Ca dao - Cổ tích
Cãi chày, cãi cối với… cái chày, cái cối!
15:00 | 10/11/2014

NGUYỄN DƯ

Chày cối Việt Nam có mặt liên tục suốt từ thời các vua Hùng cho đến tận ngày nay. Sinh sống ở thôn quê hay tỉnh thành, hầu như nhà nào cũng đã có lúc có chày cối. Giã gạo, xay bột, giã giò, giã cua. Làm bánh, nấu chè, bếp núc… Không có chày cối thì không xong.

Cãi chày, cãi cối với… cái chày, cái cối!
Giã gạo (1884)

Chày cối được cất trong nhà, được rước ra sân đình. Chày cối có mặt tại hội hè, cưới xin, tang ma. Buồn vui cùng mọi người.

Chày cối quấn quýt bên nhau. Chung thủy một chày một cối. Hợp tác làm ăn. Đâu cần thì gọi, chày cối ra tay giã cho một trận là đâu vào đấy.

Nhưng cũng có lúc chày cối bị chia lìa. Anh đường anh, tôi đường tôi. Mạnh ai nấy sống.

Làm bánh dày chẳng hạn. Chỉ cần trải xôi trên chiếc chiếu buồm dấp ướt, dùng chày cũng bịt chiếu buồm mà giã. Không cần cối.

Ngược lại, xay thóc xay gạo hay xay bột thì chỉ có cối, không cần chày.

Giã giò là trường hợp đặc biệt hiếm có. Một cối hai chày!

Chày cối được chia thành đẳng cấp. Ăn chắc mặc bền có cối đá. Phần đông dùng cối gỗ. Ăn xó mó niêu thì cối đất cũng xong. Chày giã thông thường là chày gỗ. Trừ chày tre của dân nghèo và chày đá của một vài ông lang.

Đại khái, có mấy loại chày cối lớn nhỏ khác nhau: - Lớn nhất, cồng kềnh nhất là cối giã gạo.

Giã ơn cái cối cái chày
Đêm khuya giã gạo có mày có tao
Giã ơn cái nhịp cầu ao
Đêm khuya giã gạo có tao có mày.


Cối chôn dưới đất. Chày được lắp vào đầu một cần gỗ dài hai ba thước. Cần rất nặng, người giã gạo phải đứng lên cần, dùng tất cả sức nặng của thân hình để điều khiển cho cần chuyển động lên xuống. Ai cũng… ngại giã gạo một mình. Nhiều người cùng giã thì… vui hơn, đỡ mệt hơn!

- Làng An Thái làm giấy cũng dùng một loại cối lớn cồng kềnh khác để giã vỏ dó.

«Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ»


Dân làng giã dó bằng chày máy «xanh sạch đẹp». Vận dụng sức bật của một cành tre để nâng chày lên cao.

- Cối giã giò nhỏ hơn hai loại cối trên. Lòng cối khá sâu, rộng. Giã giò phải là dân «vai u thịt bắp» mới kham nổi. Cả ngày cởi trần «đánh vật», hai tay «múa» hai cái chày nặng chình chịch.

Giã giò con cò biết bay

Xương xông, lá lốt làm chay cho cò.

Câu ca dao mới nghe thấy ngộ nghĩnh, thậm chí tưởng là có mâu thuẫn. Giã giò để làm chay cho cò. Dùng đồ mặn để cúng chay à?

Chữ chay (Việt) là do chữ trai (Hán) mà ra. Trai nghĩa là ăn chay. Trai tăng là thầy tu ăn chay.

Chữ trai còn có thêm một nghĩa khác. Trai tiếu là sư làm đàn cầu cúng (Hán Việt từ điển Đào Duy Anh). (Hán Việt tự điển Thiều Chửu chép là chai, chai tiếu).

Làm chay của câu ca dao được hiểu theo nghĩa là làm đàn cầu cúng. Nôm na là làm cỗ cúng. Cỗ cúng của dân gian có thể là cỗ mặn, không bắt buộc phải là cỗ chay.

- Cối giã cua, giã vừng, bếp núc hàng ngày tương đối nhỏ, lòng cối chỉ bằng cái bát ăn cơm. Cối bằng đá hay gỗ.

- Nhỏ nhất là cối giã trầu bằng bạc, bằng thau của các cụ nhà giàu. Cối bỏ túi, cất trong hầu bao, đi chơi mang theo được.

Tháng ngày thấm thoắt tựa chim bay
Ông gẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Mái tóc chòm xanh, chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.
Còn một nỗi này thêm chán ngắt,
Đi đâu dở những cối cùng chày.
              (Nguyễn Khuyến, Than già)

Chày cối của tín ngưỡng, phong tục

Chức năng của chày cối là đâm, giã, nghiền, xay. Ngoài chuyện phục vụ đời sống hàng ngày, chày cối còn có mặt trong vài tình huống đặc biệt:

Thời Hùng Vương, nhà nào có người chết thì lấy chày cối ra giã để báo tin buồn với làng xóm. Một cách loan báo như loa phát tin của phường xóm bây giờ.

Chày cối được tín ngưỡng phồn thực dùng làm biểu tượng của sinh thực khí đực (chày) và cái (cối). Giã cối tượng trưng hành động trai gái giao phối.

Hội làng được chày cối chủ trì, giúp vui hoạt náo. Giã cối tạo âm thanh rộn ràng, động tác gợi cảm. Kích thích, khuyến khích trai gái múa hát, tỏ tình(1).

Đời sau, không biết từ bao giờ, tín ngưỡng phồn thực chày cối bị nõn nường thay thế. Nõn (sinh thực khí nam) nường (sinh thực khí nữ) rất trần tục, trần trụi.

Một vài làng xã miền Bắc “quá khích”, cử 18 cặp trai gái rước ba mươi sáu cái nõn nường. Đám rước được một cụ giàu kinh nghiệm bản thân dẫn đầu. Cụ biểu diễn cảnh nõn nường quấn quýt nhau. Đâm vào, rút ra. Trai gái theo sau múa theo cụ. Dân làng ai cũng thích xem rước nõn nường.

Có người chế diễu: 36 cái nõn nường, cái để đầu giường là 37.
 

Đón dâu ngoài cổng

Tranh dân gian Oger (1908) có tấm Đón dâu ngoài cổng cho thấy tục giã cối còn có mặt cả trong lễ cưới và tục này còn tồn tại ở một số làng đến tận đầu thế kỉ 20.

Hôm làm lễ rước dâu, nhà trai cho đặt sẵn một bộ chày cối trước cổng. Chờ lúc họ nhà gái đến gần thì sai người giã cối đón mừng cô dâu. Giã cối tạo tiếng vang rộn rã, đồng thời chúc cô dâu sớm có “con bồng con bế” cho vui cửa vui nhà.

Tấm tranh Oger kín đáo, dí dỏm cho biết nhà trai mong muốn cô dâu chú rể hạnh phúc đến độ… chày hăng say đâm vỡ cả cối, chảy cả nước!

Chày cối trong văn học

Bài Phú đồ ngông của Nguyễn Khuyến có câu:

Lương nguyệt đốn lại nài nhất đệ, bàn mỏng bàn dày;
Tiền hương khoa toan bổ đồng môn, thu chày thu cối

Có thể phỏng đoán là Nguyễn Khuyến làm bài Phú đồ ngông trong khoảng thời gian cụ ngồi dạy học, mô tê răng rứa, trong dinh riêng của Hoàng Cao Khải, vào những năm 1891 - 1893(2).

Ngoài Nguyễn Khuyến ra, vài tác giả (khuyết danh) khác cũng nói đến chày cối.

Sách Văn đàn bảo giám có bài Lạc đệ phú, trong đó có đoạn:

Văn làm tối như mực, đặc như bí, kiếm chác lều kia lều nọ, hỏi một hỏi hai.
Sách quên đặc như thuổng, tối như đêm, nghe hơi câu được câu chăng, viết chày viết cối(3).

Bài Lạc đệ phú còn được chép dưới tựa đề Thi hỏng tự cười mình:

Văn làm thì đặc như bí, dai như đỉa, chạy lều này sang lều khác, vi nhất vi nhị;
Sách thì quên, tối như hũ, mờ như đêm, nghe câu được câu chăng, viết chày viết cối(4).

Bài phú được làm năm nào?

Có thể dựa vào câu Thuốc Bách tính, đóm diêm (bao diêm), điếu ống... để đoán.

Diêm là tiếng Bắc (trong Nam gọi là quẹt). Ngoài Bắc có diêm từ bao giờ?

