Cái tài của vế thứ nhất có nhiều điệp từ đồng âm dị nghĩa. Cái hay của vế đối đã nói lên được nhân tài ở đây đều hướng tới long hổ bảng (cái bảng ghi tên những người đồ đạt cao trong thi cử dưới thời phong kiến, bên long dành cho người có tài văn, bên hổ dành cho những người giỏi võ). Vế thứ hai được đối quá chỉnh, vua đối với văn, quân đối võ, Đồng Tranh đối với Gia Hội. Hai chữ Đồng Tranh ở vế thứ nhất vừa là danh từ riêng chỉ địa danh nhưng cũng là động từ chỉ sự tranh đua. Hai chữ Gia Hội cũng là danh từ chỉ đại danh (tên cũ của một làng nay thuộc thành phố Huế) nhưng cũng là động từ chỉ sự hội họp lại. Cả hai chữ Đồng Tranh và Gia Hội cũng toát luôn cái thần của vế thách và vế đối nhằm phụng hoàng trì.
Vậy câu đối trên ra đời trong hoàn cảnh nào và ai là tác giả? Trả lời câu hỏi này hiện có 3 nguồn tư liệu:
Nguồn tư liệu thứ nhất là bài viết về đối của anh hàng chiếu (Tập san Văn Hóa mới của Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, 1987) và bài Mượn văn chương làm duyên ứng nghĩa (báo Đà Nẵng cuối tuần, ra ngày 25/10/1998). Có thể tóm lược nội dung nguồn tư liệu này như sau: Sau khi xây dựng xong đình làng, các bô lão, các vị có học ở làng Đồng Tranh đã tâm đắc xướng lên một vế thách: văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ Đồng Tranh long hổ bảng. Thời gian qua đi, đã nhiều người kể cả trong và ngoài làng đua tài nhưng chưa có được vế đối thật chỉnh để trình làng. Bỗng một hôm có anh hàng chiếu đi qua xin gặp các bô lão để trình làng vế đối. Vế đối của anh hàng chiếu: Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần Gia Hội phụng hoàng trì. Các vị bô lão trong làng thán phục và bày tiệc khoản đãi. Anh hàng chiếu tự giới thiệu mình là Hường Hiệu, vừa từ quan ở Huế, nay vâng thánh chỉ của vua Hàm Nghi, mượn vế đối này để mở đầu cho việc phò Vua, chống giặc Lang Sa cứu nước.(1)
Còn nguồn tư liệu thứ hai là Tú Quỳ văn chương và giai thoại của Phan Phụng, được nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1982. Theo tác giả, Tú Quỳ (một danh sĩ Quảng Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) trong một chuyến đi xa, khi vào đến xứ Đồng Tranh, gặp lúc các sĩ tử ở đây đang sửa soạn khăn gói, lều chõng để lên đường ra kinh đô ứng thí. Để thử tài Tú Quỳ, nhân một cuộc gặp mặt các nhà khoa bảng trong vùng, một vị đã đưa cho ông vế thách và ông đã đối lại, chỉ khác chữ cuối của vế đối đã dẫn, chữ hoàng trì được thay bằng hoàng cơ.
Nguồn tư liệu thứ ba là tập Tú Quỳ - Danh sĩ - Quảng Nam của Thy Hảo, được NXB Đà Nẵng xuất bản năm 1993. Phần liên quan đến câu đối được trình bày từ trang 179 đến 184. Nội dung câu đối thì giống với hai tài liệu trên, nhưng xuất xứ và tác giả của câu đối lại khác. Chuyện như sau: nhân một buổi đi thăm người bạn ở phủ Thăng (tức Thăng Bình), Tú Quỳ đi ngang qua ngôi đình làng Đồng Tranh đã xây dựng xong 4 tháng nhưng chưa khánh thành. Hỏi ra, Tú Quỳ biết làng phải chờ vế đối của một vị quan là người của làng mà vị quan này mới làm được một vế, còn vế thứ hai chưa nghĩ ra. Câu đối này làng xin vị quan đó đề khắc lên 2 trụ cột ở căn trung cho toàn thiện ngôi đình. Tú Quỳ nghe chuyện cũng lúc quá trưa, trời nắng gắt, nên tạm ngồi dưới gốc đa trước đình nghỉ mát. Bỗng có gã bán chiếu gánh một gánh chiếu nặng tiến đến gốc đa cùng nghỉ. Tú Quỳ hỏi chuyện và nhận bàn giúp gánh chiếu. Tú Quỳ đặt gánh chiếu giữa sân đình để lấy cớ gặp làng. Kết quả, Tú Quỳ giúp làng giải được vế đối và làng cùng mua gánh chiếu của anh hàng chiếu để lo lễ khánh thành.
