Ca dao - Cổ tích
Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa
10:42 | 11/03/2010
TRIỀU NGUYÊN1. Chơi chữ là gì?
Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa
Ảnh: Internet

Chơi chữ là "lợi dụng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,... trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước,...) trong lời nói" (1); "một biện pháp tu từ, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,... được vận dụng một cách đặc biệt, nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, lí thú" (2)

Cù Đình Tú đã nêu một định nghĩa đầy đủ hơn về chơi chữ: "Chơi chữ là cách tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt nhằm tạo nên phần tin khác loại song song tồn tại với phần tin cơ sở. Phần tin khác loại này - tức lượng ngữ nghĩa mới - là bất ngờ và về bản chất, không có quan hệ phù hợp với phần tin - tức thông báo - cơ sở" (3). Ông đã trình bày các kiểu chơi chữ trong tiếng Việt như đã định nghĩa: chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm, chữ viết (cùng âm, điệp âm, chiết tự,...); chơi chữ bằng phương tiện từ vựng - ngữ nghĩa (cùng nghĩa, nhiều nghĩa, trái nghĩa, cùng trường ý niệm,...); chơi chữ bằng phương tiện ngữ pháp (tách và ghép các yêú tố trong câu theo những quan hệ ngữ pháp khác nhau, đánh tráo quan hệ cú pháp trong câu) (3).

Dựa vào những định nghĩa trên, có thể giúp vào việc nhìn nhận, phát hiện các cách chơi chữ trong nói năng hàng ngày, trong văn chương. Có điều là những định nghĩa này chỉ quan tâm đến các phương tiện ngôn ngữ được biểu hiện trên văn bản, mà chưa chú ý tới cái không được phô bày ra rõ ràng bằng chữ bằng lời.

2. Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa

2.1.Tiền giả định là những hiểu biết được xem là bất tất phải bàn cãi, bởi đã được các bên giao tiếp mặc nhiên thừa nhận và dựa vào chúng để tạo nên ý nghĩa tường minh trong phát ngôn của mình (4). Trong giao tiếp nói chung, tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa diễn ra ở một vài tầng lớp, ngành nghề nhất định. Còn trong sáng tác và tiếp nhận văn học, đặc biệt là văn học cổ, các dữ liệu văn học, văn hóa (tục ngữ, truyền thuyết, lịch sử, điển cố văn học, tác phẩm thơ văn,...), được sử dụng, vận dụng một cách tự nhiên, đương nhiên khi cần (mà không phải giới thuyết, chú giải gì). Nói khác đi, dữ liệu văn học, văn hóa là tiền giả định trong giao tiếp văn học.

Sử dụng tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa phù hợp với yêu cầu diễn đạt, khiến lí lẽ thêm vững chắc, ý tứ cũng hàm súc hơn lối miêu tả bình thường. Nhưng, hiển nhiên là không phải bao giờ dùng tiền giả định thuộc văn học, văn hóa cũng là chơi chữ. Hiện tượng chơi chữ chỉ xảy ra khi điều tiền giả định kia bị xuyên tạc, để biểu hiện theo ý đồ riêng của người sáng tạo. Gọi tác phẩm (hay một bộ phận của tác phẩm) có sử dụng điều tiền giả định đang bàn là A, điều tiền giả định đó là B, thì B luôn luôn có giá trị đúng, dù A có giá trị đúng hay sai (dữ liệu văn học, văn hóa tồn tại khách quan, không thuộc vào ý muốn của người nghệ sĩ; vả lại, khi trích dẫn chúng để làm cứ liệu, dẫn chứng, là đã thừa nhận sự đúng đắn của chúng rồi). Như vậy, muốn chơi chữ dựa vào B, thì hoặc chỉ chọn một hoặc một vài yêu tố nào đấy của B, trích dẫn ra với dụng ý không giống B, hay có vẻ như dẫn nguyên vẹn B ra, nhưng thực chất thì nội dung của B đã bị làm cho thay đổi. Đó là hai dạng xuyên tạc B thường gặp. Bảng định nghĩa logic kèm hệ quả sắc thái diễn đạt về mặt chơi chữ, được rút ra là:

