PHƯƠNG ANH
Huế là vùng đất mang trong mình những dấu tích vàng son và là nơi gặp gỡ của nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Huế vẫn giữ trong mình những giá trị văn hóa, di tích, con người và Huế được khoác lên chiếc áo mới qua những cuộc hội ngộ văn hóa tại các kỳ Festival.
Festival Huế 2016 sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử của mảnh đất Thừa Thiên Huế, đó là kỷ niệm 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Một vùng đất có lịch sử lâu đời và mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau; từ sự giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn của phương Ðông với nền văn hóa của các cư dân bản địa cho đến sự hội nhập văn hóa của các quốc gia trên thế giới đã tạo nên nét văn hóa đa dạng cho Thừa Thiên Huế.
Huế - thành phố văn hóa
Những công trình kiến trúc, những thành quách cổ kính, sự hài hòa và êm đềm và sâu lắng của con người Huế đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho Huế. Chính vì thế, Huế luôn được xem là một thành phố văn hóa bởi những giá trị vật thể và tinh thần phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 04/5, Festival Huế 2016 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế” sẽ mang đến cho du khách một mùa lễ hội đầy màu sắc tươi mới với nhiều cái mới lạ và sáng tạo từ căn nền của cái cũ. Festival Huế 2016 sẽ chọn lọc những gì tinh túy nhất để tạo nên sự phong phú và đa dạng cho một bữa tiệc văn hóa lớn trên khắp cả nước và lan rộng ra toàn thế giới.
Có khoảng bốn mươi hai đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tham gia, trong đó có hơn hai mươi đoàn nghệ thuật quốc tế của mười lăm quốc gia như Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, SriLanka, Australia, Hoa Kỳ, Colombia... sẽ mang nhiều màu sắc cho Festival Huế lần này. Chương trình nghệ thuật, lễ hội sẽ diễn ra liên tục, đan xen trong sáu ngày đêm của Festival như: Lễ Tế giao, Đêm Hoàng cung, chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế, Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ Latinh”, Lễ hội “Hương xưa làng cổ”, Lễ hội chợ quê tại cầu ngói Thanh Toàn, chương trình biểu diễn thời trang áo dài “Rực rỡ Kinh kỳ”...
Điểm nhấn của Festival Huế 2016 là văn hóa truyền thống. Thành phố Huế sẽ trở thành sân khấu cho các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, di sản, lễ hội. Sự thành công của các kỳ Festival góp phần cho Huế quyết tâm xây dựng một thành phố Festival đầu tiên ở Việt Nam.
Điều đặc biệt, trong Festival Huế 2016 sẽ diễn ra Hội nghị thị trưởng các thành phố Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), dự kiến thông qua việc công nhận Huế là thành phố văn hóa của FEALAC.
Những giá trị truyền thống, những hồn quê trầm tích, những tà áo dài thướt tha của người con gái cùng với những nét đẹp riêng biệt của con người Huế đã có sức lan tỏa rộng lớn trên thế giới. Những điều đó đã tạo nên Huế, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam.
Mới từ chương trình nghệ thuật
Festival Huế là một trong những lễ hội được phát triển từ mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới, với sự tài trợ và hợp tác của nhiều tổ chức phi chính phủ, hợp tác phi tập trung với các chính quyền vùng, thành phố quốc tế.
Mỗi kỳ Festival sẽ là một dấu ấn mới lạ, mỗi du khách đều có thể cảm nhận những điều khác biệt qua mỗi chương trình. Từ căn nền của truyền thống, Festival Huế luôn luôn sáng tạo và đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn và sôi động hơn. Chương trình khai mạc sẽ được diễn ra tại Ngọ Môn - Kỳ Đài với sự góp mặt dự kiến của khoảng 400 nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước, trong đó nòng cốt là các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt lễ khai mạc sẽ được nhấn mạnh bản sắc và vốn di sản văn hóa của Huế. Các tiết mục sẽ có nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nhấn mạnh chủ đề “Huế thành phố di sản” gắn với kỷ niệm Huế với 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Cùng với đó, sẽ có sự thể hiện những nét đặc trưng nghệ thuật về văn hóa của hai đầu đất nước, khơi gợi sự gắn kết tình yêu của những con người Bắc, Trung, Nam thông qua bài hát “Hà Nội, Huế, Sài Gòn” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bên cạnh đó là sự đan xen giữa các đoàn nghệ thuật với chủ đề Huế với bạn bè quốc tế. Đây là một chương trình khai mạc hết sức mới mẻ và đậm chất Huế, sẽ là nơi để du khách cũng như bạn bè quốc tế có một cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trên các đường phố sẽ sôi động hẳn lên bởi sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đường phố với không khí tưng bừng, đầy sắc màu văn hóa của nhiều quốc gia thành viên Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La tinh. Với sự cộng hưởng giữa tài năng điêu luyện của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam hòa cùng sự hào hứng và nhiệt thành của công chúng sẽ tạo nên một không gian thắm tình hữu nghị tại Festival Huế 2016. Lễ hội đường phố sẽ tạo ra không khí vui tươi rộn ràng, khuấy động một không gian rộng lớn, nơi công chúng và du khách thực sự hòa mình vào lễ hội.
Hòa cùng với những nhịp điệu sôi động của nghệ thuật đường phố, các đoàn nghệ thuật trên thế giới cũng sẽ mang đến những phong cách biễu diễn đầy mới lạ tại Festival Huế 2016. Đoàn nghệ thuật Okinawa - Takamine Hisae đến từ Nhật Bản sẽ giới thiệu những tiết mục được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa của đất nước Nhật Bản. Với sự tương đồng về nghệ thuật, văn hóa, đoàn nghệ thuật Okinawa mong muốn giúp thế hệ trẻ có cách nhìn mới thông qua sức mạnh của nghệ thuật, đồng thời, trở thành nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa Huế - Okinawa nói riêng và Việt Nam - Nhật Bản nói chung. Du khách cũng có thể hòa cùng dàn Hợp xướng Hàn lâm Kazak vùng Kuban, dàn hợp xướng dân gian lâu đời nhất của Liên bang Nga sẽ mang hơi thở mới đến với Việt Nam. Không kém phần cuốn hút, một phần trình diễn đa dạng với những vũ điệu dân tộc đầy màu sắc, kết hợp ca hát, tạp kỹ, âm nhạc dân gian, ảo thuật đặc sắc của Đoàn văn hóa Con đường tơ lụa Quảng Đông. Nhóm múa Par Terre - Cộng hòa Pháp sẽ sử dụng những kỹ thuật break, popping hay waacking như một ngôn ngữ hình thể trừu tượng, sẽ đưa đến những gì mới mẻ nhất giới thiệu đến Festival huế 2016. Đoàn nghệ thuật múa Thanh niên thuộc Đại học Vinyasa sẽ giới thiệu đến khán giả những điệu múa truyền thống có lịch sử hàng ngàn năm của Sri Lanka như: Kandyan, Pahatharata và Sabaragamuwa. Bên cạnh những đoàn nghệ thuật đến từ nước ngoài, những ban nhạc truyền thống của Việt Nam cũng sẽ mang tới những điệu nhạc, những điệu múa truyền thống để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Những tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đậm tính nhân văn sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người sẽ được Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Để bạn bè quốc tế hiểu và yêu thích hơn di sản âm nhạc đồ sộ của Việt Nam, nhóm nhạc Giao Thời mang nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với khán giả bằng cách tạo nên những bản hòa âm, phối khí là sự kết hợp giữa nhạc điện tử EDM đang thịnh hành trên thế giới với những cây đàn dân tộc thành một chỉnh thể mới lạ, cá tính và mang màu sắc riêng biệt. Ban nhạc Lãng Du và ca sĩ Đồng Lan sẽ dành trọn một đêm cùng với khán giả để phiêu hết mình trong không gian của Flamenco và những bản tình ca Pháp lãng mạn, cùng với những hoạt động đường phố sôi động và ngẫu hứng vào các buổi chiều.
Trong Festival lần này, sẽ có chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Người đi hành hương” để thỏa mãn những đam mê và dành tặng cho những người yêu Trịnh. Đặc biệt, chương trình lần đầu tiên do chính gia đình cố nhạc sĩ đứng ra tổ chức, giới thiệu về người nhạc sĩ tài hoa trên chính quê hương của ông, cũng là nơi ghi dấu của rất nhiều ca khúc nổi tiếng của ông. Đêm nhạc sẽ được thể hiện một cách sâu lắng và bình dị, với nhạc cụ chủ yếu là guitar, như cách nhạc sĩ đã hát vào những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Huế là kinh đô của Phật giáo, ngày nay tại Huế còn lưu giữ và bảo tồn hàng trăm ngôi chùa, các niệm đường, tổ đình mang đậm nét nghệ thuật của Việt Nam. Phật giáo đã ảnh hưởng đến giá trị tinh thần, lối sống của con người xứ Huế. Festival Huế 2016, ban tổ chức sẽ tổ chức chương trình “Ngày hội Phật giáo” và “Lễ hội Đèn Quảng Chiếu” - một lễ hội Phật giáo cổ trong đời sống cung đình Huế - lần đầu tiên được tái hiện để người Huế cũng như bạn bé quốc tế có thể hiểu hơn về Phật giáo.
