Ca dao- Cổ tích
Phác thảo diện mạo văn học dân gian dân tộc Tà Ôi
10:51 | 09/10/2008
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGNgười Tà Ôi ở Việt Nam thật sự đã có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú với các thể loại: Ca dao (Pracăm), câu đố (Pralau), truyện cổ dân gian (Axoar), tục ngữ và dân ca.
Phác thảo diện mạo văn học dân gian dân tộc Tà Ôi

Một đặc tính rõ nét nhất của người Tà ôi là: “Cho dù ngày cũ thiếu cơm, thiếu chữ nhưng mọi thế hệ nối tiếp nhau qua đi vẫn trân trọng giữ gìn bản sắc phong phú độc đáo của mình thể hiện trong nền văn hoá văn nghệ dân gian đa dạng, hồn nhiên, khoẻ mạnh giàu tính chiến đấu và giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc”(1). Chính những truyền thống tốt đẹp đó mà ngày hôm nay thế hệ trẻ Tà Ôi vẫn còn nghe được những bài hát lối, những câu chuyện kể mang đầy tính triết lý và nhân bản sâu xa.

I. Vài nét về ca dao Tà Ôi
Trong kho tàng văn học dân gian Tà Ôi, thể loại ca dao có một vị trí rất quan trọng trong sự hình thành nền văn hoá bản địa. Ca dao Tà Ôi có lối thể hiện bằng các ngôn từ đằm thắm nhằm gửi gắm những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình qua từng lời nói như:
“Ngủ ngon Akay ơi! Ngủ ngon Akay hỡi
Mai sau khôn lớn được ở nhà dài”.
“Mẹ như con chồn nằm ấp con
Gấu con của mẹ ơi hãy ngủ ngon”.
“Gió sớm bay về anh nhớ em
Ngọn gió muộn màng vẫn chưa tan nỗi nhớ”.
“Rượu dở mình cũng không chê
Vì tình cảm rượu chua mình cũng uống”.
Những hình ảnh có trong ca dao Tà Ôi đều mang những sắc thái riêng so với ca dao người Việt. Một điều cho chúng ta thấy rằng, ở những nơi có địa hình, địa vật đặc thù, cho nên trong ca dao của họ vắng bóng hình ảnh con thuyền, bến nước, cây đa mà trong lúc đó họ lại đưa vào trong những câu ca dao các hình ảnh về núi đồi, rượu, nương rẫy và cồng chiêng.
“Nghe tiếng trống, tiếng chiêng hay quá
Nhà bạn dù nhỏ, cũng xin được vào chơi
Mình sang chơi mà chưa thấy ai mời
Có hội hè, mình muốn cùng vui có được không?
Những lời anh nói tôi vui sướng biết bao
Tôi chỉ có một lời nói chân thành
Rất vui lòng mời anh về dự lễ
Hãy cảm thông nhau trước cảnh nghèo nàn”.
Hoặc:
“Anh sinh ra lúc trăng tròn
Qua bao mùa nương, mùa rẫy
Qua mấy mùa rừng thay lá
Em như mặt trăng, mặt trời như sao anh muốn ngắm
Em sinh ra lúc trăng tròn
Em lớn lên vào mùa trăng tối
Nghĩ phận mình nghèo khó
Như cây khô trong rừng
Không biết có xứng cho anh ngắm không?”
Không gian và thời gian trong ca dao Tà Ôi thường lấy cảnh núi đồi, nương rẫy, lấy thời gian buổi sáng là chủ đạo, tiếp đến là thời gian lễ hội và thời gian khi đêm về:
“Buổi sáng em ra rẫy
Lấy lá môn múc nước suối trong
Em đứng soi bóng mình
Sao em thấy cả bóng anh”.
Ca dao Tà Ôi cùng một lúc chuyển tải đến cho người thưởng thức thấy được nhiều nội dung phong phú như tình yêu trai gái, tình cảm mẹ con, tình yêu nương rẫy, núi đồi. Tất cả đều hướng mọi người sống chan hoà với vạn vật và thời gian.

