Rồng nở từ trứng và ở hang.

Nhưng trong dân gian cũng có một quan niệm khác: rồng cũng sinh sản như rắn:

- Trứng rồng thì nở ra rồng
Liu điu thì nở ra dòng liu điu. Hay:
Trứng rồng thì nở ra rồng,
Hạt thông thì nẩy cây thông rườm rà.

Và rồng cũng ở hang:

- Lấy chồng thì phải theo chồng,
Chồng đi hang rắn, hang rồng, cũng đi.

Quan niệm này hẳn có màu sắc bản địa hơn quan niệm trên kia.

3. Trong ngôn ngữ và văn học dân gian, rồng là một yếu tố ví von, so sánh để biểu đạt một số mặt sinh hoạt của con người, như ăn, nói, viết, giao tế, thời vận, tình yêu, nhận định về con người và cuộc sống.

Trước hết về chuyện ăn. Chỉ có một thành ngữ: "ăn như rồng cuốn". Rồng cuốn tức là rồng hút, chỉ hiện tượng vòi rồng trong tự nhiên, như cách chiêm nghiệm thời tiết:

Rồng đen uống nước thì nắng,
Rồng trắng uống nước thì mưa.

Về chữ viết, người văn hay chữ tốt thường được ca ngợi "như rồng bay phượng múa".

Ngay cả lời nói: "nói như rồng" là nói thao thao bất tuyệt:

Trong lưng chẳng có một đồng,
Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe.

Nhưng coi chừng, bao giờ cũng cần nói đúng thực chất, nói phù hợp với kiến thức mà mình tiêu hóa, nếu không dễ trở thành khập khiễng: "nói những lời như rồng như rắn". Thêm yếu tố rắn làm chuyển đổi giá trị tức khắc:

Học chẳng biết chữ cua, chữ còng,
Nói những lời như rồng, như rắn!

Trên phương diện giao tế, dân gian dùng thành ngữ: "rồng đến nhà tôm" để vừa tỏ sự tự khiêm, nhún nhường của gia chủ, vừa ca ngợi người khách quý. Nhưng có khi, đó cũng là cách mai mỉa:

Mấy đời rồng đến nhà tôm.
Tôi đến nhà chị không môn thì bầu.

Âu cũng là một lối giao tế thực dụng. Và quen thuộc nhất là rồng chỉ thời vận. Hanh thông như là "rồng gặp mây". Thường chỉ người thành đạt khoa cử:

"Như cá gặp nước, như rồng gặp mây"

Nhưng mất yếu tố thời vận thì chỉ là "rồng nằm ở cạn", không còn vùng vẫy, múa may gì được, mà chỉ còn trơ hình hài:

Rồng nằm bể cạn giơ râu,
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi. Hay đau khổ hơn là:

Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với đứa ngu bực mình.

Đó cũng là cái tình thế bất như ý:

Khốn nạn thay, nhạn ở với ruồi,
Tiên ở với cú, người cười với ma
Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia rắn nọ, coi đà sao nên.

Dễ thường mấy khi rồng mây được dùng để chỉ lứa đôi, vì những hình tượng khác quyến rũ hơn, như: mận - đào, loan - phượng, yến -oanh, gió - trăng v.v... nhưng điều đó cũng có:

Mấy khi rồng gặp mây đây,
Để rồng than thở với mây vài lời.
Nữa mai rồng ngược mây xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Như thế, "lời rồng mây" cũng là lời hẹn thề, lời chung thủy, lời nước non.

Họa hoằn lắm, rồng được dùng như là một biểu tượng của ngăn trở, của cách chia:

Ngồi buồn gởi bức thư sang,
Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời
Vậy nên thơ chẳng tới nơi,
Trông thơ, ai biết những lời làm sao.

Ở trên, đã nhắc đến những kết hợp rồng - phượng, rồng - rắn. Ngoài ra, còn có kết hợp rồng - hổ, theo dạng thức đối lập, trong cách ví von nhẹ nhàng mà không kém sâu sắc và mai mỉa, đồng thời lại là chơi chữ:

Xấu hổ nhưng mà tốt long
Đến khi no lòng, tốt cả long lẫn hổ.

Trong nghệ thuật dân gian và cung đình Việt Nam cũng như Trung Hoa, rồng là hình tượng trang trí quen thuộc trên lâu đài đình tạ am miếu, như những mô típ: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nguyệt, long hý châu, long lộng vũ, long ẩn, và đặc biệt là các điệu hóa cả chiếc thuyền vua, long thuyền tức thuyền rồng. Đến nỗi có người con gái nghèo mơ ước:

Vốn tôi chỉ có ba đồng,
Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi.
Còn thừa mua cái bình vôi,
Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn.
Còn thừa mua nhiễu vấn khăn,
Mua dăm vuông vóc may chăn cho chàng.
Còn thừa mua chiếc thuyền rồng,
Đem ra cửa bể cho chàng thả chơi...

Cũng là lời nói ngoa cho đỡ day dứt cảnh nghèo, chứ dân giả ai mà chẳng biết:

Tay chèo cất mái hò khoan
Thuyền rồng chúa ngự, khoan khoan mái chèo.

Một kiểu nói khác bày tỏ sự ước ao sang cả, biểu hiện một tâm lý hưởng thụ, để trở thành phản bội:
Một ngày dựa mạn thuyền rồng,
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài.

Cách nói ấy tất nhiên bị phủ định bằng một suy nghĩ chín chắn hơn, xác thật hơn:

Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng,
Tuy rằng tốt đẹp, nhưng chồng người ta.

Và quả thật, dân gian đã xét đoán đúng giá trị con người, nhìn đúng thực chất con người, không lệ thuộc những thứ trang sức phù hoa, những thứ trang hoàng sang trọng:

Dù ngồi cửa sổ chạm rồng
Chăn loan gối phượng, không chồng cũng hư

Nhưng sâu sắc và không kém chua chát là lời cảm thán sau đây:

Khen ai khéo dựng bình phong,
Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi!

Trong một cách nói ngoa ngữ, cường điệu, một chi tiết thiếu bình thường trên gương mặt người con gái cũng có thể bị châm biếm một cách dí dỏm:

Lỗ mũi em mười tám gánh lông,
Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho.

Đúng là người lớn lắm chuyện. Hãy trở về với thế giới trẻ em. Trong tâm tưởng hồn nhiên, ngây thơ của trẻ em qua đồng dao, rồng đã là một biểu tượng của hạnh phúc, của ấm no, giàu có như lời chúc tụng của trẻ em ngày xưa đối với gia chủ trong những ngày tết nguyên đán:

Súc sắc súc sẻ,
Nhà nào còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào,
Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp.
Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu.
Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ...

Đó cũng là lời chúc tất cả bạn đọc trước thềm năm mới.

T.Đ
(SH29/02-88)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng