Ca dao- Cổ tích
Mấy suy nghĩ về quan hệ hỗ tương giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên - Quảng Nam
14:37 | 10/01/2011
VĨNH QUYỀNTừ lâu điều kiện thiên nhiên cũng như điều kiện xã hội đều thuận lợi cho mối quan hệ giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên và Quảng Nam.
Mấy suy nghĩ về quan hệ hỗ tương giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên - Quảng Nam
Ảnh: Internet
Thời Lê Thánh Tông, thế kỷ thứ XV, Quảng Nam vốn là tên một đạo rộng lớn. Đến thế kỷ thứ XIX, triều Nguyễn chia đạo Quảng Nam ra làm ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Quảng Nam gồm hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Thăng Hoa mạnh về công nghiệp, Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã nhận xét là “có nền công nghệ tinh xảo, dệt ra những thứ lĩnh, lụa, là.. nhuộm màu khéo và đẹp không khác gì hàng Quảng Đông. Núi sản xuất nhiều vàng tốt. Voi rừng nhiều. Dân chăn nuôi nhiều trâu ngựa…” và Điện Bàn có “đất tốt”, lắm súc vật, hàng hóa tốt, đáng gọi là bậc nhất năm châu”. Với ưu đãi của thiên nhiên như thế, Quảng Nam chính là một trong những miền đất hứa thu hút những đoàn di dân xuất phát từ Bình Trị Thiên, nơi mà sinh hoạt có phần khó khăn vì đất trồng hẹp, dân cư đông, khí hậu lại khắc nghiệt. Nói lên cảnh sinh hoạt không mấy thuận lợi của mình, quần chúng lao động Bình Trị Thiên có câu hát đượm buồn:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn
Trời hành cơn lụt mỗi năm…

Đoàn người vượt đèo Hải Vân hiểm trở vào đất Quảng lập nghiệp không chỉ vì lý do kinh tế mà còn cả nguyên nhân chính trị. Có những tộc, những làng đã kéo nhau ra đi để tránh sự thanh trừng của triều đình phong kiến sau những cơn biến động chính trị. Tìm đọc gia phả của các tộc nhiều đời định cư trên đất Quảng có gốc Bình Trị Thiên ta thấy được điều này.

Ngược lại, Bình Trị Thiên, hay chính xác hơn là Thừa Thiên, từ ngày triều Nguyễn bỏ lệ tổ tiên dời đô vào Huế, đã trở thành nơi kinh kỳ đô hội, lôi cuốn nhiều danh sĩ, thương nhân, nghệ nhân bốn phương tụ tập đông đảo. Chính thế mà câu hát hào hùng “Làm trai cho đáng nên trai, xuống Đông, Đông tĩnh, Lên Đoài, Đoài tan” được láy lại để đề cao người từng trải, đi nhiều biết rộng như sau:

Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng


Riêng Quảng Nam, với điều kiện tự nhiên liền núi liền biển nên việc ra vào học hành thi cử, buôn bán trao đổi hàng hóa tương đối thuận lợi. Năm 1678 Quảng Nam mở khoa thi hương đầu tiên, nhưng cũng như trước 1678, sĩ tử trúng cách thi hương cũng vẫn phải lều chõng ra kinh đô Huế tham dự kỳ thi hội chọn tiến sĩ, ngay cả đến những năm 50 của thế kỷ XX này, học sinh Quảng Nam hàng năm còn phải ra Huế thi tú tài, tức tốt nghiệp phổ thông cấp 3 bây giờ. Và như vậy, trong số hành trang mang theo trên đường vượt Hải Vân, nhân dân hai tỉnh đã mang theo cả câu hò tiếng hát của mảnh đất chôn rau cắt rốn, lâu ngày tạo nên mối quan hệ giao lưu, kế thừa và phát huy giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên và Quảng Nam.

Có thể nhận ra mối quan hệ giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên và Quảng Nam ở hình thức kết cấu, cách đặt câu của một số bài ca. Sau đây là hai bài ca mang nội dung khác nhau. Một bài là hình ảnh cô thiếu nữ Bình Trị Thiên đi thăm lúa trong một buổi mai hồng trên cánh đồng mênh mông bát ngát, nói về tuổi dậy thì tươi đẹp nhưng nhỏ nhoi, mong manh trước cảnh trời bao la của mình:

Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông,
Thân em như chẹn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai

Một bài là người con trai đất Quảng đứng trước cảnh quân thù giày xéo đất nước mà đau lòng, nhắc nhở đến tình cảm cao quý, cần thiết tình thủy chung, thủy chung với ngọn cờ cách mạng:

Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân, thấy nước xanh xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn, thấy phố xá nghênh ngang
Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
Trăm năm đi nữa lá cờ điều cũng đừng phai.


Nhưng như ta thấy, về mặt hình thức, cả hai bài đều có chung một tiết điệu, một cấu trúc câu trong phần hứng mở đầu.