II. Vài nét về câu đố Tà Ôi
Ở người Tà Ôi, mỗi lần có sinh hoạt mang tính tập thể thì các già làng, trưởng bản thường xuyên đặt ra những câu đố mang đầy tính trí tuệ nhằm để cho con cháu có khả năng linh động, động não để trả lời. Câu đố Tà Ôi cũng lấy đề tài ở xung quanh họ, cuộc sống nơi nương rẫy, các hiện tượng tự nhiên, các vật dụng trong gia đình... đều trở thành đối tượng để đố, ví như:
Nhìn thì chướng, chân đi không vướng (Sương núi)
Ngọn có thấy, gốc thì không (Mưa)
Chân thì bốn, đầu thì một (Nhà chòi)
Càng bế, càng ẵm lại càng khóc (Cái thanh la khi đánh)
Đói bụng to, no bụng xép (Cái bẫy)
Số lượng câu đố của người Tà Ôi cho đến nay vẫn đang còn ít, tuy không thông dụng như thể loại ca dao, dân ca và truyện cổ song câu đố Tà Ôi vẫn mang một nét rất riêng; vì với số lượng ngôn từ ít nhưng cũng đủ toát lên được một vài khía cạnh của cuộc sống. Người Tà Ôi vẫn có câu đố về quả ớt “nhỏ thì mặc áo xanh, già thì mặc áo đỏ” mang nét phảng phất câu đố của người Việt cũng về quả ớt “Khi nhỏ em mặc áo xanh, lớn lên em mặc áo đỏ”. Thế nhưng, người Việt chúng ta lại không thể sáng tạo bằng khi cùng nói đố về các hiện tượng tự nhiên: mưa, sương mù.
Đi lên non bỏ quên hạt cườm trắng (Sương mù).
Chó đỏ liếm đít chó đen (Bếp lửa nồi cơm).
Ở trên rừng như con sâu róm
Về làng xóm giống chiếc ngà voi
(Mây).
Người Tà Ôi hay lấy các hình ảnh vừa quen thuộc, vừa đặc trưng của họ để đưa vào câu đố nhằm nói đến vật kia như: Ngà voi (đặc tính trắng) chỉ mây trắng, hạt cườm trắng - chỉ sương, bụng to, bụng xép - chỉ căng bẫy miệng há to, sập bẫy miệng khép lại... Như vậy chỉ chừng đó câu đố đặc trưng cũng cho chúng ta thấy rằng, người Tà Ôi biết dùng vị trí để lí giải mọi hiện tượng, sự vật, sự việc mang tính lôgíc cao.

III. Vài nét về truyện cổ dân gian
Theo như các nhà nghiên cứu mô tả thì: “Chuyện kể (Axoar) của người Tà Ôi là sinh hoạt của những ngày mưa, lúc rảnh rỗi đêm về... Sinh hoạt chuyện cổ là tiếng gọi của sự quây quần, nhiều thế hệ cùng ngồi với nhau, nhiều người từ dung (nhà) này, vel (làng) nọ đến bên nhau. Ngồi nghe chuyện cổ để giải trí, để được giáo dục tri thức truyền thống và đạo lý làm người, làm “đứa con ngoan” của rẫy, của vel...”(2). Đi sâu vào việc tìm hiểu truyện cổ Tà Ôi chúng ta sẽ thấy cả một thế giới quan và nhân sinh quan rộng lớn, phản ánh đầy đủ mọi mặt của cuộc sống cộng đồng.
Về nguồn gốc ra đời của người Tà Ôi. Theo như người Tà Ôi kể trong truyện cổ của họ rằng dân tộc này được sinh ra từ một quả bầu và con chó được xem như là vật tổ. “Ngày xưa khi trên trái đất chỉ có loài thú sống với nhau, con người chưa xuất hiện thì bỗng xảy ra một tiếng nổ dữ dội. Sau tiếng nổ thì mặt đất bỗng dưng thay đổi hẳn, các con thú vắng bóng. Chỉ may mắn còn sống sót mỗi hai con chó, một đực, một cái.

