Chuyện xưa kể rằng có một thời mèo được một ông chủ nuôi yêu quý dám đặt tên cho mèo là Trời! Nhưng một người bạn của ông chủ đã bắt bẻ cho rằng mây che được trời. Thế là ông chủ đổi tên mèo thành Mây. Nhưng người bạn lại nói gió có thể thổi tan mây. Ông chủ lại đổi tên mèo thành Gió. Gió lại bị bức tường cản. Ông chủ lại đổi tên mèo thành Tường! Nhưng chuột lại đục khoét được tường. Ông chủ hồ đồ lại đổi tên mèo thành Chuột! Và mèo bắt được chuột. Thế là cuối cùng ông chủ nuôi lại đành phải gọi chú mèo cưng của mình là Mèo như cũ! Câu chuyện mèo lại hoàn mèo vừa kể trên là nỗi “đau” của dòng họ nhà mèo đã lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Cứ tưởng là sẽ có danh xưng mới để có thể “đổi đời” nhưng không ngờ do ông chủ của mèo quá kém thông minh nên đã bị người khác dạy cho một bài học về tội dám “chơi trội”. Nhân dịp năm hết Tết đến, Thần Mèo lại về chầu trời để thay Thần Hổ nhận nhiệm vụ của một năm mới. Nhớ câu chuyện đau lòng cũ, Thần Mèo liền quì mọp khóc lóc trước Ngọc Hoàng xin được đổi tên tất cả loài mèo thành tên mới là Tiểu Hổ cho có chút “danh vọng”. Mặc dù Thần Hổ cực lực phản đối nhưng Ngọc Hoàng cũng xiêu lòng trước những lời năn nỉ của Thần Mèo nên cuối cùng đã chuẩn tâu. Thế là từ đó các chú mèo được dịp vênh váo với đời với danh xưng mới là Tiểu Hổ của mình. Nhưng thật không may thời thế đã thay đổi, các “dân chơi” muốn được chơi sang nên đua đòi thích ăn thịt chúa sơn lâm cho oai. Thế là các chú hổ bị săn lùng... Nhưng hổ không phải là thứ dễ bắt và dễ giết. Thứ nhất là do hổ dù sao cũng là hổ thật, không dễ bị người ta bắt nạt. Thứ hai hổ là thú quí hiếm, quán nhậu nào mà dám bày bán thịt hổ công khai có mà sập tiệm. Cái khó ló cái khôn, các chủ quán nhậu lý luận: “Các thực khách không ăn thịt hổ được thì ăn tạm thịt tiểu hổ vậy. Hổ nào cũng là hổ cả!”. Thật tội nghiệp cho các chú mèo bỗng dưng được người ta ưu tiên đưa lên bàn nhậu! Thần Mèo vô cùng ân hận vì đàn con cháu của mình bỗng dưng bị gặp đại họa, sống thì bị truy lùng, chết thì không toàn thây vì bị xào nấu làm món nhậu. Thấy vậy, Thần Hổ mới cười nói: Có nhiều người thật sự thành công nên nổi danh. Nhưng cũng không hiếm những kẻ bị gặp hiểm họa chỉ vì cái bệnh háo danh của mình. Thương thay!
2. Mèo có bắt chuột? Ngày xưa có một vị quan được giao nhiệm vụ trông coi kho lương thực cho nhà vua. Quan coi kho lương rất mẫn cán và thanh liêm. Hơn mười năm nhận nhiệm vụ ông không hề nhũng lạm dù chỉ là một hạt thóc lép trong kho. Nhưng không may đến một năm nọ, không hiểu sao lũ chuột lại sinh sản bùng phát rất nhiều. Kết quả là dù vị quan đã rất cố gắng gìn giữ, kho lương thực của nhà vua cứ bị hao hụt mỗi ngày. Nghe lời thuộc hạ vị quan nuôi hơn hai mươi con mèo đem thả vào kho. Lúc đầu kết quả khá khả quan. Lượng lương thực thất thoát mỗi ngày đã giảm hơn một nửa. Ông quyết định nuôi thêm hai mươi con mèo nữa. Nhưng cũng thật bất ngờ, không hiểu sao lượng lương thực hao hụt mỗi ngày lần này không hề giảm sút mà lại có chiều hướng muốn tăng lên! Vị quan vô cùng lo lắng vì sắp đến kỳ hạn quan khâm sai đại thần đến kiểm tra kho lương. Tình trạng mất mát lương thực kiểu này nếu cứ tiếp diễn chắc chắn ông không giữ được cái đầu trên cổ. Vị quan liền treo bảng trước cổng cần mua mèo quí gấp để trừng trị lũ chuột trong kho. Vừa treo bảng buổi sáng thì buổi trưa đã có một lão đạo sĩ đến gỡ bảng và xin vào yết kiến. Viên quan mừng lắm liền mời vào. Lão đạo sĩ chào vị quan xong liền hỏi: - Thượng quan cần mua mèo quí để làm gì? - Ta cần mua mèo quí để bắt chuột. - Thượng quan lầm rồi. Bắt chuột hay không không phải là do mèo quí hay không quí. Ông bà ta đã có câu “mèo nhỏ bắt chuột con” là muốn nói đến ý đó. Loài mèo từ thuở xa xưa con nào cũng biết bắt chuột. Nhưng từ khi ở chung với loài người. Nhiều con mèo đã nhiễm tật xấu từ chủ nuôi như ăn vụng, hoặc tệ hơn là móc nối với loài chuột để hưởng lợi cho mình! - Có loại mèo biết móc nối với chuột ư? Ta chưa từng nghe! - Thượng quan có đọc nhiều sách không? - Từ nhỏ tứ thư ngũ kinh ta đều thuộc làu cả. - Thượng quan có thường đọc sử, đọc thơ không? Có xem tranh nhiều không? - Đạo sĩ khinh thường ta quá. Ta đã đọc trọn bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, thơ của thi tiên Lý Bạch bài nào ta cũng thuộc, tranh của Tô Đông Pha hầu hết ta cũng đã từng xem qua… - Thượng quan tỏ ra rất am hiểu văn hóa và học thuật của… nước ngoài! Lão chỉ xin thượng quan đến làng tranh Đông Hồ của nước ta để tìm mua bức tranh Đám cưới chuột về xem. Lúc ấy thượng quan sẽ hiểu ngài cần phải làm gì... Nói xong lão đạo sĩ liền cười ngất và biến mất. Viên quan coi kho bỗng giật mình, toàn thân mồ hôi ướt đẫm. Ông liền vội sai thuộc hạ đến làng tranh Đông Hồ gấp. Khi bức tranh Đám cưới chuột được trình lên, nhìn lũ chuột dâng quà cho mèo trong tranh viên quan hoàn toàn tỉnh ngộ. Cuối cùng qua điều tra viên quan coi kho cũng đã điều tra và phát hiện được có hai trong hai mươi con mèo nuôi tăng cường lần sau, đã dung dưỡng cho họ hàng nhà chuột và giúp cho lũ chuột có điều kiện ăn xén ăn bớt lương thực trong kho. Trị tội hai con mèo này xong nạn chuột trong kho từ đó xem như mất hẳn. Sau này viên quan đã rút ra một kinh nghiệm quí báu để truyền lại cho các quan coi kho thế hệ sau: Không cần có mèo quí mới bắt được chuột và không phải con mèo nào cũng có sở thích bắt chuột! T.T.N.V (264/2-11) |