Du khách đến với Festival 2016 sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của Đêm Hoàng Cung, thưởng thức “Đám cưới công chúa” tại Cung Trường Sanh, “Thời trang cung đình và ký ức Huế xưa” trong không gian lộng lẫy, lấp lánh ánh vàng và hoa đăng của lầu Tứ Phương Vô Sự, Sắp đặt mặt nạ Tuồng Huế, thưởng thức Ngự Trà, thư pháp, triển lãm đồ gốm, nghệ thuật diều Huế… tạo nên một chuỗi hoạt động liên hoàn trong Đại Nội, giúp du khách có những trải nghiệm và khám phá không thể quên.
Những hoạt động cộng đồng
Trong nhiều năm qua, Festival luôn hướng đến những hoạt động cộng đồng, luôn giữ gìn những nét đẹp của làng quê, của những giá trị dân gian và giá trị truyền thống. Chính vì thế, những hoạt động cộng đồng và những không gian diễn xướng sẽ được mở rộng và sáng tạo thêm nhiều nét mới để du khách có thể cảm nhận được sự giản dị, gần gũi và am hiểu những nét đẹp truyền thống hơn.
Du khách sẽ được thấy nét đẹp của làng quê xứ Huế qua chương trình “Về miền Hương Ngự”. Tại đình làng Kim Long cổ kính, du khách nhâm nhi tách trà Sen nóng hổi hòa quyện với hương vị ngọt dịu tự nhiên từ bánh trái của vùng đất nức tiếng Kim Long và cùng thưởng thức những giai điệu của những bản hòa âm cổ nhạc mang tính bác học và hàn lâm của Nhã nhạc cung đình Huế, các bài bản Ca Huế, đồng thời du khách được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài xứ Huế kết hợp nghệ thuật trình diễn sinh động trên nền cổ nhạc Huế.
Về với cầu ngói Thanh Toàn hơn trăm tuổi, du khách để có thể hòa mình vào sự vui tươi, tấp nập với “Chợ quê ngày hội”; hay về với làng Sình để ngắm những dòng tranh nổi tiếng đã tồn tại hơn 400 năm. Hay đến ngôi làng cổ nhất của Huế - Phước Tích - qua lễ hội “Hương xưa làng cổ” với những trò chơi xưa cũ như đu tiên, kéo co, nấu cơm bằng những nồi niêu đất hay tự tay tạo ra một bình gốm cho riêng mình.
Sông Hương thơ mộng sẽ diễn ra Festival Thơ Huế, là dịp để các nhà thơ Huế và các tỉnh thành khác cùng hội ngộ, giao lưu, ngâm lên những lời thơ trữ tình, sâu sắc ca ngợi quê hương đất nước, con người và biển đảo quê hương.
Huế sẽ trở nên rộn rã và sôi động cùng giới trẻ với Lễ hội Hiphop được tổ chức lần đầu tiên với những phần biễu diễn boying, beatbox, rap, graffiti, DJ. Đặc biệt, lần đầu tiên Ngày hội Khinh khí cầu quốc tế được trình diễn tại Việt Nam sự góp mặt của đội ngũ phi công đến từ các quốc gia: Thái Lan, Hà Lan, Malaysia, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Mỹ, Philippines… Đến với ngày hội, du khách sẽ được xem biểu diễn khinh khí cầu bay tự do với độ cao từ 300m - 500m, bán kính 5km - 10km; khinh khí cầu mini neo đậu tại chỗ và bay lên ở độ cao 30 - 50m và ánh sáng khinh khí cầu. Cùng với hoạt động này, các hoạt động văn hóa - xã hội như: cuộc thi ảnh đẹp “Khoảnh khắc yêu thương”, cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Bầu trời muôn sắc” và ngày hội thả điều ước theo bong bóng.
Những lễ hội rực rỡ và hoành tráng đan xen với những giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên một bữa tiệc văn hóa ấn tượng, đa màu sắc. Festival Huế sẽ mãi là điểm hẹn văn hóa với bạn bè năm châu.
P.A
(SHSDB20/04-2016)