Hai chó sống chung với nhau. Bỗng một hôm trời hạn hán, nước sông suối khô cạn, cây sim, cành móc đều chết cháy. Hai con chó tìm lên vùng cao để tìm thức ăn và nước uống. Vượt qua nhiều núi đèo hiểm trở, cuối cùng hai con chó cũng tìm được nguồn nước. Con chó cái lúc này đang bụng mang dạ chửa, nó cố lê mình đến bên bờ suối. Lúc nó chui đầu xuống dòng nước, cũng là lúc nó chuyển dạ, đẻ ra một quả bầu dài, một nửa quả bầu nằm dưới nước, một nửa nằm vắt lên bờ.
Quả bầu cứ nằm vậy suốt bao tháng liền. Nửa trên bờ của trái bầu bị nắng hạn nung nóng ngày càng đen thẫm lại. Còn nửa dưới mát mẻ nên trắng bợt ra.
Mãi khi mùa xuân đến, khi trời ấm áp dần lên thì quả bầu bỗng vỡ ra và con người từ trong quả bầu đó vươn dậy. Số người nằm nửa trên bờ của quả bầu có nước da ngăm đen, còn số được nước bảo vệ nên có làn da trắng trẻo.

Số người có làn da trắng xuôi theo dòng suối, dòng sông về đồng bằng sinh sống trở thành người Kinh sau này. Những người có làn da ngăm đen lại đi ngược về phía đầu nguồn tìm rừng phát rẫy trở thành người Tà Ôi bây giờ”(3)
.
Câu chuyện này thể hiện mối quan hệ giữa người Tà Ôi và người Việt - chủ thể chính trong cộng đồng các dân tộc Việt . Điều này đã có một đánh giá cho rằng: “Ngày xưa, mọi người cùng nằm chung trong một quả bầu. Sau đó Yang Arơbang (Thần trời) mài đỏ một thỏi đá, dùi thủng quả bầu cho mọi người bước ra. Các anh Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Cơtu ra trước, mình đầy khói than nên đen, tóc quăn và người Yoan (Việt) ra sau cùng nên da sáng, tóc thẳng hơn. Điểm kết của câu chuyện được nhấn mạnh ở chỗ, họ đều là anh em ruột thịt và sau đó chia nhau đất đai để sống như bây giờ(4).
Nhìn chung, trong truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt , hình tượng quả bầu là khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo mà nổi bật nhất là phải kể đến truyện quả bầu mẹ của người Khơ Mú. Vậy thì ở truyện trên, giải thích nguồn gốc ra đời của người Tà Ôi cũng một phần nào đó có sự ảnh hưởng từ các dân tộc anh em khác và ngược lại. Ngay cả một số nước trên thế giới cũng có những trường hợp: “Các vị thần sáng tạo hay những anh hùng văn hoá làm ra những con người đầu tiên từ những chất liệu khác nhau: Xương cốt các con vật (trong một số thần thoại thổ dân da đỏ Bắc Mỹ, thần sáng tạo mahabus tạo ra con người bằng bộ xương của thú, chim và cá), quả cây họ cọ (trong thần thoại Melenedi từ quả dừa, trong thần thoại của người da đỏ Pêru từ quả cây cọ...)”(5). Đây chính là giải pháp tốt nhất để giải thích nguồn gốc ra đời của một tộc người.

