Triển lãm sẽ được khai mạc lúc 8g00 ngày 29/4 tại cung Trường Sanh (Đại Nội Huế). Mở cửa hàng ngày từ 7:00-17:00 từ 29/4 đến hết ngày 4/5/2016.
Những trung tâm sứ gốm ở nước ta, xuất hiện từ thời Lý – Trần mà đến nay vẫn còn hưng thịnh nghề nghiệp, đó là Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Quế Quyển (Hà Nam Ninh), Chum Thanh (Thanh Hóa)… Mỗi vùng quê gốm lại giữ kỹ nghệ riêng biệt. Và mỗi nơi, lại có mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình, tạo thêm cái đa dạng và phong phú của công nghệ gốm Việt Nam. Nếu nói trung tâm gốm ở nước ta, phải nói tới Bát Tràng – Thổ Hà – Hương Canh. Một đặc điểm riêng biệt và rõ nét nhất của nghề gốm là đều phát triển dọc sát các triền sông. Bởi lẽ nó tiện đường chuyên chở, và đất sét dọc các triền sông là thứ nguyên liệu quý để sản xuất gốm, sứ.
Đồ gốm thời Lý – Trần phát triển mạnh, nhiều ở số lượng và quý ở chất lượng. Thịnh hành hai loại gốm chính, là: (1) Gốm trang trí kiến trúc, thường là đất nung để mộc, hoặc phủ một lớp men có giá trị độc đáo. Ví dụ như gạch có in hoa văn để trang trí với nhiều dáng hình, kích thước khác nhau. Hoặc ngói bò có gắn đầu phượng, đầu rồng. Hoặc hình gốm trang trí hình chiếc lá nhọn đầu để gắn trên nóc hoặc riềm nhà… (2) Còn như gốm gia dụng, thì đủ thể loại. Nào bát đĩa, ấm, âu, chén, vại, chum, vò…
Tiếp nối truyền thống lâu đời của làng gốm Bát Tràng xưa, Nghệ nhân ưu tú Trần Độ sẽ đem đến Festival Huế một sắc thái mới của gốm Lý – Trần qua những phiên bản gốm sứ tuyệt đẹp, thể hiện tay nghề điêu luyện mang hồn gốm Việt.
Trưng bày phiên bản gốm sứ thời Lý-Trần sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến hết ngày 4/5/2016 tại không gian cung Trường Sanh (Đại Nội-Huế).
Lê Tân