Có từ ngày:

Em là con gái nhà Diêm
Đến tháng lĩnh tiền được bốn đồng hai
Một đồng em để cho giai
Hai đồng cho mẹ, đồng hai ăn quà.
                (Ca dao ngạn ngữ Hà Nội)

Nhà Diêm là nhà máy làm diêm (Manufacture d’allumettes) của Pháp tại Hà Nội, nằm tại địa điểm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo sau này. Diêmbao diêm chỉ có sau khi Pháp đặt nền bảo hộ Bắc kỳ (1884).

Bài phú Lạc đệ hay Thi hỏng tự cười mình được sáng tác sau năm 1884.

Chày cối có mặt trong nhiều bài phú, bài vè khác:

Nghề sách mít, lộn phèo lộn phổi, sáo mép chính văn, tập chú, lít nhít lăng nhăng
Giọng văn cùn, viết cối viết chày, múa mồm hậu cổ, tiền đề, lơ chơ lỏng chỏng.
                                    (Khuyết danh, Hỏng thi)

Búi tóc chặt, gật chày gật cối, tát cũng đành dù đem giam trói cũng đành
Trơ mặt dày, đeo mẹt đeo mo, rủa càng mát dẫu bắt lột trần cũng mát
                                    (Khuyết danh, Răn cờ bạc)

Vua Tự Đức bắt dân xây thành, đào hào. Nhân dân ta thán, oán trách nhà vua. Có người bỏ trốn. Bị bắt, bị đánh.

Lạy cao lạy thấp
Lạy cối lạy chày
Chúng chẳng tha ngay
Máu bết đầy roi vọt.
             (Khuyết danh, Cái thời Tự Đức)

Thành ngữ có chày cối xuất hiện từ bao giờ?

Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) có chày, cối nhưng chưa có thành ngữ nào đả động tới chày cối.

Dictionnaire annamite-français
của Génibrel (1898) có chày. Cứng cổ như chày. Rắn như chày. Có cả chầy (cái chày của người Bắc). Vắt cổ chầy ra nước. Chịu chầy chịu cối. Khất chầy khất cối.

Dictionnaire vietnamien-chinois-français
của Gustave Hue (1937) cũng có chầy. Khất chầy khất cối. Nhận chầy nhận cối cho xong việc. Sách khó, đọc chầy đọc cối.

Nếu đúng là bài Phú đồ ngông được làm năm 1891 - 1893 thì có thể khẳng định cụ Nguyễn Khuyến là người đầu tiên đưa chày cối vào văn học. Thành ngữ thu chày thu cối đã mở đường dọn lối cho một loạt thành ngữ chày cối của những năm sau.

Tiếng Việt ngày nay có:

- Đầu như cối chày máy: Giễu những kẻ hay bị người ta đánh vào đầu (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam).

Giải thích của Nguyễn Lân hơi bất ngờ.

Đầu như cối chày máy là hình ảnh cái đầu gật gù, cúi xuống ngẩng lên như cái chày giã gạo ngày xưa. Câu nói ám chỉ những kẻ có thói quen gật đầu như cái máy. Một thời được dùng để ám chỉ mấy ông… nghị gật!

- Khất chày khất cối: nói người có nợ không trả được, chỉ hẹn liều hết lần này đến lần khác (Nguyễn Lân).

- Cãi chày cãi cối: chê người cãi liều, không có lí lẽ thích đáng (Nguyễn Lân). Cố cãi, cãi bừa một cách không có lí lẽ gì cả (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê).

- Chịu chày, chịu cối: Chê kẻ có nợ không chịu trả (Nguyễn Lân).

Nhưng, thu chày thu cối của Nguyễn Khuyến nghĩa là gì? Tại sao Nguyễn Khuyến không viết chầy cối mà lại viết chày cối?

Nội dung mấy thành ngữ được nêu ra cho thấy chày cối có hai nghĩa khác nhau.

- Nghĩa thứ nhất là nghĩa đen, mô tả rõ ràng động tác của cái chày máy giã gạo.

Lạy chày (lạy cối) và Đầu như (cối) chày máy mô tả cái đầu cúi xuống ngẩng lên giống cái chày máy.

Còn cối? Cái cối không biết cử động. Không có ai lạy (như) cối, không có đầu nào là đầu (gật gù) như cối.