Một nội dung khác của truyện cổ Tà Ôi là đi sâu vào việc giải thích nguyên nhân ra đời của các dòng họ. Bởi vì một lẽ, người Tà Ôi xưa và thậm chí cho đến cả ngày nay vẫn còn bảo lưu những dòng họ cổ xưa của dân tộc mình như: Pơ Loong, A har, A moong, A Kơơ, Pihôih, Vien, Aviét, Kê, Kêr... và mỗi dòng họ đều có vật tổ để thờ, để kiêng cữ cho nên mới lưu truyền được trong cộng đồng người Tà Ôi những câu chuyện cổ về các dòng họ.
Đã có một sự đánh giá cho rằng “Ở người Tà Ôi dấu vết của tổ tiên còn đậm nét trong các tổ chức dòng họ”.(6) Đây chính là vấn đề thờ vật tổ ở người Tà Ôi, một tín ngưỡng của tôtem giáo và là một biểu hiện văn hoá có nhiều nét tương đồng với các dân tộc cận cự trên dãy Trường Sơn và Tây Nguyên. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì “Hình thức cơ sở nhất là tôtem, là ông tổ huyền thoại thường là con vật, cây cối hay vật dụng nào đó. Những người cùng một ông tổ huyền thoại này đều coi nhau là anh em, cùng kiêng cữ không ăn hoặc sử dụng tôtem của mình có các tập tục liên quan khi cúng lễ vật tổ và thường không có quan hệ hôn nhân...”.(7) Bởi vậy người Tà Ôi có tập tục kiêng cữ ở các dòng họ như: Họ Avô không bắt, giết, ăn thịt con vượn, họ Pihôih kiêng bắt và ăn con ong mật, họ Kêr không bắt con chim Tutiết, họ Blup Akol không bắt, giết con thằn lằn, họ Patả không ăn thịt mèo, họ A Kơơ không ăn thịt con trút... Trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi cho đến nay theo như chúng tôi được biết đã có tới 15 dòng họ được lưu truyền bằng những câu chuyện kể đó là Ya Aviét, Ya Avô, Ya Ahar, Ya La Lay, Ya Pihôih, Ya Piriu, Ya Prung, Ya Riêh, Ya Kê, Ya Kêr, Ya Patả, Ya Kraai, Ya Vien, Ya Blup Akol, Ya A kơơ. Đây thực sự là một nguồn tri thức phong phú của cư dân bản địa mà chúng ta cần bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh hai nội dung trên, truyện cổ Tà Ôi còn đem đến cho người đọc những câu chuyện hay về việc giải thích nguồn gốc các địa danh. Mỗi địa danh thường gắn liền với những câu chuyện tình cảm hết sức lý tưởng và dũng cảm. Những câu chuyện kể về sông Đăkrông, Dốc Parsee, núi Đan Lai, Koonh Seam Sai, sông Asáp, hồ A Co... đã ăn sâu vào trong tâm  khảm của họ. Và ngày nay những địa danh đó vẫn còn hiện hữu như một minh chứng nhằm giáo dục thế hệ trẻ một lối sống ứng xử tốt với hai môi trường tự nhiên và xã hội.
Trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi khi tiếp cận chúng tôi thấy có sự liên hệ mật thiết với những sự vật ngoài đời, họ biết kể về sự ra đời của các nhạc cụ âm nhạc dân gian như cái trống, chiếc Tingát, chiếc khèn bè, Đàn Ta lư, chiếc A màm, chiếc A reeng... Điều này đã chứng tỏ người Tà Ôi ưa thích sự phóng túng, vì khi đi rẫy, khi có hội hè luôn muốn tạo cho mình một niềm vui hay mong muốn có một người bạn để tâm sự, thì họ thường lấy những thứ vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như lồ ô, nứa gọt dũa nó đi để rồi thổi và nghe những âm thanh vui tai. Từ đó mới hình thành nên những loại nhạc cụ và thường kèm theo những câu chuyện kể.
Người Tà Ôi có lối kể chuyện chất phác và giản dị, chuyện kể của họ chiếm một số lượng lớn kể về các loài vật, điều này có lẽ do lấy cuộc sống săn bắt và thuần hoá súc vật đã làm nền tảng cho lĩnh vực kinh tế nên họ xem các loài vật làm hình tượng nhân vật là chủ yếu. Một điều đặc biệt ở trong hầu hết các câu chuyện cổ Tà Ôi thường sử dụng lối kể chuyện đồng thoại. Những câu chuyện kể lồng ghép với những lời văn vần đã làm cho chuyện cổ thêm tăng giá trị biểu cảm và dễ đi sâu vào lòng người.

