Chiều 25-6, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, TP.Huế) đã khai mạc triển lãm “Dấu ấn Phật giáo trên gốm cổ Satsuma - Nhật Bản”.
Triển lãm trưng bày hơn 100 hiện vật gốm Satsuma - Nhật Bản được giới thiệu đến với công chúng như: tượng Quán Thế Âm, tượng La-hán, tượng bồ-tát, các họa tiết đặc trưng của Phật tích trên chén, đĩa, chén, bình trà...
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng tham dự triển lãm |
Những câu chuyện thường kể trên gốm bằng hình ảnh liên tục cuộc đời Đức Phật, buổi thị giảng theo chiều quay thời gian, từ phải sang trái khắp thân đĩa, thành bình lục, tứ giác, thậm chí hình cầu.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn giới thiệu về Gốm Satsuma |
Ngắm những vị Phật, Bồ-tát thị hiện nét mặt viên dung, hiền hòa bên cạnh những vị La-hán sắc mặt dữ tợn vừa ra tay hàng long hay phục hổ, dễ nhận ra nguyên tắc cân bằng Phật giáo qua hai mặt tương phản chính là sự hòa bình, an tĩnh có được sau những biến động nội tâm dữ dội như nhiên liệu tinh thần thúc đẩy người sùng kính đạo Phật phải luôn kiểm soát các giác quan và hướng tới sự giác ngộ.
Gốm Satsuma với hai dòng Kyo-Satsuma và Gosu-Blue Imperial Satsuma đảm trách xứ mạng truyền bá văn hóa, tôn giáo xứ Phù Tang ra thế giới và không ngừng hấp dẫn giới sưu tập toàn cầu.
Satsuma nổi tiếng không chỉ ở độ khó khi làm thai gốm lớn, nung thủ công khéo léo, vẽ kỹ thuật thổ cẩm Moriage với rồng, họa tiết bút lông sống động, nhũ vàng Nishikie tinh tế... Satsuma còn thể hiện sự dân chủ, cởi mở thông qua các triện ấn chứng một thương hiệu gốm lừng danh và gắn kết tên tuổi của các nghệ nhân có tầm ảnh hưởng đến nghệ thuật trà, trang trí mỹ thuật và hội họa Âu Mỹ cuối thế kỷ XIX.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5-7-2022.
Một số hình ảnh tại Triển lãm:
Phương Anh