Ca dao - Cổ tích
Một số khía cạnh triết lí trong truyện trạng
08:47 | 19/11/2014


TRIỀU NGUYÊN

Một số khía cạnh triết lí trong truyện trạng
Ảnh: internet

1. Khái quát

Truyện trạng là một tổng thể, bao gồm các bộ phận truyện Trạng Quỳnh, truyện Xiển Bột, truyện Nguyễn Kinh, truyện Thủ Thiệm, truyện Ông Ó, truyện Khun Hón (dân tộc Thái), truyện Lật Đời (dân tộc Chăm),... Triết lí, ở mức cơ bản, được hiểu là “Quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội”(1). Do sáng tác dân gian có tính chất tự phát và là sản phẩm của cộng đồng, nên việc tìm hiểu triết lí trong truyện trạng, cũng tức là xem xét quan niệm của dân gian được phản ánh qua truyện trạng.

Truyện trạng có mô hình cấu trúc ngôn ngữ văn bản, đồng thời là kết cấu, cốt truyện gồm bốn phần (hay bốn bước): 1) Tạo mâu thuẫn giữa nhân vật trạng và nhân vật là đối tượng mà trạng cần chiến thắng (theo lối hạ bệ, thuyết phục) - bước thắt nút hay khai đoan; 2) Nhân vật trạng tiến hành các phần việc theo mưu kế của mình, để tấn công đối tượng - bước phát triển; 3) Mưu kế được thực hiện trọn vẹn, nhân vật trạng chiến thắng, đối tượng của nhân vật trạng bị hạ bệ hay thuyết phục - bước đỉnh điểm, cao trào; 4) Nhân vật trạng hả hê, đối tượng của nhân vật trạng ê đòn (có khi, bước này nhằm giải thích cho bước trước) - bước mở nút, kết thúc. Bốn bước này đều tập trung vào nhân vật trạng (nhân vật trung tâm). Cho nên, việc xem xét quan niệm của dân gian đang đặt ra sẽ hướng vào các việc làm của nhân vật trạng.

Đứng ở mặt phương thức tiếp cận, theo đó là nắm bắt các khía cạnh triết lí từ hành động của nhân vật trung tâm. Cụ thể là, thông qua các hành động của nhân vật trạng trong mỗi tình tiết, văn bản hay liên văn bản từ các bộ phận truyện trạng, để rút ra các nội dung có tính chất triết lí. Ngược lại, những nội dung triết lí ấy đã chi phối, điều khiển hành động của nhân vật trạng. Theo đó, việc làm này sẽ chạm đến cái nguyên ủy của vấn đề, giúp việc nhận diện truyện trạng, việc nắm bắt quan niệm dân gian được thấu đáo, triệt để hơn.

2. Một số khía cạnh triết lí trong truyện trạng

Nhân vật trạng có trí tuệ mẫn tiệp, đấu tranh bảo vệ lẽ phải và sự tiến bộ xã hội. Ở đó có việc đả kích, hạ bệ các đối tượng gian ác, lừa mị, bài trừ các thói hư tật xấu của con người. Có thể nói, nhân vật trạng là loại người hào hiệp, trượng nghĩa, thể hiện một quan niệm sống tốt đẹp, là luôn vị tha, sẵn sàng dấn thân vì cộng đồng.

Trong quá trình đấu tranh này, nhân vật trạng cũng bộc lộ một số quan niệm hay khía cạnh triết lí có chỗ cần bàn. Có ba nội dung liên quan được tìm thấy, đó là: lấy cái lí làm trọng, kể cả lí gian; vận dụng các quan niệm: “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc”,...; và về mối quan hệ giữa mục đích và phương tiện: lấy mục đích biện minh cho phương tiện.

2.1. Lấy cái lí làm trọng, kể cả lí gian

2.
1.1. Cơ sở để hình thành nên truyện trạng là cái lí của vấn đề, của sự việc. Cái lí ấy được nhân vật trạng và nhân vật là đối tượng của nhân vật trạng tôn trọng.