IV. Vài nét về tục ngữ Tà Ôi
Người Tà Ôi có một kho tàng tục ngữ khá phong phú về số lượng lẫn nội dung. Đọc tục ngữ Tà Ôi chúng ta cũng bắt gặp những sáng tác dân gian ngắn gọn, có đơn vị là câu. Nội dung ghi lại những điều quan sát được về các hiện tượng thiên nhiên, con người mang tính triết lý lớn.
- Gà chọi thì mưa, chó chơi thì nắng.
Đây là câu tục ngữ điển hình nói đến kinh nghiệm về thời tiết.
- Không lao động thì sướng một lúc còn nghèo khổ sẽ theo sau.
 Khuyên răn mọi người hãy cần cù, siêng năng lao động để được ấm no.
- Làm rẫy mong trời mưa, làm ruộng mong trời râm mát.
Nêu lên vai trò quan trọng của thời tiết trong sản xuất nông nghiệp.
- Có đổ mồ hôi thì mới ấm no.
Kinh nghiệm của người dân lao động, có siêng năng thì mới hưởng được thành quả lao động thích đáng do chính mình làm ra.
Những câu tục ngữ này cho chúng ta thấy họ lấy hình ảnh các con vật thường ngày mà họ gặp khi đi nương rẫy. Gà rừng, chó, sau đó nhờ việc thực thi trí thức bản địa mà họ đã đúc kết được các kinh nghiệm về sản xuất, về thời tiết... Nếu như người Việt lấy hình ảnh con chuồn chuồn làm chủ thể chính trong dự báo thời tiết thì người Tà Ôi lại lấy con gà rừng và con chó làm chủ thể chính.
Như vậy cho chúng ta thấy được rằng, sự sáng tạo của người Tà Ôi ở trong những câu tục ngữ đã một phần nào nói lên được những tư tưởng của họ.

V. Vài nét về dân ca
Đây là loại hình mà người Tà Ôi rất thích, bất kể giới tính, tuổi tác. Bởi vì bản tính của người Tà ôi ưa hò hát, nhảy múa vui nhộn suốt đêm. Mọi người có thuộc nhiều làn điệu dân ca.
Về phân loại, hầu hết các nhà nghiên cứu cũng như qua sự kể lại của các nghệ nhân Tà Ôi đều thống nhất chia ra làm 6 điệu.
1. Ba bói: Đối với thể loại dân ca này mang đậm tính chất quen thuộc của những công việc hằng ngày. Đối tượng hát cũng có sự quy định rõ ràng, đó là dành cho những người đã lập gia đình.
Nội dung chủ yếu làn điệu này là bàn chuyện làm ăn, họ hát khi trên đường lên nương rẫy, hát như để xua đi cái mệt nhọc của đường xa, hát để tâm sự với bạn đồng hành.
“Ta đi trong rừng sâu
Chim ơi về với bản
Với thần mặt trời sáng
Cúng thần mặt trời tròn”
Hoặc là khi các thiếu phụ Tà Ôi điểm những ngón tay khéo léo lên khung dệt để dệt nên cả một bức tranh cuộc sống của cộng đồng mình. Để cho đôi tay đỡ mỏi cũng như ngợi ca công việc làm của mình họ lại hát lên để mô tả sự tài hoa cho bàn tay thiện nghệ.
“Úp bàn tay trái lên nét hoa lan
Ngửa bàn tay phải đã thành bông hoa chuối
Ngồi xổm thêu được hình con chim én
Ngồi nghiêng quay sợi thành bông gạo, bông lau”
Với làn điệu Ba bói, thời gian và không gian hát rất đơn giản, mọi lúc đều có thể hát được. Những lời bài hát thường mượt mà về ca từ, đằm thắm về làn điệu, du dương êm thấm làm cho người nghe cảm thụ một cách dễ dàng.

 2. Cà lơi:
Đây là thể loại hát đối đáp giàu tính triết lý. Đối tượng hát dành cho các vị già làng, trưởng bản, trưởng các gia tộc, trưởng dòng họ và các cụ ông lớn tuổi trong thôn bản. Đa số những người này thường có những kinh nghiệm sống lâu đời, đủ khả năng diễn cảm những suy nghĩ của mình nghiêng về mặt lí trí để tỏ ý khuyên răn các thế hệ hãy chăm lo cuộc sống, siêng năng làm việc.
“Buổi tối thức khuya như con chim A vang
Buổi sáng mọi người ra rẫy nó vẫn còn nằm”
Những bài ca của làn điệu cà lơi thường được thể hiện trong các lễ hội hè, sinh hoạt cộng đồng mang tính chất trân trọng nhằm thắt chặt mối quan hệ cộng đồng để mọi người dễ gần gũi thân thiện, dễ thuyết phục và mang tính giáo dục hơn.

