Ca dao- Cổ tích
Chàng Lờng với lão Bay Bưm
15:10 | 07/10/2011
Mai Văn Tấn tên thật là Mai Văn Kế. Sinh ngày 12-9-1931 tại Lệ Ninh Bình Trị Thiên. Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Chàng Lờng với lão Bay Bưm
Nhà văn Mai Văn Tấn - Hải Bằng ký họa
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nguyên là sĩ quan công an nhân dân vũ trang, làm báo, làm cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp. Truyện ngắn in lần đầu trên báo Văn nghệ năm 1959: "Một câu chuyện trên sông Hiền Lương".
- Giải khuyến khích thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1971.
- Giải A1 về sưu tầm, biên soạn văn hoá dân gian - Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (1971).
- Được thưởng huy chương vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vì có nhiều tác phẩm cho thiếu nhi (1982).
- Giải B do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên tặng vì có nhiều tác phẩm đóng góp trong thời gian 1975 - 1982.
Các tác phẩm đã xuất bản:
- Truyện cổ Vân Kiều (2 tập- 1974-1978)
- Dân ca Vân Kiều (1979)
- Đất ấm (truyện và ký về đề tài nông nghiệp, 1983)
- Quả bầu tiên (truyện cổ -1975)
- Ai Cum - Ai Cloóc (truyện cổ -1975)
- Giữa rừng Côpi (truyện ký -1976)
- Dấu chân chiến sĩ biên phòng (truyện ký -1982)
- PrNhia đi học khôn (truyện cổ -1985).



Chàng Lờng với lão Bay Bưm


MAI VĂN TẤN



Anh Lờng nghèo khổ, mồ côi cha mẹ từ bé, sống lang thang trong rừng.

Anh làm được một vạt lúa lưng đồi, thì chủ bản gần đó bảo là đất của nó. Đến mùa lúa chín, chủ bản cho tôi tớ ra tuốt hết thóc đem về nhà. Anh lại phát một vùng nương dọc bờ khe để làm ngô. Lúc ngô đang trổ cờ xanh tốt thì con voi, con ngựa của chủ bản đạp ngang sang nhổ ăn hết.

Ăn hoa trái trong rừng, chủ bản cũng đến giằng lấy, bảo rừng núi cũng là của nó.

Không đành chịu chết đói, Lờng đi mãi về phía mặt trời mọc, nơi có nhiều người ở, nhà chen nhà như trâu đàn mỗi sáng ra nương.

Lờng đi lang thang trong vùng bản rộng đó và xin đến ở nhờ cho một nhà làm nghề rèn những cục sắt thành những cây dao phát cây, những chiếc nầm đào củ. Nhờ có sức khỏe tốt, Lờng học biết nghề rất mau. Ông già dạy nghề rất thương anh, nên gả con gái cho.

Hai người làm vợ, làm chồng với nhau được ít lâu thì ông già cho Lờng được đem vợ về xứ sở của mình.

Vợ chồng Lờng về quê cũ, nhưng không có đất làm nhà, đành leo lên một chỏm núi cao chót vót ngang tầm mây trắng để dựng lò rèn đúc dao, làm nầm đem về bản đổi gạo, đổi muối kiếm cái ăn.

Chàng Lờng rất thương vợ, chẳng bao giờ để vợ phải vất vả xuống núi. Hễ rèn đúc được một số đồ dùng bằng sắt, Lờng lại xếp vào gùi mang xuống chân núi đổi gạo, muối mang lên.

Vài mùa rẫy sau vợ chồng Lờng sinh được một đứa con trai rất đẹp.

Một hôm, lão Bay Bưm chủ bản đi săn xa về đến nơi ở của vợ chồng Lờng thì trời vừa sập tối. Bay Bưm đến xin ngủ nhờ.

Bay Bưm thấy vợ chàng Lờng đẹp quá, đem lòng thèm muốn. Lòng cú cáo nhảy nhót trong bụng Bay Bưm. Hắn bảo chàng Lờng hãy bỏ nơi núi cao để về ở chung bản với nó. Bay Bưm hứa sẽ cho vợ chồng chàng Lờng một vùng đất rộng, cạnh đường đi lại của các bản xa, bản gần cho có nhiều người đến mua dao, mua nầm của Lờng. Nếu thuận ý như vậy, chẳng mấy chốc chàng Lờng sẽ giàu to, nhà cửa sẽ nhiều như voi đàn, trâu bầy mỗi buổi sáng.