A --> B

Sắc thái diễn đạt

 

 

Chơi chữ

Không chơi chữ

đ     đ

 

+

s     đ

 

+

#     s

+

 

Khi B bị xuyên tạc (tức B có giá trị chân lí sai), thì A có giá trị rỗng (kí hiệu "#"); nhưng xét ở khía cạnh sắc thái diễn đạt (về mặt chơi chữ), thì hiện tượng chơi chữ đã xảy ra. Vì bấy giờ A vừa mang nghĩa tự thân, vừa gợi ra một lượng ngữ nghĩa do tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa có nội dung không đồng nhất, thậm chí trái ngược, song song tồn tại, tạo cách kiểu ỡm ờ, hai chiều như dụng ý của người sáng tạo (còn khi B có giá trị chân lí đúng, thì dù giá trị của A đúng hay sai, vẫn không xảy ra hiện tượng chơi chữ kiểu A ® B đã nói).

Ví dụ, câu "Lạ gì bỉ sắc tư phong; Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" (Truyện Kiều - Nguyễn Du), thì "bỉ sắc tư phong" vốn nguyên câu chữ Hán là "phong vu thử, sắc vu bỉ", nghĩa là dồi dào về mặt này thì kém cỏi về mặt kia, như dồi dào về tài sắc thì kém cỏi về số mệnh (theo luật thừa trừ). Nguyễn Du sử dụng đúng ý câu Hán văn cổ, tức dùng dữ liệu văn học, văn hóa để minh xác, củng cố cho luận điểm của mình. Không có vấn đề chơi chữ ở đây.

Cũng rút ra từ kinh điển cổ, một bức trướng mừng thọ nọ ghi bốn chữ: "tử tôn thằng thằng" (con đàn cháu đống, ý khen là người có phúc). Nhưng người được chúc thọ vốn là một kép hề trên sân khấu, và nguyên văn lời Hán có chứa "tử tôn thằng thằng" là "chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghi nhĩ tử tôn thằng thằng hề" (đại ý là: loài cào cào gắn bó nhau, con cháu đông đúc). Lời ấy không lấy gì làm tử tế (khi chuyển từ chuyện một loài sâu bọ có hại mà lắm con sang chuyện người lắm tử tôn) đã đành, lại thêm chuyện cùng âm với "thằng hề" thuần Việt, mà không ai có quen biết với chủ nhân (người được chúc thọ) lại không biết. Nhưng đấy là lời trong Kinh thi, và nó hoàn toàn không mang ý như bức trướng nọ đã xuyên tạc. Khi đặt lời Kinh thi kia ra khỏi bức trướng, thì bốn chữ "tử tôn thằng thằng" rất trọn nghĩa; có điều, dữ liệu văn học, văn hóa được mặc nhiên thừa nhận trong sinh hoạt văn hoc, văn hóa nghệ thuật, nên cái nghĩa trái ngược của lời Kinh thi ấy vẫn luôn xuất hiện sóng kèm (theo đúng ý đồ của người viết nên bức trướng). Ở đây, hiện tượng chơi chữ đã xảy ra(5).

2.2. Chơi chữ dựa vào tiền giả định là dữ liệu văn học, văn hóa, theo đó, có thể được chia làm hai loại: loại tách một hoặc một vài yếu tố từ chỉnh thể dữ liệu và đặt vào ngữ cảnh mâu thuẫn với ý nghĩa vốn có của dữ liệu được tách; và loại dùng phần xác dữ liệu, còn nội dung (hay nội dung cốt lõi) đã được thay đổi.