Sở dĩ người ta đưa cối vào câu nói là vì câu nói có chày. Tưởng là làm như thế câu nói sẽ du dương hơn. Không ngờ lại ngọng nghịu, khó nghe.

- Nghĩa thứ hai của chày cối là nghĩa bóng, không dính dáng gì với cái chày cái cối.

Thu chày thu cối, viết chày viết cối, chịu chày chịu cối, cãi chày cãi cối, khất chày khất cối… tất cả đều xa lạ với chày cối dùng để đâm giã xay nghiền.

Nghĩa bóng của chày cối liều lĩnh, không có lí sự. Thí dụ: Làm chày làm cối. Nói chày nói cối. Được cãi chày, thua cãi cối (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, 1931).

Nhưng, xét cho kĩ thì thu chày thu cối, chịu chày chịu cối, khất chày khất cối không phải là hành động liều lĩnh, không có lí sự. Nghĩa bóng của Việt Nam tự điển không đúng cho mấy trường hợp này.

Cần phải đem chày cối, cụ thể là thu chày thu cối của Nguyễn Khuyến ra bàn thêm.

Tiếng Việt có chầy cố.

- Chầy là muộn, chậm, lâu, dài.

Lâm Chi đường bộ tháng chầy.

Năm chầy, tháng chẳng bao lâu mà chầy (Kiều).

Không chóng thì chầy đồng nghĩa với Không sớm thì muộn.

- Cố là gắng sức, đưa sức ra nhiều hơn bình thường để làm việc gì cho kì được.

Cố nhớ. Ăn cố. Cố đấm ăn xôi.

Người Bắc gọi cái chày chầy. Chầy (cối) đồng âm với chầy (lâu, dài).

Từ ngày cái chày (viết bằng chữ quốc ngữ) của Huỳnh Tịnh Của và Génibrel được công nhận thì cái chầy bị xếp vào hàng phương ngữ.

Chầy được viết là chày. Thậm chí chầy (lâu, chậm) cũng viết là chày.

Câu văn của Nguyễn Khuyến (bằng chữ nôm) bị diễn dịch sai sang chữ quốc ngữ.

Thu chầy (thu lâu, thu dai dẳng) bị nhầm thành thu chày (thu như… cái chày!).

chày thì phải có cối. Có thu chày thì chỉ cần lôi cổ thu cố (cố thu cho bằng được) ra sửa sai… thành thu cối (thu như… cái cối!).

Rốt cuộc, thu chầy thu cố (nghĩa là thu lâu, cố thu) bị hiểu sai, bị chữa bậy thành thu chày thu cối (nghĩa là… không có nghĩa).

Oan cho cụ Nguyễn Khuyến. Văn nôm của cụ bị đám học trò học trẹt sửa sai thành sai bét.

Tất cả chày, cối của các thành ngữ khác như viết chày viết cối (cố viết cho nhiều), khất chày khất cối (cố khất lần cho qua), đọc chầy đọc cối (đọc chậm, cố gắng đọc)… đều là biến dạng của chầy, cố.

Chày cối vốn là đồ dùng hàng ngày quen thuộc của người Việt Nam. Chày cối sánh đôi. Giản dị, trong sáng. Không lôi thôi như sách vở, văn chương.

Từ ngày Pháp xâm chiếm nước ta, ta có thêm hai cái cối ấn tượng. Cái súng cối và cái mũ cối của thực dân. Súng cối là súng mortier gây nhiều tội ác (mortier cũng có nghĩa là cái cối). Mũ cối hay mũ cát (casque) bị ta đồng hóa dễ dàng.

Thế kỉ 21…

Nhà nhà dùng máy xay điện. Xay cà phê, xay thịt, xay trái cây… Dao quay tít mù. Nháy mắt là xong. Chày cối có nguy cơ bị xóa sổ.

- Còn lâu mới hết hứa chày hứa cối, tán chày tán cối.

Lyon, 8/2014
N.D
(SDB14/09-14)

-----------------
(1) Văn Tân, Thời đại Hùng Vương, Khoa Học Xã Hội, 1976.
(2) Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 13.
(3) Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám, Mặc Lâm tái bản, 1968, tr. 185.
(4) Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Phú Việt Nam cổ và kim, Văn Hóa, 1960, tr. 350.  







 

Các bài mới
Các bài đã đăng