Chẳng hạn, truyện “Bầy gà có chấm phẩm” (thuộc truyện Thủ Thiệm) kể việc Thiệm lấy phẩm màu chấm lên mình mấy con gà lông trắng, con bảy chấm, con tám chấm,... Đợi đám chức sắc làng đến chơi, ông vãi lúa để đàn gà tụ lại, khiến họ thấy lạ mắt mà hỏi han. Chỉ đợi có thế, Thiệm đáp ngay: “Con ni là cửu phẩm nề, con kia là bát phẩm nề, con nọ là thất phẩm nề. Tụi này toàn từ trong đít rúc ra cả! Mồ tổ, ăn thì ăn lúa, không có lúa thì cả cứt cũng mổ. Ngó thì hay nhưng dơ lắm!”. Thiệm chửi là chửi gà, nhưng mấy ông “quan làng” nghe như chửi chính họ, mà không trách ông được. Bởi ông có lí. Cái lí ấy được tìm thấy từ những chấm phẩm màu, và không vị chức sắc nào lại dại đến mức nhận mình có quan hệ với đàn kê. Hoặc như truyện “Làm con gà trống” (thuộc truyện Men Chây Prạt, dân tộc Khơ Me), kể việc nhà vua muốn giết Men Chây, bèn nghĩ ra kế, bảo các quan xuống hồ tắm và phát cho mỗi người một quả trứng gà, khi lên bờ, lập tức đem trứng tới dâng vua, nói mình vừa đẻ ra. Men Chây không được phát trứng (để bị kết tội phạm thượng). Ông giả làm con gà trống, chỉ “Cục tác!”. Khi vua hỏi trứng, Men Chây đáp: “Những ông kia làm gà mái nên đẻ ra trứng, còn tôi làm gà trống nên đẻ không được. Nhưng cũng nhờ có gà trống mà trứng gà mới có chất bổ”. Vua đành chịu, không giết được.

Cái lí của sự việc: Vua bảo các quan làm gà để đẻ trứng mà dâng cho mình → Việc đẻ trứng là của gà mái (các quan khác sắm vai), nhưng để trứng thật sự có giá trị thì cần phải có gà trống → Vì vậy, vua không có lí do gì để giết con gà trống Men Chây (bởi nó cũng góp phần trong việc tạo nên các quả trứng kia).

Mỗi khi điều hiển nhiên hay cái lí của sự việc không được tôn trọng, thì truyện trạng cũng kết thúc, thường kèm theo cái chết của nhân vật trạng bởi bạo lực (2). Chẳng hạn, nhân vật Men Chây, nhân vật Trạng Quỳnh, bị vua chúa ép uống rượu độc chết (bấy giờ, các trạng cũng “đánh trận cuối”, khiến vua chúa phải chết theo). Nếu đối phương đã sử dụng bạo lực mà trạng vẫn thoát chết, thì trạng sẽ dùng mưu kế để giết kẻ thù, truyện trạng liên quan cũng chấm dứt. Nhân vật Cuội (thuộc truyện Anh Cuội, dân tộc Mường) và nhân vật Khun Hón (thuộc truyện Khun Hón, dân tộc Thái) đều bị lang, chẩu mường bỏ vào rọ để dìm sông. Cả hai nhờ mưu trí mà thoát được, rồi họ đã gạt kẻ bức hại mình phải chết chìm. Và hai bộ phận truyện trạng này cũng kết thúc ở đó.

2.1.2. Cái lí đang bàn chính là điều được cho là hợp lẽ của lập luận, của thực tiễn. Nói “được cho là hợp lẽ” tức sự hợp lẽ hiểu theo một góc nhìn, một bình diện nhất định; ở đây, là dưới góc nhìn của truyện trạng. Theo đó, sự hợp lẽ của lập luận không chỉ là điều hợp logic mà lắm khi chỉ là sự ngụy biện. Và sự hợp lẽ của thực tiễn bên cạnh điều phù hợp, tương ứng giữa sự việc xảy ra với thực tiễn khách quan bình thường, còn có sự hợp lẽ của cái bề ngoài, của hiện tượng, trong lúc cái sự thật, bản chất là đối nghịch (nói cách khác, một hoàn cảnh bị đánh tráo).

A. Tạo sự hợp lẽ để có được cái lí của lập luận, ở trường hợp lập luận hợp logic, như mẩu thuộc truyện Trạng Quỳnh sau:

(a) ĐÀO TRƯỜNG THỌ

Một hôm trong cung, có người đem tiến vua một mâm đào, gọi là “đào trường thọ”. Lúc ấy, Quỳnh đang có mặt, mới thủng thỉnh lại gần, lấy một quả, ăn trước mặt vua và đông đủ văn võ bá quan.

Vua quở trách Quỳnh, truyền lôi ra chém.

Quỳnh quỳ xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần hỗn hào vô lễ, tội thật đáng chết, đâu dám kêu oan. Chỉ xin bệ hạ rộng lòng cho bày tỏ đôi lời, rồi có chết cũng cam lòng.

Vua bằng lòng cho nói. Quỳnh mới ung dung tâu rằng:

- Hạ thần là đứa hèn nhát, vì tham sống sợ chết, nghe nói quả này là quả trường thọ, tưởng ăn vào sẽ được sống lâu; ai ngờ nuốt chưa khỏi cổ, mà cái chết đã kề bên. Thế thì quả này phải gọi là quả đoản thọ mới đúng. Nên hạ thần trộm nghĩ, trước hết xin hãy chém đầu kẻ dâng đào dối trá, rồi sau hãy chém đầu hạ thần để làm gương cho thiên hạ.