Từng biết lòng dạ ác độc, sâu hiểm của Bay Bưm, chàng Lờng nhất mực chối từ.

Lần khác, Bay Bưm lại sai con trai sang gọi vợ chồng Lờng đến dự hội ở nhà nó.

Sợ Bay Bưm đặt bẫy kéo chân vợ chồng Lờng mình sa vào, vợ chồng Lờng lại từ chối, không đi.

Bay Bưm lại sai đứa con trai thứ hai sang mời, chàng Lờng cáo ốm. Bay Bưm sai đứa con trai thứ ba, thứ tư, thứ năm lần lượt sang gọi, nhưng vợ chồng Lờng tìm đủ mọi cách từ chối cho kỳ được.

Vợ chồng Lờng thấy sự thúc ép của Bay Bưm ngày càng gắt giáo nên rất lo sợ, không tìm ra cách gì đối phó được.

Mấy hôm sau, Bay Bưm cùng tôi tớ kéo sang bảo Lờng:

- Lờng à! Mày có biết vợ chồng mày đang ở trên đất ai không? Đất này Dàng đã trao cho ta từ lâu rồi. Năm nào ta cũng phải cúng Dàng Xứ (1). Năm nào ta cũng phải làm lễ rang đất (2) cho cả vùng ăn ra, làm nên. Vậy mà mày không đến nhà tao góp lễ cúng Dàng Xứ một lần nào cả. Ngày mai nhà ta mở hội cúng Dàng Xứ, vợ chồng mày phải có mặt chung vai với dân bản. Nếu vợ chồng mày không sang tao sẽ đem tôi tớ đến giết chết mày; đem vợ mày về giữ chim, đuổi thú ngoài nương rẫy nhà ta.

Nói xong Bay Bưm nổi giận đùng đùng ra về.

Chàng Lờng biết lần này anh sang đó sẽ bị Bay Bưm giết chết và sẽ mất vợ, nên nằm khóc lóc thảm thiết. Vợ Lờng cũng đoán đúng như ý chồng.

Hai vợ chồng bàn bạc cách đối phó, nhưng bàn mãi, bàn mãi vẫn không tìm ra lẽ. Cả hai người mệt lả và ngất lịm đi.

Đang lúc thiêm thiếp, vợ Lờng thấy một ông già trao một cây gậy vừa dài, vừa to, cùng một sợi dây thừng rất dài và bảo:

- Ngày mai con gác cây gậy này ngang qua hai đỉnh núi, rồi dòng dây xuống mà đi vào bản Bay Bưm. Khi nào Bay Bưm đòi lên với con thì bảo nó leo theo sợi dây đó. Ta sẽ có cách cứu vợ chồng con.

Ông già còn dặn dò nhiều chuyện vào tai vợ Lờng nữa, trước khi biến vào đêm tối dày đặc.

Vợ Lờng vừa mừng, vừa lo, nhưng nhớ lời dặn của ông già, chị không kể cho chồng biết chuyện mình đã gặp ông già trong mơ như thế nào.

Sáng hôm sau, vợ chồng Lờng gác cây gậy dài từ đỉnh núi này sang đỉnh núi bên kia và dòng dây, cùng tụt xuống chân núi đến vui hội ở nhà Bay Bưm.

Bay Bưm thấy vợ chồng Lờng đến, vội chạy ra tận đầu thang sàn đón vào. Hắn sai tôi tớ mang ra một ché rượu đầy, một rá thịt vun, mời Lờng cùng ăn uống.

Vợ Lờng biết ngay Bay Bưm đang bỏ thuốc độc để giết chồng mình, nên bưng mặt quay vào phên liếp, nước mắt chảy ròng ròng.

Uống xong ché rượu, chàng Lờng nằm quay ra sàn bất tỉnh, Bay Bưm cười, nói với vợ Lờng:

- Chồng mày bấy lâu không có rượu uống. Nay nó uống nhiều nên say đấy thôi.

Hắn đắp lên người Lờng một tấm chăn dày, để cho Lờng được ngủ yên giấc.

Ngủ suốt một buổi chiều, một đêm, chàng Lờng không quay trở một lần nào.

Vắng nhà, xa con suốt một ngày, một đêm bụng dạ vợ Lờng nóng ran như có lửa đốt. Chị đến lay gọi chồng dậy. Nhưng chàng Lờng đã chết cứng đơ.