2.2.1. Chơi chữ theo cách tách một hoặc một vài yếu tố từ chỉnh thể dữ liệu và đặt vào ngữ cảnh mâu thuẫn với ý nghĩa vốn có của dữ liệu được tách, ngoài ví dụ "từ tôn thằng thằng" đã trình bày, còn các ví dụ dưới đây:

+ Có một ông vốn thợ cưa, sau gặp thời trở nên giàu có, mua được phẩm hàm, bèn mở tiệc ăn khao. Trong số những câu đối, hoành phi đưa đến mừng, có bức trướng đề ba chữ "ăn cơm vua". Nghĩa bức trướng phù hợp với phẩm tước vua ban. Nhưng nhiều người đọc lại tủm tỉm cười vì một ý khác. Ý này gợi lên cái nghề cò cưa thuở khó nghèo của ông ta, do lời đồng dao "Kéo cưa lừa xẻ; Ông thợ nào khỏe; Thì ăn cơm vua; Ông thợ nào thua; Thì về bú tí!..." mà có. (5).

+ Mấy cậu học trò đến chọc ghẹo một cô gái. Cô này ra một vế đối: "Yêu nhau như bâu, như dót, như hót vào thúng, như búng con quay, như xoay thợ tiện, như bện hàng tơ". Mấy cậu chịu bí, chẳng những không dám đến nhà cô nọ mà đi ngang đầu ngõ cũng sợ, phải tìm lối khác mà đi, có khi phải chui rào, lội nước để tới trường. Thầy dạy họ là ông nghè Nguyễn Quý Tân biết chuyện, mới bày cho cách đối lại rằng: "Lấy đây có bầu, có bạn có ván cơm xôi, có nồi cơm nếp, có dệp bánh chưng, có lưng hũ rượu". Về đối lại rất tương xứng với vế ra. Mặt khác, nó còn mở ra trước mắt người đọc (nghe) một cảnh tượng nô đùa vui vẻ của trẻ thơ, do lời đồng dao "Ông giẳng ông giăng; Xuống chơi với tôi,... " tạo nên.

+ Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn nho phong vị phú, có câu "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ". Người đọc dễ liên tưởng đến hai câu chữ Hán "quân tử thực vô cầu bão" (người quân tử chăm lo việc đạo lí, không lấy chuyện ăn ngon mặc đẹp làm điều) và "thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế" (đời ấm no, cửa ngoài không cần đóng do không có trộm cướp gì), mà cho rằng chàng nho sĩ họ Nguyễn đang ở trạng thái an bần lạc đạo (chịu nghèo khổ mà vui với lẽ đạo).

Điều ấy là hoàn toàn đúng, nếu không đọc đoạn văn chứa nó dưới đây:

... Đầu giường tre, mối dũi quanh co;
Góc tường đất, trùn lên lố nhố.
Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô;
Hạt mưa xoi hang chuột trên nhà, con mèo ngấp ngó.
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng buồn kêu;
Đầu giàn, chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no.
Đêm năm canh an giấc ngáy kho khọ, đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ.
Ấm chè góp lá bàng lá gối, pha mùi chát chát chua chua;
Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu.
Khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú...

Rõ là nhà thơ đang mỉa mai cái nghèo túng của mình. Và "ăn chẳng cầu no", "cổng thường bỏ ngỏ" là vì không có mà ăn, không có thứ gì đáng để đóng cửa mà giữ gìn, chứ đâu phải vì lo việc đạo, vì không có trộm cướp! Nếu đọc từ đầu bài, còn nghe cả cái giọng bực dọc, tức giận của ông: "Chém cha cái khó, chém cha cái khó; khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó!". Như vậy, các nội dung "quân tử thực vô cầu bão" và "thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế" được viện dẫn để giễu cợt cả ý phủ định (trong lúc, đấy là những vấn đề nghiêm túc và không thể phủ định).

+ Tương truyền, Trần Tế Xương có câu đối "tập cổ":

             Vấn chinh phu dĩ tiền lộ;
             Vọng mĩ nhân hề nhất phương.