Qua 3 nguồn tư liệu trên, chúng ta thấy ở mỗi nguồn tư liệu có một vài chi tiết khác nhau về tác giả và hoàn cảnh xuất xứ:
Về vế thách, theo nguồn tư liệu thứ nhất, tác giả là các vị bô lão, các vị có học trong làng Đồng Tranh đặt ra đề thách người trong và ngoài làng nhân khi xây dựng xong đình làng, còn nguồn tư liệu thứ hai cho rằng nhân một cuộc gặp mặt của các nhà khoa bảng trong vùng giữa lúc các sĩ tử ở Đồng Tranh đang sửa soạn khăn gói, lều chõng để lên đường ra kinh đô ứng thí, có người ra vế thách đề thách Tú Quỳ. Nguồn tư liệu thứ ba cho tác giả là một vị quan ra cho làng nhưng chưa nghĩ được vế thứ hai.
Về vế đối, ở nguồn tư liệu thứ nhất và thứ ba tuy có liên quan đến anh hàng chiếu, nhưng ở tư liệu thứ nhất - người bán chiếu là Hường Hiệu và cũng là tác giả vế đối, còn ở tư liệu thứ ba, anh hàng chiếu chỉ là người bán chiếu bình thường, còn tác giả vế đối là Tú Quỳ. Ở nguồn tư liệu thứ hai và thứ ba thống nhất Tú Qùy là tác giả của vế đối nhưng nguyên nhân để ông ra vế đối có khác nhau, một tư liệu cho Tú Quỳ ra vế đối do sự thách thức của một số người ở làng Đồng Tranh, còn tư liệu khác cho Tú Quỳ ra vế đối để giúp anh hàng chiếu bán hàng.
Sự khác biệt trên đây đối với một chuyện xảy ra trên một thế kỷ, lại nặng tính giai thoại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng đây là một câu đối hay, đặc biệt liên quan đến 2 nhân vật lịch sử - văn hóa nổi tiếng với Đất Quảng và có nhièu kỷ niệm với Huế, nó cũng liên quan đến một địa danh cũng khá nổi tiếng của đất Cố đô. Thiết nghĩ để tìm cho đúng tác giả và hoàn cảnh xuất xứ của câu đối liên quan đến làng Gia Hội cũng là một công việc bổ ích. Làng Đồng Tranh nay thuộc xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.
P.X.Q (129/11-1999)
-------------------------------------------- (1) Hường Hiệu, tên thật là Nguyễn Duy Hiệu, sinh năm 1847, tại Quảng Nam. Đỗ cử nhân năm 1876, phó bảng năm 1879, được cử làm Giảng tập tại Dưỡng Thiện đường dạy hoàng tử Ưng Đăng, sau này là vua Kiến Phúc, được phong Hồng Lô Tự Khanh nên dân quen gọi là Hường Hiệu. Sau khi Hàm Nghi xuống Hịch Cần vương, ông từ quan về quê, cùng một số đồng chí lãnh đạo phong trào Cần vương ở Quảng Nam. Ông bị giặc Pháp giết vào ngày 1 - 10 - 1887. (2) Tú Quỳ, tên thật là Huỳnh Quỳ, sinh năm 1857, tại làng Giảng Hòa, Quảng Nam. Ông rất thông minh nhưng cả 3 lần thi chỉ đỗ Tú tài nên nhân dân quen gọi ông là Tú Quỳ. Ông sáng tác văn chương đủ thể loại: Thơ, văn tế, vè, câu đối... Nội dung văn chương của ông nặng tính trào phúng mà nhiều người cho rằng chẳng khác Tú Xương ở đất Bắc. Ông mất năm 1928.
|