Ghi chú: - Con số 57 không tính các bài ghép. - Cột ghi "+" hiểu là vừa mặt này vừa mặt kia. Có mấy nhận xét bước đầu: + Về phạm vi đối tượng được đề cập, ca và hành thiên về cái chung, cái lớn lao của tự nhiên, cộng đồng,... + Về đặc điểm đối tượng được đề cập, ngâm, từ, khúc mạnh về các vấn đề, cảnh huống quen thuộc, trong lúc hành lại ngả về sự kiện mới lạ,... + Về tâm trạng chủ thể trữ tình, số lượng ca và từ có giọng hào sảng khá lớn, ít ra cũng nổi trội so với hành. + Về cách thể hiện đối tượng, ca và hành được kể nhiều hơn tả, trong lúc ngâm thường theo cách kết hợp,... + Về thể thơ, ngâm dùng cổ phong, ca và hành cũng dùng cổ phong khá phổ biến (riêng hành, số lượng bài cổ phong có dung lượng lớn cao hơn ca); từ, khúc lại có vẻ thích hợp với thể thất ngôn tứ tuyệt. Và thể thất ngôn bát cú thì vắng bóng. Các nhà thơ Việt
ít dùng từ để đặt tên bài thơ của mình, khúc cũng không nhiều (lại có thể hiểu như ngâm khúc). Riêng ngâm, chúng ta có hai tác phẩm lớn (Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, 470 dòng thơ cổ phong; Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, 356 dòng thơ thể song thất lục bát), trong lúc 4 bài ngâm ở thơ Đường (Giang thượng ngâm, Bạch đầu ngâm - Lí Bạch; Tiết phụ ngâm - Trương Tịch; Du tử ngâm - Mạnh Giao) cộng lại chỉ 58 dòng thơ. Tác phẩm có cung cách như thơ Đường rất ít. Trong lúc đó, ca và hành được dùng nhiều hơn. Riêng Cao Bá Quát, trong 29 bài thơ được tuyển vào tập Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (sđd), có 4 bài ca, 1 bài hành; Nguyễn Du, trong Bắc hành tạp lục (tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du, sđd), có 2 bài ca, 4 bài hành; trừ 1 bài (Thương Ngô trúc chi ca, gồm 15 đơn vị, viết bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, của Nguyễn Du), tất cả số ca, hành này đều theo thể cổ phong, có đối tượng được đề cập là những sự kiện, vấn đề gây cảm xúc mạnh, và khó phân biệt giữa chúng. Chẳng hạn, trong chuyến sang Inđônêxia cùng phái đoàn ngoại giao nước ta, Cao Bá Quát đã lần đầu tiên trông thấy tàu thủy chạy bằng hơi nước, ông viết: Guồng quay, sóng tung tóe ầm ầm như sấm ran Có lúc đi ngang, chạy ngược, nhanh như ngựa phi Không buồm không chèo, cũng không người đẩy... Chỉ búng ngón tay đã vượt qua những đợt sóng kinh người... Cũng là lần đầu trông thấy người phụ nữ phương Tây, ông miêu tả: Người thiếu phụ Tây dương áo trắng như tuyết... Kéo áo nói rì rầm với chồng... Một cốc sữa hững hờ trên tay... Nghiêng mình đòi chồng nâng dậy... Cả hai hình ảnh đều mới lạ, tạo ấn tượng, cảm xúc mạnh, nhưng hình ảnh đầu thuộc bài ca (Hồng mao hỏa thuyền ca), hình ảnh sau thuộc bài hành (Dương phụ hành). Và cũng không hẳn chuyện tác động hẹp thuộc về hành, chuyện ảnh hưởng rộng lớn thuộc về ca. Vì như Nguyễn Du lúc đi sứ sang Trung Quốc, giữa đường bị binh biến chặn lại hoặc khi dùng thuyền vượt thác mà không được, cố gắng mà lo sợ đến mức "người trẻ trong thuyền đều thành bạc đầu cả”, nhưng nhà thơ không dùng ca mà dùng hành (đó là 2 bài Trở binh hành và Bất tiến hành)... Như vậy, cách sử dụng ca, hành của các nhà thơ Việt nam không khác mấy so với với các nhà thơ Trung Quốc (qua thơ Đường). 3. Đến đây, đã có thể nêu ý nghĩa của ca, ngâm, hành, từ, khúc trong cấu tạo nhan đề của thơ cổ: - Ca: bài thơ (có thể dùng để hát), thường đề cập đến vấn đề lớn lao của tự nhiên, cộng đồng, cuộc sống,...; tác giả thường dùng cách kể với tâm trạng hào sảng, cảm xúc mạnh mẽ và thể thơ cổ phong khoáng đạt. - Khúc và ngâm được dùng tương đương về nghĩa, hoặc theo cách kết hợp: ngâm khúc. Ngâm khúc: tác phẩm bằng văn vần, thường để bày tỏ niềm riêng, nỗi đau buồn về một vấn đề bức xúc trong cuộc sống; thể thơ cổ phong, thơ song thất lục bát với dung lượng đáng kể, được sử dụng để chuyển tải nỗi niềm ấy (Phân biệt với cách hiểu ngâm, khúc ở thơ Đường qua bảng trên). - Hành: bài thơ, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến; thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc. - Từ ít sử dụng (theo cách đặt nhan đề) trong thơ Việt
cổ. Với thơ Đường, thì từ là bài thơ thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có tính chất cộng đồng, chủ thể trữ tình thường thiên về tả với tâm trạng hào sảng; do đối tượng được đề cập chỉ cần phác họa vài nét cần thiết, nên từ thường sử dụng các thể thơ ngắn (như tứ tuyệt). Những cách hiểu này dựa trên sự phân tích, xem xét, thống kê như đã trình bày. Chúng có thể góp phần giúp vào viê c nghiên cứu, giảng dạy, thưởng thức thơ cổ thấu đáo hơn. T.N. (nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)
|