3. Cha chấp:
Đây là làn điệu có tính chất vui khoẻ, sinh động dành cho các đôi trai gái chưa nên vợ nên chồng hát. Chính vì thế mà trong đời sống cộng đồng, người Tà Ôi có quy định như sau: “Người đã có gia đình tham gia ca hát cha chấp bị coi là “không đứng đắn”, là không ổn định về tình cảm là “con voi đi xiêu vẹo”. Ngay chính điều này đã chứng tỏ rằng, người Tà Ôi rất tôn trọng tình cảm của đôi lứa. Hát cha chấp là chiếc cầu nối giúp cho trai gái thanh lịch Tà Ôi nên vợ thành chồng. Là minh chứng cho sự trưởng thành của các chàng trai cô gái Tà Ôi.
Người con trai hát:
“Em hứa hẹn cho anh cái gì
Để sau này thành vợ thành chồng
Anh thì vẫn yêu em trọn đời”
Người con gái hát:
“Em thì không yêu ai khác ngoài anh
Cho dù anh có đi xa mấy nghìn nương, trăm sông, trăm suối
Nhưng em sẽ chờ anh
Và chờ khi nào anh nói “Anh sẽ cưới em”
Khi xong mùa đôi ta sẽ cưới”
4. Atêravin:
Mang tính chất trữ tình thắm thiết, dùng để than thân trách phận.
“Nước cạn khô còn cát
Hoa cuối mùa rụng xuống còn cành
Em đã búi tóc ngược sao anh còn nhớ?
Nhớ em trong đêm đi bạn trăng tròn
Tay cầm tay tâm tình thủ thỉ
Hơi quyến luyến thân áp thân mồ hôi chảy xuống
Chảy xuống muôn vàn áo còn lau”
5. Ru Akay:
Thường được hát trong lúc các mẹ, các chị Tà Ôi ru cháu, ru con ngủ. Qua lời ru, họ thường gửi gắm những ước mong, mong sao cho con cháu mình sau này khôn lớn rằng:
“Ru, ru à ra
Ru ru ru cho con sau này sung sướng
Học sao cho tài giỏi
Để sau này làm trưởng bản
Trâu bò được đầy nhà
Ru để sau này giống trưởng bản nhiều người hầu hạ cơm nước
Mong cho đứa con, đứa cháu được sáng như mặt trời
Để được mọi người thừa nhận.”
6. Riroi:
Lời ca mang âm điệu buồn thường khi có người thân mất. Loại dân ca này rất khó thuộc vì người diễn xướng hát nhanh, rất ít truyền lại cho người ngoài dòng họ, gia tộc.
“Con nai, con heo rừng chết không ai khóc
Con người ta chết là dòng họ phải khóc.”
Như vậy, các thể loại văn học dân gian của người Tà Ôi đang hiện hữu đã là một minh chứng cho sự phóng túng của người dân bản địa nơi đây. Mỗi thể loại đều có những nội dung nghệ thuật riêng. Do đó đối với chúng ta cần làm sao để tiếp tục phát huy và bồi đắp cho văn học dân gian dân tộc Tà Ôi không ngừng phát triển.
T.N.K.P

(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)

 



--------------------------------
(1), (2): Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên): Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên. NXB Thuận Hoá - Huế 1984, trang 176 - 177.
(3): Trần Nguyễn Khánh Phong -  Nguyễn Thị Sửư: Truyện cổ Tà Ôi. Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá dân gian Huế. NXB Thuận Hoá - Huế 2005, trang.....
(4): Nguyễn Hữu Thông: Vùng đất  Bắc miền Trung - Những cảm nhận bước đầu. Tạp chí Dân tộc học số 4 (130) 2004, trang 5.
(5): Ngô Văn Doanh: Thần thoại về nguồn gốc con người. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 12 (222) 2002, trang 99.
(6): Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên), Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thị Hoà: Truyện cổ Tà Ôi. Sở Văn hoá thông tin Bình Trị Thiên, Huế 1985, trang 12.
(7): Bế Viết Đẳng (Chủ biên): Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế xã hội ở miền núi. NXB chính trị quốc gia, NXB văn hoá dân tộc - Hà Nội 1996, trang 99.

Các bài mới
Các bài đã đăng