Vợ Lờng kêu khóc thảm thiết, đến con vượn trong rừng cũng khóc theo, con chim thù thì dưới bờ khe cũng thở dài rên rỉ, con tù-cát bên đồi cũng nức nở liên hồi.

Bay Bưm giả bộ buồn rầu, nói với vợ Lờng:

- Bấy lâu thằng Lờng xa cái ché rượu ngon, quên cái cần rượu ngọt. Nay có được ăn ngon, uống say quá nên phải chết đấy. Mày khóc than có được gì? Mày hãy ở với ta, làm vợ ngọn (3) của ta. Ta sẽ nuôi con mày sung sướng. Mày không phải đi làm cỏ trên nương, không phải đi tuốt lúa ngoài rẫy, không phải đi giữ chim, đuổi chuột ngoài biên rừng. Mọi công việc đã có tám con vợ của ta làm cả.

Vợ Lờng nói:

- Ta lấy Lờng đã có một đứa con trai. Con Lờng còn dại lắm. Con chim mái bao giờ cũng phải nhờ con chim trống làm tổ khi đẻ, kiếm mồi cho con lúc nó còn nhỏ. Đằng nào rồi ta cũng phải làm vợ của Bay Bưm thôi. Nhưng ta phải chôn cất chồng Lờng ta đã. Chồng Lờng ta phải được đặt trong một chiếc hòm bằng đá và được đem lên chỗ chồng ta đã nằm ấm hơi, ngồi ấm chỗ lúc đúc con dao, rèn cái nầm…

Bay Bưm nghe vợ Lờng nói thế thì ưng thuận ngay. Hắn bắt tôi tớ đẽo đục liền trong năm ngày, năm đêm được một cái hòm đá thật to, thật đẹp và đặt xác Lờng vào trong đó. Chúng buộc hòm vào dây kéo dòng mãi lên đỉnh núi cao, đặt đúng chỗ nơi Lờng từng ở.

Đêm đó Bay Bưm đuổi hết cả tám người vợ ra rừng, để hắn được ở chung với vợ Lờng. Chị bảo:

- Không có được đâu, ông Bay Bưm à! Con tôi còn khát sữa đang khóc trên kia. Chồng tôi mới chết hồn còn quanh tôi. Con ma của nó đang ngồi quanh đâu đó. Đằng nào tôi cũng làm vợ ông, nhưng ông không được đuổi những người vợ khác ra khỏi nhà. Đêm nay ông phải ăn ngủ với họ. Ông cho tôi lên cho con tôi bú. Đến mười ngày sau, tôi dòng dây thả xuống đón ông lên ở chung với tôi đỉnh núi cao kia.

Bay Bưm đành chiều theo ý của vợ Lờng, không đuổi tám người vợ ra rừng. Cùng hôm đó hắn cho vợ Lờng theo đường dây lên lại chỗ ở của chị với con, với chồng.

Vợ Lờng lên đến nhà đã thấy có một con gà trống to và một con diều hâu đứng trên nóc hòm của chồng. Biết hai con vật này do ông già Dàng đã nói nhỏ hứa cho chị trong đêm báo mộng, chị Lờng nạy nắp hòm bỏ hai con vật vào trong đó. Mỗi buổi sáng chị lại nắm một nắm cơm nhỏ đặt vào trong hòm, sát miệng chồng.

Ở trong hòm con gà trống thần ngày ngày ăn hết dòi bọ trên xác Lờng, con diều hâu thì uống hết nước thối tha từ xác chết chảy ra.

Chàng Lờng tỉnh lại dần ở trong chiếc hòm đó, ăn hết những nắm cơm như ngón tay mà hàng ngày vợ Lờng đặt bên cạnh miệng mình.

Đúng mười ngày, Bay Bưm từ dưới chân núi hú gọi vợ Lờng buông dây kéo nó lên làm vợ, làm chồng với chị.

Chị Lờng hú lại trả lời và buông dây xuống. Nhớ lời ông già Dàng dặn đêm báo mộng, chị Lờng bắt một vốc những con mối to thả chạy dọc theo sợi dây thừng đó.

***

Từ khi được chị Lờng thuận làm vợ mình, Bay Bưm đối xử rất tồi tệ với tám người vợ cũ. Ngày nào Bay Bưm cũng đánh đập, xua đuổi tám người vợ và lũ con cái ra nương, lên rẫy làm lụng quần quật và lại không cho ăn đủ no. Tiếng kêu, tiếng khóc, lời oán trách, nguyền rủa từ trong nhà chủ bản vọng ra nhức óc xóm giềng, như tiếng chim vét cắn nhau ngoài nương ngô.