Vua nghe nói, đành hạ lệnh tha tội chết cho Quỳnh.(3)

Cách lập luận của Trạng Quỳnh: Đã đào trường thọ, tức ăn vào thì sống lâu, nhưng nếu nhà vua giết Quỳnh, tức ăn vào là phải chết, thì nó không phải là trường thọ nữa (mà trở thành “đoản thọ”), vậy chính kẻ dâng đào phải bị giết về tội khi quân, dối trá mới đúng. Vì kẻ dâng đào được coi là bề tôi trung thành, tử tế, không thể giết, tức vua và đình thần thừa nhận tính chất “trường thọ” của đào, mà việc giết Quỳnh khiến tính chất ấy bị phủ nhận, nên không thể làm được. Do vậy mà Quỳnh thoát tội(4).

Tạo sự hợp lẽ để có được cái lí của lập luận ở trường hợp ngụy biện, được biểu thị ở nhiều truyện trạng. Các mẩu truyện này được xây dựng theo kiểu hiểu lệch tục ngữ, thành ngữ, câu cửa miệng hay phát ngôn của nhân vật là đối tượng của nhân vật trạng. Như mẩu thuộc truyện Men Chây Prạt sau:

(b) XEM BÒ CÁI NHƯ VỢ

Ông chủ sai Men Chây đi chăn đàn bò cái. Dặn:

- Mày phải chăm nom cẩn thận, xem chúng như là người thân của mày vậy.

Men Chây nói:

- Thưa ông, tôi xem chúng như vợ mình có được không ạ?

Ông chủ nói:

- Được.

Hàng ngày, Men Chây lùa đàn bò cái ra đồng, cho ăn uống no nê, không để lạc đàn hay phá hoại hoa màu của người khác. Nhưng hễ có con bò đực nào của đàn khác đến nhảy bò cái là Men Chây bắt trói, rồi nhốt lại. Các chủ bò đến đòi thả bò của họ ra, đều bị Men Chây mắng, bắt phạt tiền mới chịu.

Các ông bà chủ có bò đực bị trói giữ kéo nhau đến nhà ông chủ Men Chây, la lối:

- Chúng tôi không thể chấp nhận được cái sự gàn dở của ông. Các con vật “tơ” nhau là việc tự nhiên, tại sao ông bảo đầy tớ của ông bắt bò của chúng tôi mà nhốt lại, rồi bắt chúng tôi phải nộp phạt? Có luật lệ nào định ra như vậy?

Ông chủ chỉ biết đứng đực người ra mà nghe người ta tru tréo, không hiểu đầu cua tai nheo thế nào. Ông bèn cho gọi Men Chây về, quát:

- Mày phải thả bò của các ông bà ấy ra ngay, không tao phang vỡ sọ bây giờ! Tại sao mày lại gây chuyện lôi thôi, rắc rối như vậy?

Men Chây phân bua rằng:

- Thưa ông, lúc giao bò cho tôi chăn, ông bảo là cho phép tôi xem những con bò cái ấy như là vợ của mình. Chính những con bò đực bị bắt ấy đã đến tằng tịu với vợ tôi, xúc phạm đến tôi, làm trái luật lệ.

Ông chủ đành xuống giọng, nói: “Thôi, từ nay mày không đi chăn bò nữa, ở nhà để tao sai vặt!”.(5)

Lập luận của Men Chây: Men Chây được quyền xem lũ bò cái như vợ, nên anh xử phạt những con bò đực đến tằng tịu với lũ vợ của mình, cũng tức đã xúc phạm đến anh ta. Tổ hợp “xem lũ bò cái như vợ” là một hình thức so sánh, dạng xem A như B (A = “xem lũ bò cái”; B = “vợ”). Thuộc tính chung của A và B ở dạng so sánh này không hiển ngôn (mà được hiểu ngầm). Trong trường hợp đang đặt ra, có thể nêu thuộc tính ấy là: được yêu thương, chăm sóc (việc yêu thương, chăm sóc này thuộc tâm lí của người chăn). Bấy giờ, dạng so sánh đang bàn có thể viết thành: “lũ bò cái được người chăn yêu thương, chăm sóc như chính vợ của anh ta”. Đó là khả năng khai triển ở mức cao nhất mà dạng so sánh vừa nêu có thể đạt được. Điều này hoàn toàn khác với việc đồng nhất giữa A và B (“lũ bò cái là vợ”), rồi suy diễn vai người chăn (cũng là chồng) trừng trị lũ bò đực đến quan hệ với vợ mình (do bị cắm sừng!). Vì việc đồng nhất kia vốn trái lẽ nhưng vẫn dựa vào dạng so sánh không nêu thuộc tính để lồng vào nhằm gây nhiễu loạn về nghĩa, nên đây là một hình thức ngụy biện.