Vế đầu là một câu trong bài "Quy khứ lai từ" của Đào Tiềm (có nghĩa: hỏi thăm đường người đi đánh giặc); vế sau là một câu trong bài "Tiền Xích Bích phú" của Tô Đông Pha (có nghĩa: nay người đẹp ở phương nao). Ghép lại, chúng tạo nên một ngữ cảnh riêng (nhân vật, không gian, thời gian,... đều khác với tác phẩm chứa chúng trước đó), có người nói là nhà thơ đã thể hiện nỗi ước mong có người anh hùng xuất hiện để cứu nước đang bị họa thực dân (5).

+ Và đây là bài thơ "Cái ống máng":

             Trên vì nước, dưới vì nhà,
             Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng!
             Nhìn càng lã chã giọt hồng.
             Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

Bài thơ vịnh "Cái ống máng" rất hay này do bốn dòng trong "Truyện Kiều" ghép lại. Đây là bài "tập Kiều". Lí do xếp vào mục này như đã nêu ở ví dụ trước (5).

2.2.2. Chơi chữ theo cách dùng phần xác dữ liệu, còn nội dung (hay nội dung cốt lõi) đã được thay đổi, được minh họa bởi một số ví dụ dưới đây:

+ Có bài "ca dao mới":

             Con cò lặn lội bờ sông
             Gánh gạo nuôi chồng ăn học y khoa
             Nay chừ quan đốc nhà ta
             Mở tư phòng mạch, ô voa con cò.
(Nhất Lâm)

Nó được hình thành từ một bài ca dao quen thuộc:

             Con cò lặn lội bờ sông,
             Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
             Em về nuôi cái cùng con,
             Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Nếu sự chia lìa tình cảm ở bài ca dao truyền thống là do việc vua quan bắt buộc, người vợ phải lo "nuôi cái cùng con", đợi chồng hoàn thành nghĩa vụ trở về, thì với bài ca dao mới, chuyện chia tay là do anh chồng bội bạc. Người xưa nói "bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất khả hạ đường" (người bạn lúc nghèo không nên quên, người vọ lúc cám bã nuôi nhau không nên bỏ) (Hậu Hán Thư), vậy mà người chồng đã bỏ cô vợ không chỉ nuôi để sống mà nuôi để học, thì thật đáng trách. Sự phê phán này của bài "ca dao" hoàn toàn xa lạ với bài ca dao truyền thống đã làm khuôn cho nó.

+ Bác Hồ có một số bài thơ làm theo lối "tập cổ", trong đó, có hai bài sau:

            THANH MINH

            Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
            Lung lí tù nhân dục đoạn hồn
            Tá vấn tự do hà xứ hữu?
            Vệ binh dao chỉ biện công môn.
           
(Thanh minh mưa bụi mịt mù rơi,
            Trong ngục tù nhân dạ rối bời.
            Ướm hỏi: tự do đâu có được?
            Lính canh xa trỏ... cửa quan ngồi). (Huệ Chi dịch)

            TẶNG TRẦN CANH ĐỒNG CHÍ

            Hương tân mĩ tửu dạ quang bôi
            Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
            Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
            Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi,
           
(Sâm banh rượu ngọt chén lưu li,
            Toan nhắp tì bà ngựa giục đi
            Say khướt sa trường chớ cười vội,
            Chẳng cho địch thoát một tên về) (Phan Văn Các dịch) (6)

Bài "Thanh minh" dựa vào bài thơ cùng tên của Đỗ Mục, chỉ thay mười chữ; bài "Tặng Trần Canh đồng chí" dựa vào bài thơ tứ tuyệt của Vương Hàn, và chỉ thay có bảy chữ. Nguyên văn hai bài này như sau:

            Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
            Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
            Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
            Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
            (
Thanh minh lất phất mưa phùn,
            Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
            Hỏi thăm quán rượu đâu là,
            Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.) (Tương Như dịch)

            Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
            Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
            Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
            Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi
           
(Bồ đào rượu ngát chén lưu li,
            Toan nhắp, tì bà đã giục đi.
            Say khướt sa trường anh chớ mỉa,
            Xưa nay chinh chiến mấy ai về.) (Trần Quang Trân dịch) (6)