Đến ngày thứ mười, đúng hẹn được lên với vợ Lờng, Bay Bưm tất tả chạy ra chỗ sợi dây từ trên núi buông xuống lập cập bíu lấy, leo lên.

Sợi dây dài, ngút lên đến đỉnh núi cao chót vót bị gió đung đưa làm Bay Bưm thất kinh hồn vía. Nhưng vì lòng tham lam, ác độc đang choán đen đầu hắn, Bay Bưm nhắm mắt leo mãi lên cao.

Lũ mối được vợ Lờng đặt lên dây cứ gặm dần, làm cho sợi dây sờn ra. Khi leo lên cao ngang lưng chừng núi, thì lũ mối cũng đã ăn đứt một đoạn dây làm Bay Bưm té nhào từ lưng chừng cao rơi xuống một bụi cây gai rậm rịt giữa nương rẫy của lão.

Lão kêu la khản cả cổ, khô cả giọng, nhưng không một ai tới cứu. Những người trong nhà Bay Bưm cũng vẳng nghe tiếng kêu khóc của lão, nhưng chẳng ai tin. Ai nấy đều bảo Bay Bưm đang sống sung sướng với vợ Lờng ở trên núi cao kia.

Sáng hôm sau, người nhà Bay Bưm ra rẫy, lại nghe tiếng khóc của lão. Họ đến gần và thấy lão đang bị vướng lằng nhằng trong một bụi tre đầy cây gai chằng chịt. Lão van xin:

- Ôi! Ta là Bay Bưm, là chồng, là cha của các người đây. Hãy cứu giúp kéo ta ra khỏi đám cây gai này với!

Những người vợ đều nói:

- Ông thích vợ đẹp, nên giết chồng người ta mới bị Dàng phạt. Ông phải chịu lấy tội. Không ai cứu ông đâu. Cứu ông ra ông lại đánh đập chúng tôi như đánh con lợn trong chuồng, đập con trâu đã bị choàng sừng.

Bay Bưm van lạy:

- Các người vợ yêu, vợ quý của ta ơi! Những đứa con vàng, đứa con bạc của cha ơi! Ta thề với Dàng Xứ, ta cúng với Dàng Đất, ta khấn với Dàng Rừng, nay ta có ở ác thì ta có chết cũng không còn ai cứu nữa.

Những người vợ, những đứa con nghe hết lời than vãn, cầu xin chân tình cũng động lòng thương, đến chặt bờ, phá bụi kéo Bay Bưm ra khỏi lùm tre, mang về nhà.

Từ đó Bay Bưm chăm làm, lo việc nương rẫy, không còn tính chuyện bậy bạ nữa.

***

Chàng Lờng đã sống lại, cựa quậy trong hòm. Chị Lờng mở nắp hòm thấy chồng mình nay nhỏ nhắn chỉ bằng đứa trẻ lên năm thì hoảng hốt, chưa dám nhận. Chàng Lờng bèn bảo:

- Bay Bưm đã cho ta uống phải rượu độc, thịt da ta đã tan biến quá nửa. May nhờ có Dàng giúp sức, có vợ thương yêu, nên ta mới sống được. Nay tùy vợ đấy thôi. Vợ còn thương ta thì cho ta ở cùng. Nếu vợ không muốn ở với ta nữa, hãy nhằm phía mặt trời mọc mà về với cha mẹ mình.

Chị Lờng than khóc, mà rằng:

- Một ngày ở với nhau cũng nên nghĩa vợ chồng, huống chi nay chúng ta đã có với nhau một đứa con trai. Đói no cùng hưởng, sung sướng cùng vui, sao miệng anh nói lời buồn thảm thế.

Hàng ngày chị Lờng lại thay chồng đúc con dao sắc, lưỡi nầm nhọn và tự mình đi đến bản gần, xóm xa đổi gạo đổi muối đem về nuôi chồng, nuôi con. Gia đình lại sum họp, vui vầy như xưa.

M.V.T.
(17/2-86)




-------------
1. Dàng Xứ: Thần đất, thổ thần.
2. Lễ cúng rang đất của người Tà ôi là lễ cúng xông cho đất chín thuần thục màu mỡ trở lại.
3. Vợ ngọn: vợ lẽ.






Các bài mới
Các bài đã đăng