B. Tạo sự hợp lẽ để có được cái lí từ thực tiễn trong điều kiện bình thường, như mẩu thuộc truyện Anh Cuội sau:

(c) QUẢ MƯỚP GIÀ

Lúc còn bé, có lần Cuội đi chơi với đám trẻ, thấy ông hàng xóm đi tát được một giỏ đầy ắp cá chạch. Cuội rất thèm được ăn cá chạch, bèn nghĩ ra một kế.

Cuội ra vườn hái một quả mướp già, cắt bỏ hai đầu, lấy que xoi bỏ hạt, rồi xăm xăm đến nhà ông hàng xóm. Lúc này, ông ta đang chuẩn bị đặt niêu cá lên bếp để kho.

Cuội nói:

- Bác ơi, trưa nay nhà không có thức ăn, cháu không nuốt nổi cơm. Bác làm ơn cho cháu đặt ké quả mướp vào niêu cá, để mướp có được tí chút nước ngọt.

Ông hàng xóm động lòng thương, đồng ý.

Một lát, niêu cá đã sôi, trào hai ba lần nước, thằng bé ngỏ lời xin lấy lại quả mướp, đem về.

Đến nhà, Cuội khoe với mẹ:

- Mệ ơi, bữa nay nhà mình có cá chạch ăn rồi!

Người mẹ ngạc nhiên nhìn kĩ, thấy bên trong quả mướp già nhét đầy cá chạch.(6)

Cá chạch có sức sống mạnh. Khi cắt đôi cá cho vào niêu để kho, khúc có đầu cảm nhận được nhiệt độ, nên chui vào quả mướp rỗng ruột để tránh nóng, khiến lòng quả mướp chứa đầy những cá. Cuội chỉ lấy lại quả mướp được cho ké vào niêu cá. Ông hàng xóm dù có phát hiện việc mất cá cũng không có cơ sở để trách Cuội (vì anh không hề nhét cá vào mướp). Cuội đã viện vào cái lí như vốn có của thực tiễn.

Tạo sự hợp lẽ để có được cái lí từ thực tiễn trong bối cảnh đánh tráo, trưng bày hiện trường giả, thường gặp nhiều hơn trong truyện trạng. Như mẩu thuộc truyện Ba Giai dưới đây:

(d) ANH BA TIỀN CHẾT ĐÂM

Xóm Bình Khang ở phố Khâm Thiên bấy giờ, có nhiều cô trẻ đẹp, hơ hớ xuân tình, lại giỏi chiều đãi khách, khiến nhiều chàng ao ước.

Một lần, Ba Giai cùng đám bạn bè đánh chén ở một quán hàng, ăn uống no say, có người rủ đến đó. Nể lời các bạn, ông đồng ý, nhưng lại bảo:

- Đi xóm Bình Khang mà mất tiền thì chưa phải tay sành chơi. Tôi đi là không có mất tiền.

Thấy nhà chủ quán có con gà trống thiến, Ba Giai bèn mượn nó, bắt bỏ vào chiếc lồng đẹp. Ông ăn mặc chỉnh tề, tay xách lồng gà, tay cầm ô, chĩnh chện xuống phố Khâm Thiên. Tới Bình Khang, Ba Giai gạt đi những chèo kéo, mời mọc ở hai bên đường, thẳng tiến đến một nhà chứa có nhiều cô gái đẹp nổi tiếng.

Một cô gái đầu quấn khăn vành dây, quần lĩnh, áo cánh lụa trắng mịn, tiến lại:

- Quan bác đã hạ cố đến lũ em út, lại còn mang gà qué nữa. Thế quan bác định xơi món gì, quay hay luộc, nấu cháo hay xé phay, sẽ có người hầu quan bác chu đáo?

Ba Giai khẽ cười, bảo:

- Không phải thế đâu. Gà này anh mua để làm lễ mừng thọ người vợ cả lục tuần đấy.

- Quan bác cứ đùa. Quan bác còn đang hơ hớ thế này, chẳng lẽ tảo hôn? Nhưng thôi, tùy quan bác… Em trông quan bác quen lắm, quý danh là gì nhỉ?

Ba Giai ỡm ờ:

- Rõ khéo hay quên! Mới tháng trước chứ đâu có lâu lắc gì. Anh Ba Tiền đây mà, còn nhớ không, hay vừa cách mặt thì lòng đã xa?

Để khỏi trả lời chuyện tình cảm vớ vẩn của khách, cô gái kéo Ba Giai vào buồng riêng.