Hoặc có những bài chịu ảnh hưởng sâu đậm lẫn nhau cả hình thức lẫn nội dung, chỉ thay đổi địa danh thích hợp. Ở đất Quảng, trong số những bài hát ru em, chúng ta thường nghe bài:

Bồng em mà bỏ vô nôi
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Bất Nhị mua trầu Hội An


Thì ở Bình Trị Thiên, ngoài một số tiếng địa phương và địa danh, chúng ta được nghe toàn bộ bài trên:

Ru em em théc cho muồi
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh


Bên cạnh mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại về hình thức cũng như về nội dung, một số thơ ca dân gian Bình Trị Thiên và Quảng Nam còn được khai sinh bởi sự tác động của mối quan hệ xã hội của hai tỉnh qua bao nhiêu thời kỳ lịch sử.

Thuở xa xưa, với phương tiện giao thông vận tải thô sơ, Hải Vân là một chướng ngại lớn lao trên con đường phát triển vào phương nam của dân tộc ta, mà nhân dân Bình Trị Thiên và Quảng Nam là những người trực tiếp gánh chịu sự khó khăn trong việc đi lại giữa hai tỉnh. Do vậy, trong thơ ca dân gian Bình Trị Thiên cũng như Quảng Nam, hình tượng núi Hải Vân là một hình tượng thường trở lại:

Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Giơi
Hải Vân cao ngất tầng mây
Giặc đi đến đó bỏ thây không về.


Hải Vân hiểm trở là thế, nhưng nhân dân hai tỉnh vẫn thường xuyên ra vào, ngày càng mật thiết. Con em đất Quảng bao đời khăn gói đi học, lều chõng đi thi ở Huế đã để lại cho chúng ta ngày nay câu hát dí dỏm, tươi trẻ:

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành!


Và nói đến mối quan hệ xã hội chúng ta không thể nào không nghĩ đến những mối tình Bình Trị Thiên - Quảng Nam, chính nó là một nguồn tác động mãnh liệt đến quá trình sáng tác của nhân dân hai tỉnh. Đây là tâm sự người thiếu nữ Thừa Thiên chờ đợi mối duyên đất Quảng xa xôi nhưng giàu tình lắm nghĩa:

Em thương, không thương, nỏ biết
Em thốt những lời thảm thiết hơn thương
Thiếu chi ba phủ Thừa Thiên
Thấy anh có nghĩa em ôm duyên ngồi chờ


Núi sông cách trở khiến mối duyên xa thơ mộng lắm lúc phải sầu khổ:

Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu gành đá, ngẫm thân thêm buồn
Giậm chân xuống đất kêu trời
Chồng tôi về Quảng biết đời nào ra?


Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chúng ta có rất nhiều bài hát phản ánh tình cảnh khốn khổ của nhân dân ta trước chính sách mộ lính thuộc địa của thực dân Pháp. Trong đó, có một bài mà không gian gồm cả hai tỉnh Bình Trị Thiên - Quảng Nam. Cứ theo nội dung thì bài này do nhân dân Bình Trị Thiên sáng tác, nhưng trong thực tế nó lại được phổ biến rộng rãi ở Quảng Nam:

Sáu giờ còn ở kinh đô
Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn
Mười giờ bước xuống xà lan
Bóp bụng mà chịu, nát gan trăm bề
Lên tàu còi thổi xúp lê
Khoác khăn chéo lại, em về nuôi con
Đầu hè có buồng chuối non
Để dành xáo ghế cho con ăn lần
Khoai từ, khoai choái, khoai nằn
Với một vạt bắp trước sân chưa già
Có hủ sắn luộc trong nhà
Để dành lần lữa cho qua tháng ngày
Bớ em ơi! Ráng mà nuôi con chim chuyền cho nó biết lượn biết bay
Mai sau anh có thác em bảo cho con nhớ cái ngày anh đi…


Trên đây chưa phải là bài nghiên cứu một khía cạnh văn học dân gian theo đúng nghĩa của nó mà đó là mấy dòng suy nghĩ của chúng tôi về mối quan hệ hỗ tương tác động trong thơ ca dân gian của hai tỉnh nổi tiếng có truyền thống văn học: Bình Trị Thiên - Quảng Nam. Những dẫn chứng minh họa trong bài chưa phải là những tìm tòi công phu, sưu tầm phong phú và chọn lọc tiêu biểu mà nó đến tự nhiên trong quá trình suy nghĩ của chúng tôi như đã thấm vào mạch sống tự bao giờ. Chúng tôi cũng chưa minh định một cách khoa học mối hỗ tương trên từng bài hát, câu hò cụ thể. Đó là yêu cầu lớn, đòi hỏi một công trình tập thể, quy mô mà chúng tôi hằng mong đợi.

V.Q.
Đà Nẵng, 2-1984.
(10/12-84)





Các bài mới
Các bài đã đăng