Từ nỗi buồn vì cô đơn giữa tiết thanh minh, đang muốn được chén rượu làm vơi của người lữ khách (bài của Đỗ Mục), đến sự nóng lòng về chuyện tự do vì phải chịu giam cầm phi lí của người trong ngục (bài của Bác Hồ) là hoàn toàn khác nhau về con người, sự việc, không gian, thời gian. Tuy vậy, đọc bài của Bác, chúng ta không khỏi liên tưởng đến hình ảnh người lữ khách đang lùi lũi đi về thôn Hạnh Hoa trong bầu trời mịt mù mưa bụi. Bài thơ tạo được hai lớp hình tượng sóng kèm như vậy, do nhà thơ đã dùng bình cũ để đựng rượu mới.

Bài "Tặng Trần Canh đồng chí" ra đời khoảng tháng 10 năm 1950. Ngoài việc thay rượu bồ đào bằng hương tân (sâm banh) ở câu đầu (vì kèm theo bài thơ, có tặng món quà chiến lợi phẩm là rượu sâm banh của Pháp), đến câu cuối Bác mới đổi năm chữ, khiến bài thơ mang không khí hưng phấn, lạc quan của người chiến thắng. Điều này hoàn toàn khác với tâm trạng bi quan, lãng tử của người lính chiến xưa mà Vương Hàn đã miêu tả.

3. Đến đây, đã có thể thấy rằng, chơi chữ nhất là chơi chữ trong văn chương, không chỉ riêng các phương tiện ngôn ngữ được biểu hiện trên văn bản mà còn có sự tham gia của các dữ liệu văn học, văn hóa là tiền giả định của sáng tác và tiếp nhận văn học. Kiểu chơi chữ này cùng với kiểu chơi chữ dựa vào các phương tiện ngôn ngữ biểu hiện trên văn bản, lập thành một thể thống nhất. Về mặt lí luận, nó góp phần làm sáng rõ hai mặt ý nghĩa, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn, trong lĩnh vực chơi chữ; về mặt thực tiễn, nó giúp vào việc giải quyết vấn đề "tập Kiều" và "tập cổ" ("tập Kiều" là một dạng của "tập cổ",  "tập Kiều" chỉ thuộc vào hình thức chơi chữ 2.2.1, trong lúc "tập cổ" có loại thuộc 2.2.1 nhưng cũng có loại thuộc 2.2.2) cùng những hình thức chơi chữ tương tự với các ví dụ đã trình bày.

Và có thể phát biểu một định nghĩa phù hợp hơn: Chơi chữ là một phương thức diễn đạt đặc biệt, ở đó song song tồn tại hai lượng ngữ nghĩa khác hẳn nhau được biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. (7)

T.N
(132/02-2000)


------------------------------------------
(1) Hoàng Phê (chủ biên) 1994.
Từ điển tiếng Việt, Hà Nội, Khoa học xã hội - Trung tâm từ điển học; tr.116.
(2) Nhiều tác giả 1983.
Từ điển văn học, tập 1, Hà Nội; Khoa học xã hội; tr.404.
(3) Cù Đình Tú 1983
Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt Hà Nội, Đại học và Trung học chuyên nghiệp; tr. 320 - 324.
(4) Đỗ Hữu Châu 1995.
Giản yếu về ngữ dụng học, Huế, Giáo dục; tr. 65.
(5) Phần văn bản dẫn ra ở ví dụ, dùng theo
Lãng Nhân 1992. Chơi chữ (bản in lần 4) Hà Nội, Văn học; các tr.10,7,43 và 85.
(6) Phần văn bản dẫn ra ở ví dụ dùng theo
Thế Anh 1998. "Nhưngx bài thơ tập cổ của Bác Hồ", Ngôn ngữ và đời sống 5 (31); tr.3,4.
(7) Việc phân tích định nghĩa và trình bày tổng thể vấn đề, thuộc công trình chuyên nghiên cứu về chơi chữ sắp được công bố của người viết.


 

Các bài mới
Các bài đã đăng