Lúc cả hai đã thấm mệt, Ba Giai bảo buồn ngủ. Cô gái bèn đi xuống nhà sau lấy nước cho ông rửa mặt. Đúng lúc ấy, ông nhanh nhẹn xách cái lồng gà, dong thẳng ra đường. Cô gái bưng chậu nước đến nơi không thấy ông khách đâu, biết mình bị lừa, tức quá, vội đuổi theo.

Được một đoạn, thấy ông khách đang đi phía trước, cô ả réo lên:

- Ba Tiền! Ba Tiền! Đứng lại tôi bảo.

Ba Giai vờ không nghe thấy, vẫn thủng thẳng bước.

Cô ả vừa chạy vừa la lớn:

- Dừng chân đã Ba Tiền, cái thằng chết đâm chết chém!

Ba Giai dừng bước, sừng sộ:

- Này cái cô nanh nọc! Ai là thằng chết đâm chết chém? Con gà sống thế này mà mày giả ba tiền, thì có bố mày cũng phải lắc đầu. Chỉ được cái hỗn láo! Tao không bán nữa. Lôi thôi, tao giần một mẻ cho biết tay nhau!

Phố phường đổ ra, xem chuyện đôi co, hóa ra là chuyện mua bán. Mọi người trách móc cô ả:

- Thuận mua vừa bán, con gà trống thiến to béo như thế mà giả có ba tiền thì ai người ta chịu. Có muốn mua thì giả thêm, không giả thêm thì đừng mua. Có thế thôi mà cũng ầm ĩ.

Lại có chị qua đường, ra điều đáo để, mạnh miệng:

- Con này ở đâu? Thấy người ta hiền bắt nạt hả? Thôi, ông cứ đi, để nó tôi trị cho!

Ba Giai nhân đó chuồn thẳng. Còn ả làng chơi tuy căm giận nhưng vẫn không dám nói lên sự thật. Bởi chẳng những đó là chuyện xấu hổ chết đi được, mà còn có nói cũng khó ai tin: một người lịch sự thế kia, tay lại xách cái lồng gà, thì làm sao vừa từ chốn thổ đĩ ra được?(7)

Ba Giai đã trưng ra trước phố phường một người đàn ông nho nhã, ăn mặc lịch sự, tay cầm ô, tay xách cái lồng gà đẹp, trong đó có một con gà trống thiến. Một người đứng đắn như thế lại bị quấy rầy bởi một ả mè nheo, chỉ trả giá có ba tiền mà đòi mua bằng được con gà. Điều này sẽ khiến những người có mặt phẫn nộ với cô ả mè nheo kia và bênh vực người đàn ông tử tế.

Cái được trưng ra là giả tạo, nhằm che đậy một thực tế trái ngược. Nhưng nó hợp lẽ trong lối nhìn nhận thường xuất phát từ hiện tượng (kiểu “Xem mặt mà bắt hình dong” - tục ngữ) của con người. Còn đối với người trong cuộc, ở đây là nhân vật trạng, là dân gian, thì điều được cho hợp lẽ ấy thực chất là “lí gian bàn ngay” (cái ngụy tạo, gian trá khi luận giải lại tỏ ra đúng đắn, phù hợp đến không thể bắt bẻ), được vận dụng một cách khôn khéo.

2.2. Vận dụng các quan niệm: “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc”,...

Các quan niệm “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc”,... vốn là những tục ngữ hay câu cửa miệng được sử dụng tương đối phổ biến. Ở truyện trạng, qua khá nhiều văn bản tác phẩm, chúng được xem như những phương châm hành động.

2.2.1. “Vi phú bất nhân” tức đã làm giàu thì không có lòng nhân, không có tình thương người. Mà không có lòng nhân, không có tình thương người, thì rất đáng bị chê trách. Đó là lí do để nhân vật trạng hạ bệ, đả phá, thậm chí tước đoạt tài sản của người giàu. Điều này tập trung nhiều nhất ở bộ phận truyện Ba Giai, Tú Xuất, như các truyện: “Dọa đào mả kết”, “Dằn mặt chú khách”, “Xác chết vòi tiền”, “Để mất bạc của khách, chủ quán trọ phải đền”,...

Ở “Xác chết vòi tiền”, Ba Giai đóng giả làm xác chết với da dẻ nhợt nhạt, ruồi nhặng vo ve trên người, cho các đàn em khiêng đến “các nhà giàu có, các hãng buôn bán lớn” để xin tiền đưa về quê, nếu không thì phải “trú chân nơi hè phố, hiên nhà”, khiến những nơi mà cái xác đến xin tiền đều kinh hãi, “vội xỉa tiền ngay”. Ở “Để mất bạc của khách, chủ quán trọ phải đền”, Tú Xuất sắm một cái hòm (rương) thật đẹp, nhét đầy gạch và sách vở vào trong, rồi khệ nệ vác nó đến “một nhà trọ vào loại có máu mặt nhất thành Nam” để ở qua đêm, và bảo mình là con quan án sát, trong hòm có 50 lạng bạc được cha cho làm dấn vốn, nhờ ông chủ cất giùm. Sáng hôm sau, ông chủ quán trọ được gọi đến để chứng kiến cái hòm chỉ còn lại sách (gạch đã được Tú Xuất lấy vứt đi), khiến ông ta phải đền cho “con quan án sát” đủ số bạc kia, để được yên mà làm ăn.

2.2.2. “Khôn sống mống chết” (“mống”: dại) là một quan niệm được nhận ra trong khá nhiều truyện trạng, như: “Làm thuê có lúc, công hầu có khi”, thuộc truyện Nguyễn Kinh; “Câu”, thuộc truyện Thủ Thiệm; “Ông khách không mời”, thuộc truyện Học Hoàng; “Bắt kẻ cướp trả lại của”, thuộc truyện Ông Thực; “Mời ra làm chánh tổng”, thuộc truyện Ông Ó; “Đổi chó lấy trâu”, thuộc truyện Khun Hón; “Vua Thủy Tề cho của”, thuộc truyện Anh Kđưng;...

Hiển nhiên, người được cho là khôn, ấy là nhân vật trạng; người bị coi là dại, là nhân vật đối tượng của nhân vật trạng. “Sống - chết” ở đây, có thể theo nghĩa thật, nhưng thường được mở rộng để xem tương đương với “được - mất”, “hơn - thua”, “thành công - thất bại”,... Theo đó, trạng luôn “được”, “hơn”, “thành công”, còn nhân vật là đối tượng của trạng thì bao giờ cũng bị “mất”, “thua”, “thất bại”.

Tục ngữ có câu “Khôn độc không bằng ngốc đàn”, tỏ ra không bằng lòng với kẻ khôn độc, khôn lỏi; nhất là khi kẻ khôn độc dùng thủ đoạn để lừa gạt người khác. Vậy cái “được”, “hơn”, “thành công” của nhân vật trạng, qua các truyện vừa dẫn (trong đó, có không ít truyện được hình thành bằng sự lừa phỉnh), hẳn sẽ ít nhiều nhận chịu sự chê trách ấy.

2.2.3. “Ăn miếng trả miếng” là đánh trả một cách đích đáng, điều do đối phương gây ra, không nương tay hay nhượng bộ. Đây là quan niệm khá phổ biến trong truyện trạng, được biểu hiện ở các truyện: “Đại náo bờ sông Đào”, thuộc truyện Ba Giai; “Cây nhà lá vườn”, thuộc truyện Trạng Quỳnh; “Quan phủ đi bốn lọng”, thuộc truyện Phủ Tuấn; “Tham thì thâm”, thuộc truyện Ông Ó; “Trị con ma nương gây hại”, thuộc truyện Khun Hón; “Vua Thủy Tề cho của”, thuộc truyện Anh Kđưng; “Cây gậy thần”, thuộc truyện Anh Cuội;...

Ở “Đại náo bờ sông Đào”, sở dĩ Ba Giai tạo ra cảnh các cô làm đồng “đứng dàn hàng ngang bên bờ sông đào, chõ mồm sang phía nhà cai tổng Đản, kêu bố ông ta lên mà chửi một cách thậm tệ”, vì để trả đũa việc cai tổng Đản đã đối xử bạc với ông. Ở “Cây nhà lá vườn”, do chúa sai lính đến ỉa vào nhà Quỳnh nên ông đã đem một cây cải to vào biếu chúa; đợi chúa ăn xong và hỏi “Cải đâu mà ngon thế?”, là ông đáp ngay: “(Nó) được lính của chúa ra bón cho!”. Ở “Quan phủ đi bốn lọng”, bị ông quan tuần vũ không có học vị cử nhân chất vấn về việc đi bốn lọng (thông thường, trừ tổng đốc, các chức quan khác trong tỉnh chỉ được phép dùng hai lọng), phủ Tuấn đáp: “Tôi hơn cụ lớn hai lọng là chí phải. Riêng chức tri phủ của tôi đã đi được hai lọng, còn hai lọng khác là phần của cử nhân”,...

2.2.4. “Dĩ độc trị độc” (lấy độc trị độc) cũng là một quan niệm khá phổ biến trong truyện trạng. Quan niệm này được biểu hiện ở các truyện: “Trạng chết, chúa cũng ngủm”, thuộc truyện Trạng Quỳnh; “Quả thật là có nói mò để kiếm sống”, thuộc truyện Lí Tố; “Cháo lứt”, thuộc truyện Nguyễn Kinh; “Làm cho phải nói”, thuộc truyện Bợm Bảy; “Men Chây chết, vua cũng rồi đời”, thuộc truyện Men Chây Prạt;... Nhưng tập trung hơn cả là nhóm các truyện trị thói nanh nọc, chanh chua của các bà, đặc biệt là các ả bán hàng: “Sợ bay mất mấy con chim”, thuộc truyện Ba Giai; “Giá của cái vòi”, thuộc truyện Nguyễn Tuyn; “Đổ ruốc vào bàn tay” và “Thi chửi”, thuộc truyện Phủ Tuấn;...

Ở truyện cuối, với người đàn bà đã nhăng nhít, lại nanh nọc “hễ ai nói đụng đến, bất kể đúng sai, là bà chửi vuốt mặt không kịp”, tức lấy chửi làm ngón nghề trong ứng xử, thì việc trạng “thi chửi” cùng mụ, để mụ bỏ cái tính xấu ấy đi là phải. Cái chính là trạng phải chiến thắng trong cuộc thi (nếu không thì làm sao trị được mụ ta), và trạng đã làm được điều ấy. Đó là một kiểu “dĩ độc trị độc” tiêu biểu.

2.3. Về mối quan hệ giữa mục đích và phương tiện: lấy mục đích biện minh cho phương tiện

2.
3.1. Việc “lấy cái lí làm trọng, kể cả lí gian” cùng sự vận dụng một số quan niệm vừa nêu (là “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc,...), như đã phân tích, ít nhiều cho thấy có sự bất ổn và hạn chế mức thuyết phục trong hành động của nhân vật trạng. Bởi thông thường, điều thuyết phục đi kèm với sự trung thực, chính đáng; mà ở đó, gian trá không thể chung cùng. Trong lúc các quan niệm kia, mỗi khi thực hiện triệt để, rất dễ sa vào quá khích, gây chao đảo nhân tình. Chẳng hạn, ở góc độ xã hội mà xét, thì: a) Làm giàu cũng là một động lực giúp xã hội phát triển, miễn là làm giàu chính đáng; việc chiếm đoạt tiền bạc của những người giàu có, là một việc làm khó thể cho là đúng; b) Khôn là tốt, nhưng nếu khôn lỏi, chỉ để tranh hơn giành thắng, gây hại cho người, thì còn tệ hơn dại; c) Mỗi khi cuộc sống chỉ nhằm “trả miếng”, thì oán hận sẽ chất chồng, con người dễ sa vào oan trái - và trong chuyện trả miếng này, hiển nhiên không có chỗ cho những điều được gọi là khoan dung, độ lượng, hỉ xả,..., trong lúc, đấy là những giá trị có ý nghĩa nhân văn, xã hội lớn; d) Việc “dĩ độc trị độc” thường khiến đối tượng liên quan kinh sợ nhiều hơn là kính nể, tức dễ xảy ra chuyện khẩu phục mà tâm không phục, mà như vậy thì mức thuyết phục cũng không khỏi bị hạn chế.

Chúng ta cũng thấy trong một số truyện trạng, sau khi thu được tiền của từ những người giàu, các nhân vật trạng đã chi lại cho người nghèo hay người bị thiệt hại do hành động của trạng gây ra. Chẳng hạn, trong “Xác chết vòi tiền”, sau khi thu được mớ tiền kha khá từ những nhà giàu, Ba Giai đã “chia phần lớn cho bọn đàn em để chúng về quê ăn tết, không quên bố thí cho đám ăn mày quen biết ở chợ”. Ở “Nên nhớ câu tiền của là vật bất li thân”, thuộc truyện Ông Thực, có đoạn lấy xong xâu tiền của anh con trai nhà giàu, ông Thực đã đem “phân phát hết số tiền ấy cho những người nghèo khó”. Và mẩu truyện “Cứu trẻ khỏi chết đuối”, thuộc truyện Tú Xuất, kể rằng: Tú Xuất đi ngang Nam Định thì bị côn đồ lấy mất tiền. Đang đói bỗng gặp đứa bé đi ở đang bế cậu nhỏ con của nhà bá hộ giàu có chơi cạnh bờ ao, ông lừa đứa bé leo hái sung để bế lấy cậu nhỏ nhảy xuống ao, rồi hô hoán rằng mình đã cứu trẻ khỏi chết đuối, để được cho ăn và tạ ơn. Biết đứa bé đi ở bị đòn oan, ông “đã bí mật gặp đứa bé này, dúi cho nó mấy quan tiền, rồi mới rời hẳn Nam Định để đi Hà Nội”.

Những việc làm trên cho thấy nhân vật trạng không tranh đoạt của cải người khác để làm giàu, không sử dụng thủ đoạn gian manh để làm quan, hòng được vinh thân phì gia, mà tất cả là nhằm để xã hội được công bằng, cái lí được tôn trọng. Có điều, dù nhân vật trạng trong sạch và nhiều kẻ ỷ thế bức hiếp người hay gian manh, hư hỏng bị hạ bệ, thuyết phục, nhưng qua hành động của trạng vẫn tồn tại cái lí gian, nhà giàu vẫn bị mất của, kẻ dại vẫn bị lấn lướt,... Vậy cần tách riêng ra, để xem xét giữa kết quả đạt được và cách thức tiến hành để có được kết quả ấy có quan hệ ra sao. Khi cái kết quả được xác định là mục đích, thì cách thức tiến hành là phương tiện. Bấy giờ, không khó nhận ra mối quan hệ giữa chúng: lấy mục đích biện minh cho phương tiện(8).

2.3.2. Quan niệm “lấy mục đích biện minh cho phương tiện” được xem là phương châm hành động của nhân vật trạng, phân biệt với các quan niệm có chức năng nhận thức. Vì mục đích tốt đẹp là sự công bằng xã hội và cái lí được tôn trọng, nhân vật trạng có thể sử dụng các phương tiện thiếu trung thực, không được quang minh chính đại, như ngụy biện hay tạo hiện trường giả, hòng chiến thắng (bằng việc đả kích, hạ bệ) đối phương.

Chẳng hạn, với số những mẩu truyện các trạng Ba Giai, Phủ Tuấn, Thủ Thiệm,..., trị thói nanh nọc, chanh chua của các ả bán hàng, có thể thấy rằng: để mọi người không bị xúc phạm, việc mua bán được công bằng (mục đích), các trạng đã không từ phải làm những việc thô lỗ ngay giữa chốn đông người, như chửi rủa, tuột quần mình, bóp vú người (phương tiện). Nhờ cái mục đích tốt đẹp, cao quý kia, mà các phương tiện xấu xa, bỉ ổi nọ không bị cho là sai bậy (được biện minh).

2.4. Kết luận

- Việc tôn trọng cái lí, kể cả lí gian, cùng các quan niệm “vi phú bất nhân”, “khôn sống mống chết”, “ăn miếng trả miếng”, “dĩ độc trị độc”,... cho thấy tính chất duy lí của truyện trạng. Chính từ sự duy lí này mà truyện trạng có phần máy móc, vô cảm, dù nó luôn đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu ở tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội.

- “Lấy mục đích biện minh cho phương tiện” là quan niệm chủ chốt, bao hàm các sự nhìn nhận, các quan niệm khác trong truyện trạng. Quan niệm này khá triệt để và nhất quán trong tổng thể truyện trạng. Trong thực tế, “lấy mục đích biện minh cho phương tiện” cũng là một quan niệm chi phối hành động, được vận dụng ít nhiều để đối nhân xử thế, nên đó cũng là một nét trong tính cách Việt Nam. Điều cần đặt ra ở đây là, không những cần có những mục đích tốt đẹp, vì mọi người, mà còn nên sử dụng những phương tiện tử tế, hợp tình hợp lí, để đấu tranh (với bản thân và xã hội) nhằm đạt được mục đích ấy. Bởi ai cũng biết, kẻ đã làm điều bất công, mờ ám thì khó thể nói kẻ ấy sẽ đem lại sự công bằng, minh bạch.

T.N   
(SH309/11-14)


------------------------
(1) Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Trung tâm Từ điển  học, Hà Nội; tr. 1000.
(2) Trạng chỉ chết vì bạo lực, không chết vì đuối lí hay sự không hợp lẽ của hành động.  
(3) Trương Chính, Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà  Nội, 1986; tr. 241 - 242.
(4) Một số tài liệu logic học cho vấn đề thuộc phán đoán lựa chọn tuyệt đối (phép tuyển  mạnh), dạng “P hoặc P1 hoặc P2”. Với dạng phán đoán này, P chỉ chân thật chỉ khi có mỗi một trong các phán đoán đơn là chân thật, còn các phán đoán đơn khác là giả dối.
(5) Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng, Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập III:  Truyện cười, truyện trạng cười, truyện ngụ ngôn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001; tr. 538 - 539.
(6) Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên), Tổng tập Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt  Nam - Tập 20: Truyện cười, truyện ngụ ngôn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010; tr. 293 - 294.
(7) Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng, Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập III:  Truyện cười, truyện trạng cười, truyện ngụ ngôn, sđd.; tr. 314 - 317.
(8) Cũng nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện” (“cứu cánh”: mục đích cuối cùng).
  





 

Các bài mới
Các bài đã đăng